Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

Phía bên kia hồ là gì?

Xin giới thiệu với các bạn truyện ngắn Bên kia hồ là gì? của Trương Quang. Truyện ngắn này cũng được lấy tên để đặt cho tập truyện mà tác giả tập hợp lại từ những gì đã viết trong nhiều gần hai mươi năm. Tâm trạng/nỗi niềm của tác giả được bộc lộ trong lời tự sự,  như tiếng kêu vô thanh được gởi vào khoảng không cho bất cứ ai, như là cách để cứu chuộc cho những gì mình chưa thể làm/không thể làm được trong đời…

VĂN VIỆT

Tự sự của một người làm vườn già

Những tòa nhà bên kia con đê đã xây xong,

cuộc sống như mũi tên lao về phía trước.

Sao anh vẫn khù khờ như cây cỏ ngàn năm?

Từ lúc biết suy nghĩ, tôi đã nhận thức là bản thân mình không hoàn hảo về nhiều phương diện, cả thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, tôi luôn luôn cố gắng không suy tưởng và hành động quá sức của mình. Sự nhận biết về bản thân đó đã trở thành một cái bóng đen định mệnh, luôn luôn theo sát tôi, bao phủ tôi suốt cả cuộc đời. Nó như một người em/anh song sinh, không được ra đời như bình thường, mà hòa lẫn trong tôi, cùng chia sẻ một thân thể, một não bộ, như một sự nhắn nhủ thường trực về khả năng hạn chế của bản thân.

Tôi không mạnh mẽ lắm về tinh thần, thậm chí nhu nhược và ươn hèn. Sự yếu kém này thường được tô màu như một điểm mạnh, dưới cái nhìn nhân bản. Tôi có thể được xem như một kẻ thương người, nhưng không đủ can đảm để có thể đương đầu với những trường hợp nhỏ nhặt, hầu giúp thay đổi những phận đời ngang trái, trong mối quan hệ đời thường giữa Người với Người.

Cũng vì thiếu lòng quả cảm và dứt khoát, nên tôi thường cho qua một số vấn đề vốn nhỏ nhoi, tạo điều kiện cho chúng tích lũy về khối lượng và tính trầm trọng khiến không thể giải quyết  được nữa. Từ một tâm lý yếu kém như vậy, tôi dễ dàng né tránh vấn đề và thường tìm một lối đi trung dung, tự gói mình trong vùng an toàn như một con gián thảm hại.

Tôi hiểu là con người có nhiều nhu cầu khác nhau, mà mức độ cần thiết tùy thuộc vào hoàn cảnh và thời gian đặc thù của mỗi phận đời. Tuy nhiên, trên tất cả, nhu cầu được bình yên là tối quan trọng. Con người có thể có tất cả (tiền tài, danh vọng, lạc thú…), nhưng có thể vẫn không thể ‘tận hưởng’ được những gì bản thân đã tạo dựng và thủ đắc, nếu không đạt được cái tâm bình yên. Tất cả mọi tôn giáo và phương pháp rèn luyện thể chất và tinh thần đều không thể cung cấp được một giải pháp khả dĩ và thích hợp nào, vì đó là một vấn đề rất cá nhân và thuộc về tâm linh (chưa được giải mã hay quảng đại hóa), nên không thể đo lường hay chi phối được.

Trong một chừng mực nào đó, đạo Phật đã cung cấp cho chúnh sinh một chân lý bất biến: những gì mình đã tạo được, đều sẽ mất đi. Cái mất đi càng lớn, thì sự bất lực và ức chế càng lớn vì con người sẽ tự dằn vặt mình, dùng dằng tiếc nuối khôn nguôi những gì đã mất, cho đến khi thật sự từ giã cõi trần.

Nói cho cùng, đã là con người (hay một sinh vật khác có chút trí khôn) thì không ai có thể đành lòng để một cái gì lọt qua kẽ tay của mình một cách dễ dàng. Triết lý vô thường chỉ là một lời khuyên răn/cảnh báo chúng sinh về sự hiện hữu và giá trị nhất thời của mọi sự vật; nhưng có thể đã không thành công lắm khi con người muốn chuyển niềm tin đó thành thái độ hay cách sống để ứng dụng trong đời sống, cho mọi người, cho mọi hoàn cảnh. Sự bất quán đó cũng tương tự như một người tự soi mình trong gương mà không thấy được chân dung thực sự của chính mình.

Tập truyện ngắn này được thu góp lại khi người viết đã đi qua hết một quãng đường rất dài so với bình thường. Nhưng rà soát lại kỹ càng cũng không thấy có gì đáng kể trong lòng hai bàn tay, để có thể tự hào hay nuối tiếc với chính mình hay với người đời. Nhưng đó là một chuyện rất cá nhân của một người làm vườn già, hàng ngày cố trầm mình xuống, sống hòa mình giữa cây cỏ, rau trái hiền lành và trời đất bao la, rộng lượng.

Mỗi người sinh ra trên trái đất đều có một số kiếp và cuộc sống riêng như đã được xếp đặt cho mình. Nhưng có quá nhiều mảnh đời còn bị che lấp, không được soi rọi, chan hòa dưới ánh sáng mặt trời chung. Tôi viết về họ như đã thấy, nghe và cảm nhận với một lòng kính trọng và chân tình, để cùng chia sẻ một số phận với họ.

2000-2019

Trương Quang

Phía bên kia hồ là gì?

Khởi đầu chỉ là những cơn nhức đầu chợt đến chợt đi, rồi trở nên dai dẳng, như kẹo cao su dính chặt vào răng, không thể dứt ra được. Cơn nhức đầu đến rất đúng giờ, thường vào lúc hắn quyết định vào giường sau khi cuốn phim trên truyền hình chấm dứt vào khoảng 10 giờ rưỡi tối. Lúc đó hắn không còn bận tâm về chuyện gì nữa và cơn đau đầu cứ như người khách quen đã lâu, thong dong đến, tự nhiên bước qua cánh cửa đã mở rộng sẵn. Đến thì công khai và khi đã đến rồi thì lì lợm không rời chiếc ghế xô-pha giữa phòng khách. Không bao giờ hắn biết được người khách lạ có ý định gì và sẽ làm gì đối với mình. Hắn chỉ thấy mức độ nhức buốt do cơn đau đầu gây ra ngày càng gia tăng và hình thức không bao giờ lặp lại, như một điều ngạc nhiên, luôn luôn mới mẻ, khiến cho nạn nhân dù không muốn cũng lịm đi, tê liệt như trong một cơn mê sâu.

Cho đến một hôm, cơn nhức đầu như những tia điện chợt cháy bùng, chạy suốt lên tận đỉnh đầu, giật tung những tế bào não ra khỏi hệ thống nơ-rôn chằng chịt, khiến hắn không chịu đựng được nữa, phải rú lên như một con chó tru mặt trăng giữa đêm khuya thanh vắng. Lần này thì láng giềng của hắn không còn kiên nhẫn, phải gọi 112. Trong vòng 10 phút sau, xe cảnh sát cùng xe cứu thương đến, đèn vàng đèn xanh nhấp nháy, dừng lại dưới nhà. Vài phút sau, hắn bình thản đi theo những người mặc đồng phục xuống nhà, dáng bộ bình thản, không phản đối. Hắn không mang theo gì cả, hai tay trống không, nhưng vấn đề cá nhân phức tạp của hắn đủ gây rắc rối cho những người đã đến mang hắn đi, đã phải chuyển tiếp hắn cho bệnh viện gần đó, trong suốt một thời gian khá dài.

Những phiếu cá nhân số 1, 2 và 3 trong bộ nhớ điện tử của bác sĩ ở Trung tâm sức khỏe khu vực ghi (không thay đổi): “Bệnh nhân than phiền hay bị nhức đầu bất thường, khiến không thể tập trung được, thường phải bỏ việc giữa giờ. Trong khi chờ đợi lần khám kỳ tới, cho bệnh nhân dùng Paracetamol 500mg, 2 viên một lần, 3 lần trong một ngày”.

Phiếu chẩn bệnh số 4: “Bệnh nhân than hay bị chóng mặt và có khi buồn nôn. Theo sự tự mô tả, những cơn đau đầu đến thường xuyên hơn kèm theo những cơn đau nhức như tia điện phóng loạn xạ trong đầu. Phát hiện dấu hiệu trầm cảm thường xuyên, kéo dài. Bắt đầu cho bệnh nhân thử Benadrylliều nhẹ và theo dõi tác dụng phụ của thuốc.” 

Phiếu chẩn bệnh số 5: “Lời khai bệnh của bệnh nhân thường rời rạc, không mạch lạc, thỉnh thoảng ngồi im lặng không trả lời các câu hỏi. Bệnh nhân kể vào nửa đêm thường bị những cơn xung động mãnh liệt tấn công bất ngờ và bắt đầu nghe thấy một “tiếng nói lạ” phát ra trong đầu. Tăng lượngBenadryl, uống kèm với Prolixin 5mg để ngăn ngừa những cơn xung động đột biến và giúp bệnh nhân có thể ngủ được, tránh lâm vào tình trạng trầm cảm mãn tính”.

Người ta bắt đầu thực sự quan tâm đến hắn sau lần thuyết trình đầu tiên trước lớp trong giờ tiếng Anh. Thầy giáo ra đề: “Sắp đến ngày sinh nhật thứ 16 của bạn. Bạn muốn nhận được món quà gì từ các bạn thân của mình?”.

Thời gian dự trù cho cuộc thuyết trình là 10 phút, nhưng hắn chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Tôi muốn được tặng một sợi dây thừng, để tự treo cổ…”.

Thầy giáo và toàn cả lớp nghe rõ ràng mười hai chữ rất chuẩn ngữ pháp và phát âm tiếng Anh, nhưng không khỏi ngỡ ngàng. Cuộc thuyết trình ngắn ngủi chấm dứt trong im lặng, nhưng đã tạo những xúc động sâu sắc trong lòng nhiều người, nhất là thầy giáo phụ trách lớp.

Ai cũng biết hắn là một thuyền nhân, đến từ nước Việt-Nam xa lạ về đủ mọi phương diện. Các thầy giáo và bạn cùng lớp tế nhị không gọi hắn bằng cái tên Dung (= phân bò) không sạch sẽ lắm theo nghĩa tiếng Anh, để tránh làm phật lòng người bạn Á châu vốn rất hiền lành, kiệm lời và chưa bao giờ sử dụng bạo lực, không như một số thanh niên cùng tuổi ngổ ngáo khác. Thi thoảng giữa bài giảng hắn thường quay đầu, thẫn thờ nhìn ra cửa sổ. Những lúc như thế, thầy giáo cứ để mặc cho hắn mơ tưởng và bạn bè trong lớp thường chỉ bấm nhau, đùa: “Dan đứt mạng (disconnected) rồi, tụi mày ơi!”.

Nhưng đó không phải là nguyên do chính khiến hắn phát biểu một thông điệp có vẻ bi thảm và quyết liệt như vậy trước một đám đông lạc quan, tràn đầy sinh lực, đang khao khát sống của bạn bè đồng trang lứa.

Người mẹ lập tức được mời đến gặp bà hiệu trưởng và thầy giáo tiếng Anh để truy ra nguyên do dẫn đến biến chuyển tâm lý bất thường, để cùng tìm một giải thích thỏa đáng. Nhưng trong suốt cuộc gặp gỡ, người mẹ chỉ ngồi bất động từ lúc đến cho tới khi đi. Bà chỉ lễ độ nghe mà không nói một lời nào, trừ những lời chào hỏi thông thường.

Hắn trở thành đối tượng tìm hiểu của thầy giáo, bạn bè đồng lớp, bác sĩ gia đình và cán sự xã hội của văn phòng thị xã. Tuy nhiên, những câu hỏi họ đặt ra vẫn còn nguyên là những dấu hỏi không có (hoặc chưa có) lời giải đáp. Hắn không thể trả lời và người duy nhất có thể giải thích cặn kẽ lý do ẩn khuất đằng sau những biểu hiệu có vấn đề tâm lý của hắn là người mẹ. Nhưng mẹ của hắn thì không thể nói ra và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tiết lộ cho ai biết những gì đã được bà chôn kín trong lòng, trong những ngày còn lại của bà. 

Bác sĩ tâm lý lấy từ trong tập hồ sơ dày có đề tên hắn và đẩy tờ giấy xếp trên cùng về phía hắn.

“Có phải anh đã viết những dòng chữ này không?”.

Hắn đọc phớt qua và nhận rõ nét chữ nghiêng ngả, rối rắm của mình, nhưng không hiểu rõ trong trường hợp nào nó lại nằm trong tay người đàn bà trước mặt. Có lẽ mẹ hắn đã tìm thấy tờ giấy này trên chiếc bàn đêm trong phòng riêng cúa hắn và thấy cần phải trao cho bác sĩ tâm lý, sau khi hắn tình cờ được phát hiện nằm bất tỉnh vì uống thuốc ngủ quá liều, đàng sau bãi lau trên bãi biển vắng và đã được trực thăng cứu hộ chở về bệnh viện cấp cứu kịp thời .

Hắn thờ ơ đọc lại một lần nữa ý nghĩ của chính mình đã tự biểu lộ trong một khoảnh khắc tuyệt vọng:

Tôi muốn có cái gì trên trời giáng xuống

Cho cái đầu vỡ nát tan hoang

Chấm dứt chuyện thương người, yêu đời hoang tưởng…

Bác sĩ phân tích tâm lý nhìn sâu vào mắt hắn, đùa nhẹ:

“Có vẻ là một bài thơ thú vị, nhưng tôi không hiểu được tiếng Việt. Anh giúp tôi được không?”.

Hắn dịch nỗi ám ảnh của mình ra tiếng Anh, nhưng không thấy nhẹ lòng đi chút nào.

Bác sĩ tâm lý chú ý nghe, rồi đặt câu hỏi với một giọng chuyên nghiệp:

“Thường thì anh làm gì cho bớt căng thẳng?”.

“Tôi thử đủ thứ trò chơi mạo hiểm như phóng xe đua trên 250 cây số/giờ trên race circuit, trượt dây tử thần, leo núi, air sliding, kite surfing, bangee jump và nhảy dù… cho đỡ buồn”.

“Những lần đó có giúp anh thanh thản chút nào không?”.

“Thì cũng có đôi chút khoái cảm khi thân thể lơ lửng trên thinh không, nhưng không kéo dài được lâu”.

Bác sĩ tâm lý dí dỏm:

“Thế còn trên mặt đất thì sao?”.

“Tôi nuôi cá cảnh. Những khi rảnh rỗi thì ngồi ngắm cá bơi lội. Cũng khuây khỏa được đôi chút”.

“Ngắm cá bơi lội hoài cũng chán chứ?”.

“Có lúc tôi đi bụi, để bớt nhức đầu. Cũng thanh thản được một thời gian”.

Bác sĩ tần ngần một lát, rồi đột nhiên đổi hướng đề tài:

“Sinh hoạt tình dục của anh trong thời gian vừa qua thế nào?”.

Tình dục? Hắn nhìn qua khung trời ngoài cửa sổ, nơi những đám mây xám đang đột ngột kéo về báo hiệu một cơn mưa rào sắp đổ xuống, trầm ngâm. Cũng có những lúc hắn rất quan tâm (có khi quá đà) loay hoay tìm cách cho nguồn nhựa tươi non bị nén chặt tận đáy, được giải phóng tung hô tự do, nhất là trong thời trai trẻ, đầy tò mò về sự khác biệt giữa màu ánh kim, vàng, hoe, hung, nâu và đen nhánh. Nhưng kiểu sinh hoạt tình dục theo nghĩa đời thường, như ăn chén cơm, uống ly nước để điều hòa sinh-tâm-lý theo cách giải thích của bác sĩ tâm lý thì chắc hẳn là không, hoặc hắn không muốn hiểu và trả lời rõ ràng.

Nói cho cùng, hắn không biết tự xếp mình vào loại gay, straight hay bi theo nghĩa thông thường. Mà cũng chẳng cần thiết. Chỉ cách đây vài tháng thôi, trong thời gian đi bụi, trong lúc đang thiếp đi trên tấm bạt trải dưới một chân cầu, sau một ngày lang thang nhàm chán, hắn bỗng giật mình tỉnh giấc vì một thân thể thình lình áp lên người hắn. Một mái tóc dài, lùng bùng trùm xuống mặt hắn. Hương cỏ cần sa quyện với mùi da thịt, áo quần lâu ngày không tắm gội xộc vào mũi làm hắn ngộp thở. Trong một phản ứng hốt hoảng tự nhiên, hắn xoay người tránh bàn tay đang đặt vào giữa hai đùi mình, co chân đạp mạnh thân thể lạ ra khỏi người. Trong bóng đêm, hắn không thể phân biệt được những phần nổi trội của giống cái, nên không biết người lạ là đàn ông hay đàn bà. Hắn chỉ thấy lờ mờ dáng một người lồm cồm đứng dậy, vuốt lại mớ tóc dài lòa xòa, lủi thủi trở về chỗ nằm của mình cách nơi hắn khoảng vài chục mét, kéo chiếc mền lên trùm kín đầu.

Hắn đưa mắt nhìn hai cánh tay trần màu hồng tươi, phơn phớt những sợi lông măng dài vàng óng của người đàn bà hình-như-vẫn-còn-trẻ-lắm trước mặt. Một chút ham muốn mơ hồ dấy lên trong lòng hắn, như một sợi khói trắng mỏng đột ngột bay lên từ một ống khói lò sưởi trên nền trời xám, rồi tan loãng nhẹ nhàng trong không trung mênh mông. Hắn tuyệt nhiên không thấy ham muốn ôm và vầy vò thân thể khá hấp dẫn của người đàn bà trước mặt. Có thể sự ham muốn cọ xát giữa hai thân thể trong hắn đã từ lâu chuyển sang sự khao khát được ôm ấp và an ủi, có gốc gác từ sự mất mát, thiếu tình thương của cha lẫn mẹ ở xứ người, từ khi hắn còn rất nhỏ.

Bác sĩ gợi ý:

“Anh đang nghĩ gì trong đầu?”.

Hắn mau mắn như câu trả lời đã có sẵn, chỉ cần bấm nút cho bật ra:

“Tôi tự sánh mình như con gián nằm ép thân dưới đáy một cánh cửa trong một vùng tối om, nhìn ra vùng ánh sáng ở phía ngoài căn phòng, muốn ra, nhưng còn sợ phải rời nơi trú ẩn an toàn, vốn đã quen từ lâu”.

Hắn nghe mang máng bác sĩ đang kiên nhẫn giải thích về một điều gì đã quá rõ ràng, nhưng hắn vẫn còn nghi ngờ.

“Một trong những biểu hiệu của chứng trầm cảm mãn tính và xao động tâm lý là hiện tượng chối bỏ bản thân và không quan tâm đến những sự việc đang xảy ra xung quanh mình...”.

Một buổi chiều khi đang làm việc ở một khu buôn bán vật liệu do-it-yourself, hắn phải bỏ dở nửa chừng, đi vào phòng vệ sinh ngồi thu mình trong đó hàng giờ. Dạo này hắn không thể tập trung tâm trí vào bất cứ một việc gì, ngoài nỗi ám ảnh thường xuyên về hai con mắt thất thần trắng dã của mẹ hắn trong nắng rỡ ràng của buổi sáng định mệnh. Hắn bắt đầu có những cảm giác ngộp trong sự chung đụng với mẹ, những người mua sắm trong khu siêu thị, những hành khách tình cờ trên cùng chuyến xe buýt hay tàu điện… rồi dị ứng với tất cả mọi người, vật gặp và thấy mỗi ngày trên đường đi hay trở về nhà. Hắn trở nên ngộp với cả cuộc sống hiện tại, với dĩ vãng và tương lai, đan chéo vào nhau như trong một bức tranh không thể nhận thấy điểm tụ chính và cũng không thể phân giải được. Hắn mất dần khả năng mơ tưởng, không thể nghĩ ra được điều gì mới mẻ để tự khích lệ, giúp mình thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của chiếc hộp đen định mệnh đã gây cho hắn những đợt ngộp thở và ẩn ức thường xuyên. 

Đối với hắn mơ tưởng không có đích đến, trong khi hồi tưởng thì đã đóng băng vĩnh viễn. Dĩ vãng cũng giống như một cái hang sâu chứa đầy những điều bí hiểm phức tạp, nhưng khi đưa tay vào thì không lấy ra được bất cứ một cái gì. Trong tận cùng thăm thẳm cái hang sâu đó, theo hắn nghĩ, có một con rắn ranh ma đang nằm phục, chực phun nọc độc đớp những ngón tay lọ mọ hiếu kỳ. Hắn chỉ muốn quên dĩ vãng, không muốn khơi dậy và xây dựng mơ tưởng từ những điều mơ hồ, nhưng đầy rủi ro đó. 

Hắn định nói đến tiếng nói lạ như một nguồn thúc giục, đẩy hắn qua ngạch cửa như đã tự ví, nhưng ngưng lại và dõi mắt nhìn ra cửa sổ, nơi những mảng mưa rào hối hả theo cùng gió mạnh đang rào rào đổ xuống. Những đợt mưa áp sát vào tấm kính dày trong suốt, người ngồi bên này tưởng như có thể tiếp cận, cảm nhận được từng giọt mưa đan chéo như níu tay nhau bùi ngùi. Hắn lắc đầu, không muốn nghĩ ngợi gì nữa.

Bệnh nhân đã thật sự ngắt mạch rồi, bà bác sĩ tâm lý quan sát. Bà lẳng lặng thu những mảnh giấy trên bàn, xếp gọn vào hồ sơ cá nhân của hắn, hơi thoáng chút bất bình:

“Có lẽ chúng ta nên dừng buổi nói chuyện ở đây. Anh trở về phòng sinh hoạt chung với các bạn khác. Mình sẽ gặp lại vào ngày mai. Cùng giờ”.

Hắn thờ ơ nhìn bà bác sĩ tâm lý rời khỏi phòng, rồi bước ra đi suốt cái hành lang sơn màu kem nhạt và bức tường màu turquois tươi treo ngang dọc những bức tranh hình khối trừu tượng có màu sắc đậm và sáng chói tương phản. Hắn rẽ vào một căn phòng có nhiều người đang bận bịu làm một-cái-gì-đó, không ai nói với ai lời nào. Hắn không chào hỏi ai, ngồi xuống một cái ghế ở góc phòng, nhưng không vẽ, đàn, pha cà phê hay nấu ăn như mọi người, mà ghi nguệch ngoạc những ý nghĩ đang tuôn ra trong đầu xuống một trang giấy để sẵn trên bàn. Hắn biết là ở phòng bên cạnh, một người mặc đồng phục trắng đang chăm chú theo dõi và ghi chép những động tác và cử chỉ của hắn và các bạn đồng cảnh, nhưng mặc kệ. Hệ thống y tế của nơi hắn đang cư ngụ quả thật là quá hoàn hảo và rộng lượng, luôn luôn tạo điều kiện trở lại đời sống bình thường cho những người có (hoặc không có) vấn đề tâm lý, nhưng không hoặc chưa đến nỗi gây nguy hại cho cộng đồng xã hội như hắn.

Một tuần lễ sau, hắn được xe taxi đưa về nhà. Hồ sơ bệnh lý của hắn dày thêm vài chục trang, kèm thêm lời ghi chú của bác sĩ tâm lý phụ trách: “Một trường hợp post-traumatic stress disorder sense of foreshortened future thường thấy ở những displaced persons đồng cảnh ngộ như bệnh nhân. Có những triệu chứng bi-polar disorder, nhưng chưa thể kết luận cụ thể đây là một trường hợp schizophrenia qua quan sát lâm sàng. Đề nghị cho bệnh nhân về nhà tái hợp với gia đình và cộng đồng một thời gian dưới sự theo dõi của bác sĩ gia đình, cùng phối hợp với bác sĩ tâm lý. Sau một thời gian, nếu thấy cần thiết, hội đồng giám định y khoa sẽ quyết định tiếp tục gửi đi chữa trị ở khu Phoenix dành cho những trường hợp bệnh tâm lý nặng, có gốc gác như bệnh nhân. Nhận xét cá nhân: một silent patient (bệnh nhân rất kiệm lời)”.

Người mẹ mở cửa đi vào trước, đặt cái túi xách nhỏ đựng vài bộ quần áo, đồ lót và dụng cụ vệ sinh thông thường của hắn xuống chiếc bàn nhỏ rồi đi thẳng vào bếp. Một lát sau, bà trở ra với một bình trà và hai chiếc tách trên tay. Mẹ hắn hơi khựng lại khi thấy hắn chăm chăm nhìn cái chậu đựng cá cảnh ở cuối phòng. Một con cá vàng đuôi lớn tosakin nổi dập dềnh trên mặt nước, con còn lại liên tục chạm đầu mõm vào thành chậu kính dày xuyên suốt, đang ngả màu bợn vàng. Người mẹ ngồi xuống bên cạnh hắn, giọng nhẹ nhàng:

“Mẹ xin lỗi. Cả tuần nay lên xuống thăm con, mẹ không thường xuyên ghé qua cho cá ăn và thay nước được.”

Không thấy hắn trả lời, bà ngồi thêm một chốc, rồi đứng lên lẳng lặng đi ra cửa, nhưng quay đầu nói với lại:

“Hôm qua Laura có ghé thăm mẹ. Nó rất muốn gặp con…”. Cánh cửa ra vào khép lại ở giữa câu nói.

Một giờ sau, có tiếng gõ nhẹ ở cửa. Hắn vẫn ngồi trên chiếc ghế nệm dài, không phản ứng. Có tiếng chìa khóa tra vào ổ và cánh cửa được mở ra nhè nhẹ. Laura bước vào, đến bên hắn, cúi xuống chìa cặp môi thoa son đỏ hồng trên mũi hắn. Khi thấy hắn không đáp ứng, cô chỉ hôn vội lên một bên má, rồi yên lặng ngồi xuống bên cạnh hắn. Hai mắt hắn vẫn không rời cái chậu cá cảnh. Một dòng máu đỏ như sợi tơ mỏng từ mõm con cá chết trôi ngược lên mặt nước. Con cá còn sống vẫn tiếp tục đâm mõm vào thành chậu, tạo ra những tiếng tắc tắc đều đặn khiến hắn bực mình. Hắn ôm chặt đầu trong hai tay, nhưng cố gắng không rên rỉ.

Cô gái dè dặt đặt những ngón tay sơn xanh đỏ lên một cánh tay của hắn, thở dài:

“Em rất lo cho anh”, thay vì nói “em yêu anh” như những lời trao đổi thường lệ sau một cuộc làm tình.

Hắn vẫn ngồi im không nhúc nhích, mắt vẫn dán chặt vào con cá chết đang nổi lềnh bềnh. Cô gái xách túi đi vào bếp, hút hai điếu thuốc liên tiếp, dụi tàn vào một lon bia uống dở, xếp hai hộp bánh pizza vào tủ lạnh, bước ra phòng khách, nhìn hắn một lúc, lấy tay vén mái tóc nhuộm hung đỏ, lắc đầu nhè nhẹ vài lần, rồi bước ra cửa. Căn phòng trở lại vắng lặng, chỉ còn hắn, con cá chết và những tiếng động mơ hồ phát ra từ con cá sống vẫn loay hoay đập đầu vào thành chiếc bồn kính dày đã bắt đầu ố vàng.

Mẹ hắn ngồi bó gối trên ghế xa-lông như thói quen. Sau cuộc giải phẫu cắt ngắn một phần đại tràng, bà đã giảm được tổng cộng gần 40 kí-lô, nhưng thân thể vẫn không bớt đi dáng vẻ thô mập. Trước mặt hắn, bà như một quả bong bóng xì hơi, phơi bày lộ liễu những mảng thịt nhăn nheo, rệu rã trên mặt, dưới cằm nối liền với cổ và hai cánh tay để trần. Người đàn bà chuyển qua ngồi bên cạnh, choàng tay qua vai hắn, nhưng không kéo sát hắn vào người mình, giọng thiếu tự nhiên. Bà nhắc lại điều đã thiết tha tâm sự với hắn vào ngày sinh nhật thứ ba mươi:

“Mẹ chỉ mong con lập gia đình, sinh cháu cho mẹ được bồng bế, yên phận tuổi già. Mẹ không cần biết vàng, đỏ, trắng, đen hay là gì. Chỉ cần một đứa bé để ôm, để hít, để thương nhớ, để nuông chiều… “.

Bà ủ mặt trong lòng hai bàn tay, khóc. Hai vai rung bần bật.

Hắn không phản đối lời van xin của mẹ như lần trước và nhớ lại ánh mắt hài lòng bất chợt của mẹ, một sáng tình cờ đến thăm hắn, bắt gặp Laura trần truồng từ phòng tắm đi ra. Lần đó hắn vẫn còn có việc làm, vừa được phân cho căn hộ này, nên đã bắt đầu thai nghén ý tưởng ổn định cuộc sống và đã trao cho bạn gái một cái chìa khóa riêng. Hắn định ngỏ ý đó với Laura, khi cô ôm hắn thật chặt, thò cái đầu lưỡi nhọn ngoáy sâu vào tai hắn thì thầm em yêu anh, khiến hắn vừa nhột nhạt vừa thích thú. Nhưng tiếng nói lạ một hôm đã xâm nhập vào đầu hắn và dẫn dắt hắn đi qua một hướng khác.

Tiếng nói lạ đó đã xuất hiện sau những cơn nhức đầu liên tục, ban đầu chỉ nhẹ nhàng, mỏng như tiếng gió len qua khe cửa, rồi dần dần tăng độ rít lên như gió bão quay cuồng, không còn định hình và định âm được nữa. Từ những thanh âm như lời thủ thỉ, khuyên lơn thân thiết, chúng đột ngột biến thành những lời hằn học, đe dọa, ra lệnh có tính cưỡng hành, buộc hắn phải hét lên và muốn đập vỡ một cái gì, để được nhẹ đầu.  

Những giây phút trở lại bình thường, hắn cũng nghĩ nhiều về đời mình. Hắn  không thể chối bỏ cuộc sống hiện tại, nhưng tuyệt nhiên cũng không muốn quay nhìn lại quá khứ của mình. Quá khứ của hắn là một chuỗi đêm đen dài nối kết liên tục, gồm những tiếng va chạm, van xin, thở gấp, những mảnh vải nhàu nhĩ như bùi nhùi và những thân thể bầm dập  bầm máu đỏ… ở góc cuối một chiếc tàu con chao đảo. Hắn đã tham dự, sắm một vai phụ trong vở diễn drama đó, như một kịch sĩ nghiệp dư. Hắn cũng đi qua đi lại trên sàn diễn, khua tay múa chân, cũng tán gẫu, cũng trao đổi cọ xát thân thể như tất cả mọi người, nhưng không thấy mình dính líu, liên quan một chút nào với vai diễn đã được giao. Hắn như một người tự tách ra ngoài, đứng chông chênh trên trên chiếc ghế đẩu, nhìn xuống chính mình, tự nhận ra mình là một diễn viên rất tồi, ngu ngơ, kệch cỡm và lố lăng đến độ buồn cười. Nhất là buồn cười. Những giây phút đó tuyệt nhiên không phải là những hoài niệm đẹp gì để ấp ủ và lưu giữ, mà là một thứ dây tàn bạo buộc chặt hắn vào một chỗ, không cho hắn dịch chuyển.

Khi đến tuổi trưởng thành ở xứ người, hắn biết quá rõ là tùy từng hoàn cảnh và giai đoạn, hắn phải tự bò lết, trườn người, tiến về phía trước bằng chính sức lực và động cơ của mình, cho cuộc đời của riêng mình. Nhưng chính lúc đó, bố mẹ hắn lại không có bên cạnh hắn; hoặc như người mẹ, vẫn luôn ở bên cạnh hắn,  nhưng cũng như đã chết rồi.

Cái chết của bố mẹ hắn thực sự đã xảy ra kể từ khi những tên hải tặc ngực trần trụi xăm đầy hình thù quái dị, cặp tàu trả lại mẹ hắn và những người đàn bà khác đã cướp đi trong đêm trăng trước đó, như quăng những miếng vải rách tơi tả lên sàn tàu. Chiếc tàu chết máy tự xoay vòng như không hề xê dịch đã hai ngày và những con người lăn lóc trên đó đã kiệt lực nằm giương những con mắt tuyệt vọng, không van xin, cũng chẳng cấu khẩn. Nắng từ trên cao đổ xuống và từ mặt nước biển dội lên không đủ để làm dịu bớt đi những vết máu đỏ bầm loang lổ trên những thân thể co cụm, gập người cố thu lại thật nhỏ vào cuối thân tàu.

Hắn ngạc nhiên không thấy cha mình và những người đàn ông khác bên cạnh những người đàn bà già nua đang quì xuống mớm chút nước vắt từ một chiếc khăn tay, lau chùi vết máu trên mặt cho mẹ và những thân thể rúm ró, hốt hoảng với những khoảng da thịt không thể che đậy dưới những miếng vải rách tươm, đầy máu me. Đôi mắt của họ trắng bệch, vô hồn, như những con mắt cá ương, lạc thần ế ẩm chợ chiều. Trong tiếng cầu kinh, than khóc hỗn loạn, hắn mò xuống khoang dưới, tìm thấy bố và những người đàn ông khác, ngồi thu đầu giữa hai gối, đen đúa như những thùng dầu cạn khô, được vứt lỏng chỏng ở một góc cuối buồng tàu.

Khi được vớt lên đảo, hắn đã thay bố, đưa mẹ đến gặp những người nữ tu sĩ áo trắng, đi nhận thuốc đều đặn mỗi ngày cho mẹ và những người đàn bà đồng hành. Hắn còn quá nhỏ để biết tại sao những người đàn bà phải uống những viên thuốc đó. Hắn cũng không thắc mắc là kể từ ngày ấy, khi nói chuyện, bố hắn hầu như không còn ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt mẹ hắn và người đối diện nữa. Hắn cũng không tìm hiểu tại sao bố hắn đã quyết định bỏ đi về phía nam, sau khi được phép định cư vĩnh viễn và sau khi gia đình hắn đã dọn vào căn nhà được chia ở một vùng phía bắc. Mặc dù không hỏi, hắn cũng đoán chừng là bố hắn không bao giờ có thể tiêu hóa được hình ảnh máu me thê thảm của mẹ hắn trong buổi sáng hôm đó, dưới ánh nắng sáng rỡ, soi rọi đến từng đàn cá nhỏ li ti dưới biển xanh bao la. Hắn tự xem mình là đứa trẻ không cha mẹ, từ đấy.

Hắn thu dọn những mảnh giấy kẽm từ những chiếc hộp nhựa đựng thức ăn sẵn mua từ siêu thị bỏ hết vào thùng rác, xếp hai chai nước khoáng lớn, một tấm bạt ni-lông, một chiếc mền len mỏng, bốn phong bánh ngũ cốc Vitalu và trái cây ép Sultana vào cái túi xách đeo vai tần ngần nhét hai lọ thuốc Risperdal vào túi áo. Hắn nhìn quanh căn phòng khá gọn ghẽ và sạch sẽ, tự hài lòng. Mẹ hắn chắc chắn sẽ ngỡ là hắn chỉ đi lòng vòng đâu đây thôi. Hắn yên tâm bước ra phòng khách.

Hắn đến gần chiếc bồn cá cảnh vừa được mẹ hắn chùi rửa cẩn thận và thêm vào một con cá mới, ngắm những con cá vàng oranda đầu to, mắt lộ như người bị bệnh bướu cổ mãn tính, đuôi dài ngoằng thong dong lượn lờ như những cánh áo thướt tha trong gió, thường thấy trên những tấm lịch đến từ bên nhà gửi sang. Tâm hồn hắn lắng xuống. Hắn đưa đầu ngón tay di di trên mặt kính theo hướng di chuyển của hai con cá, tìm kiếm một điểm tiếp xúc với hai con vật yêu quí, nhưng không thành công, đành rút tay lại.

Hắn đứng nhìn hai con cá một lúc lâu, rồi trở vào bếp, khoác cái túi xách vào vai, đi xuống tầng trệt dắt chiếc xe đạp từ trong kho ra, buộc những đồ đạc đã xếp sẵn vào yên xe sau, rồi đạp đi không nhìn lại. Chiếc cửa sổ trên lầu vẫn mở khép, đủ rộng cho con mèo láng giềng có thể lách vào nhà liếm láp cái đĩa đựng sữa hắn để lại trong bếp, nhưng không được dùng chân khuấy nước dụ hai con cá trồi lên để thịt đấy nhé, hắn thì thầm căn dặn.

Hắn cố ý tránh không đi qua khu thương mại của làng mà đạp xe nhắm thẳng hướng cái hồ lớn như một vũng vịnh, cách nhà hắn khoảng năm cây số. Hắn không muốn tình cờ gặp ai quen trên đường, trao đổi với ai một lời nào, khiến hắn có thể thay đổi ý định trong đầu.

Hắn dừng lại trên một bãi cát vắng rải rác cỏ lau hoang dã có những cọng lá cứng màu vàng úa, trải tấm bạt và lấy đồ đạc từ chiếc túi ra xếp lên trên. Xong, hắn thả chiếc xe đạp nằm chỏng trơ bên cạnh, rướn cao người nhìn một vòng quanh hồ, rồi nằm xuống, đầu gối lên hai bàn tay chập lại sau gáy, nhìn bâng quơ lên trời. Trước mặt hắn, hàng cây lau cao tới thắt lưng người che mất một phần mặt hồ, nước dềnh lên lai láng đến tận bờ cây xanh ở phía bên phải nơi hắn nằm. Từ xa, hắn có thể thấy được những con vịt trời lông trắng đen và những con thiên nga lông trắng nõn, nổi bồng bềnh trên mặt nước loang loáng nắng chiều.

Bãi cát nhân tạo quanh hồ vào cuối thu thật yên vắng, không một bóng người, không cả dấu hiệu một sinh vật nào di chuyển. Hắn đảo mắt quanh những đồ vật đã xếp ra trên tấm bạt và chiếc xe đạp nằm chơ vơ bên cạnh, nói thì thầm với chính mình:

“Tôi không phải là một kẻ vô gia cư. Tôi đang trên đường tìm đến một nơi bình yên…”.

Hắn dừng câu độc thoại nửa chừng, chờ đợi, nhưng không nghe tiếng đối đáp lại trong đầu. Có thể hắn đã tìm được một cõi bình yên thật sự, không bóng người và những tiếng động bình thường hàng ngày của vạn vật; một Shangri-la trần trụi, nhưng là đỉnh điểm tuyệt đối của thiên nhiên.

Đêm xuống chậm, yên bình, như một người nhẩn nha rải từng cánh lông tơ mỏng che từng khoảng trời, cho đến lúc tối thẳm. Vô số những vì sao từ từ bung ra như những ánh pháo bông nhấp nháy trên nền một khung hình cầu mênh mông. Hắn cảm thấy cơ thể mình được nhấc bổng lên nhẹ nhàng, nhập vào những cánh sao đang di chuyển, như những đường kẽ mỏng trên một trang giấy học trò trinh nguyên. Những đường kẽ đó đang kết thành một thứ ngôn ngữ vô thanh, vô hình hắn chưa từng nghe và được đọc. Hắn để mặc cho mình chìm lĩm trong cái tĩnh lặng vô cùng của thinh không và thiếp đi trong tiếng gió và sóng vỗ đều đặn.

***

Hắn dụi mắt tránh những loạt ánh sáng chói chang phản chiếu từ mặt hồ. Buổi sáng đến, nhẹ nhàng như đêm xuống hôm qua, như một người dấu mặt nhón gót rón rén đi vào căn phòng riêng của hắn. Bất chợt hắn dáo dác nghe tiếng nói lạ phát ra từ trong đầu, chào mình:

“Chào buổi sáng! Đêm qua bạn ngủ ngon chứ?”.

Cuộc trao đổi tiếp diễn như độc thoại:

“Rất tốt. Lâu quá không có được những giây phút bình yên như thế này”.

Giọng nói lạ trở nên mất kiên nhẫn:

“Nhưng bãi cát vắng vẻ này và khoảnh khắc mà mày tưởng là hạnh phúc này không phải của mày. Nó không ở trong mày. Nó ở ngoài mày. Rốt cuộc mày cũng chỉ là một thằng cô đơn tột cùng trong thế giới này”.

Hắn không nói gì nữa, quay người lấy một phong bánh và chai nước, bắt đầu bữa điểm tâm và ngồi nhìn ra mặt hồ suốt buổi sáng và buổi chiều cho tới khi trời lại bắt đầu tối sẫm. Mặt nước loang loáng, có nơi lăn tăn những đợt sóng nhẹ, cũng có những mảng phẳng lì như trang giấy đang trải rộng. Hoàng hôn xuống chậm rãi. Phía bên kia bờ hồ loang loáng một màu hồng nhạt rồi hòa vào màu đỏ tươi của ráng chiều hoàng hôn.

Hắn gượng người đứng dậy, định vượt qua bãi cát, trầm mình xuống nước, bơi sang bờ bên kia để hòa mình vào trong vùng sáng hồng đang mời gọi đó, nhưng lại quỵ người xuống vì người quá yếu.

Tiếng nói lạ trong đầu trở nên gay gắt như đã hết kiên nhẫn:

“Không cần phải nhọc nhằn, khó khăn như thế! Mày vẫn có thể bay thoát lên từ bên này mà không cần mang theo cái gì cả, kể cả thân xác của mày”.

Tự dưng hắn thấy quá ngán ngẩm. Hắn chỉ muốn có thêm một giấc ngủ yên bình như đêm qua và thật sự không muốn đối đầu hoặc phân trần với tiếng nói lạ thêm một chút nào nữa. Hắn móc túi lấy ra ống thuốc và với tay lấy chai nước, định nuốt hai viên vào họng, nhưng cuối cùng lại để xuống bên cạnh mình. Tiếng nói lạ đó đã lì lợm trở lại, như những đợt mây trắng và đen mang nắng mưa đến chẳng bao giờ cần báo trước, dù hắn có muốn hay không.          

“Tại sao mày vẫn chưa muốn bay đi?”.

“Tao không biết bên kia bờ hồ là gì?”. Hắn cố châm chước.

“Có cái gì níu giữ mày lại nữa không?”.

“Tao không biết”. Hắn muốn khóc.

“Cha mày thi bỏ đi biền biệt; Laura đã rời mày; bạn bè cùng lớp không ai liên lạc; láng giềng thờ ơ…”.

“Nhưng tao vẫn còn mẹ”. Hắn cãi lại, yếu ớt.

“Mẹ mày không còn là của mày nữa. Mẹ mày đã đổi đời trở thành một người khác. Bà còn sống cũng như đã chết rồi”.

Hắn chợt nghĩ đến hình ảnh người mẹ, hai mắt trắng dã, ngồi co ro ôm những mảnh vải đầy máu ở cuối boong con tàu nhỏ, tự dưng cảm thấy cô đơn cùng cực. Hắn ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ con đi lạc. Hắn ngơ ngác nhìn hai lòng bàn tay đẫm nước mắt, lòng rỗng không. Quả thật hắn không có và cũng không còn gì cả. Không còn gì để mất nữa. Nothing to lose.

Tiếng nói trong đầu trở lại nhẹ nhàng như muốn phủ dụ, khuyên lơn, rồi đột nhiên đổi giọng thúc giục:

“Mày không còn gì níu giữ nữa thì còn cái quái gì để tiếc nuối mà không tung hê, thoát ra khỏi cuộc đời chết tiệt này?”.

Hắn do dự một lát, rồi đứng bật dậy, hai tay vung lên cao, hét to về phía bờ hồ:

“All right. What the heck! To hell with it!”.

Hắn quì trên tấm bạt, cúi người thu hết số bánh còn lại, chậm rãi nhai từng miếng, như một tử tù với bữa cơm vĩnh biệt cuối cùng. Hắn nhặt những viên thuốc nằm rải rác trên tấm bạt, chăm chú ngắm màu hồng nhạt của những vật tròn nhỏ nhoi vô tội, cho hết vào miệng, rồi chum một ngụm nước còn lại trong chiếc chai mang theo. Hắn cẩn thận đặt mình xuống trên tấm bạt, tai bàn tay đặt ngay ngắn trên bụng, đầu mười ngón tay đan vào nhau. Hắn thở ra, rồi thở vào nhẹ nhàng như đang thực hành một thế asana thư giãn, rồi nhắm mắt bình thản chờ đợi.

Bỗng một cơn gió mạnh kéo qua mặt hồ, xoáy tròn những vòng giận dữ, vét hết cát trên bãi biển rộng, đổ rào rào lên tấm bạt, phủ trùm lên người hắn. Trong khoảnh khắc tiếp theo, hắn mơ màng thấy một con đại bàng khổng lồ từ trên không thình lình ập xuống, hai cánh đập dồn dập tạo ra những tiếng động điếc tai, rồi hắn được nhấc bổng lên, đặt vào một đường hầm dài thâm u hun hút. Hắn muốn cưỡng lại, nhưng không còn chút sức lực nào nữa. Thân thể hắn rỗng không, nhẹ tênh, bềnh bồng giữa thinh không vô trọng lực, rồi theo một siêu lực vô hình như cơn lốc hút về phía cuối đường hầm chói lòa ánh sáng.

2014