Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Cán bộ nguồn

Truyện Thái Sinh

Đội kéo mật mía của làng Tào năm ấy hoàn thành kế hoạch trước thời gian gần một tháng, lão Tư Lâm thay mặt đội kéo mật mang ba sản phẩm lên huyện dự triển lãm những mặt hàng chế biến thủ công nghiệp, gồm: mật nước, mật cô đặc đóng thành bánh, mật đường cát. Không ai có thể ngờ ba sản phẩm của làng Tào đều được chủ tịch huyện tặng bằng khen.

Danh tiếng làng Tào và lão Tư Lâm bỗng chốc nổi như cồn. Đích thân chủ tịch huyện Hoàng Nhật Nam dẫn đoàn tham quan của tỉnh về làng Tào để tận mặt xem cơ sở chế biến mật mía do lão Tư Lâm làm đội trưởng. Lão Tư Lâm giới thiệu với khách cách kéo mật, lọc nước trước khi đổ vào chảo đun, cách đun, đặc biệt lão giới thiệu cách ủ men nấu rượu từ rỉ đường mía khiến quan khách trố mắt kinh ngạc. Chủ tịch Hoàng Nhật Nam rất hài lòng, khen hết lời: 

-Đây là sáng kiến chưa từng có, vì rượu không thể thiếu trong đời sống chúng ta. Nhà nước lệnh cấm nấu rượu bằng lương thực, nay có thể dùng rỉ đường để nấu rượu thì thật quá tuyệt vời, mà chưa một kỹ sư thực phẩm nào nghĩ ra… Mỗi làng nghề chỉ cần một phát minh như làng Tào này thì đất nước chúng sẽ chẳng mấy chốc phát triển vượt bậc,  qua mặt cả Nhật, Đức…

Lão Tư Lâm được mời đi báo cáo điển hình trong nhiều hội nghị của tỉnh. Dù là nông dân nhưng do ít nhiều có đọc sách, nên ban đầu lão phải viết ra giấy cầm đọc, sau không cần giấy nữa, cứ nói vo trơn tru. Ai hỏi gì thì lão cứ người thật việc thật mà nói, đôi khi khiến cả hội trường cười vỡ bụng. Về kinh nghiệm, lão kể, có lần con trâu đang kéo mật thì đứng ỳ ra dạng cẳng ỉa một bãi to tướng. Nếu lão không nhanh trí lột áo hứng bãi cứt  thì cứt sẽ bắn hết vào trục kẹp mía, và chảo nước mía ở phía dưới phải đổ bỏ luôn. Lão kể rất có duyên, ai nấy đều cười chảy cả nước mắt.

Cuối năm đại hội xã viên, cấp trên chỉ đạo cơ cấu lão Tư Lâm vào ban quản trị. Lý do: lão đang là lao động trực tiếp, cơ cấu vào để “có tiếng nói của người xã viên”. Thế là, nhoáy một cái, lão trở thành cán bộ ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp làng Tào.

Do trình độ học vấn của lão Tư Lâm chỉ là lớp hai bổ túc, nên lão được cử đi học văn hóa khóa dành cho cán bộ cơ sở, thời gian học tập trung là ba năm trên huyện, để có được mảnh bằng cấp hai.

Ban đầu lão không muốn đi, nên khi chủ tịch xã Vũ Huy Đại tới động viên, lão chỉ ậm ừ:

- Không học cũng nhìn đít con trâu, học xong cũng nhìn đít con trâu. Xin các bác tha cho em. Năm nay em bốn mươi tuổi rồi, học hành làm sao vô được.

Chủ tịch Đại vỗ vai lão Tư Lâm đánh đốp:

- Chú được trên ưu tiên để mắt tới, xây dựng thành cán bộ nguồn từ chính thành phần nông dân, không mấy người được như chú đâu. Vả lại, chú đi học hợp tác xã vẫn tính công điểm, còn được nhà nước nuôi, chú tính xem mình có mất gì… Nói vậy chắc chú hiểu. Sau này lớp cán bộ chúng tôi cũng tới lúc nghỉ, khi đó cờ sẽ đến tay những người như chú… Đám thanh niên có học thì vào chiến trường cả rồi, cuộc kháng chiến này chắc còn kéo dài chưa thể biết ngày nào chấm dứt được đâu.

- Vâng, bác để em bàn tính với nhà em xem sao…

- Sau một tuần sẽ chốt danh sách, chú phải trả lời sớm để anh còn báo với cấp trên.

***

Đêm ấy lão Tư Lâm hẹn mụ Tuyền Bếp ra lò nấu mật. Đêm cuối năm, gió từ rộc Khoang cứ thổi hun hút, lạnh thấu xương. Mụ Tuyền Bếp nép vào người lão cho đỡ lạnh. Họ vơ những khúc củi nấu đường mía còn vương vãi bên cạnh lò nhóm lửa, sưởi  cho ấm. Nghe lão Tư Lâm bảo mình được đi cử học bổ túc văn hóa trên huyện, mụ Tuyền Bếp ôm bụng cười rũ rượi.

- Sao em lại cười như phát rồ thế?

- Cười cái sự cười. Anh đi học về để làm cán bộ, thì cái làng Tào này bọn phụ nữ chửa hoang hết...

- Mụ nói bậy quá. Cả làng Tào, mấy người được như lão Tư Lâm này mà mụ không tin?

- Này nhé, tôi hỏi lão: gái làng Tào này lão đã ngủ với bao nhiêu người? Lão đừng có mà giấu tôi. Vợ ông giáo Loan đã kể với tôi hết cả rồi…

Lão Tư Lâm vội lấy tay bịt miệng mụ Tuyền Bếp lại, lão biết mụ yêu lão và ghen tức với tất cả những người đàn bà lão đi lại.

- Tôi xin mụ, đêm hôm khuya khoắt thế này mụ nói to thế nhỡ mọi người nghe được thì ảnh hưởng đến tôi sao… Tôi gọi mụ ra đây chỉ để hỏi một câu: Mụ có đồng ý cho tôi đi học không?

Nghe thế, mụ Tuyền Bếp lại rú lên cười.

- Tôi là gì mà đồng ý cho lão đi học chứ? Cấp trên cho lão đi thì lão cứ đi, chả mất gì, cứ ngồi chơi vẫn được công điểm. Sau này về làng lại được đề bạt làm cán bộ. Biết đâu chức chủ tịch chả rơi vào tay lão. Lúc đấy, mụ này lên xã xin cái triện có nói rã bọt mép chắc gì lão đã cho…

Lão Tư Lâm lập tức vật mụ xuống đất ngay trước cửa lò, lột phăng quần áo mụ ra, cười nhăn nhở:

- Không cần phải đến lúc làm chủ tịch xã Tư Lâm mới cho mụ triện. Lão cho mụ triện ngay đây… Mụ cần bao nhiêu cái lão cho đủ hết…

Mụ Tuyền Bếp rú lên trong sự sung sướng tột cùng, lão Tư Lâm phải bịt miệng mụ lại, quát mụ:

- Kêu cũng khẽ khẽ thôi, kẻo người ta nghe thấy lại bảo cán bộ hiếp dân…

- Thì cán bộ đang hiếp dân đây chứ còn oan nỗi gì…

Ngày 28/7/2019

(Trích trong Chuyện Làng Tào)