Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 223): Hồ Trường An (kỳ 3)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG
Chương 3
Năm Nhan bước qua những vòng khoai mỡ. Lá khoai mỡ to bản, ướt sũng sương đêm, dây khoai mập mạp. Lứa khoai nầy tốt quá, hợp đất và hợp thời tiết. Dẫu thấy đất trên vồng còn ướt, nhưng nàng vẫn lấy gàu múc nước tưới khoai vì đêm qua tuy nhiều sương, nhưng trời đầy sao sáng long lanh báo hiệu hôm nay nắng đẹp.
Bốn luống khoai mỡ, mỗi luống dài hai mươi lăm thước cũng đủ làm cho nàng mỏi tay. Có lẽ tại đêm qua nàng trằn trọc ngủ không ngon. Sở rẫy nầy khá lớn, gần một mẫu đất. Hôm nay, nàng phải tưới cho đến khi mặt trời lên tận ba sào. Ngoài khoai mỡ, nàng còn có trồng dưa leo, húng, hành, hẹ, kiệu, cải ngọt, củ cải, cà chua, ớt. Hai Cường, người anh trưởng của nàng tuy ham chơi, nhưng một khi nhúng tay vào việc gì là làm chí tình, chí tận. Sở rẫy nầy mà được tươi tốt, ngăn nắp là cũng nhờ chàng. Những khóm hành, những khóm hẹ, những khóm kiệu trên từng luống riêng biệt, lá bén rễ sởn sơ. Những khóm kiệu hương được trồng phía trên luống. Luống còn lại dành cho kiệu trâu, và kiệu trâu tuy lớn củ, nhưng khi cắn ra thì gặp chất nhớt. Riêng hành lá thì cọng nào cọng nấy cao gần bằng ba tấc, lớn cỡ mút đũa… Giờ đây củ cải mới vừa bén đất, lá chưa xanh đậm, cà chua vừa kết trái tròn bằng trái mù u. Loại rau thơm phủ rậm xuống đất, những khóm quế trổ bông tím tím, những khóm húng lủi lùn tịt, lá nhăn nheo, nhưng tươi ngăn ngắt, những bụi húng cây láng trơn, thân lên cao hơn, những chùm rấp cá lá tròn tròn hình trái tim. Cuối gốc rẫy là giàn bầu, giàn mướp, giàn đậu rồng. Hai Cường dựng tre, nứa, cây trăm bện từng chiếc giàn cao. Khi mỗi giàn đầy lá, chàng đặt phía dưới một chiếc chõng tre để cả nhà trưa nóng nực ra ngồi hóng mát, uống trà hoặc ăn mía.
Năm Nhan cười thầm. Đêm qua, cả nhà nàng đều thức khuya. Nàng tuy nằm im, giả đò ngủ say, nhưng nàng đã nghe lóng được câu chuyện của hai chị mình. Ba Kiểm đổ hô là Tám Kiệt để ý tới cô ta. Nhưng cách đây bốn ngày, cô đã tâm sự với Năm Nhan rằng Tám Kiệt đã muốn ve vãn cô ta bằng điệu hát câu hò. Trật lất! Hai chị nàng ỷ tài, ỷ sắc nên lầm rồi. Thật ra, chính Năm Nhan mới được Tám Kiệt tỏ tình yêu. Chuyện đời thật là cắc cớ! Đứng bên Ba Kiểm và Tư Diễm, nàng có nhằm nhò chi về phương diện bóng sắc và cách ăn nói để mê hoặc đàn ông? Ba Kiểm đẹp lộng lẫy như đóa hoa vông đồng đỏ thắm. Tư Diễm rực rỡ như đóa hoa đũa hình sao, cánh hường tươi. Còn nàng chỉ là một bông hoa quao mọc bên mé nước, chỉ có màu trắng mà thôi. Ấy vậy, mà Tám Kiệt đã từng nói với nàng:
- Em ôi qua là hạng trai tứ chiếng, sanh sống bằng gạo chợ nước sông. Qua đã từng trải qua nhiều hạng gái sành sỏi rồi, nên chỉ muốn tìm một người vợ hiền. Bởi vậy, qua phải lựa gái nào chơn chất, thiệt thà, đừng sắc sảo quá, mà cũng đừng lu câm quá.
Dù thật thà, chơn chất, Năm Nhan tự biết mình không lu câm. Mặt nàng trái soan, da nàng tuy ngăm đen nhưng dung quang thật rãng rỡ như gương. Ba Kiểm thường chê nàng lầm lì, lấm lét như con rắn mồng năm. Tư Diễm chê nàng chậm chạp, khù khờ. Ấy vậy, mà mấy bà già trầu lại khen nàng điềm tĩnh, vững chãi, bền chí.
Tám Kiệt có bà con cô cậu với Sáu Quyên. Tháng trước, chàng nhờ Sáu Quyên đánh tiếng dùm chàng muốn đi cưói Năm Nhan. Trước hết, Sáu Quyên hỏi ý kiến Năm Nhan. Vừa nghe Sáu Quyên ướm lời, Năm Nhan chỉ nói:
- Phận em là gái, đâu dám tự chuyện. Xin chị cứ thưa với má em trước đã.
Sáu Quyên trước khi thưa chuyện với bà Bếp Luông, có tổ chức một dịp để Tám Kiệt và Năm Nhan gặp nhau. Sau đó, chị ta bàn bạc với bà Bếp Luông. Bà nấy chắt lưỡi, gãi đầu:
- Khó quá cô Sáu ơi, tôi chưa gã hai con chị mà nhè gả con em trước đố khỏi xóm làng dị nghị. Nếu cậu Tám có thương con Năm thì thủng thỉnh sẽ tính tới, chớ tính gấp coi… kỳ lắm.
Kẹt ở chỗ chưa tính chuyện chung thân cho Ba kiểm và Tư Diễm. Tuy nhiên, hôm qua, bà Bếp Luông an ủi Năm Nhan:
- Con đừng có nóng ruột. Để má lo cho hai chị con trước đã. Nội trong năm nay thôi. Con gắng khuyên thằng Tám đừng có thối chí.
Bà Bếp Luông dặn Năm Nhan đừng cho hai chị nàng hay việc Tám Kiệt ngỏ ý cầu hôn nàng vì sợ hai cô bị bẽ mặt, tủi thân, vậy thôi. Do đó, Ba Kiểm lẫn Tư Diễm cứ để cho giấc mơ mình thao túng, cứ để cho hy vọng trổ bông, trổ trái sum suê,
Trong óc Năm Nhan bỗng vang lên hai câu:
Ruộng ai thì nấy đắp bờ
Duyên ai, nấy gặp, đừng chờ uổng công.

Cứ nghĩ tới câu hò Năm Nhan cảm thấy mình ích kỷ quá rồi. Nàng lấy chồng trước hai chị sao được, khi mà sở rẫy nầy đã phó thác vào tay Hai Cường và tay nàng. Ba Kiểm và Tư Diễm giỏi giao thiệp và buôn bán, nếu nàng bỏ đi lấy chồng ngang xương thì hai chị nàng phải thay thế nàng cầm cuốc, cầm xẻng, những thứ mà hai chị nàng đâu có quen tay? Nàng chỉ trông cậy Út Biên, nhưng Út tháng tới còn phải đi học nghề thợ rèn ở đầu làng, năm tới mãn hạn. Chừng nào nàng giao sở rẫy cho Út thì nàng đi lấy chồng một cách an tâm nhẹ nhõm hơn.
Nắng bắt đầu lên cao. Sở rẫy cũng vừa tưới xong. May sáng hôm nay, các rãnh nước xẻ dọc theo rẫy ngập đầy nước trong mát, nên Năm Nhan được đỡ tay hơn, chỉ cần quơ nhẹ gàu nước là nàng có thể múc đầy nước rồi. Nước đọng trên lá rau, ngọn cỏ lóng lánh đầy chuổi hột thủy tinh. Bấy giờ, trời hãy còn sớm, nắng trắng xoá như bạc nén. Khi mặt trời nằm vắt vẻo trên ngọn cây sao ở giữa rẫy là nắng đổi sắc vàng ròng.
Một con chim ác là đáp trên ngọn cây sao kêu chát chúa. Xa hơn nữa, cạnh mé nước có tiếng chim đỗ quyên và chim cúm núm. Năm Nhan đưa mắt nhìn về phía đám sậy bên kia dòng rạch; ở đó, mỗi khi nước ròng, bãi phù sa đầy loài vịt nước chim trời như chằng bè, le le, nhạn sen… Và cũng ở đó, ghe thương hồ của Tám Kiệt thường đậu để nấu cơm chiều. Năm Nhan man mác buồn. Nàng hò:

Nhìn ra sậy xám lau vàng
Ngày lu, nắng uá, bóng chàng nơi đâu?

Mỗi khi hò tới hai chữ “nơi đâu” Năm Nhan cố tập cho giọng mình đổ hột hay gợn sóng lăn tăn để cho âm hưởng càng thêm se thắt.
- Hò mùi quá ta! Hò như vậy anh hùng nào mà chẳng lụy?
Năm Nhan quay lại. Sáu Quyên nhìn nàng, ánh mắt tinh quái. Hôm nay Sáu Quyên mặc áo túi cụt màu khói nhang, quần lãnh cạp lưng bằng nhiễu màu cánh sen, tóc chải vén khéo. Sáu Quyên không đẹp như Ba Kiểm, Tư Diểm, nhưng dáng dấp mềm mại và phong lưu hơn. Khuôn mặt và vóc hình của chị ta kết hợp bằng những nét cong mềm.
- Chị qua đây sớm vậy?
Sáu Quyên cười:
- Qua đây hỏi tội thằng Hai Cuờng?
- Tội gì vậy chị?
- Trăm thứ tội em, em à. Nó thái thậm lắm. Không tề, không chỉnh nó, có ngày nó trèo lên đầu lên cổ chị.
Năm Nhan không nói gì. Từ hừng đông, Hai Cường lo thắp đèn, rang cơm, ăn uống no rồi nói đi qua bên Sóc Thổ. Nhưng lạ một điều là hôm nay chàng không ăn diện chải chuốt như mọi lần trước.
- Chị coi thằng Hai như em út, vậy mà con mẹ Bảy Cá Trê nói chị muốn ve vãn thằng Hai chớ. Để rồi em coi, con mẻ chọc ai, chứ nhè con Sáu Quyên nầy thì đừng có giỡn mặt. Chị sẽ chặt đầu nó như chặt đầu cá chốt, chị sẽ móc họng nó như móc họng cá tra... Hồi chị ở Vịnh Trà Bay, ai cũng kêu chị là con Sáu La Sát ráo trọi.
Năm Nhan ngập ngừng:
- Còn anh Hai có ... nói gì chị không?
- Nó giỡn nhột chị thôi chớ có ác khẩu gì. Tuy vậy chị muốn hỏi tội nó cho nó hoảng hồn chơi.
- Anh Hai em đi Sóc Thổ từ sáng sớm.
Sáu Quyên mắt long lanh:
- Ối, giỡn với em chớ vừa sáng sớm thằng Hai gõ cửa nhà chị, nói với chị rằng đi chợ Vàm Xáng. Nó hỏi chị muốn gởi mua gì không? Chị đã nhờ nó bổ giùm một ít hàng hoá như dầu lửa, kim chỉ, nước mắm rồi.
Năm Nhan nói:
- Sao lúc đó chị không hỏi tội ảnh đi?
Sáu Quyên phì cười:
- Em khờ quá. Đã nhờ người ta, mà còn cà khịa với người ta nỗi gì?
Mắt Sáu Quyên đã đổi ánh lém lỉnh, lẳng lơ:
- Ối, nó là em út, nó muốn trèo lên đầu mình chút đỉnh… cũng không sao. Ở đời mà Năm, nhằm nhò gì ba cái chuyện hơn thiệt, hén Năm?
Hai chị em dắt nhau về phía ngôi nhà. Sáu Quyên nói:
- Đêm qua thằng Út cắm câu trúng nhiều cá trê, cá lóc lắm. Bà già có lòng thơm thảo, gởi cho chị hai con cá trê vàng, con nào con nấy lớn bằng cườm tay vậy. Hôm nay chị muốn qua thăm bả, bắt chí, nhổ tóc ngứa giùm bả; luôn tiện cho bả một mớ tép chấy ăn lấy thảo.
Cả hai vào nhà. Bà Bếp Luông đang làm bếp. Sợi bún trắng được thoa mỡ hành đặt trên chiếc vịm sành. Bà Bếp Luơng ân cần:
- Hôm nay sẵn cúng đất đai viên trạch, cô Sáu ở đây dùng bữa luôn cho vui.
Sáu Quyên cười vui vẻ:
- Ông bà mình thường nói:
“Hôm nay có đám giỗ gần,
Trong bụng bần thần, chẳng muốn nấu cơm”.
Hèn gì từ rạng đông tới bây giờ bụng dạ cháu bào xào… sao ấy. Té ra hôm nay ở đây có cúng kiếng.
Ba Kiểm ngồi xay bột bên cối đá, xía vào:
- Cớ không phải tại đêm qua anh Hai em chọc chị nên lòng chị xao xuyến bần thần?
Sáu Quyên rủa:
- Dịch vật mầy nghe Ba. Mầy mà bắt chước con mẹ Bảy Cá Trê là… chết với tao đa.
Sáu Quyên ngồi gần bà Bếp Luông, vói tay lấy bó lá húng ra lặt. Giọng chị nhõng nhẽo:
- Thằng Hai Cường cũng kỳ quá, bác. Có ngày cháu xin phép bác, lấy roi bổ vào đít nó chớ chẳng không.
Ba Kiểm nheo mắt:
- Anh Hai em khen chị có duyên, cặp mắt ướt rượt.
Sáu Quyên rít lên:
- Con Hà Bá khéo nói xàm. Nó khen thây kệ nó, coi như... chó sủa ma vậy mà.
Ba Kiểm rắn mắt:
- Mà em hỏi thiệt chị, chị nghe rồi chị có mừng không?
- Tao đã nói ma bắt, dịch vật mầy Ba. Mầy khéo hỏi trêu tao làm chi? Bây giờ tao nói tao chẵng những không mừng mà còn bực mình thì mầy cũng không tin. Ối thôi, bụng ai nấy biết đó Ba à. Mà ngẫm lại, tao cũng chẵng phải Dạ Xoa hay Chung Vô Diệm gì đó. Nó khen tao... có lý lắm đa.
Ba Kiểm cười hăng hắc:
- Thì trai tơ gặp gái góa mặc sức mà mắt qua mày lại, rồi thì phụng múa loan xòe.
Sáu Quyên hét:
- Con nầy bộ muốn ăn bạt tai hay cán chổi mà.
Bà Bếp Luông rầy:
- Cái con Ba ăn nói luông tuồng quen thói rồi.
Bà Bếp Luông tuy không bao giờ nghĩ mình có thể cưới Sáu Quyên cho cậu trưởng nam của mình, nhưng bà rất mến chị ta, và cũng không bao giờ nghĩ chị ta để lòng thương yêu Hai Cường. Nếp sống và cung cách Sáu Quyên khác hẳn gái miệt nầy. Nghe đồn, trước đây hai năm, chị ta làm bếp cho một tiệm ăn ta ở Sài Gòn. Hèn gì nhắc tới Sài Gòn, chị ta kể nào là Bến Thành, Chợ Lớn, chợ Quán, chợ Đũi, chợ Đakao, cùng mô tả khung cảnh ngựa xe, đèn điện, hàng kem, hàng nước đá, nhà hát Tây… Hèn gì Sáu Quyên chẳng làm bếp khéo, nhứt là kho cá, chấy tép thiệt ngon. Cứ xem lứa tép chấy nầy cũng đủ biết tài chị ta rồi. Con tép trong vắt, nâu nâu như chuổi hổ phách, lẫn vào miếng thịt ba rọi béo bùi, những miếng khóm ngọt lừ lừ… Tép rang nầy chỉ cắn một cái là mỡ chảy tươm ra đầu lưỡi, thắm tháp mặn mòi mắm muối và thơm phức mùi tiêu tỏi… Tép rang nầy mà ăn với canh khoai mỡ thì khỏi có chê.
Bà Bếp Luông ngọt ngào:
- Cô Sáu ở goá cũng lâu rồi, sao cô không kiếm người kết bạn trăm năm để nương tựa vậy cô?
Mắt người đàn bà sẫm buồn, sịu xuống như cái bánh bao thiu. Chị ta ngó mông ra phía ngoài sân, chỗ bồn hoa đũa bếp. Hoa phô cánh hường tươi. Bồn thấp thoáng mấy cánh bướm non mầu trắng, mấy con chuồn chuồn đỏ như trái ớt.
Sáu Quyên buồn buồn:
- Thưa bác, duyên nợ khó mà tự định được. Hễ mình nhắm chỗ xứng đáng thì người ta không thèm đoái hoài gì tới mình. Bởi vậy, ít năm nữa, nhắm không gặp người hạp ý, cháu sẽ cắt tóc, cạo đầu đi tu cho thảnh thơi tâm trí.
Bà Bếp Luông cười:
- Cô còn trẻ, còn xinh tốt như tiên nga. Cô mà đi tu thì để đàn ông cho ai? Cô đi tu thì uổng tương, uổng chao lắm đa cô.
Gần đúng ngọ, Hai Cường vế tới. Và sau đó, chừng giập bã trầu, Út Biên đi tát đìa cũng về để kịp cúng kiếng. Vừa trông thấy Sáu Quyên, Hai Cường nhìn cái quần lãnh mới của chị ta, khen:
- Chị Sáu hôm nay láng như con cá trê.
Sáu Quyên hứ một cái không nói không rằng.
Hai Cường lại cười mơn:
- Nếu không phải cá trê thì cá chạch vậy.
Sáu Quyên quắc mắt:
- Tội nghiệp tao quá Hai Cường à. Tối nay tao phải tụng kinh cầu an, mầy đừng có chọc tao chửi đa nghen. Tao cần phải giữ miệng cho sạch sẽ để mai đi ăn chay nữa là.
Bà Bếp Luông cười híp mắt:
- Hai đứa nầy khắc khẩu với nhau quá mà.
Sáu Quyên nói:
- Thằng Hai ưa châm biếm cháu hoài. Hôm trước cháu mặc quần sa teng đen kết ren ở lai theo kiểu Sài Gòn, nó cũng tìm cách xỏ xiên nữa, bác ơi.
Hai Cường cười:
- Thì tôi tưởng lai quần chị bị cá rô rỉa, chớ có dè đâu chị lại kết ren. Bởi tôi quê mùa, đâu có biết ren là cái gì đâu.
Sáu Quyên trợn mắt:
- Mầy đừng có lẻo mép. Miệng mầy quen thói xuyên tạc tao hoài, ai cũng biết.
Ba Kiểm chọc quê liền:
- Còn có một điều là ai ai cũng chưa biết là anh Hai em mê chị, mà chị cũng có mòi… để ý ảnh nữa.
Sáu Quyên gầm:
- Mầy nói bậy tao về liền cho mầy coi. Cái con Ba Kiểm nầy đúng là có miệng cá vồ, nói toàn những lời dơ dáy, thúi tha.
Ba Kiểm cười ngất, không ngừng tay cối xay bột. Mai là ngày rằm, nàng làm bánh bò, bánh da lợn, bánh qui để đi bán ở chợ Vàm Xáng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, nàng đã thấy Hai Cường lủi đâu mất rồi.
Cơm xong, Út Biên quyết định đến nhà chú Bảy Cá Trê để được gặp mặt Ba Đào. Vốn không quen nói láo, Út mở rương, lấy gói giấy dầu rồi lẻn ra ngỏ sau, mở cửa vườn ăn thông ra bờ ruộng viền cây trâm bầu. Út lủi vào đám cây muồng trổ bông màu hỏa hoàng rực rỡ, đi vòng một cái đìa thả đầy rau nhút, lội qua mảnh ruộng loáng nước là tới nhà chú Bảy Cá Trê. Nhà chú ở tận cái gò cao, dưới gốc cây sao lớn. Sau nhà lại có vài gốc cây dương, đầy ổ chim quạ. Riêng trên ngọn sao, chim ác là, chim gõ kiến làm tổ để vào ngày tạnh trời, chim ác là kêu inh ỏi, còn chim gõ kiến gõ vào gỗ lạch cạch.
Ba Đào đợi Út bên gốc cây sung. Cô dúi gói lá chuối vào tay Út:
- Anh Biên, em có đi chợ Vàm Xáng mua bánh tàng ong cho anh đây.
Út Biên nhìn cô trân trối quên cả cám ơn. Lúc nãy, Út định sẽ nói với cô rất nhiều, giờ gặp cô, Út chỉ biết nhìn cô ngơ ngẩn. Sau đó, Út hỏi bằng một giọng ngập ngừng như đã suy nghĩ nhiều:
- Đào… ăn bánh với tui nghen.
Ba Đào nheo mắt, tròng trắng đưa đẩy rất mau:
- Em ăn bánh đó rồi. Lóng rày, mỗi sáng em đều uống ký ninh nên phải kiếm cái gì trám vào bụng, kẻo đói run. Lại nữa, em vừa ăn cơm trưa.
- Đào bị sốt rét hả?
Ba Đào lắc đầu, một tay vuốt mái tóc óng ả:
- Em không có làm cử. Nhưng từ một năm nay, mỗi trưa chị Hai em và em ớn lạnh, tay chân bải hoải, phải ra nắng mà ngồi. Thầy Năm Kỳ Phụng cho rằng tụi em bị sốt rét kinh niên, phải uống ký ninh mỗi ngày hai viên, cứ uống như vậy ít nhứt nửa tháng thì sẽ khỏi bịnh.
Dù no đầy bụng, Út Biên phải ăn bánh cho Ba Đào vui lòng. Út nhìn nét mặt xanh xao, cặp môi tái của cô gái. Tất cả trên mặt cô đều lu câm, chỉ trừ khoé mắt sáng loang loáng, nghịch ngợm. Út mở gói giấy dầu, lôi ra con diều giấy. Cô Ba Đào kêu lên, giọng phơi phới:
- A, diều giấy! Em thường ao ước để được một con diều thả chơi. Ai dè anh Út cưng em, làm cho em một con với cái đuôi thiệt dài như đuôi phụng vậy.
Út Biên cười, nụ cười nổi bật hàm răng trắng:
- Lén bà già, đêm qua tui chong đèn làm diều tới quá nửa canh ba.
Út chạy lại chỗ trống, có gió nổi, tung diều lên không trung. Cánh diều bọc lên cao, chao lượn. Út tháo dần cuộn nhợ. Trên nền trời xanh, đuôi diều uốn lượn những nét duyên dáng, Ba Ðào thích chí cười hăng hắc, ngắm diều rồi ngắm vẻ rạng rỡ của Út Biên. Cô nhỏng nhẽo:
- Ðưa cho em cầm cuộn nhợ.
Út Biên dặn:
- Cầm chặt nhe, kẻo sút tay, diều bay mất.
Ba Ðào cầm cuộn dây nhợ, giả bộ nương theo đà lôi kéo của cánh diều áp sát lại gần Út Biên. Côn còn vịn chặt lấy Út Biên, làm như diều se cuốn cô bay lên không trung vậy. Út biết cô giả bộ, thích lắm, tim đập rộn ràng. Bỗng phựt một tiếng, diều đứt dây, bay cao tít rồi biến mất hút vào màu xanh biêng biếc và mông lung của nền trời. Tới đây, Ba Ðào không còn lý do gì để vịn vai Út Biên nữa. Phần thì tiếc diều, phần thì tiếc phút va chạm, lại còn sợ điềm xui xẻo, Ba Đào ứa nước mắt, khóc. Út Biên dỗ dành:
- Đào đừng buồn. Rồi đây, Út sẽ làm con diều khác cho Đào, đuôi diều thật dài.
Ba Đào thổn thức:
- Chưa chi đã đứt dây diều, chắc là điềm xui.
Út Biên an ủi:
- Điều đứt dây là điềm vạn binh theo diều bay đi mất, Đào sẽ hết rét kinh niên trở nên hồng hào, xinh tốt.
Ba Đào chùi nước mắt hỏi:
- Anh nói thiệt chớ?
- Thì Đào về hỏi chú Bảy, thím Bảy sẽ rõ.
Bỗng có tiếng của người con gái chạy về phía đôi bạn trẻ. Đó là Hai Lý, chị của Ba Đào. Cô này cũng xanh xao mà bộ quần áo vải ú đen làm cho da cô thêm tối và tái ngắt.
Cô Hai Lý quở:
- Tui thấy mấy người vừa thả diều, chưa chi diều đã đứt dây rồi.
Rồi quay về phía em, mắng:
- Con nầy làm cho diều đứt dây chứ ai. Nè Đào, mầy lén ra đây thả diều, không chịu luộc khoai, luộc bắp hay sao?
Ba Đào cùn quằn:
- Từ sáng tới giờ, em lo bữa ăn mệt muốn đứt hơi. Em phải nghĩ ngơi giây lát chớ.
Hai Lý hét:
- Bộ tao rảnh tay, ngồi chơi sao?
Hôm nay, thầy Năm Kỳ Phụng và nhóm đệ tử của thầy cùng Hai Thạnh, Ba Khía phụ cất nhà mới cho vợ chồng chú Bảy Cá Trê. Nền nhà đã đấp cao từ tuần trước, giờ đây chỉ dựng cột làm sườn nhà. Nếp nhà cũ lụp sụp sẽ dỡ đi khi ngôi nhà mới hoàn thành; nền nhà cũ sẽ làm sân phơi lúa. Thầy Năm Kỳ Phụng đã giúp đỡ Hai Thạnh xây dựng nhà mới, hạp vệ sinh và ngoạn mục lắm. Ngoài ra, ngôi làng mới của thầy cũng vừa xong, có trường học, trại chầm lá, có ngôi thảo am, ao nuôi cá, rẫy trồng mía...
Hôm nay, bà Bảy Hương, để thưởng công cho người giúp việc, có nầu cơm nếp trộn dừa nạo và một niêu tôm chấy. Bà cùng thầy Năm Kỳ Phụng ngồi dưới bóng mát cây đa phát thuốc và băng bó, xức thuốc cho những kẻ bị ghẻ lở...
Ba Đào rủ Út Biên:
- Thôi, để em về nhà luộc khoai, luộc bắp, nấu nước trà kẻo chị Hai em nhiếc móc hoài. Anh Út đến chơi với ba em nghen. Ổng nhắc anh hoài hè.
Út Biên gật đầu. Hai Lý nói:
- Ừ, đến chơi với ổng đi Út. Ở chơi, ăn khoai, ăn bắp rồi hẵng về, còn tui phải đi mua cá về làm cơm chiều.
Út Biên vừa tới gặp thầy Năm đang nói chuyện với đám nông dân về cách tổ chức nếp sống mới, và dạy cách đánh răng, giữ hàm răng cho chắc. Út nhìn Hai Thạnh, xưa kia nổi tiếng có răng đầy bợn vàng.Giờ đây, răng anh ta trắng trong, nướu màu hồng sạch sẽ. Răng Ba Khía cũng không còn bợn khói thuốc nữa.
Bà Bếp Hương đang xếp đặt dụng cụ vào chiếc rương cây, thâý Út Biên liền hỏi:
- Má cháu mạnh lúc rày làm gì ở đằng nhà?
- Dạ, má cháu lo chao mắm, và muối dưa.
- Chaú nhớ về thưa với má cháu, tối nay tới nhà bác tụng kinh Phổ Môn nghen.
Sáu Thoại vừa thấy Út Biên liền kêu Út giúp một tay nện đất vuông sân trước. Ở đây có caí bồn trồng cây lẻ bạn tím, cây đinh lăng lá nhỏ lăn tăn. Út Biên hăng hái cầm cây nện nền đất. Út ngó ra phía hai cái ao nước, trước kia mọc đầy cây ô rô, và chứa đầy nước phèn vàng ố. Giờ đây, ao đã được vét rộng, cẩn đá ong ở chung quanh, giữa ao có thả đầy dây ấu xanh rờn. Về phía bếp, vợ Hai Thạnh, vợ Ba Khía cùng thím Bảy Cá Trê đang rửa chén. Bà nào bà nấy ăn mặc lành lặn, tóc chải bảy ba, láng mướt.
Bảy Tường hỏi Út Biên:
- Út nè, chị Tư của Út mạnh chứ?
- Dạ, mạnh.
- Vậy mà anh nghe nói chị Tư của Út bị nhảy mũi hoài.
Út Biên ngơ ngác:
- Em không biết. Mà hình như chị Tư của em có đau ốm gì đâu mà nhảy mũi chớ.
Mọi người cười rộ lên. Bảy Tường chỉ Sáu Thoại:
- Tại Út không biết, anh Sáu Thoại cứ nhắc nhở chị Tư của Út hoài, chắc thế nào chị Tư của Út cũng bị nhảy mũi, chớ chẳng không.
- Đâu mà có, anh Bảy. Anh Sáu muốn nhắc chị thì cứ nhắc, chớ chị Tư em bao giờ cũng vẫn vậy.
Mọi người lại cười thêm một chập nữa. Vừa lúc đó, Hai Lý về tới, tay xách hai con cá bông thật bự. Bà Bảy Hương mắng Bảy Tường:
- Mầy khéo chọc anh mầy hoài. Mầy ỷ cầu hôn được Hai Lý nên gáy quá mà.
Rồi bà day qua Sáu Thoại:
- Nè Sáu, để rồi bác Bảy làm mai con Tư Diễm cho cháu. Cháu đừng lo. Nhưng thầy Năm chưa hỏi vợ, mà bọn đệ tử tụi bây làm ngang đi hỏi vợ trước, thử hỏi tụi bây có coi đạo lý ra giống gì không?
Chú Bảy Cá Trê nói:
- Thầy Năm đã có vợ rồi. Phen nầy thì thầy muốn chắp nối vậy thôi.
Thâỳ Năm Kỳ Phụng tạm ngưng cuộc chuyện vãn, quay qua điều trị ghẻ ngứa cho một đứa nhỏ lối bảy tuổi. Nó vừa được bà Bảy Hương tắm bằng xà bông đen. Thầy dùng tắm khăn bàn mới trắng tinh lau khô cho nó, rồi lấy cái chai nước thuốc lưu hoàng màu vàng tái, vốc từng vốc thoa lên mình mẫy nó. Tấm khăn kia liền đó được bà Bảy Hương bỏ vào cái thùng nước xà bông, khử trùng bằng rượu và ngồi uống trà.
Sáu Thoại đang châm cứu cho một ông già ở ngoài Vàm. Trước mắt chàng là một cái dĩa nhỏ đựng kim để châm, hai lát gừng và một cây nhang để cứu. Ông già nầy dở chịu đau, nên chàng đốt nhang, đốt vào các huyệt đạo qua lá gừng dày. Vậy mà ông ta vẫn nhăn nhó rên hù hù.
Một bà già bước tới thầy Năm kể lể bịnh no hơi, táo bón của mình. Thầy Năm nghe chăm chú. Bà ta bảo:
- Tui sợ châm cứu lắm thầy Năm ơi. Thầy cho tui uống thuốc là hơn. Thấy kim kề sát mình là tui mọc ốc rồi.
Thầy Năm Kỳ Phụng cười vui vẻ lôi ra từ cái hộp giấy một viên thuốc đen óng nói:
- Đây là thuốc hườn đen có lưu hội và đại hoàng đã dùng để trị táo bón mà còn giúp mình thông hơi nữa.
Bà già lôi trong giỏ xách một trái bầu và con cá chẽm nói:
- Thầy đã trị bịnh rét cho lũ cháu nội tui. Trái bầu nầy là cây nhà lá vườn. Còn con cá chẽm nầy là do con trai tui chài được. Xin thầy nhận hai món nầy ăn lấy thảo.
Thầy Năm Kỳ Phụng điềm nhiên nhận quà. Thầy đặt vào tay bà một tube ký ninh và một mớ thuốc hườn đen, dặn:
- Rày tới bà đừng nên biếu chác nữa nghen. Giúp đỡ bà chẳng là bao mà tôi phải nhận con cá chẽm nầy.
Thầy đặt vào tay bà một đồng bạc:
- Cho tụi cháu nhỏ ăn bánh. Tiền nầy không phải trả tiền bầu, tiền cá đâu.
Tuần tự, tới phiên một đứa nhỏ mười một tuổi, có gót chân bị miểng chai cắt, sưng vù vì căng mủ. Nó khập khiểng trên đôi guốc vông, tới chìa gót chân căng phồng lên cho thầy Năm xem. Thầy âu yếm vuốt tóc nó, bảo:
- Bé Ba, con đọc bài Chú Đại Bi cho thầy nghe.
Đứa bé đọc chú một hơi bằng giọng trong êm. Thầy điềm tĩnh lắng nghe, môi điểm một nụ cười thật hiền. Sau đó, thầy xoa đầu nó, khen nó giỏi. Nó đỏ mặt vì mắc cỡ và sung sướng. Thầy xem xét vết thương, rồi nặn sạch mũ, rửa ráy bằng rượu khử trùng trước khi xức thuốc teinture d’idode. Dao, kềm, kẹp trước khi dùng đều được khử trùng cẩn thận. Sau hết, thầy băng vết thương, xoa đầu nó, nói vài câu trào lộng với nó. Nó cười, vẻ cảm động, khóe mắt rực sáng.
Út Biên vừa nện đất đều tay, vừa theo dõi công việc làm của thầy Năm Kỳ Phụng. Út có đọc truyện “Phong Thần” và truyện “Tây Du”, được biết tiên thánh đều có hào quang. Thầy Năm Kỳ Phụng không phải tiên, cũng không phải thánh, cũng chẳng có hào quang, nhưng chung quanh thầy, Út có cảm tưởng như bao bọc bởi một thứ ánh sáng trong mát, làm cho nỗi đau đớn ở thể xác và tinh thần người đối diện phải nguội dịu đi.
Từ lâu, Út lút thút ở nhà, ở rẫy. Thế giới của Út bị đóng kín. Giờ đây, thế giới bên ngoài và nhứt là cảnh tượng ở đây làm tâm hồn Út như mở rộng, như tràn đầy một cảm giác khó phân tách, khó diễn tả.
Tiếng nện đất đều đều. Những người bên vách làm việc thoăn thoắt. Trời chếch nắng, nóng bỏng. Chín Ích, Mười Thọ lãnh việc đan mặc cáo, trong khi chú Bảy Cá Trê đóng tấm phên. Hai Lý lo phần trà nước. Khi rổ khoai luộc và bắp luộc đem ra, thím Bảy yêu cầu mọi người dừng tay để thưởng thức cây nhà lá vườn. Mùi khoai bắp như làm buổi trưa thêm hương vị sằn dã. Út Biên lau mồ hôi. Ba Đào đưa cho Út một cái nón lá để Út dùng làm quạt.
Thầy Năm ngừng công việc, chọn một trái bắp để cạp. Lứa khoai Dương Ngọc xám xanh tròng tím nầy thật mập, thật bùi. Vợ Hai Thạnh ăn khoai với ba khía. Bà Bảy Hương nói:
- Khoai Dương Ngọc tự nó có mùi thơm đặc biệt. Mầy mà ăn khoai đó với ba khía, té ra mầy phụ rẫy cái mùi thơm củ nó lắm vậy.
Lúc nào thầy Năm cũng tán thành bà Bảy Hương bằng một nụ cười. Thầy không định ăn khoai, nhưng nghe bà nói như vậy liền chọn một củ lớn, lột vỏ, vừa nhai vừa ngẫm nghĩ, trong khi đó Bảy Tường chấm khoai vào mật mía, nhai nhồm nhoàm. Út Biên vừa ăn khoai vừa nghĩ tới Xóm Dưới. Vào buổi đẹp trời, dân ở đó phơi cá khô, phơi lúa, ép nước mía và nấu đường trên những chiếc chảo gang lớn. Trong nắng, ong mật từ rừng trâm túa ra, bay vo ve. Mùi mật mía thơm ngát tới xóm trên. Hôm nay Út phải đào khoai mỡ, hái cho hết lứa rau quế ở vạt đất bên trái sở rẫy. Đời sống ở đấy buộc chặt tâm hồn Út, và Út hy vọng thầy Năm sẽ làm cho nó vui tươi, rộn ràng và có vẻ thành thị hơn.