Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Vũ điệu không vần (kỳ 9)

Khế Iêm

Nhịp Đập của Thực Tại

______________________________

Hãy cứ tưởng tượng, khi hội họa mang đồ vật vào trong tranh (Pop Art, thập niên 60), và rồi tranh lại bước ra ngoài giá vẽ để đi vào thế giới hiện thực (thập niên 70), thì thơ cũng đang có những chuyển biến mới, chụp bắt yếu tố đời sống để xử dụng như yếu tố thơ. Và cũng hãy hình dung một buổi sáng thức dậy, mở mắt ra, bắt gặp ngay những cạnh góc, từ ghế, bàn, trần nhà, cửa sổ tới những vật dụng hàng ngày. Những thứ tưởng là tầm thường ấy, mà bao lâu nay, chẳng đáng quan tâm, lại là nguyên nhân gây ra cảm giác bất an. Trong xã hội hậu công nghiệp, chúng ta đã xa rời thiên nhiên và không thể thoát ra khỏi, chồng chất những đường nét, cạnh góc của thế giới hình ảnh và đồ vật. Hơn thế nữa, ngay cả giao tiếp giữa người và người cũng phải qua những phương tiện truyền thông. Tiếng nói được gởi đi và tiếp nhận, không còn đúng với tự nhiên. Tình cảm con người, có nguyên ròng và nồng ấm như cái thời sống mộc mạc, chân chất xưa không? Thơ vì vậy, càng lúc càng phải mở ra và đón nhận thực tại, nếu không muốn bị chôn vùi, trong cái vỏ khô cứng của ngữ nghĩa. Nhưng khi thơ đi vào thực tại hay thực tại xuất hiện trong thơ, thì điều gì sẽ xảy ra? Thơ biến đổi, một số yếu tố sẽ mất đi và được thay thế, đưa người đọc tới tâm trạng hoài nghi, và thường là ngộ nhận, phải chăng đang có những cố tình làm hỏng cả một quan điểm thẩm mỹ?

Trước hết là nhịp điệu. Nhịp điệu trong thơ, bao lâu nay, được hình thành bởi âm của chữ, nhưng bây giờ là nhịp điệu của thực tại. Nhịp điệu thực tại thì có nhiều, khoảng cách giữa người và vật, giữa vật và vật tạo ra nhịp điệu của không gian, chuyển động và hình sắc tạo ra nhịp điệu hình ảnh, những biến cố xúc cảm tạo ra nhịp điệu thời gian ... Và khi bước ra khỏi nhịp đơn điệu của thể điệu cũng có nghĩa, thơ trở về nhịp điệu thật và sống động. Thơ, nói như C.K. William, cho chúng ta nhìn thấy được ánh chớp trong đời (radiance in life) mà từ bao lâu nay, từ Trừu tượng Biểu hiện (Astract Expressionim) tới nhóm Beat Generation luôn luôn bị ám ảnh: tìm kiếm một cách nhìn mới (creat a new vision). Đó cũng là điều chúng ta thường hay đề cập tới: bản sắc thơ. Bản sắc thơ hay bản sắc một thời đại, một thực tại, một nền văn minh bao gồm luôn cái gọi là bản sắc dân tộc. Nhịp điệu thực tại hay nhịp điệu của khoảng khắc, nói cho cùng, cũng chính là bản sắc thơ. Bởi vì, và chừng như mỗi thời đại đều muốn ghi lại dấu mốc thời gian, đã phát sinh ra hàng loạt những tuyên ngôn (manifesto) và cả những tuyên ngôn chống lại những tuyên ngôn (manifesto against manifestos). Bản sắc thơ, bản sắc văn hóa giữa các nền văn hóa, di dân giữa các di dân, và mỗi thời kỳ (hiện đại và hậu hiện đại) là chuỗi dài những phủ định và phát hiện. Lịch sử không hẳn chỉ là những biến cố mang tính chính trị và xã hội, mà còn là sự hóa thân của từng nền văn hóa. Lập thể (Cubism) tìm ra không gian bốn chiều, Trừu tượng Biểu hiện rút tỉa kiến văn từ văn học và triết học chỉ còn có hai chiều, và thời kỳ hậu hiện đại (Postmodernism), nghệ thuật chống lại trừu tượng trở về với không gian ba chiều của hiện thực, nhưng kỳ thực là để phản ứng và giễu cợt hiện thực. Cứ như thế, cái món nợ tinh thần ấy tiếp tục đè nặng trên vai từng thế hệ, giữ lại nhiều hay ít, vết tích của thời gian.

Ở đây cần nhấn mạnh, bản sắc thơ không nhất thiết tùy thuộc vào ngôn ngữ, mà tùy thuộc vào cách nhìn, cách sống, cách xử thế ở nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau. (Không phải chỉ nói tiếng Việt, bắt được những âm sắc Việt là giữ được bản sắc Việt). Bởi một điều, có quá nhiều thế giới càng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới chúng ta. Tính tương thuộc một lần nữa được nhắc lại: sự vật tự nó vô nghĩa, chính sự tương thuộc giữa các sự vật tạo ra ý nghĩa (Hans Hofmann). Thế giới hình ảnh, thế giới đồ vật xâm chiếm đời sống, là cái gốc của cảm xúc, trở thành trọng tâm, từ đó, chúng ta nhận ra, nó giúp soi tỏ và hiểu thấu tâm hồn mình. Nói cho rõ, thế giới đó được khai sinh bởi chúng ta, là một phần của đời sống, và phải được chấp nhận, cả tiện nghi lẫn phiền nhiễu. Tới một lúc nào đó, có thể sẽ khó khăn để đối phó với ngay những sản phẩm từ sáng kiến của chính chúng ta. Và những xung đột giữa người và người không còn ở mức đáng quan tâm nữa, mà là xung đột giữa con người và thế giới đồ vật. Nhưng cái gì làm nên nhịp điệu thực tại, lại chính là đường nét (line). Đường nét có đời sống và cá tính riêng. Line of thought biểu hiện cho kiến thức mà chúng ta thủ đắc, thực tại mà chúng ta nhận biết, theo trường phái Trừu tượng Biểu hiện. Nhưng ở đây không có gì liên quan tới hội họa trừu tượng, mà đường nét chỉ thuần chiết ra từ hình ảnh và hình dạng đồ vật. Nếu những khoảng trống trong thơ tự do giúp chúng ta nhận ra được không gian, thì đường nét, cái nhịp điệu phi âm thanh ấy, gợi ra thời gian trong thơ: sự đứt quãng, trăn trở, mối hồ nghi, những áp lực của đời thường, sự dằng co mang nhiều tính nghịch lý giữa tâm thức và hiện thực. Len lỏi giữa các dòng chữ, như hai thế giới song hành, làm nên những dòng chảy chông chênh, từ đâu, đi đâu, những câu hỏi mà chẳng bao giờ có lời giải đáp. Ranh giới giữa trong và ngoài, biết và không biết, như núi non sông đồi, làm nên những trắc trở: giữ lại và đồng thời thúc đẩy chúng ta phải vượt qua. Và vượt qua như thế nào thì vẫn là vấn đề nan giải. Vì thơ, ngoài cái nói được, còn có cái nói không được. Chính chỗ bỏ lửng, không rõ ràng ấy, nảy sinh ra nhịp phách bí ẩn của thơ. Đường nét như một hình thái cấu trúc, trong đó vai trò xã hội của nhà thơ là dựng lại (reconstruct), hình dung lại (reimagine) cách nhìn về đời sống, như để tự hỏi, chúng ta là ai (who) và như thế nào (how) trong thế giới chúng ta đang sống. Tạo dựng lại hay hình dung lại cũng chỉ là một cách nói, về một tiến trình xóa bỏ và đào thải.

Đường nét, bản sao hay nhịp điệu của thời gian, nói thế nào thì nói, là hiện thân của sự vật hay không phải là sự vật. Nó mang ý nghĩa của chính nó. Câu chuyện về chiếc mặt nạ của Floyd John, tuy rất đẹp nhưng không thực (real power), bởi vì nó chỉ là bản sao từng chi tiết của một chiếc mặt nạ khác đã cháy thành tro. (J.R., A Seneca Journal). Con người và đồ vật, ý thức và vô thức, tưởng tượng và hiện thực đều chỉ là những bản sao không có nguyên bản. Chúng ta cứ lập đi lập lại những gì đã có, nhưng cái đã có đó, cũng không ai biết, nó có thực hay không. Vậy thì làm gì có cái được gọi là thơ và cái không được gọi là thơ? Thơ luôn luôn lột xác và biến hóa, đến tận cùng. Bởi vì, cái nguyên bản của thơ chính là chỗ sâu thẳm mà mỗi người trong chúng ta, nhà thơ của những nhà thơ, nhìn thấu được. Đường nét, cũng như thơ, có thể là đường thẳng, đường cong hay là bất cứ một hình dạng nào, thực hay ảo, chuyển động hay bất động, nói đùa một chút, là một thứ cố hương. Cố hương, chúng ta sinh ra từ một cội nguồn mơ hồ, và lưu lạc tới một nơi chốn cũng mơ hồ không kém. Thời gian chẳng phải đã là một thứ cố hương của mỗi đời người sao? Hóa giải và phủ nhận thực tại, bằng cách đồng hóa với thực tại, và vì vậy, bài thơ phải hiện diện ở một cách thế khác, và quan điểm về một tác phẩm hay cũng lỗi thời như cánh cửa của quá khứ đã bị đóng lại. Và không phải chỉ có những yếu tố thơ là lỗi thời, mà càng lúc càng có nhiều thứ trở thành phế liệu, ngay cả kiến thức. Đa đa, siêu thực, trừu tượng hình như đã chấm dứt từ lâu lắm? Chẳng còn nguồn nào có thể viện dẫn để xác định những vị trí, ngoài viện dẫn chính thực tại. Nghệ thuật là hình thái của kiến thức (form of knowledge), theo quan điểm của trừu tượng biểu hiện, thập niên 50, có thể đổi lại không: nghệ thuật là hình thái của đời sống (form of life)?

Thơ luôn luôn là một thế giới bí ẩn và khó hiểu. Nhưng cũng không phải chỉ là trò ảo thuật chữ. Đằng sau mỗi bài thơ, là lý luận thơ, để từ đó đẩy thơ tới chỗ phi luận lý. Thơ nằm ở cõi phi ấy nhưng vẫn phải khởi đi từ cõi thực. Vì vậy, tại sao chúng ta cứ phải nói miên man mãi, về thơ, tưởng như không bao giờ dứt. Và thời gian có bao giờ chấm dứt đâu. Mỗi thời đại bắt được chân tướng thơ một cách khác nhau, như thể mỗi người trong chúng ta có cảm giác khác nhau, chỉ vì một làn gió mát. Dù thơ vần hay không vần, người làm thơ phải nói lên được tiếng nói của thời đại mình. Tiếng nói ấy không phải là tiếng nói của quá khứ, dòng thơ ấy không phải là dòng thơ đã qua. Và cái tự nhiên của thời này, có thể là cái không tự nhiên của thời trước, cái hay của thời này có khi là cái giả tạo của thời khác. Thơ vần, đối với tôi, là một gắn bó lâu dài, những suy nghĩ và học hỏi tốn nhiều thời gian, nhưng sáng tác thì không bao nhiêu. Tôi đã nhận được nhiều ân sủng từ thể loại thơ này, khởi đi từ thơ vần và cũng là người dứt khoát giã từ vần điệu. Và cũng có khi dứt khoát giã từ nhiều thứ khác nữa. Như thể ngôn ngữ vốn chứa nhiều chất huyền hoặc, hãy tước bỏ và cụ thể hóa nó đi; và có khi, cũng nên hình tượng hóa ngay cả ý nghĩa. Đó là cách phá bỏ mọi ranh giới giữa thơ và đời sống, một cố gắng nắm bắt những khoảng khắc của thực tại. Tôi vẫn tin rằng ở một số nhà thơ, có thể chưa chắc họ là những tên tuổi rực rỡ của một nền thi ca, nhưng họ đang hoàn tất tiếng nói của thế hệ họ. Thơ của họ có thể lẻ loi, đơn độc, vì không giống ai nhưng chúng ta hãy bình tâm tự hỏi: nếu một thế hệ không có tiếng nói, chỉ nói thay một thế hệ nào đó thì chúng ta chỉ có hình dạng nhưng không có âm thanh, đó là những bóng ma, những hồn muôn năm cũ. Thi ca thường xuyên bị gián đoạn vì tình trạng này.

Chúng ta đang ở thời đại có nhiều thay đổi, từ khoa học, xã hội đến kinh tế, chính trị và từ đó sẽ thay đổi tận gốc rễ thói quen và nhận thức con người. Ở một thời đại mà mọi ngành nghề đều phải cập nhật hóa thường xuyên, và thơ ca cũng không thể ra ngoài định luật đó. Muốn cách tân đổi mới không thể không theo dõi những trường phái và thời kỳ thơ để có thể bước ra khỏi chiếc bóng rợp của quá khứ, nắm bắt hiện tại: chúng ta đang bước tới hay lui, có nằm trong cuộc vận hành chung ấy? Một quan điểm thơ, không phải hình thành trong giây phút bốc đồng, mà trải qua kinh nghiệm và suy nghĩ lâu dài. Một lý luận vui: chúng ta có thế giới của thơ, thế giới của truyện, thế giới của kịch ... bây giờ chúng ta có một thế giới mới, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ gấp mấy lần: thế giới của truyền hình. Và nếu trong tương lai, hình ảnh được áp dụng bằng thứ không gian nhiều chiều thì nó chẳng khác gì thế giới của chúng ta. Sẽ là ngạc nhiên và buồn biết mấy nếu đời sống không có truyền hình và truyền hình không phải là đời sống. Đâu là ảo, đâu là thực, chúng ta thật sự không biết. Hoặc là chúng ta đồng thời sống với cả hai thế giới. Ngay bây giờ, nó đang hòa lẫn với thực tại, cái ảo được nhận diện và cái thực biến thành ảo. Hình ảnh xâm nhập vào đời sống và ngược lại đời sống là những chuỗi hình ảnh liên tục, như thể những bản sao không có nguyên bản. Con người đối diện với một tình huống mới, quá nhiều thông tin và chẳng ai có thể lưu giữ, ngoài hình ảnh. Ý nghĩa bị tước bỏ, hoặc không còn quan trọng và ranh giới giữa tưởng tượng và thực tế bị bào mòn. Ngay hình ảnh cũng không mang được nhiều ý nghĩa, ngoài một điều, hình ảnh là hình ảnh, vậy thôi. Khi đời sống bị xâm thực, bị phân thành nhiều mảnh, thơ cũng sẽ không tránh khỏi những tai họa. Chức năng thơ sẽ phải thay đổi, trộn lẫn giữa Kafka và S. Beckett chăng (một người được xếp vào thời hiện đại, một người là hậu hiện đại), hay là một thứ tân siêu thực gì đó (ý thức và vô thức cùng nắm tay đi chung một con đường)? Không còn ai có khả năng tiên tri, và cũng chẳng ai điên rồ dẫm vào vết chân cũ, chỉ biết rằng, sẽ không đơn giản và êm đềm như cái thời thanh bình xưa, nay còn đâu. Bây giờ chúng ta mới lấy thơ từ TV, nhưng biết đâu sau này, thơ sẽ bị TV đồng hóa, bằng một phương cách nào đó. Chúng ta sẽ không còn đọc thơ trên trang giấy mà nhìn thơ trên màn hình. Chắc chắn cũng sẽ còn lâu, vài thế hệ nữa, nhưng không phải là không xảy ra. Nhưng lúc này, chúng ta cứ yên tâm, và thoải mái lấy thơ từ bất cứ nguồn nào, vì thơ vẫn còn là một thế giới rất riêng. Đế quốc truyền hình chưa thể làm mưa làm gió, nhưng ảnh hưởng thì đã rõ. Và cuối cùng, thơ không còn phải có tính thuyết phục hay được chấp nhận nữa, và cũng như đời sống và hình ảnh, nó hiện hữu như nó hiện hữu, bất kể ngôn ngữ hay hình thức diễn đạt, không hay thời gian. Lý luận này, chúng ta cũng có thể coi là một lý luận ảo, bởi vì biên giới giữa ảo và thực có còn nữa đâu.

Đối với thơ vần hay bất cứ loại thơ nào, tôi không đọc nhiều ở những bài thơ. Bài thơ chỉ là cái xác của thơ. Có người thấy cái xác tưởng là thơ, và bới tìm trên đó. Qua cái xác thơ, tôi nhìn ra những trăn trở, sự đam mê sống chết của người làm thơ. Tôi nhìn thấy thơ nơi những nhà thơ chỉ làm thơ vần cũng như những nhà thơ có khuynh hướng đổi mới, và ngay cả nơi những người đang miên man suy nghĩ về những chiều hướng thơ. Thơ ở khắp nơi, khắp chốn, đâu phải chỉ nơi những bài thơ, và nhà thơ đâu hẳn chỉ là những người làm ra những bài thơ. Đời sống đó, thiên nhiên đó, bao nhiêu hạng người trong xã hội từ thấp đến cao, ở trong cũng như ở ngoài chữ, họ không đang tiếp nhận và làm ra thơ đó sao?

Đọc Thơ

____________

Glenn McNatt trong bài viết “Poetry is dead; TV tells our story.” nhấn mạnh (và báo động) rằng, chức năng của thơ đã bị lấn lướt bởi những phương tiện truyền thông. Tiểu thuyết và kịch nghệ đã cung cấp không ngừng nghỉ chất liệu tính truyện cho cái miệng háu đói của truyền hình, và như thế, phim ảnh và âm nhạc, có lẽ là nơi trú ẩn cuối cùng của vần nhịp thơ. Nếu thế kỷ 20 cho tới những thập niên ’60, những người đọc trẻ tuổi Hoa Kỳ đọc Yeats, Eliot, Auden và Pound để hiểu về thế giới mà họ sinh ra, thì thơ bây giờ, hình như đang rơi vào khủng hoảng tương tự như hội họa ở giữa thế kỷ 19 sau khi khám phá ra máy ảnh, và phải đi tìm những phương cách biểu hiện khác, trừu tượng chẳng hạn. Đó là chưa kể những ý kiến bi quan của John Roberts trong bài “The Decline of Art”, và Dana Gioia đặt vấn đề về thơ Hoa Kỳ (“Can Poetry Matter?”), cho rằng những nhà thơ đã tránh né công việc đời thường, sau khi giã từ học đường lại quay trở lại học đường để làm công việc giảng dạy. Rằng những nhà thơ chỉ làm thơ cho họ đọc với nhau mà không phải cho người đọc bình thường, rằng trò chơi ngôn ngữ (chơi chữ), chỉ thuần là một trò chơi, và không chuyển chở điều gì ...

Trước hết, thơ là một kỹ năng (craft), bởi đó là nghệ thuật của con người. Và để đạt tới kỹ năng, phải nắm bắt và lắng được thứ âm thanh tinh tế của ngôn ngữ, vì vậy mà những nhà thơ thật sự thì hiếm hoi, nói như Charles Bukowski, “Thượng đế đã sinh ra rất nhiều nhà thơ nhưng lại rất ít thơ”. Điều kỳ dị là sự thực hành và tinh thông kỹ năng thường bị coi là gò bó. Người làm thơ thỉnh thoảng được khuyên là đừng bận tâm tới luật tắc, điệp vận hay hình ảnh vì chúng không tự nhiên. Dĩ nhiên, chúng không tự nhiên nếu chúng ta không làm chúng thành tự nhiên. Trong tất mọi ngành nghệ thuật, người nghệ sĩ phải học kỹ thuật (technique) để có kỹ năng, có khi phải học cả đời, tại sao thơ lại khác với những ngành khác? Âm nhạc, kịch nghệ, cải lương không những người sáng tác mà các nghệ sĩ trình diễn đều phải học kỹ năng, chỉ có thơ là không. Và nếu nhà thơ không chinh phục được kỹ thuật, thì làm sao trở thành nhà thơ? Một người mới tập đánh dương cầm, sẽ cho những âm thanh chỏi tai, và người nghe cho rằng nó không tự nhiên. Như vậy trong nghệ thuật, kỹ năng là tự nhiên thứ hai (second nature), và những nhà thơ bậc thầy, chúng ta đọc tưởng như không có kỹ năng, nhưng thật ra họ đã đạt tới trình độ có khả năng dấu đi kỹ năng. Kỹ năng tạo thành bởi luật tắc, và luật tắc là hạt giống mạnh mẽ, xác định trên con đường đẩy cái vỏ trứng để bước vào đời sống. Hình như trong sâu thẳm, mọi thứ đều trở thành luật lệ.

Và cũng từ trong sâu thẳm, chúng ta nhìn ra, thơ có ở mọi nơi, mọi chỗ, và mọi nơi, mọi chỗ đều có thơ. Một cách cụ thể, thơ hỗn hợp bởi ba nghệ thuật: âm nhạc, truyện kểhội họa. Thơ có bởi con người và hiện thân như một con người, nếu chúng ta thay thế, dòng là hệ thống xương cốt, câu là hệ thống tuần hoàn và hình thức là hệ thống thần kinh hệ. Đơn vị âm nhạc của thơ là dòng, là cách hiểu của trực giác, là bộ xương giữ cho bài thơ đứng được, gồm mọi hình thái âm thanh, làm sao những âm chữ giống nhau và khác nhau phản ảnh và tạo ra cảm xúc. Như vậy dòng là cốt lõi căn bản, và những kỹ thuật thơ từ đó phát sinh, dòng gẫy (line break) chẳng hạn. Trong khi câu khai mở tư tưởng của bài thơ, là cách hiểu của trí tuệ, trụ cột của văn xuôi, khí cụ của người kể chuyện. Câu tuần hoàn, lưu chảy, bao quanh dòng, bơm ý nghĩa xuyên suốt bài thơ, ngay cả khi bài thơ bị cắt thành phần mảnh hay không có phép chấm câu để biết đâu là lúc bắt đầu hay chấm dứt. Do đó, câu cũng là một hệ thống âm nhạc khác kết hợp với âm nhạc của dòng, tạo thành nhịp điệu cho toàn thể, làm bài thơ giàu có và có chiều sâu. Nếu phân tích thêm ra, nhóm chữ (phrase) làm thành mệnh đề (clause), mệnh đề làm thành câu, câu làm thành đoạn văn (paragraph). Câu cũng chia làm hai phần, một là chủ từ, hai là thuộc từ (predicate) hay động từ. Chỉ đơn giản thế thôi, chúng ta cũng hình dung ra được, sự phong phú của âm nhạc trong thơ luôn luôn biến đổi tùy theo sự thay đổi phức tạp của câu, dòng. (Và kỹ năng thơ, hẳn phải là nghệ thuật của câu, dòng?) Sau hết, hình thức trên trang giấy là bức tranh chữ, qua chiều dài, như những dây thần kinh xuyên qua tủy sống gửi mệnh lệnh tới những bắp thịt. Hình thức như tấm gương hai chiều giữa trạng thái hiểu biết trực giác và trí tuệ. Khi lạc đường, đó là tấm bản đồ cho chúng ta biết rõ cách hiểu phần còn lại của bài thơ.

Phân tích như trên để chúng ta có thể nhìn ra được toàn cảnh, bởi đọc là một quá trình phức tạp, chẳng phải chỉ là sự tổng hợp của âm thanh, hình ảnh, ý tưởng mà còn bao gồm rất nhiều yếu tố khác nhau, kể cả những yếu tố kỹ thuật. Thơ thật ra là để đọc. Nhưng đọc như thế nào là điều đa số chúng ta đều không biết. Người đọc không biết thưởng thức cách đọc một bài thơ, bởi người làm thơ cũng không biết tạo ra cách đọc cho thơ. Không có cách nào hơn là lần theo vài đầu mối để tìm sự liên hệ giữa tác phẩm và người đọc. Thông thường, bài thơ hiện hữu trên trang giấy, được viết ra để đọc và nhìn bằng mắt. Người đọc tiếp nhận bài thơ, thường là trong im lặng, bởi những sự vật, cây cối chung quanh chúng ta, thể hiện cái đẹp, cái xấu, cái sinh động cũng trong im lặng. Thị giác là giác quan đáng tin cậy để phát hiện và khai phá âm thanh, nhịp điệu, hình ảnh và ý nghĩa. Chúng ta dựa vào thị giác để nhìn vào thế giới, và người đọc cũng tìm ra điểm chuẩn, chắc chắn và có bằng cớ, những dấu hiệu của thị giác làm sáng tỏ bài thơ. Trong thơ, hình ảnh là một bức tranh trí tưởng (mental picture), được giữ trong ký ức, và tạo ra bởi khả năng tưởng tượng. Những bức tranh này từ đâu ra? Khởi đầu từ những sự vật chúng ta đã nhìn, sờ, ngửi, nghe, nếm và nghĩ tới. Chúng đến từ ký ức. Trong ký ức mỗi chúng ta có hàng ngàn bức tranh trí tưởng, và tài năng của người làm thơ là làm sao biến chúng (và âm thanh, mùi vị) thành chữ.

Một thí dụ, bức hình chụp hay bức tranh vẽ một bông hoa, chỉ là hình ảnh bông hoa, không phải bông hoa thật. Chúng ta thử lấy bức tranh đi và thay thế bằng chữ. Chữ gợi dậy bông hoa trong trí tưởng, là cái cò bấm khái niệm (concept trigger) kích thích và làm nẩy sinh khái niệm bông hoa, dù rằng bông hoa trong tự nhiên thì hoàn toàn khác hẳn. Điều gì đã xảy ra trong đời, sự vật thấy trong giấc mơ đều là những bức tranh trí tưởng. Nhưng để làm những bức tranh trí tưởng trong ta, trở thành của người đọc, nhà thơ phải đi từng bước, dọ dẫm, đổi ngược mối liên hệ của hình ảnh trong tiềm thức thành chữ (một biến cố, sự vật), và chữ lại khơi dậy tưởng tượng, thành bức tranh trí tưởng nơi người đọc. Như bông hoa chúng ta thấy mà ngỡ như bông hoa thật, một sự vật thật. Một câu chuyện giả tưởng và đầy phi lý, mà người đọc đọc tưởng như một câu chuyện thực đang xảy ra trước mắt. Sự kết hợp giữa cái thực và không thực tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Cái thực ấy (bông hoa bằng chữ) chính là đầu mối liên kết tác phẩm với người đọc. Tìm cái thực trong cái không thực, cái không thực ấy là những hình ảnh tồn trữ trong ký ức. Nó sinh ra và hiện hữu từ kỹ năng. Giống như nhà điêu khắc tìm thấy tác phẩm đã có trong tảng đá và chỉ cần lấy ra bằng cách đục đi những mảnh đá thừa, nhà thơ lấy những dòng thơ từ đằng sau trang giấy. Và người đọc, qua chữ, với những ấn tượng về nghĩa đen nghĩa bóng, sẽ xây dựng ngữ cảnh về thế giới sự vật và ngôn ngữ của chính họ.

Mặc dù, thị giác là giác quan chính gợi ra hình ảnh, nhưng thật ra, tất cả mọi giác quan đều tham dự vào quá trình tạo ra cảm xúc. Nhưng cảm xúc trong thơ không phải là cảm xúc cá nhân, được kích thích bởi những biến cố đặc biệt trong đời họ. Cảm xúc cá nhân có thể đơn giản, mạnh bạo, bằng phẳng, cảm xúc trong thơ thì phi cá tính và phức tạp, nhưng không phải là cái phức tạp của con người phức tạp hay bất thường trong đời sống. Nhà thơ không đi tìm những xúc cảm khác thường, mà dùng những cảm xúc bình thường và làm nó thành thơ. Chủ nghĩa gây xúc động mạnh hay chủ nghĩa duy cảm (sensationism) của thời hiện đại, đã bị tràn ngập bởi những cảm giác mạnh ở nhiều thời điểm khác nhau. Kiến thức bị nhìn như “cảm xúc” ở bất cứ thời kỳ nào của lịch sử.

Khi kiến thức bị nhìn như “cảm xúc” đưa tới sự nguy cơ, thơ sẽ bị nhìn như “cảm xúc”. Điều đáng nói là đời sống cho ta cảm xúc và cảm giác, và kiến thức thực sự là ở phần tâm linh bên trong, giúp ta vươn tới được chiều sâu văn hóa. Trong khi đọc là quá trình của trí tuệ, sự kết hợp giữa cảm xúc và ý tưởng. Chỉ có cảm xúc thôi, thơ sẽ thành thuần cảm giác, như cỏ cây thảo mộc, khơi dậy bản năng. Chỉ có ý tưởng thôi, thơ sẽ thành khô khan, què quặt. Ý tưởng kết hợp với cảm xúc sẽ chuyển thành đối tượng của thị giác hoặc sự vật trên trang giấy mà ta có thể cảm, nhìn, nghe, sờ hoặc ngửi. Ý tưởng sinh ra từ những điều kiện, kinh nghiệm, vị trí của con người, và cảm xúc tìm thấy cái nền chung từ đó định hướng thực tại. Những sự vật mà người đọc có thể liên hệ tới tức khắc, quen thuộc của thế giới chung quanh, biểu tượng cho nỗi sợ hãi, thái độ, thành kiến, ảo tưởng, trạng thái, kiến thức và sự khôn ngoan. Một sự cố, một con mèo, con chó chắc chắn là những gì không xa lạ, nhưng chúng ta phát hiện trong đó một điều gì mới mẻ mà người khác không thể ngờ tới. Người đọc sẽ thích thú khi thấy những sự vật tầm thường trong phút chốc bỗng không còn tầm thường, cho thấy đời sống đáng sống, vì có quá nhiều điều họ không biết được. Ý tưởng tự nó không thể đứng vững, nhưng những chữ thay thế cho sự vật có thể vượt qua sự thử thách của thời gian. Viết về những sự vật, không phải là những ý tưởng, là để ý tưởng tự yên nghỉ trong sự vật, và sẽ được đánh thức nơi người đọc. Bức tranh trí tưởng chuyển thành những sự vật, từ đó người đọc tìm ra những giải thích của chính họ qua sự nối kết hình ảnh sự vật mà nhà thơ dùng để liên hệ vị trí này hay vị trí kia. Kết quả là bài thơ được soi sáng từ sự thức tỉnh bên trong của người đọc, sự tưởng tượng giàu có của cá nhân nhà thơ, và những quan điểm thông thường họ chia xẻ với thế giới.

Thế kỷ 20, nhiều hình thái nghệ thuật đã làm gẫy chiếc cầu giữa tác phẩm và người đọc. Nguyên do là người nghệ sĩ cho nhu cầu tự diễn đạt (self-expression), như một phương cách chính yếu để làm nên tác phẩm, mục đích tạo ra cá tính và phong cách riêng, độc đáo và độc sáng. Và nhà thơ cũng vậy, tự nói về mình, cố xây quanh cái tôi kiêu ngạo, và coi thơ chừng như chỉ để dành cho những thành phần ưu tú. Chẳng phải nhà thơ từng tự tạo ra những cách sống khác thường cho không giống với những người thường đó sao? Thời của những thiên tài lập dị, mộng mị một tinh cầu cô lạnh, đã chết hẳn rồi trong lòng người đọc. Và người đọc xa lạ với thơ vì người làm thơ không dám đau cái đau của người thường, không dám sống với công việc đời thường. Thơ là con đường một chiều, và người làm thơ cũng là người đọc duy nhất của thơ mình. Chữ trở thành bất lực, không đủ sức làm rung cảm, thu hút sự tưởng tượng để tạo thành bức tranh trí tưởng. Nhà thơ tự hành hạ mình, và người đọc quay lưng với tác phẩm, bởi những cái này hay cái kia mà nhà thơ cảm thấy và vận dụng, chỉ để phục vụ cho chính nhà thơ hơn là người đọc. Sở dĩ như thế là vì nhà thơ không thể, hay không có khả năng báo hiệu sự thật và kinh nghiệm của con người, nên phải tự báo hiệu chính họ, khi biểu lộ cách kể hay câu chuyện qua nhãn quan của họ, và như thế trở thành kẻ tiên tri sai về thế giới, và làm nổ tan kinh nghiệm và sự hiện hữu của họ, thay vì nói về thế giới từ họ. Nhưng khốn nỗi, thế giới mà họ nhìn thấy lại không giống gì với thế giới người đọc nhìn thấy. Những hình ảnh, ý tưởng kỳ quặc và quái gở hay những tâm tư rối mù và nặng nề họ thể hiện lại chỉ là của chính họ. Đúng ra, những hình ảnh, ý tưởng kỳ quặc và quái gở phải từ cái gốc đời sống, được tồn tại từ cái cõi thâm sâu nào đó nơi người đọc. Đó là lý do tại sao nhà thơ phải cần kỹ năng để moi ra những hình ảnh trí tưởng, và ý thức rằng, họ làm thơ cho mọi người, cho người đọc chứ không phải cho họ, và cũng không phải cho thơ. Chưa bao giờ như lúc này, nhà thơ cảm thấy bình đẳng và được bình đẳng với mọi người, trong mắt người. Đó cũng là ý nghĩa cách mạng của thơ trong thế kỷ.

Trở lại một chút với thơ Việt, nghe lại những băng ngâm thơ, tân nhạc và vọng cổ, chúng ta dễ nhận ra ba thể loại này có những điểm chung, nếu thơ phổ lời trên vần điệu, thì tân nhạc trên ký âm pháp và vọng cổ trên âm luật cổ nhạc. Cả ba đều cho chúng ta cảm xúc, còn nội dung thì ai cũng biết, chẳng hạn như thơ, ngoài cái khí vị Đường thi hàng ngàn năm trước của Trung Hoa, tình yêu đôi lứa, thơ thoát khỏi trần tục, bay lên đến thiên thai, xa lìa cõi sống. Cái hay là những âm thanh của lời và đàn sáo quyện lẫn và cho chúng ta rất nhiều cảm xúc và cảm giác. Có lẽ vì vậy mà chúng ta nghĩ rằng chỉ có thơ vần là có nhạc tính và cảm được lòng người. Ngâm (hay hát) thơ là đặc thù của thơ Việt, và cũng làm hạn chế cách thưởng ngoạn thơ.

Đáng nói là từ trước đến nay, người làm thơ chỉ để ý đến tân nhạc, ngâm thơ, và đánh giá cao ca dao. Trong khi một bộ môn ít người để ý và coi thường là cải lương, lại cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Bỏ qua những khuyết điểm rất lớn của cải lương là tuồng tích, thiếu chất sáng tạo và tư tưởng có tính trí tuệ, (thật ra, đối với cải lương thì đây không phải là khuyết điểm vì mục đích là phục vụ cho giới bình dân), bố cục và nút thắt đôi khi lỏng lẻo, không hợp lý, những đề tài tâm lý xã hội quen thuộc và lập đi lập lại, chủ yếu chỉ để lấy nước mắt và khêu gợi mối thương tâm, tại sao cải lương lại hấp dẫn và mê hoặc khán thính giả bình dân đến vậy. Lý do có thể tạm giải thích là, ngoài những giai điệu phong phú, sự thích nghi với mọi hoàn cảnh và thời đại, cải lương có một tính truyện, phối hợp được với rất nhiều bộ môn từ ngâm thơ, tân nhạc, kịch nghệ đến những đối đáp, và ngay cả lời ca cũng không chuốt lọc mà chỉ là những câu nói đời thường, phù hợp với những tâm trạng và đời sống của người bình dân. Không những có khả năng mở rộng, dễ biến hóa, hòa nhập mọi hình thái diễn đạt, để làm thành bản sắc, cải lương còn có thể vừa bảo tồn vốn cũ vừa tiếp nhận những cách tân, xứng đáng là một bộ môn nghệ thuật có tầm vóc. Chỉ tiếc rằng, cải lương đã không được coi trọng, càng ngày càng sa sút, một phần cũng là do sự ngáng trở của tầng lớp thị dân, sự lơ là của những người làm văn hóa. Cải lương xuất phát và được đào luyện từ tầng lớp bình dân, nói rõ hơn, khởi đầu khoảng 1916 do một số người có Tây học, thầy Năm Tú ở Mỹ Tho chẳng hạn, nhái theo hình thức kịch Pháp, kết hợp với cách ca vọng cổ và điệu bộ từ rất nhiều hình thái tuồng khác, ngay cả ca múa của những sắc dân thiểu số ở Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu của người bình dân. Vả chăng, những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều là những người có tài năng, giỏi nghề, và sống chết với nghề, đã góp công không nhỏ trong việc đưa cải lương trở thành một bộ môn có tính nghệ thuật chuyên biệt. Giới hạn của cải lương là chỉ được đa số giới bình dân tán thưởng, và nếu tránh được những khuyết điểm đã nêu ở trên, có một soạn giả và đạo diễn đủ kiến thức và tài ba, am hiểu nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau (như trường hợp kịch tác gia tiền phong Hoa Kỳ ở thập niên ’80, Richard Foreman, vừa là nhà soạn kịch, vừa là đạo diễn, vừa là lý thuyết gia, tường tận về mọi ngành nghệ thuật, văn học và triết học), áp dụng thêm những kỹ thuật mới, thì ảnh hưởng và sức mạnh của cải lương sẽ không nhỏ. Người viết, trên bước đường đi tìm kiếm thơ, đã lạc vào ngôi nhà nguy nga đồ sộ, tưởng là thơ nhưng hóa ra lại là cải lương, thôi thì cứ coi như mối duyên kỳ ngộ. Đề cập tới cải lương, chẳng thể chỉ qua sự thưởng ngoạn, mà cần một công trình nghiên cứu công phu và dày công. Học từ cải lương, không phải cốt làm một loại thơ cải lương, mà qua đó, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, trong cách tìm kiếm những yếu tố thích hợp lôi cuốn người đọc, tránh tạo ra một loại thơ chai cứng, nhai lại, thiếu linh động và sức sống.

Nêu ra một số yếu tố trong thơ, cũng là để chúng ta cùng có những điểm chung để sáng tác và thưởng ngoạn. Những nguyên tắc trong thơ thì khá nhiều, có thể tìm thấy nơi các sách giáo khoa. Những phân tích về âm thanh, nhạc tính rất chi li, đến từng mẫu tự, trong thơ tiếng Anh của những học giả và nhà thơ Hoa Kỳ, cũng không phải là ít, nhưng phức tạp và không phải dễ hiểu. Nhưng nếu không hiểu nhạc tính và âm thanh của ngôn ngữ thì làm sao cảm được cái hay trong thơ. Tuy nhiên, mọi ngôn ngữ đều có cái riêng và cái chung. Cái riêng đó là cấu trúc ngôn ngữ, luật tắc, phương cách áp dụng những yếu tố văn hóa. Cái chung đó chính là những gì chúng ta đang mày mò, rút tỉa những yếu tố từ những nền thơ khác, khả dĩ có thể áp dụng và làm thành cái riêng của ngôn ngữ Việt.

Mùa Thu 2000