Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Nguyễn Viện: Diễn từ nhận Giải thưởng Thơ Văn Việt lần thứ năm

VĂN CHƯƠNG NHƯ CÁCH ĐỂ SỐNG SỰ THẬT

VÀ CỨU RỖI SỰ THẬT

image

NGUYEN VIEN (edited)

Thưa quí anh chị trong Ban Vận động Thành lập Văn đoàn Độc Lập,

Thưa quí bạn,

Trước hết xin cám ơn Văn đoàn Độc Lập đã ghi nhận và trao giải chính thức thơ Văn Việt lần thứ 5 (2020) cho tôi.

Tôi cũng xin cám ơn tất cả quí bạn đã đọc tác phẩm của tôi.

Quả thật, có điều gì đó trớ trêu với cá nhân tôi, khi một nhà văn lại nhận giải thưởng về thơ.

Dẫu thế nào, đó cũng là một niềm vui giữa mùa dịch bệnh đầy lo âu này.

Và trước tình thế có vẻ như số phận con người đang trở nên mong manh hơn thì văn chương, lại một lần nữa, được hỏi: để làm gì?

Người xưa nói “lập thân tối hạ thị văn chương”.

Quả vậy, chúng ta từng xao xuyến trước những vần thơ trữ tình thời tiền chiến, nhưng cũng với những thi sĩ ấy, chúng ta lại chứng kiến những câu thơ độc ác hoặc bợ đỡ vô liêm sỉ thời cách mạng vô sản.

Văn chương trở thành một công cụ “lập thân”, tôi không biết “các cụ” ấy có cay đắng hay không.

Với riêng tôi, chưa bao giờ như bây giờ, giữa niềm vui tôi lại cảm thấy sự vô vị và vô nghĩa của văn chương đến thế.

Tuy thế, văn chương muôn đời vẫn quyến rũ không chỉ với những nhân cách cao quí như kẻ sĩ, mà văn chương còn mê hoặc mọi tầng lớp xã hội. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ. Thơ như một phần của cuộc sống.

Văn chương từ giải trí vô thưởng vô phạt đến những khắc khoải dấn thân cho ý nghĩa cuộc sống vẫn là một ma lực vừa vô bổ vừa khẩn thiết đối với người cầm bút.

Tôi không bận tâm về việc văn chương phải phục vụ ai. Nhưng tôi cho rằng sứ mệnh nếu có của văn chương chỉ là phục vụ cho chính nó, theo cách của từng tác giả.

Vì thế, văn chương có đời sống riêng, một cách độc lập. Văn chương không chỉ là một hiện thực, mà văn chương nhất thiết phải là một sự thật.

Đó là một thực thể với hiện tượng, bản chất của hiện tượng và cứu cánh của hiện tượng. Tôi gọi văn chương đó là hậu hiện sinh.

Hay nói cách khác, mỗi tác phẩm cũng như cách viết là một hậu hiện sinh của đời sống cũng như của chính tác giả. Không chỉ đang là, mà đã là và sẽ là.

Văn chương hay đời sống mang tính hậu hiện sinh như thế, còn là một dự phóng. Bởi thế, cái phía trước của nó cho cả người viết và người đọc bao giờ cũng mang tính dự cảm. Và vì thế, chúng ta nhìn ra vai trò nhà văn như một kẻ dự báo.

Một tác phẩm văn chương thành công không thể không đứng trước những thử thách sinh tử của người dẫn đường.

Và một sự thật không đơn thuần là một hiện thực. Bám vào hiện thực chỉ là loài bò sát. Văn chương vì thế, là cách để sống sự thật và cứu rỗi sự thật.

Nhưng để đi đến sự thật đôi khi con người phải bơi qua bể máu của nhân sinh, cũng có thể là của chính mình.

Dù biết hay cố tình không biết, có lẽ không thiếu kẻ đã chết trước khi cầm bút.

Lựa chọn nào cũng có giá của nó. Nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi viết để làm gì? Có lẽ câu trả lời của chính tôi lại mang tính phù phiếm nhất: Không viết thì biết làm gì? Và thường khi thì không thể không viết. Tôi viết vì chính tôi. Như cách tôi sống và chết vì nó.

Và để kết thúc cho cái diễn từ có vẻ lý sự này, tôi xin thêm các bạn ít phút nữa để đọc nó như cách của một thi sĩ:

TÔI CÁM ƠN

1.

Tôi có một tin vui sáng nay

mặt trời vẫn mọc

và nắng không chỉ đầy trời

trong lòng tôi một bình minh khác

tỏa hương

tôi trong lành như sương sớm

như ngọn cây thở ra những đám mây

những bạn bè không ngủ

chúng ta không thể nằm im tù ngục bóng tối

bởi chúng ta cần ánh sáng cho cuộc đời này

bằng sự mở miệng

2.

Và tôi cám ơn

sự ngay thẳng của lời nói

tiếng chửi thề giữa đám đông

tiếng hò hét trong vực thẳm

tôi cám ơn một lồng ngực vỡ

một đôi chân bị đánh què

tôi cám ơn sự chia sẻ

trong khó khăn và không sợ hãi

tôi cám ơn người mẹ người vợ

những tù nhân lương tâm

đêm và ngày

tôi cám ơn niềm hy vọng dưới chân tường

không gục ngã

tôi cám ơn những ngôi sao

của mơ mộng và sám hối

tôi cám ơn những con đường chưa mở

những giấc mơ ngoài trái đất

và tôi cám ơn từng giây phút của cuộc đời tôi

3.

Tôi vẫn tin

không một ai vô ích

cho dù tội ác vẫn diễn ra đôi khi ngoài sự tưởng tượng

tôi vẫn tin con người như tin một bóng mát

như cây cỏ như tiếng chim

tôi vẫn tin sự sống là vĩnh cửu

ngay cả khi dịch bệnh

tôi vẫn tin tình yêu như lẽ sống

như suối nguồn bất tận

tôi vẫn tin cho dù cái chết không tránh khỏi

những con đường đi mãi đến tương lai

4.

Và tôi cám ơn những dòng chữ

những câu thơ để sống sự thật và cứu rỗi sự thật

như cách của bèo bọt và huy hoàng

tôi cám ơn hạnh phúc của sớm mai thức dậy

vẫn thấy mình phương phi giữa trời đất

tôi cám ơn người thân yêu

tôi cám ơn người ganh ghét

tôi cám ơn cả sự chân tình lẫn phù phiếm

tôi cám ơn Chúa

và cám ơn tất cả.

Nguyễn Viện