Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 1)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường

Mục lục
imageimage
image
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 2015, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đánh dấu hai thập kỉ hỗ trợ các thiết chế và các tiến trình dân chủ mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới. Trong suốt năm 20 qua, chúng tôi đã đóng góp những thông tin kĩ thuật có giá trị cho những người đang hướng tới xây dựng chế độ dân chủ bền vững trên toàn thế giới. Chúng tôi đã chuẩn bị và phân phối một cách rộng rãi kiến ​​thức mang tính so sánh, cụ thể là về tổ chức và quá trình tiến hành các cuộc bầu cử, hay về xây dựng hiến pháp, đánh giá chế độ dân chủ và các đảng chính trị. Cái mà chúng tôi, cũng như những người khác, cho đến nay chưa đóng góp được là những phát biểu trực tiếp của những nhà lãnh đạo cao nhất về cách thức tiến hành quá trình chuyển hóa theo hướng dân chủ trên những lục địa khác nhau. Tác phẩm này đã lấp đầy khoảng trống thiết yếu đó.
Các nhà lãnh đạo chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của giai đoạn quá độ. Dù dân chủ là về những quy trình mang tính dung hợp, nhưng chuyển đổi dân chủ còn liên quan đến những quyết định then chốt, sau rốt nằm ở trong tay của một người đứng đầu. Những quyết định then chốt đó thường do một người đưa ra, vì quá trình chuyển hóa thường mang tính gián đoạn. Các quá trình này thường có tính gián đoạn vì không được tiến hành trong khuôn khổ và thủ tục sẵn có để có thể ra quyết định theo lối tập thể, và vì thường liên quan tới vấn đề mới xảy ra lần đầu, và bởi vì sức nặng và quy mô của tình hình và thách thức có thể làm cho những người ra quyết định khác không dám nhận lãnh trách nhiệm. Quan trọng nhất là, những tiến trình này mang tính gián đoạn vì chúng làm thay đổi quỹ đạo lịch sử.
Những nan đề và thách thức về tính gián đoạn nói trên đặt ra cho các nhà lãnh đạo chính trị vấn đề tối thượng về trách nhiệm và tài lãnh đạo – họ phải đáp ứng, phải quyết định và chỉ đạo trên cơ sở đánh giá cá nhân về tình hình, về những mặt được mất của những chọn lựa khả dĩ, về lợi ích công cộng bị đem ra cân nhắc, và trên cơ sở tập hợp các giá trị nền tảng về vai trò của nhà lãnh đạo.
Những giai đoạn và khoảnh khắc quyết định tài lãnh đạo chân chính đòi hỏi phải có cách tiếp cận nhìn xa trông rộng, lòng can đảm để đối mặt với sự chống đối và chấp nhận rủi ro cá nhân và lòng kiên nhẫn chờ đợi kết quả tích cực, tất cả đều đặt trên cơ sở sẵn sàng phản hồi và chịu trách nhiệm trước công dân và những người đại diện của họ.
Vì vậy, IDEA lấy làm vinh dự được giới thiệu tác phẩm đúc kết những bài học từ 13 nhà lãnh đạo chính trị từng đối mặt với những thách thức như vậy. Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới khảo sát vai trò cực kì quan trọng của lãnh đạo chính trị trong việc thúc đẩy và đưa quá trình chuyển hóa dân chủ đến thành công, và cung cấp cho các nhà lãnh đạo đương thời kinh nghiệm mang tính so sánh về một loạt vấn đề có tầm quan trọng cốt yếu trong quá trình chuyển hóa sang chế độ quản trị dân chủ.
Có nhiều người đóng góp xuất sắc cho ấn phẩm này, nhất là các nhà lãnh đạo chính trị đã chia sẻ những kinh nghiệm độc đáo của họ. Nhưng lời cảm ơn lớn nhất phải dành cho người tiền nhiệm của tôi, ông Vidar Helgesen, vì tầm nhìn và niềm tin của ông rằng cần phải chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo đã giúp đưa chuyển hóa dân chủ đến thành công. Tôi cũng xin cảm ơn Thượng nghị sĩ Bitar và Giáo sư Lowenthal, những người đã chuẩn bị và tiến hành những cuộc phỏng vấn và đóng góp với trí tuệ nhạy bén và kiến thức sâu sắc về chính trị để tạo động lực cho dự án này; chúng tôi đánh giá rất cao sự tận tụy, năng lực và kĩ năng của hai ông.
Ở Với tư cách các thành viên của IDEA, chúng tôi hy vọng rằng tập sách dày dặn này sẽ là nguồn cảm hứng, suy ngẫm và chỉ dẫn cho một thế hệ lãnh đạo mới trong những thập kỉ tới, trong khi họ tiến hành quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài và cấm đoán chính trị sang chế độ quản trị dân chủ.
Yves Leterme
Tổng thư ký
International International IDEA
DẪN NHẬP
Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal
Cuốn sách này tiết lộ những cách thức mà 13 cựu tổng thống và thủ tướng từ 9 quốc gia - châu Phi, châu Á và châu Âu, mỗi châu lục 2 quốc gia và 3 quốc gia thuộc Mỹ Latin – đã góp phần thực hiện thành công quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang nền quản trị dân chủ. Chúng tôi chưa thấy tài liệu tương tự nào chứa đựng những hiểu biết sâu sắc mang tính thực tiễn và đánh giá có cân nhắc như thế về những thách thức đồng hành với quá trình chuyển hóa đó và biện pháp giải quyết chúng.
Từ tháng 1 năm 2012 đến tháng 6 năm 2013, chúng tôi đã phỏng vấn Fernando Henrique Cardoso của Brazil, Patricio Aylwin và Ricardo Lagos của Chile, John Kufuor và Jerry Rawlings John của Ghana, B. J. Habibie của Indonesia, Ernesto Zedillo của Mexico, Fidel V. Ramos của Philippines, Aleksander Kwasniewski và Tadeusz Mazowiecki của Ba Lan, Frederik Willem de Klerk và Thabo Mbeki của Nam Phi, và Felipe Gonzalez của Tây Ban Nha. Các cuộc phỏng vấn này tạo nên các bài thuyết trình bao quát, đặc biệt trong một trường hợp là bài thuyết trình đầu tiên, về quan điểm của các nhà lãnh đạo đối với vai trò của họ trong những cuộc chuyển hóa mang tính lịch sử đó.
Các cuộc phỏng vấn bao trùm một loạt các quá trình chuyển hóa từ nhiều loại chế độ độc tài khác nhau, dẫn đến nền quản trị dân chủ bền vững - và không thể đảo ngược được tính đến thời điểm này[1]. Mỗi trường hợp chuyển đổi đều độc đáo, duy nhất, vì vậy mà mỗi nhà lãnh đạo đều có vai trò riêng biệt. de Klerk, Habibie, và Zedillo là những nhân vật quan trọng trong các chế độ chuyên chế khác nhau, cũng là những người đã giúp đưa đất nước họ chuyển sang chế độ dân chủ hợp pháp. Aylwin, Cardoso, Gonzalez, Kufuor, Lagos, Mazowiecki và Mbeki là những nhân vật nổi bật trong các phong trào đối lập, là những người đã góp phần kết liễu chế độ độc tài, tiếp đó còn góp phần xây dựng chế độ dân chủ để thay thế. Kwasniewski, Ramos, và Rawlings là những nhân vật đóng vai trò cầu nối giữa chuyên chế và dân chủ. Tất cả đều có những đóng góp đáng kể cho quá trình chuyển hóa dân chủ của đất nước họ.
Các cuộc phỏng vấn đã minh xác một cách hấp dẫn về những việc mà những nhân vật đứng đầu này đã làm và nguyên nhân tại sao họ lại làm như thế. Các nhà lãnh đạo này thảo luận về cơ sở và đặc điểm của những hành động hiệu quả; cả trong việc chấm dứt chế độ chuyên chế và xây dựng nền quản trị dân chủ. Họ hồi tưởng lại cách hiểu và cách đối phó với những vấn đề chính mà họ phải đối mặt, những mục tiêu cụ thể mà họ đặt ra, những chiến lược và chiến thuật mà họ sử dụng, và những thứ này đã thay đổi như thế nào và tại sao lại thay đổi như thế[2]. Họ soi sáng những quyết định cốt yếu, đôi khi đau đớn mà họ phải đưa ra. Và họ nhận xét về những bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm của mình cho quá trình chuyển hóa trong hiện tại và tương lai, và về những sự khác biệt giữa cơ hội cho quá trình dân chủ hóa của ngày hôm nay so với thời của họ.
Các cuộc phỏng vấn này thể hiện rõ một điều rằng, nhiều vấn đề có tầm quan trọng thời sự phải được giải quyết trong các quá trình chuyển hóa như thế: làm thế nào để tổ chức và đoàn kết được những lực lượng chính trị và xã hội đã bị chia rẽ để có thể đối đầu với chính phủ độc tài; cách thức củng cố phong trào bên trong chế độ độc tài nhằm hướng tới sự cởi mở về chính trị; cách thức tạo ra những thỏa hiệp khả thi giữa các nhóm đối lập khác nhau và khi điều kiện cho phép, giữa các nhóm đối lập và các thành phần của chế độ cũ; tại sao (và biện pháp) phải củng cố các đảng chính trị và xây dựng các thiết chế dân chủ. Các nhà lãnh đạo này cũng đưa ra nhận xét về ảnh hưởng của các tổ chức của xã hội dân sự và các tác nhân quốc tế, cũng như những hạn chế mà các tổ chức này thường gặp.
Họ cũng đáp ứng những câu hỏi hóc búa như, làm sao đảm bảo được quyền kiểm soát của các quan chức dân sự đối với các lực lượng võ trang, cảnh sát và các cơ quan tình báo; làm sao cân bằng được nhu cầu phải có nền công lí mang tính chuyển tiếp và mang tính phục hồi với việc phải cùng sống với các cựu thù; làm sao củng cố được niềm tin và thu hút được các khoản đầu tư từ khối doanh nghiệp, trong khi vẫn phải giải quyết yêu cầu và kì vọng của quần chúng về bình đẳng và tái phân phối; và làm sao xây dựng được sự đồng thuận về những nguyên tắc lập hiến và thủ tục bầu cử. Bằng chính giọng văn và ngôn từ riêng của từng người, những nhân vật đặc biệt này cho chúng ta thứ mà hầu hết các công trình nghiên cứu về quá trình chuyển hóa dân chủ còn thiếu: Sự thông thái về chính trị đã được trải nghiệm trên thực tế.
Những người đứng đầu trật tự chính trị không phải là tác nhân duy nhất, hay chủ yếu của quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ. Các phong trào quần chúng, các tổ chức của xã hội dân sự, và những biện pháp họ sử dụng – các cuộc đình công, biểu tình, tuần hành trên đường phố và những áp lực từ dưới lên khác - cũng rất quan trọng trong hầu như tất cả các cuộc chuyển hóa. Đây là điểm chung cho tất cả chín cuộc chuyển hóa đang xét tới, tuy với những cách thức và mức độ khác nhau, , từ những đòi hỏi diretas já (nghĩa là: Bầu cử trực tiếp ngay lập tức là phong trào phản kháng dân sự năm 1984 ở Brazil, đòi bầu cử tổng thống trực tiếp – ND) ở Brazil đến phong trào “quyền lực của nhân dân” ở Philippines, và những cuộc biểu tình lớn chống lại Soeharto ở Indonesia, các cuộc tổng bãi công trên toàn quốc của phong trào Đoàn kết của công nhân Ba Lan và những cuộc biểu tình, phản đối của sinh viên Mexico, năm 1968. Các đảng chính trị, các tổ chức công đoàn, các phong trào phụ nữ, phong trào học sinh, sinh viên, các hội nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo và áp lực quốc tế đã giúp tạo ra những thay đổi ở những nước này. Các cơ cấu kinh tế-xã hội, điều kiện dân số và địa chính trị, cũng như lịch sử dân tộc và văn hóa lâu đời cũng là những yếu tố định hình các đòi hỏi về dân chủ và những trở ngại phải vượt qua để đạt được chế độ dân chủ.
Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn này chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng lãnh đạo chính trị cũng là yếu tố quan trọng. Các cá nhân có vai trò then chốt trong tất cả các giai đoạn của các phong trào chuyển hóa từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ. Người ta không thể tưởng tượng nổi công cuộc chuyển hóa của Nam Phi mà không có Nelson Mandela, Frederik Willem de Klerk, Oliver Tambo, và Thabo Mbeki. Người ta cũng không thể hiểu được quá trình chuyển hóa của Indonesia từ chế độ độc tài kéo dài trong nhiều năm của Soeharto nếu không có vai trò quyết định của B. J. Habibie; không thể hiểu quá trình chuyển hóa của Chile mà không có sự đóng góp đặc biệt của Patricio Aylwin và Ricardo Lagos; không thể đánh giá đúng quá trình chuyển hóa của Tây Ban Nha mà không tính đến vai trò đặc biệt của vua Juan Carlos, của Adolfo Suarez, và Felipe Gonzalez; hoặc không thể đánh giá được thành tích dân chủ của Ba Lan mà không khảo sát vai trò đặc biệt của Lech Wałęsa, của Wojciech Jaruzelski, của Tadeusz Mazowiecki và của Aleksander Kwasniewski. Cơ cấu thì hẳn quan trọng rồi, nhưng yếu tố con người cũng quan trọng không kém. Các nhà nghiên cứu chính trị thường có xu hướng hạ thấp tầm quan trọng của lãnh đạo. Cuốn sách này đề cao vai trò của họ[3].
Trọng tâm của cuốn sách này chính là các cuộc phỏng vấn. Chúng tôi chuẩn bị cho những cuộc thảo luận này, thường kéo dài từ hai đến năm tiếng rưỡi, bằng cách đọc nhiều và tham vấn các chuyên gia về từng quốc gia. Chúng tôi tập trung vào những đề tài và những vấn đề chung cũng như những hoàn cảnh đặc biệt quan trọng trong từng trường hợp. Chúng tôi không sử dụng bảng câu hỏi cứng nhắc, mà mời từng nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào cuộc hội thoại năng động, được dẫn dắt bởi mục tiêu của chúng tôi là tìm hiểu quá trình chuyển hóa của đất nước họ và tìm cho ra suy nghĩ của họ về những biện pháp dẫn tới thắng lợi và những bài học có thể được rút ra.
Được sự chấp thuận của những người lãnh đạo được phỏng vấn, chúng tôi đã tiến hành biên tập những bản đánh máy lại nhằm loại bỏ những ý kiến lặp đi lặp lại không cần thiết, sắp xếp lại ý kiến ​​của họ theo chủ đề và rút gọn lại những câu hỏi và lời bình của chúng tôi. Trong hai trường hợp (Ramos và Habibie), chúng tôi đưa những đoạn có liên quan từ những tác phẩm đã được xuất bản của những người được phỏng vấn để thể hiện rõ hơn những quan điểm mà cuộc phỏng vấn chỉ bàn sơ qua. Chúng tôi còn đưa thêm vào các đề mục nhỏ và in đậm để tạo thuận lợi cho người đọc, cũng như đưa thêm các đoạn giải thích ngắn gọn, và cung cấp những tác phẩm đọc thêm cho từng trường hợp, và các tài liệu mang tính so sánh và lí thuyết, mà chúng tôi cho là hữu ích nhất. Chúng tôi cũng cung cấp mốc thời gian nhằm giúp tham chiếu hoạt động của các nhà lãnh đạo và nhân dân, các đảng phái và các sự kiện; ngoài ra, chúng tôi cũng trình bày một bản tiểu sử của tất cả các nhà lãnh đạo này. Trước mỗi bài phỏng vấn đều có một bài tiểu luận - do các học giả hàng đầu về từng nước chấp bút - thảo luận về quá trình chuyển hóa và vai trò của từng nhà lãnh đạo.
Đáng tiếc là, tất cả các nữ lãnh đạo các cuộc chuyển hóa này đều đã qua đời và chỉ có vài người được phỏng vấn cho chúng ta nhận thức sâu sắc về sự tham gia của phụ nữ trong những cuộc chuyển hóa đó. International IDEA , theo gợi ý của chúng tôi, đã nhờ Georgina Waylen thuộc Đại học Manchester, chuẩn bị một chương riêng về chủ đề này, - dựa vào những cuộc phỏng vấn mà bà đã tiến hành trong nhiều năm và một số cuộc phỏng vấn mới với các nhà hoạt động là phụ nữ, những người có vai trò nổi bật ở những nước này, mặc dù họ không phải nắm ở cấp điều hành.
Bài tiểu luận mang tính tổng kết của chúng tôi đúc kết những nguyên tắc chính về cách thức chấm dứt chế độ độc tài, khi nào và ở đâu chế độ này có thể tiếp tục tồn tại, có thể quay trở hay ngóc đầu dậy và làm sao xây dựng được chế độ dân chủ. Quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ phải đối mặt với những thách thức trùng lặp. Những bài học được rút ra từ những trường hợp này rất có ích cho những nhà lãnh đạo và những nhà hoạt động trong tương lai. Cuốn sách này sẽ có giá trị cho các nhà lãnh đạo chính trị cả trong hiện tại lẫn tương lai và có giá trị cho người dân trên khắp thế giới, những người vẫn đang cố gắng thiết lập nền quản trị dân chủ; có ích cho các nhà hoạt động trong các tổ chức của xã hội dân sự; có ích cho giới truyền thông và cộng đồng quốc tế; và có ích cho tất cả những người muốn tìm hiểu, duy trì, tiến hành và hỗ trợ quá trình chuyển hóa dân chủ.
Nhiều vấn đề được thảo luận trong các cuộc phỏng vấn và tóm lược một cách cô đọng trong chương kết luận của chúng tôi cũng liên quan tới những người, ở nhiều nước trên thế giới, đang tìm cách bảo vệ nền quản trị dân chủ hiệu quả, không để nó bị xói mòn, không để các thiết chế và chuẩn mực bị người ta làm cho suy yếu đi, và trong một số trường hợp, bảo vệ nó trước những cuộc tấn công có chủ ý và có phối hợp. Không cố gắng thì không thể giành và không thể giữ được chế độ dân. Dân chủ đòi hỏi phải liên tục cảnh giác, và rộng mở để tiếp nhận những người tham gia mới và kỹ thuật mới, tiếp nhận những nhóm xã hội khác nhau, tiếp nhận những nguồn và phong cách lãnh đạo khác nhau. Mặc dù các phong trào huy động quần chúng có thể củng cố chế độ dân chủ có trách nhiệm, nhưng cũng có thể làm suy yếu các thiết chế, gieo rắc thái độ nghi ngờ và chia rẽ, và phá hoại ngầm chế độ dân chủ - vô tình hay có chủ ý.
Nhiều khi phong trào quần chúng là biểu hiện của sự bất mãn vì không có tự do, tham nhũng hoặc dịch vụ công cộng yếu kém; phong trào quần chúng có thể là lực lượng ủng hộ cải cách. Nhưng, cũng có thể là tác nhân gây chia rẽ, do đó, làm suy yếu nền dân chủ.
Những kinh nghiệm mà cuốn sách này nói tới nhắc nhở chúng ta rằng các phong trào chuyên chế có thời từng được coi là đầy sức mạnh và không gì có thể thách thức được đã bị những nỗ lực khéo léo, bền bỉ và thận trọng – nhằm xây dựng những cây cầu liên kết các lực lượng chính trị và xã hội còn phân tán; xây dựng và củng cố năng lực của các thiết chế chính trị, xã hội và chính phủ; nhằm truyền cảm hứng cho niềm tin và thái độ tự tin được tiếp sức bởi tầm nhìn và thực hành dân chủ; huy động và chuyển tải áp lực quốc tế; và thiết lập các thỏa hiệp dựa trên những nguyên tắc cốt lõi có thể được nhiều người chấp nhận – lật nhào.
Tiến hành những cuộc phỏng vấn và cùng nhau suy ngẫm về những điều chúng tôi học được là trải nghiệm tuyệt vời, trước hết là do ý nghĩa lâu dài của những câu hỏi mà chúng tôi khảo sát và những trải nghiệm độc đáo và tình người của những nhân vật chúng tôi phỏng vấn. Tình bạn lâu dài của chúng tôi càng sâu sắc thêm, khi chúng tôi dựa vào những giá trị mà chúng tôi cùng chia sẻ và kinh nghiệm sống khác nhau để thực hiện công việc này.
Xin cảm ơn IDEA vì đã khởi động và hỗ trợ dự án này và xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các nhà lãnh đạo đã cho phép chúng tôi ghi lại những hồi ức của họ, xin mời độc giả tham gia cùng chúng tôi học những bài học mà họ cung cấp cho chúng ta.

[1] Vì không thể khởi động dự án này trước năm 2012, cho nên chúng tôi không phỏng vấn được những nhân vật lịch sử từ chín quốc gia này, như Nelson Mandela, Corazon Aquino, Wojciech Jaruzelski và Ulysses Guimaraes, cũng như không thể đưa vào đây các nhà lãnh đạo xuất sắc của những cuộc chuyển hóa dân chủ mẫu mực khác trong thời kỳ này như Vaclav Havel hay Raul Alfonsin.
[2] Tất nhiên, điều mà các nhà lãnh đạo chính trị (hay những người khác) nói khi nhìn lại nhằm giải thích các quyết định và đánh giá hậu quả của những hành động của mình không nhất thiết hoàn toàn chính xác. Thậm chí nếu họ thực sự cố gắng để là người hoàn toàn trung thực, thì họ cũng có thể không nhớ chính xác những tình huống mà họ gặp nhiều năm về trước hoặc cách họ hiểu về những điều kiện tại thời điểm đó và hành động để đáp trả và họ cũng có thể đã đánh giá sai các yếu tố của hoàn cảnh. Nhìn chung, chúng tôi tin rằng những cuộc phỏng vấn này có tiếng nói xác thực và cung cấp những quan điểm có giá trị, mà những nguồn khác không dễ có. Họ có thể nói nhẹ đi các sai lầm của mình và nhấn mạnh những thành tựu, nhưng họ cho thấy quá trình ra quyết định và yếu tố cá nhân theo những cách mà những phương pháp phân tích khác có thể bỏ qua. Phỏng vấn mang tính thăm dò nhằm khai thác nguồn thông độc đáo này là cách làm tốt nhất.
[3] Đáng ngạc nhiên là có rất ít tài liệu mang tính học thuật viết về lãnh đạo chính trị, có lẽ vì rất khó nắm bắt với những công cụ và biện pháp của môn khoa học chính trị hiện đại. Một ngoại lệ xuất sắc là tác phẩm của Juan J. Linz, “Lãnh đạo sáng tạo trong quá trình chuyển hóa sang dân chủ và chế độ dân chủ mới: Trường hợp Tây Ban Nha”, trong cuốn Lãnh đạo sáng tạo trong nền chính trị quốc tế, (Innovative Leadership in the Transition to Democracy and a New Democracy: The Case of Spain, in Innovative Leadership in International Politics), do Gabriel Sheffer chủ biên (Albany, N.Y.: State University of New York Press, 1993). Đọc thêm cuốn sách mới in của Archie Brown, Huyền thoại về nhà lãnh đạo mạnh: Lãnh đạo chính tri trong thời hiện đại (The Myth of the Strong Leader: Political Leadership in the Modern Age), London: Bodley Head, 2014. Brown nhận xét rằng những nhân vật chính trị mà ông cho là những nhà lãnh đạo “biết đánh giá lại” hay có khả năng “chuyển hóa” là ngoại lệ chứ không phải quy luật, nhưng họ có thể tạo ra khác biệt sâu sắc. Vừa nhấn mạnh những mối nguy khi đặt niềm tin vào “một thủ lĩnh cứng rắn”, ông vừa đưa ra luận cứ ủng hộ phương pháp lãnh đạo tập thể và dung hợp. Trong thư từ trao đổi riêng, Brown ghi nhận rằng kiểu lãnh đạo này đặc biệt cần cho quá trình chuyển hóa, một nhận xét được minh họa một cách rõ ràng trong những bài phỏng vấn này. Marshall Ganz đưa ra quan điểm khác trong bài “Lãnh đạo thay đổi: Lãnh đạo, Tổ chức và các Phong trào xã hội” trong Sổ tay về lãnh đạo và thực tiễn (“Leading Change: Leadership, Organization and Social Movements”, trong Handbook of Leadership and Practice do Nitin Nohria và Rakesh Khurena chủ biên (Boston: Harvard Business Press, 2010). Ganz định nghĩa lãnh đạo là “nhận lấy trách nhiệm để tạo ra những điều kiện cho phép những người khác giành được mục đích chung khi đối mặt với tình huống bất lường”. Hầu hết các nhà lãnh đạo được phỏng vấn trong cuốn sách này là hiện thân của khái niệm đó.