Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

Tảng đá ngàn năm

Truyện Trương Quang

                             Trên núi cao cây cối thì buồn

                             Đá ngủ quên hàng muôn ngàn năm.

                      T.T.N.C.

Xin thành tâm tạ tội với những dân tộc bị diệt chủng trong cuộc Nam tiến của người Việt

Người đàn ông len người, lách qua đám đông đầy mùi mồ hôi và nước hoa nồng nặc, thoát ra cửa. Tiếng hát chầu văn the thé cùng âm thanh xập xoảng, dồn dập theo anh ra đến tận tam cấp dẫn xuống con đường nhỏ bên dưới, rồi như được những táng lá rậm rịt trên cao sà xuống cuốn hút, tan loãng ra. Anh ngửa cổ hít một hơi dài, đứng lặng yên nhìn hàng cây cổ thụ bên kia đường đang bắt đầu thấm đẫm màu đêm. Những ngọn đèn đường vàng èo uột vừa được thắp lên không đủ sáng để xua đi vẻ u tịch của con đưởng yên vắng.

Người đàn ông cho tay vào túi áo bên trái, lấy ra bao thuốc lá còn nguyên xi, xé lớp giấy bóng, rút ra một điếu thuốc giắt vào môi, nhưng chợt ngẩn người nhận ra là mình không hút thuốc. Anh không hút thuốc, nhưng lúc nào cũng để sẵn một bao thuốc trong túi áo, mục đích không để mời ai, mà chỉ để có một cái gì loay hoay giữa hai ngón tay, cho qua những giây phút nhàn tản, như những lúc này.

Người đàn ông cầm điếu thuốc còn nguyên vẹn và viên giấy vo tròn trong lòng tay, bước qua đường, cho vào thùng rác bên cạnh một cây bàng cổ thụ. Rễ cây đùn lên từng sớ lớn như những đuờng gân cuồn cuộn của một thân hình lực sĩ. Trong một thoáng, chúng làm anh liên tưởng tới những nếp nhăn đậm và sâu dọc ngang trên khuôn mặt của người mẹ đã mất; những vết hằn ghi dấu một cuộc đời gian khổ. Người mẹ quanh năm áo dài chân đất tất bật với gánh bún bò cỏn con, góp nhặt từng đồng để nuôi anh cho đến khi trưởng thành mới yên tâm nhắm mắt qua đời. Ý nghĩ đó làm anh đứng lặng yên một lúc lâu, rồi quay người tần ngần trở lại nơi đã đứng bên kia đường. Đêm đã xuống hẳn và anh thật sự không biết đi đâu, về hướng nào.

Người đàn bà cũng từ điện bà ra sau anh một lúc. Chị dừng lại phía bên phải của bậc tam cấp, chăm chú theo dõi cái bóng của người đàn ông đứng bất động bên cạnh gốc cây, im lìm lặng lẽ như đang tưởng niệm một điều gì. Người đàn ông trở lại chỗ mình vừa bỏ đi, bên phía trái. Họ đứng trên cùng một tam cấp, đối diện nhau, nhưng không trao đổi với nhau một lời nào. Cuối cùng, người đàn bà ngỏ lời:

“Gần đây có một quán nhỏ cạnh bờ hồ, rất thanh vắng. Ông muốn đến đó uống một tách trà nóng không?”.

Người đàn ông nghe rõ từng lời phát ra từ phía bên kia tam cấp, nhưng chỉ quay mặt nhìn vào mắt người đàn bà đối diện qua bóng đêm, không trả lời. Anh không ngạc nhiên về lời mời đường đột từ một người khác phái, vì anh đã có nhiều lần trải nghiệm tương tự. Nhưng anh không thể mau mắn chấp nhận một lời mời thanh nhã, chân thật của người đàn bà, thường không xảy ra trong thời buổi hiện tại. Người đàn bà có nước da ngăm đen, tóc xoăn, khuôn mặt vuông không giống bất cứ một phụ nữ nào anh đã từng gặp ở miền ngoài. Cách phát âm lơ lớ, không có âm sắc đơn ở nốt cao thường nghe, mà là đa âm trầm thấp, dứt khoát hơn. Cả cái tên Lê-A-na như người đàn bà tự giới thiệu cũng khiến anh không khỏi hiếu kỳ. Vì thế, người đàn ông đã yên tâm chấp nhận lời mời đột ngột của người đàn bà không quen biết, rời tam cấp, đi theo người đàn bà về phía cuối đường. Một lúc nào đó họ đi sóng đôi như những người quen thân, nhưng không ai chú tâm đến hai cái bóng có lúc đi sát vào nhau, như nhập vào một.

Họ đến cái quán nhỏ ven hồ khi bóng đêm nhạt nhòa đã tỏa xuống khu phố nhỏ. Người đàn ông chọn một chiếc bàn kê sát tường trông ra mặt hồ. Anh ngồi xuống, duỗi hai chân, dựa lưng sâu vào thân tường, nhắm hai mắt một thoáng như để không gian thanh vắng xoa dịu thần kinh và thể xác của mình. Người đàn bà đi thẳng ra lan can, ngồi xuống một bậc thang gỗ nhỏ, tháo giày, nhúng hai chân xuống nước. Chị thoáng rùng mình vì cái lạnh đầu mùa và không khí trầm mặc của một đêm thu, nhưng tiếp tục dấn sâu hai chân vào nước, rồi khuấy nhẹ, mắt thả mông lung vào khoảng không thăm thẳm trước mặt.

Từ nơi người đàn ông đang ngồi, những vạt sáng lung linh từ chiếc đèn cầy trên bàn tỏa xuống, soi rõ những vòng nước nhỏ lan tỏa ra từ hai gót chân người đàn bà. Những gợn sóng nhẹ xuất phát từ một điểm trung tâm, tiếp nối loang ra không ngừng, như âm thầm mở ra từng đoạn đời huyền hoặc về số kiếp trầm luân và thân phận kỳ bí của người đàn bà.

***

Người đàn bà kể, giọng trầm buồn: chị có thể là một trong những hậu duệ hiếm hoi còn sót lại của dân tộc Hời, thuộc vương quốc Lâm Ấp thuở xưa, vốn định cư ở vùng tam giác Truồi, Nong và Sịa, sau này được biết với cái tên chung chữ Hán là Bàn Môn. Dân tộc chị có thể đã hoàn toàn bị diệt vong dưới sức tiến mãnh liệt của quân Việt, phát xuất từ đồng bằng sông Hồng ngột ngạt, kiệt quệ tài nguyên và dưới sức ép thường xuyên từ phương Bắc. Cuộc hành trình mở rộng không gian sinh tồn về phương Nam đã kéo dài gần mười thế kỷ, kể từ thời phá Tống, bình Chiêm của Lý Thường Kiệt cho đến cuối đời Minh Mạng, thuộc triều Nguyễn cận đại.

Làng Truồi, nơi mẹ chị sinh ra và lớn lên không có gốc gác từ một tên chữ Hán hay Chàm phía Nam đèo Hải Vân, mà phát sinh từ ngôn ngữ của cư dân Pa-cô hay Tà-ôih (chỉ còn tồn tại khoàng vài trăm người, sinh sống sâu trong dãy Trường Sơn) từ chữ a-truoi (con gà); cũng như Nong (tnoong = cót thóc, lẫm đựng thóc) và Sịa (si-á = cá); để chỉ nguồn thực phẩm dồi dào, thịnh trị an lạc của một vùng dân sinh thuở xa xưa. Bến nước Truồi cũng là nơi công chúa Huyền Trân rời kiệu tay, xuống thuyền với sự hộ tống của tướng Trần Khắc Chân, trên đường vào thành Đồ Bàn làm vương hậu vua Chiêm Thành Chế Mân vào năm 1306, đời vua Trần Anh Tông.

Khi người đàn ông tỏ vẻ ngạc nhiên về sự giải thích rành rẽ, có minh chứng ngọn nguồn rõ rệt, người đàn bà trả lời là do mạ tui kể lạị.

Mạ tui đó là một người con gái mồ côi cha lẫn mẹ từ lúc còn rất nhỏ ở làng Truồi, không biết nguồn gốc nhân thân của mình. Cô lớn lên tự nhiên như cỏ dại, một hôm nào đó đủ lớn khôn để tự nhận ra mình đang lang thang trôi dạt ở một bãi chợ làng. Cô gái cũng thấy sự khác biệt với những người khác trong làng về dáng vẻ bên ngoài và cách thức sinh hoạt, không hòa lẫn được với cộng đồng xung quanh. Tóc cô quăn xoắn, đen nhánh như than bùn, không mượt mà và nhung láng; nước da đậm màu và hai đồng tử tròn lớn, đen tuyền, không như những cô gái thuần Việt khác. Cách phát âm và âm sắc của cô gái cũng tạo một khoảng cách xa lạ với người trong vùng. Những khác biệt bẩm sinh này đã gạt cô ra ngoài lề của cuộc sống. Cô phải tự nuôi mình bằng cách nhận giặt áo quần thuê ở bến sông Truồi và trồng một vồng ớt ở vùng đất cát trống bên đập; thứ ớt nhỏ dân quê bản xứ cho cả trái vào miệng, xuýt xoa nhai cùng với thức ăn và nước mắt, nuốt xuống cổ họng cay xé cả cõi lòng, theo lời chị mô tả. 

Khi vừa được mười lăm tuổi, cô gái đó một hôm đã dùng kéo cắt ngắn những lọn tóc xoăn đến tận mang tai, một mình chống thuyền, vòng qua phá Tư Hiền, ngược dòng nước sông chảy về biển, tắp vào một bãi vắng trên tả ngạn sông Hương. Cô tự tay dựng một chiếc quán lá nhỏ, bắt đầu một cuộc sống mới, lẻ loi, trên một vùng đất khác, vĩnh viễn bỏ lại phía sau những dấu vết cuối cùng của cội nguồn tổ tiên. Cô gái sống như thế cho đến tuổi hai mươi, không một mối giao tiếp nào với người xung quanh, ngoại trừ những khách vạn đò thỉnh thoảng tạt vào quán uống chén nước chè đậm-chát-nhưng-hậu-vị-thanh-ngọt từ Truồi mang lên.

Vào một buổi chiều cuối đông, một người đàn ông cũng tóc quăn, đồng tử đen nhánh, hố mắt sâu, da xám đen đậm màu đất rừng, vai mang một chiếc até (gùi), từ trên thượng nguồn đi xuống, dừng trước quán xin một bát nước. Khi người con gái trao bát nước chè nóng cho khách, ngón tay cô chạm nhẹ vào mặt bàn tay tay to dày thô nhám của người đàn ông, một luồng điện truyền nhanh qua người cô, khiến cô giật mình suýt làm đổ bát nước trên tay.

Người đàn ông uống hết bát nước chè tươi, dùng tay trần chùi miệng, nói cám ơn với một âm sắc rất lạ, nhưng không quá xa lạ với cô chủ quán trẻ. Ông đưa mắt nhìn sâu vào cuối quán, nơi cô đặt chiếc bếp kiềng ba chân và chiếc giường tre, nói từng tiếng như phán là dưới chỗ cô gái đang nằm có sáu lọ tro cốt của tổ tiên mình. Cô lặng người nghe không phản ứng, nhưng sau đó đã khẩn khoản lưu người đàn ông ở lại qua đêm.

Người mẹ của chị không kể thêm nhiều chi tiết, nhưng kết quả của lần trú qua đêm tình cờ đó là sự ra đời của chị, mà theo lời người mẹ là để thực hiện trọn vẹn ý nguyện luôn luôn thôi thúc trong đầu bà: duy trì huyết thống của một bộ tộc hầu như đã hoàn toàn diệt vong.

***

Người mẹ qua đời khi người con gái vừa qua tuổi trưởng thành. Chị tiếp tục bán quán nước, dửng dưng với mọi sự xảy ra xung quanh. Một vài năm sau khi chiến trận trở lại yên tĩnh, chị đào khoảnh đất dưới chiếc giường tre và tìm thấy sáu chiếc lọ tro như người đàn ông đã nói, cùng với hai chiếc lọ đất nung đỏ chứa những thỏi vàng xưa chôn bên cạnh, nhưng không làm chị ngạc nhiên hay vui mừng. Chị âm thầm đọc những lời kinh cầu siêu bằng một thứ tiếng lạ do người mẹ tự sáng tác và đã dạy cho chị nhớ nằm lòng từ nhỏ. Sau đó, chị đem những lọ tro cốt đó cải táng trên một ngọn đồi vắng ở Dạ Lê, trông ra một vùng hồ lớn, hướng về dãy Trường Sơn ở phía xa.

Cuối mùa đông năm sau, người đàn bà lặng lẽ đốt chiếc quán lá vào nửa đêm, mang theo những thỏi vàng xưa, đón xe đò đi từng đoạn lên vùng cư ngụ của những sắc tộc thiểu số Vân-kiều, Rục, Pa-cô, Ta-ôih, Cơ-tu. Trong suốt mười năm ròng rã, chị hầu như đã đi suốt dãy Trường Sơn nơi những bộ lạc xa xưa vẫn còn sống sót, cùng họ tu bổ những gươl (nhà làng) và cha chấp, ba boji (dân ca) của từng vel (làng), mong phục hồi phần nào những biểu tượng của một cuộc sống sắp tàn lụi, nhưng thất vọng nhận ra rằng mình không thể đi ngược được thời gian để nối lại sợi dây huyết thống sắc tộc như mẹ chị mong muốn. Chị đành quyết định chuyển qua ngã rẻ khác trên con đường tìm về nguồn của mình qua ngã tâm linh, có thể ngắn và hy vọng nhiều hơn. Để tỏ lòng kiên trì đối với sứ mệnh thiêng liêng này, chị đã nguyện giữ tâm trí và thân thể trinh nguyên để dâng hiến cho tổ tiên, khi chị tìm ra nghi thức và cơ hội thích hợp để thông đạt trực tiếp với thần linh, tiền nghiệp của dân tộc Hời lạc lõng của mình.

Trong mấy chục năm sau đó, chị đã đi qua tất cả những nơi được đồn đoán còn tồn tại những cộng đồng còn sót lại của vương quốc Chàm xa xưa ở Huế, Hà Đông, quanh Hồ Hoàn Kiếm, Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì, Yên Sở. Chị đọc được ở đâu đó giả thuyết đạo Mẫu đã theo chân quân Việt tiến vào phương Nam, giao thoa, hòa trộn với tục thờ nữ thần của người Chàm, Khmer và Lào nguyên thủy, đã trở thành dạng thức thờ cúng phổ biến ở nhiều địa phương. Trong suốt một thời gian dài, chị đến tận nơi tìm tòi, chú tâm xem xét cách thức tế lễ của đạo Mẫu (Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải, Thiên Y Ana), dự lễ hội điện Hòn Chén (Huế), phủ Tây Hồ, đền Tam Quang phủ, đền Rừng, đền An Thọ, đền Bà Kiệu, đền Liên Hoa (Hà Nội), đền Lãnh Giang (ở Hà Nam), phủ Dầy, phủ Quảng Cung (Nam Định), đền Dâu, đền Quán Cháo, phủ Đồi Ngang, phủ Châu Sơn, đền Cô Đôi (Ninh Bình), và cuối cùng là ngôi đền giá đồng nhỏ ở khu phố cổ, nơi hai người đã tình cờ gặp nhau, như duyên nợ tiền định.

***

Có thể người đàn ông cũng đang tìm kiếm một cái gì đó, nhưng anh không đào bới, lật lên những lớp đất bồi dày qua nhiều thế kỷ và lôi lên kiếp sống bên dưới như một người khảo cổ, mà chỉ loay hoay tìm một điểm sáng ở phía trước để đẩy mình tới, cho đời mình bớt tối tăm, nhạt nhẽo và vô định. Trong cách suy nghĩ và sinh hoạt hằng ngày, anh thường cố gắng giữ tính độc lập, không theo một cliché nào để tránh bị buồn chán và ngập lụt trong phiền muộn, nhưng vẫn bị va vấp như một con kiến đang cố bám vào vách một chiếc hố đã giăng sẵn, đành trở lại tiếp tục loay hoay trong không gian giới hạn cố hữu và tự giam mình trong đó.  

Điều oái ăm là những phiền muộn này không như bụi hay mạng nhện bám vào thân thể hay cuộc đời của anh, đế anh có thể rũ bỏ hay gột rửa cho trôi tuột đi hằng ngày. Chúng như những chùm vi khuẩn gian manh, bám chặt vào máu, tỏa những mũi kim sắc nhiều cạnh chính vào những nơi nhạy cảm dọc sống lưng khiến anh tê liệt, đành phải dang tay đầu hàng.

Có lúc người đàn ông nghĩ là ánh sáng mặt trời có thể hà hơi tiếp sức cho tất cả những điều gọi là phiền muộn này nhân rộng ra như những con chuột thời gian, đã đến mức ngột ngạt. Anh đã đóng cửa, kéo màn, tập đi trong bóng tối. Sau những bước đi lần mò trong căn phòng kín đen đặc như có thể chạm tay vào, giác quan anh đã dần dần mở ra, tiếp xúc với một chiều không gian mới. Anh tưởng như mình đã nghe, thấy và cảm thấu được mùi vị của một cái gì rất lạ, nhưng không thể giải thích được. Anh nhận ra là mình không còn thấy cái bóng của chính mình nữa. Cả những cái bóng luôn luôn ngồi chễm chệ trên chiếc bàn thờ sơn son thiếp vàng, màn trướng che phủ quanh năm, giữa căn nhà vườn u tịch cũng không một lần xuất hiện trong giấc mơ hay ngày tháng hiện thực của anh.

Nhưng anh không thể lý giải được những hiện thực phổ biến của cuộc sống hằng ngày. Mỗi sáng thức dậy anh vẫn còn vương vấn với những câu hỏi của ngày hôm qua, lặp lại ngày hôm nay, và chắc chắn sẽ tái diễn vào ngày hôm sau. Anh cảm thấy hụt hẫng, như một cây đơn độc, chênh vênh trên một mỏm núi cao, không còn mối liên hệ nào gắn kết với dĩ vãng, hiện tại và tương lai thì chẳng thể dự liệu được. Ngày tháng của anh như một chiếc đồng hồ được treo cứng trên một bức tường đã gần như mục rữa, không xê xích một li phân, cũng không còn tạo những âm vang buồn thảm trong một không gian đã từng là nơi nối kết nhiều thế hệ của gia tộc.

***

Người đàn ông đã từng tốt nghiệp đại học sư phạm, khoa sử học và cũng đã dạy học một thời gian. Anh tự xem mình như một người Việt rất bình thường về tất mọi phương diện. Anh không cao, nhưng không thấp; không đẹp trai, nhưng không xấu xí; không thông minh, nhưng không ngu độn; không mạnh mẽ, nhưng không hèn yếu. Anh không xông xáo, hăng hái lao mình về phía trước như nhiều người đương thời; nhưng anh cũng không chờ đợi người khác dọn đường sẵn và cũng không muốn đạp lên thân xác của người khác để nắm bắt những cơ hội đang chờ, cho riêng mình. Đối với bất cứ chuyện gì, anh cũng áp dụng phương thức sống và hành động 50/50, không bao giờ vượt qua giới hạn đó. Anh không phải là một người thành đạt/thành danh như định nghĩa dân gian thông thường. Anh chỉ là một nguời đã sống qua bốn mươi năm một cách an lành, mặc dù xã hội xung quanh anh cuống cuồng lao tới trước như những mũi tên.

Cho đến một ngày nào đó bỗng dưng như anh thấy mất trọng lực hoàn toàn, cả thân thể và đầu óc bềnh bồng giữa một vùng không gian lạ lẫm, không mảy may dính líu gì đến gia đình và cuộc sống hiện tại của mình. Anh nghĩ, thật ra cái môn sử học người đời đang thờ ơ, rẻ rúng đó đã dạy anh một bài học chí tình, đáng giá là không bao giờ cho phép mình hoàn toàn lệ thuộc vào bất cứ một điều gì và bất cứ một ai, ngoại trừ người đàn bà đã sinh ra mình. Nhưng bây giờ thì mẹ anh đã mất, thì anh không còn lý do chính đáng nào để nằm im lìm chịu trận trong cái ma trận rắc rối như một tấm lưới nhện tiền kiếp đó nữa. Trong cơn bối rối và tuyệt vọng cùng cực, anh đã xin nghỉ dạy, ra máy ATM ở đầu đường rút nhiều lần số tiền anh đã dành dụm, từ biệt người cha suốt ngày ngồi tự thách đố mình với những mạch đối của những bài thơ Đường, khoác chiếc túi xách nhỏ lên vai, bước ra đường đi hoang vô định.

Nơi người đàn ông đến đầu tiên sau khi xuống xe lửa ở miền Bắc là khu phố cổ. Hằng ngày anh tự thả mình đi lạc trong không gian nhỏ, như một cái chậu trong suốt bị úp xuống của khu dân sinh dọc ngang những con đường ngắn cụt ngũn, những mái ngói cũ kỹ rêu phong và những bức tường sơn màu vôi vàng u ám. Hàng ngày anh đã nghe, thấy và cảm nhận một phong dáng tự mãn tích tụ từ hàng trăm năm, mong mình có lúc sẽ có thể tự hoà tan trong sự ứ đọng, không chuyển dịch của thời gian. Nhưng chính sự u tịch, rêu phong năm tháng và cuộc sống như chưa từng thay đổi trong không gian chật hẹp đó, đã nhấn sâu anh thêm vào cõi u uất, mê muội. Anh tiếp tục lang thang nhiều ngày, nghe và chứng kiến thêm nhiều cảnh đời, nhưng không ghi nhận, lưu giữ lại điều gì trong ký ức rỗng không của mình. Anh như một người đã được thay mới não bộ, nhưng tự mình muốn quên, không muốn nhớ, như một người tự nguyện đi bên lề cuộc sống.

Nếu không có sự tình cờ đã đưa đẩy anh đến ngôi đền nhỏ đầy mầu sắc đỏ vàng lòe loẹt và tiếng nhạc rộn ràng vào một buổi chiều lang thang không chủ đích, thì anh có thể đã chìm nghỉm một lần nữa trong cõi bất dịch, bất biến như ở quê nhà. Chính ở nơi đó, vào thời khắc không định trước, anh đã gặp người đàn bà cùng một tâm trạng, đến từ một cảnh giới khác. Đúng ra, là một thế giới không còn ai biết, hoặc đã hoàn toàn bị lãng quên, từ tiền kiếp.

***

Họ hẹn nhau ở sân ga Truồi, nơi người đàn bà đã trở về sau chuyến đi khá dài ở miền Bắc. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, họ đã hẹn gặp nhiều lần và đã kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện về mình, hàng giờ, cũng ở cái quán nhỏ ven hồ.

Mỗi sáng sớm khi mặt trời chưa lên, người đàn bà trầm mình hàng giờ dưới con sông Truồi, cho đến khi tấm liếp lá của cái quán nước nhỏ bên bờ sông được chống lên, bắt đầu một ngày mới. Mỗi lần như thế, chị thì thầm khấn vái, rồi nín hơi lặn xuống đáy sông, chọn một viên đá cuội bóng nhẵn, mang lên lau khô, rồi xếp cẩn thận vào trong một chiếc túi xách.

Người đàn bà tin rằng dòng nước sông Truồi (có tên chữ là Hưng Bình theo Đại Nam thống nhất chí) trong veo, khởi nguồn từ mưa trên trời đổ xuống dãy núi Bạch Mã nằm ở phía tây, đã được chắt lọc qua những tảng đá, khe núi, rừng bạt ngàn, và cỏ cây dọc theo đường chảy, đã gột rửa hết bụi trần, có thể giúp chị dọn mình trinh nguyên, chuẩn bị cho cuộc bệ kiến thần linh và tiền nhân, như trong ý nghĩ của chị nuôi dưỡng từ mấy chục năm nay.

Người đàn bà cũng thành tâm tin tưởng là những viên đá cuội đó, qua hàng ngàn năm, đã được những cơn mưa, những thác nước và con sông Truồi thầm lặng, kiên trì bào mòn, gọt dũa và xoa láng những vết thương sắc cạnh sau cuộc phân ly đau đớn từ lòng đá mẹ ở thượng nguồn, trước khi cùng các dòng sông khác cùng đổ về phá Tam Giang mênh mông. Những viên đá cuội ngậm ngùi nằm thu mình dưới đáy sông Truồi ở hạ nguồn chắc hẳn phải gói ghém phần tâm linh của mẹ (ca-may), luôn nung nấu một nỗi xót xa hướng về tổ tiên cội nguồn ngàn xưa.

Người đàn bà dự định sẽ cùng những viên đá cuội đã góp nhặt ngược dòng sông,làm cuộc hành trình tìm về cội nguồn và đã gửi lời nhắn qua điện thoại di động mời người đàn ông đồng hành, mặc dù anh không cùng nung nấu những ý nguyện thầm kín như chị.

***

Như tiền định, tình cờ họ gặp một người sơn tràng gìa có nưóc da ngăm đen, tóc xoăn, khuôn mặt vuông và giọng nói lơ lớ đang nằm vạ vật ở sân ga, tự nguyện dẫn đường cho chuyến đi tìm tảng đá thiêng tận trong núi xa như lời đồn đãi của cư dân trong vùng. Người sơn tràng kể rằng có đêm tảng đá tự tỏa sáng, có thể nhìn thấy từ hạ lưu sông Truồi, mặc dù đích thân ông chưa từng được mục kích. Cũng có người đi rừng ngậm ngãi tìm trầm lạc trong núi sâu, trở về với hình hài tơi tả, nguyện cạo trọc đầu ăn chay, nằm đất mấy mùa trăng để tạ ơn ngài thạch đã toát hơi ấm cứu họ khỏi bị chết cóng trong khí núi lạnh buốt giá ban đêm và không chết đói sau nhiều ngày trời, nhờ ăn những lớp rêu mọc quanh tảng đá.

Người đàn bà không quan tâm lắm về huyền thoại bao quanh tảng đá, có thể đã được dân gian thêu dệt hay thần thoại hóa cho thêm phần thi vị, nhưng chị tin rằng tảng đá đó có thể chứa đựng một phần hồn tồn tại qua hàng chục thế kỷ của một dân tộc xa xưa mà chị đang thao thức tìm về.  Chị quyết tâm tìm đến tảng đá đó để được nối kết liền mạch với tiền nhân, theo nghi thức tế lễ riêng của chị.

***

Từ ga Truồi họ băng qua con lộ lớn trải nhựa phẳng lì, kiên trì nối gót người sơn tràng đi suốt buổi sáng về hướng về dãy Trường Sơn, vẫn còn ẩn khuất sau một màn sương mây dày đặc. Khoảng giữa trưa, đoàn hành hương tìm về nguồn tạm nghỉ chân, ngồi chờ người dẫn đường ăn hết mấy xâu bánh bột lọc đã mua ở sân ga, rồi tiếp tục rẽ phải, nương theo một con đường dốc đi suốt buổi chiều, chỉ dừng lại theo tín hiệu của người đưa đường, khi mặt trời dần khuất sau rặng núi xanh thẳm.          

Người sơn tràng đặt chiếc gùi trên lưng xuống đất, lấy ra những chai nước được người đàn bà đong đầy từ giữa dòng sông Truồi, một chiếc trống con, một mảnh bạt và vài hộp thực phẩm loại mưu sinh thoát hiểm thông dụng cho người đi rừng. Ông chỉ tay về phía một tảng đá lớn, nổi lên đột ngột giữa một mặt phẳng toàn những lớp đá chập chùng và những lùm sim thấp rậm rạp, nói với một giọng thành kính:

‘Tui sẽ trở lại đón vào sáng sớm mai. Hai người cứ đi thêm môt đoạn ngắn nữa, rồi leo thêm một cái dốc cao thì tới ngài thạch. Tui thân phận nhỏ nhoi không tới gần ông thiêng được.

Người đàn ông đứng tần ngần nhìn theo, cho đến khi tấm lưng phẳng như một cánh phảng gỗ của ngưòi sơn tràng khuất hẳn sau con đường mòn phủ dày lau lách đang dần dần ngã sang màu xám nhạt hoàng hôn, rồi xách chiếc túi đến đứng cạnh người đàn bà. Người đàn bà đang đặt cả hai bàn tay trên mặt đá phẳng, nhẹ nhàng ấn những ngón tay gân guốc, miết dọc theo những sớ đá như xoa bóp một thân thể già nua. Chị nói trong tiếng thở dài:

“Anh có cảm thấy những tế bào của đá đang hồi sinh, nhịp tim phập phồng dưới bàn tay của tui không?”.

Chị áp sát mặt mình vào mặt đá, nước mắt ứa ra nhạt nhoà:

“Tui nghe rõ từng tiếng thở dài của tổ tiên vừa thức dậy sau hàng ngàn năm yên ngủ trong lòng đá. Các ngài vui chứng kiến cuộc đoàn tụ, nhưng đau xót vì cảnh điêu tàn của bộ tộc, của một vương triều an lạc một thời. Ôi dân tộc, tổ tiên khốn khổ của tui…”.

***

Người đàn ông lấy từ túi xách những cây nến bạch lạp, những phiến trầm cắt nhỏ và những viên sỏi từ đáy sông Truồi, cẩn thận xếp chung quanh tảng đá, trong khi người đàn bà mang hai chai nước sông Truồi tinh khiết và chiếc túi xách tay đi ra phía sau một lùm cây gần đó tẩy trần để sẵn sàng hiến dâng cho thần linh. Một lát sau, người đàn bà trở lại, mái tóc dài quăn từng lọn còn ướt, thả ra bồng bềnh trên những bước đi nhịp nhàng. Chị khoác một chiếc áo lụa màu tím phủ toàn thân có đính những hạt kim tuyến nhũ vàng óng ánh. Trong vừng ráng đỏ cuối chiều loang loáng dội lại từ rặng núi xa, tấm áo mỏng trở nên trong suốt, hiện rõ những đường nét của một thân hình chắc nịch, đậm đà.

Người đàn bà đứng lặng im trước tảng đá, chờ những cây bạch lạp được đốt lên. Những ngọn lửa nhọn như những mũi tên thẳng chĩa lên khoảng trời âm u. Hương trầm thơm nồng nàn tỏa ra ôm lấy vùng không gian đang thu hẹp lại trong bóng đêm dần dần phủ nhanh xuống từ bốn phía vách đá cao bao quanh. Chị ngồi xếp bằng trên mặt đá phẳng, phủ tấm áo che hai bàn chân, hai đầu ngón tay cái và ngón trỏ chụm lại, đặt trên đầu gối, theo thế bệ sen. Anh trăng vừa lên rỡ ràng đổ xuống những mảng sáng vàng, mềm như lụa mỏng trên thân thể chị.

Người đàn bà ngồi nhắm mắt định thần như ngừng thở, chỉ nghe tiếng gió hiu hắt thổi qua những lùm sim thấp xung quanh. Khoảng nửa giờ sau, người đàn bà từ từ đứng dậy, bắt đầu một điệu múa Aspara, hai đầu gối trì xuống thấp tạo thế chắc chắn, nhưng hai chân di chuyển yểu điệu trên mặt đá phẳng, những ngón tay tụm lại như ngó sen, khéo léo uốn éo toàn thân, theo nhịp hát lời Chàm của mình.  

Theo một thúc giục tự nhiên, người đàn ông lấy chiếc trống con từ túi xách, vỗ dồn dập theo nhịp ramthong trong các vũ điệu dân dã lam vong, lam lao, lam luang, phra-lak, phra-lam thường thấy trong lễ hội của các dân tộc vùng Nam Á.

Người đàn bà trải người nằm xuống trong tiếng trống vỗ giảm nhẹ dần. Mùi hương trầm toát ra từ thân thể chị bỗng tăng độ nồng nàn. Chị nằm thẳng người, hai tay đặt nhẹ nhàng trên bụng, tấm áo phủ tận gót chân. Trong sự yên vắng tột cùng của núi rừng thâm u, thời gian chững lại, như đã hóa thạch từ hàng ngàn năm. Tiếng râm ran của côn trùng cũng ngừng hẳn. Cỏ cây lặng yên, hòa lẫn trong ánh trăng.

Người đàn ông chăm chú nhìn người đàn bà đang nằm im lìm trên tảng đá, bỗng dưng một tia sáng đột ngột từ vùng trời đêm trên cao phóng xuống trước mặt anh. Từ mặt đá bốc lên một màn khói lung linh, rồi phát sáng như tạo ảo giác. Toàn thân người đàn bà như được một luồng hơi nóng đánh thức bất chợt cử động từng phần, rồi phần dưới thân thể chị tự nâng cao lên khỏi mặt đá, trong tư thế hứng trọn nguồn tạo sinh vô hình đang ào ạt trút vào. Hai bắp đùi rắn rỏi của chị rung lên bần bật, rồi cả cơ thể chị duỗi ra, bất động.

Trong thoáng chốc, người đàn ông rơi vào một thế giới khác, như trong cơn mê. Mắt anh nhòa ra, mơ hồ chứng kiến thân thể người đàn bà từ từ được nhấc bổng lên khỏi mặt đá, rồi lặn nhanh vào trong 'tảng đá thiêng', như có sức hút từ một sức mạnh siêu nhiên. Người đàn ông chợt rùng mình, toàn thân lạnh giá, gập hai đầu gối, rập đầu xuống đất vái lạy tảng đá, rồi ngã ra bất tỉnh trong cơn hỗn mang vô thức.

Sáng sớm hôm sau người sơn tràng già trở lại như đã hẹn, thấy người đàn ông còn nằm ngủ say trước tảng đá, vẻ mặt bình yên, thư thái.

Ông không thấy bóng dáng của người đàn bà, chỉ thấy chiếc áo lụa dài mỏng có đính những hạt kim tuyến vàng, nằm phủ trên tảng đá thiêng.

2015