Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Đoàn kết dân tộc khi lãnh hải bị xâm lấn

Lê Học Lãnh Vân

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX đã chính thức khai mạc ngày 19/9/2019 trong hoàn cảnh lãnh hải đang bị xâm lấn. Có thể nói được chưa là sơn hà nguy biến?

Tại buổi khai mạc, liên hệ tới chủ đề đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: “Nội dung và phương thức vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân vẫn chưa đáp ứng kịp thời trước những biến đổi nhanh chóng của đời sống xã hội”.

Tôi đồng ý với nhận xét của Thủ tướng. Ông phát biểu từ góc độ lãnh đạo. Bài viết xin thảo luận về đề tài này từ góc độ người dân. Các thông tin nhặt được từ các bàn cà-phê, các buổi họp bạn, các buổi mạn đàm sau giờ họp chính, các trang mạng... và các tờ báo trong nước lẫn báo về kinh tế, chính trị trong nước, Đông Nam Á hay châu Á… Những người tôi tiếp xúc hoặc làm nghề tự do, hoặc công chức; đủ lứa tuổi nhưng đông nhất thuộc lứa 40 – 70 tuổi; đủ ngành: kinh doanh, y tế, giáo chức, khoa học; thuộc giới lương thiện, không phạm pháp.

1) Theo cách nhìn cách hiểu của tôi, thời gian gần đây, “khối đại đoàn kết toàn dân” có lớn mạnh hơn, ít nhất là về mặt hòa hợp hòa giải. Phân chia, hận thù để lại từ thời Quốc – Cộng chìm bớt đi nhiều. Sự thông cảm giữa giới trẻ xuất thân hai Miền Nam Bắc xưa kia tăng lên. Đó là nói về dân chúng.

Nhưng mối chia rẽ giữa dân chúng và chính quyền lại không nhỏ. Dù chưa có số liệu thăm dò chính thức, quan sát của tôi là 70% - 80% chê bai, công kích, hoặc không đồng ý với chính quyền. Số còn lại kiên nhẫn, thông cảm với khó khăn của chính quyền. Số hoàn toàn ủng hộ chính quyền rất ít!

Trong vài tháng lại đây, khi bãi Tư Chính là chủ đề được quan tâm nhất, khuynh hướng không ủng hộ chính quyền còn sắc nét hơn! Hễ ngồi vô bàn, hễ gặp mặt nhau, những người quan tâm thời sự đất nước lại nhắc về Biển Đông, bãi Tư Chính, giàn khoan Hải Dương, thái độ của chính quyền Việt Nam, thái độ của xã hội Việt Nam… trong sự không hài lòng, nhất là từ khi Trung Cộng điều tàu xâm chiếm hung hăng hơn và tuyên bố vùng biển đó thuộc về Trung Cộng. Dân chúng hoang mang, nghi ngờ khi thông tin chính thức gần như không có, và họ chưa nghe lập trường chính thức từ giới lãnh đạo cao cấp.

Chủ đề tiếp theo là tham nhũng. Tham nhũng làm khổ dân. Tham nhũng làm kiệt sinh lực đất nước. Tham nhũng ngờ ngờ và khủng khiếp mà phanh phui và xét xử quá nhẹ! Dân chúng cũng có hy vọng vào phong trào đốt lò, nhưng số củi và kích thước củi quá ít và quá nhỏ so với số trường hợp, cho nên nhìn chung mối nghi ngờ trong dân đối với công cuộc chống tham nhũng của chính quyền còn mênh mông. Nghi ngờ làm sao đoàn kết được? Nghi ngờ làm sao ủng hộ được?

2) Chưa bao giờ sự đồng thuận trong dân về các chủ đề cao tới vậy, và do đó, đối với chính quyền, chưa bao giờ việc tìm sự ủng hộ từ dân chúng dễ tới vậy. Người viết nghĩ chỉ cần những tiến hành ba việc sau đây:

Thứ nhất, tỏ thái độ đúng cách với kẻ xâm lăng phù hợp với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, với thông lệ ứng xử quốc tế.

Chính quyền sẽ xác định những việc cụ thể cần làm, nhưng về lập trường thì kiên quyết không thể có tình bạn với thế lực đang tiến hành xâm lăng. Đó là kẻ địch chứ không là đồng minh! Không thề mơ hồ lầm lẫn tình hữu nghị dân tộc nơi này: nước Việt đang đối phó với lực lượng xâm lăng! Bãi Tư Chính thuộc lãnh hải Việt Nam đang bị xâm chiếm bởi Trung Cộng. Nếu họ muốn tranh chấp, xin đưa ra Tòa Án Quốc Tế, còn đưa quân xâm chiếm như vậy đích thị là hành động xâm lăng!

Có thể duy trì kênh đối thoại để kiểm soát tình tình, nhưng không thể tiếp tục có những đoàn trao đổi văn hóa, chính trị, an ninh, quân sự… ít nhất cho tới khi tàu Trung Cộng hoàn toàn rút khỏi lãnh hải Việt Nam.

Cần đưa sự việc ra Tòa án Quốc tế và lập liên minh quân sự với các quốc gia có cùng hướng quyền lợi với Việt Nam.

Cần thông báo rộng rãi cho dân chúng biết rõ diễn tiến của tình hình. Muốn nhận “phản biện sắc sảo” của dân chúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thì phải chia sẻ thông tin với họ. Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cũng là trách nhiệm của chính quyền với dân chúng. Trước hết có thể tổ chức cho nhà báo trong và ngoài nước quan sát tại chỗ tình hình bãi Tư Chính.

Thứ hai, lập hồ sơ và đưa ra tòa những vụ tham nhũng đã quá tai tiếng. Ngay cả khi chưa thể lập phiên tòa thì cũng cần điều tra độc lập và công bố kết luận. Người viết ý thức được sự phức tạp và khó khăn, nhưng khó mấy cũng phải làm vì cái giá của nó là lòng tin nhau trong xã hội, lòng tin của dân chúng với chính quyền.

Người dân cần một bộ máy công quyền liêm chính, chứ không cần trả thù. Chính quyền có thể có chính sách khoan hồng thích hợp sau phán xét độc lập và công minh.

Thứ ba, đưa ra lộ trình dân chủ hóa đất nước. Có thể chưa có ngay lộ trình thật sự có tính khả thi và thuyết phục, nhưng ít ra chính quyền nên có những động thái hướng về đó. Vài mục tiêu trong giai đoạn sớm có thể là những bước đầu của tự do ngôn luận và xét xử độc lập.

Ai cũng biết tham nhũng là hành vi của những thành phần trong giới công quyền cướp đoạt tiền của dân chúng, chính dân chúng mới kiên quyết bảo vệ đồng tiền của mình. Ai cũng biết dân chúng không muốn quốc gia mất chủ quyền, chính họ là lực lượng chính bảo vệ chủ quyền khi đất nước bị xâm lăng. Vậy thì chỉ khi người dân thật sự làm chủ đất nước thì mới chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả, mới bảo vệ được lãnh thổ trước họa xâm lăng. Không thể hoàn thành công cuộc lớn lao và thiêng liêng đó khi quốc gia không dân chủ, dân chúng thiếu các quyền tự do căn bản trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Chỉ trong môi trường dân chủ mới có thể đoàn kết những người có tri thức, có năng lực, có đạo đức, hết lòng cộng tác nhau hướng về sự nghiệp cao đẹp cho dân tộc.

Người viết tin rằng ba việc trên đây được người dân mong đợi nhất, chính là ba việc đáp ứng lòng mong mỏi sâu xa nhất của dân tộc, trong lúc này, khi giặc dữ gầm ghè trên lãnh hải. Một khi ba việc được khởi động, lòng dân sẽ rung chuyển, sẽ cộng tác, thế nước sẽ đổi thay. Trăm triệu người Việt không hèn yếu, chính quyền nào biết gợi lòng dân, nương dựa vào sức dân, chính quyền đó đủ sức cải tổ, ngẩng đầu nói chuyện và làm kiêng sợ bất kỳ thế lực xâm lược nào. Chính quyền đó có đủ tư thế hợp tác quốc tế. Chỉ cần hành động vì lợi ích và tương lai dân tộc. Quan sát các động thái gần đây nhất của chính quyền, như động thái về đường cao tốc Bắc – Nam, tôi hy vọng đất nước đang hướng về đoàn kết hơn.

Trung Cộng đang có những khó khăn rất lớn của họ trong khi Việt Nam đang dựa lưng vào lẽ phải với sự ủng hộ của thế giới! Việt Nam sợ Trung Cộng là sợ vì lý do gì? Khi đa số các thành phần dân tộc cộng tác nhau, Việt Nam có thể vừa giữ hòa bình vừa bảo vệ chủ quyền. Dân chúng có thể đặt nhiệm vụ đó cho chính quyền được không?

Ngày 20 tháng 9 năm 2019