Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 239): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (5)

Kỳ 14

Quỳnh vừa đẩy cửa len vào vừa kêu tôi. Trong bộ đồng phục màu xanh của hãng hàng không Quỳnh giống như một nữ quân nhân hơn là một nhân viên dân sự.

-Em phải để xe ở sở. Đi bộ. Khó lắm mới qua được mấy lần kẽm gai tới đây!
Tôi kéo ghế cho Quỳnh ngồi. Cô mở xắc tay lấy chiếc gương nhỏ soi mặt, tô lại son môi và xoa hai tay lên má.
-Em uống gì?
-Ồ! Anh gọi cho em một Sprite.
-Sprite. Tôi đưa tay ra dấu cho người hầu bàn.
Hai tay chống cằm, Quỳnh nhìn tôi:
-Hồi này anh gầy dữ. Sao cả tháng nay anh không gọi em?
Tôi đốt một điếu thuốc, thở khói, không muốn trả lời câu hỏi của Quỳnh. Tôi không thể giải thích cho Quỳnh biết tại sao. Lần dọn nhà sau này tôi không cho cô hay. Tôi lảng sang chuyện khác:
-Sở em lúc này ra sao?
-Rục rịch cắt người. Tháng này có mấy chuyến bay bị cắt. Tháng tới nếu tình hình chính trị không ổn chưa biết ra sao?
-Có ảnh hưởng gỉ đến em không?
-Em không biết. Nhưng em có một phần thưởng của hãng: Được nghỉ một tháng có lương và đi một vòng du lịch Âu Châu. Tất cả đều do hãng CAL đài thọ.
-Sau đó?
-Sau đó tùy em chọn chỗ làm mới: Hongkong hay Tokyo.
-Em có dự tính gì?
-Sài Gòn!
-Tại sao Sài Gòn?
-Bởi vì Sài Gòn có anh!
Trong trí nhớ tôi không bao giờ phai mờ được cái ánh sáng lung linh của đôi mắt màu nâu mã não của Quỳnh khi cô nói câu “Bởi vì Sài Gòn có anh!” Tôi cầm đầu bàn tay Quỳnh. Tôi muốn hôn lên những ngón tay quen thuộc kia, những ngón tay đã từng đánh thức, kêu dậy những tế bào cảm giác tôi. Tôi muốn hôn lên môi Quỳnh, nơi có chiếc răng khểnh như lúc nào cũng mỉm cười với tôi. Tôi muốn siết chặt thân thể Quỳnh.
Khách trong quán mỗi lúc một đông. Người ta đã tìm mọi cách len qua những lượt rào kẽm gai. Người ta muốn chứng kiến tận mắt biểu tình và chống biểu tình. Không khí trong quán hơi ngộp. Khói thuốc lá bị dồn trong một không gian hẹp làm Quỳnh chảy nước mắt. Tuy vậy cô vẫn không tỏ vẻ khó chịu.
-Anh biệt tăm ở đâu mà không gọi em?
-Thì vẫn ở đây!
-Còn chuyện tòa án của anh đã tới đâu? Em có tò mò quá không? Đừng hiểu lầm em?
-Tại sao tôi hiểu lầm em?
-Em muốn nói em quan tâm chuyện đó vì anh, không phải cho em!
Tôi thả những ngón tay của Quỳnh ra, bưng ly expresso, hớp một ngụm nước đen nhạt thếch vô vị. Tôi nhìn thẳng vào mắt Quỳnh, tôi muốn đọc những ý nghĩ trong đầu cô.
-Em không đòi hỏi anh cái gì khác ngoài điều này: Đừng quên em!
Tôi nghịch:
-Tôi có trí nhớ hơi tồi phải không?
-Không. Nhưng em biết nếu vắng mặt em lâu hòn đá trí nhớ của anh sẽ mòn!
-Thôi, không nói chuyện trời đất nữa!
-Anh nghĩ sao?
-Nghĩ sao là sao?
-Anh cảm thấy thế nào khi gặp lại chị ấy?
-Dửng dưng!
-Em xin lỗi anh. Quỳnh cầm lấy tay tôi trong hai tay cô.
-Hồi này tụi nhỏ ra sao, anh?
-Vẫn bình thường.
-Em muốn đưa Đăng và Mai đi ăn kem chiều Thứ Bảy này. Anh nghĩ sao?
-Tôi sẽ đón chúng nó về và em sẽ đi với ba cha con tôi.
-Nhưng anh chưa cho em địa chỉ mới của anh?
-Thì chính là hôm nay tôi muốn cho em biết chỗ ở mới của tôi.
Tôi dụi điếu thuốc lá hút dở chừng xuống gạt tàn. Rồi không biết làm gì, tôi lại rút một điếu khác, châm lửa và thở khói.
-Hồi này anh hút nhiều quá!
-Có sao đâu! Có ai chết vì hút thuốc không?
Quỳnh cầm bao thuốc lên, xoay ngang hông đọc: “Surgeon General's Diease: Smoking Causes Lung Cancer, Heart Diease, Emphysema, and May...”
-Này cô bé, em đừng quên là thuốc lá vẫn tiếp tục sản xuất và bán trên khắp thế giới chớ!
-Phải, nhưng nó vẫn là một thú vui tai hại!
-Trên đời này không có thứ thú vui nào mà không đi kèm nó ít nhiều tai hại!
-Thôi đi, miệng dẻo, em không lý luận với anh nữa. Cho em địa chỉ mới của anh và em trở về sở.
-Em đến thăm tôi đi!
-Thì anh ở đây mà! Còn gì!
-Em biết không? Lúc này tôi rất cần em! Em đi xi nê với tôi đi!
-Không được. Em chỉ xin phép có mấy phút. Thứ Bảy mình gặp nhau!

Kỳ 15
Quỳnh đứng dậy quàng sắc lên vai.
Tôi chép địa chỉ lên phía sau lưng của một hộp quẹt giấy, bỏ vào xắc tay Quỳnh và đưa cô ra cửa.
Đường đã bắt đầu đông người. Tôi đi theo Quỳnh một quãng ngắn.

“Bây giờ anh đi đâu?” Quỳnh chợt đứng lại bên tượng Thủy Quân Lục Chiến hỏi tôi:
“Có lẽ tôi sẽ đi xem một phim mới của Michel Piccoli và Romy Schneider”.
“Nên lắm. Les Choses De La Vie. Thứ Bảy nhé!” Quỳnh nắm chặt những ngón tay tôi như một lời từ giã.

“Ê ai như ông Thăng kìa!”
Trước hàng rào dẫn vào cửa phòng chiếu rạp Rex tôi thấy Uyên và mấy người trẻ tuổi. Một cậu tóc dài phủ ót, quần ống rộng, áo chẽn. Còn cậu kia tóc ngắn, y phục gọn, mắt sáng. Cô gái đứng cạnh Uyên khá cao lớn, cả khuôn mặt như chìm trong đôi mắt kính đen gọng to.
“Chào anh Thăng!” Uyên bước tới đưa tay về phía tôi.
“Chào!” Tôi bắt tay Uyên.
Quần jean xanh bạc màu, sơ-mi trắng rộng, tóc dài bím đuôi sam, Uyên tươi mát và ngây thơ như một thiên thần.
“Xin giới thiệu anh, đây là Cathy Hồng, bạn Uyên, và đây là Tấn và Minh ở Luật Khoa“
“Chào!”
“Và đây là anh Thăng!” Cô giới thiệu tôi với bạn mình.
“Thưa anh.” Cả ba người trẻ tuổi cùng nói.
“Xin lỗi mấy bồ nhé!” Uyên nói với các bạn, và cô kéo tay tôi lôi về phía quầy giải khát bên hông tiền đình.
“Sao hôm đó anh không chờ Uyên?”
“Tại sao tôi phải chờ cô?”
“Đưa bố ra xe trở vào phòng đọc sách thì anh đã đi mất tiêu.”
“Tôi là người ít kiên nhẫn.”
“Sao anh không phone cho Uyên.”
“Nhưng tôi đâu có số điện thoại của cô?”
“Ồ!” Uyên kêu lên bật cười.
“Cô thích Romy Schneider không?” Tôi nói lảng.
“Thích! Anh đi với bọn này nhé!”
“Cô có thể chờ tôi lấy vé được không?”
“Không còn vé đâu!” Uyên chỉ tôi xem tấm bảng Hết Vé dựng trước cửa tò vò.
“Làm sao?”
“Uyên có rất nhiều giấy mời. Anh đi với bọn này nhé?”
“ Cám ơn cô! Để khi khác. Tôi có chút việc phải làm ngay bây giờ.”
“Anh làm sao vậy? Uyên có chuyện muốn nói với anh thực mà!”
Cô bước lại chỗ mấy người bạn. Bốn cái đầu chụm lại. Tôi không nghe họ nói gì, nhưng khi Uyên quay lại cầm lấy tay tôi, tôi 
thấy cả ba đưa tay chào trước khi bước hẳn vào bên trong rạp.
“Mình đi đi anh!”
“Đi đâu?” Tôi ngạc nhiên.
“Thì anh cứ đi với Uyên đã.”
Chúng tôi đi băng qua công viên trước Tòa Đô Chính, đi vào Hành Lang Eden. Những cửa kính trưng bày mỹ phẩm, đồ trang 
sức đàn ông đàn bà. Đèn sáng trong hành lang, nhưng người thưa thớt. Ra khỏi Hàng Lang là đường Tự Do, người đông nhưng có vẻ vội vội vàng vàng. Tôi đứng lại. Trên thềm gạch dọc theo vách nhà sách Xuân Thu là hàng sách “xôn”. Không thiếu thứ gì: tiểu thuyết, sách khoa học, hội họa, âm nhạc, triết học... Lướt mắt trên những tạp chí cũ và những tựa đề sách, tôi cố ý chờ nghe Uyên nói. Nhưng vì cô cứ lặng thinh nên sau cùng tôi phải lên tiếng:
“Đi đâu bây giờ?”
“Uyên muốn uống trà Hoàng Cúc.”
“Trà Hoàng Cúc?” Tôi ngạc nhiên. “Ở đâu vậy?”
“Ở tiệm Hoàng Gia. Đi, anh đi với Uyên.”
Đường Tự Do buổi chiều mát rượi dưới những cơn gió miệt mài từ sông Saigon thổi lên. Uyên khỏe mạnh, trẻ trung, nồng nàn đi bên cạnh một người đàn ông là tôi buồn nản, hoài nghi và nhạt nhẽo. Tôi lê bước theo Uyên trên một con phố thanh bình sang trọng. Chẳng có chút dấu vết nào cho thấy da thịt của Saigon bị những trận cào cấu nhức xương của một người tình phụ phàng trong mấy ngày qua. Tôi nghĩ đến Đăng và Mai, không hiểu chiều nay chúng đang làm gì trong căn nhà nhỏ ở một ngõ hẻm đường Kỳ Đồng. Mẹ chúng nó, người đàn bà lớn lên trong một gia đình mà đồng tiền ngự trị trên tất cả, đã có lần nói với tôi rằng nếu phải đổi tất cả danh dự và phẩm giá con người để có được trong tay cái tài sản trở thành người giàu nhất Saigon cô ta sẽ không do dự đặt danh giá dưới gót chân mình. Cũng may, cô ta không có đủ danh dự và phẩm giá để đổi cho nên số tài sản cô thu vào không đáng là bao.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a3698/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-14-15