Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên)

HOÀNG SA, TRƯỜNG SA

Thỉnh thoảng thấy đưa tin

Tìm được thêm bản đồ Trung Hoa không có Hoàng Sa và Trường Sa...

Thêm một lần buồn não...

Bằng chứng chỉ có nghĩa khi xảy ra kiện tụng

Trước tòa

Ngoài ra nó gần như vô nghĩa

Có hay không có Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ Tàu với người Việt Nam nào có nghĩa lí gì

Hoàng Sa Trường Sa được vẽ rành rành trên bản đồ Việt Nam Cộng Hòa suốt mấy chục năm sờ sờ ra đấy

Hoàng Sa giặc cướp gần 50 năm

Gần đủ thời gian để biến không thành có

Trường Sa cũng thế

Giặc chiếm cứ mấy phần

Nghe tin tìm thấy thêm những tấm bản đồ

Thêm một lần máu ứa

Thêm một lần nhục nhã

Thêm một lần đắng cay

Mấy chục năm trơ mắt ếch

Mấy chục năm thầm thì

Mấy chục năm tảng lờ

Mấy chục năm không dám ho he

Mấy chục năm sợ hãi

Lải nhải đôi ba câu chiếu lệ

Mấy chục năm

Bản đồ Trung Hoa giờ thêm đường chín khúc

Bản đồ len lỏi khắp nơi

Bản đồ trong xe và trên áo

Bản đồ trên túi, trên tranh

Bản đồ ngấm vào tim gan

Bản đồ phường ăn cướp

Không hiểu sao nó chinh phục được cả trường Đại học

Nơi có cả một đống mũ cao áo dài những sĩ những sư

Không hiểu sao nó chinh phục được cả hội đồng duyệt phim quốc gia đầy những tài năng thi ca nhạc họa

Biến tất cả thành ngáo đá

Ngáo tàu, ngáo hoa, ngáo trung, ngáo nước lạ, ngáo công dân quốc gia chung biên giới tỉnh Quảng Ninh

Có thêm bản đồ

Có thêm bản đồ

Cho đầy kho để đem triển lãm?

Định giá tiền, món đồ cổ, để chơi?

Hoàng Sa đã mất ngoài khơi

Hoàng Sa trên cạn, để làm gì?


VỚI LÍ BẠCH

Ông sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có,

Chẳng có tội tình gì,

Quê hương ông xa Trường An vạn dặm đường,

Càng hay.

Không phải uốn mình theo lễ,

Không phải tự trấn an bằng sáo ngữ “an bần lạc đạo”,

Khỏi phải nghe cho rườm tai những lời đạo chích - thánh nhân.

Múa kiếm, làm thơ và uống rượu,

Cho phỉ chí làm trai cho bõ công trời sinh.

Uống rượu một mình dưới trăng và ngêu ngao hát..

Có thêm bạn bè thì cởi áo cừu, đem ngựa quý mà đổi lấy rượu ngon.

Tiền bạc, chức tước là vật bên ngoài chỉ làm tấm thân cồng kềnh thêm nặng,

Chết đi rồi ai lưu lại danh thơm?

Chỉ thấy chật đầy những trang sử hôn quân, ngu trung, bất nhân, bất nghĩa,

Chỉ thấy chật đầy những trang sử xương trắng phơi đầy đồng nội, máu đỏ lòm

Chỉ thấy chật đầy nước mắt dân đen.

Làm trai cũng muốn đem tài giúp nước,

Nhưng phượng hoàng thi chung lũ vịt gà, Lí Bạch không thèm.

Trời sinh ra ông có tài, ông sẽ sống có ích,

Cần chi một tấm biển đề danh!

Lâm triều, ông nhận ngay ra thân phận,

Nhà thơ ngự dụng làm sang cho Đường Minh Hoàng,

Biết bao kẻ lấy thế làm vinh còn ông chỉ thấy nhục.

Quán rượu nghèo Tràng An ông tìm đến hàng ngày.

Nỗi nhục nhã liệu có rửa trôi bằng rượu đắng?

Thân phận tôi đòi càng thấm thía khi say!

Những mũ cao áo dài ông khinh bỉ,

Cả em trai họ Dương ông cũng đem ra làm trò hề,

Cả vua nữa, ông cũng coi là trẻ ranh không sợ,

Làm thơ tình gửi tặng Quý Phi.

Giữa Trường An lung linh hoa lệ,

Ông nhận ra dông bão phía trời xa,

Sấm sét nổ kinh đô thành gạch vụn,

Cỏ mọc đầy lang sói ùa ra.

Học theo người xưa “quy khứ lai từ...”

Không về được với Đào Nguyên thì ta về với rừng với núi,

Nghe thông reo suối hát rồi nhìn ngắm mây bay,

Ngắm trăng khuya một mình và nghe chim hót,

Bận tâm làm gì,

Cuộc thế phù du.

Thuyền trôi trên sông, trăng sáng bốn bề,

Lòng sông xanh thẳm,

Trời cao mây bay,

Gió hiu hiu thổi,

Uống rượu và hát,

Trời cho ta tài,

Cho ta trí,

Cho ta làm người.

Nào thêm một chén ta mời ta,

Thêm chén nữa ta mời trăng sáng,

Giã từ cuộc thế phù du.


VỚI ĐỖ PHỦ

Suốt đời ông mong có một minh quân,

Suốt đời ông đọc sách mong mỗi khi lên tiếng;

Bút mực có thần.

Học hành, thi cử, đỗ đạt, làm quan...

Thờ vua và giúp dân đời yên bình ngày Nghiêu tháng Thuấn,

Lối đi ấy thênh thang hay đường cùng ngõ cụt?

Nào ai có hay!

Thời trai trẻ cũng có khi phải khom lưng và uốn cong ngòi bút,

Viết những lời giả trá mong nhận được ân huệ bề trên,

Hàng chục bài thơ, nhiều trăm bài thơ rập rờn sáo ngữ,

Đàn bướm ngôn từ sặc sỡ,

Đàn bướm ngôn từ chết khô,

Đàn bướm ngôn từ vô dụng.

Cuộc thế vần xoay loạn lạc nổ bùng,

Trường An mùa xuân hoa đầm đìa nước mắt,

Cỏ mọc đầy che kín mặt thành,

Ngõ Ô Y vắng tanh vắng ngắt,

Cú bay, quạ bay mắt xanh lè xám ngắt,

Khắp Trung Nguyên xương trắng phơi đầy,

Biên thùy máu thành biển đỏ.

Giấc mộng Thuấn - Nghiêu bỗng hóa khói mây,

Quan hạt vừng Đỗ Phủ hóa dân đen.

Loạn lạc, chia lìa hất ông về nơi cùng khổ

Thơ ông đẫm lệ nỗi oan khiên thập loại chúng sinh.

Ông viết thơ cho mình,

Ông viết thơ vì mình,

Tận cùng nỗi đau, tận cùng nước mắt, tận cùng máu,

Sống trên quê nhà mà nơm nớp âu lo,

Người sống hệt như búi cỏ,

Bị hất tung lên khô héo phận hèn.

Người chết hóa thành ma, thành quỷ,

Rền rĩ khóc, buồn đêm, buồn ngày, buồn năm, buồn tháng

Người sống sót trở về sau loạn như ma hiện giữa ban ngày,

Đỗ Phủ làm thơ hay thơ làm nên Đỗ Phủ?

Bút viết thơ hay huyết lệ hóa thành thơ?