Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Lại thư về thơ

Đỗ Quyên

- "Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man!"

- "Biết rồi khổ lắm nói mãi..." Nhưng bữa nay đám hậu sinh chúng cháu chỉ xin nói về thơ thôi, có được không bác thi nhân Adorno?

- [Im lặng đáng sợ!]

Trong lúc chờ tiền bối trả lời, nào ta cứ nói cho lẹ.

Thật ra chuyện chẳng có chi đáng nói. Mình viết bài này từ hơn 1/4 thế kỷ! "Bõ bèn gì, bằng một cái ngáp của ta." Ông lão Thời gian bật cười, ngáp tiếp. Vẫn biết thế nhưng ngẫm kiếp người mình, phận thơ mình sao mà ngắn chẳng tày gang.

Nếu hào phóng coi đây là một kiểu tản bút của phê bình, tiểu luận thì nó gần như là bài đầu tiên mình lạm bàn về thi ca.

Bài đăng lần đầu ở Tạp chí Thơ số 4 - mùa Thu 1995 bên Cali, do nhà thơ Khế Iêm mời rủ (và sau này chủ bút cứ nhắc "Giông giống như bài đó..." mỗi khi đòi bài mới).

Nghỉ buồn sau những cơn sóng bạc đầu 39-Người-Việt-Container - cũng có thể xem như một trong các biến tướng nhẹ nhàng ở kỉ nguyên di dân toàn cầu của trại tập trung hủy diệt Auschwitz thời Đức quốc xã, mời bạn đọc coi bản mới của bài (có sửa vài câu chữ nhỏ.)

Cảm ơn và chúc bớt buồn.

À trong foto là mình năm ngoái lần đầu sau hơn 20 năm (bằng một cái hắt xì hơi của Nàng Thơ!) về thăm Trại tị nạn ấy, mà cũng là nơi bài viết này được sinh hạ.

-*-

THƯ VỀ THƠ

Bạn,

Thơ và biển cả. Chúng có phải là nhau không nhỉ? Tôi không phải con nhà sông biển. Tôi chả phải là dân thơ thực thụ. Đến với biển khi tôi ở tuổi thiếu nhi, chớm và láng máng nhận ra thiên nhiên thật rộng lớn. Đến với thơ hồi tôi lún phún ria mép, những cảm giác về tình yêu đôi lứa chợt đến, bỗng đi.

Bãi biển Đồ Sơn. Những con sóng biển đầu tiên ập vào cơ thể. Một buổi chiều phẳng, phẳng từ mặt biển đến không khí bao trùm khu nhà nghỉ. Tất cả không cuốn hút tôi. Chúng còn khiến tôi sợ và có phần chán biển.

Câu chuyện bên hồ của một cặp tình nhân bất hạnh bởi chiến tranh: bài thơ đầu tay của tôi. Nó không làm tôi rung rinh trong bóng râm huyền ảo của thơ như tôi từng tưởng tượng. "Thế là thơ à?" - "Chưa là thơ, nhưng là tình!" Khoảng cách giữa câu hỏi và câu trả lời là 20 năm! Bây giờ, hôm nay, tôi mới đáp được. Còn câu hỏi thì thằng em trai kém tôi hai tuổi đặt ra sau khi nghe xong bài thơ.

Bạn ạ, thế nhưng càng về sau tôi càng thèm ra biển - đó là điều chắc chắn! Và, càng về sau tôi càng có thơ thơ hơn thì phải?

Trừ những khi cảm hứng bột khởi, thường tôi rất run mỗi khi "bắt tay" toan làm một bài thơ có ý, tứ hoặc nguyên cớ định trước. Những người đi biển chẳng thường hồi hộp, trang nghiêm đấy thôi mỗi lần giương buồm, kéo neo ra khơi. Gầm thét, biển đã nói quá nhiều. Phẳng lặng, biển còn nói nhiều hơn.

Khi con-bệnh-thơ oằn oại trên cơ thể bạn, nơi khóe mắt, ở mỗi cơ bắp; và khi bạn ngây đần ra, vô cảm vô giác. Tôi không tin, nếu là người làm thơ thực sự bạn lại trong trạng thái trung gian giữa hai trạng thái trên ở lúc có một thao tác thiêng liêng: làm thơ.

Trong tầm nhìn của con ngươi con người, biển không giới hạn. Thơ không có sự chừng mực, khôn giảo. Biển không thu nhận tính trung dung. Thơ cần sự hết mình. Những ai dưới vòm trời này cần tự do nhất và có tự do nhất? Dân biển và thi sĩ. Gần tự do là gần mất mát, gần cái chết. Gần tự do là xa loài người, xa cuộc sống thường nhật. Có phải vậy không hỡi những người trên biển và những người làm nên thơ - những người can đảm nhất trong số những người can đảm?

*

Thơ và toán học có nhiều điểm trùng phùng đáo để! Trước nhất, cả hai đều là địa hạt của tưởng tượng. Rất nhiều người mệnh danh hiểu biết mà còn lầm tưởng các nhà toán học là kẻ khô khan, trong khi họ - những nhà toán học - chính là những nhà-mơ-mộng, mơ mộng ngang ngửa với các thi nhân! Hai giáo sư toán trò chuyện... "Cái tay T., học trò yêu nhất của ngài, dạo này đâu rồi?" - "Hắn đã bỏ đi làm thơ! Thật tiếc, hắn không đủ trí tưởng tượng để học toán!"

Chuyện hài này không mới. Bạn không cần phải cười lại; ngụ ý của tôi muốn nói rằng tôi tìm thấy mình trong đó. Bởi tôi đã từng yêu (từ ngày còn mặc quần hở đũng) toán học tha thiết, và nay còn da diết yêu; nhưng toán học nó chẳng yêu tôi dẫu đã ăn ở với nhau bằng nghề nghiệp! Tôi với thơ chỉ như hai người khách vô tình trên vài chuyến đò ngang, mà duyên nợ ngày càng thắm.

Những phát minh lớn trong toán học chỉ xảy ra với những người có độ tuổi 20-25, cùng lắm tới 30. Đố bạn ở thơ có quy luật đó không?

*

Mỗi bài thơ, ít nhất, nên là một lần "cách mạng" trong con người, tác phẩm của nhà thơ. Lớn hay nhỏ, ý hay tứ, thể loại hay ngôn ngữ... Tùy! Miễn là… cách mạng! Người toan viết các câu thơ mà không nghĩ được thế, tôi nói mặc kệ sự mất lòng, thì đừng nên biến dự định đó thành hành động!

Bạn cho tôi là tên hiếu chiến? Thôi, không gọi là cách mạng nữa. Mà là cái mới, cái sáng tạo. Ở nhà thơ nhỏ, cái mới đó có giá trị đối với chính nhà thơ. Ở nhà thơ tầm vóc, cái mới đó có giá trị cho bản thân thơ ca. Ở nhà thơ lớn, cái mới đó có giá trị cho cả xã hội, thời đại. Tựu trung, phàm đã là thơ thời phải mới.

Bạn điểm lại xem, thời nào, ở đâu, phần lớn các cách mạng gia đều biết làm thơ, biết yêu thơ. Thơ là "cách mạng", là máu. Tí nữa ta lại bảo thơ là tình, là nước mắt. Khốn nạn cái thân thơ!

*

Tôi không khi nào tin rằng những người làm thơ lại không phải là những người yêu. Mạnh hơn nữa, tôi còn muốn nghĩ: thói thường ai làm thơ hay hẳn phải yêu nhiều, nhiều lắm.

Với những người bình thường yêu là điều kiện cần để làm ra thơ. Với các tài thơ, yêu là điều kiện cần và đủ: kẻ tài thơ chỉ cần yêu là đủ thành thơ và, ngược lại, khi đang làm thơ có nghĩa hắn đang yêu.

Rất đáng phục các nhà thơ ít nói về tình ái, mà thơ vẫn hay! Đó là những nhà hàng hải lại không thèm biết bơi. Các nhà trữ tình lớn biến được ý riêng thành tình chung, biến được tình lứa đôi thành ý nhân loại.

Người có thơ hay vẫn có thể là người không biết yêu, song ắt hẳn đó là kẻ biết buồn. Buồn, trong ý nghĩa này, ấy là điều kiện cần để thơ hay. Bạn có thể thấy bài thơ nào hay mà thiếu cái buồn ở trong đó không? Đố đấy? Buồn, hậu quả khó tránh của yêu. Yêu thì mới có thơ, buồn thì mới ra thơ hay. Nỗi buồn chưng thơ thăng hoa, nuôi thơ trường thọ. Triết gia gọi là cái bi.

Mà này, ngoài đám thi sĩ, văn nghệ sĩ mấy ai biết tái tạo từ sản phẩm tồi đó - nỗi buồn - ra sản phẩm mới có giá trị đến thế cho loài người?

*

Người thơ quả có hiếm; những người yêu thơ, những người làm thơ, những tài thơ… thật nhiều. Nhiều vô kể, nước Nam ta. Ở Việt Nam ra ngõ gặp thi nhân. Điều này ai cũng rõ. Hôm nay tôi còn muốn nói thêm thế này: có dễ Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô (cũ) là ba nơi người dân yêu thơ nhất thế gian? Chưa bôn ba hoàn vũ, tôi vẫn cảm tưởng vậy. Cậy nhờ các chuyên gia về thơ, về đất nước học kiểm chứng?

Ở Việt Nam, câu của Nguyễn Bính được nghiệm đúng: "Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ".

Với Trung Hoa cảm tưởng của tôi dễ được minh xác. Văn hóa Trung Hoa dường như đông lại ở thơ phú.

Ở Liên Xô (cũ) thơ còn bị cạnh tranh bởi tiểu thuyết, hội họa, âm nhạc... nhưng vẫn được coi như đế vương. Dân Nga không có tục ngâm thơ, vịnh thơ như ở ta, ở Tàu mà lại đọc thơ. Tiếng Nga chứa thi tính cao, nhất là về âm điệu. Tôi đề nghị các nhà ngôn ngữ thử nghiên cứu xem tiếng Nga sinh ra có phải để dành cho thơ hay không. (Nếu điều đó đã có trong các sách giáo khoa về ngôn ngữ Nga thì tôi rất ân hận về sự ít hiểu biết của mình!)

Các buổi đọc thơ thu hút cả trăm, ngàn khán, thính giả là một nét tiêu biểu cho sinh hoạt công cộng ở xứ sở của bạch dương và tuyết. Mấy chữ cuối câu vừa rồi ngụ ý thiên nhiên, cảnh vật Nga đáng thành thơ.

Bạn biết không, dạo ấy, mỗi khi đi dưới pho tượng Maiakovski đứng đọc thơ, tôi tưởng như độ thơ trong mình đang nâng cấp! Không rõ ở Trung Quốc ra sao chứ ở Nga và nhiều nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô cũ, tôi đã nhìn thấy nhiều cuốn sổ nhỏ, nan nát chứa một cách vụng về các bài thơ, đoạn thơ cùng các hình vẽ minh họa ngô nghê về tình ái. Chủ các cuốn sổ đó là những cô, cậu ở các lớp cuối trung học, các năm đầu đại học. Sao mà y như ở Việt Nam mình, bạn nhỉ? Bên các xứ Hoa Kỳ, Canada… có chuyện vậy không? Tôi ngờ là không.

Một sự trùng hợp đến là buồn: Cả ba quốc gia yêu thơ đó đều có thời (bị) yêu chủ nghĩa cộng sản nhất thế gian! Dễ hiểu: Học thuyết cộng sản trong thành phần hoang tưởng của nó chứa độ thơ khá cao.

Tôi vừa ngẫm ra cái buồn cười này: Thuyết cộng sản sinh hạ ở Đức; ngày xửa ngày xưa chả biết thế nào chứ bây giờ dân Đức đâu có chầm bập những chuyện thơ thẩn! Bằng chứng: Tôi vẫn thường bị nhân viên giao thông phạt thẳng thừng mỗi khi mải làm thơ trên tàu xe mà đi quá ga. Bên Nga á, trong các trường hợp tương tự không những chả bị mất copech nào tôi còn được các bác các thím soát vé thưởng lời khen "Mơ-la-đét!" (Khá lắm!). Ba năm nay ở Đức, dường như tôi chưa dòm thấy trên ti vi những buổi người ta làm gì đó với Nàng Thơ. Rất có thể khả năng ở tôi còn đuối để phân biệt thơ và văn xuôi trong tiếng Đức?!

*

Tôi để ý thấy phần lớn các nhà thơ giỏi thường gốc gác thôn quê. Thật vậy, chất liệu đời thường và chất liệu thiên nhiên - hai trong ba chất liệu làm nên thơ - ở nông thôn rõ ràng nên thơ hơn ở thành thị. Oái oăm: Chẳng lẽ vì thế các nước nông nghiệp lạc hậu lại là mảnh đất tốt để cây thơ phát triển? Sau này tôi mới biết mình chưa thấu hết thơ hiện đại ở cái thời hết còn thôn quê ngự trị.

Nhiều người cứ lo xa. Tôi khỏi lo! Khoa học, công nghệ hiện đại cách mấy cũng không thể lấp cả mặt địa cầu bởi những lô nhà chọc trời. Là những cái nôi của thi ca - biển hồ, núi non, những cánh đồng, những áng mây… phải là bảo vật vĩnh cửu của loài người.

Tôi đang định gọi Hội nghị Quốc tế Bảo vệ Môi trường ở Brazil vừa rồi - nơi tụ hợp hy hữu tất cả các quốc gia trên địa cầu trong không khí hữu hảo - là Hội nghị bảo vệ thi ca. Chính xác hơn: Bảo vệ cái chân-quê của thi ca.

Hẹn bạn lần sau, lại thư về thơ…

Baiersdorf, 1993 [Sửa chữa nhỏ - White Rock, 2019]