Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Giải Văn - Văn Việt 2020: Tự do trong tù ngục

Ngô Thị Kim Cúc (Thành viên Ban Xét Giải Văn Văn Việt lần thứ năm)

Truyện ngắn của Hà Thúc Sinh trên Văn Việt năm 2019 bắt đầu với Cố Hương (tháng 2) và chấm dứt với Bí mật ở thềm đá (tháng 12). Dài nhứt là Cố hương có hơn 4.000 từ, sau đó là Đêm hè, Mẹ đất với hơn 2.000 từ, những truyện còn lại đều dưới 2.000 từ. Ngắn nhứt là Người tù, chỉ có 1.062 từ.

Có cảm giác tác giả đã nén đến tối đa câu chữ của mình, lược bỏ tất cả sự rườm rà không cần thiết, để mời người đọc tự mình mở rộng cảm xúc/suy nghĩ ra ngoài khung ngôn từ được hiển thị. Rất ít nhân vật, cũng rất ít tình huống, hầu hết truyện không có “cao trào”. Bởi điều tác giả muốn “nói” không phải ở cái đọc được, mà là trong sự gợi mở…

Trong Đêm hè, câu chuyện tình tuổi thanh xuân ngọt ngào trong trẻo tới mức gần như một giấc mơ/bài thơ/bản nhạc với toàn những âm sắc thinh lặng. Và vì là cơn mơ nên rốt cuộc nó đã bị đẩy khỏi đời thực một cách phũ phàng, bị ném vào bóng tối điên loạn của những nát tan thất lạc thời chiến. Không ai biết điều gì đã xảy ra cho cả hai người… Nhưng chàng trai tuổi hai mươi đã gởi lại trái tim mình trong ngôi nhà mà cô gái từng hiến dâng những gì đẹp đẽ nhứt của tuổi mười chín cho mối tình đầu. Chàng trai ấy, vào một ngày đã mùa thu ba mươi năm sau, bỗng bước vào “nếp gấp thời gian” và đầu thai lại trong hình hài/tim óc những ngày hoa mộng cũ… Ngày đó, họ không hề biết tương lai rồi sẽ trở thành quá khứ đầy phân ly, và quá khứ ấy sẽ bám chặt lấy cuộc đời họ, không thể thoát ra…. Nên vào một lúc không ngờ, quá khứ bỗng sống dậy, huyễn ảo giữa hai bờ hư thực… Để rồi sau khoảnh khắc phục sinh ngắn ngủi, mọi chuyện lại tiếp tục như cũ, tiếp tục cuộc dạt trôi… Tất cả nhẹ nhàng như có như không, thăm thẳm…, đúng như cuộc đời của một người Việt lưu vong vì chiến tranh, một cuộc chiến chưa bao giờ chấm dứt.

Câu chuyện tình trong Giang hồ lại khác. Họ là những người Việt đang sống trên một đất nước rất xa cách quê hương, trong một không-thời-gian khác. Nhưng đọc truyện, ta tưởng đang đối diện những nhân vật giang hồ hảo hán rặt chất Nam kỳ sống đời anh chị ở một miệt vườn gần gũi… Một ông cha làm nghề đồ tể sành ăn một cách lì lợm theo-kiểu-truyền-thống, đến lúc kén rể cũng nhứt định phải theo-truyền-thống, đúng cung cách của bản thân mình. Tình yêu của những kẻ chọc trời khuấy nước tất không thể giống với số đông. Để gắn bó cả đời thì càng không thể rập khuôn kiểu thường tình thiên hạ. Vì vậy, chàng rể tương lai buộc phải lựa chọn: hoặc chịu khuất, chịu nhục để lấy được vợ, hoặc phải chứng tỏ mình là thằng đàn ông thứ thiệt/giang hồ thứ thiệt. Trái tim của kẻ giang hồ có cách bày tỏ rất riêng… Thì ra, dù đi đâu, sống đâu, làm gì…, mỗi người Việt vẫn mang theo nguyên vẹn cả “chân quê” trong trái tim mình, và trái tim ấy làm chủ mọi việc lớn nhỏ trong đời họ, dù họ không hề chủ ý, và chưa chắc nhận ra…

Những truyện mới viết của Hà Thúc Sinh, vào cuối năm, trước và sau thời gian anh mổ tim nằm bệnh viện (chưa kể mấy lần đột quỵ), cho thấy một Hà Thúc Sinh hoàn toàn mới.

Những bất ngờ sẽ hiện ra vào phút chín mươi, và đều liên quan tới phần-không-thấy-được-bằng-mắt trong mỗi con người.

Trong Bí mật ở thềm đá, nhân vật nữ giống như một hình ma bóng quế giữa buổi chiều tầm tã mưa trên bậc thềm ngôi thánh đường bỏ hoang lâu ngày. Làm nền cho cô ta là hai người đàn ông thuộc hai thế hệ. Người trẻ hơn biết quá rõ về cô ta vì là chồng cô ta. Còn người già chẳng biết gì về cô ta ngoài những trò chuyện lấp lửng, mơ mơ hồ hồ… Nhưng ông đã tự giới thiệu rằng mình thuộc về cái quá khứ mà cô ta từng rất chủ động… Mọi việc cứ âm âm u u, không có câu hỏi, càng không có câu trả lời, để rồi cuối cùng đưa tới một cái kết đáng sợ. Phần tối tăm ẩn khuất trong mỗi con người, liệu có cách nào để có thể được soi rọi/làm sáng rõ tới nơi tới chốn?

Những linh hồn chồng chéo còn kỳ bí hơn. Trí tưởng tượng của nhà văn đặt ra cho người đọc câu hỏi: cái gì là thật và cái gì không thật trong mọi chuyện trên đời? Phải chăng sự thấu cảm xuyên không-thời-gian sẽ quyết định vận mệnh người ta, chứ không phải những sự việc tai nghe mắt thấy. Câu chuyện giữa ông giáo và cô học trò cứ trộn lẫn giữa ảo và thật, ma và người, quá khứ và hiện tại… Liệu một liên tưởng/ám ảnh khi đạt tới một biên độ nào đó sẽ có khả năng biến thành sự thật? Ai là tác giả cái bào thai trong bụng cô gái trẻ…? Bệnh cùi liệu có thể lây lan qua đường tâm tưởng…? Hình như Hà Thúc Sinh đang bắt được một năng lượng mới, để viết những truyện ngắn mới, theo một phong cách khác hẳn so với trước đây…

Nhưng, nổi trội nhứt trong loạt truyện của Hà Thúc Sinh trên Văn Việt 2019 chính là Người tù, một truyện vỏn vẹn chỉ 1.062 từ.

Với số chữ hết sức khiêm tốn nhưng truyện lại chứa đựng một nội dung rất hàm súc về cuộc chiến Việt Nam. Ở đây là “cuộc chiến” giữa một người tù và những người quản tù. Người tù ấy đã mất tự do suốt hăm mốt năm, và đang được chuyển trại. Những đối thoại cực ngắn giữa hai bên như tiếng ngân/tiếng dội hung bạo của một cuộc chiến khốc liệt đau thương quá mức cần thiết. Nó cũng là lời nhắn mà nhân vật người tù chuyển tới người đọc qua những truyền gởi vô thanh của mình. “y coi mình là tội phạm nguy hiểm nhưng cấm sao được mình coi y là nạn nhân đáng thương…”, “đốt sạch lao tù đã giam cầm hết tuổi trẻ chúng ta…”, “biết đâu có người cai tù vừa hiểu ra ngọn lửa không tàn ác của một người tù…”. Bởi vì, nhà tù không thể khuất phục được anh, cho dù nó đã lấy đi hăm mốt năm thanh xuân/tự do của cuộc đời anh. Vì anh biết rất rõ: “Mày, vẫn y nguyên, không suy suyển chút nào…”.

Không thù hận, không căng thẳng, rất tự tại, người tù biết không gì có thể khiến anh đánh mất mình, đánh mất phẩm chất Người của mình, con người Tự-Do-ngay-bên-trong-tù-ngục.

Với Hà Thúc Sinh, “Viết là cái nợ đời, là một thú-đau-thương. Ngay cả khi nằm bệnh vẫn thấy mình như chỉ còn có nửa người, vì thiếu cái máy để gõ chữ”.

Khi Văn Việt công bố Giải Văn năm 2020, nhà văn Hà Thúc Sinh vẫn chưa hồi phục hẳn sau cơn đột quỵ. Anh đã nhờ Ban biên tập Văn Việt chuyển số tiền giải của mình cho Quỹ Lương Tâm, một Quỹ được hình thành để giúp đỡ gia đình những công dân Việt vì hoạt động cho Nhân Quyền mà bị bắt bỏ tù. Thay mặt người Việt trong nước, chúng tôi xin cảm ơn nhà văn Hà Thúc Sinh, chúc anh sớm khỏe mạnh để tiếp tục viết, như cách phù hợp nhứt để trở về trên quê hương. Quê hương ấy anh không thể về thăm vì không thể có visa nhập cảnh, nhưng văn hóa Việt không cần visa, nên anh vẫn được tự do trở về, khi anh vẫn viết văn bằng tiếng Việt cho người Việt đọc, dù họ đang sống bất cứ đâu trên Hành Tinh Xanh.