Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (231): Hồ Như – Lưng chừng địa ngục

Sinh ở Sài Gòn.
Lớn lên ở Đà Nẵng, Nha Trang, rồi lại Sài Gòn.
Đến Mỹ năm 1984.
Năm lớp tám, có truyện ngắn đầu tiên được chọn vào báo trường.
Thích viết truyện ngắn và dịch truyện.

LƯNG CHỪNG ĐỊA NGỤC
Một người đàn ông lượn qua quầy rượu, nụ cười mỉm trên môi sẵn sàng nở rộng hơn trong trường hợp tôi có một phản ứng thuận lợi. Để trả lời, tôi nâng ly rượu martini lên nhấp, mắt nhìn lảng đi chỗ khác. Hôm nay tôi có hẹn, dù người tôi hẹn đã trễ hơn nửa tiếng, nhưng tìm một người mới cần thời gian và công sức, cả hai thứ tôi đều không có đủ. Ly rượu đã gần cạn, tôi liếc nhìn đồng hồ trong cellphone, tự hỏi nên gọi cho người ấy, chờ tiếp tục hay là bỏ về. Cuối cùng, tôi ngồi yên, không gọi phone cũng không rời ghế. Có người ấy hay không, tôi vẫn muốn ở đây, đắm trong một ly rượu nữa trước khi trở về cõi thực.
Quán rượu buổi chiều chưa đến giờ happy hour uể oải như một người ngái ngủ, những hành động gần như vô thức, thuần bản năng. Người đứng quầy chẳng buồn tươi lên lấy lệ, khách hàng chẳng buồn nhìn mặt người chung quanh. Vài ông bà hình như sống ở quán nhiều hơn ở nhà thảnh thơi nâng ly, trò chuyện điềm đạm như đang ngồi trên hiên nhà chứ không phải trong tiếng rì rầm của những màn ảnh tivi chương trình thể thao. Tôi nhắm mắt lại, nhận ra mình đang rất thèm ngủ. Nhưng tôi chưa bao giờ ngủ ngồi được, dù thoáng say say đang len vào óc, dù tôi đã từ lâu chẳng còn ngại như người đàn bà trong góc kia, đầu ngả vào tường, miệng hơi trễ xuống, bàn tay buông thõng trên đùi dưới mặt bàn.
Lơ mơ, tôi nhìn người đàn ông lượn qua vài phút vừa rồi, tự hỏi hắn sẽ khiến tôi tỉnh ngủ hơn không. Nhưng hắn không còn mỉm cười lân la với tôi nữa. Mắt hắn đang dán vào cánh cửa trong suốt của quán rượu, cánh cửa vừa mở ra nhường lối cho một cặp nam nữ. Cũng may tôi đã đặt ly rượu xuống quầy, nếu không có thể nó sẽ vỡ tan trên mặt sàn hay đâu đó gần cánh cửa. Người tôi hẹn bước qua cửa, mái tóc bóng thu vén rất kỹ, dáng vẻ trau chuốt đến nỗi từ xa tôi có cảm tưởng đang ngửi thấy mùi nước hoa anh ta hay dùng. Một cánh tay của anh ta cong lại thành chỗ tựa cho một bàn tay nhỏ bé của cô gái đi bên cạnh. Mái tóc uốn lọn kiểu phim Hàn, son phấn lộ liễu, cô bé hất mặt lên nhìn quanh, vẻ kiêu kỳ của một kẻ chinh phục. Đôi mắt của cô lướt qua chỗ tôi ngồi, long lanh dưới lớp mascara dầy. Đột nhiên tôi thấy mình run lên, cơn ớn lạnh từ trên đỉnh đầu vút xuống ngón chân. Cũng may tôi đang ngồi, vì tôi dường như đang lảo đảo. Cũng may tôi là người phản ứng chậm chạp, cho nên không có chuyện gì xảy ra khi cặp nam nữ đi ngang trước mặt tôi, ngay cả khi gã đàn ông lúc nãy nhìn theo cô gái, thở hừng hực như con chó nhìn thấy mẩu xương. Khi tôi đủ bình tĩnh để quay nhìn, Lise đang đứng chờ người đàn ông kéo ghế, dáng đứng thẳng, đôi mắt cũng nhìn thẳng, nhất định không nhìn về hướng tôi ngồi, như thế hẳn Lise đã biết tôi ngồi ở đâu. Chưa bao giờ tôi nhận ra con gái mình đã lớn như thế, sắc sảo như thế, ác mó như thế. Cái sắc sảo ác mó ghê gớm của tuổi mười sáu chưa nhìn thấu qua những lý tưởng của mình để thấy thực tại. Cái sắc sảo ác mó cho tôi đủ an tâm bỏ ly rượu sắp hết và ra về, không muốn trêu tức Lise nhưng tự hỏi chuyện nào khiến nó cáu giận hơn: tôi lặng lẽ ngồi uống rượu (một mình) hay tôi lặng lẽ rời khỏi (một mình). Nếu tôi còn có thể hình dung ra chính mình năm mười sáu tuổi, có lẽ tôi muốn nhìn thấy người mẹ nổi đóa ghen tương bằng cách túm tóc tôi hoặc lập tức lả lơi với một tên đàn ông gần nhất. Một phản ứng không phải ngọt sắc như vết dao cắt chưa cảm được nỗi đau đến muộn, mà cay xé như nọc độc co rút chân tay lập tức. Một điều gì cùng tầm cỡ với lớp nham thạch bốc khói trong lòng tôi hoặc hơn thế nữa. Mẹ xin lỗi, con gái. Mẹ biết con muốn gì, nhưng lòng mẹ bây giờ chỉ còn màu xám của tro và màu xanh biếc mệt mỏi. Nếu mẹ có đủ sức, mẹ sẽ khóc và ôm con vào lòng, thật chặt, mặc kệ con vùng vẫy, cho đến khi nào con cũng có thể bật ra tiếng khóc trào ứ từ nơi nào tận đáy tâm hồn mười sáu tuổi, nơi thơ dại và thuần khiết vẫn còn dưới lớp mốc xanh bắt đầu hình thành.
Khi tôi vào nhà, Đông đã sẵn sàng đi học thêm ở nhà bạn. Gặp tôi trong phòng khách, nó vắn tắt những chuyện cần thiết: con đã đỡ ba đi tiêu tiểu, thay tã cho ba, ba ngủ rồi. Tôi nói lời cám ơn bằng ánh mắt. Mười ba tuổi, chân tay mới trổ dài, thân còn đếm được xương sườn, nó đã phải giúp mẹ những chuyện mẹ nó lo không nổi. Tiếng cửa đóng sau tiếng chân của Đông, rồi sự im lặng phủ xuống chung quanh tôi. Nặng nề, nghẹt thở, nó như tấm khăn liệm một người vẫn còn sống. Nhiều lần, trong căn nhà vắng vẻ và sự im lặng ngột ngạt này, tôi nằm trên ghế sofa nhìn lên trần, màu trắng đục của lớp vữa lợn cợn như màu trắng trong tư tưởng tôi, không hẳn là trống rỗng, nhưng hình như có điều gì đấy đang ẩn núp, rình rập và đe dọa. Hình như dưới lớp vỏ chai lì của tâm hồn tôi đã lạnh ngắt và vô cảm, lớp nham thạch vẫn còn đó, chầm chậm trườn qua những ngõ ngách đen tối của mặt đá lởm chởm trên bờ vực thăm thẳm, chực chờ giây phút bốc cháy và cuốn mất một vạt cỏ khô còn sót lại từ mùa xuân nào xa lắm.
Rất thèm ngã mình nằm xuống chiếc giường của mình, cuối cùng tôi vẫn vật vạ ở ghế sofa. Chiếc giường của tôi nằm trong căn phòng ngủ dành cho khách cuối hành lang, đối diện căn phòng ngủ chính, và tôi chưa muốn nhìn thấy, dù chỉ là cánh cửa đóng của căn phòng ngủ chính ấy, ngục tù có trang trí và chút xa hoa, bên trong có một tù nhân thường trực, và một tù nhân khác bên ngoài. Cánh cửa gỗ mười năm trước là gỗ tạp sơn một màu không định được là màu gì, tôi chọn lựa mãi rồi thay bằng gỗ cây phong màu ngà ưng ửng hồng. Để trên hàng lang đi đến căn phòng, màu sắc ấy sẽ làm dịu đôi mắt tôi và cả tâm hồn tôi nữa. Mười năm trước, mộng mơ của tôi còn êm đềm quá, chưa có buổi chiều gặp tình nhân ở quán rượu rồi dẫn nhau đến motel. Tưởng tượng của tôi cũng chưa đi xa đến lúc gặp con gái mình cặp tay tình nhân của mình vào quán rượu. Nhắm mắt lại, tôi nhìn thấy đôi mắt của Lise, cái nhìn chéo qua góc mắt kẻ chì đen tô muội lấp lánh. Đôi mắt chưa có lớp trang điểm nào che được hết vẻ thơ ngây. Và sự tính toán lạnh lẽo bắt đầu từ ngọn lửa xanh ngắt của lòng căm ghét. Căm ghét nghịch cảnh đã khiến cô bé mất cả cha lẫn mẹ, căm ghét cha mẹ đã không đủ sức mạnh vượt qua dòng lũ nghịch cảnh ấy, và từ từ, rất chậm rãi, đuối trong sự vùng vẫy của chính mình cho đến khi chân tay rũ liệt, lều bều trong vũng cạn sau khi lũ rút. Ôi, nỗi căm ghét còn tươi hồng lý tưởng cho tôi biết gã đàn ông đi bên cạnh con gái mình chỉ là một con tốt nó dùng chiếu tướng mẹ nó. Cô con gái của tôi, dẫu mù quáng vì lòng căm ghét, sẽ nhờ lòng căm ghét ấy mà nhìn thấu suốt cái kinh tởm của gã đàn ông. Ôi, con gái yêu của tôi, phổng phao đúng tuổi và lớn nhanh hơn tuổi.
Nước mắt ứa ra ngoài đôi mi khép của tôi, lăn xuống ướt lạnh trên má, và đến cùng với những giòng lệ hiếm hoi và mau khô là một giấc ngủ chập chờn. Sự kỳ diệu của mọi sinh vật, từ cấp thấp đến cấp cao, còn nằm trong vòng tiến hóa là như thế: bản năng sinh tồn mạnh hơn tất cả đau đớn của linh hồn. Thỉnh thoảng, oằn người dưới cái bóng của hiện hữu, tôi nghĩ đến cái chết. Mười năm trước, kéo tay Bình đi xem bàn ghế bao nhiêu chỗ để chọn chiếc sofa tôi đang nằm, tôi nghĩ đến những phút lan man của mình trong khi cuộn tròn trên ghế, có thể sau một trang truyện hoặc một cuốn phim. Tôi làm sao biết được mình sẽ nằm đây mơ đến tận cùng của cuộc sống như mơ đến viên thuốc thần của cô bé Alice, uống vào, thu nhỏ lại và trốn vào một thế giới khác, ở đấy chỉ có nụ cười của con mèo Cheshire nhắc tôi đến sự mỉa mai của thế giới tôi bỏ lại, hoặc chính tôi sẽ mang nụ cười nhạo báng ấy khi nghĩ đến gông xiềng tôi đã thoát ra. Tôi mê mải đi tìm những cách chết khác nhau, suy nghĩ hàng giờ đến những khả năng và kết thúc khác nhau. Rồi, như cô tiểu thư õng ẹo và kén chọn thời con gái, tôi chê cách này không gọn, cách kia đau đớn…một thứ thú tiêu khiển của người trong nhà lao tưởng tượng khung cửa sổ trên tường đá và mơ đến cảnh trí bên kia bức tường. Một thể hiện nghịch lý nhưng thuận tự nhiên khác của bản năng sinh tồn và lý trí chưa quên được những tính toán nợ nần bổn phận như cái lạnh da diết của vòng kim loại quanh cổ chân. Nghịch lý hơn nữa, chiếc chìa khóa vòng cùm ấy, tôi vẫn nắm trong tay. Không thể quăng đi, quên đi hẳn lối thoát cuối cùng của mình, không thể, không dám nghĩ đến chuyện dùng lối thoát ấy, làm người quả thật là bị cuốn chặt trong những mâu thuẫn khác nhau, đớn hèn và can đảm, yêu thương và tàn nhẫn. Trên lằn ranh mỏng manh giữa Esmeralda và Claude, bối rối không rõ cái tên nào thực sự là tượng trưng cho cái đẹp, người ta nhón chân bước đi, không ngã hẳn về bên này hay bên kia, mãi mãi phân vân giữa lý tưởng muốn đạt đến và những nhu cầu khát vọng rất thật trong lòng.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình co rúm trên ghế. Buổi chiều chạng vạng mang thêm hơi lạnh qua cánh cửa mở. Tôi với tay đến tấm chăn dưới chân, rồi chợt nghĩ có lẽ tôi phải vào xem chừng Bình. Đầu váng vất giấc ngủ chập chờn, tôi lảo đảo đứng dậy vào hành lang. Trước cánh cửa màu ngà đã ngã sang xám bẩn trong bóng chiều, tôi dừng lại, úp mặt vào tường. Để tỉnh táo hơn, để thu vén sức lực khoác lên tấm mặt nạ vô cảm xúc vì nó vẫn hơn những cảm xúc thật đã trở thành tàn nhẫn đối với người nhìn thấy, để lượt qua trong trí những cử động, bước chân tối thiểu trước khi tôi có thể rời phòng. Nhưng tôi không thể ngừng lại lâu. Sức ì sẽ trĩu đôi bàn chân, e ngại sẽ chùn đôi tay, và những ý nghĩ mỏi mệt sẽ đi lạc đến những góc tối tôi không muốn biết đến. Chẳng hạn như cảm giác nhẹ nhõm (đáng khinh), thậm chí len lỏi chút hân hoan (đáng tởm) nếu tôi bước vào phòng và nhìn thấy cái xác của Bình. Nghĩ đến đấy, tôi sẽ thoáng rùng mình, không hiểu vì ghê rợn hay vì nao nức. Một người buông tay chờ chết và một người mong chờ cái chết ấy, có phải cả hai chúng tôi đã lún đến mức tận cùng của sinh tồn rồi không? Trong lớp sương mù ảm đạm của giấc ngủ còn lại, tôi nghe mình bật lên một tiếng rên nhỏ, tiếng rên của một người khi nhận ra chất độc đã thấm vào tim mình.
Cánh cửa hé ra, một khung hẹp khoảng không trong phòng hiện ra, luôn tối mờ vì màn cửa đóng kín. Tiếng radio ri rỉ như dế kêu một đài phát thanh tiếng Việt nào đó, hình như đang giữa phần quảng cáo. Cái dáng nằm bất động của Bình giữa ngổn ngang chăn gối. Mùi hơi người, mùi chăn nệm cũ, mùi thức ăn thừa, mùi bụi bặm trong căn phòng thường đóng cửa chậm chạp trườn ra ngoài, đúng lúc tôi lùi lại, tự bảo như đã ngàn lần tôi tự bảo, Bình đang ngủ yên, không sao. Lát nữa tôi sẽ thức anh dậy khi tôi mang cơm vào. Cánh cửa đóng lại cũng chậm chạp như lúc mở, vì tôi không muốn gây tiếng động, sợ Bình thức giấc. Sợ ánh mắt anh nhìn ra từ đống chăn nệm hỗn độn, tê dại vì cơ thể bất động quá lâu nhưng đôi khi vẫn lóe lên một tia giận dữ và căm ghét. Có thể là giận ghét tôi, vì tôi vẫn còn đi đứng thoải mái, vì tôi vẫn còn bừng lên sức sống đã khô héo nơi anh, vì những vui thú thể xác còn thấp thoáng trên đôi môi nhòe son. Cạn kiệt là thế, bản năng ghen tuông và chiếm hữu chưa mất hẳn, khứu giác lu mờ của anh hình như còn bắt được mùi nước hoa đàn ông lạ những lần tôi về nhà muộn, vội vã vào xem chừng anh.
Xuống bếp, tôi uống một ly nước lạnh cho tỉnh hẳn. Vo gạo, nấu cơm, mang thức ăn trong tủ lạnh ra để chuẩn bị làm bữa ăn tối. Đi lại giữa bếp lò, tủ lạnh và bồn rửa chén, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Những động tác lặt vặt khi nấu ăn đòi hỏi một sự chú ý nhất định, nhờ thế tôi có thể tạm thời là một người phụ nữ bình dị trong một cuộc sống bình dị. Khoảng không gian thoang thoảng mùi cơm sôi, khi tôi chăm chú vào những động tác hợp lý và hương vị của thức ăn, có thể là nơi trú ẩn cuối cùng của những bản năng nữ tính đẹp đẽ còn sót lại đâu đó trong tôi, một người biết cách chăm sóc cho kẻ khác và tìm thấy hạnh phúc trong sự chăm sóc ấy.
Có tiếng cửa nhà mở rồi đóng. Tôi tắt bếp lò, tìm cái thìa gỗ để đánh cơm, cùng lúc Lise bước vào. Nó đứng ở lối vào bếp, đợi cho đến khi tôi ngước nhìn lên. Không còn gã đàn ông bên cạnh, phấn son đã phai hết nửa, đôi mắt đã tung ra hết hững đốm lửa cháy bỏng, bây giờ chỉ còn vẻ mỏi mệt. Người đàn bà một nửa trẻ con trong quán rượu buổi trưa buông rơi một nửa phần đàn bà, hiện nguyên hình ba phần tư cô bé đang chập chững học làm phụ nữ. Trái tim tôi thắt lại. Hai cánh tay tôi còn nhớ hơi ấm mềm mại trẻ thơ của thân hình ấy, mũi tôi còn ngửi thấy mùi phấn trẻ con năm nào, chỉ là giờ đây tôi không còn là thần tượng “con muốn giống mẹ khi lớn lên”, mà một thứ nhơ bẩn không hiểu làm sao nó bị dây phải. Tôi bước một bước về phía Lise, nó lùi lại, tôi lùi sâu hơn vào nhà bếp, nó xông đến. “Tại sao mẹ như thế?” Giọng cô con gái mười sáu tuổi của tôi thật lạ lẫm. Nó giống mình, tôi nghĩ, càng giận càng nói nhỏ lại, độ êm lặng sôi trào của lớp nham thạch mang theo hủy diệt. Cho đến khi ngã quỵ và không còn thực sự là anh nữa, Bình sợ nhất giọng nói này của tôi, anh đùa rằng anh có thể nghe tiếng khói bốc lên khi những âm vang kìm nén của tôi đi vào không gian. Những lúc ấy, cơn giận đã khiến tai tôi ù đi, nhiều lúc không nghe rõ chính mình đang nói gì. Bây giờ, khi năm chữ Lise thốt ra lơ lửng trong khoảng trống giữa chúng tôi, tôi nghĩ mình có thể nghe được tiếng rít nhè nhẹ khi chất lỏng sôi chạm vào một vật cản, hiểu được cảm giác nhức nhối Bình đã từng cảm thấy khi những âm vang lướt qua làn da, sắc như một vết giấy cắt. Nhận thức của vết cắt đến trước cảm giác đau đớn, và luôn có nỗi ngạc nhiên rằng một vết cắt tưởng chừng không đáng kể lại đau nhức đến thế.
“Tại sao mẹ như thế?” Trong những vòng tròn màu đỏ nhói lên trong óc tôi, một ý nghĩ chợt đến: con gái mình vẫn chưa biết chửi rủa, chưa biết dùng những chữ thô tục. Ý nghĩ ấy khiến tôi có can đảm nhìn thẳng vào mắt Lise. “Tại sao mẹ như thế? Và với một gã đàn ông như thế?” Lần này không có cả chút chao động trong không khí, vì đôi môi của Lise, hé mở, không thoát ra một âm thanh nào. Tại sao mẹ như thế? Có lẽ vì mẹ còn muốn có những cảm giác của một người đàn bà, muốn được vuốt ve và âu yếm như một người đàn bà tầm thường hết mức của tầm thường, lúc tâm linh chưa vươn lên cao hơn thể xác. Vì một cuộc ngoại tình luôn dễ hơn người ta tưởng tượng và thường tạm bợ đúng như người ta nghĩ. Tại sao là hắn? Một gã đàn ông vô lại nhưng vô hại? Có lẽ vì mẹ sợ rằng nếu gặp người đàn ông lương thiện hơn một chút nữa thôi, mẹ sẽ không còn muốn hay đủ sức trở về căn nhà này, sẽ có cái cớ đẹp đẽ là mối tình tuyệt vời để bỏ mặc những bổn phận đẹp đẽ như bổn phận làm vợ hoặc làm mẹ. Con có hiểu không? Con hiểu cho mẹ nhé.
Lise quay lưng, bước đi. Hai cánh tay chới với như kẻ sắp chìm, tôi muốn gọi nó, muốn ôm lấy nó, muốn níu kéo đứa con gái mang nặng đẻ đau. Lúc nó chưa biết đi, tôi mong cho nó biết đi. Nó biết đi, tôi mong cho nó biết chạy nhảy. Có bao giờ tôi nghĩ đến giây phút này, khi nó rời xa tôi dễ dàng, dứt khoát như thế. Đã đối diện với những điều nó không muốn thấy, đã cật vấn chuyện nó không muốn biết, bây giờ nó bỏ đi. Nó đi đâu? Tìm những câu trả lời? Bùn lầy nào sẽ lấm đôi gót son của con gái tôi, nhơ bẩn nào sẽ chạm vào tâm hồn chưa có những lời nguyền rủa của nó trước khi nó có thể biết ra câu trả lời, hẳn cũng mù mờ và luôn biến đổi như những câu trả lời của tôi đang có. Mười sáu năm nhìn ngắm nó mỗi ngày, có bao giờ tôi ngờ sẽ có lúc nó biến mất khỏi tầm nhìn của tôi và tôi biến mất trong mắt nó. Tôi muốn gọi nó, muốn níu lấy nó, nhưng tôi đứng như chôn chặt vào đất, nhìn khoảng trống như còn vướng vất hiện diện của con gái, nền gạch men có những vệt nước bám bụi xám đen hai tuần rồi chưa được lau dọn, biết rằng mình sẽ nhớ đến khoảng trống ấy rất lâu, và sẽ khóc rất nhiều khi nhớ đến khoảng trống ấy. Nhắm mắt lại, màn tối phủ xuống mắt tôi như lấp lóe vài vệt đỏ, hẳn là ánh lửa của thêm một tầng địa ngục tôi vừa rơi xuống.
Hồ Như - 9/12
Văn bản do tác giả cung cấp.