Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

Ngày N+… (kỳ 10)

Hồi ký của Hoàng Khởi Phong
Ngày N + 18, 8 giờ sáng
Giọng Thiếu tá Nguyễn Trọng Mạc Chỉ huy trưởng Trại Cai ma túy vang lên trong máy truyền tin. Ông ra lệnh cho Thượng sĩ trưởng toán lái xe đưa tôi về thẳng văn phòng. Trước kia có một dạo, tôi và Thiếu tá Mạc cùng tiểu đoàn, ông ta coi đồn Đà Lạt, còn tôi coi đồn Pleiku. Thỉnh thoảng có gặp nhau ở Tiểu đoàn bộ, Thiếu tá Mạc không phải là một cấp chỉ huy đủ để cho tôi phục, nhưng tôi cũng không thể xem thường cung cách của ông. Có lần ngại cho tôi bị đì nhiều quá, trước khi thuyên chuyển ra vùng I, ông rủ tôi đi ăn, và rượu vào lời ra, ông nói:
– Đối với thượng cấp moa kính trọng, nhưng không nịnh bợ, luồn cúi. Xa được chừng nào tốt chừng nấy. Đối với thuộc cấp moa nghiêm, không gần gũi quá cũng không xa cách quá, còn với phụ nữ, lúc nào moa cũng có một nhánh hoa trên tay, thế là thành công ở đời.

– Đối với phụ nữ cầm nhánh hoa không chưa đủ.
– Thì cứ khen tưới hột sen lên, nếu cần quỳ gối thì dòm trước dòm sau, không có ai thấy thì quỳ lâu một chút cũng chả sao. Vả lại trước sau gì mình cũng quỳ gối mà.
Ông Mạc cười hóm hỉnh trong cái vụ quỳ này. Rồi thân mật hơn, gần gũi hơn, ông mắng đùa tôi:
– Mẹ kiếp cả cái binh chủng này có được một ông làm thơ, viết văn, tôi tưởng ông văn nhân, nho nhã lắm, nào ngờ gặp mặt thì mới biết ông là con trâu điên, lúc nào cũng chỉ chực húc. Nhưng mà nói thật, có nhiều thằng cũng nên húc cho nó bỏ mẹ. Tôi chỉ cầu mong một cách thành thật, đừng có bao giờ ông vác mặt về làm việc với tôi. Nhớ là tôi không sợ, nhưng mà có cái mặt ông chán lắm.
Sáng nay Thiếu tá Mạc đón tôi với vẻ mặt lầm lì, nhưng ông ta mừng rỡ thật tình khi bắt tay:
– Có một thằng lính của ông đi tàu đến đây trước ông một, hai ngày gì đó, nó nói hết tôi nghe vụ ở Quy Nhơn rồi. Bây giờ vợ con ông ra sao?
– Nhà tôi và hai cháu hiện kẹt ở Cam Ranh.
– Ông chạy hai phùa như vậy, lại nằm trên tàu Mỹ về đây thì chắc là nhược lắm rồi. Bây giờ tôi lo cho ông vài bộ quân phục, tẩm bổ lại cho ông vài ngày. Tôi sẽ đánh công điện về Bộ chỉ huy, ông ở đây cứ tùy nghi.
– Thiếu tá lo cho tôi một chỗ trong chuyến bay tiếp tế về Sài Gòn.
– Về làm gì? Đợi dăm bữa nửa tháng cho ra môn ra khoai rồi hãy về đâu có muộn.
– Tôi nóng ruột lắm, ông cho tôi về biết đâu trời run rủi cho có cách tìm lại vợ con.
– Nói thật ông biết là mình thua rồi. Bây giờ mình chỉ mất dần đi chứ không có lấy lại được mảnh đất nào. Ông có biết ông là ai không? Ông có biết ông đang ngồi ở Phú Quốc, chỗ mà bảy, tám năm trước ông thành danh là Hai Râu không? Việt cộng nó vồ được ông nó thích lắm đó.
– Ông cứ giúp tôi một chỗ bay về để nghe ngóng tình hình vợ con tôi.
– Chính bởi vợ con ông kẹt ở Cam Ranh, tôi mới nói ông ở đây, phút chót mình còn leo lên tàu Mỹ, tàu của Hải quân mình, cùng lắm là ở đây thiếu gì thuyền để mình dọt. Mẹ kiếp, tướng tá của mình nằm ở Guam cả trăm, còn vợ con các sếp nằm ở đó cả ngàn rồi, ông có biết không?
– Không còn vợ con thì còn bố mẹ, ông cứ lo cho tôi máy bay đi.
– Tôi nói thật với ông, doanh trại Tiểu đoàn 14 Quân cảnh trước, bây giờ là chỗ tiếp nhận mấy anh làm cho Mỹ như đám DAO, mấy anh làm Đài phát thanh “Gươm thiêng cứu quốc”, “Mẹ Việt Nam”, v.v. Mỹ sẽ bỏ của chạy lấy người. Mà mình thì lấy gì mà đánh đấm. Tôi đã đưa toàn gia ra ngoài này. Tôi lấy cái tình cũ ở Tiểu đoàn 2 Quân cảnh nói với ông, ở đây đi Mỹ với tôi. Ông còn trẻ, còn có thể làm lại cuộc đời bên đó.
– Tôi biết là Thiếu tá quý tôi lắm mới giãi bày gan ruột, nhưng ông cho tôi về Sài Gòn, ông không lo hộ thì tôi đi ghe về Rạch Giá, rồi đi xe đò về Sài Gòn. Tôi không thể ngồi ở đây được đâu. Mặt ông Mạc lạnh tanh lại, ông nói:
– Được rồi, ông về Sài Gòn. Ở đây với tôi một tuần, mỗi ngày ăn một con gà cho người mập lại một chút. Về Sài Gòn với thân hình này để mà nhát thiên hạ à?
Chúng tôi cùng im lặng, chừng như thấy mình hơi quá lố, ông Mạc hỏi tôi.
– Ông có chơi với Nguyễn Đình Thiều không?
– Thiều Quân cảnh hả?
– Không, Thiều nhà văn Không quân ấy.
– Không, tôi chỉ biết, quen sơ sơ thôi chứ không thân. Nhưng có gì không?
– Hắn chết rồi, tôi tưởng các ông nhà văn, nhà thơ dễ biết nhau. Hắn bị Không quân đưa ra đây để cai ma túy. Hắn chết vì bệnh, vì đủ mọi thứ phá nát cả người. Hắn mới chết chừng hơn vài tuần. Mộ của hắn cũng gần nghĩa địa tù. Nếu ông thân với hắn, tôi bảo thằng cốt đột của tôi lái xe đưa ông đi thăm, không thân thì thôi.
Tôi nghĩ đến danh từ “Nhà văn Không quân” mà ông dùng. Ông Mạc chắc cũng gọi như người ta đã từng quen miệng khi nói tới các nhà văn, nhà thơ gốc quân đội. Cái chữ “Nhà văn Quân đội”, “Nhà thơ Không quân”, “Nhà văn Mũ đỏ”, “Nhà thơ Hải quân” này nghe giễu không thể tưởng được. Cũng may tôi chưa bị ai gọi là “Nhà thơ Quân cảnh”. Cứ nghe như thế là người ta hình dung ra được một cậu, phùng má trợn mắt thổi cái tu huýt, thơ phú thì sặc mùi bắt bớ với quân phong quân kỷ. Cũng may thơ phú tôi dài thậm thượt, lại chuyên trị về tự do, đả phá những thành đồng vách sắt, đại loại được gọi là thơ tranh đấu. Nói dại, nếu mà được phe nhóm thổi lên thành một “nhà thơ Quân cảnh” thì chắc tôi cũng xấu hổ mà chết. Cũng vì những sản phẩm “Quân đội” này mà chúng ta có một chính sách chiến tranh tâm lý rất ư lạ lùng. Nó mị quân một cách trơ trẽn. Những anh thợ hát phùng mỏ gân cổ lên hát những bản nhạc thối hoăng cả lên, làm cho người ta ngộ nhận về quân đội không ít. Kịp đến khi hiểu “hoa cài thép súng”, hay “trăng treo đầu súng” gì đó nó không thật, nhiều cậu bé thơ ngây bỏ cả hoa, bỏ cả súng, bỏ cả trăng và dĩ nhiên bỏ cả quân phục. Ông Mạc cắt ngang sự suy nghĩ của tôi:
– Ông còn muốn về Sài Gòn nữa không?
– Chắc chắn tôi phải về, Thiếu tá.
– Nghỉ khỏe vài ngày đi, tôi lúc này bận mờ người, phần phải lo cho cái trại cai ma túy, phần phải đối phó với hoàn cảnh thực tại. Tôi đã dặn người lo cho ông đủ mọi thứ, ăn ở. Ông ở tạm đây vài ngày. Bây giờ tôi phải đi lo công việc. Có mấy chiếc Jeep thì hư hỏng không có cơ phận thay thế, còn có một chiếc tôi dùng, một chiếc để điều hành đơn vị. Ông cần đi đâu cứ bảo tụi nó lái cho ông đi rồi đón về.
– Tôi chắc chẳng đi đâu đâu, Thiếu tá.
– Nghe nói hồi xưa ở đây ông quen tới mấy cô y tá, quen cả con ông chủ vựa cá, vựa nước mắm mà.
– Mấy cô y tá quen cả nước Quân cảnh Phú Quốc chứ riêng gì mình tôi. Còn thú thật, tôi mà chịu nổi mùi vựa nước mắm thì tôi đã tình nguyện ở đây luôn rồi.
– Phụ nữ thì mười vị đã có tới sáu vị là hũ mắm rồi, có bê một hũ cũng đâu có sao?
– Xin lỗi Thiếu tá, giá nó là một hũ mình chịu được, nhưng nó là một vựa cơ mà.
– Ông có lý. Thôi tôi dọt.
*
Ngày N + 18, 12 giờ trưa
Tôi vừa đẩy cửa bước vào văn phòng, Thiếu tá Mạc nói ngay:
– Tôi bảo nó dọn sẵn cơm cho ông rồi. Xin lỗi tôi phải ăn với gia đình. Ông cứ tự nhiên.
– Có cơm ăn là quý rồi. Tôi vừa nóng ruột, vừa xót bụng.
– Chiều nay đi coi xử tử không?
– Bộ có đặc công Việt cộng trà trộn vào bị bắt hay sao Thiếu tá?
– Không phải, một thiếu úy và một binh sĩ Thủy quân Lục Chiến.
– Tại sao?
– Trên mấy chiếc tàu chở nạn nhân chiến cuộc từ vùng I vô, có nhiều vụ cướp của, giết người và hiếp dâm. Có vụ xảy ra ngay giữa ban ngày. Giết người vứt xác xuống biển. Trước khi tàu cập bến, Hải quân Mỹ đã liên lạc về đây nên khi xuống tàu, mọi người đều bị khám xét, có một số nạn nhân chịu nhận diện thủ phạm. Hai người bị tố cáo không biết có giết người không, có hiếp dâm không, nhưng trong ba lô họ có cả mấy trăm lượng vàng.
– Thế thì xử tử là phải. Nhưng quá trễ. Nước mình trong thời chiến hai mươi năm, tôi thấy tòa án quân sự 95% chỉ xử tội đào ngũ, biển thủ, v.v. Dường như tòa quân sự mặt trận mới mở có vài lần. Một lần xử tử mấy anh Thượng Fulro, một lần xử tướng Vũ Văn Giai cái hồi 72, xử huề. Đáng lẽ mình phải xử tử vài anh tướng, cho về hưu độ hai mươi, ba mươi anh tướng khác, cách chức một số đại tá. Nếu năm năm trước mình đã làm như vậy thì hôm nay chưa chắc đã như thế này.
– Ông có muốn đi coi không?
– Không, tôi nản cái vụ đó lắm. Ngày mai có máy bay không Thiếu tá?
– Không. Chiều nay có một chuyến nhưng chắc là không kịp. Ba ngày nữa mới có chuyến khác.
*
Ngày N + 18, 3 giờ chiều
Tôi ngồi bó gối trên nền nhà cũ. Căn nhà tranh đã mất dấu, nhưng thềm xi măng còn nguyên. Chính nơi đây, trên cái thềm nhà này bảy tám năm trước, chúng tôi, một số những sĩ quan trẻ của miền Nam, có thể gọi là ưu tú bởi vì trong số đó có cử nhân triết Trần Lam Giang, cao học khoa học Trương Hồng Sơn, cao học luật Nguyễn Quốc Súy, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hoàng Phùng Quyền, Cao Huy Tào, Lê Thừa Nghiệp... Chúng tôi mở một trận chiến khác với tù binh Việt cộng. Thành thực mà nói, trận chiến này không sòng phẳng với cả hai phía. Tôi thích trận chiến ngoài mặt trận hơn. Thắng là thắng, thua là thua. Dĩ nhiên thắng và thua được cộng trừ bởi những thây người. Thắng bởi ưu thế về hỏa lực, về nhân số, về địa hình, về phẩm chất binh sĩ và sau cùng là khả năng của cấp chỉ huy cộng với một chút may rủi của Trời. Trận chiến nơi chót cùng hải đảo này khác hẳn. Nó không sòng phẳng, bởi lẽ, cho dù chúng tôi là những binh sĩ, những sĩ quan coi tù, chúng tôi cũng chỉ là những tù binh không hơn kém. Chúng tôi có một chút thoải mái ở ngoài hàng rào.
Nhưng chúng tôi là một tập hợp những con người buồn bã, bởi trong tâm khảm mọi cá nhân nơi đây, ngoại trừ một số người hiếm muộn được chọn lựa để có những ngoại bổng, để có những chức vụ làm bàn đạp cho địa vị tương lai. Hễ thấp cổ bé miệng, hễ bị phạt là trực chỉ Phú Quốc. Bởi vậy, mọi quân nhân mong trả nợ hết một năm về lại đất liền. Không một người nào ý thức được vị trí mình. Phía tù binh thì khác hẳn. Chúng xa hẳn được cái không khí chết chóc, thiếu ăn mất ngủ trong rừng. Không sợ pháo, không sợ B52, không sợ tải đạn, vận lương, giao tranh. Chúng ung dung ăn cho mập, bồi bổ lại sức khỏe của những năm chật vật, mò mẫm trong rừng. Chúng được bảo vệ bởi những cố vấn Mỹ, bảo vệ chúng như một bảo đảm cho những phi công Hoa Kỳ bị rơi ngoài Bắc. Chúng đông hơn mười lần chúng tôi, chúng ở trong hàng rào, ngày ngày làm tạp dịch vài tiếng đồng hồ vớ vẩn, cơm no, tối về học tập. Chúng giữ vững hàng ngũ, tổ chức bằng cách lâu lâu lại biểu tình bãi thực một lần, lâu lâu trừng trị một vài tù binh để củng cố lại hệ thống đảng, đoàn ngũ. Còn chúng tôi cố gắng chu toàn bổn phận chúng tôi, giảm thiểu tới mức tối đa những hành động vi phạm kỷ luật, những vụ đào thoát, trốn trại, thanh trừng. Ở nơi đây bảy năm trước, tôi xót xa nhận thấy phẩm chất binh sĩ của chúng tôi nó rời rạc vô hồn. Và ngược lại trong hàng rào, chúng là những thí dụ tuyệt hảo về những phản ứng có điều kiện của Pavlov: chuông rung, đèn sáng lên, hạch nước miếng hoạt động. Chúng tôi, một số rất ít những người trẻ tuổi có thao thức tới vị trí của mình, có suy nghĩ đôi chút đến tương lai miền Nam như Trương Hồng Sơn, Trần Lam Giang, đã lúng túng giữa hai thái cực.
Chính tại thềm nhà cũ này, chúng tôi bàn cãi tranh luận, họp hành đủ mọi thứ chuyện. Từ công vụ cho đến đời sống riêng tư. Bây giờ nhà cũ đã phá, nền cũ còn đây. Những hàng rào kẽm gai nghiêng ngả, tù binh đã trao đổi hết từ đầu năm 73, bây giờ những người tù binh cũ đó cùng với đồng bọn của chúng, đang dồn ép miền Nam trong trận chiến cuối.
*
Ngày N + 18, 6 giờ chiều
Tôi ghé thăm trường tiểu học “Vườn Hồng”, di sản thứ hai của tôi sau cái nhà nhỏ trên đỉnh đồi. Không giống như cái nhà chỉ còn nền, trường học được mở ra khi quân số Quân cảnh ở đây lên tới hai tiểu đoàn, một số binh sĩ mang vợ con ra ngoài này ở. Cả xã An Thới có một ngôi trường của ông cha đạo chỉ vỏn vẹn hai lớp vỡ lòng. Tôi đã sử dụng quyền hành lấy một số tù binh vào rừng đốn cây, cắt tranh và làm một ngôi trường có bốn lớp học.
Tôi đề nghị với sếp, cắt cử bốn quân nhân Quân cảnh mặt mũi sáng sủa, có bằng Trung học, khỏi canh gác, khỏi dính líu với trại giam, làm thầy giáo bất đắc dĩ. Dần dần tới bốn Tiểu đoàn Quân cảnh, học trò nhiều thêm. Bộ Quốc gia Giáo dục sát nhập trường này vào hệ thống giáo dục của ty Tiểu học Kiên Giang. Trường vẫn giữ tên cũ do tôi đặt “Vườn Hồng” và dưới cái bảng gỗ tên trường, tôi đã viết hai câu thơ:
Khi sương mai long lanh trên đọt cỏ
Là lúc vườn hồng hé nở nụ tươi.”
Tấm bảng tên trường, hai câu thơ cũ vẫn còn đó. Cổng mở, các cửa lớp đóng kín. Tôi lững thững bước vào sân, vẫn còn những cầu tuột, xích đu, tất cả đều là những sản phẩm do tôi cung cấp. Không biết những học trò nhỏ đầu tiên bây giờ ở đâu? Các em hẳn đã theo bố mẹ về đất liền, bố mẹ các em, chắc có người tùng sự tại vùng I, vùng II. Cầu mong cho tất cả các em đừng có ai nằm xuống ở dọc đường.
*
Ngày N + 19, 1 giờ sáng
Hôm nay ngày 6-4-75. Tôi nóng ruột một cách kỳ lạ, tôi đi lững thững trên con đường mòn dẫn ra bãi Kem, một bãi biển tuyệt đẹp, nằm cách trại giam chừng hai cây số. Tôi bắt gặp rất nhiều dân tị nạn đặc biệt cũng đang phơi mình tắm nắng ở đây. Họ là nhân viên của các cơ sở Mỹ, có danh sách ưu tiên di tản vì sợ nguy hiểm đến tính mạng một khi Việt cộng chiếm được miền Nam. Những người này sướng thật. Phục vụ chính nghĩa của miền Nam, nhưng lãnh tiền của ngoại quốc vừa nhiều, vừa an toàn. Chẳng phải trận mạc, bom đạn gì cả, lãnh lương gấp năm, gấp mười những người đang đổ máu ở ngoài mặt trận. Mới hơi nguy hiểm đã được bốc ra chỗ an toàn. Trong đất liền bây giờ, động dạng một chút là họ đã vù ra tàu Mỹ. Bây giờ họ đang cười đùa ầm ĩ, họ đang giỡn sóng, trong lúc cả nước đang ngập mặt vì lửa cháy, đạn bay, và những thây người ngã gục.
Trong đám người này cũng có những người buồn thật vì phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ địa vị ăn trên ngồi trốc, lên xe xuống ngựa. Nhưng cũng có những người ra dáng là mình khôn ngoan, chọn được một vị trí đúng trong khi chống cộng. Bởi vì bước sắp tới của họ, là vĩnh viễn bỏ lại quê nhà, cái nơi chỉ có máu và nước mắt. Những người đó chắc trong vài năm nữa sẽ ghê tởm nước mắm, sẽ bịt mũi trước mắm nêm. Bây giờ họ đã ra dáng là người Mỹ lắm rồi. Cứ trông những cái nhún vai, cứ trông những cái máy ảnh họ đeo lủng lẳng ở cổ, cứ trông những quần áo được mua từ các PX Mỹ là đủ biết.
Họ đâu cần biết chỉ cách họ một bãi đất trống, một hàng rào kẽm gai, trong những khu giam giữ tù binh cũ, có mấy chục ngàn đồng bào của họ đã tan cửa, nát nhà, đã trải qua cùng cực của khổ đau trước khi đến được chỗ này, đang chờ đợi một chút tin lành cho đất nước. Nếu có được chút tin lành này, họ sẽ xin được trở về chốn cũ đã phải bỏ đi, để xây dựng lại từ đầu, khởi đi lại từ đổ vỡ cũ. Tình hình này chắc chắn chỉ có tin dữ. Tôi bước dọc bãi biển. Những hàng dương rạp theo gió.
Leo lên một ghềnh đá cao, tôi nhìn về phía nam đảo, bắt gặp một phiền muộn khác. Một căn nhà bề thế trên một đảo nhỏ đối diện với mũi Ông Đội. Hòn đảo này bề dài chừng hơn một cây số, và căn nhà ngời sáng dưới ánh mặt trời. Đó là căn nhà mát của Đại tá Nguyễn Ngọc Thiệt, cựu Chỉ huy trưởng Quân cảnh hay đúng hơn cựu sếp sòng binh chủng. Chắc hẳn những vật dụng để xây cất căn nhà mát này không thể mua và mang ra từ trong đất liền. Nó phải là vật liệu tại chỗ. Những tôn, xi măng, gạch, ngói đó phải là một phần nào vật liệu để xây cất trại giam, để xây cất khu gia binh, để xây cất nhà thương, trường học, v.v. Tôi nghe nói Đại tá Thiệt còn có một quán ăn đẹp kinh khủng ở mũi Né Phan Thiết, xây cất như một lữ quán trên xa lộ Mỹ.
Và thỉnh thoảng có dịp đến cư xá Lữ Gia để thăm bạn, tôi đi qua nhà riêng của Đại tá Thiệt. Nó giống như một ốc đảo đặc biệt nổi lên giữa những vi-la khác, nó có đủ cái hợm hĩnh của non bộ vĩ đại với vòi nước phun, với tượng và đủ những cái “kỳ dị” khác. Đây mới chỉ là tài sản của một Đại tá lo về quân phong, quân kỷ và ngành tư pháp của quân đội. Hèn nào ông Kỳ có một cái trại hàng trăm mẫu ở Khánh Dương. Ông Khiêm có một lâu đài ở Đà Lạt. Ông Thiệu cũng đang sửa soạn một miếng đất ngon nhất, đẹp nhất và dĩ nhiên lâu đài cũng phải bự hơn của ông Khiêm ở Đà Lạt. Ông Viên có nhà mát ở Vũng Tàu. Các tướng hét ra lửa, mửa ra khói ở miền Nam, mỗi ông đều có một cái gì đó ở Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ.
Cái thời của vua, chúa đã qua, bây giờ là thời của các ông tướng. Mỗi ông do những thỏa hiệp ngầm với nhau, do sự đồng ý với người Mỹ, nói cho đúng hơn, do sự đẹp lòng với người Mỹ, được ăn trên ngồi trốc, nắm quyền sinh sát một vùng. Hồi tưởng lại cái thời cũ, cái thời quân đội Pháp, có ông còn là đội, là cai, có ông là trung úy, đại úy trông thấy Tây là sợ, trống ngực đánh như trống làng. Hai mươi năm qua đi, thời cuộc đẩy các ông lên nắm quyền uy tột đỉnh. Phu nhân của các ông, có bà trước kia bán cháo, bán chè ở ngoài hàng rào trại binh, bây giờ đã đọc diễn văn, đã họp báo với một mớ kiến thức hổ lốn của nồi chè hai mươi năm trước.
Miền Nam quả là đã đến hồi mạt vận.
Ngày N + 19, 2 giờ chiều
Ghé văn phòng ông Mạc để hỏi vụ phi cơ, và được trả lời từ bây giờ chỉ biết trước khi nào phi cơ sắp tới. Điệu này chắc tôi sẽ đi ghe về Rạch Giá rồi đáp xe đò về Sài Gòn. Thượng sĩ Hiệp, nhân viên cũ cho tôi biết ghe đi Rạch Giá có hàng ngày. Khởi hành ở An Thới vào hồi sáu giờ chiều, sáng hôm sau đã tới Rạch Giá. Tôi quyết định ngay chiều nay sẽ vĩnh viễn giã từ Phú Quốc.
Ghé văn phòng Thiếu tá Mạc để từ giã. Nhưng không gặp, nhờ một hạ sĩ quan Quân cảnh lái xe đưa ra chợ An Thới, hắn tưởng tôi đi thăm người quen, đến khi biết tôi muốn đi ghe về Rạch Giá, hắn có vẻ ngậm ngùi. Ngang qua chợ An Thới, những căn nhà lụp xụp của tám năm trước đã thay đổi gần hết, tôi thấy một số người quen cũ. Cứ trông dáng điệu là đủ biết họ không còn là ngư dân thuần túy nữa.
Thôi giã từ tất cả, vĩnh biệt nền nhà cũ, mái trường xưa. Không biết rồi đây khi sương mai long lanh trên đọt cỏ, có còn nụ hồng nào để hé nở nữa không? Giã từ bãi Kem, mũi Ông Đội, những di tích của Gia Long trong thời tẩu quốc. Giã từ chợ An Thới, cùng với những ngư dân mỗi ngày mỗi xa biển hơn, giã từ luôn cả những vựa nước mắm, kể cả cô Lài, cô Lý, cô Huệ, cô Bông của một ngày nào tám năm trước. Và sau cùng vĩnh biệt một phần đời sôi nổi nhất, hào hứng nhất, thi vị nhất, phũ phàng nhất, lý tưởng nhất, và chó đẻ nhất của tôi ở phần đất này.
(Xem tiếp kỳ sau)