Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Giếng cạn (kỳ 2)

Tiểu thuyết của Nam Dao

HAI

Đám rước nước

Tiếng gọi giật giọng:

-Dậy đi chú, muộn rồi…

Tôi mở mắt, tai nghe tiếng trống ếch nhịp lời bác Thuận đứng đầu giường nhìn tôi. Cuối đêm qua, khi gà gáy sáng thì tôi vào nằm, ngỡ mình chỉ chợp mắt nhưng rồi ngủ mê mệt. Đầu tôi lẫn lộn hình ảnh bà bác, chị Thược, những con chuồn ngô, bà chủ quán ở bến xe, con bé Nguyện, và cả những con mọt biến tướng hóa thành những con chuột chù vểnh râu thách thức. Một con xồ đến cắn chân tôi. Đá, rồi đạp, nhưng nó vẫn cạp vào bàn chân không buông, tôi hét ầm lên, và thật may, bác Thuận cất tiếng:

- Có gì mà chú hét ầm lên thế?

- Không có gì, em mệt nên nằm mơ…

Tiếng trống ếch lại vẳng lên. Tôi ngước mắt nhìn dò hỏi:

- Nghe như có đám rước…

Bác Thuận cười:

- Đã bảo chú hôm qua là chú sẽ mắt thấy tai nghe mà!

Còn ngỡ ngàng, tôi nghe bác Thuận giục:

- Chú sửa soạn ta đi rước nhé!

Nói dứt lời bác bước khỏi cửa tủm tỉm cười.

Khi tôi ra ngoài, bác kéo tay tôi đi theo con đường mòn dẫn lên đê. Trời cao vòi vọi, xanh ngắt, không gợn đến một vẩn mây. Tiếng trống ếch gần lại, và tai nay nghe được tiếng người hò: Đi, nào đi!

Lên mặt đê, tôi thấy từ xa một đoàn người từ từ tiến đến. Đi đầu là lão Bạ, thương binh hạng 2, cụt một chân. Tay chống nạng, tay kia lão nhịp vào cái trống ếch buộc ngang bụng, miệng hò đi, nào đi. Mỗi khi dứt tiếng hò, chiếc xe trên có những thùng phi nhích lên chừng một mét đường đất. Sức đẩy là sức người nhưng xe được cải tiến mong bắt kịp thời hiện đại. Thứ nhất, bánh xe không bằng gỗ như thời ông bà ngày xưa. Nay là bánh xe ô tô phế thải được trùng tu, nhẹ hơn, và dĩ nhiên tròn hơn, lăn qua ổ trâu ổ gà lỗ chỗ trên đê dễ hơn. Thứ hai, xe chỉ có một bánh trước và hai bánh sau, phía trước căng dây chão to ngang cổ tay, hai người nắm và dùng cả trọng lượng thân mình mà đẩy, công suất tất cao hơn sức kéo, tuy chưa chắc bằng trâu khi xưa. Thứ ba, cạnh những thùng phi đựng nước có một cái máy bơm chạy bằng dầu hút nước lên chứ chẳng tát bằng gầu sòng như thuở ông bà ta. Bác Thuận giải thích qui trình lấy nước từ sông lên rồi nhẩn nha:

- Thời đại công nghiệp 4-G nên mình phải hội nhập với người chú ạ!

Lúc ấy, đám rước đã đến trước mặt. Lão Bạ ngừng tay trống, đưa lên vẫy, oang oang:

- Chú mày mãi mới về, nom có béo ra so với lần trước đấy nhé. Chắc ăn nên làm ra, phát tài nên phát phì, phải không?

Tôi sáp lại ôm lấy lão. Áo bộ đội xanh rêu bạc thếch, quần sọc nâu xắn lên tới bẹn, lão cười:

- Tớ mồ hôi mồ kê, chú mày khéo bẩn. Đẩy tôi lùi lại, lão tiếp, nhìn chú vẫn thấy trẻ măng, vẫn như ngày nào…

Ngày nào? Nay tôi U-70 rồi lão ạ, lão nói cho tôi an lòng ư? Còn lão, hơn tôi chưa đầy chục tuổi, da mặt nhăn nheo đen sạm, lòng mắt đỏ au kéo màng, và răng cửa rụng mất hai cái. Tôi cố lấy giọng tự nhiên:

- Còn bác, có hơi già một tí, nhưng còn tráng kiện lắm. Thế cái chân giả thay nạng

đâu mà vẫn dùng nạng?

- À, chúng nó hứa thế, nhưng hứa cuội. Tôi lên nhà thương Huyện năm lần bảy lượt, khi thì chúng bảo có vấn đề kỹ thuật, khi thì chúng kêu hết kinh phí… Thật ra, tiền chúng nó đút túi, khai chi tiêu thế nào thì chỉ chúng nó biết với nhau, ai mò ra được. Tôi lên Tỉnh, kêu với Hội Cựu Chiến Binh, anh chủ nhiệm xưa là đồng đội bảo, quên mẹ nó cái chân giả đi, chúng nó gặm sạch rồi…

- Nhưng chúng nó là ai?

- Chú còn phải hỏi. Là chính chúng nó, bọn “vì nhân dân phục vụ” chứ còn ai nữa!

Khi ấy bác Thuận trờ tới lôi tôi đi chào bà con trong đám rước, miệng kêu, lại những chuyện nói ra thêm rách việc. Ai cũng biết thương binh Trần Quyết Tiến bị tay Huyện Ủy cách đây chục năm quát, cứ ăn nói bậy bạ lung tung là có ngày phải đi cải tạo đấy. Từ thời ấy, dân thôn Dinh gọi Tiến là Bạ, người cứ trái tai gai mắt là lại phản biện ‘bậy bạ’ gây hoang mang dư luận.

Ở hàng đầu đám rước, hai người áp vào sợi dây chão căng ngang là chú Nổi và thím Bảy. Sau xe, năm bẩy người thay phiên nhau đẩy, đặc biệt trong đó có cụ Lờ và thằng Tập Tễnh. Sau rốt là một đám trẻ con non choẹt í ới cười đùa.

Chú Nổi và thím Bảy là một cặp ‘trai tứ chiếng gái giang hồ’ gặp nhau. Chú lực lưỡng, xưa là thủy thủ mất việc và bị tù vì buôn lậu thuốc lá ngoại. Chuyện gì chú cũng đòi đi đầu, có cái tật nói ngọng, n thành l, và không phát âm được chữ bắt đầu bằng phụ âm đ. Chẳng hạn con đường chú nói là con ường, cái đinh là cái inh, xưng tôi là ôi, và gọi Đảng là ảng. Chú lại hay văng tục. Và động miệng là “éo mẹ chúng ló”. Còn thím Bảy, thím có một đời chồng trước vốn là dân tập kết, chưa con cái gì thì ông ta về Nam, hẹn đón thím nhưng rồi trí nhớ suy tàn, quên mất tiêu. Thím quay về làng quán, bán tạp hóa ở chợ Diễn, và gặp chú Nổi là người đi bỏ hàng cho xóm Dinh. Hai người phải lòng nhau, về thôn xây mái ấm. Bọn trẻ loai choai hay rình mò nhìn trộm chú thím vào độ trăng vừa tròn. Khi đó chú thím có cái lệ là ngủ nghê với nhau, và lúc đến đỉnh điểm một cuộc truy hoan, thím cứ kêu …á… á, chú thò tay bịt miệng thì có khi thím cắn đến chảy máu. Bọn trẻ gọi thím là thím áá, cười khúc kha khúc khích. Người lớn không hiểu tại sao, dĩ nhiên trừ chú thím, và chú chửi éo mẹ bọn nhóc mất dạy. Người lớn cũng lại không hiểu chúng mất dạy thế nào nốt.

Về phần bà Lờ, tên thật là bà Lành. Bà năm nay đã gần 80, miệng luôn kêu sống thọ là sống nhục, chẳng sung sướng gì. Con cái bà đều chết cả, nay bà còn một đứa cháu gái chỉ lâu lâu mới về thăm. Bà gày gò, lưng còng, luôn chít khăn mỏ quạ, áo cánh vải thô màu đen, yếm nâu, dưới là váy cạp bạc thếch chẳng thể đoán nguyên màu là màu gì. Bà hiền lành, lúc nào cũng cười, răng đen, mồm đỏ loét quết trầu. Chỉ khi gặp cảnh bọn tự vệ hò hét đánh đấm áp bức dân ngu thì bà mới nộ khí xung thiên. Mắt trợn trừng, bà nhảy choi choi, hét “Có giỏi thì giết dân chúng tao là những người nuôi chúng mày đi, đồ ăn hại đái nát, ăn cháo đá bát”. Và cùng đường, bà vạch váy chỉ vào phía dưới tru lên “Chúng mày là đồ ăn máu lồn!”. Tiếc thay, bà hết tuổi có kinh từ lâu rồi. Bọn trẻ cười hăng hắc, gọi bà là bà Lờ từ đó.

Thằng Tập Tễnh mới sinh ra đã chân dài chân ngắn, khập khiễng, đi đứng khó khăn, muốn nhanh phải nhảy lò cò. Mồ côi, nó được bà cô mang về làng nuôi, nhưng ba năm sau bà lại mất trong một trận dịch tả khá thê thảm. Làng xá cưu mang nó, dành cho công việc đan giỏ, giá, nơm, nong… trong hợp tác xã có cái tên hiện đại là Tổ Hợp Tiên Tiến, dân thôn gọi là Phiên Phiến rồi bụm miệng cười. Tập Tễnh biết thân biết phận, ăn ở chỉn chu, lại hát hay nên được lòng mọi người. Lên chợ Huyện là nơi có wifi, nó vào Youtube, phát hiện ra cái ông Trịnh Công Sơn nó mê tít nhưng hỏi thì nó chẳng hiểu ông ta hát gì. Nó mày mò “chế” một cây đàn cũng có 6 dây như ghi-ta, và học lời những bài hát lúc quên lúc nhớ. Ôm đàn đệm phừng phừng, nó lấy giọng: “Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi hoa đã tàn, mà rồi không bến bờ, đời người như giấc mơ” Có người bảo, lời sai rồi, không phải của Trịnh Công Sơn. Thì phiên phiến, quên là chế ra thôi, và nó cười cười tiếp, ông Sơn ông ấy cũng tha tội cho cháu rồi mà.

Đám rước ngừng chân, chú Nổi và thím Bảy gỡ sợi chão trên vai xuống. Bà Lờ đến đứng cạnh lão Bạ. Lúc bấy giờ, bác Thuận trịnh trọng:

- Thưa bà con cô bác xóm ta, nhân dịp chú em tôi về đây đoàn tụ với xóm làng gốc gác, gia đình chúng tôi xin mời tất cả về khoảnh đất tổ chúng tôi để chú em tôi có thể thăm hỏi mọi người và uống miếng trà mừng cuộc hội ngộ này… Kính mong tất cả chúng ta thuận lòng, để… -Bác Thuận ấp úng, tay chỉ tôi - … để cái khúc ruột ngàn dặm này biểu tỏ nghĩa tình với nơi chôn nhau cắt rốn…

Tiếng vỗ tay cất lên. Thì ra bác Thuận hôm qua bảo đi vận động quần chúng là để tổ chức đám rước nước và những tiếng vỗ tay này. Rùng mình, tôi đưa tay vào bụng, tôi đụng cái khúc ruột nay sờ sờ ngay ở đây chứ chẳng còn nghìn trùng xa cách.

GIẾNG CẠN

Đám rước nước theo bác Thuận xuống chân đê, rẽ vào con đường dẫn vào khoảng đất tổ họ Nguyễn chúng tôi, và tụ tập quanh cái giếng nằm xê xế ngôi Từ Đường. Dân thôn 9 kéo nhau đến. Rồi người xóm Dinh, xóm Diễn chung quanh cười nói kháo nhau đi xem mít-tinh. Phần lớn là đàn bà trẻ con. Thanh niên trai tráng lác đác hầu như không có. Hỏi, mới biết đàn ông con trai phải lên Huyện, Tỉnh, ra Thành phố lớn, có khi phải đi Nam mới kiếm được việc làm để gửi tiền về nuôi vợ con. Theo cách nói của lão Bạ, nông thôn giờ đây bị “thiến sống”, và tình trạng âm thịnh dương suy gây ra những tệ trạng xã hội. Dịp người đi làm xa về quê ăn Tết chẳng hạn, nạn đánh ghen phổ biến, các ông nghi vợ bồ bịch với anh nọ anh kia, rồi thượng cẳng tay hạ cẳng chân, tạo ra nhưng hoạt cảnh nửa cười nửa khóc. Cụ Chánh vốn ngày xửa ngày xưa là tiên chỉ phán một câu xanh rờn: Làng ông bà để lại ruỗng ra hết rồi!

Lúc bà con làng xóm chừng đã đông đủ, bác Thuận mới tiến ra, tay cầm mi-crô, tuyên bố buổi họp mặt “thân mật” bắt đầu. Bác giới thiệu các vị chức sắc xóm này thôn kia, một tiết mục tế nhị cần thận trọng để khỏi mích lòng. Các vị này đứng lên vẫy tay chào như lãnh đạo diễn trên truyền hình VTV, có vị đặc biệt được phát biểu “ngắn gọn”. Lại bài đất nước còn khó khăn, trên chủ trương tốt, chính sách phát triển công thương nghiệp đúng đắn, đô thị hóa là một bắt buộc của thời đại, vân vân… Thình lình lão Bạ chống nạng đứng lên, và chẳng xin phép chủ tọa, lão hô cho tôi nói. Lão là Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Cựu Chiến Binh hàng Tỉnh nên cũng là có vai có vế, và được tiếng là cứ thẳng ruột ngựa nên bà con vỗ tay rào rào. Đằng hắng, lão thủng thẳng:

- Thưa các cụ, thưa bà con thôn xóm, tôi cho là thời gian eo hẹp và không đứng về phía chúng ta nên tôi xin đi thẳng vào vấn đề…

Tiếng vỗ tay vang lên, và có tiếng la, đúng đúng rồi, vòng vo làm gì! Lão Bạ giơ tay, tiếp:

- Sáng nay chúng tôi đi rước nước từ sông về đây, đi gần 3 cây số, mất 3 giờ. Bà con biết đấy, hai năm hạn hán qua máy bơm nước từ Nhà Máy trên Huyện xưa cung cấp nước cho hai thôn chúng ta hỏng, chính quyền Xã hứa lần hứa lữa, không sửa chữa nên dân chúng tôi không muốn chết khô thì phải nai lưng ra rước nước. Mỗi lần, cần 10 người kéo đẩy cái xe bò cải tiến. Công thì đầu tiên là hút và bơm nước vào thùng phi, chất lên xe rồi kẻ kéo người đẩy. Xe chỉ chở được 20 thùng phi. Về đến thôn, lại phải hút nước chuyển vào chum vào vại cung cấp nước dùng dè sẻn cho khoảng 60 hộ gồm gần 200 nhân mạng trong 3 ngày. Và cứ 3 ngày lại tiếp tục như vậy… Đà này, dân không chết khát thì rồi cũng kiệt sức!

Lão Bạ ngừng nói, nhìn quanh rồi lớn giọng hỏi:

- Trước đây, thời chưa có trạm bơm thì bà con dùng nước lấy từ đâu? Như trong một thảm kịch Hy Lạp, bà con tay chỉ, miệng đồng thanh:

- Từ cái giếng này!

Lão Bạ giơ tay:

- Phải! Thời nay trai tráng làng đi tha phương cầu thực nên nhân số so với thời sinh đẻ có kế hoạch ngày trước không khác bao nhiêu Thế mà chỉ cái giếng này cũng đủ dùng cho cả thôn. Bỏ bê từ khi dùng nước trạm bơm, lại gặp hạn hán, nay giếng cạn. Lão chép miệng, trầm giọng, phương án chống mất nước là khơi lại cái giếng này, càng sớm dân càng đỡ khổ, phải không?

Bà con lại đồng thanh:

- Phải, phải…

Tay chỉ bác Thuận, lão tiếp:

- Chúng tôi phải kinh qua 3 khâu. Thứ nhất, xin giấy phép thi công với Ủy Ban Xã sau khi nộp phương án kỹ thuật. Thứ nhì, phải tìm tài trợ kinh tế. Nguồn thì Nhà Nước tất nhiên một phần, còn lại là tài trợ đến từ tư nhân. Chỉ tay về phía tôi, lão cao giọng, nhất là từ những người con xa tổ quốc nhưng vẫn đau đáu tình bà con làng nước…

Lúc ấy, bác Thuận ôm vai tôi, giọng nhũn nhặn:

- Chú em tôi về đây mắt thấy tai nghe, mong rằng chú góp một tay vào chuyện chung. Giá không có chú, bác Thuận chỉ, thì chẳng thể có ngôi Từ Đường họ nhà tôi như thế này!

Lão Bạ ngắt ngang:

- Tôi xin nói tiếp… Khâu thứ ba là gọi thầu và thi công. Về mặt này, chúng tôi cho rằng có khoan thì sâu lắm cũng đến 60 mét là cùng. Trong ba khâu, có qua được một rồi mới đến hai, ba. Nhưng nộp đơn 6 tháng rồi mà Ủy ban hành chính Xã vẫn cứ ậm ừ, chẳng cấp cho giấy phép. Chúng tôi kẹt, không thể tiến hành khâu 2 của dự án được!

- Bây giờ phải làm gì? Bà con nhao nhao lên.

Lão Bạ giơ nắm đấm:

- Phải cùng nhau ký kiến nghị đưa lên Huyện, lên Tỉnh và cần thì cao nữa, lên Thủ Tướng!

Im lặng.

- Bản kiến nghị chúng tôi đã viết và sẽ tới từng nhà vận động bà con ký tên ủng hộ…

Mọi người nhìn nhau xì xào, kẻ lắc người gật, xôn xao bàn tán. Lão Bạ giơ tay yêu cầu mọi người im lặng. Thình lình đám chó thi nhau tru lên sủa. Bày chim nháo nhác đập cánh vù lên những ngọn cây. Và đúng lúc đó có tiếng còi rúc lên rờn rợn.

DIỄN BIẾN RẤT HÒA BÌNH

Một đoàn người dàn hàng ngang lố nhố kéo tới từ hai đầu xóm 8 và xóm 9. Họ mặc áo xanh ngắn tay, quần cũng xanh, tay xách dùi cui, gậy gộc, lẳng lặng đi vòng quây lấy đám dân thôn quanh bờ giếng. Đây là lực lượng dân quân tự vệ. Nhưng xa xa, đám công an Xã áo vàng xuất hiện, chĩa ống nhòm nhìn, vai khoác khiên, đầu đội mũ sắt, tay vung vẩy roi điện. Một người trạc trên dưới 30 tuổi, mặt mũi nghiêm trọng, đeo kính trắng gọng nhựa giả đồi mồi, bước lên phía trước, mắt đảo một vòng. Lấy giọng chững chạc, người ấy trầm giọng:

- Ai đại diện cho bà con tụ tập ở đây?

Bác Thuận tiến ra, nhũn nhặn:

- Dạ… dạ, tôi!

Bác nhũn nhặn như một phản ứng bẩm sinh. Mặc dù cha bác, tức bác Cả dòng họ tôi là tài xế, dĩ nhiên thuộc giai cấp công nhân, nhưng có dịp là đám chính hiệu vô sản đều nhắc bác gốc gác phong kiến, hai ba đời trước là quan lại và thế là có tội với nhân dân. Ông đeo kính lừ lừ:

- Bác có biết là có luật cấm tụ tập đông người không? Cứ trên năm người là cấm!

Ông đeo kính là người Thường Vụ của Xã phái đi làm ‘công tác quần chúng’, vừa nghe ngóng vừa răn đe, cần lắm thì ra tay trấn áp. Lão Bạ đến cạnh bác Thuận, giải thích, kể lể, tay chỉ tôi nói:

- Chú đây ở Nữu Ước bên Mỹ, nhân về làng chúng tôi mới có dịp cho chú ấy xem cảnh đi rước nước ra sao, để chú thấy tận mắt dân chúng tôi khó nhọc thế nào mới có cái uống… Và chúng tôi hy vọng chú ấy giúp đỡ vận động quyên góp người làng hiện sống bên ngoài, tìm phương án tài trợ cho kế hoạch khoan giếng mà chúng tôi đã trình lên Ủy Ban Xã ta…

Ông đeo kính nhìn tôi chăm chăm:

- Ông người ngoại quốc?

Động máu bỡn cợt, tôi đáp:

- Theo danh xưng phổ cập của chính quyền, tôi là người Việt nước ngoài, còn được cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gọi một cách văn hoa là ‘khúc ruột ngàn dậm’. Còn cán bộ nói ngoại quốc thì tôi nghe như là ngoại cuộc, và đúng như vậy…

Ông đeo kính lúng búng:

- Ngoại là ngoài, quốc là nước. Tôi tốt nghiệp khoa Hán trường Đại Học Ngữ Văn, nhầm thế nào được…

Tôi lại đùa, nói tỉnh bơ:

- Ngoại quốc thế là ngoài nước theo ngữ cách người Tàu, phải tráo ngược chữ mới thành nước ngoài trong tiếng Việt, thưa cán bộ!

Bác Thuận cười xòa cho yên chuyện:

- Ôi, thế nào cũng được, cái cần là ta hiểu nhau thôi.

Ông đeo kính vẫy một người, hỏi nhỏ rồi nhìn tôi, gằn:

- Ông đến ở đây mà chưa có giấy phép tạm trú, thế là trái luật!

Lão Bạ xen ngang:

- Chú đây đến chưa đầy 24 tiếng. Luật cho phép phải xin tạm trú trong vòng 48 tiếng, thưa cán bộ!

- Hừm… Được, nhưng còn chuyện tụ tập đông người có thể là biểu tình gây bạo loạn thì sao?

- Chúng tôi đa phần toàn đàn bà trẻ con, lại đứng một chỗ, không diễu hành, không hô khẩu hiệu đả đảo ai, chống cái gì… thì làm sao gọi là biểu tình? Chúng tôi chỉ đề đạt với bà con trong thôn xóm ủng hộ kiến nghị gửi lên Ủy Ban mong dự án khoan giếng của chúng được nhanh chóng cứu xét…

Nhìn với vẻ giễu cợt, ông đeo kính cười khẩy:

- Tôi biết ông là ai, chuyên phản biện nổi tiếng khắp Tỉnh ta. Tuổi ông, lẽ ra nằm khểnh hưởng nhàn, tội gì mà cứ lo chuyện thiên hạ! Vậy kiến nghị đâu, đưa ra đây!

- Xin lỗi cán bộ, không thế được! Kiến nghị gửi Xã, nhưng có bản sao gửi lên Ủy Ban Nhân Dân Huyện và Tỉnh. Chúng tôi phải tận tay đưa và có giấy ký nhận của Ủy Ban Xã, theo đúng trình tự, không thể sai được.

- Tôi chỉ muốn giúp bà con một tay thôi, ông đeo kính xuống giọng.

Quay sang tôi, ông khinh khỉnh:

- Ông người Việt nước ngoài nhớ trình diện nhé. Dạng ông, người ta dễ gọi là gián điệp đến nước này diễn biến hòa bình đấy!

Lão Bạ cười sằng sặc:

- Diễn biến ‘rất’ hòa bình! Có ai có súng Ngựa Trời xuất xứ Tiên Lãng đâu mà lo, ha ha!

Khi ấy, vài anh dân quân sáp đến trước mặt Nguyện, nham nhở cười chòng ghẹo. Thằng Tập Tễnh xông ra chặn, bị một cái đẩy, ngã lăn quay xuống đất. Cả thôn ai cũng biết nó phải lòng con bé Nguyện, thỉnh thoảng lại ôm đàn đến gần cửa sổ nhà con bé hát, hỏi thì nó bẽn lẽn bảo hát như trong xi-nê bên Tây nó từng được xem khi lên phố huyện. Thấy thằng Tập Tễnh ngã, bà Lờ xăm xăm nhảy tới trước mặt đám dân quân, tay xỉa xói, nhổ quết trầu rồi mồm loa mép giải:

- Tiên sư bố chúng mày, đánh dân hả!

Bà thò tay xuống giải rút nhưng bác Thuận đã kịp ngăn chặt giải pháp tụt váy đấu tranh khiến hòa bình được thiết lập lại rất mau chóng mà không có một chút thiệt hại nào.

Diễn biến, không nói ngoa, có thể gọi là rất, rất hòa bình!

Ông cán bộ đeo mắt kính buộc Bác Thuận phải lên trụ sở công an Xã ‘làm việc’ ngay trưa nay. Sau khi hút và bơm nước phân phối cho từng hộ, bà con giải tán, ai về nhà nấy. Đám trẻ con lau nhau rủ nhau tiễn chân đám dân quân được lệnh rút khỏi thôn 9. Chúng ắc ê diễu hành như lính, cùng nhau hát vang ‘Bác đang cùng chúng cháu hành quân’.

Thằng Tập Tễnh hậm hực nhìn theo, giơ nắm đấm đấm vào khoảng không.

THỊT THỪA

Lão Bạ nắm tay tôi rủ về ăn trưa với lão, bảo:

- Còn một cút rượu ngon, ta uống tẩy trần với nhau! Rồi tôi sẽ kể cho chú rõ nguồn cơn!

Nhà lão ở sát khu đất của chùa Văn Ấp. Nhà mái gianh, vách đất, sàn xi-măng, phía trước rộng độ 10 mét vuông. Lão kê một cái phản làm bằng gỗ thô cạnh giăng một cái võng. Thấy tôi nhìn, lão bảo mình ngủ võng, ngủ kiểu lính quen rồi. Đàng sau nhà là một cái chái nền đất, bếp ông Táo kê gạch ba đầu chụm lại, cạnh một cái vại nước. Lôi từ cái trạn một niêu cá kho, lão khoe:

- Cá tôi câu đấy, bảo đảm là thực phẩm sạch… Để nấu nồi cơm, hôm nay đãi khách quí mà lị. Thường thì mình ăn khoai, ăn sắn!

Lão ra vo gạo, bắc nồi cơm, để tôi ngồi một mình. Trên chiếc bàn con làm bằng gỗ mộc, tôi thấy một đống báo, nào là Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Văn Nghệ Quân Đội…cũ mới lẫn lộn. Nhưng thật bất ngờ, cạnh đống báo là dăm cuốn Lê-Nin Toàn Tập dày cồm cộp. Tôi cầm lên, mắt nhìn lão, không dấu được vẻ ngạc nhiên.

- À… lão chép miệng, thì đọc để biết nó sai ra làm sao mà còn chữa chứ!

Nghe lão nói, tôi không biết mình mơ hay tỉnh. Một thương binh chắc xưa chỉ học hết Phổ Thông mà dám đọc xem Lê-Nin sai chỗ nào! Có phải là ông “xưa ở nước Nga, nay sang đứng gác vườn hoa nước mình” theo lời một nhà thơ không? Tôi bặm miệng:

- Cái chuyện luận cương Lê-Nin sao bác không để cho mấy ông trí thức các ông ấy đọc, phản biện, và chỉ ra những “việc cần làm ngay’?

Lão nhếch mép, lôi ra hai cái chén hạt mít và một cút rượu, trịnh trọng rót, giơ tay mời tôi uống. Nhìn tôi, lão chậm rãi:

- Trí thức ấy à? Cái này thì thằng Mao nó đúng: trí thức là cục phân! Nói thì tội, nhưng bên ta các cụ… à à trừ một số ít, phần đông đều là các cụ ‘phản biện bảo kê‘, cách nói khéo là được phép của các vị cầm cân nảy mực. Các cụ này muốn cải cách mong giữ lại cái cục thịt thừa đang ruỗng ra…

Tôi ngắt, nói cho có:

- Thì cũng người này người kia, xã hội nào chẳng thế…

- Hà hà… Chú ạ, cái cục thịt thừa của dân tộc này nó đang bán đứng đất nước. Sách lược quan trọng của chúng là làm sao nhân dân không còn điểm tựa xưa nay vốn là văn hóa và truyền thống. Chúng o ép khiến cái sống còn là ưu tiên, vẽ ra thứ phồn vinh giả tạo với những nhà cao 6, 7 mươi tầng, xa lộ 6 làn xe, hứa hẹn một đời sống văn minh tươi đẹp trong khi lợi tức trung bình cho mỗi đầu người ở ta thuộc loại thấp nhất thế giới. Chúng áp dụng chính sách ngu dân bằng cách đánh phá giáo dục trong học đường, khiến học trò dùng bạo lực trừng trị lẫn nhau, đánh cả thầy, bán dâm công khai ở ngay cổng trường…

Lão Bạ ngưng nói, mặt cúi xuống đăm chiêu, tay gõ nhẹ xuống bàn. Lát sau, lão ngửng lên:

- Với tình thế tan nát này, vấn đề dân sinh là yếu huyệt của xã hội. Dân oan sai, mất nhà cửa mất đất đai, giá sinh hoạt tăng, hệ thống giáo dục và y tế gần như chạm đáy, và luật pháp thì ôi thôi chỉ là trò đùa… Quyền con người và lý tưởng dân chủ là kim chỉ nam cho thay đổi xã hội, nhưng có thay đổi hay không tùy thuộc vào hành động của quần chúng nhân dân. Và hành động thành hiện thực thì tùy có hay không một hay nhiều tổ chức đồng tâm cộng lực. Trí thức trong xã hội ta đã nói về lý thuyết quá đủ nhưng hành động có thì khá cục bộ, giới hạn và bị động. Lê-Nin sai đâu thì sai, nhưng đúng khi nói có ba điều quan trọng, thứ nhất là phải tổ chức, thứ nhì là tổ chức và thứ ba cũng lại là tổ chức.

ĐẤT HIẾM

Lão Bạ thình lình đổi giọng, vui vẻ:

- Anh em mình chén cái đã, bụng cồn cào rồi!

Lão đặt niêu cá kho đã hâm nóng lại lên bàn, bới cơm, so đũa rồi mời tôi:

- Ăn thoải mái nhé, làm khách là đói đấy…

Cá dài ba đốt ngón tay, mình tròn, kho với gừng xắt nhỏ. Cơm nấu có trộn gạo lứt, vị đậm đà. Lão Bạ rảnh rang là xách cần đi câu ở kênh, rạch có khi xa nhà hàng chục cây số. Chẳng đặng đừng, phải tìm cách tự cung tự cấp chứ ăn đúng theo thu nhập của một cựu chiến binh thì chỉ ăn được khoai sắn chấm muối. Ngồi cạnh cái nơm và xấp báo, lão thả cần rồi lơ mơ ngủ gật, và khi có kẻ đến hỏi làm gì thì lão bảo, giọng nghiêm trọng, lão đang tìm đường cứu nước. Có người đùa, lão nhầm chỗ rồi, đây đâu phải là bến Nhà Rồng đâu, cứu thế nào được. Lão phẩy tay, cả làng cả nước nhầm chứ chẳng phải riêng mình lão.

Tháng tháng, lão Bạ bắt xe ôm lên thành phố Nam Định họp với Thường Vụ của Hội Cựu Chiến Binh. Một số chiến hữu của lão thạo trò wifi anh-tẹc-nét, chơi phây-búc, cần thông tin thì gọi thằng gúc-gờ, nên tin tức cả lề phải lẫn lề dân đều khá cập nhật. Đi xa, nhưng lão cứ suỵt soạt, học được cả một sàng khôn đấy. Cái khôn ấy, bác mang ra kể cho bà con làng xóm. Công an Xã triệu bác lên, giọng răn giảng, đồng chí Huyện ủy dặn hễ lão mà còn ăn nói bậy bạ thì sẽ gông mồm lại. Lão cười hì hì, vẫn tiếp tục phát ngôn không đúng chính sách, và dân làng từ đó khai sinh ra biệt danh Bạ cho lão.

Lão Bạ lại rót rượu, khà một tiếng, bảo chú uống nhé, tự nhiên ‘như người Hà Nội’ đi.

Nhớ câu lão nói ban sáng, tôi hỏi:

- Bác bảo sẽ nói rõ nguồn cơn của cái việc xin khoan giếng sáng nay, bác nhớ chứ?

- Dĩ nhiên là nhớ. Chuyện thật ra không đơn giản là chỉ khoan cái giếng cạn. Đó chỉ là một phương án trước mắt…

Ngắt lời lão, tôi nói thẳng là chẳng hiểu gì cả. Vỗ vai tôi, lão ê a, để tôi kể. Cách đây khoảng 5 năm, có một đoàn chuyên viên Địa Trắc dẫn đầu bởi A Pình là người nước lạ đến khảo sát hạ tầng địa chất huyện Vụ Bản ta. Đoàn trang bị đủ loại máy móc, công an bảo vệ cấm không cho dân héo lánh, và tuyên giáo huyện đánh tiếng là các đồng chí lạ thăm dò xem trữ lượng dầu lửa nằm dưới đất huyện ta có nhiều như ở nước bạn Vênêgiuana bên Nam Mỹ không. Giấc mơ bơm dầu bán cho cả thế giới khiến chưa chi đã có người mổ lợn ăn mừng, sớm muộn gì rồi ta cũng sẽ giàu, khỏi cần cứ ăn chắc mặc bền làm gì cho khổ. A Pình đặt bom ở hàng chục địa điểm cho nổ, nổ rồi đặt máy đục, máy khoan và lôi lên những mẫu nham thạch hình ống đường kính khoảng 3 phân và dài độ 20 phân. Loại mẫu này, A Pình cho đóng kỹ càng trong những thùng gỗ và chuyển thẳng về Bắc Kinh.

A Pình và đám chuyên viên nước bạn đã về mà sao mãi chẳng thấy dầu phụt lên. Chỉ 6 tháng sau, đất thôn 8, 9, và 10 trong hai xóm Diễn và Dịch bắt đầu cằn. Năm sau, ruộng đã nứt nẻ, cầy cấy khó khăn, bọn trai tráng đã bắt đầu lên thành phố tìm việc. Chính quyền ra thông báo là cả thế giới gặp hiện tượng thay đổi khí hậu chỉ đâu chỉ riêng nước ta. Trước, phải sống với lũ. Nay thì sống với hạn. Hai năm vừa qua, đồng áng bỏ bê đến 80% rồi. Nhưng có người hỏi, hạn thì chỉ khoanh vùng trong mấy xóm huyện Vụ Bản trong khi ở Giao Thủy sát bên thì bị úng nước. Và nơi bị hạn thuần là những nơi A Pình đến khảo sát, cho nổ bom và đào xới lấy mẫu đá chở sang Tàu để phân chất. Cuối cùng, vài chuyên viên nước mình rỉ tai, làm gì có dầu lửa ở Nam Định, nhưng có thể A Pình thăm dò xem khả năng tầng địa chất Vụ Bản có chứa đất hiếm hay không. Nổ bom, đất đá lấp ở độ sâu những mạch nước ngầm chính, và những mạch phụ con con ở bề nổi cạn kiệt dần nên đưa tới tình trạng ruộng đồng khô hạn.

Lão Bạ chép miệng:

- Chú biết, đất hiếm rất cần để chế tạo những phụ kiện siêu dẫn trong kỹ nghệ điện thoại ‘thông minh’, chế tạo pin phát điện bền vững… và không thể thiếu trong thời đại 4G này. Trung Quốc là nước cung cấp đất hiếm rất lớn trên thế giới. Muốn giữ thế độc tôn, họ cần nguồn đất hiếm, và ta là một địa điểm lý tưởng!

Ngước mắt nhìn trời, giọng âu lo, lão tiếp:

- Nhưng còn một lẽ khác, khoan như A Pình làm có thể là một công đoạn trong kế hoạch chặn long mạch đất nước mình… Chú có lẽ không biết, thời chống Mỹ dân ta anh hùng, đoàn kết, không nề gian khổ đồng tâm cộng lực. Thời nay, không hiểu thế nào mà dân ta chia rẽ, vô cảm, càng ngày càng ngu, càng hèn… Các cụ có kiến thức xưa cho rằng nước ta bị trấn yểm, chẳng biết thực hư thế nào!

Lão Bạ trầm ngâm rồi hạ giọng:

- Khoan giếng ở thôn mình tạm thời cung cấp nước cho dân làng sử dụng nhưng xa hơn là ta sẽ biết ở độ sâu nào ta chạm được mạch nước ngầm chính. Rà lại những nơi A Pình cho nổ bom để kiểm tra chỗ nào mạch ngầm bị tắc, ta mới khôi phục lại đồng ruộng… Đất cằn, dân bỏ đi, chúng nó đến mua với giá bèo rồi khai thác đất hiếm làm giàu. Chú không biết, đã có kẻ đến dạm giá, trả 500 K một mét vuông, túc là tương đương với đâu 20 bát phở…

Nhìn lão, tôi bất chợt mường tượng ra một Đôn-Quihôtê mũi tẹt da vàng đang tuốt gươm thúc ngựa đến chém một cái cối xay gió khổng lồ xì xồ tiếng Quan Thoại. Cuộc chiến bất cân này dẫn đến gì thì khỏi bàn chi cho nhiều. Tôi im bặt, vì nói được gì đây?

Lão Bạ lại cất tiếng:

- Nhưng chẳng phải chỉ có đám xăm xoi khai thác đất hiếm đến gạ đâu. Còn đám khác, đám có dự án làm du lịch tâm linh từ Hà Nội kéo ra…

- Du lịch tâm linh, là chi vậy bác? Tôi ngạc nhiên.

Lão Bạ cười:

- Cái này thì phải hỏi Sư Cụ chùa Văn Ấp chú ạ.

DU LỊCH TÂM LINH

Sau bữa trưa, chúng tôi chợp mắt một lát. Trời thiêu đốt, may thỉnh thoảng có chút gió. Lâu lâu, có tiếng gà trưa, nghe thê thiết lạc lõng. Nhìn ra ngoài, nắng lóa khiến vạn vật nhuộm bạc. Xa xa bóng cò khẳng khiu đứng một chân tựa như sắp xiêu theo chiều gió cất lên từ nơi ra biển cuối ngạn sông Hồng. Lão Bạ ngáy như sấm, miệng thỉnh thoảng ú ớ mê sảng nghe không rõ tiếng, trừ tiếng chửi ‘địt mẹ chúng mày’. Dĩ nhiên chúng mày là ai thì ta chỉ có thể đoán mò, và thế cũng hay.

Mãi rồi lão Bạ cũng tỉnh giấc, ngồi dậy, vươn vai hỏi giờ. Nghe tôi đáp, lão bảo, thư thư rồi ta sang thăm Sư Cụ. Lão tớp một ngụm trà, súc miệng nghe xoành xoạch, rồi nhổ toẹt ra ngoài thềm. Lão đứng dậy, bảo ta đi thôi rồi quày quả chống nạng bước ra ngoài. Tôi vớ được cái nón mê, đội lên đầu, bước theo, ngạc nhiên hỏi:

- Bác không khóa cửa à?

- Hà hà, nhà tớ cả thôn cả xóm biết, có cái đếch gì mà trộm cơ chứ!

Tôi đùa, bảo có mấy cuốn Lê-Nin Toàn Tập. Bác phá lên cười:

- Cái đó thì có chó nó lấy…

Chúng tôi băng ngang một cánh đồng đất cằn nứt nẻ. Nhưng càng xa thôn 9 về hướng huyện Giao Thủy, cây cỏ xanh dần lên, có vẻ tình trạng đất khô nước giảm dần. Đi đâu nửa tiếng, mái chùa ngói nâu ẩn sau những lùm cây hiện ra. Tôi mường tượng hình ảnh Sư Cụ tôi đã gặp ngày tôi về dự lễ khánh thành ngôi Từ Đường dòng họ hơn mười năm trước. Hẳn nay Sư già hơn, nhưng tôi thầm hy vọng Sư vẫn cứ giữ được nụ cười thanh thoát lúc nào cũng nở trên môi. Đến cổng chùa, dăm ba chú chó chạy ra sủa inh lên. Một chú tiểu ra suỵt chó, miệng nói chó ở cửa Phật chỉ sủa chứ không cắn ai bao giờ. Nghĩ đến chuyện những kẻ trộm chó bị dân làng bắt đánh cho đến chết, tôi hỏi, chú tiểu đáp không hiểu sao kẻ trộm có nhưng họ tha cho chó nhà chùa.

Chúng tôi vào sảnh, nơi tiếp khách và chỉ mươi phút sau là Sư Cụ trụ trì đã ra. Sư vốn là bạn thâm giao của lão Bạ mặc dầu tuổi tác có cách nhau hàng chục năm. Ngày xửa ngày xưa, vào năm Ất Dậu miền Bắc bị đói. Khi ấy, Sư còn là một hài nhi, mẹ mang bỏ cổng chùa rồi đi mất tích. Sư hay đùa, tôi đi tu để có cái ăn mà thôi, tu rồi quen, cứ rời chùa là đói, ngộ ra chân tâm chính giác cũng đến từ chuối từ oản.

Chùa không nhận vãi, có khoảng trên mười sư, tự cung tự cấp, canh tác hai mẫu vườn, và ngay tại tiền sảnh, ghi rõ bằng chữ khổ lớn: Chùa không có hòm công đức, không nhận quà cáp, và không cho phép đốt vàng mã, và cấm mọi hình thức mua bán. Tôi nghịch ngợm hỏi:

- Sao lại không có vãi, thưa Thầy? Thế là kỳ thị giới tính đó!

- Hà hà, thí chủ mà không kỳ thị thì giới tính nó loạn lên, nhà chùa có mà thành nhà… thổ! Sư đáp.

- Tại sao?

- Ấy, xưa kia đi tu là tìm đường buông bỏ thân nghiệp. Nay thì có khác, có kẻ được phong là Thích này Thích kia, mà thật là Thích Nữ Sắc… Có những Thích sở hữu vãi chính phi, vãi thứ phi, vãi cung nữ… cứ như vua một cõi. Nếu là nòng cốt của Hội Phật Giáo có chính quyền chống lưng, họ có quyền phong chức và bổ nhiệm người này người kia vào chùa này chùa nọ. Cách đây hai năm, có một vị đến chùa này xin tu tập, pháp danh là Thích Lãng Du, có thẻ hội viên Hội Phật Giáo đàng hoàng… Tôi cho thử, nhưng sau một tuần làm việc đồng áng thì vị đó biến mất mà không một lời từ giã. Hà hà, đi tu đâu phải là không mệt đâu…

Lão Bạ trịnh trọng:

- Bạch Thầy, chắc Thầy còn nhớ chú em đây, chú có chút việc xin tham kiến Thày…

- Ối dào, lão dạo này hay nói chữ quá, tham với lại kiến, nghe mà tưởng Sư như là quan tới nơi.

Sư thủng thỉnh gọi chú tiểu pha trà, nheo mắt nhìn tôi, tiếp:

- Nhớ chú thì không, già bắt đầu lẫn rồi. Nhưng chuyện gì thì cứ hỏi, biết thì nói, chẳng có gì giấu giếm cả.

Tôi nhắc chuyện lão Bạ nói đến bốn từ Du Lịch Tâm Linh mà tôi không hiểu. Sư phá lên cười, bảo thí chủ muốn sống thời này thì chớ hiểu gì ngoài cũng bốn từ là sân si vật dục. Sư kể mãi sau Sư mới biết Thích Lãng Du đến chùa xin tu là kế hoạch của Thường ủy Tỉnh nhằm ủng hộ một dự án kinh tế có tầm cỡ. Dự án nhắm thiết lập một tuyến du lịch qua huyện Vụ Bản rồi nối vào Khu Nghỉ Dưỡng nằm trên bờ biển huyện Giao Thủy. Trên tuyến này, chùa Văn Ấp được coi như một điểm chốt: biến chùa thành một Phủ Giầy II, mỗi năm tổ chức lễ hội Lên Đồng hai lần. Mô hình là Phủ Giầy ở Nam Định đã rất thành công, số người tham gia lên hàng trăm nghìn, và doanh thu là bạc hàng ngàn tỉ. Tuyến du lịch sẽ lấy khuôn mẫu từ Bái Đính ở Ninh Bình, là một thành công không chối cãi được trong kỹ nghệ du lịch, thu hút khách nước ngoài, mang lại một nguồn ngoại tệ đáng kể.

Lại nói về Thích Lãng Du vốn là công an biệt phái qua địa bàn Văn Hóa-Tôn Giáo cấp huyện. Rời chùa Văn Ấp, chàng này liền đi Sài Gòn chơi mấy tuần, về báo cáo rằng Sư Cụ nay lẩm cẩm, phải đưa Sư Ông trong chùa lên cấp lãnh đạo chùa. Triệu tập Sư Ông, các cấp thẩm quyền mới biết ông ta điếc, ngọng, và ngớ ngẩn. Rồi điều tra, lại biết thêm Thích Lãng Du chỉ ở chùa một tuần rồi trốn đi chơi. Chàng này được công an cho phép “hoàn tục” và thuyên chuyển đi đâu đó không ai rõ. Lãnh đạo Huyện phái chuyên viên kinh tế Nguyễn Tán Thành về chùa thuyết phục Sư Cụ mấy bận nhưng kết quả chỉ là những lần lữa hứa hẹn chẳng đến đâu. Hội Phật Giáo quốc doanh can thiệp gọi Sư Cụ lên “họp”, Sư không đi, lấy cớ là chưa từng ký tên làm hội viên bao giờ.

Tôi nói cho có chuyện để nói:

- À, thì ra Du Lịch Tâm Linh là thế… Ở Bái Đính, khách tham quan toàn là người nước lạ, ai cũng ngán!

Lão Bạ xen vào:

- Thầy chưa kể cái chuyện người ta chặn mạch rồng khiến đất đai thôn xóm vùng này chết khát…

Sư Cụ nhíu mày, tay gõ gõ lên đùi, nhẩn nha:

- Hừm… Nhìn tôi, Sư Cụ dò hỏi - Ông hẳn là người Tây học, ông có biết chúng ta là con cha Rồng mẹ Tiên không nhỉ? Theo truyền thuyết, Mẹ Âu Cơ mang 50 đứa con lên núi, Cha Lạc Long mang 50 đứa ra biển. Cách đây chừng nửa năm, một cụ lứa tuổi tôi đến chùa, xưng là truyền thừa của cụ Tả Ao, một danh nhân nổi tiếng về địa lý thời nhà Lê thì phải. Cụ xin tá túc ít ngày, thời gian cụ đi tìm mạch rồng, con đường Lạc Long ra biển. Một sớm, cụ hớn hở, báo tôi tìm thấy rồi, nhưng mạch bị chặn sáu chỗ, nên hạn hán xảy ra, và không thể đảo ngược được! Cái khẩn cấp là phải khai mạch tìm đường cho Rồng thoát chết khát. Bói âm dương, cụ reo, đây đây. Và thật lạ, mạch rồng là con đường qua Văn Ấp, vào địa hạt Giao Thủy, rồi trực chỉ Khu Nghỉ Dưỡng trên bãi biển, hệt như lộ trình ghi trong dự án Du Lịch Tâm Linh…

Lão Bạ chen ngang:

- Lập tức Huyện rêu rao Nhà Nước sẽ thu mua đất nay không còn cày cấy được, tái định cư dân có yêu cầu với điều kiện ưu tiên, và rồi cắt trạm bơm nước với mục đích hành dân cho dân phải bỏ đất…

Sư Cụ thở phào:

- Mẹ Âu lên núi với đám con, chắc nay là người Tày người H’Mong, đói và kiếm sống bằng cách bán thổ cẩm, gùi mây, vòng đồng… cho khách du lịch. Cha Rồng thì hụt hơi, 50 đứa ra biển thì chỉ một số vượt biên nay tạm ổn ở nước ngoài, đa phần kẹt trên đất liền, trai thi nhau xuất ngoại đi làm lao động, gái lấy chồng người Hàn, người Đài… mong đổi đời. Với Du Lịch Tâm Linh, nếu cha Rồng nhân dịp mà cũng tuồn đi vượt biên, là chấm dứt luôn truyền thuyết Âu Lạc!

Lão Bạ văng tục rồi buông thõng:

- Du Lịch gì, Đi lạc Tâm Linh thì có!

Nấn ná chuyện vãn mãi, chúng tôi chỉ rời chùa Văn Ấp vào lúc xế tà. Lão Bạ lầm lì không nói năng gì, thỉnh thoảng chỉ buột miệng chửi. Trời thương thế gian cho chút gió nên đỡ nóng. Lác đác những cánh cò trắng đã nhuộm hồng trên ruộng đồng xơ xác rạ. Thình lình, lão Bạ ngừng bước, nắm cánh tay tôi, mắt chòng chọc, nói như quát:

- Mất đất là mất dân. Chặn mạch nước ngầm nhằm móc đất hiếm cho người nước ngoài khai thác chỉ là bán tài nguyên, mà tài nguyên thì có hạn, cạn kiệt là hết. Còn cái gọi là du lịch tâm linh là chuyện buôn đồng bán cốt, gọi bà chúa Liễu ông Hoàng Mười lên trần thế múa may cốt bán vé rồi ních cho đầy hàng chục hòm công đức, tiền cuối cùng vào tay bọn cầm quyền dùng đám giả danh tu hành mượn thần mượn thánh vừa móc túi vừa làm cho dân ngày càng ngu đi… Chú xem, đời này thế thì còn có đáng sống không!

Lão Bạ giơ tay như với lấy trời trên đầu, hạ giọng thiết tha:

- Mất đất, mất dân, và sẽ rồi mất nước mà thôi. Đừng mang chuyện ngàn năm nô lệ người phương Bắc xưa kia ra kể để bơm hy vọng hão cho hôm nay!

Nói đến đây, lão ôm mặt khóc tu tu. Tôi chẳng biết làm gì, kéo lão ngồi xuống bờ ruộng nứt nẻ khô cằn. Quay lưng giấu nước mắt, lão vẫn thút thít, lâu lâu nuốt nước bọt ừng ực. Khi chạng vạng, tôi kéo lão đứng dậy. Chúng tôi lại đi, chân đạp lên mặt đất, lòng chồng chềnh ngổn ngang trăm mối.

LÒNG CHỢT TỪ BI, BẤT NGỜ

Về đến nhà lão Bạ, cửa vẫn mở toang như khi chúng tôi đi. Nguyện đứng ngoài thềm, cười ỏn ẻn. Lúc bấy giờ tôi mới thấy cái răng khểnh phía trái miệng nàng nhô lên như làm duyên. Cái đẹp, không đều đặn. Kể cả cái đẹp đến từ thị giác như tranh, như cảnh. Hay thính giác, từ một tiếng đàn, một bản nhạc. Nó phải có cái chi như phá cách, ra ngoài dự tưởng, và gây bất ngờ.

Nguyện nói:

- Chờ bác với chú mãi! Chú về nhà ăn cơm tối, bác Thuận dặn thế!

Nói xong, Nguyện bước ra đứng đợi. Lão Bạ không nói gì, chỉ nắm nhẹ tay tôi. Theo Nguyện lên đường về thôn, tôi ngoái lại vẫy tay chào lão.

Nguyện đi trước, miệng lập đi lập lại, chú đi cẩn thận vấp, đê nhấp nhô lắm. Tôi bước theo, thỉnh thoảng gió thổi khiến tóc Nguyện bay tạt vào mặt tôi, mùi bồ kết lại thấp thoáng hư thực. Sống bên Mỹ mấy chục năm, tôi ngửi các loại mùi thơm của hàng chục loại nước hoa có danh hiệu, nhưng sao về quê hương mình, tôi bị hương bồ kết hớp hồn. Phải chăng cái cảm thấy đến từ cái gì đó rộng hơn và sâu hơn là chỉ thuần từ khứu giác, một khả năng giới hạn trong năm giác quan. Tôi hỏi, rồi lẩn thẩn nhủ mình, có hề chi, quan trọng là tôi cảm được. Hoặc ngược lại, than ôi, tôi vô cảm và thành hòn đá lăn lóc vệ đường.

Nguyện đưa tôi vào nhà bác Thuận rồi cất tiếng gọi. Không ai trả lời. Nhìn trời nhá nhem, Nguyện nói:

- Chắc bác không được về tối nay rồi!

- Công an giam bác?

- Không giam ai đâu, chỉ ‘làm việc’ thôi ạ! Giọng vẻ như bỡn cợt, Nguyện tiếp, nhiều khi làm đến hết việc mới thôi…

Nguyện đã sắp hai cái bát, hai đôi đũa, hai chiếc ly để sẵn trên bàn. Xuống bếp, nguyện bưng đồ ăn lên, nói:

- Có cá bống kho tiêu và thịt gà luộc đãi chú…

Tôi bảo:

- Nguyện bới cơm rồi ngồi ăn với chú nhé! Sẵn bát đũa đây rồi!

- Thôi em chả dám! Lẽ ra là bác Thuận chứ…

Tôi ngắt:

- Bác vắng nhà… Chú ăn một mình buồn lắm. Ngồi đi…

Nhắc thêm một lần Nguyện mới kéo ghế rồi rón rén nâng bát cơm lên nhưng không gắp thức ăn. Tôi đành gắp cho Nguyện, miệng bâng quơ:

- Ăn chứ không thì ôi mất!

Từ khi Nguyện đèo xe tôi về làng, có lẽ đến giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ. Cô bé không xấu không đẹp, nhưng có thể nói là khá mặn mà. Da rám hồng, tóc dài thả ngang lưng, tay bị chai có lẽ vì lao động, Nguyện ăn nói bộc trực, hồn nhiên cười với mọi người khi giao tiếp nên ai cũng mến. Nguyện kể, xong cấp 2 thì Nguyện xin thôi học. Bác Thuận cho Nguyện tiếp tục cấp 3 nhưng khi đó phải lên trường Huyện. Trên huyện thì có nhà anh Thành con bác, nhưng chị Thành thấy bất tiện nên từ chối. Nguyện chép miệng:

- Em cũng chẳng ham học chữ làm gì, em chỉ mong học lấy một cái nghề mình thích!

- ???

- Em ước ao học nghề chuyên về thời trang… Mỗi lần thấy có báo chí về y phục phụ nữ Hàn quốc là em vồ ngay, mang về xem, nhưng nhà đây làm gì có máy may, có vải vóc… Thế là thèm rỏ rãi ra nhưng mà chịu! Chị Thành có một cửa hàng may mặc trên phố huyện, em xin lên làm không công, nhưng cũng chẳng được. Lên thì phải trọ nhà anh chị, nhưng chị bảo anh Thành ‘sát gái’ lắm, thế nào rồi cũng sinh chuyện!

Không thực sự biết sát gái là thế nào nhưng tôi đoán cũng ra sự tình. Tôi hỏi:

- Cả tỉnh Nam Định chắc phải có trường dạy nghề chuyên về may mặc chứ?

- Dạ có, em hỏi rồi, học phí đắt đỏ lắm. Mà thôi, cũng là cái số cả! Phúc đức ông bà cho chỉ có thế!

Dứt lời, Nguyện đứng dậy dọn bát đĩa mang xuống bếp.

A, cái số? Ngày trôi dạt đầu sóng ngọn gió hai tuần trước khi dạt vào Pulau Bidong, tôi cũng cầu mong cái số tôi không phải là mồi cho cá biển. Khi đó, tôi cầu Chúa, khấn Phật, kêu gào ơn phước mọi đấng thần linh cứu độ, bất kể tôn giáo nào. Tôi đã thóa mạ những con tàu xua tay quay lái trước những con sóng cao hơn mười mét quăng quật con thuyền chúng tôi lên cao xuống thấp như làm xiếc. Nhiều đứa trẻ chỉ mới lên mười đã cầm lựu đạn sẵn sàng rút kíp quăng vào tàu bọn cướp biển vây quanh chúng tôi. Và tôi, tôi đã quì xuống bật miệng khóc òa khi chiếc tàu buôn cắm cờ Na Uy vòng lại quăng dây kéo thuyền chúng tôi lách sóng trực chỉ đất liền, tai nghe dăm người đồng hành reo, sống rồi, số thế là sống rồi! A, số tốt hóa ra là được sống với và sống cùng những con người đối xử với nhau như những con người.

Còn phúc đức ông bà để lại? Từ thời nhà Mạc lui về Cao Bằng, cuộc nội chiến Lê-Mạc giữa thế kỷ 16 nổ ra. Tiếp theo, là Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài cho đến thời Tây Sơn khởi nghĩa. Đầu thế kỷ 19, Gia Long thắng Tây Sơn, nhà Nguyễn thống nhất đất nước nhưng chỉ 70 năm sau thì bị thực dân Pháp xâm lăng. Đất nước bị thống trị bởi ngoại bang cho đến 1945. Khi chiến tranh thế giới 2 chấm dứt, Việt Minh – tiền thân của Đảng Lao Động nay là ĐCSVN – cướp chính quyền trên danh nghĩa giành tự do độc lập dân tộc, và mâu thuẫn tranh chấp với những đảng phái khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân, v.v. Phần lớn thành viên những đảng phái này không chấp nhận chế độ Cộng Sản, di cư vào miền Nam sau hiệp định Genève, chia cắt đất nước thành hai vùng Nam-Bắc, mỗi vùng có lý tưởng và chế độ chính trị riêng. Miền Bắc ‘giải phóng’ miền Nam như chúng ta biết năm 1975, thống nhất gì chứ lòng người thì vẫn phân tán, kỳ thị, có một bên là ‘bên thắng cuộc’ và, dĩ nhiên bên kia là ‘bên thua cuộc’. Tóm lại, phúc đức ông bà để cho con cháu trong 4, 5 trăm năm là chiến tranh, đặc biệt với cuộc nội chiến giữa những người cùng huyết thống. Vậy phúc đức ông bà là gì khi sau hơn 40 năm rồi mà dân tộc này hiện vẫn còn phân hóa Nam-Bắc, Quốc-Cộng, Thắng-Bại… và lời kêu hòa hợp hòa giải mang âm vọng một lời nguyền truyền kiếp.

Trời tối dần nhưng trăng ló ra đã tỏa thứ ánh sáng trinh bạch nguyên sơ. Nguyện thắp đèn rồi đổ nước vào bình trà. Bên ngoài, côn trùng bắt đầu rỉ rả. Thình lình, có tiếng ghi-ta vọng đến. Tôi ngước nhìn dò hỏi. Nguyện cười thẹn thùng:

- Tập Tễnh đàn đấy ạ! Tháng tháng cứ trăng tròn là nó lại hát một bài mới học…

Tôi nhìn ra ngoài. Tập Tễnh ngồi trên bờ giếng, tay ôm cây đàn tự chế, một chân gác cao, đầu cúi xuống lắc lư nhịp nhịp. Giọng không giấu được chút kiêu hãnh, Nguyện tiếp:

- Nó bảo với cả làng là nó chỉ hát cho em, như trong truyền hình bên Tây chiếu cảnh con trai ôm đàn hát tặng con gái đấy!

Tôi đoán là phim Romeo và Juliette, bấm bụng nhịn cười rồi rón rén ra ngoài tìm chỗ khuất dưới một lùm cây không để cho Tập Tễnh thấy. Nó cất tiếng, khàn khàn, hát:

Ru em…

Ru em thèm khát xa hoa/ru em đầy những đam mê/ru em tình nghĩa vu vơ/ru em ru em chìm dưới phong ba

Ru từng ngọt bùi đã qua/ru người lận đận héo khô/yêu em yêu thêm tình phụ/yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ…

(Ca từ Trịnh Công Sơn)

Đàn lạc giây, hát lạc giọng, nhưng không biết từ lúc nào nước mắt tôi ứa ra. Rồi không kìm được, tôi bật khóc, nức nở. Vâng, phải yêu thực sự. Và như thế, mới cảm được lòng từ bi, thương thân rồi thương muôn loài, từ con giun con dế cho đến nhành cây ngọn cỏ.

Lòng từ bi, rất bất ngờ, khai ngộ.

Tập Tễnh tiếp tục hát. Tôi uống từng ca từ, nuốt những thanh âm vào bụng, nghe tiếng ru em thấm vào máu thịt mình. Trời nay có mây bay ngang khiến trăng nhìn như dát bạc. Tiếng cú rúc từ xa vẳng lại nhịp vào tiếng đàn nhặt khoan cứ nhỏ dần rồi im bặt. Chàng Romeo cạn lời, chẳng hiểu nàng Juliette có chịu hiểu cho không. Bóng chàng tập tễnh ôm đàn lẫn vào bóng đêm nhìn bùi ngùi đến lạ.

Không có tiếng đàn tiếng hát, giun dế tấu lên một bản giao hưởng khác. Tự nhiên, tôi thèm tiếp cận với một thế giới không có chuyện mất nước khiến đất nứt đồng khô. Không có í a đồng bóng cô về cô hát cô chơi ở lễ hội Phủ Giầy. Như một chiếc bóng, tôi lẩn về phía nghĩa địa, nơi có mộ tổ tôi vừa mới thăm hôm qua. Đom đóm hàng đàn chập chờn bay lượn dưới ánh trăng xanh nhợt. Xa tít xa, những quả cầu mầu sữa to như những cái rổ nhấp nhô lên xuống. Thế giới này bỗng là một thế giới khác, không có vẻ dọa nạt gì hơn thế giới người sống. Mùi hoàng lan không biết từ đâu thoảng lại, thơm như hương hoa ngày giỗ tết.

Dựa lưng vào mộ cụ Phủ, tôi thèm có khả năng chuyện trò gì đó với những người đã khuất bóng. Còn với người đang sống, nhức đầu lắm, và im lặng thường là vàng, nhất là khi ta thấm mệt. Thình lình, tiếng nhẹ như tơ vẳng lên. Cụ Phủ bảo, thương cho bay, loay hoay mãi mà không biết quay về con đường thịnh trị thời vua Nghiêu vua Thuấn. Tôi chắp tay lạy, và thốt, tương lai không nằm phía đàng sau quá khứ. Và với may rủi có hoặc không có những minh quân lãnh đạo. Tương lai đến từ thể chế của toàn xã hội.

Về Từ Đường, Nguyện đã khêu sẵn một ngọn đèn dầu và buông màn cho tôi. Sương đêm buông lờ lững nhuộm mặt đất một màu trắng đục. Mắt tôi sụp xuống sau khi nghe, nhìn bao nhiêu chuyện chỉ trong một ngày thứ nhì trên quê cha đất tổ. Tôi gần như kiệt lực, thiếp ngủ mê mệt, cả tiếng gà trong thôn thi nhau gáy sáng cũng không đánh thức tôi dậy.

N.D.