Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Nấu ăn trong đêm

Trần Mộng Tú
Chị ở trong bếp, một mình. Mới 3 giờ sáng, chị đã xuống bếp nấu nướng. Chị mở tủ lạnh tìm thịt, tìm rau, tìm bất cứ cái gì chị có thể đem ra cắt, thái, chặt, để nấu. Nấu món gì chưa biết, cứ mang hết cả ra đã, rồi tính. Cả tháng nay chị như người ghiền nấu ăn, có khi nửa đêm dậy, đọc sách mãi, mỏi mắt vẫn không ngủ lại được, chị xuống lầu, vào bếp và bắt đầu kiếm cái gì để nấu. Có thật chị ghiền nấu ăn đến thế hay không? Hay đây chỉ là một hành động để chị thoát ra khỏi cái trống rỗng giữa đêm.

Chị bắt đầu thái rau, đập những quả trứng ra tô.
Tính đến hôm nay tiểu bang Washington có 600 người chết, con số này thay đổi mỗi ngày, tăng lên từng ngày.
Chị tìm hành, tìm cà chua, rau. Cứ thái hết đã, rồi tính sau.
Bệnh viện ở New York không đủ ống trợ thở.
Xác người mang ra ngoài xếp vào những chiếc xe đông lạnh đậu sẵn trước cửa bệnh viện.
Chai nước mắm đâu rồi? Có cần hạt tiêu không nhỉ. Chị cúi tìm hoài sao không thấy, chiều qua mới nấu mà.
Cả nước Mỹ đã có hơn 40 bang nhiễm vi khuẩn.
Tiểu bang Washington có hơn 11.790 người nhiễm vi khuẩn – 643 người tử vong.
Tổng thống nói sẽ mở cửa để vực kinh tế. Nhà nước cho dân tiền để vực kinh tế.
Thống đốc New York nhất định vẫn muốn cách ly, con số tử vong đã làm ông sợ hãi cho dân chúng trong thành phố của mình.
Chị lục tung cái bếp lên, kéo ngăn tủ bếp, tìm cái muỗng gỗ, không thấy, ập cái ngăn lại, ập vào ngón tay, có đau không? Không biết.
Hơn 100 linh mục và tu sĩ chết ở Ý khi làm công việc phục vụ bệnh nhân trong giây phút sinh tử không có người thân.
Một số bác sĩ linh mục, bỏ áo dòng đen thay áo trắng y tế trở lại bệnh viện. Bàn Thờ của họ bây giờ là giường bệnh nhân. Thay vì bẻ Bánh Thánh thì họ bẻ chính mình ra để phục vụ.
Chai dầu ăn đâu, chị cần dầu làm gì, chiên hay xào thịt. Chị mang miếng thịt ở ngăn đá ra, cái lạnh ở miếng thịt trên những ngón tay làm chị tỉnh hẳn. Chị thấy mình khát nước, chị đi tìm nước uống. Cái ấm đâu rồi, tối qua còn ngay trên cái bàn này mà. Chị ngửa mặt nhìn lên trần bếp, cái trần lặng thinh, cả cái bếp lặng thinh.
Một vị linh mục đang làm việc trong bệnh viện ở New York nói: Có một ngọn đồi rộng, nơi chôn những xác không có người nhận, người ta đã đào một cái huyệt rất dài và rất rộng, chôn từng mười, hai mươi cái áo quan xuống đó.
Chị bắc cái ghế bậc thang nhỏ, trèo lên với lấy hộp bột mì. Hay là mình làm bánh bao?
Sao ở New York lại nhiều người chết, không có thân nhân đến thế?
Cái hộp bột lăn xuống vai chị, đổ tung tóe bột lên vai, lên quần áo, bột bay cả vào mắt mũi làm chị ho sặc sụa.
Trên toàn cầu có 1,4 triệu ca mắc covid.19 và hơn 165 ngàn ca tử vong.
Con số mỗi ngày một tăng. Yêu cầu mọi người ở trong nhà.
Chị lại khua tung cái bếp lên, tìm, lục, nhưng tìm cái gì chị chưa biết rõ. Cái vòi nước vẫn chảy, chị nhìn thấy nước đã mất mé muốn trào ra khỏi cái bồn rửa chén.
Tắt vòi nước xong, chị ngồi phịch xuống cái ghế, trên bàn bếp có sẵn ly trà nguội ngắt còn lại từ tối hôm qua, chị ngửa cổ uống cạn như uống một ly thuốc đắng, mặt chị nhăn lại. Chị nhìn qua cửa kính, ngoài kia trời vẫn tối, im lặng, chưa có dấu hiệu của bình minh, Chị nhắm mắt lại, nước mắt ứa ra lăn trên má.
Chị theo dõi từng ngày con số nạn nhân qua đời vì nạn dịch virus này ở Seattle, mỗi lần nhìn thấy con số chị lại thấy ngay trong đầu: em chị là một
con số trong những con số đó, ruột chị quặn thắt lại. Bây giờ hơn bảy mươi năm làm người chị mới hiểu hết ý nghĩa, cái cảm giác của câu “đứt ruột” là thế nào. Chị mất cả mấy tuần chân đi như không chạm mặt đất, lúc nào cũng vịn tay vào tường vì dễ mất thăng bằng, muốn ngã. Ăn thì ráng ăn được, uống thì ráng uống được nhưng ngủ thì không ráng ngủ được. Bất chợt tỉnh giấc trong đêm là tỉnh luôn, mang sách ra đọc cho thật mỏi mắt, nhưng khi bỏ sách xuống hai mí mắt cứ trừng bóng tối như mắt làm bằng thủy tinh không nhắm lại được. Mới 2, 3 giờ sáng chị phải dậy ra khỏi giường, chị xuống bếp hâm cho mình một ly sữa nóng để hy vọng sữa nóng sẽ giúp chị ngủ lại, nhưng thường là không. Chị lại tìm xuống bếp mang rau, thịt ra nấu nướng. Nhưng thường chị lục tung cả lên, rồi vứt ngang vứt dọc, trong khi đầu óc quay cuồng với những tin tức đọc ban ngày. Những con số, những quốc gia, những thành phố. Bao nhiêu người mắc bệnh, bao nhiêu người chết và em mình là một trong những người đó. Cuối cùng chị vứt ngổn ngang nồi, chảo, rau, thịt chung quanh bếp, đợi sáng ngày sau thu dọn, nấu nướng.
Ngoài kia trời vẫn chưa sáng, chị chậm chạp leo bảy bực thang lên lầu vào buồng ngủ.
Trong bóng đêm, mắt chị như hai viên thủy tinh trong suốt, không nhắm vào được. Hai viên thủy tinh biết khóc.


4/20/2020