Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Công lý tố tụng, công lý nội dung, công lý thực thụ (*)

Lê Nguyễn Duy Hậu
Đối với nhiều người trong giới luật, Hồ Duy Hải là cái tên gây “ám ảnh” nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh mà những Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén… lần lượt kêu oan thành công, thì người mẹ của Hải vẫn ngày đêm thỉnh nguyện trong vô vọng với bản án của con mình. Mà đâu phải tiếng nói của mẹ Hải không được lắng nghe, Hải có lẽ là tội nhân có bản án bị nâng lên đặt xuống, bị soi chiếu, bị thanh tra thẩm định nhiều nhất trong lịch sử. Rốt cuộc bản án của Hải vẫn giữ nguyên, người ta vẫn nói Hải không oan.

Mình tin chắc rằng không ai có thể nói Hải có oan hay không. Nhưng có điều chắc chắn là vụ án của Hải biểu trưng cho bất kỳ những gì tệ hại nhất về tố tụng, những bằng chứng bị làm giảm, lời khai không khớp, hiện trường không chuẩn… Chỉ có Hải là không kêu oan vào những thời khắc quyết định nhất như nhận định của Tòa tối cao. Một bản án như vậy nếu chiếu theo những chuẩn mực nhân quyền cơ bản nhất mà giới luật sư được học và Việt Nam đã cam kết với quốc tế, thì bản án của Hồ Duy Hải chắc chắn phải bị hủy bỏ, phải bị xé đi. “Quả trên cây sâu thì không thể ăn được”, thế giới thường ví von như vậy khi nói về những chứng cứ bị thu thập một cách bất hợp pháp thì dứt khoát không thể dùng. “Nếu như còn bất kỳ sự nghi ngờ hợp lý nào về sự có tội của bị cáo, nhiệm vụ của quan tòa là phải tuyên người ấy vô tội”, nguyên tắc suy đoán vô tội, chuẩn mực chứng cứ phải vượt khỏi “nghi ngờ hợp lý” về sự có tội của phạm nhân cũng sẽ khiến cho bản án của Hải không thể tồn tại.
Thế nhưng, có điều gì đó không đúng ở đây? Trong ba cái tên Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén, chỉ có duy nhất Hàn Đức Long thoát tội khi người ta chưa tìm ra “hung thủ thật sự”. Kết quả là buổi xin lỗi công khai ông Long trở thành nơi cho gia đình nạn nhân trút giận. Trong suốt nhiều năm, họ đã tin rằng công lý được thực thi khi Long bị bắt, để rồi vỡ vụn khi Long được minh oan mà kẻ thủ ác thật sự thì còn nhởn nhơ. Báo Pháp Luật Online sau đó đã hỏi rất đúng, công lý cho Long rồi, thì công lý cho gia đình nạn nhân nơi đâu?
Nhưng “công lý” là gì? Mà “công lý tư pháp” là gì? Khái niệm đó có phải thật sự của chúng ta? Hay đó là một khái niệm xa lạ? Hãy thử làm một thí nghiệm tư duy, cùng nhắm mắt lại và nghĩ xem chúng ta mong chờ gì ở một vụ án? Phải chăng đó là bị cáo được xét xử công bằng hay là chúng ta cần “đúng người” nhưng trên hết là phải “đúng tội”? Chúng ta cần một thẩm phán biết cân nhắc đến quyền lợi của bị cáo, để rồi đưa ra các bản án chống lại xã hội, chống lại phe công tố và tha bổng cho bị cáo dù không biết hắn có tội không. Hay chúng ta tin tưởng hình tượng một Bao Công xử án với đầy đủ những phương pháp mà luật tố tụng hình sự hiện đại chắc phải nhíu mày (bức cung, nhục hình, dọa ma, ăn cắp chứng cứ, v.v.)? Có lẽ nó cũng xuất phát từ văn hóa của phương Đông coi trọng quyền lực của chính quyền, và trên chính quyền thì không còn một chuẩn mực đạo đức, công bằng nào nữa. Điều này khác với phương Tây khi nền tư pháp hình sự của họ chịu sự điều chỉnh bởi những giáo điều Thiên Chúa. Kì thực, cái gọi là “suy đoán vô tội” hay “nghi ngờ hợp lý” đâu phải xuất phát từ việc người ta mong muốn bảo vệ cho lợi ích của bị cáo. Cốt lõi của hai khái niệm này là để giúp cho lương tâm những người phải đưa ra phán quyết được che chở trước sự phán xét của Đấng Tối Cao. Dần dần thì các cuộc cách mạng, kéo theo sự nghi ngờ hơn nữa với quyền lực Nhà nước, đã khiến nền tư pháp hình sự phương Tây có vẻ như coi trọng quyền lợi của bị cáo như vậy.
Còn ta? Liệu ta có chấp nhận tặc lưỡi gọi đó là công lý khi 12 người đàn ông nổi giận tuyên cho cậu bé bị cáo buộc giết cha trắng án chỉ vì có những lỗ hổng trong chứng cứ trình tòa? Liệu ta có đồng ý để cho một kẻ thủ ác được thả tự do vì lý do kỹ thuật, bất chấp niềm tin nội tâm, kinh nghiệm làm án, và cả lời thú tội trong bí mật của y mách bảo chắc chắn rằng đó là kẻ đã xuống tay giết người? Tự trả lời câu hỏi trên với góc nhìn văn hóa xưa nay của chúng ta về “công lý” có thể giúp trả lời phần nào vì sao mãi đến năm 2017 thì luật sư mới được quyền bao che cho thân chủ, hay cho đến nay vẫn còn quy định rằng nếu sự thật của vụ án là Hải giết người, thì Hải có giết bằng dao mua ngoài chợ hay bằng thớt cũng không quan trọng. Nếu như quan tòa nhìn thấy đáp số bằng một cách nào đó, thì tố tụng liệu có quan trọng? Công lý tố tụng chỉ là hình thức, công lý nội dung mới là thực chất. Vì lẽ đó mà môn luật hình sự có bao giờ dạy về chứng cứ.
Nhưng rồi thì ta phải tự vấn bản thân ra sao khi một phần con người ta lại mách bảo rằng chính quyền thì phải đàng hoàng, rằng nếu chỉ cần niềm tin nội tâm hay lời thú tội thì đem ra xét xử để làm gì? Trình tự công bằng để làm gì nếu như những bản án như của Hải không bị vứt đi? Xét xử một vụ án hình sự chưa bao giờ là dễ dàng cả. Vẫn là câu hỏi muôn thưở, nếu anh biết chắc bị cáo có tội nhưng anh không thể chứng minh, anh sẽ tuyên án như thế nào? Một câu trả lời kinh điển sẽ là, nếu anh không thể chứng minh, tức là anh không biết chắc, mà nếu anh không biết chắc, tức là người ta không có tội. Xã hội chúng ta liệu đã có thể hài lòng với mạch suy nghĩ đó trong một vụ án thật sự?
Mình không dám lạm bàn về vụ án Hồ Duy Hải. Bản thân mình tin rằng xã hội xứng đáng có một cuộc điều tra đàng hoàng hơn, nhưng có lẽ điều đó là không thực tế (vì yếu tố thời gian), và có khi cũng không quan trọng (gia đình nạn nhân có lẽ không muốn điều đó). Mình cũng tin rằng nếu chúng ta không hài hòa được hai vấn đề công lý tố tụng và công lý nội dung và giữ niềm tin (như làm toán) rằng chỉ khi chúng ta theo đuổi những quy trình đàng hoàng, thì công lý thực thụ mới lộ diện, thì xã hội sẽ rất nguy hiểm bởi sự tùy tiện. Nhưng không ai dám nói thay thật sự xã hội đang muốn điều gì. Có lẽ là không gì cả, vì xã hội vốn dĩ cũng không biết phải tin vào điều gì.
Một điều trùng hợp (và giờ đây có phần trớ trêu) là ngành Tòa án suy nghĩ về việc đúc bức tượng nào / của ai để biểu trưng cho “công lý” chỉ vài ngày trước phiên tòa xử Hải. Cho đến hôm nay thì có thể khẳng định đó là một việc làm không có nhiều ý nghĩa. Hãy để dành tiền của, công sức, và cả sự dũng cảm để thừa nhận rằng chúng ta chưa thật sự định nghĩa được công lý mà chúng ta muốn là gì, và cố gắng tìm ra nó. Khi đã tìm ra rồi, biểu tượng của công lý có thể là cái trống, là một ông vua, một vị thần bịt mắt, 17 thẩm phán tin vào việc kết tội thủ phạm quan trọng hơn thủ tục tố tụng, hoặc 12 người đàn ông không tuyên án tử một con người vì những nghi ngờ hợp lý của họ.
(*) Nhan đề của Văn Việt.