Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Một vụ đấu tố

Phạm Nguyên Trường
canh_dauto
Mình bị bịt mắt. Bị hai người lôi từ trên xe xuống. Họ bắt mình quỳ rồi mới mở băng bịt mắt. Phía trước, trên một cái bục, có cái bàn dài. Ba người, hai nam, một nữ, ngồi sau cái bàn. Sau lưng họ có rất nhiều ảnh và khẩu hiệu, nhưng mình không nhìn rõ, không biết ảnh người nào và khẩu hiệu viết gì. Phía dưới, có một cái bàn nữa, hai người, một nam, một nữ, chắc lả thư ký.



Không được ngoái lại đằng sau. Nhưng tiếng xì xào của rất nhiều giọng nói chứng tỏ đấy là đám đông, hàng trăm, thậm chí cả ngàn người.
Người đàn ông trên khán đài giơ tay ra hiệu cho đám đông trật tự, rồi nói:
- Trên những trang mạng khác nhau PDH dùng tới hai ba bút danh. Có phải đấy là cố tình tìm cách đánh lừa cơ quan bảo vệ pháp luật?
Người lính áp giải (lúc này mới biết anh ta là lính) đưa micro vào sát miệng mình. Mình nói lớn:
- Thưa quý tòa. Không phải ạ. Vì ban đầu tôi sợ mình viết lách không được, nên phải dùng bút danh để khỏi làm xấu mặt vợ con, bạn bè. Vả lại chúng ta đang kêu gọi học tập đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, mà HCM sử dụng hàng trăm bút danh. Tôi chỉ học tập ông cụ thôi ạ.
Một tiếng hô lớn vang lên: “Đả đảo phản động ngoan cố!”. Đám đông đằng sau mình liền hô theo, thật đúng là trời long đất lở: “Đả đảo phản động ngoan cố”, “Đả đảo…!”. Đợi cho đám đông hô xong, người đàn ông mới tiếp tục:
- Năm 2013, PDH được quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải dịch thuật trị giá 1.000USD, năm 2015, PDH lại được quỹ văn hóa PCT kết hợp với vài tổ chức khác trao giải sách hay, lần này không có tiền. Năm 2018, PDH được Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam trao giải sách dịch, trị giá 1.000USD. Có phải PDH đã dùng số tiền tham nhũng được trong khi còn làm trong cơ quan nhà nước để mua những giải thưởng này?
Mình dõng dạc đáp:
- Đúng là ở nước CHXHCN tươi đẹp này của chúng ta, bất cứ người nào có chút quyền hành đều có bổng lộc, không nhiều thì ít. Trong khi làm nhà nước, tôi thuộc những người đại diện cho bên A. Như vậy là chắc chắn là phải có bổng lộc. Nhưng, nói có trời cao đất dày và quỷ thần hai vai chứng giám, tôi là kĩ sư quèn, quèn nhất trong hàng kĩ sư cho nên bổng lộc chẳng đáng là bao. Còn nếu có thể mua được những giải này thì các ông Phùng Xuân Nhạ, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh… đã mua hết rồi, không đến lượt tôi…
“Đả đảo phản động ngoan cố!”, “Đả đảo…!” lần này còn to hơn. Đám đông phía sau dường như đã tiến sát mình hơn. Nhưng mình không sợ. Chết là cùng, sợ gì!
Người đàn ông tiếp tục:
- Cho rằng mình văn hay chữ tốt như thế, tại sao PDH lại không tham gia Hội nhà văn hay Hội nhà báo Việt Nam?
- Thưa quý tòa, tôi nghĩ rằng đấy là những hội sống bằng tiền thuế do những bà nông dân, những ông ngư dân gầy như que củi đóng góp. Tôi cho rằng nhận tiền hay nhận bổng lộc từ những hội đó là cả một sự nhục nhã. Xin tha cho tôi...
Đám đông lại gào lên: “Đả đảo…!” “Đả đảo…!. Lần này dường như còn gần hơn nữa.
Người đàn ông nói:
- PDH mắc nhiều tội lỗi, nay đã gần đất xa trời mà không chịu tiếp thu giáo dục, là người không thể nào cải tạo nổi. Hội đồng xét xử đề nghị trục xuất hắn sang Mỹ. PDH được nói lời cuối cùng trước khi nghị án.
Mình đáp:
- Tôi sinh ra là người Việt Nam. Mồ mả tổ tiên, ông bà cha mẹ tôi đều ở đây, tôi lại không có anh em họ hàng nào là Việt kiều yêu nước. Xin cho tôi được sống những năm tháng cuối đời ở Việt Nam…
Đám đông có lẽ đã mủi lòng. Không thấy hô khẩu hiệu. Người đàn ông bảo:
- Hội đồng nghị án trong 5 phút.
Ba người chụm đầu lại với nhau. Khoảng 5 phút sau người đàn ông đứng lên tay cầm tập giấy và bắt đầu đọc:
- Nhân danh…..
Mình không thèm nghe vì đã thuộc hầu hết bản án rồi. Chỉ mong cho mau kết thúc. Cuối cùng, ông ta nói:
- PDH mắc nhiều tội lỗi, lại không chịu cải tà quy chính. Hội đồng tuyên phạt mức án cao nhất: Tử hình. Bản án có hiệu lực thi hành ngay lập tức.
Cận kề cái chết mà nói không sợ chết là nói dối. Ngoài tiếng tim đập, mình không còn nghe thấy gì nữa. Chân tay bủn rủn, hai người lính phải xốc nách, lôi mình đi. Không thấy đám đông hò hét gì. Đi được một đoạn thì thấy khoảng chục người lính đang giơ súng về phía một tấm bia mờ mờ phía trước. Hai người lính bắt mình đứng sát vào tấm bia rồi bỏ chạy. Mình cũng bỏ chạy. Vừa chạy vừa hét: “Đừng bắn! Cứu tôi với!”. Bỗng thấy đau không chịu nổi. Trúng đạn rồi, mình nghĩ. Nhưng không phải. Hóa ra vừa đập tay vào thành giường. Mẹ kiếp, ngủ mơ mà như thật. Mồ hôi còn lấm tấm trên trán, không hiểu do đấu trí lúc trước hay do sợ. Nhìn đồng hồ, mới có 2 giờ sáng. Không thể ngủ thêm được nữa. Bật máy tính, chép lại chuyện này.
HẾT!