Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

Vài suy nghĩ về di sản và những bài học từ cuộc đời Cụ Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh (theo ước định là 19/5)

(nhân trả lời một nhà báo nước ngoài)

Hoàng Hưng

1. Cụ Hồ Chí Minh suốt đời theo đuổi một sự nghiệp lớn lao: giành độc lập thống nhất đất nước, mưu cầu ấm no hạnh phúc cho dân, nhất là công nhân nông dân. Cụ băn khoăn nhiều về việc làm sao cho đảng cầm quyền trong sạch, gần dân, chống quan liêu nhũng nhiễu. Cuộc sống của cụ là tấm gương về nhiều mặt: tận tuỵ vì sự nghiệp chung, không nề gian khổ, không hưởng thụ cá nhân, giản dị, gần gụi mọi người… Vì thế sinh thời, cụ có được sự mến mộ rộng rãi và sức hấp dẫn với đủ các loại người, cả những trí thức Tây học, cựu quan lại viên chức chế độ cũ, cũng như nhiều nhân vật quốc tế.

Điểm chia rẽ lòng người Việt Nam về Cụ Hồ chủ yếu ở cái mà Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định: Cụ đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường xã hội chủ nghĩa vào đất nước, và đó là yếu tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam. Ngày càng nhiều người không coi đó là công lao, ngược lại chính là điều đã dần dần đưa tới sự khủng hoảng, bế tắc toàn diện của đất nước hôm nay, cũng như tình trạng “Bắc thuộc” chưa biết đến bao giờ thoát ra nổi! Từ đó, có sự tranh cãi không ngớt về công-tội của cụ đối với đất nước.

Một số người trung dung, cho rằng Cụ chủ yếu là người yêu nước, tiếp nhận chủ nghĩa Cộng sản chủ yếu như một công cụ phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, và trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và tình hình thế giới thời đó, không có con đường nào khác khả thi để giành độc lập. Cụ cũng rất tin ở lý tưởng Cộng sản, nhưng chủ yếu là trên lý thuyết, còn thực tế đến khi qua đời, Cụ chưa có thực tế trên chính đất nước mình để nhận ra sai lầm khủng khiếp của con đường ảo tưởng ấy!

Nói cho công bằng, Cụ chỉ là nhân vật kết tinh tấn bi kịch lớn nhất của đất nước Việt Nam thời cận và hiện đại: Vì muốn dùng vũ lực giành độc lập, mà phải luỵ vào Cộng sản quốc tế!

2. Những hoài bão của Cụ cho đến nay, mới có một phần có vẻ như thành sự thật: Đất nước đã có độc lập về danh nghĩa, có sự thống nhất về giang sơn. Nếu còn sống, chắc chắn Cụ sẽ rất đau lòng nhìn thấy nền độc lập đổi bằng núi xương sông máu nhưng đến nay vẫn mong manh trước sự phụ thuộc nhiều mặt và nguy cơ xâm lấn của China mà sinh thời Cụ chưa nhận thấy vì quá tin ở “tình quốc tế vô sản”, trước tình trạng dân không một lòng, hố ngăn cách giữa bên thắng - bên thua cuộc chiến vẫn chưa có triển vọng lấp đầy, sự chia rẽ giữa tầng lớp có đặc quyền và người dân cùng với bộ phận cấp tiến trong cựu đảng viên và cán bộ ngày càng sâu sắc. Còn toàn bộ phần ước ao của Cụ về hạnh phúc của dân, về đạo đức của đảng cầm quyền, về quan hệ máu thịt giữa đảng và dân… thì hoàn toàn phá sản! Sự hình thành một tầng lớp đặc quyền cấu kết nhau chia chác mọi nguồn lợi của đất nước đã rõ như ban ngày. Cuộc “đốt lò tham nhũng” gần đây có một số thành quả nhưng mới động đến phần ngọn, chưa dám đánh vào cái gốc của tệ nạn là thể chế độc tài độc đảng không có đối trọng.

3. Những cuộc vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, noi gương đạo đức, tác phong Bác Hồ mà Đảng Cộng sản kiên trì phát động hết năm này sang năm khác, không hề có chút tác dụng thực tế, chỉ tốn kém vô ích và ngày càng tỏ ra chỉ là hình thức màu mè để che đậy thực chất của một bộ máy cầm quyền ngày càng đi ngược lại những cái hay cái đẹp và những lời dạy của Cụ! Chỉ là “ăn mày dĩ vãng” như tựa đề một tiểu thuyết đã xuất bản!

Học tập cái gì, khi (chỉ nói một “chuyện nhỏ”): ngay khi Cụ nằm xuống, người ta đã ngang nhiên sửa di chúc, xây lăng, ướp xác, làm trái hẳn ý nguyện hoả táng của Cụ!

Học tập thế nào đây?

Vì tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng Cộng sản tóm tắt là: vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, thì có tác dụng trong hai cuộc chiến tranh, nhưng đã thất bại thảm hại trong 45 năm hoà bình, và đến nay rõ ràng là vật cản đất nước phát triển.

Vì đạo đức tác phong Hồ Chí Minh như cần kiệm liêm chính chí công vô tư, giản dị, gần dân… thì làm sao thực hiện được đối với đa số những kẻ đang nắm quyền, khoác áo Cộng sản chỉ để bám vào đặc quyền mà thủ lợi riêng?

Và làm sao xây dựng được đội ngũ công bộc của dân chỉ dựa vào thứ “đức trị” mơ hồ, trong khi không dám thực hiện pháp quyền, phân lập ba quyền, thực thi quyền giám sát của dân thông qua tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do ứng cử bầu cử, tự do lập hội?

4. Trông đợi gì ở Đại hội Đảng Cộng sản thứ 13 sắp tới?

Theo những phát biểu của các nhà lãnh đạo trong việc chuẩn bị đại hội, người ta mới thấy sự nhấn mạnh vào yêu cầu đạo đức của những người lãnh đạo sắp tới. Như trên đã nói, “đức trị” không phải yếu tố quyết định sự thành công về chính trị.

Quyết định là đường lối! Tuy nghe phát biểu của các vị thấy vẫn cứ kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê, chủ nghĩa xã hội… nhưng nhiều người vẫn trông đợi một sự thay đổi có tính bước ngoặt về chiến lược phát triển đất nước: Xác định chủ nghĩa yêu nước là lý tưởng duy nhất của toàn dân; kiên quyết xây dựng nền kinh tế thị trường đúng nghĩa; xác định đúng đồng minh chiến lược và đối thủ đấu tranh. Trên cơ sở đó mà cải cách căn bản thể chế chính trị.

Tình hình quốc tế hiện nay cho Việt Nam cơ hội rất thuận lợi để thay đổi theo hướng trên. Nhà cầm quyền đã để mất không ít cơ hội đưa đất nước vào con đường phát triển đúng đắn. Để vuột mất cơ hội lần này là một tội khó lòng tha thứ!

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trong nhà

Hình: BS Hoàng Thuỵ Ba, một trí thức Tây học thế hệ đầu của Việt Nam, bố tôi, từ chối vào Nam làm quan chức chính phủ Cụ Ngô, ở lại miền Bắc, đã thay mặt nhân dân thủ đô tặng hoa Cụ Hồ.