Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Về tiểu sử Thế Lữ (kỳ 1)

Vu Gia

Gần đây trên mạng xã hội lưu hành bài viết có nhiều chi tiết sai lạc liên quan đến tiểu sử của Thế Lữ (xem ở đây). Văn Việt xin trích đăng phần tiểu sử Thế Lữ, trong cuốn Thế Lữ – Một khách tình si (NXB Thanh niên, H, 2009, tr. 22-100) của nhà nghiên cứu Vu Gia, như một tài liệu hữu ích cho những ai quan tâm đến vấn đề.
Văn Việt




Thế Lữ - một khách tình si - Báo Người lao động
Đề cập đến 20tiểu sử nhà thơ Thế Lữ, chắc không ai sớm hơn Hoài Thanh – Hoài Chân, đồng tác giả công trình Thi nhân Việt Nam 1932-1941. Ở công trình này, đồng tác giả viết: “Thế Lữ - Chính tên là Nguyễn Thứ Lễ. Sinh tháng 10 năm Đinh Mùi (1907). Nơi sinh Thế Lữ lấy làm lạ thấy người nhà nói là Thái Hà ấp Hà Nội, còn thi sĩ thì cứ tưởng là Lạng Sơn, nơi đã ở từ khi còn bé đến năm 11 tuổi”[1]. Nhiều công trình về sau này cũng viết na ná như vậy. Cụ thể, Tuyển tập Thế Lữ, viết: “Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Từ bé, sống ở Lạng Sơn đến năm lên chín”[2]; Tập truyện ngắn Tiếng hú ban đêm (NXB Văn hóa dân tộc, H, 1990) do Ngô Văn Giá sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu; hoặc cuốn Thế Lữ – Cây đàn muôn điệu do Mai Hương sưu tầm và tuyển chọn (NXB Văn hóa Thông tin, H, 2000) đều lấy lại phần tiểu sử Thế Lữ trong Tuyển tập Thế Lữ, chứ không có gì mới; hoặc tập hồi tưởng Nhớ bạn của Nguyễn Lương Ngọc (NXB Văn học, H, 1992), viết: “Thế Lữ […] quê ở tỉnh Hà Bắc”…

Nguyên Hồng thì cho biết: “Thế Lữ cũng mồ côi cha từ sớm. Thế Lữ không những chỉ học chữ rất giỏi. Trong tủ sách ngồn ngộn của Thế Lữ vẫn còn một bức tranh thuốc nước, Thế Lữ họa khi ở trường Mỹ thuật. Nhưng Thế Lữ dù tài đến như thế, được vào cả trường Mỹ thuật rồi mà cũng vẫn bỏ… để làm thơ, làm báo. Thế Lữ đã sống ở Lạng Sơn với bà mẹ”.[3]
Từ điển Văn học (bộ mới) do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2004, ghi: “Thế Lữ (6.X.1907 – 3.VI.1989). Nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Bút danh khác: Lê Ta. Tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, (nay là huyện Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Sinh trong một gia đình viên chức nhỏ. Thuở nhỏ, học ở Hải Phòng. 1928, học xong bậc Thành chung, vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng chỉ sau một năm, bỏ học. 1932, bắt đầu tham gia Tự lực văn đoàn”.[4]
Năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bạn đọc cuốn Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm do Phạm Đình Ân sưu tầm và tuyển chọn, ghi: “Thế Lữ sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội trong một gia đình viên chức nhỏ. Quê bố ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh; quê mẹ ở Nam Định. Thế Lữ có tên ban đầu là Nguyễn Đình Lễ. Sau đó đổi thành Nguyễn Thứ Lễ. Gọi là Thứ vì là con thứ. Khi lên mười tuổi thì xảy ra sự kiện người anh trai mười một tuổi mất, gia đình lấy lại tên Nguyễn Đình Lễ. Một thời gian sau ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, đến khi viết văn, nói lái thành Nguyễn Thế Lữ. Bút danh có được do nói lái tên thật trùng hợp với quan niệm sống của Thế Lữ khi ấy là “người khách đi qua trần thế”. Bút danh khác (chỉ dùng khi viết báo) là Lê Ta. Thuở nhỏ ở Lạng Sơn, sau đó về Hải Phòng học Sơ học và Thành chung. Năm 1929, học xong năm thứ ba bậc Thành chung thì về Hà Nội thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học được một năm thì bỏ. Khi còn ở tuổi mười tám, đôi mươi, sống ở Hải Phòng, Thế Lữ đã viết truyện, làm thơ. Ông sắm vai kịch nói từ năm 1928”.[5]
Năm 2007, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thế Lữ, Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành cuốn 100 năm Thế Lữ, về phần tiểu sử có viết: “Thế Lữ (còn có bút danh Lê Ta) tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907, tại ấp Thái Hà, Hà Nội.
- Quê quán: Làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Tiên Sơn), tỉnh Bắc Ninh”.[6]
Hoài Việt thì cho biết, “ông sống với thân phụ ở Lạng Sơn từ bé”.[7]
Mấy chục năm qua ở đất nước ta, nói đến Thế Lữ, về cái chung hầu như ai cũng biết đó là nhà thơ trụ cột của nhóm Tự lực văn đoàn và là người khẳng định lối “thơ mới” trong lịch sử văn học Việt Nam. Thế nhưng khi nói về quê hương của Thế Lữ thì không ít người ngắc ngứ. Nhiều tư liệu văn học cũng nói khác nhau về quê hương ông. Tháng 9-2002, tôi ra Hà Nội, gặp một vài người đã viết ít nhiều về Thế Lữ, nhưng ai nấy cũng cười, thú thật là… “nghe nói như thế”. Gặp Nghệ sĩ nhân dân Song Kim (tại 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hà Nội), bà cũng không biết gì lắm về quê chồng, dù đã chung sống với ông gần nửa thế kỷ. Khi tôi về Hải Phòng tìm hiểu thân thế nhà văn Trần Tiêu, thì một số anh em ở Hải Phòng khẳng định với tôi, Thế Lữ là dân gốc Hải Phòng.
Trước khi làm chuyến Bắc du này, tôi đã viết bốn nhân vật trong nhóm Tự lực văn đoàn. Và khi viết cuốn nghiên cứu về Nhất Linh (1995), anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh có cho tôi một bản thảo viết tay Mấy lời nói đầu (hồi ký Đời làm báo) của Nhất Linh. Theo những gì nhà văn Nhất Linh đã viết trong bản thảo này thì Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, người làng Phù Đổng. Khi làm thơ viết văn, ông ký tên Nguyễn Thứ Lễ, sau đổi thành Thế Lữ; viết tạp văn, Thế Lữ ký Lê Ta (Ta: ngã - Lê ngã Lễ). Vì muốn viết tất cả những thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn nên tôi đọc khá nhiều những tài liệu liên quan. Trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Xuân Diệu có viết về tiểu sử của Thế Lữ. Theo Xuân Diệu, vì nhớ đến tình ân cần của Thế Lữ dành cho mình khi mới chập chững bước vào làng thơ, nên “năm 1974, trước khi giải phóng Sài Gòn, tôi đã đến yêu cầu Thế Lữ nếu anh không viết được hồi ký về đời anh, thì hãy kể lại, để tôi làm thư ký ghi chép cho. Do như vậy mà mới có được những trang sau đây”[8]. Và Xuân Diệu viết tiểu sử Thế Lữ, đến ngày 14-1-1984, công bố trên báo Văn nghệ. Lúc này, Thế Lữ còn sống mà không thấy có ý kiến gì thì người đọc có thể tin được. Lời kể của Thế Lữ được Xuân Diệu ghi lại: “Tôi sinh năm 1907, ở Thái Hà ấp (Hà Nội). Quê bố tôi ở Phù Đổng, mẹ ở Nam Định. Bố tôi làm sếp ga ở Lạng Sơn, và đã làm sếp ga ở trên đường sắt từ Lạng Sơn đi Thanh Hóa, sau cùng lại sếp ga Lạng Sơn. Khi làm ở ga Đồng Văn, gặp mẹ tôi là người bán vải, bán lụa trên tàu. Tôi gọi bố là “Anh”, gọi mẹ là “Mợ”; lớn lên thấy mình ở Lạng Sơn, không thấy bố đâu, chỉ có người mà tôi gọi là “U”. Bố tôi lấy mẹ tôi trước, nhưng gia đình bố không công nhận; mẹ tôi thu xếp tìm người lấy vợ cho bố tôi, người ấy được gọi là “bà Cả” (đó là người mà tôi gọi là U); người mà tôi gọi là “Mợ” thì tôi lại quấn quýt lạ lùng; khi người ấy lên Lạng Sơn thăm tôi, thì tôi mừng lắm. Mẹ tôi còn có một anh tôi nữa (con thứ hai là tôi, nên đặt là Thứ Lễ). Bố tôi chỉ sinh một con gái với bà kia[9], tôi gọi là “cái gái” bé hơn tôi, nhưng mọi người bắt tôi gọi là chị; tôi cứ gọi là “cái gái”! Bố tôi có hai bà: “Mợ” là mẹ đẻ ra tôi, và “U” là người lấy bố tôi sau.
U cũng thương tôi, bà có con riêng, nên dù thương tôi đến đâu cũng có thiên lệch. Người ta nói mỉa mai tôi: “Mày rồi sớm muộn cũng theo mợ xuống Hải Phòng”. Bà nội tôi mỗi khi gắt gỏng: “Tao gọi con An lên đưa mày đi. Bố mày cũng như mày, là giống bạc”. Ông bố tôi tính ngang tàng, hay đi; có lúc chửi nhau với Tây, bỏ việc; nó bắt bỏ tù, mợ tôi và u tôi chạy tiền lo cho ra. Tôi chỉ thấy có bà nội tôi, đồng bóng và hay uống rượu.
Ở Lạng Sơn, tôi sống trong tình thương nhớ. Khi mợ tôi lên thăm, rồi trở về, tôi nhỏ quá, thấy tàu chạy, lấy tay sờ vào đường sắt, nghĩ rằng sự đụng tay sẽ truyền đi theo với mẹ. Khi sinh tôi ra, thì mẹ tôi còn ở Hà Nội, bà buôn hàng tơ. Gia đình trên Lạng Sơn nghe tin đẻ đứa con trai thứ hai, lập mưu cho mẹ tôi đưa tôi lên thăm, rồi giữ tôi ở lại trên đó. - Chỉ những năm bố tôi làm sếp ga Sen Hồ, Đồng Văn, Thanh Hóa… là có lẽ bố tôi và mẹ tôi được ở với nhau, còn khi bố tôi làm sếp ga Lạng Sơn, thì thôi. Bà nội tôi không bắt được đứa con đầu lòng, thì bắt đứa thứ hai, giữ tôi lại, cho là nhà hiếm. Nghe nói mẹ tôi đã cúng tôi vào đền, đặt tên là Thảo. Anh tôi hơn tôi một tuổi, mất khi tôi lên mười. Mẹ tôi bày kế đánh tháo tôi về Hải Phòng, ở với mẹ. Lúc đó tôi mới hết thương nhớ mẹ tôi.
Bố tôi không ở với ai cả. Bà bảo tôi: “Bố mày tuổi mùi, con dê, nó cứ lồng đi”. Bố tôi bỏ việc nên không có lương tiền gì. Bố đi dạy học ở các làng đồng bào Thổ (Tày), dạy quốc ngữ và tiếng Pháp người ta quý lắm. U tôi làm hàng xáo, bán các chợ quanh.
Ngày bé, cứ thấy người lớn làm gì thì bắt chước. Làm đám ma con cua chết; em gái tôi là vợ cua, phải khóc; tôi lấy roi đét, nó khóc ầm, bỏ về nhà. Bà nội tôi lôi cả hai về đánh.
Lên tám tuổi, tôi học chữ nho. Tôi sợ phải đòn, trốn học, thầy đồ sai học sinh, có khi trói tay trói chân tôi, cho đòn càn gánh về. Tôi càng sợ. Mười một tuổi mới học quốc ngữ với ông bác họ. Ông ít đánh. Học chóng lắm. Nhưng chưa đọc thông, đã về với mẹ. Xuống Hải Phòng, mẹ tôi xin cho đi học tư với thầy ký Tứ, là bố bạn Vũ Đình Quý, người bạn thân đầu tiên của tôi. Được ít lâu thì trường Pháp Việt (Ecole communale) phố Ngõ Nghè mở. Tôi xin vào học lớp năm (đồng ấu). Thầy Tứ ghi hộ vào đơn. Họ: không biết. Tên: Lễ. Lên lớp nhất, sắp thi sơ học, mới ghi cả họ tên Nguyễn Đình Lễ.
Người ta gọi bà nội tôi là “Ông đồng”, hoặc “đồng Ông”. Bà bán tôi cho cửa thánh, suýt nữa tôi bị dùi tai (làm con gái), nhưng tôi tránh được.
Mẹ tôi vốn là công giáo. Yêu bố tôi lắm, mới vượt phép nhà, theo bố tôi là người bên lương. Ông ngoại tôi là thầy thuốc, mẹ tôi đọc được sách chữ nho. Mẹ tôi nổi tiếng là bà Lang Thụ, chuyên chữa trẻ con. Do đó mà nhà có bát ăn, bát để. Vợ bác sĩ có con sài đẹn, giấu chồng, mời mẹ tôi chữa cho, chóng khỏi hơn bố là bác sĩ chữa”.[10]
Từ những tư liệu đã có trong tay, tôi “Đi tìm quê hương Thế Lữ”[11]. Như đã kể ở trên, nghĩ những tư liệu mình có trong tay không sai, nhưng… chưa chắc trúng, nên phòng hờ, hẹn với anh em ở Hải Phòng sẽ trở lại và nhờ anh em “định vị tọa độ” trước để đỡ mất thời gian.
Trở về Hà Nội. Một buổi sáng ngồi uống cà phê với nhà văn Nguyễn Bản (lúc đó đã 73 tuổi nhưng còn rất khỏe, chạy xe máy vù vù). Đề tài trong cuộc nói chuyện bên tách cà phê không ngoài nhân vật Thế Lữ. Thế là cao hứng, hai anh em về làng Phù Đổng. Nguyễn Bản tự hào mình là “thổ địa” vùng Kinh Bắc. Làng Phù Đổng trước kia thuộc Bắc Ninh, khi tôi đến (9-2002) thì thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nguyễn Bản vừa chở tôi trên xe máy, vừa nói chắc như đinh đóng cột: “Ông yên tâm, làng Phù Đổng, tôi thuộc như lòng bàn tay”.
Trời chớm thu, đường về làng Phù Đổng khá đẹp. Sông Hồng vẫn đỏ lựng phù sa, nhưng trông hiền hòa lắm lắm. Hoa màu đã trải màu xanh ngút ngàn dịu mắt. Đường vào làng cao ráo, hai bên là ruộng và không thiếu những ngôi nhà mái ngói, mái bằng nhưng vẫn đầy những lũy tre xanh cùng những chú bò thảnh thơi gặm cỏ… Ủy ban nhân dân xã Phù Đổng khá khang trang, nép dưới chân đê không kém phần thơ mộng. Sau khi biết được ý định của chúng tôi, những người có mặt tại Ủy ban nhân dân xã khẳng định Thế Lữ không phải là người làng Phù Đổng, dù thời cắp sách đến trường họ đã học về Thế Lữ, thậm chí có người còn đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ của Thế Lữ. Các anh chị ở Ủy ban nhân dân xã Phù Đổng cho rằng tôi ở miền Nam nên không tường, bởi họ chưa nghe, chưa gặp một ai về đây hỏi quê hương Thế Lữ cả.
Thấy chúng tôi chần chừ và… hơi thất vọng, một anh trẻ tuổi nói:
- Tôi đưa các bác qua gặp đồng chí Nho, thường trực Đảng ủy xã. Đồng chí này biết các nhà văn, nhà thơ nhiều hơn chúng tôi.
Văn phòng Đảng ủy xã cũng nằm trong khuôn viên Ủy ban nhân dân xã và chúng tôi được các anh trong Đảng ủy đón tiếp niềm nở. Sau chén nước trà đặc quánh và vài khói thuốc lào, anh Nho cũng khẳng định nhà thơ Thế Lữ không phải người địa phương này:
- Nhà thơ Thế Lữ nổi tiếng như thế, nếu chỉ dính dáng sơ sơ như hoạt động ở vùng này lưng nửa tháng là chúng tôi cũng tự hào lắm rồi, huống gì là người con của quê hương. Theo tôi biết, đồng chí là người đầu tiên về đây hỏi quê hương Thế Lữ.
Khi chúng tôi hỏi về nhà thờ họ Nguyễn ở đây thì mới biết chiến tranh đã tàn phá hết. Thấy gương mặt thẫn thờ của chúng tôi, anh Nho nói:
- Các bác uống trà, ngồi nghỉ một lát, tôi đưa các bác đến một số người lớn tuổi để các bác hỏi thêm, chứ lớp trẻ như chúng tôi thì chỉ biết có thế.
Chúng tôi cùng anh Nho đến một số người mà anh tin là sẽ cung cấp được cho chúng tôi chút tin gì về thân thế nhà thơ Thế Lữ, nhưng… ai cũng vắng nhà. Suy nghĩ một lúc, anh nói:
- Được rồi, các bác chịu khó theo tôi. Tôi đưa các bác đến nhà một ông giáo 44 tuổi Đảng, 40 năm dạy văn cấp 2 tại địa phương. Nếu địa chỉ này không được nữa thì… các bác thông cảm nhé.
Nhiệt tình như thế là quá quý rồi, chúng tôi nỡ nào có lời trách mà thông cảm với không thông cảm.
- Cụ giáo Huân nhà ta có ở nhà không nhỉ?
Khi nghe tiếng đáp, anh Nho vui mừng ra mặt và có lời “gửi gắm” với chủ nhà rồi chia tay chúng tôi để về cơ quan lo công việc.
Ông giáo Huân (họ Doãn) được Đảng ủy xã giao sưu tầm tư liệu viết lịch sử Đảng bộ địa phương, nhưng với Thế Lữ thì… mơ mơ màng màng. Bố ông làm nghề dạy học trước Cách mạng Tháng Tám ở Hải Phòng có qua lại với Thế Lữ. Ngày đó, ông theo bố xuống học dưới Hải Phòng và từng gặp mặt Thế Lữ, từng nghe bố nói Thế Lữ là người cùng làng, thế nhưng… chẳng có bằng chứng gì cụ thể, vì hồi ấy ông chỉ nghe và biết vậy chứ nào có quan tâm. Ông lấy cuốn Thế Lữ - Cây đàn muôn điệu do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2000, đưa cho chúng xem và nói:
- Cuốn sách này mới biên soạn do một nhà xuất bản Trung ương in cũng khẳng định “Thế Lữ sinh ở Hà Nội” và chỉ nhắc đến các địa danh Lạng Sơn, Hải Phòng chứ có dòng nào nói đến làng Phù Đổng đâu. Do vậy, có khi các đồng chí nhầm như tôi từng nhầm theo lời kể của bố mình.
Lúc tôi hỏi ông biết nhà nào họ Nguyễn có đặt bàn thờ lớn hơn những bàn thờ bình thường của mỗi gia đình trong xã, thì ông lắc đầu, rồi cười vui lên tiếng:
- Các đồng chí uống xong chén nước, ta đi.
Và chúng tôi cùng nhau đi trên những con đường làng thoáng đãng dưới cái nắng ong vàng vùng Kinh Bắc.
Ông giáo Huân đưa chúng tôi vào Ban Quản lý di tích đền Phù Đổng ngồi chơi một lát chờ ông đi tìm người hỏi việc. Sau đó, ông đưa chúng tôi đến ngôi nhà ngói ba gian còn mới, sân gạch có hoa kiểng không xa đó bao nhiêu. Các vì kèo được khắc chạm không công phu lắm, nhưng không giống những ngôi nhà mà tôi đã đến. Khi được chủ nhà mở cửa mời vào, thấy hoành phi, câu đối, tôi biết chắc đây là ngôi từ đường của dòng họ. Tôi hỏi ngay:
- Xin lỗi, anh có phải người họ Nguyễn không?
Đúng là anh họ Nguyễn. Gọi đầy đủ là Nguyễn Văn Phúc (sinh năm 1947), và ngôi nhà này dùng để thờ các cụ tổ trở xuống. Gia phả thì cũng đã thất lạc vì chiến tranh, nhiều người trong họ muốn phục hồi lắm mà chưa có điều kiện. Khi hỏi về Thế Lữ, anh khẳng định Thế Lữ là người trong họ, anh gọi bằng bác. Những năm 1972-1974, anh thường đến nhà Thế Lữ chơi. Một lần các cụ trong họ, muốn giữ cái nền nhà thờ (nơi anh đang tiếp chúng tôi, còn gia đình anh thì ở dưới nhà ngang) để tiếp tục làm nơi hương khói tổ tiên, thì sai anh đến lấy chữ ký của Thế Lữ. Khi anh cưới vợ, Thế Lữ hứa về dự, nhưng đến ngày cưới chỉ tặng quà, vì bận đi công tác xa. Tôi hỏi nhà Thế Lữ ở Hà Nội chỗ nào, anh nói đúng nhà, đúng một số chi tiết bài trí trong nhà mà tôi đã đến, đã quan sát nên cũng tin.
Qua một hồi trò chuyện, anh không rõ lắm việc gọi Thế Lữ bằng bác là gọi theo Thế Lữ và hay vợ Thế Lữ. Ở đây, người ta gọi anh của bố bằng bác mà gọi chị của bố cũng bằng bác, chị của mẹ cũng bằng bác nên anh không rõ. Nghe vậy, tôi cũng… hơi chợn. Tôi muốn gặp một người lớn tuổi trong họ để hỏi thăm về chuyện này, thì anh vui vẻ sai con đi chở người cô ruột của anh lên.
Cụ Nguyễn Thị Tuân (sinh năm 1916), còn khá khỏe và rất minh mẫn. Cụ là con gái cụ Nguyễn Văn Nguyện. Sinh thời, cụ Nguyện làm chánh tổng nên gọi là cụ chánh Nguyện. Khi hỏi về anh Lễ, cụ nhớ ngay là anh gầy gầy, má cao, mắt trố… và khẳng định bà con bên nội, nghĩa là bố anh Lễ là con cháu họ Nguyễn xóm Tự, thôn Phù Đổng, xã Phù Đổng này, thậm chí còn là nhánh trưởng, nhưng độc đinh và đi làm ăn xa, nên chuyện hương khói tổ tiên giao lại cho nhánh dưới. Chi tiết này, giúp tôi hiểu thêm lời kể của anh Phúc khi được các cụ sai đến lấy chữ ký của Thế Lữ. Cụ Tuân còn than phiền, không biết vì sao đời con, đời cháu của cụ học ở đâu mà gọi lung tung chẳng phân biệt được bên nội hay bên ngoại. Thời của cụ về trước rạch ròi lắm, nói ra là biết bà con bên nội hay bên ngoại ngay.
Về Thế Lữ, cụ nói:
- Hồi tôi còn nhỏ nhưng cũng đã mười mấy tuổi rồi, thì anh Lễ có về nhà tôi. Bố tôi có dành cho anh Lễ một căn phòng và dặn chúng tôi không được cười giỡn lớn tiếng phá việc học của anh ấy. Ngày đó, tôi nghe người trong họ nói, bố anh Lễ làm tới chức “xếp tanh” Tây, to lắm.
Nhà văn Nguyễn Bản nói chen vào, chắc là muốn để tôi hiểu cụm từ “xếp tanh” mà cụ vừa nói:
- Vâng, bố nhà thơ Thế Lữ ngày đó làm sếp ga là đúng rồi.
Qua “gợi ý” của nhà văn Nguyễn Bản, tôi hiểu “xếp tanh” là phiên âm từ tiếng Tây Chef de train. Cụ Tuân cười vui vẻ nói tiếp:
- Khi tôi lớn, nghe những người lớn tuổi trong họ nói anh Lễ làm nhật trình rồi làm gì đó cũng lớn không thua gì bố. Chỉ nghe vậy thôi, chứ khi đã hiểu việc đời, tôi không thấy anh ấy về nữa. Ngày đó, những người bà con nói mặt tôi hơi giống mặt anh Lễ, nhưng có duyên hơn (cười). Nay các bác hỏi, tôi chỉ biết thế nói thế.
Với những thông tin ấy, chúng tôi khá vui. Ông giáo Huân vui hơn, nói:
- Lúc nào viết xong phần tiểu sử nhà thơ Thế Lữ, xin đồng chí gửi cho một bản để tôi đưa vào lịch sử Đảng bộ xã nhà.
Báo Yêu trẻ, số Xuân năm Quý Mùi – 2003, đăng bài Đi tìm quê hương Thế Lữ của tôi. Tôi đã gửi số báo này bằng đường bưu điện đến tặng nhà văn Nguyễn Bản, anh Nho - Thường trực Đảng ủy xã Phù Đổng và ông giáo Huân. Không biết ông giáo Huân có sử dụng được gì từ bài báo ấy cho cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phù Đổng hay không, còn với tôi thì rất biết ơn những người đã giúp tôi biết thêm tư liệu về Thế Lữ.
Đến đây, tôi nghĩ tên tuổi và quê gốc của Thế Lữ không còn gì phải bàn. Nhưng riêng Hồi ký của Thế Lữ do Xuân Diệu ghi, tôi thấy có chỗ lợn cợn: “1929-1930, tôi lên Hà Nội thi vào Trường Mỹ thuật, không đỗ loại chính thức, cho nên theo học với tư cách “bàng thính tự do””[12]. Tôi là kẻ sinh sau, không rành lắm chuyện cách nay gần 80 năm. Nhưng tôi nghĩ, khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật trực thuộc Đại học Đông Dương được phép đi vào hoạt động chẳng lẽ nhận người vào học không cần có bằng cấp gì sao? Vì nói đến bằng cấp thì Thế Lữ chỉ có mỗi bằng Sơ học Pháp Việt, còn bậc Thành chung thì Thế Lữ chưa vượt qua.
Liên quan đến chuyện “bàng thính tự do”, có lần tôi hỏi lão họa sĩ Tú Duyên (Nguyễn Văn Duyên, sinh ngày 20-12-1919) – cha đẻ trường phái Thủ ấn họa, cũng loại “bàng thính tự do” ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1935-1938). Lão họa sĩ Tú Duyên cho biết, trước đây nhiều nhà báo có hỏi về chuyện học hành, ông nói rõ mình học nghề ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chứ không phải họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như các anh Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… Muốn vào lớp “bàng thính tự do”, thí sinh cũng phải nộp đơn và phải qua kỳ thi sát hạch về năng khiếu lẫn tiếng Pháp chứ không phải ai muốn học thì ghi tên vào học. Bàng thính là được ngồi học chung một số môn học với các bạn đỗ chính thức vào trường, nhưng không phải làm bài kiểm tra, không thi cuối khóa và… đương nhiên không được cấp bằng. Do đó, tôi nghĩ có khi Xuân Diệu nghe chữ “tác” viết chữ “tộ”.
Liền sau đó, có đoạn: “Tưởng rằng vào Trường Mỹ thuật thì tự do thoải mái, ai ngờ cũng phân biệt giáo sư Tây, giáo sư ta; tôi vẽ giỏi, tuy nhiên qua một ông giáo lối dạy hết sức gò gập “vẽ trang trí thì chép nhiều mẫu cổ để cho nhiễm vào mình” và với người giám hiệu Pháp khi đó khinh học sinh Mỹ thuật Việt Nam, chưa đầy một năm, tôi cũng thôi học vẽ”.
Nói như họa sĩ Tú Duyên, đã xin vào học nghề tức là học làm thợ thì phải học tới học lui một việc đến lúc nào thành thạo mới học qua việc khác. Học làm thợ khác với học làm thầy là chỗ một bên chỉ chuyên thực hành, một bên vừa thực hành vừa lý thuyết và chú ý hơn đến sự sáng tạo. Còn việc “người giám hiệu Pháp khi đó khinh học sinh Mỹ thuật Việt Nam, chưa đầy một năm, tôi cũng thôi học vẽ”, tôi không biết “người giám hiệu Pháp” đó là ai. Nhưng vào thời gian này, tôi nghĩ là họa sư Victor Tardieu, vì Nguyễn Lương Ngọc có kể một chi tiết về Trần Bình Lộc, mà Trần Bình Lộc vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng khóa với Nguyễn Đỗ Cung (1929-1934). Đây cũng là thời gian, Nguyễn Đình Lễ có mặt ở trường dự lớp “bàng thính tự do”. Nguyễn Lương Ngọc cho biết một lần Trần Bình Lộc ốm nằm ở nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Lương Ngọc và bạn bè đến thăm, đương nói chuyện bù khú với nhau thì ông V. Tardieu vào với gói bánh ga-tô. “Chúng tôi đứng dậy chào ông, mắt lại nhìn vào gói quà. Ông biết ý, liền nói “Ấy để cho Lộc đấy, các anh đừng có xâm phạm vào”, rồi ông cười với cái cười mới hóm hỉnh làm sao. Rồi vội bước ra cửa. Có lẽ ông tưởng ông vừa đi khuất là gói quà sẽ bị chia năm xẻ bảy ngay. Nhưng, nghịch thì nghịch, vui thì vui, chúng tôi hôm ấy đã không đụng chạm đến cái gói để ở đầu giường anh Lộc. Chúng tôi không đụng đến gói bánh phần vì để bạn bồi dưỡng, phần vì nể thầy hiệu trưởng. Thầy là người Pháp nhưng chúng tôi quý mến”.[13]
Vào website Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi thấy có bài viết của Nguyễn Anh Thu: Victor Tardieu – người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhân kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội. Bài này viết khá kỹ về cuộc đời của ông Victor Tardieu và sự ra đời Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Theo Nguyễn Anh Thu, sau một thời gian dài sống ở Việt Nam, “Victor Tardieu muốn truyền dạy cho những thanh niên Việt Nam yêu hội họa các kỹ thuật và trường phái phương Tây để giúp họ phát triển tài năng. Tư tưởng tiến bộ đó của ông không phù hợp với chính quyền bảo hộ, thậm chí còn đi ngược với những chính sách đang được thực thi. Thật may mắn, nhờ những mối quan hệ rộng rãi với những nhân vật cao cấp đã giúp ông thuyết phục được Toàn quyền Đông Dương Merlin ra sắc lệnh ngày 27-10-1924 thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một bộ phận của Đại học Đông Dương. Ngày 24-11-1924, Victor Tardieu đã trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này.
Với cơ sở ban đầu sơ sài, chỉ có vài gian nhà trống để làm xưởng vẽ, Victor Tardieu đã cùng với các học trò của mình say sưa khám phá nghệ thuật hội họa và ngay khóa đào tạo đầu tiên đã tạo ra những tên tuổi xuất chúng như Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ. Ngay tại Triển lãm nghệ thuật quốc tế ở Paris năm 1931, những sinh viên này đã tạo được ấn tượng mạnh cho 64 triệu khán giả và giành liền 3 giải thưởng lớn. Đó là lần đầu tiên hội họa Việt Nam, với những bản sắc riêng của mình, đã bước ra ngoài biên giới Việt Nam.
Victor Tardieu đã không áp đặt cho học trò của mình một trường phái nào mà chỉ truyền cho họ lòng say mê và những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu. Bên cạnh những ví dụ mẫu mực của các họa sĩ nổi tiếng phương Tây, Victor Tardieu lại nhấn mạnh nhiều hơn tới chính truyền thống nghệ thuật của Việt Nam như là điểm khởi đầu cho sự phát triển phù hợp với xu hướng thế giới. Quãng thời gian 20 năm (1925-1945) chẳng đáng kể gì so với lịch sử nghệ thuật Việt Nam, nhưng lại là những năm tháng có tính chất quyết định đối với sự phát triển của cả một nền hội họa. Có thể nói những thế hệ học trò của Victor Tardieu đã tiếp nhận một cách xuất sắc những kỹ thuật phương Tây để khai thác nghệ thuật truyền thống và tạo ra bản sắc riêng […]. Nhưng trên hết là một cái tên, một bậc thầy của những họa sĩ bậc thầy Việt Nam, đó chính là Victor Tardieu, một họa sĩ Pháp nhưng lại gắn bó sâu sắc với Việt Nam như Tổ quốc thứ hai của mình.
Ông mất tại Hà Nội năm 1937 trong sự tiếc thương vô hạn của học trò, đồng nghiệp và những người yêu nghệ thuật hội họa”.[14]
Trước đây, tôi cũng đọc đâu đó một số tư liệu nói về Victor Tardieu, và trong trí tôi không nhớ có ai nói ông Victor Tardieu coi thường sinh viên mình. Do vậy tôi nghĩ, “người giám hiệu Pháp khi đó khinh học sinh mỹ thuật Việt Nam” như Thế Lữ đã kể với Xuân Diệu chắc không phải là vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ. Vả lại, học “bàng thính tự do” mà có thành tựu như Tú Duyên không nhiều, nên Thế Lữ sớm nghỉ học cũng phải.
Tiếp theo, Thế Lữ kể: “Còn có một nguyên nhân nữa, là tôi muốn viết, tôi muốn viết văn, viết báo để ta cùng “mở mày mở mặt”: Pháp họ có nhà văn thì mình cũng có nhà văn, họ làm báo, viết văn, thì ta cũng làm được”[15]. Không biết Xuân Diệu có viết đúng với lời kể của Thế Lữ không. Nếu quả thật đúng như thế, tôi nghĩ, Thế Lữ có phần “lên gân”. Vì khi Thế Lữ chưa viết văn, viết báo, thì chúng ta đã có những nhà văn, nhà báo rồi chứ đâu phải chỉ có người Pháp mới biết viết văn, viết báo và phải đợi tới ngày Thế Lữ sống bằng ngòi bút thì Việt Nam mới có nhà văn, nhà báo. Chính Thế Lữ đã thừa nhận với Xuân Diệu là lúc học ở Trường Mỹ thuật, ông và bạn bè đã “ưa thích Tố Tâm, Người quay tơ, Quả dưa đỏ…”. Vậy tác giả những tác phẩm mà Thế Lữ và bạn bè của ông ưa thích không phải là nhà văn sao? Ngày ấy, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều tờ báo, và có những tờ báo đến nay nhiều người vẫn còn nhắc, như Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Ngọ báo… Những người Việt Nam viết trên những tờ báo ấy không phải nhà báo hay sao?
Liên quan tới cuộc đời cầm bút của Thế Lữ, trên tờ Hà Nội ngày nay (Phụ san hằng tháng của báo Hà Nội mới), số 29 (26 bộ mới), có đăng bài Còn đây Tú Mỡ của Băng Sơn. Bài viết nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Tú Mỡ (1976-1996), có đoạn: “Tú Mỡ, một cái tên vang lên suốt nửa thế kỷ nay trên thi đàn trong lĩnh vực lấy ngọn bút làm khí giới. Nếu ông an phận là một công chức như câu thơ tự trào “Ở sở Phi-năng (finance) có một thầy” thì hẳn đã rơi vào quên lãng. Nhưng nghe theo người bạn lớn Thế Lữ vị chủ súy của phong trào thơ mới rồi sau lại là chủ súy của sân khấu kịch Việt Nam, Tú Mỡ bỏ nghề cạo giấy, trở thành nhà thơ trào phúng số một của thế kỷ này, chỉ đứng sau Tú Xương […] Phải chăng vì quan niệm, vì sự đánh giá, hay vì những tác giả thơ trào phúng không còn ai có tài như Tú Mỡ nữa, không còn ai có đôi mắt xanh như Thế Lữ nữa??? […] Ông (Tú Mỡ) để lại những tác phẩm bất hủ ngay từ khi mới xuất hiện trên báo Ngày nay của Tự lực văn đoàn”[16]. Riêng đoạn này, tôi chỉ ra 4 chỗ sai và đưa ra những tư liệu có độ tin cậy cao trong bài Tú Mỡ, Thế Lữ: Ai đưa ai vào Tự lực văn đoàn?[17]. Ở bài viết Tú Mỡ, Thế Lữ: Ai đưa ai vào Tự lực văn đoàn?, tôi có dẫn nhiều tư liệu, trong đó có Đề cương Hồi ký của Thế Lữ, khẳng định Thế Lữ đến với Tự Lực văn đoàn qua “nhịp cầu” Tú Mỡ, chứ không phải như Băng Sơn đã viết.
Để có được tư liệu quý hiếm này, trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, Lại Nguyên Ân cho biết: “Trong hồ sơ bản thảo lưu ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chúng tôi tìm thấy một đề cương sáng tác của nhà thơ Thế Lữ (1907-1989). Đây là bản đề cương do tác giả gửi cho nhà xuất bản năm 1977 để ký hợp đồng về việc viết cuốn Hồi ký của ông (cuốn hồi ký này, sau đó ông thấy không thể tự viết do tình trạng sức khỏe, nên đã sở cậy một nhà báo trẻ, nhưng đến nay tiếc là vẫn chưa thực hiện được).
Nhận thấy đề cương này là một tư liệu tốt, nhân kỷ niệm thành lập Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chúng tôi giới thiệu đề cương với bạn đọc. Văn bản đề cương này, trước khi công bố, đã được anh Nguyễn Đình Nghi xem lại và đồng ý cho đăng”[18].
Đề cương này có phần giống với những gì Xuân Diệu viết, nhưng cũng có lắm phần mới: “Hải Phòng. Con dê núi giữa cảnh văn minh.
Bà mẹ người công giáo, đồng thời là con gái một vị điền hộ Vị Xuyên.
Nho giáo và lề luật công giáo bắt vào khuôn nếp. Luân thường đạo lý của cha ông (với những châm ngôn, ngạn ngữ thuộc lòng từ sách thánh hiền - Cận hiền như tựu chi lan, cận ác như úy sà yết… Phụ mẫu hữu quá, gián nhị bất thính, khốc nhi tùy chi… – được nhắc lại thường ngày cùng với những thánh tích công giáo).
Thiên đàng và địa ngục.
Hứng thú của những truyện Kinh thánh. Ngoan đạo để được lòng mẹ.
Thầy học chữ Tây đầu tiên. Thầy ký Tư (một công chức sở Công Chính, dạy vào buổi trưa và buổi tối). Cái thú nghe thầy giảng bài cho học trò lớp trên (ngồi chung trong một nhà).
Trường Pháp Việt Communale
Thầy Hoán, thầy Lâm, thầy Phụng, thầy Như Hoán, thầy Mộc…
Thầy Như Hoán với phần thưởng riêng của thầy “Lecture Lễ ienne”.
Đọc cho cả lớp nghe. Tiểu thuyết, kịch.
#
Trường Thành chung. Từ 1924.
Báo Việt Nam hồn chuyền tay nhau trong học sinh. Đám tang Phan Chu Trinh.
Nhắc lại một vài sự việc khơi lòng ái quốc của học sinh nhóm lên từ ba bốn năm về trước với phong trào tẩy chay vải.
Bức thư khiêu khích: Bớ các Nam man từ chúng bay từ Nam chí Bắc toàn là quân man di mọi rợ hiểu sao được chữ tẩy chay, mà dám làm rộn, cổ động om sòm, xui đồng bào bay tẩy chay hàng hóa của bọn ta…
Sự kiện khủng bố Hoa kiều năm 1923…
Việc đòi ân xá cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu (Và hậu quả của nó đối với học sinh Thành chung).
Thầy: Trịnh Đình Rư… Định, Vũ Tam Tập, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo.
Tố Tâm… Lọ vàng… Sinh tụng phái…
Văn chương và thân thế Hồ Xuân Hương.
- Chủ trương chống sáo rỗng, tiểu xảo qua bài giảng về văn học Việt Nam, và tinh thần ái quốc khuấy lên từ những bài học lịch sử (ngoại khóa bổ sung cho nội khóa).
Và ảnh hưởng của nó trong tư tưởng tôi - 1928, trước và sau.
Luồng gió chân trời báo hiệu phong ba.
Hoạt động “tương trợ” của nhóm học sinh tích cực: Ra báo trong trường.
Thầy Rư bị đổi đi Hải Dương.
Thầy Phách có tin cũng sẽ bị đổi.
Chán học: học như rùa!
Quyết định thôi học.
Diễn Lọ vàng ở Hải Phòng. (“Coup d’essai coup de maitre”).
Nhiệt tình và những hành động nguy hiểm kịp thời được ngăn chặn. Cuộc gặp mặt ba người đại diện của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.
Thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Việc diễn kịch Trưởng giả học làm sang và sự phản bội ngầm của mấy học sinh chó săn.
Gặp Mai Trung Thứ (có họ với bạn học của tôi là Mai Trung Vưu) và thêm quyết tâm học trường Mỹ thuật.
#
“Đến Hà Nội với bộ đồ xộc xệch…”.
Xin thi vào Mỹ thuật (với tất cả bỡ ngỡ của người thiếu chuẩn bị: Được nhận làm một học sinh lớp dự bị (bàng thính) – Một chân trời mới mở ra trước mặt: – Những bạn mới: Nguyễn Tường Lân, Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn… Nhóm tâm giao Les inséparables (vừa vẽ vừa nói chuyện thời thế và cả chuyện văn chương).
Thêm bạn: Ngô Bích San, Vũ Đình Liên.
Một tổ Tao đàn với những hoài bão đem một không khí mới vào Văn học Nghệ thuật cho Việt Nam không thua gì thế giới.
Những thử thách bước đầu.
Tôi đọc Một truyện báo thù ghê gớm trong một buổi họp chính quy của nhóm.
Ngạc nhiên thấy mình có tài. (Vì tất cả anh em đều nhìn mình một cách trìu mến và tự hào).
Thấy cái tham vọng trở thành một họa sĩ đại tài đang bị một tham vọng mới đến làm cho lay chuyển, bàn với Vũ Đình Liên “thử lại bài toán” xem sao.
Đưa bản thảo đến cho Nhà xuất bản Tân dân. Một tuần lễ sau, cùng với Vũ Đình Liên (nèo anh theo cho vững can đảm) đến xem kết quả. Thực bất ngờ! Nhà xuất bản (dưới nhãn thần Vũ Đình Long) không tiếc lời ca ngợi sự bất ngờ mãnh liệt đến nỗi làm cho Vũ Đình Liên đánh đổ cả chén nước của chủ nhân đưa mời. Và Thế Lữ, bình tĩnh một cách rất kẻ cả, mỉm cười độ lượng rút khăn tay đưa cho Liên.
Một trận ốm nặng (bắt đầu từ một cơn sốt ác tính) bắt phải nghỉ học vẽ hơn ba tuần. Bị giáo sư vốn ác cảm với cách sáng tạo quá phóng đãng trong bài học của một học sinh dự bị nói gay gắt, và sự phát hiện ra ở mình một tài năng mới khiến cho thấy lời trách của giáo sư càng gay gắt thêm… Liền xin thôi học. “Cứ gì phải học trường mới thành tài họa sĩ?”, v.v.
Khỏi trận ốm thì phát hiện một mầm bệnh nguy hiểm hơn: đau phổi (Buổi sáng ở nhà quê nơi tôi an dưỡng, thấy trong đờm ho ra có sợi máu tươi… choáng người như nghe tuyên án tối hậu.
… Trên con đò lên đường về Hà Nội nhìn trời xanh mây trắng, phong cảnh đời sống thấy đẹp một cách thiết tha não nùng…).
Sau khi đi khám bệnh quyết tâm không chịu chết, xin với mẹ chuẩn bị cho mọi thứ. Rồi ra sống ở Đồ Sơn.
#
“Ở Đồ Sơn viết truyện trên rừng”.
Truyện ấy là Vàng và máu.
(Từ cái hang ở chân núi Chùa Tiên đến cái hang Văn Dú, từ hình ảnh khơi gợi, qua vốn riêng về từng trải, về xúc động, về tưởng tượng, tác phẩm qua những bước nào…).
Vàng và máu thoạt đầu còn lấy tên là Hang thần, gần đưa lên báo mới lấy tên mới. Vũ Văn Hiền nhận đem giới thiệu hộ. “Mình diện Tây, họ phải nể hơn cái anh chàng nho nhã nhưng quê kệch mà tài năng chỉ có bạn hữu là biết cho…”.
Trong nhà tranh một mình tôi than thở
Với cây đờn, tập giấy, các anh xa
Sáng hôm nay, sương biết tỏa mờ mờ
Như hương khói đượm tàu cau mái rạ.
Nhưng câu thơ mới đầu tiên được sáng tác là từ trong cái nhà tranh này.
Từ nếp nhà này gởi đi cho bạn những ý nghĩ đầu hết về vấn đề thơ mới.
Từ bài Tình già của Phan Khôi đến những hồi tranh cãi tiếp sau.
Nỗi băn khoăn và sự lo sợ của tôi trước những câu “nguy hiểm” về vần điệu thể thức của bài Tình già.
- Không! Thơ bao giờ cũng phải là thơ đã! Và thơ Việt Nam kia! Thơ mớithơ mới Việt Nam chứ không phải là thơ mới Tây.
v.v.
Vàng và máu được ra đời trên Ngọ báo.
Thấy cái cần phải lên Hà Nội.
Viết thư cho Hiền.
Lên Hà Nội.
42 bis Duvilliers.
“Bần Hữu Hội”.
Vũ Đình Hòe, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh.
Bài thơ đầu tiên: Con người vơ vẩn, trên báo Phong hóa, số tết.
Nhân duyên từ trước với báo này, từ khi còn ở Hải Phòng. Cảm tình với một thứ báo chí có chất lượng, gửi bài thi Vui cười và được tặng thưởng (về bài “cải chính”).
Bài thơ được đăng ở một tờ báo có uy tín, có thể coi như một đảm bảo về giá trị: Tôi quyết định sẽ gửi những bài tiếp sau (nhưng trước đó, tôi đem đọc cho nhiều bạn thân nghe để thu lượm ý kiến đã).
Cùng Ngô Bích San đến thăm Tú Mỡ (phố Hàng Hòm) buổi gặp gỡ pittoresque. Buổi gặp gỡ ấy mở đầu (làm đà mạnh dạn) cho những buổi khác đến gặp Nguyễn Tường Tam.
Nguyễn Tường Tam, tác giả Người quay tơNho phong.
Ngay từ buổi ấy Tam đã nói đến “formation d’un noyau”. Cái noyau ấy tức là Tự lực văn đoàn sau này.
Bữa đó vừa may tôi được gặp thêm Khái Hưng (anh ở trên gác xuống giữa câu chuyện) và Tứ Ly (ở sở đi làm về ghé qua). Khái Hưng ngay từ phút đầu, sau lời giới thiệu đã tỏ ra hết sức chân thực xởi lởi.
- À! Ông Thế Lữ đây à! Vàng và máu của ông hay quá… Hay đến nỗi có người ngờ là không phải của một tiểu thuyết gia người mình viết ra.
Nguyễn Tường Tam nói luôn:
- Người ngờ ấy là tôi! Là vì có những câu “mày vào trăm chân, mày lên ba tay…”. Nhưng chính sự ngờ ấy càng tỏ rằng tập văn có giá trị”[19].
Đề cương này, Thế Lữ ghi ngày 18-6-1977.
Qua đề cương này, ta khẳng định khi bài thơ đầu tiên được đăng báo Phong hóa, số tết: Con người vơ vẩn, Thế Lữ chưa thân quen với ai trong báo Phong hóa. Sau đó, Thế Lữ mới cùng Ngô Bích San đến thăm Tú Mỡ tại nhà riêng (24 phố Hàng Hòm) và buổi gặp rất vui vẻ vậy là mừng, bởi Thế Lữ là học trò của Hoàng Ngọc Phách, mà Hoàng Ngọc Phách và Tú Mỡ là bạn cùng học một lớp ở bậc Thành chung nên Thế Lữ chỉ ở vai học trò; bên cạnh đó, Tú Mỡ là cây bút trụ cột đang tỏa sáng ở một tờ báo đang tỏa sáng. Nói chung, “buổi gặp gỡ pittoresque” giữa người mới chập chững vào nghề như thế là ngoài mong đợi. Theo Thế Lữ, từ “Buổi gặp gỡ ấy mở đầu (làm đà mạnh dạn) cho những buổi khác đến gặp Nguyễn Tường Tam”, chứ thật lòng không đủ can đảm đến chơi như đã từng đến chơi với những người “bằng vai phải lứa”. Và Thế Lữ “ra mắt” Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng, Tứ Ly bằng tác phẩm Vàng và máu đã đăng ở Ngọ báo trước đó. “Những buổi khác đến gặp Nguyễn Tường Tam” chắc là những tháng cuối năm 1932. Và “Bài thơ đầu tiên: Con người vơ vẩn, trên báo Phong hóa, số tết”, chắc phải là số Tết 1933, vì báo Phong hóa (bộ mới) cho Nhất Linh chủ trương ra mắt bạn đọc ngày 22-9-1932. Báo Phong hóa, số Tết đầu tiên do Nhất Linh chủ trương, đề ngày 24 Janvier 1933 (thông thường số báo Tết phải chuẩn bị bài vở trước và in sớm, phát hành trước Tết khoảng vài mươi ngày). Ở số báo này, đăng nhiều thơ mới của Lưu Trọng Lư, Tân Việt (Nhất Linh - V.G), Tường Bách (em út của Nhất Linh, sau này là bác sĩ Nguyễn Tường Bách - V.G), Thế Lữ…
Mồng 1 Tết năm Quý Dậu, nhằm ngày 26-1-1933. Và bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Phong hóa, số Tết đã giúp Thế Lữ tự tin, phấn khởi: “Bài thơ được đăng ở một tờ báo có uy tín, có thể coi như một đảm bảo về giá trị: Tôi quyết định sẽ gửi những bài tiếp sau”.[20] Như vậy, thời gian Thế Lữ về đầu quân cho báo Phong hóa phải sau ngày 26-1-1933, chứ không thể sớm hơn.
Báo Phong hóa, ngày 2-3-1933, khởi đăng Tuyên ngônTôn chỉ của Tự lực văn đoàn, rồi công bố tiếp nhiều lần sau đó. Nguyễn Lương Ngọc, người bạn ở chung phòng trọ, làm chung nghề sửa bài in cho tờ La volonti indochinoise (Xuân Diệu viết trong Hồi ký của Thế Lữ là báoVoloné Indochinoise) với Thế Lữ, cho biết thêm: “Thơ làm xong, anh đưa lại tòa soạn báo Phong Hóa ở 80 đường Quan Thánh. Ban biên tập cho đăng ngay, lần lượt từ bài này đến bài khác. Giữa chừng họ đăng một bài để giới thiệu anh, gọi anh là nhà thơ hay của chúng ta”.[21] Bài giới thiệu ấy của Nhất Linh. Sau khi đăng bài thơ đầu tiên Con người vơ vẩn của Thế Lữ, Nhất Linh bắt đầu chú ý đến mảng thơ của Thế Lữ. Không lâu sau đó, trên báo Phong hóa, Nhất Linh có bài viết: Nguyễn Thế Lữ – Một nhân vật mới trong làng thơ mới[22]. Với bài giới thiệu này, Tú Mỡ cũng cho rằng: ““Thơ mới” khởi đầu bằng bài Tình già của Phan Khôi và mấy bài của Lưu Trọng Lư. Sau Thế Lữ nổi bật trong một bài giới thiệu của Nhất Linh, rồi Xuân Diệu, Huy Cận, Huy Thông làm nổi đình nổi đám phong trào thơ mới ngày càng lên như diều gặp gió”[23].
Lúc này, Thế Lữ đã trở thành thành viên chính thức (thành viên thứ 6, sau 5 người có mặt đầu tiên của báo Phong hóa (bộ mới): Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Khái Hưng) của Tự lực văn đoàn.
Như Lời dẫn của Lại Nguyên Ân khi công bố Đề cương Hồi ký của Thế Lữ trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam đã nói ở trên, thì việc Thế Lữ “thấy không thể tự viết do tình trạng sức khỏe, nên đã sở cậy một nhà báo trẻ, nhưng đến nay (30-5-1992) tiếc là vẫn chưa thực hiện được”, phải chăng là Nguyễn Thị Minh Thái? Đặt câu hỏi ấy, vì Lại Nguyên Ân không nói rõ nhà báo trẻ ấy là ai, trong lúc đó, ở bài Người săn đuổi và phụng thờ cái đẹp, Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Tháng 7 năm 1979, khi Thế Lữ đã thành ra một ông cụ đau yếu, tuổi ngoại thất thập (ông sinh năm 1907, tuổi Mùi, bà nội xứ Lạng gọi ông hồi bé là Con Dê Núi). Ông nằm trên giường bệnh tại gia (ngôi nhà mặt tiền 161 Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông sống hết phần đời cuối chót với người vợ cả và cô con gái ở vậy nuôi mẹ không lấy chồng), ông vẫn còn nhớ mồn một những ngày hoa hồng ngây thơ xứ Lạng. Cặp mắt sáng rực trên khuôn mặt hao gầy, ông quả quyết với tôi – kẻ hậu sinh được ông kêu từ Hà Nội vào, ủy thác việc chép hồi ký cho ông – rằng ông còn nhớ nguyên hình ảnh rực rỡ của một viên bi ve rực rỡ bảy sắc cầu vồng mà ông đã nhìn được năm ông… mới sáu tuổi”[24]. Bài viết này cho chúng ta biết thêm chi tiết, những ngày thơ ấu sống với bà nội và người vợ lớn của bố ở Lạng Sơn, Thế Lữ còn có tên là Gầy. Ngày xưa, trẻ con có tên tục khá xấu xí là chuyện bình thường, vì theo quan niệm lâu đời của nhân dân ta, đặt tên con như vậy khỏi phải phiền lòng nhau do không trùng tên ai trong họ, trong làng, thậm chí ma quỷ cũng… chê. Theo Thế Lữ kể cho Xuân Diệu ghi, lúc mẹ ông buôn bán hàng tơ ở Hà Nội thì sinh được người con trai thứ hai là ông, và gia đình trên Lạng Sơn “lập mưu cho mẹ tôi đưa tôi lên thăm, rồi giữ tôi lại trên đó… Bà nội tôi không bắt được đứa con đầu lòng, thì bắt đứa thứ hai, giữ tôi lại, cho là nhà hiếm. Nghe nói: mẹ tôi đã cúng tôi vào đền, đặt tên là Thảo. Anh tôi hơn tôi một tuổi, mất khi tôi lên mười. Mẹ tôi bày kế đánh tháo tôi về Hải Phòng, ở với mẹ”, và bố ông tên Thuận, mẹ ông tên An. Cũng trong Hồi ký của Thế Lữ, sau chi tiết mẹ ông bán ông vào đền thì Xuân Diệu còn có ghi: “Người ta gọi bà nội tôi là “Ông đồng”, hoặc “đồng Ông”. Bà bán tôi cho cửa thánh, suýt nữa tôi bị dùi tai (làm con gái), nhưng tôi tránh được”. Chi tiết mẹ ông bán ông vào đền, tôi nghĩ không đúng, vì mẹ ông là người công giáo thì làm sao đem con mình cúng vào đền được. Do vậy, tôi cho rằng bà nội ông cúng ông vào đền và đặt tên Thảo - Nguyễn Khắc Thảo thì đúng hơn. Cha ông tên Thuận thì bà nội ông đặt tên cho cháu mình là Thảo rất phù hợp với cách đặt tên người của nhân dân ta từ ngàn xưa. Bây giờ, nhiều người vẫn đặt tên con, tên cháu theo kiểu như thế. Nhưng theo Thế Lữ, tên Thảo lại trùng tên với ai đó nên bỏ. Điều này lại càng đúng với truyền thống đặt tên người của dân tộc. Khi đặt tên con, tên cháu không được đặt trùng tên với ông bà. Nhiều người còn kỹ là mở gia phả kiểm tra cho chắc ăn. Ngoài ra, nhiều người còn không đặt tên con cháu trùng tên với những người lớn tuổi ở trong làng để khỏi mích lòng, bởi bà con xa không bằng láng giềng gần.

[1] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học, H, 1988, tr 57.
[2] Lê Đình Kỵ (sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Tuyển tập Thế Lữ, NXB Văn học, H, 1983, tr 5.
[3] Nguyên Hồng, Bước đường viết văn, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2001, tr 35-36.
[4] Trần Hữu Tá, Thế Lữ.- Dẫn theo Từ điển Văn học (bộ mới), NXB Thế giới, H, 2004, tr 1661.
[5] Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn), Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 15.
[6] 100 năm Thế Lữ, NXB Sân khấu, H, 2007, tr 7.
[7] Hoài Việt (sưu tầm và biên soạn), Thế Lữ - Cuộc đời trong nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, H, 1991, tr 52.
[8] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[9] Theo thư điện tử của chị Thảo Nguyên, con dâu út của nhà thơ Thế Lữ gửi cho tôi ngày 1-3-2009, thì người mẹ lớn mà ông gọi là u này còn có ba người con trai sống ở Lạng Sơn. Khi bố và mẹ đẻ qua đời thì về Hải Phòng sống với mẹ đẻ Thế Lữ, sau theo Thế Lữ lên Hà Nội tham gia ban kịch. Trong hồi ký Những chặng đường sân khấu của Song Kim có nhắc tới những người em này, nhưng không nói rõ em ruột hay em họ của Thế Lữ. Nhưng tôi cũng lấy làm lạ, nếu Thế Lữ có thêm ba người em trai cùng cha khác mẹ thì sao hồi năm 1974, ông không kể với Xuân Diệu, mà lại khẳng định: “Bố tôi chỉ sinh một con gái với bà kia”?
[10] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[11] Nhan đề bài viết của Vu Gia, đăng trên báo Yêu trẻ - Cơ quan của Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em TPHCM, số Tết năm Quý Mùi - 2003.
[12] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[13] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, tr. 27.
[14] Nguyễn Anh Thu, Victor Tardieu – người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, website Đại học Quốc gia Hà Nội.
[15] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[16] Băng Sơn, Còn đây Tú Mỡ, Báo Hà Nội ngày nay (Phụ san hằng tháng của báo Hà Nội mới), 9-1996, tr. 54-57.
[17] Vu Gia, Tú Mỡ, Thế Lữ: Ai đưa ai vào Tự lực văn đoàn, Tạp chí Thế giới mới (Bộ Giáo dục – đào tạo), ngày 29-9-1997, tr. 73-74.
[18] Đề cương hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 30-5-1992.
[19] Đề cương hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 30-5-1992.
[20] Đề cương hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 30-5-1992.
[21] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, tr 69.
[22] Nhất Linh, Nguyễn Thế Lữ - Một nhân vật mới trong làng thơ mới, Báo Phong hóa, ngày 7-7-1933.
[23] Phong Vũ (biên soạn), Tiếng cười Tú Mỡ, NXB Hội Nhà văn, H, 1993, tr 23.
[24] Nguyễn Thị Minh Thái, Người săn đuổi và phụng thờ cái đẹp.- Dẫn theo Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 22.