Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 182): Lưu Na – Cỏ hoang

Truyện Lưu Na
Lưu Na sinh ở Sài Gòn. Học năm thứ hai Đại học Kinh tế sau năm 1975. Vượt biên và định cư ở California năm 1981. Hiện sinh sống tại Orange County (theo Việt Báo).
clip_image002

Má về Việt Nam ăn Tết đã trở lại. Buổi sáng, Má mở va ly bắt đầu soạn ra những món quà Tết. Cái va ly đầy ắp từng gói giấy báo to nhỏ. Mây lại sắp được nghe chuyện đời khi những tờ giấy báo mở ra.
Con nhỏ con của Cậu chết rồi.
Chết?
Ừ, hôm Tết mẹ hỏi sao không thấy nó tới, con Chi bảo nó chết rồi còn đâu.
Má ngừng tay soạn va ly. Chung quanh Má giấy báo bắt đầu vun lên bừa bãi. Cái gì dễ vỡ là cuộn vào giấy báo, cho dù nó đã nằm trên kệ ngoài ga ra. Nhiều lúc Mây nghĩ lôi cái đã yên vị ra sắp xếp loay hoay còn vỡ lẹ hơn, nhưng không nên cãi cọ với Má.
Chả biết nó bịnh gì mà cứ sốt liên miên, người cứ gầy dốc đi. Con Chi nói vào nhà thương thăm nó đã vài lần, lần chót thấy nó tươi tỉnh ai cũng tưởng sẽ về, nó cũng hớn hở. Vậy rồi nó chết. Mẹ nghi nó bị aids.
Mây vẫn ngồi im xoay mặt vào màn hình nơi bàn viết. Đằng sau lớp chữ khuôn mặt con nhỏ từ từ hiện ra. Má đã ngưng hẳn việc soạn cái va ly đầy tú hụ na từ Việt Nam qua.
Còn đứa con của nó thì sao?
Thì cô Mai phải nuôi chứ còn làm sao. Tội nghiệp, dạo sau nó lấy chồng rồi thì đẹp lộng lẫy. Năm đó nó đến nhà chúc Tết mặc áo dài, môi son má phấn trông ngồn ngộn.
Khuôn mặt con bé đã rõ, ánh mắt hoang dại to và ướt, nét mặt nửa ngang bướng nửa ngây thơ. Nó không hẳn giống Cậu, nhưng nhìn nó thì biết ngay nó phải là con của Cậu. Năm đó nó tròn 18, nhưng đôi mắt nó vẫn là đôi mắt của trẻ thơ với khóe mắt tròn đầy và đuôi mắt mở rộng.
Cách đây mấy năm mẹ nó có tới hỏi mẹ cho nó ở tạm vài tháng…
???
Mẹ nó bảo nó đang bị tụi băng đảng rượt tìm cần lánh mặt một thời gian, “vì chị đã nói là quyền huynh thế phụ” nên em mới đến nhờ. Vớ vẩn, huynh với chẳng phụ, ai dại gì mà chứa nó để bọn du đảng tìm đến. Cô Mai cô ấy không biết dậy con. Ai lại con bé đẹp như thế mà rồi chỉ giao du với lũ băng đảng rấc riếc. Mà khố rách áo ôm thì cũng đến vậy thôi.
Mây gặp con nhỏ chỉ một lần, lúc Mây độ 35 tuổi, suy nghĩ lung tung mà chả đâu vào đâu, cứ như kẻ mộng du. Má nói Cậu có một đứa con gái. Con ai? Con cô Mai. Mày chưa biết à? Dạ chưa. Được, để tao bảo thằng Hùng gọi nó lên đây tao bảo.
Ngày 28 Tết hai mẹ con đến. Mây nhận ra ngay cô gái năm xưa. Cô Mai vẫn gầy, nhưng đen và khắc khổ hơn dù nét đẹp thầm kín dịu dàng vẫn còn.
Má bắt đầu mở máy. Cháu viết thư cho Bố thì phải lễ độ. Cháu có biết Bố kiếm tiền cực nhọc, đời sống ra sao mà trách bố không nhớ đến cháu. Cháu đã làm được gì mà đòi hỏi sinh nhật. Em phải dậy con ăn nói cho đàng hoàng. Chị là quyền huynh thế phụ, chị không chấp nhận chuyện con viết thư trách móc bố. Nếu em và con muốn chị chuyển thư thì phải về viết lại cho lịch sự lễ độ.
Má còn nói gì gì nữa Mây chả nhớ. Cô Mai ngồi im suốt buổi, ánh mắt ướt buồn.
Hồi đó Cậu đi “học tập” về thì đâu có gì để làm ngoại trừ lêu bêu. Cậu xoay sở một cái bàn cắt, một cái bàn ủi và những cái gì linh tinh chả rõ, bỏ vào bị vải ra đường Bạch Đằng làm nghề bọc nhựa. Tối đến Cậu về ngủ ở cái đi văng ngoài hiên dưới tàn cây bươm bướm. Mây không rõ những ngày mưa Cậu có bị ướt không.
Khi Cậu thôi nghề ép bọc nhựa, chắc hết tiền, thì Cậu quen cô Mai. Vài ba ngày Cậu về nhà một lần rồi tối đến nói Mây chở Cậu đi. Cậu không nói đi đâu, vì Cậu đèo Mây, đến chợ Bà Chiểu vào một ngõ rộng nơi có quán cà phê hay quán ăn gì đó đèn sáng trưng thì Cậu xuống xe và Mây đạp về một mình. Cứ đều đều vài tối một lần, riết rồi sao đó chả rõ Mây biết là Cậu có cô Mai. Mây chỉ bận tâm chuyện thi vào đại học được không nên chả thắc mắc cái chuyện yêu đương kia làm sao kết thành khi người ta bị lâm cảnh “khố rách áo ôm.” Ha. Cái chữ ác nghiệt. Lâu lâu Cậu về, bảo Mây lấy cho Cậu một túi mì sợi. Đó là một cách xin Má mà không phải đối diện cùng Má để phải trả lời những câu “biết trả lời sao?”
Rồi chuyện gì xảy ra giữa hai người?
Con bé cứ nhìn Mây chòng chọc. Ánh mắt hoang dại của nó như tò mò như chịu đựng như đợi chờ. Mây càng lúng túng, lùi vào nhà trong ngồi nơi cầu thang. Mây không bao giờ quên cảm giác xấu hổ ngượng ngùng những khi Má mắng ai đó xối xả. Lúc thì cô thợ đan, lúc thì anh Hùng hậu đậu, khi thì chính là Mây “đoảng vị,” cứng đầu. Sau bếp, anh Hùng chị Chi thằng Tí con Chín bum ngồi cười cười, trúng quả. Cái bếp này ngày trước chưa có. Khi Mây đi rồi Má làm ăn có tiền mới mua luôn căn nhà ọp ẹp 12 thước vuông sau lưng nối vào nhà của mình và biến nó thành nhà bếp, thay cho bếp cũ.
Ngồi nơi cầu thang Mây nhớ những ngày học thi đại học. Con Quyên vài bữa qua chơi một lần. Con Hiếu thì qua thường hơn. Tụi nó ngồi ở bực cầu thang, chỗ Mây đang ngồi, và nói đủ thứ chuyện trong khi Mây vần hết thau quần áo thì đến chà sàn rửa bát, rồi nhóm bếp nấu cơm, rồi dọn mâm chén, rồi quét bếp. Đều đặn, gần đến giờ cơm thì tụi nó sẽ rút lui theo đúng thủ tục con nhà có giáo dục. Lâu dần con Hiếu thú nhận nó tưởng Mây lười không chịu đi học thêm Lý Hóa với thầy Hùng chứ không dè Mây bận túi bụi thật. Bên Mỹ gặp lại con Quyên sau mấy mươi năm nó cười cười kể ra cái kỷ niệm “lao động” của Mây và khen Mây giỏi. Giỏi hay nghèo?
Đang ngồi ngẩn ngơ cả lũ giật mình nhận ra sao nhà quá im lặng. Cô Mai về hồi nào? Mây ló đầu ra. Không, cô Mai vẫn ngồi đó, vẫn làm thinh chịu đựng. Một mối tình trong thời khốn khó, một đứa con không cha. Cô chắc đã quen với điều cay đắng. Và con bé, quả nó toát ra vẻ của một đứa trẻ đứng ngoài xã hội. Má lập lại về lá thư để kết thúc buổi gặp gỡ.
Khi về lại Mỹ, thật lâu về sau lần hồi nhớ lại mọi điều Mây tự trách mình không biết bao nhiêu mà kể. Nỗi ray rứt đi kèm ánh mắt của con bé, bám riết theo Mây trong thinh lặng. Sao Mây ngu vậy. Ngày tư ngày Tết, mẹ con cô Mai đã chịu nhiếc móc mà không có được một chút quà, cả lá thư cầu viện cũng không được chuyển. Ngu dốt đã biến Mây thành vô tâm. Mà đúng hơn, Mây chỉ là một con bù nhìn những khi đứng bên Má. Mây buồn mình, quá tệ.
Má đã quay lại với đống giấy báo và cái va ly. Mây loay hoay viết thư cho Cậu, viết rồi lại xóa. Mây nhớ tới ánh mắt của Cậu lúc Mây nói đến con bé. Cậu nhìn về hướng đứa con gái (Mây chưa biết mặt Mợ), như muốn bảo Mây cẩn thận, đừng để nó nghe thấy. Buồn. Ánh mắt hoang dại vẫn đậu sau gáy Mây.
Má đưa ra 3 cái áo dài Mây gửi may lúc Má đi Việt Nam. Mây chạy vào thay áo rồi ra xăm soi trước gương. Tóc Mây ngắn ngang cằm, không đủ thướt tha. Có một dạo Mây “điên” nuôi tóc dài, nuôi gần 2 năm được một mái tóc đen bóng ngang lưng, nhưng mỏng te. Các lúc đó đã thôi Mây mà đi lấy vợ, nhưng vẫn với miệng qua người bạn mà bảo Mây cắt đi, “già” lắm. Mây xoay bên này xoay bên kia, vừa ngắm nghía vừa tưởng tượng xem con nhỏ mặc áo dài đẹp như thế nào. Hình như cả đứa con gái của Cậu và Mợ bây giờ cũng xương xương, cao vừa vặn và tóc dài. Còn con bé nữa với người vợ đầu, Cậu và gia đình không ai được biết nữa. Cậu có bao nhiêu mối tình?
Má tiếp tục giọng đều đều. Hồi đó mày đi rồi thì vài năm sau Cậu hỏi cưới Mợ. Mẹ phải qua bảo đảm với nhà gái là Cậu vẫn độc thân không có dây mơ rễ má gì cả…
Mây bắt đầu phiêu lưu về xóm cũ. Đêm đêm cứ 9 giờ thì nhà cây ổi lùa đám con về đọc kinh tối. Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời ở cùng bà… Thuộc rồi thì đến phiên anh Hùng học Đắc Lộ về nhà đọc cho nghe Lạy Cha chúng con ở trên trời. Mười giờ đêm chị Thành sẽ ra cửa sổ trên lầu leo cây ổi xuống đi nhẩy đầm ở các hộp đêm. Chị Triệu chơi trống đã lấy chồng rồi nên ông bà Mười không thắc mắc nữa. Đến 11 giờ thì thằng Long sẽ lên sân thượng ôm ghi ta đánh liên miên hết bài này sang bài khác. Những đêm trăng sáng Mây thường nằm trong mùng ngó mông ra cửa lưới chờ những bản nhạc và sẽ ngủ trước khi thằng Long dứt tiếng đàn. Ở cái xóm nhỏ đó, Mây thấy anh của mình lớn lên cùng với đám anh em nhà cây ổi, anh Ba Tề vào lính rồi trở về năm sau mất một chân trước khi anh Hùng kịp vào Hải quân. Anh Long đi quân trường chưa đầy 6 tháng khi về đã bị vợ bỏ. Nhịp đời rộn rã mà lại thờ ơ, mọi điều lớn lao của cuộc sống hình như qua đi trong hối hả và hững hờ. Trong cái tẻ nhạt vô nghĩa mà lại sôi sục ấy, một bữa Mây thấy Cậu về, bộ đồ lính còn đầy bụi, và ngay chiều đó thấy Cậu đánh Mợ, Mợ chỉ khóc. Rồi Mợ bồng đứa con gái đi mất. Hai mươi năm sau Mây mới được biết, là Cậu về, lối xóm mách chuyện Mợ bồ với anh Ba Tề. Cậu lấy người vợ đầu tiên ấy lúc nào?
Trước khi Mây kịp lớn, nhà Mây có thêm một người khách những dịp giỗ Tết. Cô Lan và một đứa con bồng trên tay, Má nói không phải con của Cậu, nhưng cô Lan thì cứ làm như là con của Cậu, và Cậu thì tránh cô. Những việc đó trôi qua trước mặt Mây như những đám mây trắng trôi từ góc này qua góc kia mỗi chiều. Mà việc lạ lắm giật gân lắm cũng chỉ quá bữa cơm chiều hoặc qua sớm mai thì sẽ bị tiếng chân rầm rập của thợ thuyền dậy từ 5 giờ sáng, tiếng băm củ sắn của ông Tiều đối diện làm bò bía đi bán… che lấp. “Sống trong thời buổi chiến tranh,” ai cũng nói vậy, và Mây cũng thường bắt gặp mình nghĩ về cuộc đời của mình như vậy cho đến bây giờ.
Những ngày thanh bình ở đây lòng Mây không êm ả hơn những ngày ở xóm Phan Đình Phùng ấy đâu. Ánh đèn vàng nơi đây sao hiu hắt, cái thanh tịnh sao thê lương. Cái gì cũng có sẵn, tràn trề, không cần phải trốn vào một cái xó nào đó tìm chút riêng tư, không cần phải chờ những lúc mọi người đều bận hay đang ngủ để tìm chút tĩnh lặng. Dường như âm thanh và nhịp sống thuở chiến chinh đã là một phần của con người mình, nên khi xa nó Mây thấy lao đao khốn khổ. Đi được một bước trên cái bất an là đi được một bước trong cõi bình an, xa cái hỗn độn bấp bênh là xa cái tịch lặng tìm được. Mây nhớ thiết tha những ngày nắng cháy được đi dưới hàng me đường Trần Quý Cáp, những ngày mưa vừa dứt­­–lá xanh non và không khí trong mát làm dịu cả một quãng đường. Chiến tranh, Mây ngờ rằng cả những khi người ta sinh ra lúc không có một cuộc binh đao thì người dân Việt cũng chưa bao giờ sống trong thanh bình. Họ chỉ sống tạm trong thời không chiến tranh, được thong thả làm nốt những việc mà cha anh chồng vợ đã không kịp hoàn tất hồi năm ngoái năm kia, được làm đôi ba việc mà mình đã lỡ quên hay lỡ thời cơ để làm trong kiếp trước.
Và như vậy, kiếp sau hay một kiếp nào đó quành lại, Mây rồi sẽ được xem phim Cleopatra, phim Love Story cho thỏa con mắt. Mây sẽ chịu khó chải chuốt mái tóc, săm soi tà áo để là một đứa con gái xinh tươi. Cái chuyện có ra chùa Xá Lợi ăn quà nữa hay không thì có lẽ chờ tới đó sẽ hay. Nhưng rồi Mây cũng sẽ bị hụt hẫng khi ông Ngoại mất.
Ông mất khi Má vừa mua được căn nhà đầu tiên từ di cư. Căn nhà này dĩ nhiên hơn hẳn cái buồng thuê bên nhà cậu Lộ ngõ hàng quà. Và cuộc sống nơi xóm này cũng sắc mầu hơn nhiều lắm so với cái buồn buồn êm ả và nghèo nàn của ngõ bên kia. Nhưng như có gì ngao ngán treo trong không khí. Mây mấy tuổi mà sao đã thấm vào lòng nỗi ngao ngán ấy? Ông mất một ngày trong tuần, vắng lặng. Lúc đó dì Hai vừa xuống bếp, và Cậu cũng vừa xuống gác ra trước sân hút điếu thuốc với anh Hùng. Ông nằm bệnh đã tháng nay rồi, ông không còn bảo Mây dắt gậy cho ông vịn vai đến căn gác bên kia hẻm hút thuốc phiện nữa. Dì Hai phải phụ Cậu tắm rửa thay quần áo cho ông một ngày vài bận. Mọi người chắc đã mệt mỏi mà phải đành. Mây nghe ông gọi Cậu, nhưng ai cũng làm lơ chờ một tí. Cái nông nỗi nuôi bịnh là vậy, sau nhiều ngày vất vả quanh giường, chính ngay cái lúc người ta lơi tay là lúc con bệnh gọi gấp cho giây phút sau cùng, và mối ân hận theo hoài với những người đã chần chừ.
Cậu ôm ông vào lòng khóc ngất. Nét mặt trắng trẻo xương xương của Cậu xanh lại, ướt đẫm. Cậu cúi xuống kề sát mặt ông, lúc đó Mây tưởng như thấy hai anh em sinh đôi, một người trắng và một người tím tái. Mây đứng nhìn mọi người, hoang mang không biết mình có buồn không. Cái chết của ông không làm Mây đau đớn xót xa như khi Mây gặp người lính Mỹ trẻ tuổi ngồi uống một mình trong nightclub. Mây đã khóc nhiều ngày sau đó khi nhớ lại cái vóc cô đơn dưới ánh đèn mờ mờ khói thuốc mà không hiểu vì sao. Cuộc đời, Mây chưa biết gọi nó là cuộc đời, nhưng Mây thấy một cái gì đó nhếch nhác buồn tênh. Dạo đó Mây cứ phải đi lang thang một mình trong xóm vắng khi mọi người đổ nhau vào ti vi xem phim Combat hay xem đánh bốc. Đánh đấm giết nhau có gì vui? Sao người ta có thể lấy chuyện thoi vào mặt nhau cho đổ máu để làm trò giải trí? Quen cảnh máu xương? Cái gác ọp ẹp kia có gì gọi mời mà ông cứ phải lần dò níu vai Mây lụm cụm leo lên ấy? Cuộc sống lướt qua mắt trẻ thơ như những khúc phim bị cắt gọn rồi ghép vào nhau cho đỡ mất thì giờ xem, hay nói đúng hơn là đỡ phải sống qua. Có đỡ được không?
Má bắt đầu mở cái va ly thứ hai lôi ra những món đồ mang từ Việt Nam qua. Giấy báo lại bắt đầu phơi ra sàn từng tờ nhầu nhĩ. Má lại nhẩn nha kể.
Hồi đó Ba mày cũng đâu có phải là hiền.
– Ủa, bộ…?
Mẹ không rõ, nhưng năm đó Ba mày nằm nhà thương Cộng Hòa đã ba năm trời, tưởng không qua được nên có bà tới xin Mẹ cho bà và đứa con vào thăm ‘ông ấy.’
– A ha, chuyện này hấp dẫn. Rồi sao Má?
Chả sao cả, họ nghĩ sao đó không tới nữa.
– Nhưng Ba là người cù lần…
Đừng có tưởng bở
– ???
Hồi di cư Mẹ vào trước, Ba mày làm cho hết tháng rồi vào sau. Nhưng 6 tháng vẫn không thấy tăm hơi, rồi một hôm thấy xe đỗ trước nhà ở trọ, ông vào bảo đưa tiền trả tiền xe. Hỏi ra, thì tiền chính phủ cho mỗi gia đình định cư ông đã dùng để đi du lịch Huế Đà Nẵng trước khi vào Nam hết cả rồi.
– Hết?
Ừ, không còn tiền trả tiền xe.
– Sao Má không nói Ba?
Thì cũng đâu làm gì được nữa
Má đã quen rồi với số phận đè nặng lên mình? Má đã quen với xã hội o ép buộc ràng? Mây luôn thấy ngạc nhiên, có cái gì kỳ bí cột những người đàn bà Việt Nam vào cái số phận rất tầm phào. Im lặng chấp nhận có vẻ là giải pháp khôn ngoan nhất. Nhìn đống giấy báo bắt đầu vun lên, Mây ngao ngán liên tưởng, hình như mọi người đàn bà trong xã hội Việt Nam đều trở thành những tờ báo – chỉ được một vài giờ đầu lúc mới ra khỏi máy in trên đường tới sạp báo là được đối đãi trong sự toàn vẹn, chỉ được những phút đầu tiên khi người đọc mở trang giấy là được nhìn đúng giá trị. Rồi là tèm lem bôi bẩn xé rách chà đạp. Lượm lên chỉ để “đỡ nóng tay.” Ai đó nói Việt Nam không chỉ có chiến tranh. Ừ, nói cho rõ thì không chỉ có chiến-tranh-Việt-Nam. Và nói cho rõ hơn nữa thì mình có cả một nửa dân tộc mang họ Khổng và nửa kia là giấy báo.
Đống giấy báo của Má đã vun cao và chiếm lối đi, Mây đứng lên sửa soạn đi làm. Sau lưng, Má lại chép miệng tội nghiệp con nhỏ.
***
Sáng ngủ dậy Mây nằm nướng trong giường nhớ lại giấc mơ. Mây thấy cô Cúc mặc áo dài đen mái tóc thướt tha đi trên cầu Trương Minh Giảng. Cô chỉ chừng hăm mấy, hình như sinh viên Văn Khoa. Cô trắng như bông, giọng Huế nhỏ nhẹ hiền lành – đẹp như một cô tiên nhân hậu. Cô lấy ông giám đốc Hàng không thì phải, mới có một đứa con, họ thuê một căn phòng chung nhà Mây ở. Vợ lớn tới chửi, nhưng không thèm chửi cái chuyện thê thiếp của chồng mà bà chửi sao ông dám đánh thằng con 8 tuổi. Hình như mọi người chấp nhận cái chuyện một kiểng hai quê năm thê bảy thiếp. Cái vóc cao gầy buồn bã ấy cúi đầu rảo bước qua cầu; cô đi lễ về. Bất chợt Mây thấy một đám người đổ tới đánh ghen cô Cúc, cô hốt hoảng chạy xuống dốc cầu, mà lạ, sao rồi người bỏ chậy thục mạng đó lại là Mây. Mây nghĩ chỉ cần chạy vào được chùa ở ngay đầu ngõ dưới chân cầu thì sẽ thoát. Nhưng một nhát dao đã bổ xuống vai Mây buốt cháy. Mây la không được, Mây khóc không ai nghe, Mây vùng vẫy. Nước mắt ướt mặt khi Mây thoát ra khỏi cơn mơ. Mơ thôi mà.
Mây ra bếp pha cà phê. Con nhỏ – em họ của mình – tên gì cho đến bây giờ Mây cũng chưa biết.■
Nguồn: Gập ghềnh – Tập truyện của Lưu Na, Tủ sách T.Vấn & Bạn hữu 2017