Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Que diêm thứ Tám (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Văn Biển

(Văn Việt trích đăng 11 kỳ)

Nhà văn Văn Biển (Ảnh của báo Tuổi Trẻ)

Thay cho LỜI NGỎ gửi bạn đọc

CHƯA PHẢI LÀ CƠN BÃO CUỐI CÙNG

Thế Dũng:

Thưa anh từ tháng năm 1987, nhà văn Lê Phương, bạn thân của anh đã đề nghị tôi chuyển kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám của Văn Biển thành kịch bản điện ảnh trong thời gian 40 ngày tại Trại sáng tác của Xưởng phim truyện Việt Nam do Bộ Văn hóa tài trợ. Với tôi, đó là chuyện bất khả thi. Rốt cục, khi kết thúc Trại tôi đã nộp cho Lê Phương kịch bản điện ảnh Chuyện tình dở dang và Que diêm thứ Tám chỉ còn lại trong ký ức.

Ngót 30 năm sau, anh ủy thác cho tôi và Vipen bản thảo tiểu thuyết Que diêm thứ Tám để tôi có thể xuất bản nó tại Đức. Năm 2015, khi việc trình bày sách và thiết kế bìa cho Que diêm thứ Tám đã xong xuôi, chuẩn bị đưa vào nhà in anh bỗng dưng đề nghị Vipen dừng lại việc xuất bản. Vì lý do cầu toàn theo tinh thần duy mỹ của Flaubert hay do anh e ngại các con chữ của mình gặp tai nạn? Anh có thể chia sẻ sự cố này được không?

Sau này mỗi lần về nước, tôi đều hỏi thăm Que diêm thứ Tám, lần nào tôi cũng chứng kiến sự khắc khoải, day dứt của anh. Mãi đến bây giờ anh mới yên tâm để Que diêm thứ Tám bật sáng giữa đời vào lúc sắp 90 tuổi. Dù không phải do Vipen xuất bản ở Đức tôi vẫn chân thành mừng rỡ vì Que diêm thứ Tám không thể bật sáng chậm hơn nữa.

Anh nghĩ sao về sự muộn màng này?

Nhà văn Văn Biển:

Vẫn thường có những cái thai “khủng” không phải cứ đủ ngày đủ tháng là ra đời. Đúng như bạn nói, cần thêm thời gian để cuốn sách được hoàn thiện hơn. Còn biết bao điều chưa nói hết.

Thời gian như dòng sông chở đầy phù sa ngày đêm bồi đắp đôi bờ trù mật. Cuốn sách theo năm tháng ngày một đầy đặn hơn, mang những chất liệu tươi rói của đời sống.

Còn lý do thứ hai e ngại các con chữ của mình gặp tai nạn, tôi sẽ nói ở phần cuối cuộc phỏng vấn.

Bây giờ xin đi vào các câu hỏi của anh.

Trước khi trả lời các câu hỏi tôi xin nói thêm, sau khi chuyển từ kịch bản sân khấu sang kịch bản phim truyền hình màn ảnh lớn của Thế Dũng không thành, kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám còn một lần tiếp theo chuyển thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập cho màn ảnh nhỏ. Công việc chuyển thể khá nhọc nhằn, cặm cụi cày mãi rồi cũng có được ngót 50 tập, gửi cho “chú em” xưa là “lính” của tôi trong Đoàn kịch thể nghiệm ở Lâm Đồng. “Em có một kênh trên Đài truyền hình Trung ương, anh cứ viết đi, em sẽ giúp...” gửi bản thảo xong, tôi kể chuyện này với Lê Phương. Lê Phương bèn bảo: Bạn gửi nhầm địa chỉ rồi. Trên bàn thờ gia đình cậu ấy trên lầu ba có thờ Ông Ba (tức Ba Duẩn). Hai đứa ôm nhau cười. Và rốt cục kịch bản không xuất hiện trên màn hình lớn cả màn hình nhỏ.

Nhưng không tốn công vô ích. Từ kịch bản sân khấu truyền hình màn ảnh nhỏ chuyển sang tiểu thuyết non 1.000 trang, công việc có phần nhẹ nhàng hơn. Đó là khởi đầu các cuộc phiêu lưu của câu chuyện Que diêm thứ Tám. Bạn muốn biết số phận của kịch bản sân khấu, chắc cũng long đong không kém? Vâng, khi kịch bản mang tới Nhà hát kịch, Giám đốc Mạnh Linh đọc xong bảo: “Nếu bên Nhà xuất bản Văn học in, Nhà hát sẽ dựng. Đưa tới Nhà xuất bản, ở đó người ta lại chơi chữ kiểu nói ngược lại. Kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám đành an phận đắp chiếu ngủ, một giấc ngủ đâu khoảng ba bốn chục năm. Có khác nàng Bạch Tuyết ngủ trong rừng, kịch bản ngủ trong ngăn kéo cùng với một số kịch bản khác (Thành phố con tàu, Nàng Bạch Tuyết mới, Chiếc gương chàng Ngốc...) cùng chung số phận. Phải đợi tới sau 1975, vào một ngày đẹp trời, mở ngăn kéo phủ lớp bụi thời gian, đem tới Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh với không chút hy vọng. Vậy mà chỉ sau mươi ngày có giấy của Ban Văn nghệ Đài Truyền hình mời tới ký hợp đồng. Trong bản hợp đồng có ghi: Ban Văn nghệ Đài (gọi tắt là bên B) đồng ý sử dụng kịch bản Que diêm thứ Tám. Trong thời hạn ba năm bên A (ông Văn Biển) không được giao cho bất cứ đơn vị nào khác. Chờ gần ba năm vào một ngày chắc trời không được đẹp, nhận được giấy báo của Ban Văn nghệ Đài muốn gặp tác giả để bàn về việc dàn dựng kịch bản. Ban Văn nghệ của Đài cử một đạo diễn, hiệu trưởng hay hiệu phó trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố. Chúng tôi gặp nhau ở quán café Hoa Sen trên ngõ Nguyễn Huy Tưởng (quận Bình Thạnh). Cuộc trao đổi ngắn gọn, ý của đạo diễn muốn kịch bản được sử dụng tác giả phải bỏ hoặc sửa mấy chỗ, ví dụ: ...

- Nếu không sửa đổi hay bỏ thì sao, tác giả hỏi.

- Tác giả phải xin được chữ ký.

- Sao lại có chuyện phải xin xỏ ở đây, xưa nay sân khấu làm gì có cái lệ này. Gượng hỏi thêm. Vậy ông bảo xin chữ ký của ai?

- Của vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa hay vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tác giả bật cười nói đùa:

- Tôi chỉ ký cho người này người kia chứ không chịu khó đi xin chữ ký của ai để kịch bản được dựng và tôi cũng không muốn vì kịch bản của mình mà sinh ra một tiền lệ không hay.

Chuyện Que diêm thứ Tám lên sân khấu truyền hình bất thành. Tác phẩm ra đời không gặp ngày lành tháng tốt. Kết thúc cuộc phiêu lưu hay cuộc hành trình thứ nhất.

Xin được trả lời câu hỏi thứ hai.

Đáng lẽ cuốn tiểu thuyết cùng tên với kịch bản sẽ ra mắt ở Nhà xuất bản Vipen; lúc đó đã lên bìa rất ấn tượng. “Một cỗ máy Thời Gian đang vận hành”. Nhưng... như trên tôi đã nói. Đời luôn có chữ “nhưng” không thể lúc nào cũng vượt qua được. Và phải sáu bảy năm sau, hôm nay Que diêm thứ Tám, dưới hình thức tiểu thuyết tâm lý xã hội mang tính thời sự mới có dịp được ra mắt bạn đọc, qua không biết bao nhiêu lần viết đi viết lại để có được hình thù như bây giờ trên tay bạn đọc.

Thêm mấy dòng về chút kỷ niệm nhỏ trong các cuộc hành trình không may mắn trên. Khi tới Đài Truyền hình thành phố nhận lại kịch bản thấy có bản nhận xét viết tay của một biên tập viên nữ: “Câu chuyện kịch rất lạ, trong một bối cảnh lạ, cách viết cũng lạ. Đối thoại hay... Trao đổi với tác giả sửa chữa vài chỗ để dùng...”.

Cuộc phiêu lưu tuy kết thúc buồn nhưng lại có “hậu” với những lời nhận xét này. Âu đó cũng là chút an ủi trong cuộc hành trình đầy gian khó... của người viết giữa thời buổi lưỡi kéo kiểm duyệt thành lưỡi dao oan nghiệt. Giết chết bao nhiêu tác phẩm một cách không thương tiếc. Dầu sách không in ở Vipen, tôi vẫn rất cảm kích sự quan tâm của bạn về cuốn sách sắp ra mắt này.

Thế Dũng:

- So với lần đầu tiếp xúc, nội dung bản thảo tiểu thuyết Que diêm thứ Tám năm 2017 đã khác xa với bản thảo kịch bản sân khấu Que diêm thứ Tám năm 1987 mặc dù hình thức kết cấu của nó dường như vẫn được duy trì. Anh vẫn giữ trục tự sự giữa cõi Âm và cõi Dương thông qua nhân vật Thần Chết để thực hiện muôn mặt của đời sống có cơ hội hiển lộ nguyên hình.

Anh có thể bật mí cho độc giả biết những biến hóa bút pháp của mình trong những năm qua để có được Que diêm thứ Tám như bây giờ?

- Cho đến nay tôi vẫn gắn bó không rời với Que diêm thứ Tám. Đầu tiên là người chuyển thể bất thành vào năm 1987. Sau đó là người được ủy quyền xuất bản ở Nhà xuất bản Vipen. Và bây giờ là người trò chuyện với tác giả trước khi tiểu thuyết ra đời vào năm 2017. Quả thật giữa chúng ta có một nhân duyên bút mực thật kỳ lạ. So với lần đầu tiếp xúc tôi thấy nội dung hiện thời của tiểu thuyết Que diêm thứ Tám đã đa thanh và phức điệu hơn nhiều. Năm 1987, kịch bản Que diêm thứ Tám dường như chỉ là một câu chuyện tình bi thảm trong một thế sự bi đát khi các nhân vật của nó đều bất lực hoặc tuyệt vọng. Tiểu thuyết Que diêm thứ Tám năm 2017 thì khác hẳn. Chắc là anh cảm nhận rõ hơn ai hết điều này?

Nhà văn Văn Biển:

Trên bàn viết trước mặt tôi có Que diêm thứ Tám, kịch bản sân khấu 4 màn giấy đã ngả màu. Có cảm giác lâu lắm mới gặp lại người bạn cũ năm nào. Mở trang đầu, trang giới thiệu các nhân vật chính và trang cuối, với dòng chữ: Tấm cửa đá kéo xuống như hai hàm răng nghiến chặt và hai chữ: Màn hạ, hầu như không khác mấy với tiểu thuyết Que diêm thứ Tám bây giờ, sau cuộc phiêu lưu trên dưới năm, sáu mươi năm. Những nhân vật chính của kịch bản vẫn là những nhân vật chính của tiểu thuyết: Cụ già Thường trực, ông cụ Triết nhân, Thần Chết, anh chàng kỹ sư Đầu bò Khánh, người đẹp Hằng Nga, ông Tư, nguyên chủ tịch tỉnh và một số nhân vật khác. Chủ đề vẫn xuyên bám suốt trên cả hai thể loại. Đúng như bạn nói, tôi vẫn giữ trục tự sự giữa cõi Âm và cõi Dương thông qua nhân vật Thần Chết để thể hiện muôn mặt của đời sống có cơ hội hiển lộ nguyên hình khi viết thành tiểu thuyết. Nhưng để trở thành từ kịch bản ngót nghét 48 trang trở thành cuốn tiểu thuyết nặng ký gần 1.000 trang in nó phải khác nhiều, thêm các tuyến, các nhân vật và có dịp để đưa các sự kiện đời thường, cùng với các nhân vật đầy quyền lực trên sân khấu chính trị trong suốt 70 năm Đảng Cộng sản nắm quyền. Ở đây nhất định phải dùng bút pháp hiện thực, tất nhiên không phải phương pháp hiện thực một nửa, chỉ nói mặt tốt, còn mặt xấu che đi. Như vậy, tôi phải sử dụng bút pháp huyền ảo cùng với lối viết tả chân... Có người đọc cảm thấy có vẻ cộm, nhưng nhiều người lại chấp nhận cho đó là sự sáng tạo. Thật không biết làm sao khi phải làm dâu trăm họ. Thôi thì sức đến đâu làm đến đó.

Xin kể một mẩu chuyện vui. Khi bản thảo cuốn tiểu thuyết viết xong, tôi gửi cho một người bạn gái quen từ hồi nàng mới 20 (lúc này nàng đã ngoài 50). Người đẹp tốt nghiệp cử nhân văn chương. Chỉ vài ngày sau tôi nhận được mấy chữ của nàng qua email: “Xin nhà văn đừng buồn. Mới đọc được mấy trang đầu em phải bỏ tập bản thảo xuống, không thể nào đọc nổi tiếp. Thật tình mà nói, nhà văn không hiểu một chút gì về cõi bên kia. Em đã dành mười năm sau khi nghỉ hưu để tìm hiểu về thế giới đó”.

Mô Phật! Tôi mỉm cười. Dầu người đẹp có dành cả vài mươi năm tiếp theo cũng không bao giờ hiểu một chút gì về cõi âm. Cho tới bây giờ các nhà khoa học cũng chưa ai dám nói điều gì về thế giới bí ẩn bên kia, trừ khi chúng ta chết đi. Khổ một nỗi, hình như có một “đạo luật bất thành văn”, người chết (nếu có linh hồn) cũng không thể nói với người sống rằng mình đang “sống” ra sao sau khi rời khỏi cõi thế. Vì thế, lúc viết tôi tha hồ mặc cho ngòi bút tung hoành như hiệp sĩ múa gươm giữa chốn không người... chỉ trừ lúc phải nói chuyện trên trần thế. Phải nghiêm túc từng câu, từng chữ... Còn chuyện dưới cõi âm, không phải muốn viết gì thì viết, các mối quan hệ phải có lý, có tính logic của nó.

Do đó, có sự khác nhau giữa kịch bản Que diêm 48 trang với cuốn tiểu thuyết non 1.000 trang. Một bên phải gói ghém mọi vấn đề, các mối quan hệ chằng chịt cùng với những cuộc tình bi thảm (như Thế Dũng muốn nói) trong 2 tiếng đồng hồ. Còn cuốn tiểu thuyết non 1.000 trang tất nhiên “đa thanh và phức điệu” hơn nhiều, với một cố gắng lớn của tác giả, không để người đọc bỏ dở cuốn sách nửa chừng.

Thế Dũng:

Tôi cho rằng dù được chuyển hóa từ một kịch bản sân khấu thì tiểu thuyết Que diêm thứ Tám đã được anh viết ra bằng bút pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo phương Đông mang đậm sắc thái Việt? Chính bút pháp này đã làm cho cuốn sách vừa có không khí tiểu thuyết tâm lý xã hội vừa có kích cỡ của một tiểu thuyết tư liệu lịch sử tỏ bày nhiều chuyện thâm cung. Anh nghĩ sao về cảm nhận của tôi?

Nhà văn Văn Biển:

Câu này tôi đã trả lời phần nào ở những câu hỏi đầu. Ở đây tôi xin nói thêm, khi cầm bút chuyển từ kịch bản sân khấu sang tiểu thuyết tôi không nghĩ tới sẽ dùng bút pháp gì. Đơn giản khởi đầu của kịch bản là một câu chuyện thuần túy ở cõi âm. Điều này không có gì mới ở văn học nước ta, đã có từ những thế kỷ trước. Nhưng khi chuyển sang tiểu thuyết thì những điều chưa nói được hay không thể nói được trong kịch bản thì khi chuyển sang tiểu thuyết có điều kiện để nói lên những chuyện trên trần thế, những nhân vật có thật ngoài đời, những nhân vật lịch sử đã mất hoặc còn đang sống. Vì lẽ đó mới có những “chương viết thêm” ngoài những chuyện xảy ra ở cõi âm. Cũng không dám gọi là sự sáng tạo khi trộn lẫn cả hư và thực. Gọi là một kho tư liệu như anh nói thì e hơi quá. Chỉ điểm qua một số nhân vật mình biết, nắm bắt được, những nhân vật quan trọng, tầm cỡ. Tôi không có tham vọng hay ý đồ nói về các chuyện thâm cung bí sử. Nếu cần thì đó là nội dung của một cuốn sách khác.

Thế Dũng:

Anh có nói sách sẽ in ra và cái gì đến sẽ đến. Hình như trái tim anh vẫn tràn đầy thấp thỏm trước sự ra đời của Que diêm thứ Tám?

Nhà văn Văn Biển:

Cảm ơn. Câu hỏi của anh đã gợi ý cho tôi viết trước mấy lời tự bào chữa sớm của kẻ bị cáo... nếu một ngày nào đó buộc phải đối mặt trước Tòa án vì biết lúc đó mình không còn khả năng để đi, đứng và nói được trước Tòa.

Như mọi người đều biết, từ khi cướp được chính quyền về tay mình, Đảng dần độc quyền mọi thứ. Từ lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho tới tư tưởng chân lý... Tất cả mọi thứ Đảng đều lo. Người dân chỉ có nghĩa vụ nộp thuế, ngày càng nặng. (Trẻ em mới sinh ra đã gánh trên vai gánh nợ hàng chục triệu để bù vào chỗ thất thu hàng trăm, hàng nghìn tỷ của các doanh nghiệp nhà nước được xem như những quả đấm thép). Nói như nhà văn Dương Thu Hương, người dân như đàn ngựa mù hai bên mắt bị che lại, nhắm mắt đi theo con đường Đảng dẫn đi, mà ngay chính Đảng cũng không biết rõ mình đang đi đâu, về đâu. Đâu là đích tới. Người dân không dám mơ ước gì hơn, chỉ cầu mong sớm thoát ra khỏi một xã hội ngày càng loạn, bất an, bất ổn. Thật buồn và đáng lo.

Bây giờ xin đi vào tang chứng, vật chứng. Thưa quý Tòa, các ngài đã đọc kỹ Que diêm thứ Tám chưa? Các ngài có thấy có một câu chữ nào tác giả phản bội Tổ Quốc, chống lại Nhân Dân. Các ngài chỉ ra, tôi xin chịu tội, không cần phải mất thì giờ các vị xét hỏi. Còn như kết tội chống Đảng, chống phá Nhà nước thì Đảng nên tự xem lại mình. Một Đảng muốn mạnh cần phải lắng nghe các ý kiến phản biện. Nếu mọi việc Đảng làm trước nay đều tốt, không có gì sai thì làm sao sau 70 năm Đảng lãnh đạo Đất nước lại tụt hậu về mọi mặt so với thế giới. Không khéo sẽ kém cả Lào, Campuchia và phải mất 30 năm mới đuổi kịp,... không phải với các nước Châu Âu, mà với nước Mông Cổ hôm nay. Gần đây một Tổ chức thế giới xếp hạng “nước đáng sống” Việt Nam được xếp vào hạng thứ 2 áp chót, chỉ trên Libya, một nước nghèo đói ở Trung Đông. Nếu Đảng lãnh đạo tốt thì làm sao nạn tham nhũng ngày càng tràn lan. Các Đại án xảy ra liên tiếp. Đại án sau càng khủng hơn Đại án trước. Và gần đây được Tổ chức Minh Bạch thế giới xếp vào hạng thứ 2 trong 16 nước Châu Á Thái Bình Dương về tệ nạn tham nhũng.

Còn một điều này tưởng cần phải nói rõ hơn sự tàn phá môi trường không so sánh được với sự tàn phá văn hóa. Tòa án chỉ xử những kẻ tham nhũng, giết người, phá hoại môi trường, chưa có Tòa án nào xử những kẻ tàn phá giết chết một nền văn hóa được hun đúc mấy nghìn năm lịch sử. Nghìn năm giặc Tàu đô hộ, rồi tới trăm năm dưới sự cai trị của Pháp, tiếp đó là Nhật, dân tộc Việt Nam vẫn bảo tồn nền văn hóa của mình. Chẳng lẽ chưa đầy thế kỷ Đảng lãnh đạo lại đưa tới một kết cục bi thảm đến thế. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: Con người nào thì làm ra nền văn hóa ấy. Xin được nói thêm: Thể chế nào đẻ ra nền văn hóa ấy.

Một cuộc thảm sát văn hóa phi vật thể có bề dày mấy nghìn năm, không thể ngày một ngày hai phục hồi lại được.

Hồ sơ vụ án có thể dày ngàn trang, vạn trang. Nhưng không ai là tội phạm chính. Nó chỉ có một cái tên chung chung không thể bỏ tù: thể chế.

Những câu chữ, những trang trên các blog chẳng là cái gì cả thế mà chủ của nó bị kết án hai, ba, thậm chí mười năm tù như Blogger Mẹ Nấm.

Ngược lại với sự tàn bạo là lòng khoan dung, lòng khoan dung mạnh hơn vũ khí, mạnh hơn sự tàn bạo. Lòng khoan dung được UNESCO ghi nhận. Lòng khoan dung chứng tỏ một quốc gia đáng sống. Các ngài sợ gì những lời nói ngược khi Đảng và chính quyền có cả bộ máy khổng lồ chỉ để đàn áp những kẻ nói ngược, những tư tưởng, những chính kiến bất đồng.

Đảng muốn biến 90 triệu dân, nói như nhà Toán học yêu nước Ngô Bảo Châu thành bầy cừu ngoan ngoãn đi bên lề. Và kết cục sẽ ra sao khi có giặc ngoại xâm. Cừu thì không thể nào chống lại với sói lang.

Đánh giặc và làm kinh tế, xây dựng đất nước trong đó có văn hóa là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Khi ngồi vào ghế xử các Blogger, những người bất đồng chính kiến thiết nghĩ các ngài nên nhớ câu nói nổi tiếng của nhà triết học đồng thời cũng là nhà luật học Voltaire: “Tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền anh được nói”. Câu nói đó cách đây hơn hai thế kỷ. Nếu các vị cảm thấy mình đúng là chân lý thì việc gì phải sợ, phải ngán những lời nói ngược không hợp “khẩu vị”.

Dịp cựu Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam ông có nói: “Hàng ngày tôi nhận được vô vàn lời chửi rủa của nhân dân. Nhờ đó mà nước Mỹ mới lớn như hiện nay!”. Câu nói nghe như vô tình thốt ra, nhưng chắc không ngoài ý muốn nói với các vị lãnh đạo Việt Nam nên đối xử thế nào về sự bất đồng ý kiến của người dân.

Bao nhiêu Blogger đang nằm trong các nhà tù rải rác khắp nước. Họ được gọi là “tù nhân lương tâm” với tội trạng: lợi dụng quyền tự do dân chủ chống lại Đảng, chống lại Nhà nước. Trò chơi đảo ngữ xưa nay Đảng thích dùng, và luôn có “hiệu quả”. Những người yêu nước, yêu lẽ phải, phải tới nơi mà Đảng ưu tiên dành cho họ. Lòng yêu nước, yêu lẽ phải được trả bằng những năm tháng tù đày, thậm chí bằng máu được coi như lệ phí đóng cho Đảng. Tôi nghĩ, khi cuốn sách mình được in ra, cái gì tới sẽ phải tới.

Ở ngưỡng tuổi 90, hàng ngày tôi vẫn miệt mài với công việc viết, đọc, lúc rỗi, tự làm giàu cho tuổi xế chiều, nâng niu từng cánh phong lan nhỏ, vui với tiếng chim muông ríu rít, cùng bao vẻ đẹp quanh mình:

... Hãy cúi nhặt chút bụi vàng

Thượng đế ban cho.

Cả những giọt lệ bên đường bất chợt...(1)

Và tôi biết mình phải làm gì cho Tổ quốc lúc lâm nguy, lúc ra đi không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Coi như trả được phần nào món nợ đối với Đất nước, với Nhân Dân. Một Đất nước vốn giàu đẹp nhưng bất hạnh thay gánh quá nhiều đau thương không đáng phải có.

Nếu ngay từ những năm 45 thế kỷ trước, Đảng mở rộng vòng tay chấp nhận đa nguyên, đa đảng thì chắc chắn Đất nước không có tình trạng thê thảm như hiện nay. Nhưng tiếc thay tất cả hình như đã muộn...

Thế Dũng:

Ngay từ thời trai trẻ anh đã kiên quyết chỉ trở thành nhà văn nổi tiếng chứ không chịu trở thành Đảng viên dù là cháu ruột của một Thủ tướng nổi tiếng. Bạn bè hay gọi anh là nhà văn Hoàng thân vì anh là một trí thức văn nghệ sĩ thuộc hạng “con ông cháu cha”. Anh đã sống vắt qua hai thế kỷ, gần gũi với cõi thâm cung bí sử của Chính quyền Cộng sản Việt Nam.

Que diêm thứ Tám của anh làm tôi hình dung ra ngôi nhà mà định mệnh đã dành cho anh cũng là ngôi nhà trái tim tan vỡ. Sự đau đớn của anh không giống sự đau đớn của Berna Sô. Nó giống như một cơn bão của tâm trí mà anh đã âm thầm tích tụ từ thời đại của mình. Sau ngót ba mươi năm từ lúc khởi bút khi viết đến dòng cuối cùng với tâm thế dứt ruột để cuốn sách ra đời anh đã khóc.

Hy vọng Que diêm thứ Tám chưa phải là cơn bão cuối cùng của Văn Biển. Anh nghĩ sao?

Nhà văn Văn Biển:

... “Kiên quyết trở thành nhà văn nổi tiếng”. Bạn ơi, không bao giờ có chuyện đó đâu. Năm 25 tuổi vào làm ở Sở Địa chất. 9 năm sau chuyển sang Hội Sân khấu với kịch bản “Đêm Stockhmn” và truyện “Cô bê 20” là tấm chứng chỉ, hay tờ giấy thông hành vào Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Cho tới lúc nghỉ hưu, chưa qua chức tổ phó Công đoàn. Mặc dầu là cháu ruột cụ Phạm Văn Đồng, lại được cụ cưng chiều và sống trong ngôi nhà riêng của chú 17 năm, cho tới nay cũng chỉ là anh thợ cày, mấy nhà phê bình “lớn” không mấy ai biết tên, biết tuổi. Có vài cuốn sách được Trung ương Đoàn khen là bằng chứng cao nhất về những trang viết cho lứa tuổi Thiếu nhi. Còn “hoàng thân, hoàng thích” là vài anh em quen biết họ gọi đùa cho vui, chứ anh em họ biết thằng Biển là ai, là thế nào rồi. Còn chuyện không vào Đảng có lý do của nó. Kể ra hơi dài dòng một chút. Ngay từ hồi 15 tuổi ở quê nhà, tình cờ đọc vài cuốn sách, trong số đó có cuốn “Biện chứng pháp và duy vật lịch sử” bản tiếng Pháp của Nhà xuất bản Polyzer (?) Bây giờ chỉ còn nhớ trong đó có câu: Con gà có trước hay quả trứng có trước, phủ định của phủ định. Có cảm tình với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa Mác từ đó.

Một hôm ông anh học ở Lêningrad gửi về cho chú em trong phong bì có chiếc lá bạch dương, ngẫu hứng làm ngay mấy câu thơ (!):

Tay cầm chiếc lá bạch dương

Mà nghe như cả thu vàng nước Nga

Quê Lê Nin dù rất xa

Lòng con hát mãi bài ca Tháng Mười.

Một tình cảm hồn nhiên của cậu học sinh tuổi 15, 16! Sau này còn làm cả bài thơ dài về Mác, tiếc nay chỉ còn nhớ mỗi câu đầu:

Nếu vẽ Mác con sẽ vẽ một Mặt Trời Đỏ Rực...

Năm 1955 tập kết ra Bắc đọc cho cụ Đồng nghe cả bài thơ dài. Trầm ngâm mãi, một lát sau cụ phán một câu nhớ suốt đời: Bài thơ Biển dùng đao to búa lớn...

Sau này một lần đi tàu liên vận từ Mạc Tư Khoa về nước ngang qua Sibêri, ngồi trong toa tàu trông thấy tượng Lênin cao to mình phủ đầy tuyết, đứng trên cánh đồng tuyết mênh mông trắng xóa, cằm vị lãnh tụ đầu tiên của giai cấp vô sản như lưỡi cày hất lên, một cánh tay chỉ về phía trước. Tôi viết ngay bài thơ tứ tuyệt, nay chỉ còn nhớ mỗi câu cuối:

Tay Người chỉ lối tới ngày mai.

Buồn thay, cái ngày mai đó không phải Thiên đường mà hơn một tỷ người đã tới là Địa ngục. Một Địa ngục trần gian khủng khiếp.

Tuổi 17, 18 cho tới hơn chục năm sau vẫn là một tình yêu lý tưởng sôi nổi, bồng bột, tưởng như là một chân lý muôn đời...

Vậy tại sao từ ngày ra Bắc, và có 17 năm sống trong nhà cụ Đồng lại không vô Đảng, mặc dầu cả mấy đời bí thư chi bộ bá vai đi dạo ngoài sân 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật) to nhỏ: Biển làm đơn xin vô Đảng... Mỗi lần như thế tôi đều viện cớ thoái thác: Mình còn nhiều mặt yếu kém lắm. Với lại chưa vội gì...

Thật ra lý thuyết là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Càng sống, càng tiếp xúc, va chạm, thấy không giống như mình từng nghĩ. Rồi những vụ việc Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, Đánh tư sản miền Bắc, v.v. với bao điều ngang trái kỳ quặc khác, đã từ từ đánh mất niềm yêu, niềm tin lý tưởng mình đã chọn từ tuổi thiếu thời.

Về chuyện không vô Đảng, tôi có bộc bạch với cụ Đồng. Tất nhiên không nói rõ lý do. Cụ bảo: Cái đó tùy Biển. Vào hay không không thành vấn đề. Miễn sống tốt và làm việc tốt. Ông cụ thừa biết tôi làm việc ra sao rồi. Mỗi lần ra nhà chú đều dặn vợ tôi: Chú giao cho Tâm một việc: không cho Biển làm việc nhiều. (Tới nay ở tuổi 88, 89 con gái tôi ở nước ngoài, luôn gọi điện hoặc nhắn qua email: “Ba không nên đọc và viết nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe”). Còn hầu hết bản thảo các kịch bản của tôi cụ đều đọc, và lúc trả cụ khen Biển viết hay hoặc chỉ nói: Chú thấy không có vấn đề gì. Nhớ mỗi lần ra nhà chơi, cụ thường nằm ở ghế mây, anh em tôi ngồi cạnh. Cụ nói: Các cháu sau này không nên làm chính trị. Dường như cụ cảm nhận một điều gì không hay trong đời sống chính trị lâu nay... Từ những chuyện Sáu Thọ giết người tới những cơn mơ vĩ cuồng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, rồi chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị cánh Lê Duẩn, Sáu Thọ chơi sát ván. Từ vị Đại tướng thắng trận Điện Biên lừng lẫy trở thành “vị tướng” cây đa nhà bò. Kẻ sĩ không ai làm thế. Cùng bao chuyện khác trong chính giới kể cả lối hành xử quá đáng với cụ Hồ... Tất cả những chuyện đó không thể không làm ông suy nghĩ... Mặc dầu ông không hiểu làm chủ tập thể là cái quái gì, nhưng trong cuộc nói chuyện với cán bộ tỉnh Lâm Đồng ông buộc phải hô lên khi kết thúc buổi nói chuyện: Làm chủ tập thể muôn năm! mà chắc tự ông không biết mình đang nói gì. Bi kịch chính trị cũng có phần nào bi kịch của đời thường, nhưng nó ghê gớm hơn.

Bạn có nói trong câu hỏi “ngôi nhà định mệnh... và trái tim tan vỡ... nó giống như một cơn bão của tâm trí mà anh đã âm thầm tích tụ...”. Thật ra thì không có sự đau đớn hay tan vỡ nào cả. Tôi có cái may mắn hơn bao nhiêu người khác nên không có những điều bạn nghĩ. Sự tin yêu lý tưởng ban đầu tuy mạnh mẽ như “tiếng sét” chỉ là sự ngộ nhận đáng yêu của tuổi 15, 16. Và khi va chạm thực tế không mấy hay ho đã bừng tỉnh nhanh chóng sau giấc mơ đẹp. Que diêm thứ Tám chỉ là đỉnh điểm của phần lớn kịch bản chính trị đắp chiếu nằm trong ngăn kéo “Thành phố con tàu, Nàng Bạch Tuyết mới, Chiếc gương chàng Ngốc... Những kịch bản này tôi sẽ nói tới sau. Tôi may mắn không có cái bi kịch của Trần Đĩnh (tác giả Đèn cù) như vẫn còn ấm ức khi bị khai trừ khỏi Đảng...”.

Kết thúc cuộc phỏng vấn bạn có hỏi cuốn sách của tôi có phải là cơn bão cuối cùng không?

Gọi nó là cơn bão e hơi quá chăng. Thật ra chỉ là tiếng kêu cứu, đôi khi là gào thét của những người đang sống và đã khuất và cả con cháu họ sau này. Sau khi Đất nước trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt và những biến cố lịch sử để lại những vết thương khó lành (Cải cách ruộng đất, Đánh phá tư sản miền Bắc và sau đó miền Nam và... bao chuyện đau lòng khác). Như lời tâm sự của tác giả: “Khi cuốn sách đã tới dòng cuối cùng, tôi đã khóc. Xin đừng cười. Hãy thông cảm cho tác giả đang ở ngưỡng cửa 90. Sắp bước lên chiếc xe tồi tàn của Thần Chết đi vào nơi xa lạ mà trên tay không có tấm vé khứ hồi. Xin gởi tới các bạn lòng biết ơn nếu tình cờ cuốn sách tới tay bạn và bắt đầu mở ra. Nếu có gì đúng xin hãy chấp nhận. Nếu sai xin được lượng thứ. Dầu đúng, dầu sai, tôi đã viết với tất cả tấm lòng chân thành và sự cố gắng của mình...” (Trích đoạn cuối Que diêm thứ Tám).

Trở lại một chút với lời đầu của câu hỏi cuối. Tôi không muốn vô Đảng, không muốn trở thành người nổi tiếng mà muốn là một công dân có trách nhiệm. Vì thế trong các loại hình nghệ thuật sở trường (truyện Thiếu nhi, Thơ, Truyện ngắn, v.v.) tôi chọn Sân khấu làm nơi dấn thân. Những chuyện buồn vui về sân khấu tôi sẽ nói tới sau.

(Câu hỏi phụ xin xem ở phần cuối truyện).


1.

CHUYẾN XE ĐÊM CỦA THẦN CHẾT

VÀ NGƯỜI HÀNH KHÁCH

Là một cô gái trẻ khoảng 17 - 19 mảnh mai nhẹ nhõm đang ngồi ủ rủ ở một góc thùng xe. Thỉnh thoảng xe bị xóc, cô gái giật mình thức giấc. Vẻ mặt thảng thốt trên gương mặt đẹp. Cô nhìn gã tài xế và chiếc xe. Cô chưa từng đi trên chiếc xe này bao giờ, như vừa ở một bảo tàng nào lấy ra.

Này ông, ông chở tôi đi đâu thế này. Cô gái vừa nghĩ tới một vụ bắt cóc bán cho các khách sạn hoặc bán qua biên giới. Cô hoảng hốt.

Khi người đàn ông quay lại thì cô giật mình. Tài xế là một ông cụ phải mấy nghìn tuổi. Cô có cảm giác gặp ở đâu rồi. Hình như trong một cuốn sách đọc hồi nhỏ. Không ai có thể già hơn.

Ồ, vậy là cô tỉnh lại rồi. Người đánh xe hỏi. Cô không nhớ gì hết sao?

Ông bảo tôi nhớ gì?

Chẳng hạn... tên tuổi cô.

Ngọc Hoa... 18 tuổi. Cô gái chợt cười. Người ta có thể quên nhiều thứ, nhưng tên mình thì ít ai quên được.

Thật cô không biết tôi chở cô đi đâu sao?

Nếu biết tôi đã không hỏi. Mà sao tôi lại ngồi trên chiếc xe lạ hoắc này từ lúc nào. Hình như tôi chưa mua vé.

Xe miễn phí mà.

Vậy mọi người ai cũng được miễn phí sao?

Tất cả. Từ Vua Chúa cho tới kẻ ăn mày. Ông lão ngần ngừ một chút rồi nói tiếp. Cô đang ngồi trên chiếc xe Thần Chết. Cách đây non tiếng đồng hồ tôi gặp cô trên đường ray xe lửa... Đấy, cô nhớ lại chưa?

Vừa nói tới đường ray xe lửa, trong óc cô gái bỗng hiện lên đoạn phim kinh dị. Loại phim mà cô chỉ xem một lần rồi hãi mãi cho tới tận giờ. Vừa rồi nó trở lại với cô. Mà lần này cô không phải là khán giả mà là một diễn viên, không phải trong vai người đóng thế mà một vai diễn thực. Đoàn tàu lửa với cái đầu máy và hai con mắt sáng quắc đang ầm ầm lao tới như con quái vật muốn nuốt lấy khoảng không phía trước.

Cô gái chợt rùng mình. Nhưng còn Hiền. Phải có anh ấy chứ. Trước đó hai đứa nằm sát nhau trên đường ray tay nắm chặt tay... Thế rồi... Chuyện gì tới đã tới. Vậy mà lúc này chỉ có mỗi mình trên chiếc xe cổ kính này... Cô không dám nghĩ tiếp.

Thần Chết nói giọng như thì thầm, ông sợ tiếng nói của ông sẽ như lưỡi dao cứa vào linh hồn cô: Lúc tôi tới nơi thì đoàn tàu đã mất hút phía trước, còn trên đường ray xác cô đứt đôi. Ôi, cô vừa trẻ, vừa đẹp.

Cụ ơi, bây giờ thì điều đó với cháu vô nghĩa rồi.

Sau khi chở cô đi rồi quay lại nhìn chỗ đó vẫn vắng teo. Lúc này đang nửa đêm nên chưa ai hay biết chuyện gì đã xảy ra.

Cụ ạ. Có thể anh ấy lạc đường hoặc lên nhầm xe khác. Liệu có nhiều chiếc xe kiểu này không hở cụ?

Triệu năm nay chỉ có mỗi chiếc xe này. Còn chuyện lạc đường thì không thể có. Tội nghiệp cô ấy cho tới giờ vẫn nghĩ anh ta cùng chết với mình. Thần Chết nghĩ thầm.

Hai đứa cháu thề sống chết bên nhau.

Thần Chết tò mò: Nhưng sao lại có chuyện đưa nhau lên đường ray xe lửa.

Chuyện xưa như trái đất cụ ạ. Khi hai gia đình bất hòa. Cụ có biết chuyện Roméo-Juliet không. Y hệt như thế. Chỉ có điều đoạn kết khác... Hay cụ chịu khó quay xe trở lại. Đêm tối trời... cháu lo Hiền không biết đường tìm cháu. Khổ thân anh ấy một mình. Cô nhìn ra ngoài. Mà hình như trời đang mưa.

Thần Chết nén tiếng thở dài: Cô khỏi tìm anh ta mà cũng đừng lo anh ta lạc đường. Chắc giờ này anh ta đang ngon giấc trên giường. Ông cụ nghĩ thầm.

Vậy là... chẳng nhẽ... Khi Thần Chết quay lại thì thấy cô gái đầu gục xuống thành xe thiếp đi. Ông cho chiếc xe chạy chậm lại, cố tránh những ổ gà và những vùng không khí loãng. Khổ nỗi, chiếc xe cũng sắp phải thay rồi.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)


(1) Rút trong tập Thơ viết dưới giàn lan.