Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Sông dài gió lộng màng trinh

Lê Học Lãnh Vân

Sông Hậu từ biên giới Cao Miên đổ ra cửa Trần Đề, tới đoạn giữa Bò Ót và Ô Môn thì phân hai dòng nước ôm ấp, vỗ về một cù lao rất đẹp: cù lao Tân Lộc. Khoảng 25 năm trước, bà con gọi là cù lao Đài Loan vì nhiều con gái xứ này gả về Đài Loan. Khoảng 20 năm trước, nhờ nước sông dồi dào màu mỡ, nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát đạt, người dân giàu có lên nên lần lần gọi là cù lao Tỉ Phú. Các đại gia trên bờ lái Mercedes, dưới sông chạy ho-bo…

Năm 2000, tôi có dịp tới đồng bằng sông Cửu Long làm việc. Chuyến đi sáu người, một Việt, một Mỹ, hai Hàn Quốc, một Nhật và một Đài Loan. Chúng tôi đạt được mục tiêu là đánh giá nhanh tiềm năng các ngành công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long. Lòng cả nhóm phơi phới trên chuyền bắc Vàm Cống trở về Sài Gòn. Trời cao, sông rộng, bờ xanh mướt, gió lộng lộng, nước rào rào sắp vào mùa nước nổi…

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh. Tôi chú ý một bà trọng tuổi, khoảng trên năm mươi, vẻ khắc khổ, cùng một nhóm các cô ăn vận hơi điệu đàng dù nét quê mùa không dấu được trên gương mặt, trong phong cách, nhất là trên những bàn chân còn in dấu bùn phù sa…

Tìm cách gần gũi bà, tôi biết bà là mẹ của một cô gái trong đoàn. Mười một cô miệt cù lao lên Sài Gòn để coi có được chọn làm vợ người Đài Loan không. Biết tôi là người Việt, bà hỏi:

- Mấy cậu kia người Trung Quốc phải không cậu?

Được tôi cho biết có mấy người Hàn Quốc với mấy người Đài Loan, bà nói chậm rãi mà liên tục:

- Cậu hỏi giùm coi họ có muốn lấy con gái Việt Nam không? Con tui đó, con nhỏ đẹp nhất đám đó. Người cù lao hiền lắm, nó với gia đình tui đâu có chịu lấy Đài Loan đi xa. Tại quá nghèo…

- Mấy ông này coi hiền, chắc tử tế với con tui. Cậu hỏi giúp được không?

- Hay cậu lấy nó cũng được? Nó không cần lên Sài Gòn với cậu đâu, lâu lâu cậu về cù lao thăm nó, cho nó tiền.

Một lát sau, cô gái tới nói chuyện với tôi. Vóc dáng mạnh khỏe, phong cách và giọng nói rặt lục tỉnh. Gương mặt đẹp, có duyên, da ẩn màu nắng miệt vườn. Đúng là gái quê đẹp!

- Em lên Sài Gòn để được tuyển chọn gả Đài Loan.

- Họ kiểm coi còn trinh không. Họ còn kiểm mấy thứ khác nữa, mà màng trinh là trước hết. Hổng còn trinh là bị loại.

- Mấy con nhỏ kia vá trinh. Tội nghiệp lắm anh, tiền vá mắc lắm, ai vá sau này bị trừ tiền. Có phân nửa tụi nó vá thôi, phân nửa không. Em còn, đâu cần vá!

- Lên tới Sài Gòn, anh kiểm tra em nghen. Anh coi của em nghen, còn tốt lắm. Em chắc với anh thứ thiệt!

Giọng cô gái tự nhiên. Không ngại ngùng, không xúc động. Nét mặt chân thật, có phần hớn hở nữa. Như cô đang nói tới trái cam trên cây, con cá dưới nước, con ếch trong vườn… Nhìn mắt cô, dáng bộ cô, không một chút gì lả lơi hay gợi dục! Trong mắt kia, dáng bộ kia, hiện lên, phần lồ lộ, phần âm trầm, nét chân chất làm ăn nơi sông nước, nắng gió, cỏ cây, vườn tược vùng đất phù sa lục tỉnh.

Thấy tôi có vẻ muốn dứt câu chuyện, cô đưa tôi một miếng giấy, có ghi địa chỉ trên Sài Gòn, cả số điện thoại nữa. Tôi liếc mắt thấy tên đường Lãnh Binh Thăng, quận 11, và số điện thoại.

- Chỗ em lên Sài Gòn ở nè. Họ đưa em rủi bị lạc. Có điện thoại trong giấy. Tụi em ở đó có hai ngày rồi đi chỗ khác. Em năn nỉ anh, lên trển anh liên lạc em nghen. Kiểm tra cho biết em nói thiệt. Em không ép anh đâu. Em không ép anh cái gì hết!

- Còn nếu anh thích thì em làm bé anh. Anh có nhẫn cưới rồi, em làm bé anh cũng được. Anh cho em đủ tiền là được hà. Em không đòi nhiều tiền đâu.

Vậy sau này sao em lấy chồng? Tôi hỏi

- Có sao anh, khá lên rồi, em có vốn làm ăn, không xin tiền anh nữa. Hễ có người thương thì mình lấy.

Bắc cập bến bờ Lấp Vò. Trong tiếng xe rồ máy, tiếng người dọn dẹp, tiếng xích sắt kêu loảng xoảng, tiếng nước sông bị chiếc bắc ép vào bờ ộp oạp, giọng cô năn nỉ gấp rút:

- Anh tiếp em đi anh. Anh tiếp em nghen anh

Chúng tôi lên xe. Từng chiếc chầm chậm qua cầu bắc, ngoái lại thấy các cô trong dòng người lũ lượt đi bộ. Mẹ con cô gái cầm tay nhau, vừa đi nhanh như chạy vừa hướng mắt về xe chúng tôi…

Ngày 15 tháng 9 năm 2019