Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (637): Thế Uyên (kỳ 2)

TIỀN ĐỒN (kỳ 2)
Hy trải tấm bản đồ bọc nhựa xuống cỏ, cầm bút chấm. Nắng hắt trên nhựa bọc làm Vũ nhăn nhó khó chịu.
“Trung đội 3 hôm nay trực, đi bên phải quốc lộ. Trung đội 2 đi bên trái, tôi và trừ bị đi sau trung đội 2”.
Có tiếng huýt sáo vang từ máy truyền tin, Vũ đưa tay lên cầm ống liên hợp, trả lời. Lưỡi chàng chuyển động khó khăn, miệng khô khan thèm thuồng một ly cà-phê sữa đặc quánh. Chàng cài ống nghe vào đai vải, quay lại nói:
“Tiểu đoàn báo cho biết có một đại đội biệt động quân từ bên kia sông rút sang, theo lộ trình này...”
Vũ cầm bút vạch trên bản đồ:
“Tiểu đoàn dặn phải cẩn thận, không đụng lầm. Họ sẽ tới ngã tư đất đỏ rồi theo quốc lộ về tỉnh”.
Hy gạch chữ thập lên bản đồ:
“Khỏi lo đụng lầm. Một giờ nữa tối đa đại đội mình vượt qua ngã tư rồi. Vũ nhớ khi qua ngã tư, cho bắn càn quét vào rừng bên phải”.
Vũ khó chịu, làu nhàu. Chàng rất ghét cái lối nổ súng bừa bãi khi không có địch. Chàng đứng dậy, vươn vai hỏi:
“Chắc có địch ở số nhà đó không?”
Hy gập bản đồ, đút vào ngực áo:
“Một trung đội du kích. Thằng Tư tưởng bảo vậy. Cứ biết vậy đã. Nhưng mong rằng tin đó sai”.
Khi len lỏi sau các dãy nhà, các ruộng khô gần tới ngã tư, Vũ hết sức mong tin đó sai. Xe hàng đỗ dồn cục, các hành khách đứng từng nhóm nhỏ nhìn về phía trước. Chàng cho quân ép sát lộ, một người đàn bà đi tiêu luống cuống kéo quần đứng dậy, một ông già tiếp tục đái, thản nhiên nhìn toán lính xáp lại gần. Cho quân bố trí sau bờ tre, chàng gọi hiệu thính viên đi cùng lại ngã tư, hỏi mấy người tài xế đang ngồi ngổn ngang hút thuốc:
“Có mô phải không? Mấy cái?”
Một người mặc áo trận lính cũ lem luốc dầu mỡ đứng dậy:
“Tụi tôi cũng không rõ. Vừa tới chỗ bờ ấp kia thì bị mấy ổng hét bắt trở lui. Tụi tôi trở lui... Có tới hai ba cái mô chi đó”.
Vũ cầm máy, gọi Hy:
“Thanh thấy gì không? Thanh 3 chẳng thấy gì cả”.
Chàng nhìn qua ngã tư: bên phải đường là khoảng trống dài gần một cây số cây mọc thấp ngang đầu tới mép rừng. Phía xa bờ ấp cao vững như bức tường. Một khẩu trung liên đặt ở đó, trung đội chàng chỉ có nước nằm chịu trận. Vũ nói vào máy:
“Thanh cho Thanh 2 tiến trước giùm. Bên đó có rừng cao-su”.
Tiếng Hy trả lời biến giọng qua ống nghe:
“Tôi có lệnh như thế rồi. Nhưng thằng Thanh 2 không dám tiến. Đồ gà chết cả lũ! Thôi, Thanh 3 tiến đi, tôi yểm trợ cho”.
Trung đội mở rộng hàng qua ngã tư rồi đứng lại. Các binh sĩ nhìn khoảng trống dài trước mặt. Phía xa thành ấp đất trắng vững chãi, Vũ bực dọc, tiên phong lên đi đầu. Chàng mệt và chán không muốn chửi rủa gì nữa. Mọi sự là như thế rồi. Không thể sửa đổi, sức không đủ cho chàng sửa đổi bất cứ cái gì. Tay đặt trên cò súng đã nhờn trong mồ hôi, chàng cố tập trung quan sát vào bờ ấp. Yên tĩnh, bất động. Còn xa quá, không thể phân biệt được chi tiết. Đột nhiên có tiếng la lớn phía sau:
“Dừng lại đi! Đi nữa nó bắn chết hết”.
Vũ quay lại. Toán quân trải rộng và dài về phía sau. Xạ thủ trung liên tiểu đội đầu đi một mình, người tải đạn ngồi bệt xuống một quãng phía sau. Vũ tức giận. Vẫn binh Cận, một kẻ luôn luôn kêu than, luôn luôn tìm dịp nhảy dù về tỉnh. Mỗi lần bị la, hắn nhìn chàng như muốn gây lộn. Và nhiều lần, chàng đã muốn đưa súng lên cho hắn một phát rồi mọi sự muốn tới đâu thì tới. Chàng la lớn:
“Lên đi! Đứng đây, nó quạt thì tịch hết”.
Cận vẫn ngồi dưới đất, nói trống không:
“Lên còn chắc chết hơn nữa”.
Vũ thấy cơn giận biến thành một ước muốn giết người cuồn cuộn trong mạch máu. Chàng ngó cái bộ mặt lấp ló trên cỏ, đôi mắt láo liên sợ hãi của Cận như thấy đó là tất cả những cái gì chàng thù hận trong cuộc đời này. Từ người vợ cằn nhằn cau có, đứa con hay đau quặt quẹo cho tới lão tiểu đoàn trưởng đầu húi cua hay la hét, cho tới những nỗi cực nhục nhọc nhằn chàng đã phải trải qua cho tới lúc này, lúc này... Chàng đi trở lại, súng hạ xuống tiến trở lại phía Cận. Đôi mắt láo liên hấp háy dưới ánh nắng buổi sáng nhìn chàng.
*
Nắng chiếu trên mặt bàn làm chất sữa trong ly mỡ màng hẳn lên, Định tỳ cằm lên tay cúi nhìn mảnh giấy ghi tiền đặt bên cạnh gạt tàn thuốc. Chàng thấy yêu chất sữa dưới nắng, làn khói thuốc xanh cuồn cuộn bay, chậm chạp và tha thiết trong một luyến tiếc cũ kỹ. Chàng đặt tay lên tay Linh trên thành ghế kế bên. Đôi mắt thiếu nữ mở lớn im lặng. Ngoài hè, hai người đàn bà dừng lại nói chuyện, vẻ mặt như cãi lộn. Định rút tay về, cầm chiếc mũ lưỡi trai bạc nắng, tháo phù hiệu cấp bậc. Chàng nói:
“Ở sư đoàn này, không ai đeo lon đi hành quân. Sẽ bị bắn chết liền”.
Chàng vặn lại núm đồng vào đinh, bỏ tất cả vào túi, cầm bao thuốc, lấy một điếu. Chàng cầm bật lửa châm hút, chàng đặt bao thuốc xuống bàn, đặt bật lửa xuống cạnh bao thuốc, chàng cầm ly lên uống, đặt ly xuống. Những hành động bình thường của cuộc đời này, của chàng dưới đôi mắt nhìn mở lớn của Linh. Tám giờ rồi, tám giờ của một buổi sáng có nắng, tám giờ của một ngày. Nhưng một siết thắt, một mong manh bao phủ tất cả những cử động, những khói thuốc, những chất sữa mỡ màng trong chiếc ly sứ dày cộm. Tám giờ rồi... Chàng quay lại nói, nhìn ra phía sau Linh:
“Mười lăm phút nữa anh đi”.
“Anh đừng nói gì cả, anh đừng nói nữa, em van anh!”
Chàng quay đầu lại, khó khăn nhìn ra đường, nhìn sang bên kia hè, nhìn thành tường thấp ngay trước mặt, nhìn chiếc ghế bọc da đỏ bên kia bàn, nhìn đôi giày cao gót trắng có một chiếc nơ nhỏ bằng da cứng, nhìn phần bàn chân Linh lộ khỏi giày, lớp lông tơ óng ả dưới nắng. Bàn tay của Linh đưa vào tầm mắt nhìn của chàng, tìm bàn tay chàng kéo đi. Chàng nhìn những chiếc xe chạy ngoài lộ, chàng nhìn những người đi trên vỉa hè, chàng nhìn thành tường thấp trước mặt, chàng nhìn chiếc ghế da đỏ bên kia bàn, chàng nhìn chiếc nơ nhỏ bằng da trên mũi giày. Những ngón tay Linh len lỏi, khao khát tìm đan kết với các ngón tay của chàng. Những ngón tay ấm, buồn rầu. Những quấn quít tuyệt vọng, câm nín trên tâm hồn chàng, tâm hồn đang gây gấy trong một chia lìa với những chiếc xe chạy ngoài lộ, những người đi trên vỉa hè, bức tường thấp trước mặt, chiếc ghế bọc da đỏ bên kia bàn, những ngón tay ấm buồn rầu trên da chàng. Định cầm bao thuốc lá bỏ vào túi, cầm bật lửa bỏ vào túi quần, đứng dậy, cầm túi quân trang đưa lên vai. Linh ngồi bất động, bàn tay buông thõng trên thành ghe, nắng lấp lánh trên hàng mi dài. Chàng bước ra khỏi quán, chàng mở cửa xe tắc-xi, ném túi quân trang xuống sàn, chàng đóng cửa xe và chàng không biết Linh ngồi trên ghế nhìn gì, bức tường thấp trước mặt, những người đi trên hè hay điếu thuốc cháy dở bốc khói trong gạt tàn lúc chàng đứng dậy ra đi.
*
Rổ khoai mì đã bán gần hết, chị hài lòng xoa hai tay vào nhau cho sạch đất. Nắng chưa gắt, chiếc nón chị còn quẳng ngửa bên cạnh trên đất. Một người lính dừng lại, chị thấy đôi giày da cao cổ đầy bụi, gót phía sau mòn vẹt. Giọng nói lơ lớ làm chị biết đây là một người Nùng, tiểu đoàn đóng vùng này gần như có giọng nói như thế cả, mấy anh du kích gọi là dân xì dầu, lý do tại họ gần như không biết ăn nước mắm. Không hiểu xì dầu ngon lành gì mà mấy ổng ăn hoài được. Chị thốt cười rúc rích. Bà Tư đưa tay xua ruồi trên gói xôi bọc lá sẵn, cầm đưa lên cho người lính, quay lại gắt đùa:
“Con Ba có cái chi thích mà cười hoài vậy?”
Chị tiếp tục cười, liếc nhìn người lính đang bốc xôi đưa lên miệng, khẩu súng kẹp giữa hai chân báng kê trên mũi giầy, trả lời:
“Tui thích cười thì tui cười...”
“Thôi, qua biết rồi. Sáng nay mặt trời lên gần tàu cau rồi, qua nhà tụi bay còn thấp liếp kéo kín mít. Ngủ chi kỹ vậy, bây giờ cười dữ. Qua biết quá mà...”
Chị vụt thấy nóng bừng mặt, im bặt cúi xuống luống cuống. Người lính nhìn chị như thế từ lúc nào chị không hay. Tự dưng chị ngồi ngay ngắn lại, lấy nón đội lên đầu. Chị thấy sờ sợ. Chợ buổi sớm đương đông và những người lính chính quy này về đây từ hơn một tháng không làm bậy bạ bao giờ, nhưng chị vẫn thấy sợ. Chị ngồi nín thinh nhìn xuống đất và chỉ thở ra nhẹ nhõm khi đôi giày cao cổ đụng đậy rồi đi khuất khỏi tầm nhìn. Chị biết không nên sợ vì không có gì đáng sợ cả nhưng chị vẫn... Thôi, phải rồi, tụi lính Pháp hồi ấy cũng đi thứ giày này. Bị tát văng vô gậm phản, chị vừa đau vừa sợ nằm cố nín khóc, sợ bị lôi ra đánh thêm. Chị nhìn thấy những đôi giày như thế ngọ nguậy tiến lui, tiếng má chị la hét phía trên, tiếng cười lớn của toán lính, những câu nói xì xồ giữa la oải đau đớn nhỏ dần thành rên rỉ. Chị nằm lịm dưới gầm như thế cho tới chiều, cho tới khi toán quân rời khỏi làng, người bà lôi ra tắm rửa, cho ăn trước khi dẫn vào buồng thăm mẹ nằm trên giường mắt sưng vù đỏ ngầu:
“Còn chỗ này bán nốt cho tôi đi! Năm đồng chịu không?”
Chị ngẩng lên, nhận ra đại diện xã:
“Tưởng ai! Anh thì còn lâu tui mới bán”.
Chị cười, lấy giấy gói.
*
Vũ ngừng lại cách binh Cận vài thước, hạ mũi súng xuống. Chàng cố kìm giữ cho ngón tay trỏ nằm nguyên trên sắt che cò, nếu không... Chàng cố giữ giọng điềm tĩnh, ra lệnh:
“Tiếp tục đến!”
Cận đứng dậy, xốc lại bao đạn, bước nhanh về phía trước. Khi đi ngang qua chàng, mắt Cận nhìn trộm, ánh mắt vừa sợ hãi vừa thù hằn. Toán quân bắt đầu di chuyển, Vũ đột nhiên thấy tiếc một dịp giết người. Trái lệnh tại mặt trận, chàng có thể bắn chết Cận không bị hậu quả gì hơn một cuộc điều tra lôi thôi và ba mươi củ là cùng. Bây giờ Cận đã lủi thủi đi sau xạ thủ trung liên, chàng nhìn cái lưng nhấp nhô, thấy uất ức lại tăng thêm. Tại sao chàng không bắn ngay lúc hắn vừa ngồi bệt xuống, tại sao chàng lại cố kiềm chế. Dịp may đã qua rồi. Và như vậy sẽ còn ngày lại ngày tiếp tục chiến đấu với những binh sĩ thiếu kỷ luật như thế này không biết cho tới bao giờ. Chàng không thể vừa chiến đấu chống địch vừa lo chống thuộc hạ.
Vũ quay lại hiệu thính viên, làu nhàu:
“Thằng Cận hên thật!... Anh báo cho Đống đa trưởng biết bọn mình đã tiếp tục tiến”.
Một tràng tiếng nổ từ phía ấp, khóm cây rung động dưới làn đạn. Vũ quỳ xuống, la vào trong máy giữa tiếng súng bắn trả ồn ào.
“Vĩnh 3 bố trí tại chỗ. Địch bắn từ bờ ấp bên phải quốc lộ. Nghe không trả lời. Tôi không thể tiến được!”
Tiếng Hy hối hả:
“Tôi cho súng cối yểm trợ... Bọn chúng có trung liên đầu bạc. Tôi đang xin tư tưởng Đống đa bắn 81”.
Chị Ba giật mình đánh rớt gói khoai mì xuống đất, lắng nghe tiếng súng nổ liên hồi. Chợ vụt im bặt tiếng ồn ào, mọi người đứng dậy lo ngại nhìn về hướng tiếng súng. Đại diện xã cười:
“Xa tới hai cây số lận. Đừng lo. Làm hư hết cả khoai mì của tôi rồi!”
Vũ đứng dậy la lớn:
“Thôi bắn! Thôi bắn!”
Xạ thủ trung liên ngồi dậy nhìn về phía bờ ấp. Vũ tiến lại gần:
“Tụi chúng rút rồi”.
Chàng chưa nói hết câu, một tiếng nổ lớn bùng ra bên phải, tiếp theo một tiếng nữa. Chàng chạy lại máy vô tuyến, giằng ống nghe trong tay hiệu thính viên:
“Vĩnh thanh, Vĩnh thanh! Súng cối hai trái nổ bên phải tôi 100 thước. Không ai bị thương. Gọi tư tưởng Đống đa nhờ pháo binh yểm trợ mau. Đụng cả C. chúng nó rồi!”
“Vĩnh ba tiếp tục bố trí tại chỗ cho tôi! 81 sắp bắn đó, quan sát!... Pháo binh sắp bắn trái khói bên phải anh. Điều chỉnh thẳng với tư tưởng Đống đa. Hết”.
Một tiếng nổ, hai tiếng nổ, một chuỗi tiếng nổ ở trong đồn phía bên kia quốc lộ. Chị Ba lụp chụp quơ cái thúng:
“Chết tui rồi!”
Dân chúng chạy tản mát vào các dãy nhà chung quanh chợ. Đồ hàng đổ lỏng chỏng. Đại diện xã la lớn:
“Bà con đừng lo! Bà con đừng lo! Súng cối đồn bắn đi đó. Không có sao đâu!”
Chị nấp sau cột láo liên nhìn những người lính chạy băng qua lộ, tập trung trước đồn. Các tiếng nổ kế tiếp. Chị bắt đầu bình tĩnh, quay lại mỉm cười với người ngồi xệp dưới chân:
“Hú hồn! Cứ tưởng mấy anh đánh đồn nữa”.
*
Định xuống xe ba bánh, sửa lại mũ cho thẳng, xách túi quân trang ném lên vai. Con đường đất đỏ nát bấy, những vũng nước phản chiếu ánh nắng buổi sáng hắt vào mắt làm chàng mỏi mệt thêm sau mỗi bước chân. Chàng ném túi quân trang xuống đất, ngồi lên trên thở mạnh. Những giọt mồ hôi chảy trên da lưng và bụng. Một chiếc Jeep nhấp nhỏm từ phía trong đi ra, Định ngẩng đầu lên, hai sĩ quan trên xe nhìn chàng, chàng nhìn họ, chiếc xe vượt qua trong tiếng động cơ nổ nhỏ dần về phía cổng doanh trại. Định đứng dậy lấy phù hiệu trong túi ra đeo vào ngực, vác túi quân trang đi tiếp. Dãy nhà lớn đổ nát, một chiếc GMC đỗ giữa sân, các toán lính ôm súng ngồi rải rác, nhìn chàng đi qua. Phòng truyền tin náo nhiệt, sĩ quan ban I lắc đầu nói:
“Chuẩn uý Định đợi ở đây đi. Tiểu đoàn 1 đang đụng địch, chưa thể liên lạc được đâu”.
Định đứng tựa vào tường, châm thuốc hút. Các âm thanh điện tử trong, cao xen kẽ tiếng văng tục của một hiệu thính viên. Một thiếu uý lại gần giơ tay. Định đưa điếu thuốc cho châm tiếp. Chàng hỏi:
“Tiểu đoàn đụng địch?”
“Không, đụng lẫn nhau mới đau chứ! Một đại đội của tiểu đoàn 1 đụng đại đội biệt động quân. Thế mới nhảm. Hai biệt động quân bị thương”.
“Tôi sắp tới tiểu đoàn đó”. Định tới nhờ ban truyền tin báo cho tiểu đoàn biết, cung cấp phương tiện tới đơn vị.
“Việc gì phải mất công! Xuân, ra đây bồ. Xuân trưởng ban 5 tiểu đoàn anh đó. Còn đây lính mới”.
Định mỉm cười đưa tay bắt và chàng có cảm tình ngay với khuôn mặt tròn, đôi mắt cũng tròn, giọng nặng và niềm nở của người miền Hậu Giang. Chàng hỏi:
“Tiểu đoàn mình choảng với biệt động quân hả?”
Xuân cười lộ hàm răng có một chiếc nhô ra:
“Thế mới kỳ! Chưa biết lỗi tại ai. Hy tính hắn cẩn thận lắm, không hiểu sao... Trung đoàn trưởng đang la oải phòng bên kia, bồ thò ra bây giờ là ăn xài xễ đó”.
Sĩ quan truyền tin rời máy lại gần, giơ tay:
“Cho điếu thuốc bồ! Đại đội trưởng biệt động quân đang chửi thiên hạ tùm lum. Hắn đe sẽ mang quân về đánh tiểu khu vì tội cho lộ trình ẩu. Hai binh sĩ của hắn bị thương vì đạn 81. Mẹ kiếp, nhảm thật! Chẳng ra cái thể thống gì hết đó. Giữa ban ngày ban mặt mà đánh lộn nhau, không nhờ bên pháo binh thấy hai bên cùng xin yểm trợ, không chịu tác xạ ngay, không thì còn chết nhiều”.
Xuân hỏi:
“Có lệnh của tiểu đoàn cho tôi chưa?”
“Rồi. Bảo anh mang xe về ngay. Đi đường cẩn thận vì sáng nay kẹt quân chưa mở đường đâu”.
Định lên ngồi cạnh tài xế, Xuân móc túi quần lẩy ra một trái lựu đạn.
“Bồ cầm tạm lấy cái này. Lộ trình này không thể biết trước được... Xe tải gạo tiếp tế thôi, nhưng tụi Cộng không thèm biết điều đó”.
Chiếc xe vụt thắng lại giữa đường, một người mặc thường phục nhảy lên bục, mừng rỡ:
“Thiếu uý Xuân! May quá. Chưa biết làm sao về tiểu đoàn đây”.
“Chân lành rồi hả? Xuất viện tuần trước phải hôn? Chơi đã Sài Gòn rồi chứ? Leo lên phía sau đi”.
Xuân quay lại nói:
“Trung sĩ Mẹo đại đội 1 đó. Hắn bị mìn gãy cẳng tháng trước”.
Khi chiếc xe ra khỏi thị trấn, người tài xế nhìn chăm chú lòng đường loang đất đỏ từng khoảng, Xuân ngó ngoáy nhìn láo liên hai bên, tay siết chặt trên cổ khẩu cac-bin đặt dọc cửa xe. Định quay đầu nhìn ra phía sau. Hình như không còn ai nói chuyện. Chàng bỏ trái lựu đạn vào giữa hai đùi, kẹp chặt, lấy bao thuốc và bật lửa. Xe lắc lư làm ngọn lửa không bén ngay vào đầu thuốc. Khi điếu thuốc đã cháy, chàng ngẩng lên nhìn về phía trước. Những vệt đất gồ ghề trên mặt lộ dưới nắng nhòe lẫn với màu cà-phê sữa trong chiếc ly chàng mới uống hồi sáng và những ngón tay Linh, những sợi lông tơ nhỏ phớt trắng dưới nắng.
*
Vũ mở bi-đông đưa lên miệng tu một hơi dài. Chàng chậm chạp xoay núm nhựa đậy lại, mắt nhìn theo những người lính biệt động quân đi chót khuất sau hàng cây. Bên cạnh chỗ chàng ngồi, một vài giọt máu của kẻ bị thương nhỏ xuống bắt đầu có màu nâu sậm. Hy vung tay tiếp tục nói lớn tiếng:
“Hắn vừa tiến tới vừa quát: Ai làm đại đội trưởng ở đây? Tôi la lại: Tôi là đại đội trưởng, yêu cầu anh cho biết cấp bậc, mời ngồi nói chuyện chơi... Hắn không ngồi, quát tại sao bọn mình kêu 81 bắn bừa. Tôi la lại là chính bên hắn bắn hai trái 60 trước, thử hỏi bên nào gà chết trước!”
Xạ thủ súng cối nói chen vào:
“Tụi chúng gà chết! Bắn hai phát mà không trúng trung đội chuẩn uý Vũ đi khơi khơi...”
Vũ cúi xuống, im lặng. Chàng nhìn những giọt máu bám trên lá cỏ, không nghĩ ngợi, không buồn rầu, không vui mừng. Tiếng Hy tiếp tục:
“Tôi trách hắn đổi lộ trình sao không báo trước. Tôi trách hắn không chịu quan sát, tụi Cộng ở bên phải ấp sao không thấy không bắn, lại nhè trung đội của anh đang đi khơi khơi khoảng trống mà làm hai quả 60 liền... Sau cùng hắn à một tiếng rồi la: Tại thằng tiểu khu. Về đánh chiếm tiểu khu hỏi tội... Thế rồi hắn kéo quân đi”.
Hiệu thính viên xen vào:
“Tiểu đoàn vừa nói tụi họ vừa đi qua đồn vừa chửi tùm lum. Kể tức cũng phải. Tự dưng bị thương hai người, chẳng ra sao hết, chỉ tụi Cộng là lợi. Hai bên đánh lộn nhau, chúng vác trung liên chuồn mất”.
Hai tiếng nổ lớn kế tiếp vang dội. Những viên đất nhỏ rơi lả tả trên đầu, quần áo. Vũ quay đầu lại la lớn về phía toán đang dùng TNT phá ụ:
“Còn mấy cái mả Hồ Chí Minh nữa mới xong?”
Một tiếng la trả lời:
“Ba mả nữa!”
Vũ nói với Hy:
“Ít nhất một giờ trưa mới xong. Trưa nay có cơm không?”
“Yên trí. Tôi gọi về đồn bảo hoả đầu vụ rồi. Chắc chúng sắp mang ra”.
Vũ đứng dậy, đeo khẩu súng lên vai đi băng qua lộ. Toán phá đường cởi trần, mồ hôi bóng nhẫy. Khu vườn mát rượi, gió từ đồng trống phía xa thổi tới lá cây cọ vào nhau êm ái. Những binh sĩ đang lúi húi nấu cơm, những làn khói xanh bốc lên, kéo dài và tan biến theo chiều gió. Vũ bước vào căn nhà, cúi đầu đáp lễ người đàn ông rụt rè đứng dậy. Chàng cúi xuống nhìn chiếc hầm trú dưới gầm phản: không có gì khả nghi. “Cảm phiền bác cho quân sĩ tôi đóng đây và lấy nước”. Chàng không muốn ngồi lại, căn phòng quá thiếu sáng, quá tù túng. Chàng dựng súng vào vách hành lang, rút cái võng ni-lông kẹp giữa xấp bản đồ ra khỏi ngực áo vứt xuống sàn đá hoa làm gối. Lưng mát lạnh, những cành lá thấp thoáng ánh nắng, những tiếng reo nho nhỏ và thanh, chàng ngủ thiếp đi và thức tỉnh khi tiếng nhạc trong transistor của hoả đầu quân lớn dần. Chàng ngồi xếp bằng trên thềm, chàng biết chàng ăn không ngon không phải vì mệt, không phải vì đánh lộn quân bạn. Chàng ăn không ngon vì ánh nắng cứ lấp lánh trên các lá cây, các lá cây tiếp tục cọ vào nhau êm ái làm chàng như thấy có một cái gì vô ích và thừa thãi. Sau cùng, khi lại ngả người trên gạch ngủ tiếp, chàng nghĩ rằng chàng đang nhớ quê cũ, chàng đang nhớ tuổi ấu thời, chàng đang thèm trở về nhà để ngủ bên thân thể rắn chắc, một giấc yên tĩnh không lo bị bắn, sẽ bị đột kích, bị thương, bị chết trong khi ý thức còn lẫn trong u tối của giấc ngủ.
*
Chị tức nghẹn cổ họng, miếng cơm nằm đó không chịu xuống. Chị cầm tô canh lên uống, rồi tự dưng vùng liệng xuống đất. Nước canh, mảnh vỡ tung toé trên đất. Chị cúi nhìn vết nước thấm loang trên nền nhà khô nâu, càng uất ức. Chị la lớn:
“Tui không làm chi bậy, tui không có gì phải giấu hết. Tôi hổng sợ ai hết đó! Có đánh thì đánh đi coi!”
Ba nín thinh trước cơn giận của vợ, nhưng rồi anh bắt đầu nói, giọng hạ thấp hơn trước:
“Không có chi! Không có chi sao bà Hạnh nói trông thấy hai người nói chuyện hoài sau hàng ba chợ? Thiếu chi chợ, sao lại đứng lúi xụi”.
“Thế bộ tự dưng tôi vô đứng đó sao? Súng bắn ầm ầm, tôi đừng chạy núp...”
Chị hầm hầm đứng dậy ra sân. Nhưng tới hiên, chị dừng lại la lối:
“Ba ngày một trận ghen tuông! Tui chịu hết nổi rồi đó. Ừ! Thằng Tía là bồ của tui đó, đã sao chưa! Chồng chi mà kỳ. Bộ muốn tui đứng sựng giữa chợ cho đạn nổ chết luôn sao. Chạy núp, ai mà chọn được chỗ. Bộ muốn tui chết phải hôn? Muốn thì nói đi!”
Chị ngồi xuống thềm, khóc. Nước mắt càng tràn ra, chị càng tức. Đứa bé thấy mẹ khóc, cũng hoạ theo. Chị trở vào phản bồng con ra ngoài đầu thềm, kể lể:
“Thôi! Chỉ có con là thương má thôi, phải hôn? Má con mình đến đi kiếm chỗ khác thôi. Má nuôi con nghe, hổng cần con người đó há”.
Chị lại bắt đầu khóc sau khi liếc nhìn thấy chồng đang rời khỏi phản. Ba lầm lũi đi qua mặt hai mẹ con, mở cổng đi về quốc lộ. Chắc ảnh đi nhậu, chị nghĩ tủi thân khóc lớn hơn rồi ngừng bặt sau khi thấy bóng chồng khuất sau một khúc quanh. Cứ mỗi lần cãi lộn xong là lại như thế, nhậu say đến đi hết nổi mới trở về nhà ngủ vùi. Cũng may anh hiền, say đến đâu cũng không đánh mẹ con chị bao giờ. Ảnh thế mà tốt hơn nhiều người khác. Chị đột nhiên thấy mình muốn cười, rồi chị mỉm cười. Có ai trông thấy đâu mà sợ. Chị lấy khăn lau mặt đứa bé, nhét vào tay nó một con vịt nhựa, thu xếp bát đũa vào rổ bê ra sân rửa. Trời nắng gắt nhưng ánh nắng không qua được lớp lá mít dày đặc trên đầu. Chị nghĩ tới chồng đang lầm lũi đi dọc bờ ruộng. Khi nãy anh đi vội, đâu đội nón. Phơi nắng sau khi say độc lắm. Thế nào cũng đau cho mà coi. Nghĩ cũng tội nghiệp ảnh. Anh thương mình quá nên hay làm tùm lum vậy thôi. Nào đã có chi bậy bạ đâu. Tự dưng máu dồn lên nóng bừng mặt. Chị nhớ tới một buổi trưa, lâu rồi, ngày chưa lấy chồng, ngồi với Tía sau bờ dừa ngoài sông. Bàn tay người đàn ông sần sùi và ráp trên cánh tay, chị run lên. Giá bữa ấy Tía đừng có vội, chị đâu có la lên. Giá lúc đó ảnh chịu khó đợi đến tối... Đúng thế, nếu trời tối, chắc chị không la. Nhưng ảnh vội quá. Chị la lên và Hải đã chạy đến. Hai người đàn ông đánh lộn nhau. Chị đứng sững dưới gốc cây dừa, chẳng mong cho ai thắng. Hải cũng thương chị. Và chị cũng chẳng biết bênh ai trong hai kẻ đang hầm hè lăn xả vào nhau đấm đá... Chị bê rổ bát đứng lên, đặt từng chiếc úp xuống giàn cây trước sân. Hải đi theo mấy anh du kích, Tía lên tỉnh mần ăn mất tích. Ở lại ấp, sau cùng chị lấy Ba. Kể cũng kỳ. Mình đã tưởng không lấy Tía thì lấy Hải. Rút cục, một con rồi kia. Chị cười, đi vào nhà. Chuyện hai người đánh nhau tùm lum hồi ấy, cả xã biết. Tía trở về là đại diện xã. Lại hay cà rờ chung quanh, làm ảnh chi không ghen cho được. Chị lại cười, lấy lược chải lại tóc và nhìn khuôn mặt mình trong gương. Nắng ngoài sân chói một khoảng nhỏ góc gương làm chị nhíu mắt.
*
Vũ từ từ cảm thấy nóng bỏng trên đùi và ngực. Nắng buổi trưa đã chiếu tới hàng hiên, chàng toan cựa mình lăn vào trong nhưng vách tường chận lại. Bây giờ đã tỉnh hẳn ngủ, chàng nhớ lại thứ lo lắng bồng bềnh bao phủ từ trong giấc ngủ kéo dài tới lúc này. Hình như có địch trong bụi đang bò tới gần, nòng súng lắc lư dọ dẫm tìm đường ngắm đúng. Vũ muốn ngồi dậy mở mắt quan sát tứ phía nhưng thân thể chàng ì ra. Các ý nghĩ xôn xao, vẫn cảm giác bất an, vẫn thứ vị trí ranh giới với cái chết ấy, không có gì đâu, lính chắc có đứa thức gác phía sau nhà. Không có gì đâu, không có gì đâu... Chàng xoay người quay lưng ra phía ngoài, cố ngủ tiếp nhưng không được. Lưng lành lạnh trống trải và thụ động vô phương tự vệ như một tấm bia trên thềm bắn. Đến như thế là vô ích rồi, không thể khuyên nhủ được gì nữa để tâm hồn chịu trở vào giấc ngủ, chỉ còn có cách ngồi dậy quan sát... Vũ ngồi lên, nhìn tứ phía. Bên kia quốc lộ hàng cao-su chạy dài từng hàng trống trải, cỏ từng khoảng dưới vùng nắng lọt qua lá phía trên. Không có gì cả, không có một người nào, không một cành cây lùm cỏ rung động một cách khả nghi. Vũ đưa chân móc dây nịt đạn lại gần, lấy bi-đông đưa lên miệng tu một hơi dài. Chàng để trả bi-đông vào bao, châm thuốc hút và bắt đầu thấy hoàn toàn an ninh. Chàng đã mở mắt, tỉnh táo và khẩu súng trong tầm tay. Mắt mở, tỉnh táo và súng cầm tay, chỉ như thế mới thấy yên ổn. Ban đêm chàng nằm trên võng, bàn tay mân mê báng súng gác bên, lắng nghe từng tiếng động. Tiếng chó sủa vu vơ nơi xa, tiếng một con chuột chạy va vào một ống bơ, tiếng trẻ khóc trong một ngôi nhà, tất cả đến thẳng ý thức chàng đòi hỏi một chú ý, một phân tích. Có địch hay không. Có hay không, hướng nào. Giác quan cực nhạy trong một tình trạng căng thẳng kéo dài và thường trực đến độ một đêm tự dưng chàng bừng ra khỏi giấc ngủ, tâm hồn chưa chuyển vận, tay trái đã đặt lên dây nịt đạn và khẩu súng đã gọn ghẽ trên tay phải: nhưng không một tiếng động, một luồng gió bất thường. Cái gì đã làm chàng thức tỉnh? Ngồi im nhìn và lắng nghe trong ánh trăng ban đêm, sau cùng chàng khám phá ra chính người lính gác giặc đổi phiên gác rón rén đi qua che khuất trong một khoảnh khắc ánh trăng vẫn chiếu trên mặt, đã làm chàng thức giấc. Mới chỉ thiếu đi một khoảnh khắc ánh trăng ... mình mệt rồi, chàng thì thào, phải kiếm đôi giày khác, đưa đôi này đi làm fermeture. Một thằng bạn nào đã nói: Phải đi giày có fermeture đỡ căng thẳng thần kinh... Hắn có lý đấy, chàng sợ nhất ban đêm bị đánh bất ngờ, xỏ giày không kịp, cứ chân không tác chiến và chạy băng bờ bụi.
Có tiếng cãi cọ lớn phía sau nhà. Một anh binh sĩ chạy ra, mặt đỏ bừng tức giận:
“Tôi bảo thằng Cận nó gác. Nó không chịu. Bảo bị kích bất ngờ, chết nó trước nó chịu!”
Vũ ngẩng đầu lên nhìn, chàng không ưa hạ sĩ này. Không có khả năng chỉ huy lại hay la lối chê trách đồng đội. Hắn nói có lý, có lý nhưng chàng hôm nay không cho lệnh gác ngày. Chưa ra lệnh, không cần bảo vệ lệnh. Chàng mỏi mệt và tức giận. Tức giận tất cả, từ bộ mặt hỗn láo của Cận.
Người hạ sĩ cau có trở lại, làu nhàu:
“Tiểu đội 1 nhảy dù về đồn hết rồi, chuẩn uý!”
“Tôi cho họ về thổi cơm”.
“Nhưng chuẩn uý bảo chỉ cho mỗi tiểu đội về hai người thôi”.
“Hiện giờ còn bao nhiêu?”
“Dạ mười người, tính cả chuẩn uý”.
Vũ đột nhiên mỉm cười vu vơ. Mười người trên tổng số mười bảy. Không sao. Còn hai người, đối với chàng, thế cũng đủ. Một kẻ coi bên trái và phía trước, một kẻ coi bên phải và phía sau, chàng đi đâu cũng được.
Vũ xách súng đứng dậy, đi vòng ra phía sau nhà. Chàng la lớn về phía toán lính:
“Tôi đi năm mươi thước về phía này, nhớ đó! Đừng có bắn ẩu”.
Chàng chọn một chỗ cỏ thấp đằng sau một bụi cây nhỏ có hoa tím lấm tấm, tụt quần ngồi xuống. Chàng búng mẩu thuốc ra phía trước, lơ đãng theo dõi nó rơi lướt trên các ngọn cỏ rồi khuất xuống dưới. Một làn khói xanh bắt đầu cuồn cuộn bốc lên khỏi lớp cỏ, tan vỡ dưới gió. Chàng nhìn làn khói, buồn bã và bực tức. Sau cùng chàng hiểu rằng chàng đang tiếc đã không bắn chết Cận sáng nay, tiếc vô cùng. Chàng đứng lên định cài thắt lưng, một tiếng súng nổ chát chúa phía trước. Chàng tiếp tục tìm đầu dây thắt lưng, chắc lại một tên du kích nào bắt hú hoạ quấy nhiễu. Một tiếng rít dài vụt qua đồng thời với tiếng nổ thứ hai. Nó đang nhắm mình, chàng không kịp nhét cái giống vào trong quần, cúi vội xuống cầm súng đưa lên vai, bắn vội vã vào những gốc cây, bụi rậm phía trước. Sau ba phát liền, chàng biết tên du kích chắc chắn đã lẩn mất nhưng nỗi bực tức làm tay chàng tiếp tục bóp cò, phía xa từng lớp vỏ cây trúng đạn văng ra, từng lớp bụi trắng bờ ấp tung lên làm chàng dễ chịu hơn. Chàng tiếp tục bắn và khi băng đạn hết, chàng quay lại phía sau la lớn mấy người lính lấp ló ẩn nấp quan sát:
“Bảo hiệu thính viên báo cáo đại đội trưởng: Một tên du kích bắn sẻ! Vô sự!”
Chàng cúi xuống, nắng chiếu vào lớp lông óng ánh. Chàng cầm súng đứng sững một thời gian, cúi nhìn cái giống của mình dưới ánh nắng, không suy nghĩ gì cả.