Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (638): Thế Uyên (kỳ 3)

Tiền đồn (3)
2. 2
Đổi vị trí nằm, mắt định vào đúng hướng một chùm tia nắng lọt qua một khe thủng trên mái tôn. Những chấm bụi sáng tan vỡ bay lộn, biến vào khoảng không chung quanh. Hơi nóng hấp từ mái thấp, bốc từ vách tường vữa lở lô gạch có những vệt khói đen. Mồ hôi thấm ướt lưng áo lót, nhớp nháp dính vào vải ghế bố. Chàng xoay người đi đưa lưng ra khoảng trống nhưng không ích gì, không gian nóng đều. Chàng mơ màng nghĩ đến những người làm cách mạng bị bắt và xử tử bằng cách bỏ vào nồi nước một đầu máy xe lửa trong một cuốn tiểu thuyết đọc đã lâu. Chàng vụt nhớ ra tên cuốn sách, Condition humaine, buổi sáng trời mát dịu nắng, trên cao lá cây mới ra xanh mềm, da tay Linh mịn ấm. “Em mua cho anh cuốn này... Lớn như anh rồi còn chưa đọc cuốn này thì dốt quá!”. Chàng mở mắt chậm chạp. Mái tôn như cong thêm vì sức nóng. Chàng muốn cởi quần trận, cởi áo lót, nằm trần trụi như các binh sĩ đang lúi húi cạnh máy truyền tin. Những âm thanh cao đều, gay gắt rung rung trong không khí. Chàng nhắm mắt lại, cố ngủ. Mái tôn cong lên, một múi lòi xuống, tiếp tục hạ gần sát mặt. Chàng vùng vẫy, cố đưa tay đẩy lên. Có tiếng la hét quái dị tứ bề, chàng vùng vẫy. Ý thức vụt trở lại, bắt đầu làm chàng nhận thấy mình vừa ra khỏi cơn mê, mồ hôi ướt sũng áo quần nhớp nhúa. Chàng ngồi dậy mở bi-đông dốc lên miệng, bắt đầu nghe hiểu những lời to tiếng đánh thức chàng dậy. Tiếng trung uý già quát lên:

“... Cái cái cái gì! Có luật lệ nào cho sử dụng truyền tin vào chuyện tư không? Anh nói đi!”
Định nhận ra viên trung sĩ mặc thường phục đi cùng chuyến xe về đồn buổi sáng đang đứng ngoài nắng, mồ hôi chảy đầy mặt. Chàng nhìn và đột nhiên có ý muốn can ra. Từ khuôn mặt những giọt mồ hôi chảy chàng thấy căng lên một ước muốn bùng nổ dữ dội. Chiếc miệng viên trung sĩ há ra như bị kéo mạnh:
“Chẳng cần luật lệ gì hết! Trung uý làm gì tôi thì làm! Tôi bị mìn địch gãy chân nằm Cộng Hoà bây giờ mới hết. Đâu phải tôi đi chơi. Tiền lương tôi kẹt cả ở đại đội, vợ con tôi đói! Tôi phải nhờ ở đây gọi sang, nhờ trao lương cho đoàn tiếp tế mang về đây... Vậy đó! Chỉ có vậy đó! Trung uý làm gì tôi thì làm!”
Chàng thấy chiếc lưng viên sĩ quan già, gầy và cong lên rung động tức giận, một giọt mồ hôi lăn từ gáy, lọt khuất vào trong chiếc áo lót loang lổ những khoảng màu nhạt.
“Anh nói hỗn thế hả! Đứng nghiêm trình diện tôi!”
Hai cánh tay buông thõng của viên trung sĩ quờ quạng trên quần rồi vung lên cao. Hắn bỏ chạy ra sân, phân bua:
“Tôi bị mìn địch, đâu phải đi chơi, đâu phải nhảy dù! Bây giờ ổng hành tôi... Ổng hành hạ tôi!”
Hình dáng hắn khuất sau bức tường, chàng tiếp tục nghe thấy tiếng la lối, tiếng chân người, những câu nói trao đổi. Chàng bước xuống đất, ra sân. Sàn xi-măng nóng bỏng làm chàng bước nhanh và ngắn. Các binh sĩ xúm quanh nhìn Yên, sĩ quan ban 3, đang đẩy viên trung sĩ vào sát tường, chiếc miệng há lớn nhưng không còn âm thanh phát ra. Yên làu nhàu la toán lính:
“Làm cái bì mà bu lại vậy! Giải tán đi! Còn cái anh này, làm cái chi mà la oải lên thế! Bây giờ vào cái lều kia mà ngủ. Đại bàng bảo anh còn la thêm một tiếng nữa thì đừng có trách. Hiểu không?”
Yên buông viên hạ sĩ quan ra chờ đợi. Chiếc miệng há hốc của người trung sĩ, một cánh tay đưa lên vuốt mồ hôi trán:
“Tôi có lỗi gì mà trung uý ổng đòi phạt tôi? Bắt tôi...”
“Thôi, thế đủ rồi, vào lều ngủ đi. Anh còn nói nữa, đáng lẽ không bị phạt thì bị phạt. Thôi vào lều đi, nghe tôi...”
Giọng Yên dịu xuống, dỗ dành. Viên trung sĩ vén chiếc bạt, chui vào lều làm bằng hai poncho cột lại, Yên mỉm cười nhạt nhẽo, hai bàn tay mở về phía trước mệt mỏi. Định hỏi:
“Có phải trung uý Thịnh trước dạy chiến thuật ở Thủ Đức?”
“Đúng, ông ta đấy”.
Định trở vào phòng truyền tin đại đội chỉ huy, cúi đầu tránh mái tôn thấp chìa ra. Chàng trở lại ghế bố, châm thuốc hút. Trung uý già nằm trên ghế kế cận, cặp đùi khẳng khiu lấm tấm lông đen, mái tóc hoa râm cắt ngắn. Khi còn là sinh viên sĩ quan trừ bị, cùng các bạn, chàng rất ghét người này, huấn luyện viên hách với sinh viên, bợ đỡ chỉ huy trưởng, khoe khoang thân thế tối ngày. Sau một lần bị phạt đứng phơi nắng dưới sườn đồi vì một lỗi không đâu, chàng đã tự hẹn ngày nào gặp lại huấn luyện viên này ở đơn vị tác chiếc, chàng sẽ tìm cách đấm cho một trận. Chàng ngẩng đầu lên, ông già đang nhìn chàng bằng đôi mắt trũng sâu dưới làn trán nhăn nhíu. Chàng cúi xuống, nhìn làn khói thuốc.
“Chút nữa các anh ký vào tờ trình của tôi. Tôi sẽ gửi về trung đoàn phạt cho hắn chết”.
Hạ sĩ truyền tin ngẩng đầu lên, nói:
“Thôi thì hơn, trung uý. Anh ấy nóng tính nên vậy thôi. Không có ý gây chuyện với trung uý đâu”.
“Tôi không cần anh khuyên! Anh đã chứng kiến nội vụ, anh phải ký vào tờ trình. Hơn nữa chính anh còn để cho hắn sử dụng máy không có phép tôi, anh có muốn tôi đề nghị phạt cả anh không?”
Viên hạ sĩ cúi xuống, mở máy phát thanh, làu nhàu:
“Mất gì một chữ ký...”
Chàng vứt mẩu thuốc, duỗi thẳng chân, quay mặt vào trong tường, tẩn mẩn dùng ngón tay gạch chữ đầu tên của Linh. Những hàng cây cao-su chạy dài xuống chân đồi 19 chấm dứt nơi ranh giới xạ trường chói nắng, chàng đứng nghiêm cảm rõ những giọt mồ hôi chảy dọc lưng dọc đùi vào giày, lan theo tay làm trơn tuột báng súng. “Trí thức gì mà dốt, tập dở ẹc!”, chàng lắng nghe lời xài xễ, tức giận muốn vùng ra đấm vào giữa cái bộ mặt choắt già nua ấy.
Chàng xoay người hướng ra ngoài, bây giờ bộ mặt già nua nằm kế cận, và chàng không thấy gì hơn là một chút thương hại và rất nhiều dửng dưng.
“Anh tốt nghiệp khoá 14 phải không?”
“Vâng”.
“Đại uý cho anh đi đại đội nào? Sao nằm đây?”
“Đại uý cho tôi ra đại đội hiện đang ở ngoài đồn. Sáng mai mới phải ra trung uý”.
Chàng quay mặt vào tường, tỏ ý buồn ngủ để chấm dứt mọi trao đổi lời nói. Nhưng viên trung uý vẫn tiếp tục:
“Anh thử lửa bao giờ chưa?”
“Rồi trung uý. Nhưng trong trường hợp bị thiên hạ bắn mà tôi tay không. Hồi tản cư... Còn trong tay có súng có thể bắn lại thì chưa, trung uý”.
Chàng nhắm mắt lại, cố ngủ một giấc nữa. Chàng không muốn tiếp tục nói, không muốn thức tỉnh, không muốn nhớ tới hình dáng bàn tay Linh buông thõng, những chiếc ghế màu đỏ sẫm và nắng buổi sáng trên mũi chiếc giày trắng có nơ nhỏ. Chàng đưa tay ra phía sau kéo áo lót căng ra. Một thoáng mát mẻ trên da lưng, ngọn gió từ sông ùa vào làm Tuân và chàng run lên. Chiếc phi cơ chúc mũi sà xuống, nổ súng. Tuân kéo chàng lao sâu hơn nữa vào bãi ngô. Hai người trườn trên cát khô, cố ẩn mình dưới lớp lá. Có tiếng nổ lớn kèm theo tiếng đại liên phát hiện từ phía sông. Quay lại nhìn thấy một chiếc tàu chiến nhỏ dưới lòng sông, một khẩu súng nòng dài giật lui liên tiếp, chàng ngẩn người ra ngắm cho tới khi nòng súng lắc lư, quay thật chậm hướng về phía bãi ngô. Chàng hốt hoảng theo anh lao người sâu nữa vào bên trong, trườn giữa các luống ngô. Tuân la: “Có hố!” Nhảy vào đây Định!”. Chàng theo anh nhảy vào, ngã chúi xuống đáy hố. Đạn cắt đứt những ngọn ngô, cành lá vụn rơi lả tả. Cát dưới hai lòng bàn tay ẩm ướt, màu đen. Chàng cảm thấy hoàn toàn yên ổn, ngẩng đầu tì lên tay. Tuân nằm bên, đầu ngẩng cao nhìn chăm chú về phía trước: một đôi chân trắng bất động trong chiếc váy đen, hình dáng một thân thể đàn bà. Tuân từ từ nghiêng đầu, chăm chú tiếp tục nhìn. Chàng bắt chước cử động của anh và nhìn thấy giữa hai chân một khoảng đen. Người chàng nóng bừng lên, mắt hơi hoa đi trong tiếng nổ rền dưới sông. Chàng có nghe thấy tiếng súng nhưng không để ý, không thể làm gì hơn là giữ nguyên vị trí và nhìn vào đó, cố khám phá trong bóng tối kia những đường nét dứt khoát hơn. Tuân thì thào: “Dậy coi xem! Chắc cô ta còn sống đấy, anh vừa thấy cựa quậy”. Tiếng một chiếc mũ sắt rơi trên sân vang chói tai, chàng ngồi dậy vuốt mồ hôi trán, mở bi-đông đưa lên miệng uống một ngụm lớn. Viên trung uý chưa ngủ, một tay vắt trên trán, những giọt mồ hôi làm ướt đẫm mảng tóc mai nửa xám nửa bạc.
“Anh còn thuốc lá không?”
“Mời trung uý. Thuốc đen”.
Ngày hôm ấy chàng mới mười hai, ngồi nhìn Tuân kéo cô gái ngồi dậy và bắt đầu nói chuyện. Chàng lắng nghe những câu nói, tò mò chờ đợi một sự kỳ lạ xảy ra. Cái gì sẽ xảy ra, chàng không biết, chỉ lờ mờ cảm thấy những nóng bừng ray rứt và mắt không rời hai người tựa vào thành hố. Chàng thất vọng như vừa hụt không được dự một cuộc vui kỳ diệu khi hết tiếng súng, Tuân từ biệt cô gái, kéo chàng ra khỏi hố, len lỏi giữa các luống ngô tìm đường trở về làng. Tuân hơn chàng ba tuổi nhưng đã là đàn ông. Khi tắm ngoài ao, chàng đã nhận thấy anh khác hẳn mình. Tại sao Tuân không tiến thêm, người con gái đã đỏ mặt và cười nép người vào thành hố cát. Chàng cựa mình, quay trở mặt vào tường đồn và cảm thấy thèm muốn đàn bà bắt đầu biểu lộ. Đầu điếu thuốc tẩn mẩn vạch một vòng tròn trên viên gạch ngang tầm mắt. Khói thuốc dội trở lại cay sè, chàng đưa tay lên dụi, hai làn da đẫm mồ hôi cọ vào nhau trơn nhẫy. Tiếng hiệu thính viên bắt đầu và tiếp tục đều đều: “Bắc bình anh dũng, bắc bình anh dũng, cải cách anh dũng oanh liệt, non nước gay go anh dũng. Yên bái, tốp. Tôi nhắc lại, bắc bình anh dũng cải cách... không nghe rõ à? Điều chỉnh lại đi. Một hai ba bốn năm sáu... nghe ba trên năm...” Người đàn bà bồng con trên bãi cát năn nỉ người lái đò: “Bác cứ chở giùm đi. Máy bay bà già không bắn đâu, chồng tôi ốm nặng, tôi phải qua sông gấp”. Người lái đò ngẩng đầu nhìn chiếc phi cơ lượn vòng trên cao, nhìn dòng sông Nhị mùa nước bắt đầu dâng. Tuân nói: “Hai anh em tôi bơi khá lắm, bọn tôi sẽ khênh theo hai cây chuối kia. Có gì cho bà ấy bám... Bác chở giùm tất cả đi một chuyến”. Tuân đứng đầu mũi chèo, chàng ngồi trong khoang nhìn thiếu phụ bằng cả tâm hồn náo nức. Đầu chiếc vú khuất trong miệng đứa bé nhưng phần phồng căn trắng hồng quyến rũ thế nào nhưng... Khi đứng trên bờ đê cao nhìn theo hình dáng thiếu phụ đi khuất sau rặng tre chân đê, Tuân thở dài sau khi cởi phanh ngực áo đón gió cho khô mồ hôi: “Bà ấy đẹp như chị Khanh. Người Hà Nội tản cư đấy“. “Sao anh biết?”. Tuân cười giơ tay vuốt tóc: “Mày nghĩ cái gì mà không thấy tao với cô ấy nói chuyện hoài từ bến lên đến đây? Cô ấy đẹp ghê phải không?”. Nghe anh gọi thiếu phụ là cô ấy, chàng thán phục. Chàng xoay người nằm ngửa lên mái tôn, quờ tay kiếm tờ báo đưa lên quạt. Một thời gian mát mẻ ngắn trên da mặt, bầu trời u ám cuối mùa đông, gió từ sông lên lành lạnh, tự dưng chàng kéo tay anh: “Đứng lại đi! Chắc bà còn nhìn theo chúng mình”. Hai anh em quay lại. Người bà chống chiếc gậy còn đứng ở gò cao gần cổng làng, gió thổi mạnh dạt tà áo sang một bên, những đám mây bay thấp và nhanh phía sau. Tiếng những lá ngô chung quanh xào xạc, âm thanh sắc và êm ái làm nước mắt chàng trào ra. Chàng hỏi anh: “Sao bà không chịu sang ở chung với gia đình chúng mình? Bà già thế sao bà ở một mình. Tây đến thì sao anh?”. Tuân tháo mũ giơ cao phất về phía cổng làng: “Bà với thầy không ưa nhau từ lâu... Vung mũ lên mày, bà chưa nhìn thấy tụi mình vẫy đâu!”. Chàng tháo vội chiếc mũ xanh rộng vành của đoàn thể sói con, leo lên một ngôi mộ vẫy lia lịa, la lớn: “Bà ơi bà. Bà!...” Chàng quay mũ hoài, nước mắt chảy ướt mặt, gió thổi tạt những giọt nước nóng lấm tấm vào vành tai. Lớp mây đen kéo ngang phía chân trời làm hình dáng người bà mờ lẫn đi, thấp thoáng trong trời đất. Tuân kéo tay chàng đi về phía sông.
“Về đi, không hết đò”. Lên tới bờ đê cao phía bên kia, hai người đứng nhìn xuống dòng sông đỏ cuồn cuộn, khu làng, luỹ tre, ruộng ngô hoà lẫn vào nhau. Tuân nói: “Tại sao bà theo ra tiễn, lại không cho bọn mình biết nhỉ?” Bãi ngô dâng lên cao, những thân cây bắp rễ đâm ngang tua tủa, chàng sợ hãi nắm lấy tay anh. Người con gái trong bụi ngô cười rú lên, chàng sợ hãi vùng chạy nhưng chiếc váy đen bùng lớn như lưới, đôi chân trắng sừng sững cột đá ngôi đền thần thoại. Chàng vùng vẫy nhưng như bị kéo, bị hút vào trong chiếc lưới đen mênh mông. Chàng hết sợ hãi nhưng muốn rất muốn ngoái cổ lại nhìn người bà đang đứng tiễn trên gò đất cổng làng đằng sau có mây đen xám. Chàng muốn nhìn, muốn quay cổ lại nhưng không được. Chàng vùng vẫy, không gian nóng bỏng, có tiếng đổ vỡ ầm ĩ. Chàng vùng mạnh... “Đù mẹ cái mũ sắt thằng nào cứ để vướng lối hoài vậy!”. Chàng mở mắt, chiếc mũ sắt lật ngửa còn đang quay tròn thêm một vòng trên sân gạch nắng chói chang. Chàng giơ tay lên coi đồng hồ, mồ hôi làm mờ mặt kính và làm thành kim khí áp vào da ngứa ngáy. Chưa tới ba giờ.
*
Có tiếng giày ngoài sân, chị giật mình buông lược quay lại và thở ra nhẹ nhõm khi nhận ra Tía. Chị cười:
“Làm người ta hết cả hồn. Cứ tưởng mấy ổng vô...”
Tía bỏ chiếc mũ nhựa tròn xuống phản, rút khăn lau mồ hôi trên trán rồi lau báng súng:
“Mấy ổng vô thì sao? Mấy ổng hiền khô à, không thấy sao? Cho xin ly nước, đi từ lộ vào đây khát quá trời”.
Chị vục ly vào vại múc đầy, đặt lên mép phản:
“Mấy ổng hiền thiệt, nhưng vô đóng đây đến đâm mấy ảnh về lại hạch hỏi lôi thôi: “Sao lại để lính Mỹ – Diệm vô đóng! Bộ muốn làm tay sai cho chúng hả?”. Ui chao!...”
Chị cười lớn ngồi xuống phản tiếp tục chải đầu:
“Rồi mấy ảnh còn bắt vô lấy cuốc ra đắp mô nữa. Sợ thấy bà!”
Tía đặt khẩu súng gác lên cột, mở banh ngực áo lùa khăn vào lau mồ hôi trên ngực:
“Sáng ra, tụi tôi đã không bắt anh chị ra phá đi, thế là đỡ quá rồi còn chi”.
Người đàn ông tiếp tục lau ngực, những bắp thịt cuộn căng lên theo cử động của cánh tay. Chị nhìn và nhớ tới ngực chồng, cũng đầu vú nhỏ một cách chi mà kỳ... Không biết đàn ông có vú để làm chi, chị mỉm cười. Người đàn ông theo dõi biến đổi nét mặt, bắt gặp nụ cười, vội đứng dậy lại gần:
“Em à”.
Chị giật mình lùi lại, thân hình tì lên cánh tay xuôi về phía sau làm ngực tức sữa căng lên dưới vải. Tía giơ tay lên, chị vùng né tránh lùi ra phía sau cột, cười:
“Bộ quên tui có chồng con đàng hoàng rồi sao? Muốn bị xua ra khỏi nhà sao mà làm dữ vậy? Đã cho trú nắng, cho uống nước, còn lộn xộn”.
Tía ước lượng khoảng cách giữa hai người, liệu không thể nhảy tới kịp trước khi người đàn bà chạy ra sân, đành ngồi xuống phản cười dàn hoà:
“Em ngồi xuống đi. Tôi không làm chi đâu mà sợ. Có chuyện muốn nói mà”.
“Nói chi thì nói luôn đi. Không chồng tui về bây giờ lại lui lủi như mèo cắt tai rút mất cho coi!”
Tía tức giận, vỗ ngực bạch bạch:
“Bộ tôi sợ thằng chả sao? Tôi không muốn gây rầy rà cho em đó thôi”.
Chị bĩu môi:
“Hăm hoài à! Bộ tưởng làm đại diện xã có súng là tui sợ hay sao”.
Chị cười vui vẻ rồi ngừng khi nhận ra dáng điệu đột nhiên ủ dột của người đàn ông. Chị lại phản ngồi, dịu giọng:
“Anh tới có chuyện chi, nói đi. Tui nghe đây”.
Tía ngẩng đầu nhìn quanh quẩn, rồi nói rụt rè:
“Em à... Tôi vẫn thương em như xưa...”
Đầu cúi xuống, giọng ngập ngừng:
“Em tin tôi đi. Tôi thương em lắm. Thương như hồi ấy... hơn nữa”.
Giọng nói quen thuộc làm chị nhớ lại những ngày đã qua, ngày chị chưa lấy ai và vùng này chưa lộn xộn, ngày chị còn mơ lấy chồng ở tỉnh, hai vợ chồng sẽ cần cù làm ăn, chị bán hàng ở chợ, tối về đi xem tuồng với nhau hay đêm khuya đi ăn tô mì nóng. Ngày ấy trai làng theo đuổi hoài hàng tá, trong đó có Hải, có Tía là chiếm được nhiều cảm tình của chị hơn cả. Nhiều đêm chị nhận lời ra ngoài ruộng nói chuyện với Hải, con người ăn nói đứng đắn và cư xử cũng vậy. Cũng nhiều đêm khác chị ra ngồi bờ lạch với Tía, kẻ hay đòi hỏi nọ kia, nay gạ cầm tay mai đòi hun má. Chị không nhận lời lấy ai hết, mơ lấy chồng mần ăn ngoài tỉnh. Mơ thế hay là vì sợ đau đớn như mẹ chị hồi nhỏ khi Tây về xã và xúm quanh chiếc phản... Chị không biết rõ, nhưng rồi mọi sự chẳng ra làm sao cả, chị thở dài cúi xuống không nhìn người tình cũ đang thì thào kể lể. Không, không có điều gì xảy ra như lòng mơ ước năm xưa cả. Tía một bữa say đánh ông hội đồng xã, sợ, bỏ làng ra đi. Chị hối hận vì sau buổi trưa hai người đàn ông đánh lộn ở bờ dừa, Tía tìm cách gặp mặt chị và chị đã nín thinh không trả lời câu hỏi, lảng tránh ngay vì nét mặt Tía quá dữ dằn. Thế rồi đến tối, Tía uống say ngoài quán, bị hội đồng xã chế giễu, đã gây ẩu đả. Sáng hôm sau biết chuyện, chị lại kiếm, nhưng Tía đã bỏ làng đi biệt tích từ đêm. Trở về nhà, chị khóc giấu trong bếp khi nghĩ đến cảnh Tía lủi thủi một mình lội bộ lên tỉnh. Những tháng sau đó, chị sống trong chờ đợi Tía trở về sau khi từ chối lời hỏi cưới của Hải. Rồi chiến tranh lan tới, Hải bỏ làng theo mấy tên du kích vẫn đêm đêm lẻn về khuyến dụ. Tiếng súng bắt đầu nổ vang ruộng vườn. Chiếc đồn đổ nát trước chợ được tỉnh cho sửa chữa lại, hai chục dân vệ đến trú đóng trong số đó có vài gã con trai trong làng. Nhưng bây giờ có súng có đạn, họ không còn cư xử như xưa. Chỉ còn Uông, một người đã theo đuổi chị ngày xưa nhưng bị cự tuyệt khá tệ, là còn cư xử đứng đắn. Tất cả những kẻ khác trong đồn đều tìm cách trêu chọc các cô bạn gái cùng làng xã cũ một cách thô lỗ. Đôi khi bị chọc quá tệ, cũng không cô nào dám cự nự nặng lời vì những kẻ kia đe rằng trưởng đồn rất dữ: “Lộn xộn đến tai ổng, ổng đốt xã cho coi!”. Uông mỗi khi có dịp, thường vô làng cà rà với bà con cả ngày, không phải để ngăn hay tìm du kích, mà để cản mấy đồng đội quê nơi khác khỏi phá phách. Nhưng những xã bên, số gà bị bắt đi ăn thịt không trả tiền mỗi ngày một tăng với sự hống hách của viên trưởng đồn ngoài chợ. Hắn đánh thêm thuế đặc biệt vào hàng hoá, đe ai lên thưa ông quận, sẽ bắn bỏ. Đôi mắt hắn lừ lừ, nhìn vào đàn bà như xoáy rách quần áo ra. Các bà ngoài chợ đồn rằng hắn xưa kia làm bồi cho một sĩ quan Pháp miệt Hậu Giang, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu đàn bà đã khổ vì hai thầy trò hắn. Bị tù, giải ngũ, làm lơ xe đò đứng bến một thời gian rồi không hiểu sao hắn được làm trưởng đồn dân vệ vùng này. Mọi người còn đồn hắn giàu lắm, bao tới ba vợ nhỏ ngoài tỉnh. Chị thường lắng nghe những lời đồn đại này và sợ hãi len lét cúi xuống mỗi khi lão sán tới gần ngoài chợ. Một buổi sáng, mới đặt chân lên quốc lộ chị bị hai khẩu súng dí vào ngực dẫn vào đồn. Chị run rẩy bước theo đường vòng chữ chi giữa rào kẽm gai, láo liên tìm Uông trong đám người đang cười rộ lên. Uông đâu, Uông đâu rồi. Có người la lên: “Em Hai ơi, em tìm chi nữa. Thằng Uông bị sai đi công tác dưới tỉnh mốt mới về. Vô tình diện trưởng đồn nộp thuế đi cho rồi, em Hai ôi...”. Tất cả năm đứa, trưởng đồn mắt lừ lừ, hai người bắt chị về đây, hai người nữa, tất cả là năm người. Chị lùi, lùi hoài, vấp phải phía sau té ngửa. Có tiếng cười lớn, những đầu gối bắp đùi tiến lại gần. Y như thế, y hệt ngày đã lâu chị còn là cô bé nằm run rẩy nấp dưới gầm phản, những tiếng cười lớn, những đùi những gối tiến lại gần, có tiếng la hét, tiếng má chị hay ai khác? Ba ngày sau đi công tác về, Uông tới thăm, ngồi nghe chị kể lại trong tiếng khóc. Uông không nói gì cả, hắn cũng không chào má chị đứng đó.
Uông không nói gì cả, lẳng lặng ra về, rồi một ngày qua hai ngày qua không có gì thay đổi. Đồn trưởng vẫn thu thuế chợ, vẫn hống hách, Uông vẫn thầm lặng như cái bóng cho tới một buổi sáng, vừa đặt gánh xuống, chợ chưa đông, Uông đã đợi sẵn lại gần nói nhỏ: “Giả bộ đau, về đi. Nghe tui, giả bộ đau về đi!”. Chị nghe lời, trở về nhà ngồi giặt quần áo cho tới khi có tiếng súng nổ ran và đồn bốc cháy khói đen cánh đồng. Chị không chạy vô hầm núp, đứng sững ra nhìn. Hẳn năm gã ấy phải chết. Một tiếng nổ dữ dội, các viên ngói tung lên cao rơi xuống lả tả làm chị chợt nhớ má chị có thể bị chết ngoài chợ trước đồn. Chị chạy vội, hối hả trên bờ ruộng và gặp một toán người băng đồng chạy vào mấy ruộng mía. Thoáng trông chị tưởng hành khách chiếc xe đò đang đỗ trước đồn. Lại gần hơn chị nhận ra nét mặt quen của vài anh du kích thỉnh thoảng vẫn về xã tổ chức nói chuyện chống Mỹ, người nào cũng khệ nệ ôm thùng đạn, súng lủng lẳng hai ba khẩu trên vai. Hải chạy sau chót, mồ hôi đầy mặt, dừng lại cười: “Bọn tôi trả thù cho em rồi đó. Nhảy trên xe đò xuống, bọn tôi giết không còn thằng nào trong đồn... Đêm nay tôi trở lại thăm em nghe!”. Hải nhảy vào bụi khuất dạng. Hai chiếc thiết giáp từ tỉnh xuống nổ súng bắn liên hồi, chị nằm ép dưới ruộng tới trưa mới ra được chợ. Má chị chết rồi. Uông cùng vài người làng khênh giùm xác về. Chị khóc ròng đi phía sau, tiếp tục khóc sau khi tắm rửa cho hết bùn dưới lạch. Uông đón dẫn chị vào bụi. “Tôi trả thù cho em đó”. Chị không kháng cự gì cả, thân thể rã rời trong tay người đàn ông vội vã. Khi Uông lôi dậy mặc hộ quần áo, chị mới nhớ ra má đã chết, máu chảy loang thành vũng sau gánh hàng và xác mới đưa về nhà chưa tắm rửa chưa liệm. Chị khóc lớn tiếng trên con đường từ lạch về nhà, và đêm về sáng khi Hải thò tay qua khe vách đánh thức, mắt đã sưng húp lên đau nhức: “Chiều tôi đi em... Tôi thương em, em biết không. Từ khi Uông báo tin em bị tụi chúng làm ẩu, tôi ngày đêm lo tổ chức nội tuyến với hắn để công đồn... Tôi tình nguyện chỉ huy tổ chức...”. Chị không khóc, thân thể bỏ mặc trong tay Hải cho tới khi trời bắt đầu sáng, người đàn ông từ giã đi khuất sau hàng dừa. Uông bị tỉnh bắt vì tội nội tuyến, biệt tích luôn ngay từ hôm sau. Lâu lắm, một tuần hay một tháng sau chị mới nhớ ra đáng lẽ những khi ấy phải nói với Uông, với Hải: “Má tôi chết rồi đó. Xác còn để trong nhà kia. Anh buông tôi ra!”. Lớp cỏ trên mộ xanh dần, chị đã quen gánh hàng ra chợ trước đồn cháy đen và khi về đã quay đầu lại đáp chuyện với Ba lẽo đẽo theo sau.