Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 8)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Tiểu sử Jerry John Rawlings, tổng thống Ghana giai đoạn 1993–2001
Chương 4
Tiến trình dân chủ ở Indonesia: Vấn đề, viễn cảnh và thách thức
Bahtiar Effendy và Mutiara Pertiwi
Indonesia là quốc gia quần đảo, bao gồm hơn 13.000 hòn đảo, bị chia cắt bởi bởi địa lí cũng như sắc tộc, tôn giáo và giai tầng xã hội. Nước này có 366 dân tộc khác nhau. Hồi giáo là tôn giáo phổ biến nhất, chiếm tới 87% dân số Indonesia, ngoài ra còn có Công giáo, Tin lành, Ấn giáo, Phật giáo, và những người theo Khổng giáo nữa. Những sự chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo như thế khiến rất khó đạt được sự đồng thuận quốc gia và quyền lực chính đáng ở Indonesia[1].

Cuộc gặp gỡ với dân chủ lần thứ nhất
Khi Soekarno và Mohammad Hatta tuyên bố Indonesia độc lập vào năm 1945, giới tinh hoa nói chung ủng hộ một hệ thống cầm quyền theo kiểu dân chủ. Bản hiến pháp năm 1945 của nước này hơi thiên vị ngành hành pháp, nhưng cũng ca ngợi một số nguyên lý cơ bản quan trọng của chế độ dân chủ. Lời nói đầu nhấn mạnh chủ nghĩa nhân đạo, thảo luận và công bằng xã hội. Theo hiến pháp, chủ quyền nằm trong tay nhân dân, đại diện bởi Hội đồng Đại diện Nhân dân (DPR) và Hội đồng Tư vấn Nhân dân (MPR)*. Ngoài ra, hiến pháp còn quy định nguyên tắc đa số, phân chia quyền lực và quyền tự do tôn giáo. Những nguyên tắc này cũng thể hiện trong ý thức hệ của nhà nước, gọi là Pancasila, dựa trên năm nguyên tắc, trong đó có đại diện theo lối dân chủ; và không liên kết nhà nước với một tôn giáo cụ thể nào**. Xu hướng ủng hộ dân chủ còn được củng cố bởi kế hoạch tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1 năm 1946, năm 1945 chính phủ đã tung ra Tuyên bố X nhằm khuyến khích công chúng thành lập các đảng phái chính trị[2]
* Là cơ quan quyền lực cao nhất, MPR bao gồm các thành viên của DPR, những người đại diện của khu vực, các nhóm chuyên nghiệp và quân đội. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là (1) bầu tổng thống và phó tổng thống, (2) đánh giá tổng thống, (3) sửa đổi hiến pháp và (4) đưa ra những đường hướng bao quát của chính sách quốc gia.
** Pancasila, do Soekarno đưa ra ngày 1 tháng 6 năm 1945, bao gồm năm nguyên tắc cơ bản: (1) niềm tin một vị Chúa Trời, (2) lòng nhân đạo mang tính công bằng và văn minh, (3) sự thống nhất của Indonesia, (4) chế độ dân chủ được hướng dẫn bởi minh triết bên trong cùng với sự nhất trí sinh ra từ những cuộc thảo luận của những người đại diện và (5) công bằng xã hội cho tất cả nhân dân Indonesia.
Đáng tiếc là, kế hoạch này đã không bao giờ được đem ra thực hiện. Ngay cả những hoạt động bình thường của chính phủ cũng phải tạm ngưng, vì trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1949, Indonesia buộc phải bảo vệ nền độc lập trước việc chủ nghĩa thực dân Hà Lan đe dọa sẽ quay trở lại. Cuộc đấu tranh chấm dứt vào tháng 12 năm 1949, khi Hà Lan - sau một loạt các cuộc đàm phán - đã đồng ý công nhận nền độc lập của Indonesia. Nhà nước mới, hoạt động theo hệ thống chính phủ đại nghị, lúc đó đã có điều kiện xây dựng những bộ luật cơ bản phù hợp với các nguyên tắc dân chủ. Khuynh hướng dân chủ của đất nước này thể hiện đặc biệt rõ ràng trong tính chất phóng khoáng của nghị viện. Các thành viên được hưởng quyền tự do gần như không bị cản trở trong nỗ lực nhằm hoạt động như những người đại diện của nhân dân.
Giai đoạn đó của cuộc hành trình mang tính dân chủ đạt đỉnh điểm với cuộc tổng tuyển cử năm 1955*. Ít nhất đã có 34 đảng chính trị và các ứng cử viên cá nhân tham gia tranh cử vào nghị viện (DPR) và hội đồng lập hiến**. Trong số đó, chỉ có 28 đảng và các ứng cử viên cá nhân giành được một hay một số ghế trong nghị viện. Đảng Quốc gia Indonesia, Đảng Masyumi, Đảng Nahdlatul Ulama, và Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) nổi lên như là 4 đảng lớn nhất, tương tứng với 22%, 21%, 18%, và 16% phiếu bầu, những đảng khác chỉ chiếm được từ 0,1% đến 2,9% phiếu bầu[3].
Mặc dù các cuộc bầu cử là tự do và công bằng, cả chính phủ lẫn hội đồng lập hiến đều hoạt động thiếu hiệu quả. Từ tháng 12 năm 1949 (trước cuộc bầu cử năm 1955 khá lâu) đến tháng 3 năm 1957, đã có ít nhất tám nội các hay tám lần thay đổi chính phủ vì chính phủ đã phải đối phó với vấn đề đoàn kết dân tộc chứ không tập trung vào các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị cấp bách của đất nước. Hội đồng lập hiến cũng không thể soạn thảo được bản hiến pháp hay quyết định được Pancasila, Đạo Hồi, hoặc kinh tế-xã hội phải được coi là ý thức hệ của nhà nước. Nhằm giải quyết bế tắc, năm 1959, tổng thống Soekarno đã ban hành nghị định quay trở lại với Pancasila và hiến pháp năm 1945 và giải tán hội đồng lập hiến. Bởi vì hiến pháp năm 1945 đã tạo lập được chính quyền hành pháp đầy sức mạnh, Soekarno có thể cai trị bằng bàn tay sắt. Được tướng Nasution ủng hộ, ông này thường thể hiện thái độ ác cảm của mình (và của quân đội) đối với các chính trị gia dân sự, Soekarno và quân đội nổi lên như những tay chơi giữ thế thượng phong trong nền chính trị Indonesia từ năm 1959 đến năm 1966. Để đối trọng với vai trò của quân đội trong nền chính trị, Soekarno đã mời Đảng Cộng sản (PKI) tham gia chính quyền.
*Các cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào ngày 29 và 15 tháng 12, 1955. Cuộc tổng tuyển cử thứ nhất là để bầu nghị viện (DPR), cuộc thứ hai là để bầu các thành viên hội đồng lập hiến. Xin đọc Herbert Feith, The Indonesian Elections of 1955 (Ithaca, N.Y.: Modern Indonesian Project, Southeast Asia Program, Cornell University, 1951).
**Chức năng của Hội đồng Lập hiến là hình thành ý thức hệ của nhà nước và soạn thảo hiến pháp.
Dân chủ sụp đổ
Nghị định năm 1959 của Soekarno đã đánh dấu sự thất bại của cuộc thử nghiệm dân chủ đầu tiên ở Indonesia. Ở đỉnh cao quyền lực, trong giai đoạn từ 1957 đến 1966, Soekarno hạn chế các quyền tự do, bỏ tù các đối thủ chính trị mà không cần các thủ tục pháp lí.
Chính quyền của Soekarno, được gọi là dân chủ có lãnh đạo, đã kết thúc bằng một cuộc đảo chính kéo theo vụ sát hại sáu viên tướng cấp cao của quân đội, diễn ra vào ngày 30 tháng 9 năm 1965. Cuộc đảo chính, được gọi là Phong trào 30 Tháng 9, do trung tá Untung Samsuri lãnh đạo, ông là chỉ huy cấp tiểu đoàn của trung đoàn Cakrabirawa tinh nhuệ, có nhiệm vụ bảo vệ Soekarno[4]. Cùng với các lực lượng xã hội và chính trị chống cộng, trong đó có người Hồi giáo, quân đội, là những lực lượng tiên phong, đã tung ta cuộc thanh trừng đầy bạo lực, kết quả là nhiều đảng viên PKI và những người bị nghi là cảm tình viên của họ đã bị giết chết hoặc bị thương*.
*Các báo cáo khác nhau đưa ra con số người chết khác nhau, dao động từ 80.000 đến 3 triệu người. 500.000 người tử vong được coi là con số vừa phải. Xin đọc Robert Cribb, ed., The Indonesian Killings 1965–1966: Studies from Java and Bali (Clayton, Vict.: Monash University, Centre for Southeast Asian Studies, 1990); Douglas Kammen and Katherine McGregor, The Contours of Mass Violence in Indonesia, 1965–1968 (Singapore: National University of Singapore Press, 2012).
Dưới sự lãnh đạo của thiếu tướng Soeharto, chỉ huy cũ của Bộ chỉ huy lực lượng dự trữ chiến lược, cũng là người dẹp được đảo chính và nắm quyền kiểm soát những sự kiện diễn ra trong tháng chín, người ta đã thành lập chính phủ Trật tự Mới nhằm giải quyết những thất bại của chế độ Trật tự Cũ - giai đoạn từ năm 1950 đến năm 1965 được gọi như thế. Chế độ mới bác bỏ giai đoạn Dân chủ Tự do (1950-1957) và Dân chủ có lãnh đạo (1957-1966), coi đó là những giai đoạn thiếu hiệu quả, không thể đáp ứng được đòi hỏi về ổn định và tăng trưởng kinh tế của dân chúng.
Chính phủ Trật tự Mới đặt ra mục tiêu là ổn định chứ không phải là đẩy mạnh thêm chế độ dân chủ. Từ năm 1966 đến 1998, chính phủ Trật tự Mới của Soeharto ngăn chặn cạnh tranh chính trị và thiết lập “chế độ phát triển có tính đàn áp”[5]. Bằng kỹ thuật chính trị khôn khéo, chính phủ đã hạn chế các quyền tự do chính trị, giới hạn số lượng các đảng chính trị và đưa ra dự thảo luật bầu cử hạn chế cạnh tranh và kiểm soát kết quả bầu cử. DPR đã trở thành con dấu củ khoai. Nhiều người ở Indonesia và cộng đồng quốc tế tin rằng chính phủ Soeharto cũng độc tài như như chế độ của Soekarno mà họ thay thế vào năm 1966[6].
Nhằm che dấu bản chất độc tài của mình, chính phủ Trật tự Mới thường xuyên tiến hành các cuộc bầu cử nghị viện vào những năm 1971, 1977, 1982, 1987, 1992 và 1997. Đảng ủng hộ chính phủ, Đảng Golkar, luôn luôn giành được chiến thắng trong những cuộc bầu cử này. Phần lớn cử tri bị đe dọa đàn áp, không dám bầu cho các đảng khác, tạo điều kiện cho Golkar tuyên bố giành được tới 60% -70% phiếu bầu.
Trái ngược với cách tiếp cận chính trị phi tự do (và ngược lại với tư tưởng ủng hộ nhà nước thời kì Soekarno), chính phủ Trật tự Mới đi theo chính sách kinh tế tự do. Chính phủ này quay sang nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho chính phủ mời gọi các đầu tư nước ngoài và giành được sự ủng hộ của các thiết chế tài chính quốc tế. Trong nhiều năm, Indonesia đã trở thành “con cưng” của Ngân hàng Thế giới[7].
Chuyển hóa sang dân chủ
Tháng 3 năm 1998, MPR bầu lại Soeharto giữ nhiệm kì năm năm lần thứ 7. Những người ủng hộ ông tuyên bố rằng đất nước này vẫn cần ông lãnh đạo, nhưng Soeharto đã ngồi trên chiếc ghế nóng. Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á giáng một đòn mạnh vào Indonesia và sự mất giá của đồng rupiah vào tháng 8 năm 1997 là nguyên nhân chủ yếu làm cho nền kinh tế của nước này suy sụp, giảm tới 18%[8]. Tiếp theo là những cuộc bạo loạn và đổ máu, kết quả là nhiều khu vực ở thủ đô Jakarta và thành phố khác như Medan, Solo, Jogjakarta, Surabaya, Padang và Banyuwangi bị phá hoại nghiêm trọng*. Cuộc khủng hoảng tài chính lại châm ngòi cho những cuộc khủng hoảng tiếp theo, phơi bày ra những vấn đề xã hội và chính trị, cũng như những vấn đề kinh tế của Indonesia. Nhiệm kì cuối cùng của Soeharto chỉ kéo dài ba tháng, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1998.
Soeharto nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ngày 14 tháng 5 năm 1998, chỉ một tuần trước khi từ chức, Soeharto tham gia hội nghị thượng đỉnh G15 ở Cairo nhằm tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị và kinh tế của Mỹ và các cường quốc khác nhằm giúp ông ta giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông soạn thảo kế hoạch cải tổ nội các và đưa mấy nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách và những nhà hoạt động trong các tổ chức phi chính phủ vào. Nhưng những nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình như thế đã không được nhiều người ủng hộ. Ngay cả những vị bộ trưởng trung thành, những người mà ông từng chia sẻ quyền lực trong suốt nhiều năm ròng, cũng từ chối tham gia nội các mới mà ông có ý định thành lập. Trong hoàn cảnh như thế, Soeharto không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi chức vụ mà ông đã chiếm hơn ba chục năm.
Sau khi Soeharto từ chức, ngày 21 tháng 5, phó tổng thống, B. J. Habibie, tuyên thệ nhậm chức, ông là vị tổng thống thứ ba của Indonesia. Nhưng Habibie lại không được tất cả mọi người ủng hộ. Những người ủng hộ ông, phần lớn là những người Hồi giáo ôn hòa liên kết với Hội các trí thức Hồi giáo Indonesia, khẳng định rằng việc bổ nhiệm Habibie là hợp hiến. Còn những người phản đối lại coi ông là người trung thành với Soeharto, và do đó, là một phần của vấn đề. Vì lí do đó, họ kêu gọi Habibie từ chức.
Không được nhiều người ủng hộ, Habibie hiểu rằng cần phải có những quyết định mang tính chiến lược thì mời giữ được chức vụ tổng thống[9]. Quyết định quan trọng nhất của ông buộc quân đội – lực lượng ngự lâm quân từng bảo vệ nhà nước trong hàng chục năm - phải nằm dưới sự lãnh đạo của các quan chức dân sự. Điều này đặc biệt quan trọng, vì rõ ràng là Soeharto đã có kịch bản dự phòng nếu Habibie không thể khôi phục được trật tự ở trong nước. Tướng Wiranto, bộ trưởng quốc phòng và chỉ huy của lực lượng vũ trang, nằm được bản hướng dẫn không được tiết lộ của Soeharto nhằm cứu đất nước “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”, nếu xảy ra tình trạng chính trị khẩn cấp. Tự Wiranto thông báo cho Habibie biết về bản hướng dẫn này, và Habibie cho phép viên tướng coi đó là lựa chọn nếu tình hình trở nên xấu hơn, bằng cách đó, ông đã thể hiện lòng tin vào sự trung thực của Wiranto và thu phục được ông ta[10].
Lòng tin của Habibie vào tướng Wiranto gia tăng mạnh mẽ khi Bộ trưởng quốc phòng báo cáo có sự di chuyển đáng ngờ của các đơn vị quân đội trên đường tới Jakarta, do tướng Prabowo Subijanto, người đứng đầu Bộ chỉ huy lực lượng dự trữ chiến lược và con rể Soeharto, chỉ huy[11].
*Xin mời đọc các bài tiểu luận có liên quan trong Geoff Forrester và R. J. May, eds., The Fall of Soeharto (Singapore: Select Books, 1999).
Phản ứng trước tin này, tổng thống Habibie chỉ đạo cho Wiranto cách chức Prabowo, và bằng cách đó đã ngăn chặn một cách hiệu quả cuộc đảo chính quân sự*. Bằng cách tách Prabowo khỏi các đơn vị do ông ta chỉ huy, Habibie bảo đảm được chức tổng thống trước những thách thức có nhiều khả năng xảy ra từ giới quân nhân. Những thay đổi diễn ra sau đó trong hàng ngũ sỹ quan quân đội đảm bảo cho ông sự ủng hộ thỏa đáng.
Một số đối thủ của Habibie cáo buộc rằng ông không có khả năng lãnh đạo chính phủ và thối nát vì bảo vệ lợi ích của những công ty được Soeharto bảo trợ[12]. Một số người khác tuyên bố rằng chức vụ tổng thống của Habibie là bất hợp pháp, họ khẳng định rằng việc chuyển giao quyền lực đòi hỏi phải có một phiên họp đặc biệt của MPR[13]. Những lời phê phán còn gia tăng sau khi Habibie công bố nội các mới. Một trong những người phê phán to mồm nhất là Mặt trận Dân tộc (Barisan Nasional hay Barnas), gồm một số Bộ trưởng của cựu tổng thống Soeharto; các sĩ quan quân đội đã hồi hưu như Ali Sadikin và Kemal Idris; và một số nhân vật dân sự, trong đó có Megawati Sukarnoputri (con gái của Soekarno, người sẽ trở thành tổng thống trong những năm sau đó), Rizal Ramli, và Marsilam Simanjuntak. Một nhóm có ảnh hưởng nữa là Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia, do Abdurrahman Wahid (còn gọi là Gus Dur) lãnh đạo. Nhóm này có thái độ đối lập ôn hòa với chính phủ[14].
Nhưng các đối thủ Habibie lại thiếu đoàn kết. Khi phiên họp đặc biệt của MPR được tổ chức vào tháng 10 năm 1998, đã diễn ra các cuộc biểu tình sinh viên đòi Habibie từ chức. Nhưng cả Megawati lẫn Abdurrahman Wahid đều không hậu thuẫn cho hành động này[15]. Habibie đã tìm được những biện pháp đối phó khác nhau với từng nhóm, làm cho họ chia rẽ và làm cho phe đối lập trở nên dễ đối phó hơn.
Nhiệm kì tổng thống của Habibie
Với những nhóm ủng hộ rời rạc và tính chính danh chưa đủ mạnh, Habibie phải chiến đấu nhằm giữ chức vụ. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn còn do dự, chưa quay trở lại và đồng rupiah vẫn còn yếu, giao dịch ở mức 14.000 tới 17.000 rupiah ăn một USD. Tháng 7 năm 1998, khoảng 79 triệu người (39% dân số) sống dưới mức nghèo khổ, và dự kiến ​​sẽ tăng lên thành 96 triệu người vào cuối năm đó*. Tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, trong năm 1998, nền kinh tế
*Ngày 22 tháng 5, có tin đồn rằng quân đội sẽ chiếm nghị viện. Xin đọc Geoffrey Forrester, “A Jakarta Diary, May 1998,” in The Fall of Soeharto, ed. Geoff rey Forrester and R. J. Mays (London: C. Hurst, 1998), 55, 58–64.
*Năm 1998 tổng số dân khoảng 204 triệu người. Xin đọc Badan Pusat Statistik, Tabel Laju Pertumbuhan Penduduk [Table of population growth] (Jakarta: Badan Pusat Statistik, 2012), http://bps.go.id/tab_sub/view.php?tabel=1&daft ar=1&id_subyek=12&notab=2; và Badan Pusat Statistik, Penduduk Indonesia [Table of Indonesia’s population] (Jakar-ta: Badan Pusat Statistik, 2012), http://bps.go.id/tab_sub/view.php?kat=1&tabel=1&daft ar=1&id_subyek=12 &notab=1.
Indonesia sẽ suy giảm thêm 10%. Các cuộc biểu tình vẫn thỉnh thoảng diễn ra trên đường phố, đất nước hoàn toàn bất ổn về mặt chính trị. Phong trào li khai ở Đông Timor, Aceh và Papua vẫn còn đang chờ được giải quyết, làm cho tình hình phức tạp thêm bởi những cuộc xung đột ở Maluku và Poso. Giai đoạn đầu của quá trình chuyển hóa có đặc điểm, như Richard Robison, viết: “thị trường hỗn loạn và dân chủ vô tổ chức”[16].
Trái với những việc mà Soekarno và Soeharto đã làm trong năm 1959 và 1966, Habibie đã quyết định bắt đầu bằng việc bảo đảm các quyền tự do chứ không áp đặt trật tự. Ngày 22 tháng 5, ông công bố Nội các Phát triển Mới (đã được cải tổ), với nhiệm vụ cải cách theo lối dân chủ hệ thống kinh tế, chính trị và pháp luật của đất nước. Trong 18 tháng dưới chính quyền Habibie, Indonesia đã thông qua ít nhất 68 bộ luật mới, 3 quy định của chính phủ có giá trị như luật, 109 quy định của chính phủ, 248 nghị định của tổng thống, và 31 chỉ thị của tổng thống[17].
Cải cách chính trị
Trong suốt nhiệm kỳ, tổng thống Habibie không nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng ông vẫn
hành động một cách kiên quyết nhằm làm dịu bầu không khí chính trị. Ngày 25 tháng 5, ông đã phóng thích 15 chính trị phạm, trong đó có Sri Bintang Pamungkas và Mukhtar Pakpahan, hai trong số những người phê phán Soeharto mạnh mẽ nhất. Đến cuối nhiệm kỳ, Habibie đã phóng thích khoảng 150 chính trị phạm, trong đó có cả những người cộng sản nổi tiếng[18]. Ông tuyên bố tự do báo chí, đồng thời sửa đổi những quy định được coi là rào cản đối với việc thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do thể hiện. Bước đột phá chính trị quan trọng trong những ngày đầu tiên dưới chính quyền Habibie là biến Golkar thành một đảng chính trị bình thường. Đảng này sẽ không còn có thể huy động sự ủng hộ của bộ máy quản lí hành chính quan liêu hay lực lượng quân đội như dưới thời đại Soeharto nữa, và sẽ phải cạnh tranh với các đảng chính trị khác nếu muốn duy trì ảnh hưởng của mình trong Nghị viện. Cuộc cải cách bên trong đảng Golkar cũng cắt đứt mối liên kết mang tính thiết chế giữa đảng này với quân đội. (Đại hội đảng Golkar vào tháng 7 năm 1998 đã chính thức công bố và chấp nhận sự thay đổi này)
Tháng 6, Habibie xóa bỏ những rào cản đối với việc thành lập các đảng chính trị nhằm đảm bảo rằng các cuộc bầu cử sau đó sẽ đưa Indonesia trở lại với hệ thống đa đảng, tự do; trong vòng 6 tháng đã có 181 đảng chính trị đăng kí hoạt động. Để đảm bảo rằng các cuộc bầu cử được tổ chức một cách tự do và công bằng, Habibie đã thành lập Ủy ban bầu cử độc lập và Ủy ban giám sát (Bawaslu).
Như là một phần của chương trình cải cách chính trị, trước đòi hỏi của quần chúng và trong quá trình đàm phán với các nhà lãnh đạo nghị viện, Habibie đã dời lịch tổng tuyển cử từ năm 2003 sang năm 1999. Nếu không có sự cam kết cá nhân của Habibie với cải cách, thì sẽ không có gì bảo đảm rằng cuộc bầu cử đầu tiên thời hậu Soeharto có thể được tổ chức sớm như thế, chưa đến 18 tháng sau khi Habibie nắm quyền. Những cố gắng của Habibie nhằm kiềm chế vai trò chủ chốt của quân đội trong nền chính trị của nước này có tầm quan trọng bậc nhất đối chương trình cải cách chính trị của ông. Ông loại bỏ dần các quân nhân khỏi chính trường, đưa họ trở về doanh trại để trở thành binh sĩ chuyên nghiệp. Ngày 01 tháng 9, ông tuyên bố - và tướng Wiranto nhắc lại - rằng “cùng với sự phát triển của xã hội dân sự của chúng ta, vai trò xã hội và chính trị của các lực lượng vũ trang sẽ giảm một cách tự động và có hệ thống”[19]. Ngày 01 tháng tư năm 1999, cảnh sát quốc gia tách ra từ các lực lượng vũ trang nhằm phân chia rõ ràng lĩnh vực trật tự công cộng và quốc phòng. Các bước cần thiết tiếp theo nhằm đảm bảo cho các quan chức dân sự kiểm soát quân đội được thực hiện từng bước một trong những năm sau đó.
Nhằm tạo dựng cơ sở vững chắc cho chế độ dân chủ, Tổng thống Habibie ủng hộ đề xuất được giới thiệu trong phiên họp đặc biệt của MPR vào tháng 11: Bắt đầu tiến trình tu chính bản hiến pháp năm 1945. Tiến trình này được khởi động sau cuộc tổng tuyển cử năm 1999; một trong những quyết định quan trọng là tổng thống chỉ được giữ chức vụ hai nhiệm kì, mỗi nhiệm kì kéo dài 5 năm.
Tình hình chính trị lắng dịu cũng tạo cơ hội lớn hơn cho việc nâng cao nhận thức của phụ nữ và đẩy mạnh hoạt động của họ trong lĩnh vực chính trị. Habibie đã gặp gỡ với một nhóm các nhà hoạt động và nữ trí thức để thảo luận về các nạn nhân là phụ nữ trong các cuộc bạo loạn hồi tháng 5*. Ông đồng ý với đòi hỏi chính phủ phải xin lỗi các nữ nạn nhân và hứa sẽ thành lập một cơ quan độc lập, Ủy ban Quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ, với nhiệm vụ tập trung vào tuyên truyền và bảo vệ phụ nữ**.
Phân quyền (Quyền tự chủ của các khu vực)
Indonesia thời Trật tự Mới là nhà nước tập quyền cao độ, tổng thống coi người đứng đầu chính quyền khu vực như người dưới quyền, cả về mặt hành chính lẫn chính trị. Mặc dù một số tỉnh – trong đó có Jakarta, Jogjakarta và Aceh - chính thức được hưởng quy chế đặc thù, các khu vực không có quyền tự chủ thực sự trong việc quản lý công việc của mình.
Habibie đã thực hiện cam kết phân cấp. Theo Luật Tự chủ khu vực (số 22/1999), các khu vực được ủy quyền quản lý công việc của mình, trừ công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; tiền tệ và pháp lí, tôn giáo, là những lĩnh vực vẫn nằm trong tay chính quyền trung ương[20]. Đối với những tỉnh mà phong trào ly khai hoạt động mạnh – trong đó có Aceh, Papua, và Đông
*Có mấy báo cáo nói rằng trong những cuộc bạo loạn hồi tháng 5, đã xảy ra một số vụ hiếp dâm phụ nữ gốc Trung Quốc ở Jakarta và một số thành phố khác. Xin đọc thêm: “Peta Amuk di Kota Hantu”, Tempo, May 19–25, 2003. Có thể đọc thêm The May 1998 Tragedy in the Course of the Nation’s Journey: In Denial (Jakarta: Komnas Perempuan, 2003).
**Cơ quan này được gọi là Komisi Nasional Perempuan (Ủy ban Quốc gia về Quyền Phụ nữ). Năm 1999, Habibie còn phê chuẩn Nghị định thư của Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW). Đọc thêm Independent Report of Non-government Organizations Concerning the Implementation of the Convention on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women (CEDAW) in Indonesia (Jakarta: CEDAW Working Group Initiative, 2007).
Timor - chính phủ áp dụng những chính sách khác nhau. Đối với tỉnh Aceh, kế hoạch là cấp quy chế tự trị đặc biệt, mặc dù quy chế này cũng không giải quyết được những vấn đề của Aceh với Jakarta, và trên thực tế làm cho tổ chức ly khai, Phong trào Aceh Tự do (GAM), dưới sự lãnh đạo của Hassan Tiro càng được lòng dân hơn*.
Cũng như ở Aceh, quy chế đặc biệt cho Đông Timor dường như không đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người dân Timor. Habibie quyết định tổ chức trưng cầu dân ý, cho người Timor quyền quyết định tương lai của chính mình, kết quả là Đông Timor tách khỏi Indonesia. Vấn đề của Papua vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tỉnh này được chia tách thành Papua và Tây Papua, cả hai đều có quyền tự trị khá lớn, nhưng một số người Papua vẫn muốn tách ra.
Thúc đẩy quyền tự chủ của Ngân hàng Trung ương
Cuộc khủng hoảng châu Á làm người ta tập trung sự chú ý tới nhu cầu cải thiện công tác điều hành chính sách tiền tệ của Indonesia. Dựa trên kinh nghiệm của thời gian sống tới 20 năm ở Đức, Tổng thống Habibie tin rằng ngân hàng trung ương độc lập có ý nghĩa quan trọng sống còn trong việc thiết kế chính sách tiền tệ đáng tin cậy, mà không có sự can thiệp của các nhóm chính trị. Cả Soekarno và Soeharto - hai ông này đã dùng ngân hàng để cung cấp tài chính cho các chương trình của chính phủ - đều vi phạm nguyên tắc này[21]. Habibie tham khảo các cố vấn kinh tế và mời các giám đốc điều hành cũ từ Ngân hàng Đức (Deutsche Bundesbank), như Tiến sĩ Josef Ackermann, Tiến sĩ Helmut Schlesinger và Tiến sĩ Wolfgang Kartte để giúp soạn thảo bộ luật mới, tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương hoạt động một cách độc lập[22].
Thúc đẩy dân chủ
Theo ủy nhiệm của phiên họp đặc biệt của MPR, tháng 11 năm 1998, cuộc bầu cử nghị viện sẽ được tổ chức vào tháng 4 năm 1999. Vai trò của Habibie trong cuộc bầu cử này đặc biệt quan trọng, vì ông đã ban hành một loạt quy định để đảm bảo rằng cuộc bầu cử sẽ mang tính cạnh tranh, tự do và công bằng. Trong đó có, tước quyền bầu cử của các quân nhân và bỏ quy định bắt buộc các quan chức dân sự phải bầu cho Đảng Golkar. Ông cũng giao cho Ủy ban giám sát bầu cử quyền giám sát và dàn xếp các tranh chấp cũng như hành động theo luật định nhằm chống lại tất cả những hành động vi phạm luật bầu cử. Đây là một bước đột phá lớn, vì thiết chế tương tự dưới thời Soeharto chỉ đơn giản là một phần của nhóm giành được chiến thắng trong Đảng Golkar.
*Tư tưởng ly khai ở Aceh cuối cùng đã được giải quyết thông qua một thỏa thuận khác dưới thời chính phủ Susilo Bambang Yudhoyono – Jusuf Kalla. Qua trung gian là Marti Ahtisaari, cựu tổng thống Phần Lan, thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và GAM được ký kết theo sáng kiến và chỉ đạo của phó tổng thống Jusuf Kalla vào tháng 8 năm 2005. Với thỏa thuận này, Aceh vẫn là một phần của nhà nước nhất thể của Indonesia, nhưng tỉnh đã được giao quyền tự chủ trong việc quản lý công việc trên cơ sở luật Hồi giáo. Xem Fachry Ali, Suharso Monoarfa, và Bahtiar Eff endy, Kalla & Perdamaian Aceh (Jakarta: Lspeu Indonesia, 2008).
Cuộc bầu cử năm 1999 tương đối có tính cạnh tranh, dân chủ và hòa bình; 48 đảng chính trị tham gia tranh cử. Đảng PDI-P (Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia) dưới sự lãnh đạo của bà Megawati đã giành được 153 ghế, nhiều đại biểu nhất trong Nghị viện. Đảng Golkar đứng thứ hai với 120 ghế, tiếp theo là 4 đảng Hồi giáo hay có cơ sở trong người Hồi giáo, trong đó có Đảng Phát triển Thống nhất với 58 ghế, Đảng Thức tỉnh Dân tộc với 51 ghế, Đảng Ủy nhiệm Quốc gia với 34 ghế, và Đảng Sao Lưỡi liềm với 13 ghế[23].
Theo hiến pháp 1945, đây là cuộc bầu cử Nghị viện (DPR). Tổng thống và phó tổng thống do MPR bầu, đây là cơ quan cao nhất, có quyền đánh giá - và bãi chức - tổng thống, tu chính hiến pháp và định hình nguyên tắc chỉ đạo bao quát chính sách của nhà nước. MPR bao gồm các nghị sĩ (DPR), một nhóm các chuyên gia do tổng thống bổ nhiệm và đại diện khu vực do chính quyền các khu vực bổ nhiệm. Trong giai đoạn Trật tự Mới, “tất cả những cuộc bổ nhiệm này đều bị Suharto kiểm soát và do đó khiến MPR sẵn sàng làm việc theo chỉ đạo của tổng thống”[24]. Nhưng, khi Habibie nắm quyền thì không thế; nhưng không phải tất cả những cố gắng của Habibie đều mang lại sự tưởng thưởng tích cực cho nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Bài diễn văn về trách nhiệm giải trình của ông đã bị bác bỏ trong phiên họp của MPR được tổ chức vào tháng 10 năm 1999 với chênh lệch chưa tới 50 phiếu - tương đương với việc không được nghị viện bỏ phiếu tín nhiệm. Không có lời giải thích dứt khoát về lí do vì sao bài diễn văn của ông lại bị bác bỏ. Hoạt động chính trị trong nghị viện và những tham vọng cạnh tranh với nhau có lẽ là yếu tố quan trọng nhất; ngoài ra, còn có sự bất mãn với việc Habibie không cam kết đưa Soeharto ra tòa và trách nhiệm của ông trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Đông Timor. Ngoài ra, một số người còn cảm thấy rằng Habibie đã có thái độ lạnh lùng trước những vụ vi phạm nhân quyền có liên quan tới giới quân nhân[25].
Dù sao mặc lòng, điều đó thể hiện rõ cho Habibie biết rằng ông không có sự ủng hộ đủ mạnh về chính trị trong Nghị viện mới được bầu. Vì vậy, ông quyết định không tham gia tranh cử tổng thống vào tháng 10 năm 1999. Một liên minh lỏng lẻo của các đảng Hồi giáo, cùng với Đảng Golkar đã bầu Abdurrahman Wahid làm tổng thống thứ tư của Indonesia. Megawati, lãnh đạo của đảng chiến thắng (PDI-P), trở thành phó tổng thống.
Di sản dân chủ của Habibie
Habibie đã thua trận chiến chính trị ngay trong thời gian giữ chức tổng thống ngắn ngủi của mình, vì lúc đó người ta đã đánh giá không đầy đủ những đóng góp của ông. Nhưng với những vấn đề mà ông thừa hưởng từ người tiền nhiệm và với những nguồn lực ông nắm trong tay, Habibie đã làm được công việc to lớn, ông đã giúp thành lập những cơ quan chủ chốt và thói quen cần thiết để chế độ dân chủ hoạt động được ở Indonesia. Ông thiết lập quyền tự do công cộng, tự do báo chí và tự do ngôn luận, và tạo điều kiện để các đảng chính trị xuất hiện và tổ chức các cuộc bầu cử thực sự dân chủ đầu tiên trong vòng 44 năm. Quan trọng hơn, Habibie đã có thể giữ quốc gia-dân tộc Indonesia trong tình trạng khá nguyên vẹn khi đối mặt với sự tan rã đang cận kề, làm giảm ảnh hưởng chính trị của các lực lượng vũ trang và biến Golkar – đảng từng là mắt xích mang tính thiết chế giữa quân đội và nhà nước – thành một đảng bình thường trong hệ thống đa đảng mang tính cạnh tranh.
Những nền tảng vững chắc do Habibie chuẩn bị mang lại những lợi ích vô cùng to lớn cho những người kế vị ông. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm khi Habibie rời nhiệm sở. Những nỗ lực nhằm tu chính bản hiến pháp năm 1945 mới chỉ bắt đầu, cuộc bầu cử trực tiếp tổng thống và phó tổng thống chưa được chính thức hóa và phụ nữ vẫn còn bị chính trị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, Habibie giúp làm cho quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ của Indonesia diễn ra một cách tương đối hòa bình, bằng cách tạo ra những cuộc cải cách bền vững, đã tỏ ra là có hiệu quả và chính danh. Điều này để lại di sản quý báu cho các tổng thống Abdurrahman Wahid, Megawati và Susilo Bambang Yudhoyono để tiếp tục xây dựng trong khi họ tiếp tục phát triển chế độ dân chủ Indonesia thành hệ thống quản trị hiệu quả.
Hiện nay chế dân chủ của Indonesia đã được củng cố. Phần lớn là do những người kế nhiệm thực hiện và cải thiện. Chính trị đảng phái vẫn là cốt lõi của chế độ dân chủ của đất nước này. Nhưng khác với những năm đầu của quá trình chuyển hóa, hiện con số các đảng phái chính trị tham gia tranh cử và có đại diện trong nghị viện đã ít hơn. Hiến pháp năm 1945 đã được tu chính tới bốn lần, kết hợp chặt chẽ hơn các nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát và đối trọng giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp của chính quyền. Tuy nhiên, nhiều người đã phàn nàn rằng hiến pháp còn thiếu nhất quán, và đề nghị một đợt tu chính nữa. Kể từ năm 2004, những người nắm giữ quyền lực công – trong đó có tổng thống, thống đốc, quận trưởng và thị trưởng - đã tranh cử trực tiếp. Lực lượng Cảnh sát và quân sự không còn có đại diện trong nghị viện, các thành viên của họ vẫn không được quyền bầu cử.
Chế độ dân chủ của Indonesia dường như là một dự án khá tốn kém. Việc tranh cử vào hầu hết các chức vụ đều đòi hỏi những khoản tiền rất lớn, đấy là một trong những lí do làm người ta nghi hay nghĩ vì sao tham nhũng vẫn tràn lan, bất chấp thực tế là Ủy ban Phòng chống Tham nhũng đã và đang làm việc cật lực. Khá nhiều quan chức – trong đó có các bộ trưởng, thống đốc, huyện trưởng, thị trưởng, nghị sĩ, cũng như các quan chức dân sự khác - đã bị đưa ra tòa và bị kết tội biển thủ công quỹ.
Còn nhiều việc phải làm mới có thể biến tất cả những lời hứa của chế độ dân chủ của Indonesia trở thành hiện thực – một mặt là ổn định và an ninh, còn mặt kia là đạo đức và thịnh vượng của xã hội. Tuy nhiên, đã có tiến bộ cực kì to lớn, đặc biệt là trong những năm B. J. Habibie làm tổng thống và giai đoạn sau đó.

[1] R. William Liddle, “Indonesia’s Democratic Past and Future,” in Leadership and Culture in Indonesian Politics (Sydney: Allen & Unwin, 1996), 181; Herbert Feith, The Decline of Constitutional Democracy in Indonesia (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1962), 27.
[2]Feith, Decline of Constitutional Democracy.
[3] Herbert Feith, Indonesian Elections of 1955, 58–59.
[4] Hamish McDonald, Suharto’s Indonesia (Blackburn, Vict.: Dominion Press, 1980).
[5] Thuật ngữ này được lấy từ bài báo Herbert Feith, “Repressive-Developmentalist Regimes in Asia: Old Strengths, New Vulnerabilities,” Prisma 19 (1980): 39-55.
[6] John Bresnan, Managing Indonesia: The Modern Political Economy (New York: Columbia University Press, 1993).
[7] Andrew Macintyre, “Power, Prosperity and Patrimonialism: Business and Government in Indonesia,” in Business and Government in Industrializing Asia, ed. Andrew Macintyre (St. Leonard, N.S.W.: Allen & Unwin, 1994), 244.
[8] Richard Mann, Economic Crisis in Indonesia: The Full Story (Singapore: Times Books, 1998).
[9] Bacharuddin Jusuf Habibie, Detik-detik yang Menentukan Jalan Panjang Indonesia Menuju Demokrasi [Decisive moments Indonesia’s long road to democracy] (Jakarta: Habibie Center Mandiri, 2006), 55–58, 78–80.
[10] “Wiranto: Tidak Ada Perintah Menarik Pasukan,” Tempo, May 25, 2003; Habibie, Detik-detik yang Menentukan, 61.
[11] “Current Data on the Indonesian Military Elite,” Indonesia 67 (April 1999): 136–39; Geoff rey Forrester, “Introduction,” in Fall of Soeharto, 19–22.
[12] Habibie, Detik-detik yang Menentukan, 149–56.
[13] Marcus Mietzner, “Between Pesantren and Palace: Nahdlatul Ulama and Its Role in the Transition,” in Fall of Soeharto, 197.
[14] Habibie, Detik-detik yang Menentukan, 151.
[15] “Mampukah Habibie Menjinakkan,” Tempo, November 24, 1998.
[16] Richard Robison, “Indonesia aft er Soeharto: More of the Same, Descent into Chaos or a Shift to Reform?,” in Fall of Soeharto, 229.
[17] Bilveer Singh, Habibie and the Democratization of Indonesia (Sydney: Book House, 2001), 131.
[18] Geoff rey Forrester, “A Jakarta Diary, May 1998,” 61.
[19] Singh, Habibie and the Democratization of Indonesia, 94–97.
[20] Benjamin Smith, “The Origins of Regional Autonomy in Indonesia,” in Journal of East Asian Studies 8, no. 2 (May/August 2008): 221–23.
[21] Fachry Ali, Bahtiar Eff endy, Umar Juoro, and Musfi hin Dahlan, The Politics of Central Bank (Jakarta: Lspeu Indonesia, 2003), 14–54, 76–77.22. Ibid., 72–73.
[22] Ibid., 72–73.
[23] Kamarudin, Partai Politik Islam di Pentas Reformasi [Islamic political parties in the Reform Era] (Jakarta: Visi, 2003), 143.
[24] R. William Liddle, “Indonesia’s Unexpected Failure of Leadership,” in The Politics of Post-Suharto Indonesia, ed. Adam Schwarz and Jonathan Paris (New York: Council on Foreign Relations Press, 1999), 20.
[25] “Pertanggungjawaban Habibie,” Tempo, October 11–17, 1999.26. Habibie, Detikdetik yang Menentukan, 127.