Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Que diêm thứ Tám (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Văn Biển

.

ÔNG LÃO BÁN DIÊM VI QUE DIÊM TH 8 ĐÃ CHÁY.

MỘT CÂU ĐỐ HAY BÀI TOÁN BÍ ẨN

Ngoài cửa một người có tuổi đi vào. Người ta chú ý tới hộp gỗ treo trước bụng để các bao diêm.

Mấy người ngồi ở dãy ghế chờ: Chào cụ. Hôm nay cụ bán được mấy hộp rồi?

Cảm ơn các ông, các bà có lời hỏi thăm.

Ông lão mở hộp diêm ra, lấy từng que diêm quẹt. Bảy que đầu không cháy. Tới lần thứ 8 que diêm bốc lửa, ông ta cầm que diêm đang cháy huơ huơ, miệng rao:

Đây que diêm thứ tám

Quẹt một lần cháy ngay

Nào ai ở cõi âm này

Mua nhanh, mua nhanh kẻo hết

Không mua tiếc lắm thay.

Ông lão rao lần thứ hai cùng với động tác như trước. Biết không có ai mua mà dường như ông không quan tâm tới điều đó, ông ta lẳng lặng bỏ hộp diêm vô túi rồi bước ra ngoài.

Có vài người trong phòng chờ hình như lính mới ngạc nhiên: Dưới này ai mua diêm làm gì. Nào có thấy ai hút thuốc điếu, thuốc lào đâu. Mà sao lại bán que diêm thứ tám đã cháy rồi. Hôm nào ông ta cũng ghé qua phòng chờ này vài lần. Nghĩ mãi mà tôi chẳng hiểu.

Tôi xuống dưới này khá lâu rồi cho tới nay cũng không hiểu sao lại có chuyện bán que diêm thứ tám.

Cụ Thường trực ơi. Ông cụ làm nghề bán diêm lâu chưa?

Cụ Thường trực rời đống hồ sơ hướng về phía các vị khách: Ông ta có mặt ở đây từ ngày có phòng thường trực này.

Nhưng sao lại bán diêm? Mà chỉ rao bán que diêm thứ tám.

Tôi nhớ có nhiều người hỏi nhưng ông lão không giải thích. Mặc ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Trần đời tôi chẳng thấy có ai đi bán mà không cần người mua.

May ra cụ Triết nhân biết. Với ông cụ ngồi cạnh tấm cửa đá. Cụ có thể giảng cho chúng con được không ạ?

Tôi nghĩ ông ta muốn nói... Đời người chỉ có một lần như que diêm số tám... cháy xong là hết... Nó na ná như một câu đố ấy mà. Ông cụ Triết nhân nói.

Nhiều tiếng lao xao:

Ừ nghe cũng có lý. Nhưng đã xuống dưới này rồi thì mọi chuyện coi như đã hết.

Giá ông cụ có mặt ở trên kia có phải tốt cho mọi người không. Tôi mà biết thế…

Ý ông cụ muốn nói cho những ai sẽ trở lại trên đó. Cụ Triết nhân nói.

Một khoảng sân rộng trước cửa ra vào phòng Thường trực. Vài người qua lại. Người bán diêm vừa ra, một nhà báo trẻ, tay cầm máy ảnh, túi xách quàng vai chạy tới.

Anh là nhà báo à?

Dạ, Phóng viên báo Tuổi trẻ. Cháu mới xuống. Cháu thấy chuyện mua bán của ông rất lạ. Cụ có thể vui lòng cho cháu phỏng vấn vài câu được không? Ngắn thôi ạ!

Người ta thường phỏng vấn các nhà chính trị, các đại gia, các tài tử điện ảnh, các cô chân dài, người nổi tiếng. Trên ấy và cả dưới này xưa nay chưa có ai đi phỏng vấn kẻ bán diêm hoặc bán ba thứ lặt vặt. Tôi e anh chỉ mất công thôi.

Cụ cứ coi như cuộc trò chuyện thôi. Thi thoảng cụ vẫn phải có người bạn tâm sự chứ.

Vậy xin mời anh. Tôi nghĩ chuyện que diêm thì chẳng có gì đáng nói cả. Người giỏi tán cũng không quá dăm câu.

Cụ không biết chứ, một que diêm có thể đốt cháy cả cánh rừng. Nhưng cháu hứa sẽ không đi vào những vấn đề lớn lao đâu. Đây, cháu bắt đầu câu hỏi thứ nhất. Dưới này có thấy ai hút thuốc và có ai bán thuốc lá, thuốc lào đâu. Lẽ ra cụ phải bán kèm mấy thứ kia, như trên đó người ta hay làm.

Nếu có người hút thuốc, bán thuốc lá thì tôi chẳng làm nghề bán diêm. Cần một môi trường trong sạch cho các linh hồn dưới này và cho cả trên kia.

Hồi còn đi học cháu có đọc truyện “Cô bé bán diêm”. Đêm mưa tuyết cô bé đã đốt cả bao diêm để sưởi ấm, mỗi que diêm cháy cho cô bé một hình ảnh, một câu chuyện hay, cảm động. Chắc que diêm thứ tám của cụ cũng mang một hình ảnh nào đó... làm người ta tò mò.

Câu chuyện cô bé bán diêm rất hay, que diêm thứ tám của tôi không giống với các que diêm của cô bé bán diêm của anh. Ở đây lâu rồi anh khắc biết. Thôi tôi đi đây.

Vừa đi vừa rao:...

Ơ, que diêm thứ 8 đây.

Quẹt một lần cháy ngay

Ai mua nhanh

Mua nhanh kẻo hết...

Không mua tiếc lắm thay!

Người bán diêm đi khuất cùng với tiếng rao. Bỗng Khánh từ xa đi tới, tay ôm một mớ dây điện, kìm búa.

Nhà báo: Anh định dùng mấy thứ này để trói người đẹp à?

May tôi chưa đến nỗi khùng như vậy.

Ta vào phòng chờ đi, nếu cần trói người đẹp, mình sẽ giúp một tay. Nhưng sẽ trói hai anh chị lại với nhau. Trói rất chặt.

Đánh chết cũng không bao giờ xảy ra chuyện đó đâu. Cả hai cười to.

7.

TRỞ LẠI CHUYỆN THẦN CHẾT

VÀ CÔ GÁI BẤT HẠNH

Chiếc xe Thần chết chở cô gái dừng lại trước tấm cửa đá. Cô gái giật mình tỉnh giấc.

Mọi chuyện xảy ra cứ như một giấc mơ, một cơn ác mộng.

Thần chết cầm chiếc vồ giơ lên định gõ vô tấm cửa, nhưng cô gái vội ngăn lại: Cụ ạ. Cụ giúp cháu chờ thêm một chút nữa.

Thần chết ngạc nhiên: Cô vương vấn với trần gian hay còn đợi cái gì nữa.

Cháu chờ anh ấy. Cháu sợ anh ấy đi lạc rồi tìm không ra.

Cô tin anh ta sẽ chạy khắp nơi tìm cô à.

Cô gái ghìm lại những giọt nước mắt. Định xuống xe.

Cô cứ ngồi trên đó cho đỡ rét. Tấm cửa đá kéo lên cô xuống xe cũng vừa.

Cụ tốt bụng quá. Thế mà hồi nhỏ người ta cứ đem Thần chết ra dọa trẻ con. Từ lúc lên xe ngồi bên cụ cháu cảm thấy bình yên.

Cô gái cứ chốc chốc ngoái lại phía sau. Chỉ có mênh mông gió buốt.

Nếu cụ có người yêu thề thốt cùng nhau chết, lúc xe lửa tới cụ có bỏ chạy không?

Nhờ trời chưa có bà lão nào rủ rê tôi làm chuyện... đó. Mà tôi cũng nhớ là chưa từng rủ rê ai. Thần chết mà rủ rê thì xấu như Chung Vô Diệm cũng phải bỏ chạy.

Cô gái sau một lát: Thôi, cụ cứ gọi cửa đi.

Thần chết cầm chiếc vồ gõ vô tấm cửa đá. Nghe như tiếng thở dài thăm thẳm sau mỗi lần chiếc vồ chạm tấm cửa đá. Như một tiếng kêu than. Ngọc Hoa thầm nghĩ.

8.

CHUYN THƯNG NGÀY PHÒNG CH

Tiếng vồ gõ cửa vang lên. Cụ Thường trực cầm sợi dây cố kéo tấm cửa đá lên. Thần chết đưa cô gái vào, cả phòng chờ nhìn cô gái vẻ ái ngại. Quần áo bê bết máu. Nửa người cô như bị cưa ngang.

Cụ Thường trực liếc nhìn cô gái: Cô này làm sao vậy?

Thần chết nói nhỏ: Trong trường hợp này xin cụ bỏ bớt cho các thủ tục, hoặc cụ sẽ hỏi sau. Một... tai nạn, người nhà không ai biết nên chưa kịp thay trang phục trước khi lên đường.

Vâng, tôi hiểu ý cụ. Quay lại nói với cô gái. Cô có người thân nào dưới này không?

Thưa, cháu mới chân ướt chân ráo xuống chưa gặp ai quen ạ.

Cụ Thường trực nhìn xuống hàng ghế chờ, vui vẻ kêu lên: May quá. Cậu Đáng, cậu giúp tôi việc này.

Đáng bước tới bàn Thường trực.

Tôi giao cô Hoa cho cậu, cậu có nhiệm vụ chăm sóc cô ấy. Cậu thấy rồi đấy, cô ấy đang trong tình trạng mất thăng bằng.

Cháu sẽ làm đúng điều cụ dặn. Nói nhỏ. Cụ không sợ giao nhầm trứng cho ác à?

Cậu ở dưới này lâu tôi biết. Không phải ai dựa cọc cũng đều là kẻ tội đồ cả đâu. Thôi, cậu đi làm nhiệm vụ đi.

Cảm ơn cụ tin cháu. Với Ngọc Hoa, cô đi với tôi, nếu mệt cô có thể bám vai tôi. Cô gái chào cụ Thần chết rồi đi với Đáng ra cửa ngoài.

Thần chết với Thường trực: Thôi chào cụ. Tôi phải đi đây. Trên kia lại có người chờ.

Vâng, cụ đi. Chỉ xin cụ bớt xuống cho. Giá như lâu lâu mới gặp nhau thì hơn.

Mọi người và Thần chết đều cười.

Cụ Thường trực lật hồ sơ ra đọc tiếp: Trần Sơ.

Sơ bước ra trong bộ quần áo thô mộc.

Còn nhớ vì sao anh chết không?

Hôm đó cả nhà con đau bụng. Con bèn giở sách thuốc ra xem. Sách viết: “Đau bụng dùng sâm”. Nhà sẵn sâm, có bao nhiêu sâm con cho cả nhà uống tất. Con cũng uống. Không dè lát sau, vợ con, lớn bé dắt díu nhau đi ráo. Con đi sau rốt. Cả nhà chết oan.

Ai đó ở hàng ghế chờ: Còn mấy chữ trang bên kia anh không đọc: “đau bụng dùng sâm tắc tử”.

Vâng, mãi khi xuống dưới này có người mách tôi mới biết. Khi vỡ lẽ ra thì đã muộn.

Xét thấy anh ăn năn hối lỗi đã nhiều, nay cho anh trở lại trần gian.

Trần Sơ với Triết nhân: Xin cụ đôi điều, con sẽ lấy nó làm lương ăn suốt những ngày trên ấy.

Không có lời nào khôn ngoan bằng sự đau khổ chính mình gây ra do dốt nát. Thật cũng còn may ngày đó anh chưa kịp ra gánh vác việc lớn. Đó cũng là cái phúc lớn cho đời.

Thưa, ý cụ nói thế là sao ạ.

Cụ Thường trực: À... Chắc ông cụ chợt nghĩ tới chuyện trên ấy. Chuyện chạy chức, mua bằng. Chuyện ngồi nhầm ghế.

Cụ Triết nhân nói thêm: Đã dốt mà tham thì chỉ khổ dân hại nước thôi.

Trần Sơ với nhà văn cao lêu khêu đang ôm tập bản thảo dày vừa vào phòng: Kìa, chào bác nhà văn. Bác có gửi gì cho trên ấy không?

Nhà văn nhìn tập bản thảo của mình: Có tập bản thảo... Anh chờ một chút. Nhưng mà... anh chui vô bụng một cô gái, rồi tới lúc ra đời với một bản thảo dày trong tay, mà toàn là những trang viết về chuyện thế giới linh hồn. Lúc đó mọi người sẽ xúm đen xúm đỏ lại tập bản thảo mà quên mất chú bé sơ sinh. Tôi lại mang tội.

Trần Sơ nói như phân bua với mọi người: Từ bấy đến nay tôi đâm ra quý chữ nghĩa. Tiếc thật, tưởng là giúp nhà văn có chút quà cho trên đó, ít ra những suy nghĩ thật, chuyện thật của những người dưới này. Xin chào các cụ các bác. Ra phía cửa.

Cụ Thường trực lại cố kéo tấm cửa lên, lấy tay áo quệt mồ hôi.

Khánh và nhà báo vào phòng chờ từ lúc nào. Khánh tới bàn cụ Thường trực.

Khánh nói với cụ Thường trực: Nếu cụ sợ lãng phí điện thành phố thì cháu sẽ thay sợi dây muôn đời của cụ bằng một chiếc đòn bẩy hay ròng rọc, công cụ này cũng cổ rồi. Nhưng còn hơn...

Cụ Thường trực nhìn Khánh có vẻ bực bội: Cánh cửa không làm tôi mệt mà tôi sẽ tức chết vì những sáng kiến tối kiến của anh.

Khánh vẫn thiết tha: Thưa cụ, tại sao cụ không thể hiểu...

Tôi không hiểu là tại sao lúc nào anh cũng có mặt ở đây.

Cụ biết đấy, cháu phải ra đi quá sớm.

Chết trẻ khỏe ma, chết già ma yếu.

Ma yếu ma mạnh thì được gì hả cụ? Rốt cục ma vẫn cứ là ma. Có điều công việc của cháu trên đó còn dang dở.

Chưa thấy ai xuống đây mà bảo là đã thực hiện xong hết các dự định của mình. Lòng ham muốn của con người thật vô tận.

Cụ sẽ không được yên chừng nào cụ chưa giải quyết cho cháu lên và chưa chịu cho cháu thay cái dây thừng cổ lỗ kia. Thấy Hằng Nga cười to, cô khỏe cười nhỉ.

Cô ấy cười được còn may. Còn tôi sắp điên vì anh đây. Tên họ của anh? Lấy chồng hồ sơ xuống, mở ra.

Khánh vui vẻ hẳn lên: Lê Khánh cụ ạ. Kỹ sư hóa. Đơn xin lên trên đó với lí do tiếp tục công trình chống rỉ. Hôm mới xuống cháu đã đề đạt ngay nguyện vọng. Vậy mà mấy năm trời rồi.

Chưa bằng thời gian chửa của con trâu!

Có thể không bằng thời gian chửa của con voi, một phần ba thời gian chửa của con ma mút. Nhưng lại quá thừa để hoàn thành hai hay ba cuộc chiến tranh thế giới. Và con số người chết bây giờ không còn tính bằng vạn, bằng triệu nữa. Cụ sinh từ thời nào ạ?

Cụ Thường trực vẻ mơ hồ: Ngày đó chưa có năm tháng. Chưa có lịch âm, lịch dương như bây giờ. Hồi đó người ta còn giết nhau bằng mũi tên đồng, lao đá. Không làm gì có chuyện chết một lúc hàng ngàn, hàng triệu.

Khánh: Vậy là trên vạn năm rồi. Nếu so với vạn năm của cụ thì một năm chờ của cháu dưới này đúng là chẳng có nghĩa lý gì. Một cái nháy mắt.

Ông cụ ngó đống hồ sơ, quay lại nói với Khánh. Cố chờ vài mươi năm nữa sẽ tới lượt anh.

Hằng Nga: Gắng chờ tới ngày đó tôi sẽ lên với anh. Chắc chắn lúc đó đồ dùng toàn bằng máy cả. Có máy chống rỉ, máy chống ăn gian nói dối.

Khánh không thèm trả lời Nga, quay lại với cụ Thường trực: Tới ngày đó nếu cháu có nằm trong bụng một bà nào đó, dẫu người ta lấy kẹo nhử cháu cũng không thèm ra, mặc dầu cháu chúa thèm của ngọt.

Cụ Thường trực như đang hồi tưởng về một thời xa xưa: Hồi đó đồ dùng của chúng tôi toàn bằng đá và xương thú. Mãi về sau mới có đất nung. Những lúc rỗi rãi, tôi thường một mình lê la bên bờ suối, nhặt và làm cho cô ấy những chiếc vòng bằng các loại đá đỏ, đá xanh. Cô ấy đeo vòng đầy cổ chân, cổ tay rồi nhảy múa như điên trước lửa. Lửa nhóm bằng cây rừng, lá rừng. Niềm vui thật giản dị. Còn những tiếng những chữ chúng tôi dùng để trao đổi với nhau cũng thật là ít ỏi. Cho tới những ham muốn, những đau khổ hồi đó cũng không rắc rối như các anh chị bây giờ. Ôi, cái đẹp, cái êm ả, thanh bình của một thời chắc không bao giờ trở lại hành tinh này. Cụ khẽ thở dài với nỗi tiếc nuối khôn nguôi.

Cháu xin nói thẳng là cụ chọn nhầm chỗ ngồi rồi. Khánh bực mình kêu lên.

Cụ già với vẻ mặt phớt lạnh, nói với những gã quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa đang trực trong phòng lúc nào cũng hầm hè chực ra tay với Khánh.

Các ngươi tìm cho ta bốn lực sĩ.

Khỏi cần cụ ạ. Gã đó tụi cháu chỉ cần thổi nhẹ một cái là bay.

Cứ làm theo lệnh ta.

Mấy gã quỷ sứ lặng lẽ ra ngoài.

Nhiều người có vẻ lo lắng cho Khánh, nhưng anh chàng vẫn tỉnh bơ.

Sớm muộn gì cháu cũng sửa được tấm cửa đá cho cụ.

9.

NGỌC HOA VÀ BÀI THƠ TẶNG NGƯỜI VỀ CÕI ÂM

Đáng và Ngọc Hoa đang ngồi dưới gốc cây. Ngọc Hoa lúc này trông có vẻ khá hơn. Cả người Hoa hiện lên vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng.

Đáng với giọng dịu dàng, trái với vẻ ngoài to lớn của anh: Hôm nay chúng ta có thể nói chuyện với nhau được chứ. Chuyện của em.

Chuyện chẳng có gì. Mà anh nghe làm gì cho bận tâm.

Hoa bảo chuyện chẳng có gì à? Thỉnh thoảng trong lúc chợt thiếp đi em lại thốt lên những câu bâng quơ: “Có phải đoàn tàu tới rồi không?” Rồi em lại dặn như có người nằm bên cạnh: “Đừng sợ anh, cứ nằm im. Sau đó chúng mình bên nhau mãi mãi”.

Thôi anh bỏ qua hết cả đi. Coi như không có chuyện gì xảy ra với em.

Em cần được trả thù. Thằng khốn nạn đó phải được xử theo đúng luật. Nếu không bằng luật pháp thì luật rừng, luật đời, luật nào anh cũng chơi.

Ngọc Hoa hoảng hốt: Anh nói cái gì vậy? Không ai quy kết người sợ chết là kẻ có tội cần phải xử. Có lẽ chỉ ở ngoài mặt trận thôi.

Rủ nhau thề thốt cùng chết rồi bỏ em lại không phải thằng hèn, thằng ích kỷ, thằng khốn nạn thì em gọi hắn là gì? Em chỉ cần cho anh biết họ, tên, chỗ ở là được.

Em xin anh. Xuống dưới này em muốn được yên nghỉ. Việc mình làm mình chịu.

Anh sẽ bắt hắn xuống dưới này cho em.

Để làm gì hả anh? Thôi, anh đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Chẳng hay ho gì chuyện làm người khác khổ.

Em nói sai rồi. Đây không phải là một chuyện không vui, không hay. Mà chuyện phản bội cần phải lên án, phải xử.

Mọi chuyện đã qua rồi.

Thế em định tha cho thằng khốn nạn đó à?

Mình có quyền gì mà tha với không tha. Tòa án người ta cũng không xử người sợ chết. Có hàng triệu người sợ chết. Ngọc Hoa ngồi im một lát.

Đáng lo lắng: Em đang nghĩ gì đấy?

Nhân chuyện này em chợt nhớ bài thơ viết cho người về cõi âm. Em đọc anh nghe:

Ta đi

Đường dài hun hút

Gió thời gian lạnh buốt

Phía trước không bến bờ

Đằng sau mịt mù kí ức

Không mưa

Không nắng

Không bão tố trần gian

Không còn buổi sáng trời xanh tiếng chim

Không còn, không còn lá vàng bay

Những chiều thu men say...

Ta đi

Một mình

Không hình, không bóng

Hành trang vứt lại

Nỗi đau bỏ lại

Oán ân bỏ lại

Còn mênh mang

mênh mang

nỗi buồn nhân thế...(1)

Bài thơ buồn quá phải không anh? Thấy Đáng ngồi lặng thinh. Làm sao vậy anh?

Nếu anh biết được điều này từ sớm... mọi việc không hay đã không xảy ra.

Có chuyện gì vậy anh?

Chuyện lâu rồi. Thôi, nếu Hoa khỏe anh đưa Hoa đi xem quang cảnh dưới cõi âm này cho biết. Nếu biết “sống” cũng không đến nỗi chán lắm đâu. Cười. Xin lỗi, anh vừa dùng từ sống ở nơi này không được đúng.

Chẳng phải chúng mình cũng đang sống đấy sao? Có khác trên kia là một dạng sống khác thôi. Có điều chắc chắn là tâm hồn thanh thản hơn. Không có những lừa lọc, dối trá, bon chen...

Đáng cười: Và cả sợ chết nữa.

Bỏ người yêu chạy trốn chứ gì? Anh thấy không, nhắc lại chuyện cũ không còn thấy đau lòng nữa. Em đã tìm thấy sự bình yên, thanh thản. Trên kia người ta gọi là cõi vĩnh hằng, có lẽ đúng.

Ngọc Hoa tựa vào vai Đáng ngủ thiếp... Đáng ngồi yên không dám cựa mạnh sợ làm Hoa thức giấc.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)

(1) Rút trong tập “Thơ viết dưới giàn lan” - Văn Biển.