Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (602): Phạm Công Thiện (kỳ 11)

IM LẶNG HỐ THẲM (4)

VI.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Heidegger đã hỏi: “Zarathustra là ai?” Kẻ dạy việt nhân? Kẻ dạy sự phục thể của đồng thể? Zarathustra chưa là việt nhân, như Heidegger đã nói? Zarathustra là ai? Việt nhân (Übermensch) là gì? Việt là gì? Đối với Heidegger, Zarathustra không phải thực sự là Nietzsche? Đối với Heidegger, Zarathustra chưa phải là việt nhân? Nietzsche chưa phải là việt nhân? Heidegger đã hiểu sai ẩn ý của Nietzsche? Hay đã hiểu mà cố ý khuây lấp? Khuây lấp để cùng sống chung trong sự im lặng hố thẳm?


Tất cả việt nhân đều im lặng. Vì sao Nietzsche phải im lặng? Việt tính của việt nhân là gì? Việt tính là gì? Việt là gì? Tính là gì? Việt thể là gì? Tính thể là gì? Thể là gì?
Những câu hỏi trên là những câu hỏi của siêu thể học? Siêu hình học (Siêu thể học) là gì? Thể là gì? Tính thể là gì? Thể tính là gì? Tính tính là gì? Thể thế là gì?
Song thể là gì? Song song thể (Zwiefalt) là gì?
Siêu thể học là tất mệnh, chứa đựng một tất mệnh (Verhängnis). Tất mệnh (Verhängnis) của Tây phương chính là siêu thể học. Nét đặc biệt, nét đậm làm nền tảng cho lịch sử Âu châu chính là siêu thể học đặt dưới thể diện của tất mệnh (Verhängnis). Nghĩa là thế nào? Trong quyển Vorträge und Aufsätze (Pfullingen, Neske, 1954), Heidegger giải thích rằng tất mệnh (Verhängnis) của siêu thể học Tây phương là treo (hängen lässt) những sự thể của loài người lửng lơ giữa thểthể tính của tính thể lại không bao giờ được thể nghiệm trong thể diện của Song song thể (Zwiefalt). Song song tính (Zwiefalt) có nghĩa là song song thể của tính thể và thể tính (cf. Essais et Conférences, p. 88-89).
Thể tính ẩn trốn đã qui định thể điệu mà con người thể nhận tính thể trong tòan thể. Tính thể trong toàn thể là gì? “Tính thể trong toàn thể” dịch ra danh từ triết của Đức ngữ chính là “das Seiende im Ganzen”, mà người Pháp dịch lại là “l’étant en totalité”.
Trong quyển bộ sách dày của Heidegger viết về Nietzsche, Heidegger đã xác định một lần nữa rằng siêu thể học (Metaphysik) chính là tư tưởng về thể tính của tính thể, nói khác đi thì có nghĩa là tư tưởng về tính thể trong toàn thể (cf. Heidegger, Nietzsche, t.II, p.75: “Die Metaphysik lässt sich bestimmen als die in das Wort des Denkens sich fügende Wahrheit über das Seiende als solches im Ganzen”).
Bởi vì siêu thể học (Metaphysik) chỉ tư nghiệm về thể tính của tính thể hay về tính thể trong toàn thể (das Seiende im Ganzen), cho nên siêu thể học đã bỏ quên và không biết đến thể tính của thể tính. Thể tính của Thể tính có nghĩa là gì? Chân tính (Wahrheit) chính là Thể tính của Thể tính. Đừng lầm lẫn “thể tính của thể tính” với “thể tính của tính thể”. Sự lầm lẫn này rất nguy hiểm, vì chính sự lầm lẫn ấy là đặc tính của siêu thể học Tây phương. “Thể Tính của Thể Tính” dịch ra danh từ triết lý Đức chính là “des Wesens des Seins”, mà trong bản dịch quyển Essais et Conférences (N. R. F, Paris, 1958), ông A. Préau dịch ra Pháp ngữ là “l’être de l’être”. Chữ Đức “Wesen” có nghĩa là “đặc tính” hay “tinh túy”; xin dịch theo phương trời của Triết lý về Việt và Tính thì “Wesen” chính là “Thể Tính”; Chữ Đức “Sein” thì xin dịch theo phương trời của Triết lý về Việt và Tính là “thể tính”, “tính thể”; “tính”: tùy theo sự biến tính của ý nghĩa từng đoạn văn.
- Sein dịch là tính để đối lại với thể;
- Sein dịch là tính thể để đối lại với thể thể.
- Sein dịch là thể tính đối lại với tính thể.
Chữ “Thể tính” vừa dùng để dịch chữ “Sein” mà đồng thời cũng dùng để dịch luôn chữ “Wesen” trong thể diện của Tính mệnh Tư tưởng Nhân loại. Chữ “Thể tính” biến tính tùy theo tính nghĩa:
- Thể tính (nhấn mạnh về thể của tính);
- Thể tính (nhấn mạnh về tính của thể).
Chữ “tính thể” cũng biến tính tùy theo thể nghĩa:
- tính thể (nhấn mạnh tính của thể);
- tính thể (nhấn mạnh thể của tính).
Đó là tính cách song song tính (Zwiefalt) của song song thể về thể và tính (chữ Pháp dịch là: le Pli de l’étant et l’Être”).
Dịch ra chuyển hóa tính diện và thể diện của ngôn ngữ trong Tính mệnh của Nhân loại; ở Việt Nam, từ trước tới nay chưa ai dịch được chữ Sein của Heidegger vì chưa đặt được liên hệ suy tư trong sứ mệnh Tư tưởng trước Hố thẳm (Hố thẳm tư tưởngIm lặng Hố thẳm dịch “Sein” là “Tính”, “Tính Thể”, “Thể Tính” là đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của Tư tưởng Việt Nam trong Sử tính và lịch sử triết học thế giới).
Chữ “Wesen” và “Sein” cùng được dịch chung là “Thể Tính” cũng là một bước đi quyết định của suy tư trong hố thẳm của căn thể (Grund).
Đối với Heidegger, siêu thể học (Metaphysik) của Tây phương chỉ tư nghiệm thể tính của tính thể mà không biết đến thể tính của thể tính (des Wesens des Seins = l’être de l’être).
Như vậy, khi Heidegger nói rằng Nietzsche là nhà siêu thể học thành tựu hay người thành tựu siêu thể học thì Heidegger đã cố ý khuây lấp mặt ý của Nietzsche như thế nào? Và tại sao?
VII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Trong bộ sách (hai cuốn) của Heidegger viết về Nietzsche, Heidegger đã nhận rằng: “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính” (cf. Heidegger, Nietzsche, t. I, p. 475: “Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”).
Câu nói trên của Heidegger về Nietzsche có nghĩa thế nào? Chữ “wesentlich” trong câu văn trên của Heidegger đáng lẽ phải dịch cho đúng là “chân tính”, và “tính” ở đây có nghĩa “tính thể”.
Heidegger có tài sử dụng chữ Đức rất trơn trượt, không có chữ nào hoàn toàn có một nghĩa nhất định; mỗi chữ của Heidegger đều tiềm tàng nhiều nghĩa đối nghịch. Chúng ta thử đọc lại câu văn của Heidegger và lắng nghe câu văn ấy trong tinh thần ngôn ngữ Đức đặc biệt của Heidegger:
Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.
Có thể dịch ra Việt ngữ bằng nhiều cách thể tùy theo thể nghĩa và tính nghĩa của ngôn ngữ:
1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia trung thực”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân tính”;
4) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân thể”;
5) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia tính thể”;
6) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia thể tính”.
Nhưng chữ “chân chính”, “chân tính”, “thể tính”, cùng nằm chung trong tính diện của Tính mệnh Tư tưởng; những chữ “trung thực”, “chân thể”, “tính thể” cùng nằm chung trong thể diện của Sinh mệnh và Tất mệnh của Triết lý.
Chúng ta hãy đọc lại câu văn của Heidegger nói về Nietzsche:
Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.
Người nào quen biết với tư tưởng Heidegger sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi đọc xong câu trên, vì chẳng phải Heidegger đã từng xô đẩy Nietzsche vào đường cuối của siêu thể học, đường cùng của Triết lý Tây phương? Và chẳng phải Heidegger đã từng muốn giải thoát Tư tưởng ra ngoài Triết lý? Chẳng phải Heidegger thường gọi rằng Nietzsche là nhà siêu thể học cuối cùng (tựu thành) của Tây phương? Trong toàn thể lịch sử triết học Tây phương chỉ có Héraclite và Parménide là được Heidegger gọi là “tư tưởng gia chân chính”, thế sao bây giờ nơi trang 475 trong quyển Nietzsche, cuốn I (Pfullingen, Günther Neske, 1961), Heidegger lại gọi Nietzsche là “tư tưởng gia chân chính”, nghĩa là cũng “[ein] wesentlicher Denker” như Héraclite và Parménide sao? Như thế Heidegger lại mâu thuẫn với Heidegger? Vì sao một nhà siêu thể học thành tựu lại đồng thời là nhà tư tưởng chân tính? Không thể như thế được. Vì chính Heidegger chẳng phải đã từng nói: “Tư tưởng ngày mai sẽ không còn là Triết lý”? (cf. Heidegger, Über den Humanismus: “Das künftige Denken ist nicht mehr Pholosophie”).
Tư tưởng gia chân chính (chân tính) là gì? “tư tưởng gia chân chính” hay “Tư tưởng gia chân tính” là dịch theo chữ Đức của Heidegger: “die wesentlichen Denker”. Đối với Heidegger “die wesentlichen Denker” có nghĩa là gì? Heidegger chỉ gọi “die wesentlichen Denker” những tư tưởng gia nào đã tư nghiệm với “Thể Tính của Thể Tính” (des Wesen des Seins); tĩnh từ “wesentlich” trong từ ngữ “die wesentlichen Denker “có nghĩa là thuộc về “Wesen” mà “Wesen” chính là “Thể Tính” Heidegger cho rằng siêu thể học (Metaphysik) là tất mệnh (Verhängnis) của Tây phương, vì siêu thể học đã qui định thể điệu của con người thời đại trong việc thể nhận “tính thể trong toàn thể” (das Seiende im Ganzen) và bỏ quên “Thể Tính của Thể Tính” (des Wesens des Seins). Tư tưởng gia chân chính (chân tính) là con người tư tưởng đi trên con đường uyên nguyên và không bỏ quân “Thể Tính của Thể Tính”.
Siêu thể học bỏ quên thể tính của thể tính và Heidegger đã xem Nietzsche như là nhà siêu thể học cuối cùng và trọn vẹn. Thế tại sao Heidegger lại nói rằng Nietzsche thuộc vào “tư tưởng gia chân chính”?
Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.
(Heidegger, Nietzsche, t. I, p.475)
Như thế Heidegger muốn nói gì? Heidegger đã hiểu ẩn ý, mật ý của Nietzsche? Không, xin hãy chậm rãi suy tư từng bước một với Heidegger. Theo dấu vết của Heidegger trên con đường của Thể Tính, chúng ta thấy Heidegger cho rằng những tư tưởng gia chân chính (die wesentlichen Denker) là những người đều nói Như Tính (Heidegger: “Darum sagen die wesentlischen Denker stets das Selbe”) và Heidegger lại xác định rõ ràng rằng “Như Tính” (das Selbe) không có nghĩa là “Đồng Tính” (das Gleiche) (cf. Heidegger: “Das heisst aber nicht: das Gleiche”).
Chữ “das Selbe” (le Même) có thể dịch ra hai thể cách:
1) Như Tính
2) Như Thể.
Dịch là “Như Tính” để nói lên “Đồng Tính” của “Như Thể”, dịch là “Như Thể” để nói lên “Như Tính” của “Đồng Thể”. Chữ “das Gleiche” (l’idientiqÜ) có thể dịch ra hai thể cách:
1) Đồng Tính
2) Đồng Thể
Dịch là “Đồng Tính” để nói lên “Như Tính” của “Đồng Thể”; dịch là “Đồng Thể” để nói lên “Đồng Tính” của “Như Thể”.
Dịch như trên là đã đánh dấu một bước đi quyết liệt mà quyển Hố thẳm tư tưởng và quyển Im lặng Hố thẳm đã thể hiện đầu tiên trong Tư Tưởng Việt Nam và Tư Tưởng Á Đông trong việc song thoại với Tư Tưởng Triết Lý Tây phương, mà đại diện bi tráng nhất hiện nay là Heidegger. Dịch “das Selbe” là “Như Tính” và “Như Thể” là một cửa ngõ hé mở ra lối thoát cho tư tưởng Heidegger trở về với phương trời “Như Thị” của Á đông; dịch “das Selbe” và “das Gleiche” là “Như Tính”, “Như Thể”, “Đồng Tính” và “Đồng Thể” là mở hé thêm cửa ngõ khác để cho Tư Tưởng Heidegger khỏi kẹt trong đường cụt để về với phương trời “viên dung môn” của Á Đông.
Có dịch bốn cách như trên trong tinh thần “tương dung tương nhiếp” của Hoa Nghiêm thì mới có thể bắc cầu cho Heidegger gặp lại Nietzsche trong Tính mệnh của Lịch sử Nhân loại, bắc cầu lại cho Đông phương và Tây phương gặp lại trong Núi cao của Hố thẳm.
Heidegger đã tự cắt đứt lìa khỏi Nietzsche, vì Heidegger đã xô đẩy Nietzsche vào “Đồng Thể” (das Gleiche = l’identiqÜ). Đối với Heidegger thì Nietzsche đã dạy về “sự phục thể vĩnh cửu” của đồng thể” (die ewige Wiederkehr des Gleichen = l’éternel retour de l’identiqÜ) (cf. Heidegger, Nietzsche, tI, p. 255)
Khi xô đẩy Nietzsche vào “das Gleiche” (Đồng Thể) thì Heidegger đã cố ý xô đẩy Nietzsche vào Tất Mệnh (Verhängnis) của siêu thể học Tây phương; như thế, Heidegger đã cố ý bỏ quên mật ý của Nietzsche và bỏ quên ý nghĩa huyền bí của sự im lặng cuối cùng mà Nietzsche đã kéo dài trên mười năm trời (1889-1900). Đối với Heidegger chỉ có những tư tưởng gia chân chính (die wesentlichen Denker) mới nói lên Như Tính (das Selbe), nhưng tại sao nơi trang 475 trong quyển Nietzsche (cuốn I), Heidegger lại cho rằng Nietzsche thuộc về “những tư tưởng gia chân chính”?
Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.
Như thế thì Nietzsche cũng nói lên “Như Tính” (das Selbe)? Nhưng tại sao Heidegger xô đẩy Nietzsche rơi vào “Đồng Tính” (das Gleiche)? Phải chăng lại là mật ý của Heidegger? Hay Heidegger lại mâu thuẫn với chính Heidegger?
Không phải thế. Khi gọi Nietzsche là “tư tưởng gia chân chính”, Heidegger chỉ muốn nói rằng Nietzsche là kẻ thành tựu tất mệnh của siêu thể học, nghĩa là muốn hiểu tư tưởng Nietzsche thì phải suy tưởng về thể tính của siêu thể học. Thể Tính của siêu thể học là thể nhận. thể tính của tính thể hay tính thể trong toàn thể (das Seinde im Ganzen), nghĩa là bỏ quên thể tính của thể tính (des Wesens des Seins).
Như thế, câu văn của Heidegger về Nietzsche:
Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.
không có nghĩa là:
1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân tính”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia thể tính”.
mà lại có nghĩa rõ ràng là:
1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia trung thực”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân thể”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia tính thể”;
Thế là Heidegger đã tỏ ra dứt khoát với Nietzsche và tự đào hố phân chia biên giới giữa Heidegger và Nietzsche.
Thế tướng “viên dung” của bốn cách dịch:
1) như tính
2) đồng tính
3) như thể
4) đồng thể
Đã chứa đựng ẩn ý là nhảy qua (Satz) hố sâu mà Heidegger đã tự đào ra để phân chia giữa “das Selbe” và “das Gleiche”, giữa Heidegger và Nietzsche, giữa lời nói của Heidegger và sự im lặng bí mật của Nietzsche.
Sự trở về vĩnh cửu (Le Retour éternel) của Nietzsche phải chăng là “sự phục hồi vĩnh cửu của đồng thể” (Retour éternel de l’identiqÜ) như Heidegger đã cố ý giải thích? Phải chăng Heidegger đã lôi niềm bí ẩn (énigme) của Nietzsche xuống ngôn ngữ lạnh lùng của siêu thể học? Tại sao Heidegger có thể giản dị dễ dãi như thế? Hay Heidegger lại muốn tàn phá niềm bí ẩn của Nietzsche để che giấu niềm bí ẩn riêng lẻ nào đó của Heidegger? Trên Sinh mệnh mình, đặt một Sinh mệnh? Trên Hố thẳm lại đặt một Hố thẳm? Hố thẳm kêu gọi Hố thẳm? Abyssus abyssum invocat? Im lặng kêu gọi im lặng? Heidegger kêu gọi Nietzsche? Như tính kêu gọi Như tính bằng ngôn ngữ của Tất mệnh Đồng tính? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập kéo tới và người viết đến đây muốn nghẹt thở. Hố thẳm Im lặng lại còn trở nên im lặng hơn nữa…
VIII.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Người ta có hiểu tôi không? Có ai hiểu nổi tôi? Loài người có hiểu nổi ta? Có ai hiểu nổi tôi? — Hat man mich verstanden? — Nietzsche lặp lại câu hỏi này đến bốn lần trong chương cuối cùng của quyển sách cuối cùng trong đời, Ecce Homo:
1) Versteht man mich?
2) Hat man mich verstanden?
3) Hat man mich verstanden?
4) Hat man mich verstanden?
Câu 1 có nghĩa “người ta hiểu tôi?”; câu 2, 3 và 4 có nghĩa: “người ta đã hiểu tôi chưa?”
Câu thứ 4, Nietzsche nói thêm lời nói tối hậu:
Hat man mich verstanden?Dionysos gegen den Gekreuzigten
Người ta đã hiểu tôi?Dionysos đối mặt lại với kẻ bị đóng đinh
Heidegger, Karl Jaspers, Paul Valéry đã hiểu Nietzsche? Không bao giờ. Heidegger đã cố ý hiểu sai Nietzsche; Heidegger đã phê phán Nietzsche một cách quá giản dị và dễ dãi. Nietzsche chỉ là triết gia ư? Nietzsche chỉ là nhà siêu thể học ư? Tư tưởng Nietzsche chỉ là tư tưởng về ý chí quyền lực thôi sao? Chỉ là sự trở về vĩnh cửu của Đồng thể thôi sao?
Tại sao Heidegger đã phá vỡ sự bí ẩn kỳ diệu của Nietzsche? Tại sao Heidegger đã lạnh lùng hệ thống hóa tất cả những mảnh giấy rời rạc, mang tên là “Der Wille zur Macht”? Nietzsche chỉ là một triết gia có hệ thống đàng hoàng hay sao? Nietzsche chỉ là kẻ bị vướng trong triết lý Platon?
- Hat man mich verstanden?
- Người ta đã hiểu tôi chưa?
Máu của Nietzsche, nước mắt của Nietzsche, lửa của Nietzsche, những đêm tối của Nietzsche, sự im lặng cuối cùng của Nietzsche, Heidegger đã bỏ quên ở đâu? Tôi sẵn sàng vứt bỏ tất cả quyển sách của Heidegger vào sọt rác để đổi một câu thơ vô nghĩa của Nietzsche. Tôi sẵn sàng vứt bỏ tất cả quyển sách của Goethe, Paul Valéry, Platon, Socrate, Kant, Hegel, Shakespeare, Descartes, Sartre, Camus, vân vân. Tôi sẵn sàng vứt bỏ trọn sự nghiệp văn chương và tư tưởng của các triết gia văn thi hào trên để đổi lấy một câu văn duy nhất dưới đây của Nietzsche:
- Ich bin kein Mensch, ich bin Dynamit.
- Tôi không phải là một con người, tôi là một trái mìn.
Câu trên nằm ở chương cuối quyển Ecce Homo, nhan đề là: “Tại sao tôi là tất mệnh” (Warum ich ein Schicksal bin) (cf. F. Nietzsche, Werke in drei Bänden, cuốn II, trang 1152).
Tại sao Heidegger đã cố ý làm trái mìn ấy tịt ngòi? Heidegger sợ mình sẽ bị nổ bấy ra từng mảnh? Vì chân lý quá khủng khiếp?
- Aber meine Wahrheit ist furchtbar.
- Nhưng chân lý của tôi thì lại khủng khiếp (Nietzsche, op. cit, id.)
Tại sao Heidegger đã cố vội vàng kết luận? Đã cố ý nhốt Nietzsche vào một mớ lý luận về Tính thể và Thể tính? Thể tính của Thể tính là gì? Một trăm cuốn Sein und Zeit (l’Être et le Temps) của Heidegger cũng không đáng một chương trong quyển Also sprach Zarathustra của Nietzsche? Nói như thế là pensée calculante ư? Vậy không phải chính Heidegger đã ngu xuẩn biến đổi pensée médiante của Nietzsche thành ra pensée calculante hay sao? Nietzsche sẽ nghĩ gì, nếu ông còn sống và đọc hai cuốn sách dày trên cả ngàn trang mà Heidegger đã viết riêng về Nietzsche? Nietzsche sẽ nghĩ gì?
Trở về quê hương
Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Bao nhiêu năm trời ta đã sống man rợ nơi những vùng xa lạ hoang vu để mà không trở về mi với nước mắt chảy dài! Bây giờ mi có thể trỏ tay đe dọa ta như mẹ già đe dọa con cái; bây giờ mi có thể cười mơn ta như mẹ già cười mơn con cái; bây giờ mi có thể nói với ta:
Ai đấy, mà ngày xưa đã vũ bão xa lánh ta như cơn giông tố? Mà ngày xưa đã la hét lúc xa lìa ta? “Ta đã ngồi quá lâu với nỗi cô đơn và đã tập quên im lặng!” Ừ, thế thì bây giờ mi đã tập được im lặng lại rồi ư? Hỡi Zarathustra ta biết tất cả mọi sự. Biết rằng mi đã bị bỏ quên hất hủi hơn nữa giữa đám đông loài người; mi, mi, kẻ cô độc, mi lại bị hất hủi bỏ rơi giữa thiên hạ hơn là khi còn ở với ta! Bị bỏ rơi hất hủi là một việc, được cô đơn lại một việc khác: ừ, ừ; bây giờ, mi đã học được điều ấy rồi. Mi đã học được rằng giữa loài người mi vẫn chỉ luôn luôn là man dại và xa lạ — man dại và xa lạ ngay cả lúc họ thương yêu mi, bởi vì họ chỉ thích được nể nang xoay sở kiêng dè khéo léo, họ chỉ thích thế hơn tất cả mọi sự!
“Nhưng về đây, mi lại được thoải mái tự tại trong nhà cửa quê hương mi; về đây mi được tự do ăn nói, mi có thể nói bất cứ điều gì, mi có thể đổ ào ra tất cả lý lẽ của mi, mà không hề cảm thấy hổ thẹn vì đã có những cảm giác lì lợm kín đáo. Về đây, tất cả mọi sự vật mon men chạy đến ve vuốt lời nói của mi, ve vuốt vỗ về mi vì tất cả sự vật ấy muốn cỡi trên lưng mi. Ngồi cỡi trên tất cả những biểu tượng ẩn ý, mi phóng nước đại đến tất cả những chân lý. Về đây, mi có thể ăn nói với tất cả mọi sự một cách chân thành và chính trực: thực thế, lời nói văng vẳng đung đưa trong tai sự vật như là những lời tán tụng, khi mình ăn nói thẳng thắn chính trực.
“Bị bỏ rơi lại là chuyện khác. Ừ, vì lý do mà chắc mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc con chim mi hót cao vút trên đầu mi, khi mi đứng trong rừng và không thể quyết định quay đi về hướng nào, lưỡng lự bất định, gần bên một xác chết, lúc ấy mi nói: ước gì những con thú của ta sẽ dẫn đường ta đi! Ta thấy rằng sống giữa loài người lại còn nguy hiểm hơn là sống với loài thú vật”. Đó, đó chính là lúc bị bỏ rơi hất hủi! À, mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc mi ngồi trên hải đảo của mi, một giếng nước rượu giữa những thùng rỗng, phân phát ban hết cho tất cả những kẻ khát để rồi mi ngồi chết khát giữa những kẻ say rượu, rồi than thở cả đêm: “Lấy phải chăng phúc hơn là cho? Đánh cắp phải chăng phúc hơn là nhận lấy?” Đó, đó chính là bị bỏ rơi hất hủi! Và mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc giờ phút im lặng nhất hiện đến mi, xô đuổi mi ra ngoài mi, và nói với mi qua lời thì thầm tàn bạo: “Hãy nói đi và vỡ tung ra!” — lúc ấy giờ phút im lặng khiến mi phải hối hận ăn năn về tất cả sự chờ đợi của mi, về sự im lặng của mi; nó khiến mi buồn chán lòng can đảm nhún nhường của mi: Đó, đó chính là lúc bị bỏ rơi hất hủi!”.
Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Lời mi nói với ta thực là dịu dàng âu yếm triền miên biết bao! Chúng ta không cật vấn với nhau, chúng ta không than thở với nhau, chúng ta lại bước đi chung nhau qua những cánh cửa mở rộng. Bất cứ nơi nào mi bước tới thì mọi sự vật ở nơi đó liền mở rộng và ngời sáng lên; ngay đến những giờ phút cũng lướt qua với bước chân nhẹ nhàng. Bởi vì trong bóng tối, thời gian lại trở thành nặng nề hơn là ngoài ánh sáng. Nơi đây, những lời nói và những lăng thánh của lời nói về tất cả tính thể đã bật mở rộng ra trước ta: nơi đây, tất cả tính thể muốn trở thành ngôn ngữ, tất cả dịch thể muốn ta dạy nói cho nên lời.
Nhưng dưới kia, tất cả lời nói đều vô vọng hão huyền. Dưới kia, khôn ngoan nhất là cứ quên phứt đi và bỏ qua đi: — ừ, ta đã học được điều ấy. Kẻ nào muốn lãnh hội tất cả mọi sự thế nhân thì phải xông xáo nắm lấy tất cả mọi sự. Nhưng đôi tay ta quá sạch để mà có thể làm như vậy. Ta chán chường ghê tởm ngay cả hơi thở của họ; hỡi ôi, ta đã sống quá lâu trong sự ồn ào huyên náo của họ, trong hơi thở thối tha của họ!
Ồ sự im lặng tuyệt vời chung quanh ta! Ồ hương thơm thuần khiết chung quanh ta! Ôi, sung sướng biết bao, sự im lặng đã cho ta hít thở không khí trong sạch vào ứ cả phổi! Ồ, sự im lặng đang lắng nghe kìa, ồ, sự im lặng tuyệt vời!
Nhưng dưới kia thì mọi người đều nói và chẳng ai nghe. Mi có thể khua động đạo lý vào tai họ bằng những tiếng chuông; nhưng chủ hiệu buôn ở chợ búa lại khua động mạnh hơn mi bằng những đồng tiền của họ.
Trong đám họ ai cũng ham nói; không ai còn biết cách hiểu nữa. Tất cả mọi sự đều rơi xuống nước, chẳng có vật gì rơi xuống giếng sâu nữa. Trong đám họ ai cũng ham nói; không có gì ra hồn nữa và thành tựu được nữa. Tất cả mọi người đều cục tác như gà mái mắc đẻ, nhưng còn có ai chịu ngồi im trong ổ để ấp trứng?
Trong đám họ ai cũng ham nói; tất cả mọi sự đều bị nói lải nhải lằng nhằng ra từng mảnh. Những gì ngày qua còn quá cứng rắn, cứng rắn cả đối với thời gian và răng nhọn thời gian thì ngày hôm nay treo lửng lơ mòn nhẵn ngoài mồm miệng của con người thời đại.
Trong đám họ ai cũng ham nói; tất cả mọi sự đều bị phản bội. Và những gì mà ngày hôm qua còn là sự bí ẩn bí mật của những tâm hồn sâu thẳm thì ngày hôm nay trở thành vật sở hữu của những tên thổi kèn ngoài đường và của những con bướm đú đởn.
Ồ, tính thể con người! Mi kỳ dị lạ lùng! Ồn ào huyên náo trên những con đường tối! Nhưng bây giờ nó lại nằm đằng sau ta rồi: nỗi nguy hiểm lớn nhất của ta nằm đằng sau ta rồi!
Sự xoay xở kiêng dè và lòng thương xót đã từng là những nỗi nguy hiểm lớn nhất của ta, tất cả mọi người đều thích được kiêng dè nể nang và thích được thương hại. Mang chứa những chân lý giấu kín với đôi tay của một thằng khờ và trái tim ngơ ngác âu yếm đầy dẫy những sự láo khoét nhỏ nhoi của tình thương xót: ta đã phải luôn luôn sống như thế giữa loài người: Giả dạng trá hình ngồi với họ, sẵn sàng đánh lạc bản thể để mà có thể chịu đựng họ và sẵn sàng tự nhủ “Mi khờ khệch ngớ ngẩn! Mi không hiểu loài người”.
Mình quên những gì mình biết về loài người khi mình sống giữa loài người; có quá nhiều bình phong che đậy đằng trước tất cả loài người; đôi mắt viễn thị thẩm thấu có ích lợi gì ở đó? Khi nào họ không nhận ra ta, lúc khờ khệch ngu dại, ta lại xoay xở kiêng dè họ hơn là chính ta: vì vốn sẵn cứng rắn nghiêm khắc với mình, thường khi ta phải trả thù ta về sự xoay xở kiêng dè thái quá ấy. Bị những con ruồi nhặng độc địa đâm chích đầy người, và sâu hõm như một hòn đá bị những giọt nước gian manh đục khoét, ta ngồi đó, như thế đó, giữa loài người để rồi còn tự nhủ: “Những gì bé nhỏ thì vô tội, vì không tự biết rằng bé nhỏ”.
Nhất là những kẻ tự nhận là “những người hiền tốt” thì ta thấy đúng là những con ruồi nhặng độc địa nhất: chúng nó đâm chích một cách vô tội hoàn toàn, chúng nó láo khoét một cách vô tội hoàn toàn làm sao mà chúng nó có thể công chính với ta được? Lòng thương xót dạy rằng những kẻ nào sống giữa những người hiền lành thì phải nói dối. Lòng thương xót vây phủ không khí nặng nề meo mốc chung quanh những tâm hồn tự do phóng dật. Bởi vì sự ngu xuẩn của hạng người hiền lành thì không thể nào lường được.
Tự ẩn giấu mình và giấu sự giàu sang phong phú của mình, đó, đó là điều ta đã học được dưới kia, vì ta thấy tất cả mọi người đều nghèo trí, nghèo hồn. Đây là sự giả dối của ta: ta biết rằng ta có thể thấy và ngửi được trong bất cứ người nào đâu là vừa đủ hồn trí cho hắn, đâu là hồn trí quá thừa thãi cho hắn.
Những bậc thánh nhân cứng đơ của họ, ta gọi họ là thánh nhân, chứ tránh nói là cứng đơ, làm thế thì ta tập nuốt được lời lẽ. Những kẻ đào huyệt của họ: ta gọi là những nhà khảo cứu và những nhà thông thái khảo nghiệm; làm như thế thì ta tập đổi được lời lẽ.
Những kẻ đào huyệt ham đào đến phải đau bệnh; dưới đống dơ bẩn ấy chứa chấp bao nhiêu mùi hôi thối. Không nên bươi móc khuấy động vũng lầy. Nên lên núi cao mà sống.
Lỗ mũi thoải mái của ta được thở lại sự tự do phóng dật của núi cao. Thế là sau cùng mũi ta đã được giải thoát ra khỏi tất cả mùi hôi của thế sự!
Linh hồn ta cảm thấy nhột nhột nơi mũi bởi không khí sắc buốt như rượu sủi bọt, nó vụt hắt hơi, linh hồn ta nhảy mũi và reo vui: “Cầu trời ạ, sức khỏe ạ! Gesundheit!”
Zarathustra đã nói như thế.
IX.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Im lặng là gì? Im lặng chẳng phải không có âm thanh, im lặng nổ vỡ như một triệu mặt trời nát bấy ra bụi:
… Sprich und zerbrich!…
Câu trên nằm âm thầm lẳng lặng tịch mịch trong phần III của quyển Also sprach Zarathustra (cf. Friedrich Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, 433); câu nói không lời nằm im nín thở:
… Sprich und zerbrich!…
Và nổ bấy ra trong ngôn ngữ Việt Nam:
…Hãy nói đi và nổ vỡ bấy ra từng mảnh!
Nietzsche đã nói xong và đã im lặng: sự im lặng của Nietzsche nổ vỡ bấy ra từng mảnh. Sự im lặng của Nietzsche như trái mìn ở trận chiến tranh Việt Nam:
Tôi không phải là một con người
Tôi là một trái mìn.
ICH BIN KEIN MENSCH,
ICH BIN DYNAMIT.
(Ecce Homo)
Lời nói của Nietzsche đã được thành lời; sự im lặng của Nietzsche làm nổ tung quyền Sein und Zeit của Heidegger. Và Heidegger đã nói gì và đã im lặng gì?
Trong quyển Sein und Zeit, Heidegger chỉ kín đáo nhắc đến tên Nietzsche có ba lần, một lần ở trang 264, một lần ở trang 272 nơi phần chú thích và một lần ở trang 396 (cf. Martin Heidegger Sein und Zeit, Max Niemeyer Verlag, Tübingen, 1960).
Trang 264, Heidegger trích lại một lời nói của Nietzsche để làm sáng tỏ ý tưởng mình; trang 272, Heidegger nhắc người đọc lưu ý đến cách giải thích về ý thức của Nietzsche, chỉ nhắc đến tên Nietzsche và không tỏ ý kiến rõ rệt; trang 396, Heidegger nhắc đến ba đoạn sử quan của Nietzsche vào năm 1874 và mượn ý Nietzsche để làm sáng tỏ nội dung về tính sử của Heidegger; Heidegger kết luận về Nietzsche ở trang 396:
Sự khởi đầu cuộc khảo sát của Nietzsche cho phép ta nhận rằng Nietzsche đã hiểu nhiều hơn những điều mà Nietzsche đã cho ta được biết”.
(Der Anfang seiner “Betrachtung” lässt vermuten, dass er mehr verstand als er kundgab). (cf. Sein und Zeit, p. 369)
Quyển Sein und Zeit là tác phẩm vĩ đại nhất trong đời của Heidegger; trong toàn thể 437 trang của quyển sách, Heidegger chỉ kín đáo nhắc đến Nietzsche có ba lần như dẫn trên; cả ba lần nhắc đến Nietzsche đều nói lên sự kính trọng âm thầm của Heidegger đối với Nietzsche và quan trọng nhất là đoạn đã dịch trên, ở trang 396 của quyển Sein und Zeit.
Nhưng sau này, trong những tác phẩm khác, Heidegger lại xô đẩy Nietzsche vào cứu cánh của siêu thể học và sắp xếp Nietzsche vào đứng chung cùng đám triết gia thiếu máu và mất lửa như Platon và Descartes! Tại sao? Tại sao Heidegger lại gán vào Nietzsche tất cả những gì mà Nietzsche đã từng đả phá? Tại sao Heidegger lại làm thế? Phải chăng Heidegger cố ý làm thế để che đậy một đại mật niệm nào? Phải chăng Heidegger cố ý làm thế để giữ thể diện bi tráng của chính Heidegger? Bởi vì tất cả những gì Heidegger đã nói, muốn nói và không nói đều đã được Nietzsche nói hết và đập vỡ ra từng mảnh, bởi vì tư tưởng của Heidegger đã bị Nietzsche đưa vào chỗ bế tắc ngay trong lúc Heidegger vừa mới chào đời? Heidegger sinh vào năm 1889, năm ấy là năm đầu tiên mà Nietzsche rút về ẩn náu trong sự im lặng cho tới lúc chết (1889-1900).
Năm 1889 là một năm bí mật trong lịch sử Tây phương: năm đầu tiên của sự im lặng bí ẩn của Nietzsche và năm đầu tiên của sự hiện diện nhập thể của Heidegger trong sinh mệnh Tây phương.
Trái mìn đã nổ và Heidegger chỉ là kẻ sinh sau tàn phế: Heidegger đi lượm lại từng mảnh bấy để tạo lại một trái mìn khác và nói rằng trái mìn của Nietzsche chỉ là trái pháo tịt ngòi của Platon, Aristote và Descartes! Việc làm của Heidegger không khác gì việc làm của Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) đối với Long Thọ (Nâgârjuna).
Kinh nghiệm của Nietzsche là kinh nghiệm của Máu và Lửa; kinh nghiệm của Heidegger chỉ là kinh nghiệm buốt lạnh của một kẻ lạc đường giữa băng giá hoang vu của Nam Cực và Bắc Cực. Bên kia Bắc Cực và Nam Cực là mặt trời và mặt trăng, rắn và ó, máu và nước mắt, tiếng nổ ngút trời và sự im lặng huyền bí trong mười năm trời.
Nietzsche đã đi vào im lặng, còn Heidegger chỉ mới bắt đầu lên đường đi về im lặng. Sự bắt đầu ấy, sự khởi đầu ấy của Heidegger đã khiến ta muốn nhắc lại lời của Heidegger đã nói về Nietzsche trong Sein und Zeit; nhưng lần này, khi nhắc lại, ta đổi tên Nietzsche là Heidegger:
Sự khởi đầu cuộc khảo sát của Heidegger cho phép ta nhận rằng Heidegger đã hiểu nhiều hơn những điều mà Heidegger đã cho ta biết được”.
(Der Anfang seiner “Betrachtung” lässt vermuten, das er mehr verstand, als er kundgab.)
Trên chỏm núi cô đơn ở vùng Hắc Lâm, có lẽ Heidegger cũng trải qua kinh nghiệm nhập tính và xuất thể mà Nietzsche đã sống qua vào đầu năm 1882 ở vùng núi cao của hố thẳm:
Ta ngồi đó chờ đợi, không chờ đợi gì cả, chờ đợi vô thể, chờ đợi không chờ đợi.
Vượt lên trên Thiện và Ác, khi thì hưởng nếm ánh sáng, khi thì bóng tối, chỉ toàn là trò đùa.
Chỉ toàn là biển, chỉ toàn là mười hai giờ trưa, chỉ toàn là thời gian không mục đích.
Thế rồi bỗng nhiên, em ơi, một trở thành hai và Zarathustra lướt qua bên ta…
Đọc qua nguyên tác, bài thơ phảng phất sự tĩnh mịch thì thầm se sẽ của nguyên ngôn Đức quốc:
Hier sass ich, wartend, wartend — doch auf nichts,
jenseits von Gut und Böse, bald des Lichts
geniessend, bald des Schattens, ganz nur Spiel,
ganz See, ganz Mittag, ganz Zeit ohne Ziel.
Da, plötzlich, Freundin, wurde eins zu zwei-
und Zarathustra ging an mir vorbei.
Ta nghe như tiếng gọi se sẽ của hư vô bàng bạc man mác trên non cao, khi hố thẳm của thể tính bỗng động mình biến thành song song thể:
… wurde eins zu zwei...
(một trở thành hai)
Như chiếc cánh khéo lại của con bướm bỗng xòe mở ra làm hai cánh chập chờn thoáng hiện trên nụ tầm xuân.
Xòe mở raPhusisthoáng hiện là Ousia. Com bướm đen huyền lượn chơi trên hố thẳm của tính mệnh, bướm lượn chơi cuộn vòng không mục đích như thời gian không mục đích của Nietzsche:
… ganz Zeit ohne Ziel
Com bướm lượn chơi:
… ganz nur Spiel
(chỉ toàn là trò đùa)
và “một trở thành hai” của Nietzsche bỗng trở thành song song thể (Zwiefalt) của Heidegger.
Đọc lại đoạn thơ của Nietzsche đã dịch ở trên:
Chỉ toàn là trò đùa
Chỉ toàn là biển, chỉ toàn là trưa, chỉ toàn là thời gian không mục đích
… ganz nur Spiel,
ganz See; ganz Mittag, ganz Zeit ohne Ziel…
Rồi đọc lại đoạn cuối trong chương cuối quyển Der Satz vom Grund của Heidegger:
Tính thể mà khi lập thể thì không có căn thể, nghĩa là không có đáy. Mà khi là hố thẳm (không đáy) thì thể tính chơi trò đùa, mà khi đùa thì đưa tính mệnh cho chúng ta bằng tính thể và căn thể”.
Sein als Gründendes hat keinen Grund, spielt als der Ab-Grund jenes Spiel, das als Geschick uns Sein und Grund zuspielt”. (Heidegger, Der Satz vom Grund, Neske, Pfullingen, 1965, trang 188)
Câu văn dịch lại Việt ngữ ở trên có vẻ khó hiểu, bởi vì đây là lần đầu tiên tiếng nói của Hố Thẳm Việt Nam vọng lại đáp ứng nguyên ngôn của tư tưởng Tây phương:
Tính thể mà khi lập thể thì không có căn thể”.
Sein als Gründendes hat keinen Grund…”
Đó là ý nghĩa hàm súc của quyển Hố Thẳm Tư Tưởng.
Khi hố thẳm (không đáy) thì thể tính chơi trò đùa…”
spielt als des Ab-grund jenes Spiel…”
Đó là ý nghĩa hàm súc của quyển tiểu thuyết Trời tháng Tư.
“Mà khi đùa thì đưa tính mệnh cho chúng ta bằng tính thể và căn thể”
“… das als Geschick uns Sein und Grund zuspielt”
Đó là ý nghĩa súc tích của tính thể (Sein) trong quyển thơ Ngày sinh của rắn qua sự hiện diện bí ẩn của hình bóng Quế Hương xa xưa; và đó cũng là ý nghĩa súc tích của căn thể (Grund) trong quyển Im lặng Hố thẳm trở về nối kết với tính thể (Sein) của Ngày sinh của rắn trong Tính Diện của Hố Thẳm (als der Ab-Grund) cùng trong Thể Diện của Tính Mệnh (als Geschick) trong Trò Đùa muôn thuở của Bất Sinh và Bất Diệt giữa cuộc chiến tranh Việt Nam:
rắn cuộn tròn
tương lai
Đó là ý nghĩa hàm súc của thời gian không mục đích trong Ngày sinh của rắn:
… ganz Zeit ohne Ziel
Thời gian không mục đích đưa Heidegger lên đường bắt đầu trở về trong sự im lặng tối hậu với Nietzsche trong Trò chơi không lý do, không “tại sao” (Heidegger: “Das Spiel ist ohne “Warum”).
Trên chỏm núi cô đơn ở Todtnau ở vùng Hắc Lâm, Heidegger ngồi âm thầm lặng lẽ chờ đợi, chờ đợi không chờ đợi, không chờ đợi gì cả.
Sự im lặng của Nietzsche và tiếng nói heo hút của Heidegger cùng nhau vọng về bay vờn trên đôi mặt khép lại của những người trẻ tuổi đã bỏ mình trong trận chiến tranh Việt Nam, những người không tổ quốc, họ chết cho sự mất quê hương (Heimatlosigkeit) của toàn thể nhân loại. Hố thẳm không đáy đã mở ra và núi cao của Tính Mệnh hiện ra lồ lộ trong máu lửa ngút trời.
Khi tất cả đã mất rồi thì còn lại gì?
Còn lại gì?
Chỉ còn lại Trò Đùa: đó là cái gì cao siêu nhất và sâu thẳm nhất.
Es bleibt nur Spiel: das Höchste und Tiefste.
(Heidegger, Der Satz vom Grund, trang 188)
Cao siêu nhất như Núi Cao và sâu thẳm nhất như Hố Thẳm: Núi Cao là Việt và Hố Thẳm là Tính, phương pháp suy tư về Việt và Tính là con đường trở về: không lối, không cứu cánh, không lộ, không con đường, con đường của Tính Mệnh Việt Nam: “Phương pháp suy tư về Việt và Tính”: phương pháp có nghĩa là phương tiện của pháp tướng trong tính diện tư tưởng Đông phương; đồng thời phương pháp cũng có nghĩa là méthodos hiểu theo thể diện tư tưởng Hy Lạp (Tây phương): con đường là ódos của Hy Lạp; trở về metá; phương pháp (methodos = méta + odos) là con đường trở về thể tính của Việt và Tính (cf. Der Satz vom Grund, trang 111; “Der Weg heisst griechisch ódos, metá heisst “nach”; méthodos ist der Weg, auf dem wir einer Sache nachgehen: die Methode”)
Tiếng nói heo hút của Heidegger lại làm sự im lặng của Nietzsche càng trở nên im lặng sâu thẳm hơn. Sự im lặng của Nietzsche bỗng xoáy tròn sâu thẳm hơn nữa trong Im lặng Hố thẳm cùa Tư Tưởng Việt Nam. Núi cao của Đông phương bỗng làm lễ cưới với Hố thẳm của Tây phương qua Trò Đùa Vô Biên của Thể mệnh, mà Việt Nam đã tựu thành qua Máu, Lửa, Nước Mắt và Sự Im Lặng của tất cả những người đã chết và của tất cả những người sẽ chết. Bên Im Lặng Hố Thẳm là sự chờ đợi không đối tượng, vượt lên trên Thiện và Ác, và thời gian thì không mục đích.
Giữa sự im lặng tịch mịch, bỗng vọng lên tiếng nói se sẽ của Nietzsche:
… chỉ toàn là trò đùa
(… ganz nur Spiel)
Giữa sự im lặng tịch mịch, bỗng đáp lại tiếng nói thì thầm của Heidegger:
Chỉ còn lại là trò đùa
(Es bleibt nur Spiel…)
Giữa sự im lặng tịch mịch, Ngày sinh của rắn bỗng xuất hiện theo tiếng nổ của mặt trời, bởi vì:
Mặt Trời không có thực
Mặt Trời chỉ là ảo tưởng của con Người chạy trốn Hố Thẳm vả chạy trốn Trò Đùa của Vũ Trụ.
Và thi sĩ là một con rắn, một con rắn độc mọc cánh, cánh bay không tiếng động của Hố Thẳm.
Thượng đế hóa thân thành rắn, Nietzsche đã nói thế một lần trong đời sống để rồi im lặng trong mười năm trời trước khi trở về Trò Đùa bất khả thuyết, bất khả thuyết của Niềm Im Lặng bất sinh và bất diệt.
X.
Vì sao Nietzsche phải im lặng? Nietzsche có phải là Nietzsche hiểu theo Heidegger? Nietzsche hiểu theo Karl Jaspers, Nietzsche hiểu theo Eugen Fink, Nietzsche hiểu theo Jean Granier? Hiểu theo Gilles Deleuze? Hiểu theo Chaix-Ruy? Hiểu theo Pierre Garnier? Hiểu theo Henri Lefebvre? Hiểu theo Walter Kaufmann? Hiểu theo Albert Camus? Hiểu theo Karl Loewith? Hiểu theo Giovanni Papini? Hiểu theo Paul Valéry? Hiểu theo Stefan Zweig?
Nietzsche là ai? Các ngài là ai mà đặt câu hỏi về Nietzsche? Trong các ngài có ai đã leo lên nửa sườn núi? Chỉ nửa sườn núi thôi? Có ai đã leo lên giữa lưng chừng trời? Dù người ấy tên là Heidegger? Hay tên là Paul Valéry? Hay là Albert Camus? Hoặc là Giovanni Papini? Có ai đã nhảy xuống hố thẳm?
Các ngài chỉ đứng ở dưới lưng chừng trời để ngó lên đỉnh núi cao ngất trên kia; Nietzsche ngó xuống các ngài và chỉ mỉm cười:
“Các ngài ngó lên cao, lúc các ngài ngưỡng vọng lên cao. Còn ta, ta nhìn xuống, bởi vì ta đã ở trên cao vòi vọi.
“Trong các ngài có ai mà có thể cười cợt và đồng thời đứng trên cao tít mù?
“Kẻ nào leo được lên tận những đỉnh núi cao nhất thì cười cợt tất cả những vở kịch bi đát và thực tại trang trọng bi đát”.
(Zarathustra, I, đoạn III)
“Ihr seht nach oben, wenn ihr nach Erhebung verlangt. Und ich sehe hinab, weil ich erhoben bin.
Wer von euch kann zugleich lachen und erhoben sein?
Wer auf den höchsten Bergen steigt, der lacht über alle TraÜr-Spiele und TraÜr-Ernste”.
(Zarathustra, Vom Lesen und Schreiben)
Từ năm 1889 đến 1900, Nietzsche đã nhảy xuống hố thẳm và đã im lặng vĩnh viễn.
Sự im lặng của Nietzsche là một niềm bí ẩn kỳ lạ nhất trong toàn thể lịch sử loài người.
Sự im lặng ấy là một nỗi huyền bí trang nghiêm đáng kính sợ, hiểu theo nghĩa “mysterium tremendum” của Rudolf Otto (cf. R. Otto, Das Heilige).
Vì sao Nietzsche phải im lặng?
Mysterium tremendum!
Nietzsche đã nói gì trước khi im lặng?
“Đỉnh núi cao và hố thẳm — bây giờ cả hai đã nối liền làm một với nhau”
“Gipfel und Abgrund — das ist jetzt in eins beschlossen!”
(Also sprach Zarathustra, III, Der Wanderer)
Câu nói trên có nghĩa là gì?
Đỉnh núi cao chính là Việt nhân (Übermensch)
Hố thẳm chính là sự Phục hồi vĩnh cửu (Ewige Wiederkunft).
Dịch chữ “Übermensch” là “siêu nhân” thì chưa diễn tả hết nghĩa chữ “Über”; phải dịch “Übermensch” là “Việt nhân” trong tinh thần triết lý về Việt và Tính, vì Nietzsche đã đùa chữ theo tinh thần tương dung tương nhiếp giữa “trên” và “dưới”, “Über” và “Unter”, “đi lên” và “đi xuống”, “Übergehen” và “Untergehen”, “Übergang” và Untergang” trong tinh thần Tính Ngôn của Héraclite; do đó, “Übermensch” là kẻ vượt lên trên người, không phải bằng cách đi lên trên theo nghĩa không gian và thời gian, mà vượt lên trên người theo nghĩa đi lên núi cao và đi xuống hố thẳm: đi lênđi xuống đồng lúc, đồng loạt với nhau để nối kết làm thành “khoen tròn vàng ửng” như tượng hình rắn và chim ó cuộn tròn nhau bay lượn giữa trời: rắn ở dưới hố thẳm, “Abgrund”; chim ó ở trên núi cao, “Gipfel”. Hơn nữa, chữ “việt nhân” diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của “Übermensch”, bởi vì chữ Hán “việt” vừa có nghĩa là “vượt lên” mà đồng thời cũng có nghĩa là “rớt xuống”. Do đó, chữ “việt” trong chữ “Việt Nam” đã vạch rõ thể tính của người Việt; trong tinh thần triết lý về Việt và Tính thì người Việt (Việt nhân) mang trong tự thể thể tính (Wesen) của ý nghĩa “Übermensch” của Nietzsche; người Việt hiện nay đang đi xuống Hố Thẳm của toàn thể nhân loại qua cuộc chiến tranh cơ khí tàn khốc hiện nay, nhưng đồng thời sự đi xuống (Untergang) ấy cũng có nghĩa là đi lên (Übergang), đi lên Núi Cao của Tính Mệnh của toàn thể nhân loại qua sự chịu đựng đau đớn nỗi phân tán bi tráng của Việt Tính trong sự tựu thành trọn vẹn của chủ nghĩa hư vô quốc tế.
Dịch chữ “Übermensch” của Nietzsche là “siêu nhân” thì chỉ nói đến sự đi lên (Übergang) mà bỏ quên sự đi xuống (Untergang); do đó, đánh lạc mất tinh túy của lời nói và sự im lặng tối hậu của Nietzsche.
“Đỉnh núi cao và hố thẳm — bây giờ cả hai đã nối liền làm một với nhau”.
“Gipfel und Abgrund — das ist jetzt in eins beschlossen!”
(F. Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, 404)
Câu trên có nghĩa là sự đi lên (Übergang) và sự đi xuống (Untergang) chỉ là một, không khác nhau và tương dung tương nhiếp nhau (như tinh thần “viên dung” của Hoa nghiêm kinh).
Câu trên cũng có nghĩa rằng con sư tử biến thành trẻ thơ: Zarathustra biến thành Dionysos.
Zarathustra đi lên núi cao thì Dionysos đi xuống hố thẳm: Dionysos đi lên núi cao thì Zarathustra đi xuống hố thẳm: Dionysos và Zarathustra gặp nhau nhập thành một thì núi cao và hố thẳm gặp nhau nhập thành một: con sư tử tàn bạo trở thành đứa trẻ con hiền lành: TRÒ ĐÙA bắt đầu và vũ trụ lại sinh thành hoại diệt trong vòng tròn vĩnh cửu.
“Trẻ con là sự ngây thơ và quên lãng, một sự bắt đầu mới và một trò đùa, một bánh xe tự xoay chuyển…”
“Unschuld ist das Kind und Vergessen, ein Neubeginnen, ein Spiel, ein aus sich rollendes Rad…”
(Zarathustra, I, Von den drei Verwandlungen)
Nietzsche đã đi xuống tận hố thẳm (Abgrund) và thấy hố thẳm không đáy (Ab=không+Grund=đáy); khi vụt thấy thế, Nietzsche bỗng nhận rằng Hố Thẳm (Abgrund) chính là Đỉnh Núi Cao (Gipfel): Nietzsche liền im lặng.
Nietzsche đi xuống hố thẳm thì Heidegger đi lên núi cao: Heidegger mới đi tới lưng chừng núi và nhìn với lên trên đỉnh cao: Nietzsche ngó xuống. Sự đi lên (Übergang) của Heidegger chưa gặp sự đi xuống (Untergang) của Nietzsche: hố thẳm (Abgrund) chưa làm một với núi cao (Gipfel).
Bây giờ, ngồi cô đơn trên đỉnh núi Todtnau ở vùng Huyền Lâm, có lẽ Heidegger đã bắt đầu thấy rằng núi cao và hố thẳm nhập nhau làm một?
Heidegger bắt đầu im lặng: Qua tiếng gọi, từ vùng Uyên nguyên miên viễn

Nguồn: Im lặng hố thẳm của Phạm Công Thiện. An Tiêm xuất bản 1967, tái bản lần 2 năm 1969.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10754&rb=08