Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Hai giải Nobel văn chương và những chuyện bên lề

Trần Doãn Nho

Một năm: hai giải Nobel văn chương

Trong số bảy khuôn mặt văn chương mà người ta dự đoán sẽ đoạt giải Nobel năm nay, Maryse Condé (Pháp/Guadeloup), Lyudmila Ulitskaya (Nga), Olga Tokarczuk (Ba Lan), Ngũgĩ wa Thiong’o (Kenya), Can Xue /Tàn Tuyết (Trung Hoa), Margaret Atwood (Canada) và Anne Carson (Canada), có một người được Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn, đó là Olga Tokarczuk, nhưng điều hơi trái khoáy là chọn cho giải Nobel năm ngoái, 2018. Giải 2018 bị tạm đình chỉ vì một vụ tai tiếng lạm dụng tình dục, gian lận tài chánh và tiết lộ tin tức dính líu đến ông Jean-Claude Arnault, người chồng Pháp của bà Katarina Frostenson, một thành viên của Ban Giám Khảo giải, khiến bà và 6 thành viên khác phải từ chức, còn ông Arnault thì ngồi tù. Trong lúc đó, giải Nobel văn chương năm nay (2019) được trao cho một khuôn mặt khác, hoàn toàn bất ngờ, đó là Peter Handke, nhà văn Áo. Handke nhận được tin vui khi đang ở nhà, còn Tokarczuk thì nhận tin khi đang lái xe trên đường đi du lịch ở Đức. Cả hai đều tuyên bố chấp nhận giải.

Hai nhà văn, một nam, một nữ, đều xuất thân từ vùng Trung Âu (Central Europe), nhưng khác nhau về chính kiến: Olga Tokarczuk có xu hướng tự do, tả khuynh trong lúc Handke có xu hướng hữu khuynh. Cả hai, kẻ ít người nhiều, đều gặp phải những phản ứng không mấy thuận lợi khi giải được Hàn Lâm Viện chính thức loan báo vào cuối tuần lễ vừa qua.

image

Tranh cãi: mũi dùi nhắm vào Peter Handke

Giải Nobel văn chương, từ lâu, một khi được công bố, thường gây ra tranh cãi, đến nỗi, điều này đã thành truyền thống. Có lẽ do tiếng tăm của nó lớn quá, mà sự chọn lựa lại nằm trong tay của một nhóm nhỏ người thường có quan điểm không mấy trùng hợp với quá nhiều người mang theo quá nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều nhà văn, nhà thơ vốn dè bỉu giải, cho rằng nó chẳng mang thêm giá trị gì cho nền văn chương thế giới, thậm chí còn có hại, vì đã nhiều lần được trao cho những người chẳng có tiếng tăm gì, mà phẩm chất văn chương cũng xoàng xĩnh. Ấy vậy mà khi thấy có người đoạt giải thì cũng lên tiếng khen, chê này nọ khá rộn ràng. Lần này cũng thế, trông bộ còn lùm xùm hơn. Thay vì nghe những lời bàn tán, xưng tụng, vui mừng và tìm đọc, thì giải Nobel vừa loan báo đã gây ra tranh cãi, làm thất vọng những người hăm hở trông chờ nghe ngóng tin vui, đồng thời làm lu mờ thành quả văn chương của những người đoạt giải. Năm nay, Hàn Lâm Viện Thụy Điển bị phê phán là đã bội ước trên hai “mặt trận”: bội ước với lời cam kết ít “thiên Âu Châu” (Eurocentric), vì hai kẻ đoạt giải đều là người Âu châu; và bội ước với lời hứa phục hồi uy tín của Viện bằng cách chọn lựa những người vừa có tài năng văn chương và vừa đáp ứng những chuẩn mực đạo đức căn bản, vì Peter Handke có quan điểm chính trị sai trái.

Phản ứng về việc chọn lựa Peter Handke phải nói là khá dữ dội từ cả văn giới, báo giới giới lẫn chính giới. Nhà văn Jennifer Egan, chủ tịch Hội Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America), trong một bản lên tiếng nhân danh tổ chức, phê phán rằng, “Chúng tôi chết lặng người khi hay tin nhà văn được chọn lựa là một người đã sử dụng tiếng nói của mình để cắt xén sự thật lịch sử và lên tiếng công khai hỗ trợ cho những thủ phạm diệt chủng, như cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và Radovan Karadzic, lãnh tụ người Serb Bosnian. Vào thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc, sự lãnh đạo chuyên quyền và tin tức ngụy tạo đầy dẫy đang trỗi dậy trên toàn thế giới, cộng đồng văn chương đáng được hưởng một cái gì tốt hơn thế này. Chúng tôi vô cùng hối tiếc về sự chọn lựa giải văn chương của Ủy Ban Nobel.” Nhiều nhà văn nổi tiếng cũng lên tiếng chỉ trích. Salman Rushdie lập lại lời lên án 20 năm trước, khi cho rằng Handke là một “kẻ thoái hóa quốc tế” (international moron) vì sự biện hộ cho chế độ diệt chủng Slobodan Milosevic của Nam Tư. Jonathan Littell, nhà văn Hoa Kỳ-Pháp, gọi Handke là “một nghệ sĩ lớn, nhưng với tư cách con người, ông là kẻ thù của tôi.” Alain Finkielkraut, triết gia Do Thái-Pháp, gọi Handke là một “quái vật ý thức hệ” (ideological monster). Nhà văn Hari Kunzru (Ấn Độ-Anh), người dạy tác phẩm của Handke cho sinh viên, thì mỉa mai, “Ông ta là một nhà văn xuất sắc vì đã ‘kết hợp được cái nhìn thấu suốt với sự mù lòa đạo đức’.”

Ngoài ra, đi xa hơn, hội các Bà Mẹ Srebrenica (Mothers of Srebrenica association) đã lên tiếng kêu gọi Hàn Lâm Viện Thụy Điển tước bỏ giải Nobel của Handke vì ông ta là người đã “gây căm thù và dối trá”

khi ủng hộ những kẻ đã tàn sát người Hồi giáo vào cuối thế kỷ 20 ở Srebrenica, Bosnia. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, bản kiến nghị trực tuyến đã nhận được hơn 20 ngàn chữ ký.

Được hỏi về những phản ứng tiêu cực này, ông Mats Malm, thành viện và tổng thư ký thường trực của Viện, cho rằng Viện đã lựa chọn “dựa trên nền tảng văn chương và thẩm mỹ” (…) “Viện Hàn Lâm không có nhiệm vụ cân bằng giữa giá trị văn chương và thiên kiến chính trị.” Ông thừa nhận là có những vấn đề xoay quanh việc chọn lựa Handke, vì những phát biểu gây ra những tranh cãi của ông, “tuy nhiên ông ta không hề được xem như một nhà văn dấn thân hiểu theo nghĩa của Sartre và ông ta chẳng hề có một dự định chính trị nào cả.” Một thành viên khác của Viện, Anders Olsson, thì phát biểu với báo “Dagens Nyheter” rằng giải Nobel là “một giải văn chương, không phải là một giải chính trị, và dựa trên các giả trị văn chương mà chúng tôi cứu xét việc trao giải.” Ông cho biết là Ban Giám Khảo của giải cũng đã thảo luận về ý nghĩa chính trị và chuyện gây ra tranh cãi, nhưng rồi “chúng tôi đi đến kết luận rằng những điều đó không thể hướng dẫn cuộc thảo luận của chúng tôi về sự chọn lựa.”

Nhiều người không chấp nhận sự biện giải này. Trong bài viết “The Light and the Darkness of This Year's Literature Nobel”, Rafia Zakaria (CNN) quy lỗi cho Ủy Ban Nobel là đã không thừa nhận sự gắn bó giữa phẩm tính văn chương và chuẩn mực đạo đức. Tác phẩm của Handke tiêu biểu rất rõ cho xu hướng hữu khuynh của một Âu châu đang chia rẽ, thứ xu hướng tìm cách làm sống lại quá khứ bằng cách xâm phạm người khác, thành kiến với phụ nữ, chống người thiểu số và đặc biệt là chống di dân. Trong khi chọn lựa tặng giải cho cả hai, Ủy Ban đã “chứng tỏ họ không đưa ra một sự công bằng tương xứng về mặt đạo đức.” Trong một bài viết khác, “Congratulations, Nobel Committee, You Just Gave the Literature Prize to a Genocide Apologist” (Guardian), Peter Maass cho rằngPeter Handke có quyền tin tưởng những gì ông ta muốn tin, dối trá chừng nào ông ta muốn dối trá, nhưng các giám khảo của Ủy Ban Nobel đã có một quyết định sai lầm, một quyết định sẽ “phá hủy giải thưởng của họ.”

Không phải đến khi được trao giải Nobel, Handke mới bị đem ra chỉ trích. Là một nhà văn trực tính, ăn ngay nói thẳng, ông thường phát biểu ý kiến của riêng mình, bất chấp những lời đàm tiếu. Đã thế, về phương diện chính trị, ông là người có xu hướng cực hữu, hoàn toàn đứng về phía nước Serbia trong cuộc chiến tranh Nam Tư (Yugoslav Wars).[1] Handke đứng ra bênh vực Slobodan Milosevic, cựu tổng thống Nam Tư và Serbia đồng thời từng phủ nhận vụ tàn sát người Hồi giáo trong cuộc chiến tranh và so sánh số phận của người Serbia với số phận của người Do Thái trong thời kỳ Holocaust. Handke đi thăm Serbia và viết một loạt bài vào năm 1996, sau được in thành sách, “A Journey to the Rivers: Justice for Serbia”, lên án truyền thông phương Tây đã tô vẽ những người Serbia như ác quỷ. Đã thế, ông còn đến phát biểu tại tang lễ của tổng thống Slobodan Milosevic, khi ông này chết trong tù vào năm 2006. Thái độ bênh vực nhiệt tình đó đã khiến ông được mệnh là “người biện hộ cho tội diệt chủng” (genocide apologist). Năm 1999, ông trả lại giải Buechner uy tín của Đức để phản đối vụ NATO oanh tạc Belgrade (Nam Tư) và bị bắt phải từ chối một giải thưởng khác của Đức, giải Heinrich Heine. Khi ông đến Na Uy để nhận lãnh giải International Ibsen, năm 2014, thì bị những người phản đối gọi là “tên phát xít.”

Handke cũng đã từng gây bực hội cho Ủy Ban Nobel khi kêu gọi nên bãi bỏ giải này. Phát biểu với tờ báo Áo Die Presse năm 2014, Handke gọi Nobel văn chương là một sự “phong thánh làm lẫn” (false canonization), chỉ gây “chú ý được một lúc cùng với một bảng thông báo dài 6 trang giấy đăng trên nhật báo”. Phát biểu này đã được SlaVoj Zizek, triết gia Slovakia, sử dụng để mỉa mai Handke khi cho rằng trao giải Nobel cho Handke năm nay đúng là một “phong thánh sai lầm.” Triết gia này khẳng định, “Nước Thụy Điển hôm nay đã trao giải cho một tay biện hộ cho những tội ác chiến tranh trong khi xứ sở này lại tham dự hoàn toàn vào một cuộc ám sát nhân cách của người anh hùng thật sự của thời đại chúng ta là Julian Assange. Phản ứng của chúng tôi là: không nên trao giải văn chương cho Handke mà là trao giải hòa bình cho Assange.”[2]

Vào tối thứ Ba, ngày 15/10/19 tại thành phố quê nhà của mình, Griffen, Áo, phát biểu lần đầu tiên với Tổ Hợp Truyền Thông Áo (Austrian Broadcasting Corporation, ORF) kể từ khi đoạt giải Nobel, Handke cho biết là ông đã tiếp cả 50 ký giả tại vườn nhà ông. Ông than phiền rằng họ đã dồn dập tấn công ông với những câu hỏi về quan điểm chính trị liên quan đến lập trường của ông về cuộc chiến tranh Yugoslav mà không hề hỏi gì về các tác phẩm của ông. Theo Handke, họ chỉ hỏi những câu hỏi đại loại là thế giới phản ứng như thế nào về việc đoạt giải Nobel của ông. “Toàn là phản ứng, phản ứng với phản ứng. Là một nhà văn, tôi xuất phát từ Tolstoy, từ Homer, từ Cervantes. Hãy để cho tôi bình an và xin đừng hỏi tôi những câu hỏi như thế .” Ông tuyên bố là “sẽ không bao giờ” nói chuyện với các ký giả nữa.

Olga Tokarczuk cũng không được yên

Trong khi Peter Handke bị lên án không tiếc lời thì có vẻ như Olga Tokarczuk được yên thân hơn để hưởng niềm vui thắng giải. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ nhật báo Ba Lan Gazeta, bà cho biết rất hạnh phúc khi đoạt giải cùng với ông Handke. “Tôi đánh giá ông ấy rất cao.” “Thật tuyệt vời khi Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã đánh giá cao nền văn chương vùng Trung Âu, nơi mà cả hai chúng tôi cùng gắn bó.”

Nhưng không hoàn toàn như vậy. Theo Marc Santora and Joanna Berendt trong một bài viết trên New York Times, đoạt được giải Nobel thường là một vinh hạnh quốc gia, nhưng ở Ba Lan, quê hương của Olga Tokarczuk, tin bà đoạt giải lại đưa đến sự chia rẽ. Đối với một số, bà là một cây bút tài hoa nắm bắt được một Ba Lan bi kịch và đầy cảm hứng của thế kỷ 20; việc bà đoạt giải là cơ hội để Ba Lan được ngẩng mặt lên với thế giới. Chẳng hạn như Donald Tusk, người Ba Lan, đương kim Chủ Tịch Hội Đồng Châu Âu và là một nhà chỉ trích chính quyền Ba Lan, quả quyết rằng ông đã đọc bà từ đầu cho đến cuối; ông rất vui mừng và hãnh diện khi bà đoạt giải. Trong lúc đó, đối với một số người khác, thì bà là một kẻ phản bội. Rafal Ziemkiewicz, một ký giả hữu khuynh, chỉ trích gắt gao bà, cho rằng đám tả khuynh phương Tây sẽ lợi dụng giải thưởng như là một vũ khí chống lại chính phủ đương nhiệm và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan. Riêng Bộ trưởng Văn Hóa Ba Lan, Piotr Glinski, thì chọn một thế đứng trung dung hơn. Khi được hỏi về văn chương của bà, ông nói rằng tôi không đọc nổi, nhưng lại lên tiếng ca ngợi khi bà đoạt giải, cho rằng văn chương Ba Lan đã được thế giới biết đến.

Khác hẳn với Handke, Olga là một nhà văn tả khuynh. Ngoài vai trò nhà văn, bà còn là một nhà hoạt động xã hội, nhà bất đồng chính kiến, ủng hộ tiến bộ, tự do, nữ quyền và môi sinh. Bà ca ngợi một xã hội Ba Lan đa chủng, chấp nhận di dân trong lúc chính phủ lại cho rằng những di dân là mối nguy hiểm của quốc gia, chẳng khác mấy với ông tổng thống Trump của Hoa Kỳ. Bà lên tiếng ủng hộ đồng tính luyến ai trong khi các lãnh tụ chính trị lại cho đó là tại họa của gia đình. Bà nhiều lần lên tiếng cảnh cáo tham vọng của một số chính trị gia Ba Lan muốn xóa bỏ những thời điểm đen tối trong lịch sử Ba Lan, lúc mà Ba Lan hành xử như những kẻ thực dân, đàn áp dân thiểu số, sở hữu nô lệ và giết hại dân Do Thái. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược lại với chính phủ hữu khuynh Ba Lan hiện tại do đảng Luật Pháp và Công Lý lãnh đạo (Law and Justice) và những phần tử cực hữu. Họ cho rằng bà đã vu khống đất nước Ba Lan và dán cho bà nhãn hiệu “targowiczamin” (kẻ phản bội). Không những thế, bà còn bị dọa giết, khiến có lúc, nhà xuất bản phải thuê vệ sĩ để bảo vệ bà sau khi bà phê phán chính phủ Ba Lan đã phạm những “tội ác khủng khiếp” (horrendous acts).

Cả hai đều là những tài năng

Không phê phán, chỉ trích ồn ào như trên, Fiammetta Rocca, thông tín viên văn hóa của tạp chí The Economist đồng thời là thành viên ban điều hành giải Booker, cho rằng cả hai nhà văn đều là những tài năng hiếm có và nên được xem như “cùng ngữ cảnh” (in context together). Theo ông, rõ ràng là họ quá khác nhau về văn phong nhưng họ viết về những vùng đất, về những người có ký ức, làm chủ ký ức (owns memory), về nhu cầu kể chuyện của con người. Olga Tokarczuk dĩ nhiên được mọi người yêu mến chỉ trừ những kẻ cực hữu Ba Lan trong lúc Peter Handke không được mọi người yêu mến, chỉ trừ phe nhóm của những kẻ phò Slobodan Milosevic. Nhưng cả hai đều được ngưỡng mộ vì công trình của họ, vì trí tưởng tượng của họ, vì cách sử dụng ngôn ngữ của họ. Có nhiều cái gắn liền họ với nhau hơn là tách biệt, cũng theo Fiammetta Rocca.

Olga Tokarczuk, một nhà văn, nhà hoạt động và trí thức nổi tiếng, sinh năm 1962 tại Sulechów, Ba Lan, hiện đang sống ở Wroclaw. Bà bắt đầu viết văn từ lúc còn rất trẻ. Cha mẹ bà đều là nhà giáo, cha làm việc trong thư imageviện nhà trường. Nhờ thế, bà hầu như đọc tất cả mọi thứ mà bà có thể có được lúc còn thơ ấu.

Tác phẩm đầu tiên của bà xuất hiện trên văn đàn vào năm 1993 là Podróz ludzi Księgi (Journey of the People of the Book/Hành trình của Người Sách), một loại truyện ngụ ngôn hiện đại lấy bối cảnh của thế kỷ thứ 17 ở Pháp và Tây Ban Nha, nói về chuyến du hành của cuốn sách thần bí và tình yêu vĩ đại của hai nhân vật chính đi tìm sách trong dãy núi Pyrenees. Bà bắt đầu nổi tiếng với tác phẩm thứ ba xuất bản năm 1996, truyện dài “Prawiek i inne czasy” (Primeval and Other Times/Thời nguyên thủy và những thời đại khác), mô tả một chuyến phiêu lưu gia đình gồm nhiều thế hệ kế tiếp nhau diễn ra trong một khung cảnh hoang đường, pha trộn với những chi tiết hiện thực sống động. “Primeval and Other Times” được xem như là một tác phẩm văn xuôi thần thoại vĩ đại của Ba Lan, viết về một ngôi làng tưởng tượng, nơi thu nhỏ của thế giới và cũng là nơi mà mọi vui, buồn của nhân loại hội tụ vào nhau. Bằng cách sử dụng những giai đoạn gãy khúc của lịch sử, bà xây dựng nên một huyền thoại kết nối tất cả biến cố lịch sử vào với nhau. Qua truyện này, Tokarczuk “tìm thấy cảm hứng từ những tấm bản đồ và góc nhìn từ trên cao, khiến ta tìm thấy trong cái vũ trụ thu nhỏ một tấm gương phản chiếu vũ trụ to rộng bên ngoài,” theo nhận xét của Ban Giám Khảo Hàn Lâm Viện.

Tác phẩm hàng dầu của bà là một truyện dài lịch sử, The Books of Jacob (Kinh sách của Jacob), kể lại câu chuyện về lãnh tụ của một hệ phái Do Thái giáo thế kỷ 18 mà tín đồ xem như một Đấng Cứu thế, lại bị bắt buộc phải thuyết phục tín đồ của mình cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Tác phẩm này đoạt giải Nike, một giải văn chương có uy tín của Ba Lan tương đương với giải Booker của Anh, nhưng đồng thời cũng gây ra chỉ trích ở Ba Lan vì đề cập đến một giai đoạn đen tối trong lịch sử Ba Lan. Năm rồi (2018), bà là người Ba Lan đầu tiên đoạt giải Man Booker International Prize cho truyện dài “Flights” (Những chuyến bay). Truyện đề cập đến chuyện du hành trong thế kỷ 21 diễn ra trong khung cảnh biên giới và hiện tượng xuyên biên giới. Qua tác phẩm này, bà “có ý muốn thu tóm nhiều góc nhìn mâu thuẫn nhau vào trong một toàn thể thống nhất.” Vì thế, bà đưa vào những tấm bản đồ và tranh vẽ cũ xưa nhằm truyền đạt ấn tượng của một bộ bách khoa rộng lớn, phản ảnh một thế giới luôn luôn ở trong chuyến bay hằng cửu,” theo Ban Giám Khảo.

Nói chung, với sở trường về nghệ thuật kể chuyện, văn của bà vừa gây cảm xúc vừa đầy kiến thức và có chiều sâu triết lý. Bà phát biểu, “Với tôi, viết truyện dài là kể một câu chuyện thần tiên cho chính mình, dịch chuyển đến tuổi trưởng thành.” Mặt khác, là một nhà tâm lý học và say mê phân tâm học của Carl Jung,[3] bà có “một cái nhìn thấu suốt độc đáo khi đi sâu vào tâm lý của một nhân vật. Văn của bà đầy nhịp điệu, trong sáng, trữ tình, đó là thứ văn phong có mục đích ‘tái sáng tạo câu chuyện bằng cách nối lại những đoạn gãy khúc của câu chuyện,’ theo nhận xét của Jennifer Croft, người từng dịch hai truyện dài của bà sang Anh Văn.

Theo nhận xét của Ban Giám Khảo Hàn Lâm Viện, Olga Tokarczuk đoạt giải vì “lối viết đầy tưởng tượng, bằng một sự đam mê uyên bác, tiêu biểu cho một hình thức sống xuyên biên giới.” Các tác phẩm của bà “tập trung vào chuyện di dân và dịch chuyển văn hóa”, theo đó, dịch chuyển xuyên biên giới được xem như là như một cung cách sống. Phát biểu trên đài truyền hình Ba Lan, bà cho rằng truyện dài là “cách truyền đạt xuyên biên giới, xuyên ngôn ngữ, xuyên văn hóa sâu xa nhất.” Cũng theo Ban Giám Khảo giải, Olga Tokarczuk "không bao giờ xem hiện thực là thứ gì đó ổn định hay vĩnh cửu. Bà xây dựng tiểu thuyết của mình trong sự căng thẳng của những xung đột văn hóa, giữa tự nhiên và văn hóa, lý trí và điên rồ, nam và nữ, thân thuộc và chia lìa."

Ngoài truyện dài, Olga Tokarczuk còn xuất bản thơ và những tác phẩm văn xuôi khác. Công trình của bà được đền đáp xứng đáng: bà là người thành công nhất cả về văn chương lẫn thương mại so với những người cùng thế hệ với bà.

Peter Handke, nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ và viết tiểu luận tiền phong, sinh năm 1942 tại Griffen, Áo. Mẹ là người gốc thiểu số đến từ Slovakia, một nước nhỏ vùng Trung Âu (Central Europe), cha người Đức, nhưng sống từ nhỏ với cha ghẻ và mang theo họ của cha ghẻ. Ông theo học luật ở đại học Graz, cộng tác với tạp chí văn chương tiền phong Manuskripte trong thời gian còn là sinh viên. Vài năm sau, ông bỏ học, khi tác phẩm đầu tiên của ông, truyện dài “Die Hornissen” (The Hornets/Những con ong bắp cày) được xuất bản vào năm 1966. “The Hornets” là một truyện thực nghiệm hư cấu (experimental fiction), trong đó, nhân vật chính hồi tưởng từng đoạn gãy khúc ở một truyện dài khác. Sau đó, ông cho xuất bản và trình diễn vở kịch “Offending the Audience” (Xúc phạm khán giả). Vở kịch có 4 nhân vật đối thoại với nhau, phân tích bản chất của sân khấu kịch nghệ trong cả tiếng đồng hồ, rồi lên tiếng sỉ nhục khán giả và ca ngợi cung cách trình diễn của họ, nhằm tạo ra nhiều phản ứng khác nhau từ khán giả.

Hai tác phẩm đầu tiên đó là bước đầu ghi dấu ấn văn chương của Handke vào văn giới. Hơn 50 năm tiếp theo sau, với một số lượng tác phẩm đạt đến con số gần cả 100 với nhiều truyện dài, truyện ngắn, tạp ghi, hồi ký, tự truyện, kịch và kịch bản phim, ông trở thành một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn ở Âu Châu sau thế chiến 2 và là một trong những tác giả được đọc và thưởng thức nhiều nhất trên thế giới. Là ngòi bút tiền phong chịu ảnh hưởng của Kafka, Samuel Beckett lẫn imageWilliam Faulkner, và với cả trào lưu Tân Tiểu Thuyết của Pháp, ông được đánh giá là một trong những nhà văn viết bằng tiếng Đức kích thích suy nghĩ nhất và là một trong những nhà văn hư cấu đương đại có ảnh hưởng kéo dài trong suốt mấy thập niên. Các tác phẩm của ông mô tả nỗi lo âu, xao xuyến không thể truyền đạt và không thể giao tiếp trong thời hiện tại. Đề tài ưu thế của ông là chứng minh rằng hiện thực đời sống và ngôn ngữ bình thường hàng ngày cùng với trật tự hữu lý kèm theo chúng, lại tạo ra một hiệu ứng kềm hãm trên tinh thần con người vốn bị chi phối bởi sự phi lý, mơ hồ và đôi khi điên loạn tiềm ẩn bên trong.

Về truyện dài, nổi tiếng nhất là hai truyện, một là “Die Angst des Tormanns beim Elfmeter” (The Goalie’s Anxiety at the Penalty Kick/Nỗi xao xuyến của Goalie lúc đá cú phạt đền), xuất bản vào năm 1970. Đó là một câu truyện giật gân, mô tả một cầu thủ bóng đá phạm tội giết người một cách vô nghĩa và rồi đợi chờ cảnh sát đến bắt đi; và hai là “Die linkshändige Frau” (The Left-Handed Woman/Người đàn bà thuận tay trái) xuất bản năm 1976; truyện diễn tả thái độ vô cảm, lạnh lùng một bà mẹ trẻ đối phó với cảm giác lạc lõng sau khi ly thân với chồng. Một tác phẩm cũng rất nổi tiếng khác là tập tự truyện “Wunschloses Unglück” (A Sorrow Beyond Dreams/Nỗi đau buồn vượt quá giấc mơ) ghi lại ký ức về người mẹ quá cố (tự tử) của ông,

Về kịch, ông còn viết nhiều vở kịch, trong đó, nổi tiếng nhất là: Kaspar (1968), The Ward Wants to Be Guardian (Đứa bé được giám hộ muốn trở thành người giám hộ), The Ride Across Lake Constance (Đi qua hồ Constance); và nhiều kịch bản phim truyền thanh và truyền hình: Wings of Desire (Đôi cánh khát khao), The Absence (Văng mặt).

Theo nhận định của Bam Giám Khảo Hàn Lâm Viện, tác phẩm của ông là “một công trình đầy thuyết phục, bằng sự tinh tế ngôn ngữ, đã thăm dò vùng ngoại biên và tính cách đặc trưng của kinh nghiệm nhân sinh.” Chúng “chứa đầy một khát khao mạnh mẽ muốn khám phá và mang những khám phá của mình vào đời sống bằng cách tìm ra những lối diễn đạt văn chương mới.” Ngoài ra, tác phẩm của ông có đặc điểm của một “tinh thần phiêu lưu mạnh mẽ, nhưng đồng thời đi cùng với tình hoài hương.” Điều này có thể tìm thấy trong vở kịch “Über die Dörfer” (Walk About the Villages/Đi lang thang trong làng quê) và đặc biệt trong truyện dài Die Wiederholung (Repetition/Tái diễn), nơi nhân vật chính Georg Kobal trở về thăm lại quê hương gốc của bà mẹ mình. Ban Giám Khảo cũng nêu bật một nét đặc thù của nghệ thuật Peter Handke, đó là “sự chú ý đặc biệt đến phong cảnh và sự hiện diện vật chất của thế giới, cái đã khiến khiến điện ảnh và hội họa trở thành hai nguồn cảm hứng lớn nhất của ông.” Cùng lúc đó, văn của ông cho thấy một sự truy tìm ý nghĩa hiện sinh không ngừng nghỉ. Do đó, lang thang và di trú là cách hoạt động chủ yếu của ông. Điều này xuất hiện trong tiểu thuyết Langsame Heimkehr (Slow Homecoming/Chầm chậm về nhà), được xem như bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của ông,” cũng theo nhận định của Ban Giám Khảo.

TDN

(Oct 14/2019)

___________________________________________

Tham khảo:

1. New York Times:

https://www.nytimes.com/2019/10/10/books/nobel-literature.html

2. New York Times:

https://www.nytimes.com/2019/10/10/world/europe/for-poland-nobel-prize-in-literature-is-cause-for-conflict-as-much-as-congratulation.html

3. The Guardian:

https://www.theguardian.com/books/2019/oct/10/nobel-prizes-in-literature-olga-tokarczuk-peter-handke-2019-2018

4. BBC:

https://www.bbc.com/news/entertainment-arts-49976107

5. CNN:

https://www.cnn.com/style/article/nobel-prize-literature-2019-intl/index.html

6. The light and the darkness of this year's literature Nobel, Rafia Zakaria

https://www.cnn.com/2019/10/10/opinions/nobel-prize-in-literature-outrage-zakaria/index.html

7. Peter Handke’s Nobel Literature Prize win sparks outrage, Blance Britton

https://www.cnn.com/2019/10/11/europe/peter-handke-nobel-prize-criticism-intl-scli/index.html

8. Prix Nobel de littérature : Olga Tokarczuk et Peter Handke récompensés

https://www.france24.com/fr/20191010-prix-nobel-litterature-2018-2019-olga-tokarczuk-peter- handke-recompenses

9. Olga Tokarczuk et Peter Handke, lauréats des prix Nobel de littérature 2018 et 2019

https://www.lemonde.fr/culture/article/2019/10/10/olga-tokarczuk-et-peter-handke-laureats-des-prix-nobel-de-litterature-2018-et-2019_6014977_3246.html

10. Congratulations, Nobel Committee, You Just Gave the Literature Prize to a Genocide Apologist, https://theintercept.com/2019/10/10/congratulations-nobel-committee-you-just-gave-the-literature-prize-to-a-genocide-apologist/

11. A troubling choice': authors criticise Peter Handke's controversial Nobel win

https://www.theguardian.com/books/2019/oct/10/troubling-choice-authors-criticise-peter-handke-controversial-nobel-win?CMP=share_btn_link

12. https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2019/bio-bibliography/

13. Mothers of Srebrenica call for Handke's Nobel prize to be revoked

https://www.aljazeera.com/news/2019/10/mothers-srebrenica-call-handke-nobel-prize-revoked-191011151355728.html

14. https://www.britannica.com/biography/Peter-Handke

15. Wikipedia: Peter Handke và Olga Tokarczuk

16. The Nobel Prize:

https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2019/bio-bibliography/

&

https://www.nobelprize.org/prizes/literature/2018/bio-bibliography/

17. Peter Handke hits out at criticism of Nobel win

https://www.theguardian.com/books/2019/oct/16/peter-handke-hits-out-at-criticism-of-nobel-win



[1] Cuộc chiến tranh Nam Tư là một chuỗi những cưộc tranh chấp, nổi loạn vũ trang, giành độc lập diễn ra từ năm 1991 đến 2001, đưa đến sự tan rã của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Nam Tư (The Socialist Federal Republic of Yugoslavia), trong đó, cuộc chiến tranh Bosnia (1992-1995) dẫn đến cuộc tàn sát và thanh lọc chủng tộc chống lại những người Hồi giáo Bosnia của người Serbia, mà hai nhân vật bị lên án tội phạm chiến tranh là Slobodan Milosevic, tổng thống Serbia và Radovan Karadžić, tổng thống nước Cộng Hòa Srpska.

[2] Julian Assange, nhà hoạt động người Úc, là người sáng lập tổ chức và trang mạng Wikileaks, chuyên tiết lộ những tin tức bí mật được những nguồn tin nặc danh cung cấp.

[3] Carl Gustav Jung (1875-1961), một nhà phân tâm học người Thụy Sĩ, dù có quan điểm khác với Sigmund Freud, nhưng được xếp ngang hàng với Freud về công trình nghiên cứu phân tâm học