Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Văn học miền Nam 54-75 (589): Nguyễn Bắc Sơn (kỳ 1)

Image result for "Nguyá»…n Bắc SÆ¡n"Nguyễn Bắc Sơn tên khai sinh là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận, mất ngày 4-8-2015. Năm 15 tuổi, ông đã lên nghĩa địa, cắt gân tay nằm chờ chết. Không may cho ông là có người vào thăm nghĩa địa, tìm thấy và cứu ông thoát chết. Sau này ít nhất ông còn có ba lần nhảy lầu tự tử nhưng không chết.

Cha Nguyễn Bắc Sơn là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, mãi đến ngày 30/4/1975 mới trở về đoàn tụ gia đình, mang cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 6, sau một thời gian ngắn đã qua đời vì một tai nạn xe hơi. Năm 1962, Nguyễn Bắc Sơn khi ấy 19 tuổi được chính quyền Việt Nam Cộng Hoà điều động đi lính, theo một sĩ quan Mỹ làm phiên dịch tại mặt trận Sông Mao ở Bình Thuận.
Trước năm 1975 Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì, lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn, thời gian này ông có tập thơ phản chiến in ở Sài Gòn, năm 1972 là “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, gây được tiếng vang trong giới văn nghệ miền Nam. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ...
Nguyễn Bắc Sơn là con người đa tài: rất giỏi tiếng Anh, nghiên cứu sâu triết học Đông - Tây, đặc biệt là Kinh dịch và triết học Phật giáo, lại có bàn tay châm cứu tuyệt vời cộng với tấm lòng nhân ái của một lương y thực thụ. Thời điểm cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, ông đã từng tham gia chẩn trị và hướng dẫn châm cứu cho lớp đàn em ở các cơ sở Đông y Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn hiện cư ngụ tại thành phố Phan Thiết. Bà Xuân Hồng, vợ nhà thơ, từng là một giọng ca hay, thường được phát trên sóng đài phát thanh ở Phan Thiết và Sài Gòn cùng thời với ca sĩ Thanh Thuý lừng danh vào thập niên 60.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972)
- Ở đời như một nhà thơ Đông phương (NXB Trẻ, 1995) – tập thơ do nhà văn Đoàn Thạch Biền và thân hữu góp sức xuất bản.
- Biển của một thời (tuyển tập thơ nhiều tác giả, 1999)

Nguồn: thivien.net

Bổ sung của Văn Việt: 2015 Nguyễn Bắc Sơn qua đời vì bệnh tim.

Chiến tranh Việt Nam và tôi

Nhị hồng
Lòng vui sướng như một chiều nắng tốt
Cầm tay em chầm chậm bước qua sông
Tà áo em buồn trắng đã căng phồng
Những tình ý một đời chưa nói hết
Trong thành phố này từ lâu anh vẫn biết
Ở đâu đây còn chảy một dòng sông
Ở đâu đây còn có mặt trời hồng
Có bến tịnh đậu con thuyền trôi nổi
Thời tuổi nhỏ đời anh buồn quá đỗi
Nhà anh nghèo ngày không đủ cơm ăn
Mẹ hai tay lau nước mắt nhọc nhằn
Cay đắng quá đàn con đâu có biết
Khi lớn khôn nhiều đêm anh hối tiếc
Ðã bao ngày mê mải với văn chương
Nhưng bất tài không viết nổi tình thương
Của người mẹ tóc dài đang nhuốm tuyết
Em cũng biết tình yêu anh bát ngát
Và ngây thơ như đồng mía lau say
Biết ngày xưa anh là ngọn gió tây
Thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối
Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới
Khi em thành sương phụ áo màu đen
Anh bán đi chồng sách quí nuôi em
Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi
Khu vườn nhà ta sáng nay có nhiều lá mới
Những lá già rã mục tự hôm qua
Trong lòng anh cũng nở một bông hoa
Ðóa hoa chỉ mỗi mình em ngó thấy
Không có gì để khoan dung
Ở các quận miền Bắc
Có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính
Nhà tu được người đời tôn kính
Kẻ cầm quyền được người đời nể sợ
Kẻ giàu sang được người đời bợ đỡ
Các cô gái nhà lành được người đời chiều chuộng
Còn các gái điếm được người đời khinh khi
Ta không muốn tranh luận về vấn đề mãi dâm
Tôi chỉ muốn nói lên một điều dễ thấy
Nếu không có các nhà điếm ở bốn quận miền Bắc
Con số các cô nhà lành
Và lường gạt tình yêu
Ðương nhiên sẽ gia tăng
Người đời vốn có thói quen
Khinh rẻ bất cứ ai
Gặp những bất hạnh cùng loại
Tôi nhân danh một kẻ làm thơ
Có một điều khuyên các cô nhà lành
Là trước khi lên giường ngủ
Nên nguyện cầu cho các ân nhân.
Bức bích hoạ về một thành phố ban mai
Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non.
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng
Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày.
Và bật que diêm đốt thuốc
Nhà văn đã hoàn thành tác phẩm
Ðứng ngoài thềm thích thú nhổ những chiếc chân râu
Như người phụ xe
Nhấp từng ngụm cà phê bốc khói
Nhân vật trong sách ông ta
Nhiều người chào đời nhiều người đã chết
Nhưng không ai hiểu vì sao mình được sinh ra
Vấn đề dở dang này không làm dở dang tác phẩm.
Người đọc chắc sẽ vô cùng thích thú
Dù cũng không hiểu vì sao
Những chiếc chân râu đế nhỏ
Trời sinh ra ta để sống
Gáy lên đi anh em
Những dự tính lãng mạn đầu năm 1970

Tặng Vĩnh Diên và Ôn Ðăng Khang

Ta sẽ đóng vai kẻ hành khất
Gõ cửa những nhà giàu trong thị xã mỗi sáng mai
Ta mang theo một ống sáo đồng
Cùng quyển kinh Việt Nam
Ta xin tiền
Chia cho các người nghèo trong các ấp
Ta đánh thức
Lương tâm người giàu
Bằng tính lì lợm của ta
Ta sẽ đóng vai người thợ thiến
Chuyên môn đi thiến vòi
Những thằng điên
Những chính trị gia
Những kẻ say mê giết người vì lý thuyết
Những nghệ sĩ viễn mơ
Ta thiến tuốt
Không phải những hệ lụy và những thống khổ lớn lao
Của loài người
Phát xuất từ chiếc vòi ấy hay sao?
Người thợ thiến chính là nhà văn hóa lớn
Nhưng đây mới là điều ta khát khao nhất
Ước gì ta lên được núi cao
Và tịnh cốc
Ðể đi nốt con đường thiền
Con đường trước mặt
Ôi hạnh phúc,
Bao giờ ta biến thành người?!...
Viết tặng các nhà cách mạng giả hình trong thời đại tôi
Trong góc nhà tôi
Sống một chàng dế nhủi
Y cao hứng cất tiếng ca
Ðánh thức những sinh vật vô hình trong đêm tịnh mịch
Y đánh thức luôn tôi
Khi tôi cất tiếng sáo đồng lên thổi
Y im lặng nghe tôi
Giữa tôi và y nảy sinh một tình thân lặng lẽ
Trong đáy giếng nhà tôi
Sống một con cá trào già
Những đêm trăng
Dường như y không ngủ được
Y bì bõm
Chơi đùa cùng ánh trăng, khí hàn và nước
Tôi ngồi bên thành giếng
Im lìm chiêm ngưỡng y
Bên cạnh nhà tôi
Sống một kẻ láng giềng
Y thường phóng uế trước nhà
Khi con gà nòi của y đi lạc
Y nhìn vào nhà tôi
Và chửi thề như máy
Tôi định đến mùa hè này
Sẽ đá y một đá
Nếu chúng ta tự đáy lòng
Không mảy may yêu người hàng xóm
Vậy hi sinh vì cách mệnh có nghĩa gì.
Con trai ta chào đời

Người bạn ta nằm xuống

Khi vì sao Hôm lặn
Chúng ta có một vì sao Mai mọc
Ôi Trần Thái
Năm ta sinh đứa con trai đầu tiên
Cũng là năm em gục chết
Gã du kích mù
Bắn viên đạn mù
Vào thân thể người sĩ quan lim dim ngoài trận mạc
Trong trận chiến mù mịt này
Chúng ta làm sao tỉnh thức
Khi em chết đi
Em sẽ thành sấm sét
Thành bụi vàng
Thành gió thành mây
Trong vũ trụ hoài hoài sinh diệt
Con trai ba
Năm nay chào đời trong căn nhà ba ấm áp
Ngoài kia, ngoài khu rừng khói sương kia
Trần Thái bạn ba đã chết
Con sinh ra đời
Chắc gì đã là điều đáng vui
Bạn ta gục chết
Chắc gì đây là điều đáng tiếc
Con đã chào đời
Con sẽ thành gì hỡi con ta 
Con sẽ thành một chính trị gia
Xúi đồng bào chơi trò chơi khủng khiếp
Con sẽ thành một nhà thơ
Một anh hùng bất lực
Con sẽ thành một giáo sư
Ru ngủ học trò
Bằng những điều con không mảy may tin
Một trẻ con mới sinh
Chắc gì là điều đáng vui
Một người chết
Chắc gì là điều đáng tiếc
Bài ca khổ nhục
Mày về thăm ta như chuột lột
Thất thểu chỉ còn xương với cốt
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Thê thảm còn hơn thằng cốt đột
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Chinh chiến sao mày không chết tốt
Dăm đồng rượu trắng vội bày ra
Nhậu để khói sầu lên ngút ngút
Ðó là phương thuốc trị bùi ngùi
Ðốt lòng uất hận cao ngùn ngụt
Ngửi mày một tí xem làm sao
Thân thể mày bay mùi binh đao
Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
Ngày trước mày định đi tu tiên
Giờ lính tu bi-đông ừng ực
Người đời dễ đâu theo ý mình
Như hạt bụi nhằm con gió trốc
Bạn mày nằm nhà thất nghiệp dài
Mẹ già không tính tiền cơm thuốc
Ngày xưa văn nghệ ta mê làm
Cách mệnh còn hăng say vượt bực
Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt
Thèm tiền song quả đứa vô tài
Nên thằng ta đây chỉ có nước
Mỗi tuần một vé số mươi đồng
Thê thảm ôi làm sao tả được
Hai ta cùng quẫn như thế này
Nhắc làm chi nữa cho tủi nhục
Vậy xem như mình đã chết rồi
Chí lớn mộng to đều đã vứt
Quên trời quên đất quên luôn ta
Dăm đồng rượu trắng cùng say khướt.
Tha lỗi cho tôi
Tiếc mày không gặp tao ngày trước
Ta cho mày say quất cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu
Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưỡng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vầng trăng lạnh
Cao tiếng cười buông tiếng chửi thề
Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu quay
Ðời mình như ly rượu cạn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày
Thời đó là thời ta bất xá
Sẵn sàng chia khổ với anh em
Hơi cay, đạn khói, dùi ba trắc
Bước cũng không lui trước bạo quyền
Bây giờ ta đã thành ti tiểu
Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia
Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật
Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què.
Những năm tâm hồn còn trữ tình điên mê vì thi ca và triết học
Ngoài nghĩa trang có một tòa cổ miếu
Trưa học về chàng hay trốn vào đây
Gởi tâm hồn vào những đám mây bay
Ði tranh luận cùng thánh hiền thiên cổ
Ðến thư viện chàng vội vàng trở lại
Chồng sách cao chôn mất nửa đời người
Còn thi ca? Ta không còn muốn nhớ
Những thiên đường không tưởng tuổi mê chơi
Có một lần trong đêm mù thác loạn
Trăng non nằm trên bãi nước vi vu
Tôi cất tiếng, tiếng chìm trong tiếng sóng
Chàng đi lùi như một kẻ miên du
Trùng bọt biển tấp chìm vào chân sóng
Em là chim bay thoát tới trời xa
Ta còn ta trong cánh rừng hoài vọng
Vuốt tóc bồng theo dấu vết em qua
Mùa bão rớt đưa tang trong thành phố
Anh không về theo ngõ tối bờ sông
Từng tối đến anh không về thổi sáo
Vì phố lầu không có kẻ ngồi mong
Nước dâng cao vùng biển chiều trăng đỏ
Một góc bờ ngồi đắp cát lên chơi
Chàng lặng lẽ gối lên chồng sách nhỏ
Ngủ âm thầm như chiếc bóng mùa đông.
Những điều cần nói khi thôi học 1963
Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc
Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy
Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Ði tìm câu trả lời
Ðể sống yên tâm
Say

Tặng Phan Anh Dũng

Vết chém trong tâm hồn
Nhức nhối cùng con nước lớn
Sóng vỗ bọt vào ghềnh
Nỗi sầu theo rượu bia
Ðủ làm ta chếnh choáng
Một vầng trăng lãng đãng
Ðậu trên hàng dương cao
Lòng ta làm đáy hồ
Chìm trong vầng ánh sáng
Lòng ta là thạch động
Con chim tình cô đơn
Hót mãi bài vô vọng
Bãi cỏ con đường mòn
Ta chỉ là chiếc bóng
Thôi Dũng ơi hãy ngừng
Bài không tên, không tên
Vũ Thành An nức nở
Khi nghe mày hát lên
Thây ma trong cửa mộ
Không thể nào ngủ yên
Khi nghe mày khóc lên
Lòng ta là núi đá
Trên ngọn núi Bắc Sơn
Những buổi chiều lính thú
Ta tưởng đã từ lâu
Thành một người dửng dưng
Chân dung tự hoạ
Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du
Trôi qua tháng, trôi qua ngày
Trôi trên cuộc đời huyễn mộng
Trôi từ chiếc nôi ra đến nấm mồ
Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc làm thơ theo khí hậu từng mùa
Bạn bè đã chia xa ta khề khà cùng sách vở
Mất bảy năm trời ta hiểu Thích Ca
Ôi nụ cười đã từng đêm ta mất ngủ
Những ngày ăn gạo lức muối mè chữa bệnh
Tắm mình trong dòng triết học cực Đông
Những ngày xem zen là lẽ sống
Hạnh phúc về như nước lấp con sông
Ta đổi mới ta nồng nàn sức sống
Như mùa mưa phân phối ruộng đồng xanh
Ta dự tính giã từ vai khán giả
Nối vòng tay, vòng tay lớn Việt Nam.
Chúng ta không phải sinh ra để sống như thế này
Những ngày lửa
Thị xã chúng ta giống như một chuồng khỉ chật
Nơi đó lũ thị dân đóng đủ trò
Và làm khổ nhau vì những điều thuần tưởng tượng
Những ngày như hôm nay
Mọi vật đối với ta đều quái gở
Người hàng xóm ta
Ðang cởi trần chửi thề khí hậu
Ðến giờ đi làm
Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
Sau khi đội mũ và thay đồng phục
Ðến giờ đi làm
Bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
Trong những căn nhà hộp
Bỗng nhiên
Trở thành quan tòa
Ðứa trở thành thầy giáo
Ðứa tài xế
Ðứa nhà văn
Ðứa quan ba
Ðứa khùng khùng
Thật là quái gở
Nhưng thật ra chúng ta là ai?
Ðêm nay trời bỗng mát
Trong đáy hồ tâm thức
Ta câu lên một bầy rắn nước
Con rắn này có tên là Nguyễn Bắc Sơn
Con này tên tiền của
Con này tình yêu
Con này danh vọng
Thật quái gở
Trong đáy hồ tâm thức, khuya nay trong cơn thiền
Ta đã câu lên và đã nhìn tận mặt
Những con rắn chết
Dường như kiếp trước ta không phải là kẻ định cư
Trong những thị trấn đầy phó bản văn minh
Quà tặng bằng hữu
Ta bẩm sinh vốn là người thích tặng
Ngày xưa ta đến trường
Ta thường tặng cho gã hành khất
Tiền ăn sáng của mẹ ta cho
Ta tặng cho bạn bè
Những chồng sách ta hằng yêu quí
Ta định tặng cho mọi người
Một món quà thật lớn
Tặng cho người ta yêu
Tặng luôn người ta ghét
Tặng kẻ từng quen biết
Tặng luôn kẻ không quen
Tặng thế hệ mai sau
Những kẻ chưa sinh khi ta đã chết
Ðiều ta tặng chính là một điều khoái cảm
Trong gói quà
Có núi có sông
Có rừng có biển
Có những sinh vật dễ thương
Có âm thanh và ánh tượng
Có một Việt Nam
Quằn quại trong cơn đau
Có khí thế đang lên
Xây đời hậu chiến
Ðiều ta tặng chính là một bài thơ hay
Kẻ làm thơ chính trực
Là kẻ tặng mọi người
Những gì y có
Sau cùng còn cái mạng không
Y tặng nốt cho người y yêu.
Viết cho các con tôi

Kính dâng Mẹ

Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba
Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn
Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng
Ba bắt đầu thương nhớ các con ba
Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt
Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba
Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận
Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu
Ðó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ
Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du
Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau
Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Ðể thấu hiểu vì sau ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than
Trên đường tới nhà Xuân Hồng
Khi qua cầu thấy từng chùm ánh sáng
Trên những chiếc lưng trần của lũ cá thu đen
Thấy ngôi nhà em soi mình trong bóng nước
Và thấy tình yêu đầy những nỗi bi hoan
Khi qua nghĩa trang thấy một bầy mả đá
Nghĩ đời mình đâu đến một trăm năm
Nên muốn suốt đời làm tên lãng tử
Trăng mọc đêm nay lạnh chỗ nằm
Trước khi tới nhà phải trèo lên dốc
Mối tình mình cay đắng biết bao
Và tình yêu phải chăng có thật
Hay chỉ là ảo vọng đâu đâu
Ta vốn ghét đàn bà như ghét cứt
Nhưng vì sao ta lại yêu em?
Ôi mắt em nhìn như là bầy chuột
Ta quàng xiên nên đã sa chân.
Mai sau dù có bao giờ
Ðêm phù cát dù bên ngoài trời rất lạnh
Nhưng trong ngôi nhà tranh của thiếu úy Hồ Ban
Có tình bạn nồng nàn như ly rượu chôn nhiều năm dưới đất
Có câu chuyện tình thi vị man man
Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Ðể choàng vai ấm áp cuộc rong chơi
Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ, quên quên
Dù mỗi ngày ta xé đi năm mươi tờ lịch
Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh
Dù đen bạc là nơi cố xứ
Nhưng đi biền biệt cũng không đành
Thảo khấu
Buổi sáng xuất quân về phương Bắc
Âm thầm sương sớm toán quân ma
Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà
Nước reo bèo dạt mặt trời lên
Khói núi lời ca chú dế mèn
Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng
Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập cầm gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng
Vì sao người đến đây làm giặc
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Ðưa đẩy người trong cát bụi mù
Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình
Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà?
Mật khu Lê Hồng Phong
Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang
Ðêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắc cù
Chợt thấy trong lòng buồn bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu
Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoát đã ở phương tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ biến thành mây bay
Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động thái an
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám sương tàn
Nhắc đến Ma Lâm
Chiều Thiện Giáo hồn mình đầy bóng núi
Con đường mìn ươm vết máu đơm khô
Khu phố quận những đời người đã mỏi
Cỏ xanh đùn cao gió khói hư vô
Ðêm ngủ đổ ngâm thơ cùng đại bác
Hồn lao đao trong chuyến trực thăng bay
Ðâu có chắc mặt trời mai sẽ mọc
Trời rây mưa lành lạnh khiến thèm say
Khuya thức mãi trầm tư cây đèn lạp
Cháy trong lòng men nhạc Trịnh Công Sơn
Ðêm không ngủ trong những ngày bão táp
Ôi những ngày máu ứa xác quê hương 
Tôi hỡi tôi xin đừng chết nhé
Bóng hòa bình thấp thoáng ở miền Nam
Ngày ta mong nằm trong tầm tay với
Sao thấy lòng chưa dứt mối hoang mang
Chiến tranh quá dài nên người quá khác
Không thể mừng vui rước tiếp hòa bình
Ðêm đen quá dài nên người quá khác
Không thể nào tin sẽ có bình minh
Một tiếng đồng hồ trước khi lên đường hành quân
Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu đế trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng
Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bão mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà
Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào chốn phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư
Tiệc tẩy trần của người sống sót
Bóng bồ câu gù trên đầu ngọn tháp
Ai chèo thuyền câu cá giữa dòng sông
Vẫn còn đây bóng dáng chiếc cầu cong
Ðây có sẵn rượu bia đồ nhắm tốt
Các bạn cũ những thằng nào vô phước
Mồ đang xanh vì cuộc chiến hôm qua
Hãy về đây mà say khướt cùng ta
Này bóng mây cao, này vòm lá thấp
Con đường phố người anh em tấp nập
Một người này yêu một chút người kia
Tay ấm trong tay chân ấm viả hè
Trái tim ấm lửa tình người ấm áp
Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Ðể nhìn thấy hình bản lai diện mục
Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết, xin bắt đầu lại hết.
Ở đời như một nhà thơ phương Đông
Y là một nhà chiêm bái đích thực
Có cần chi
Ði hàng ngìn dặm đường
Ðể nhìn các thánh tích
Một ngày kia y chiêm bái đồng lúa chín vàng
Và tìm thấy lòng hảo tâm của trời đất
Một đêm kia
Y chiêm bái ngọn bấc đèn
Và tìm thấy sự ấm áp vô cùng của lửa
Y chiêm bái hạt muối trắng tinh
Y chiêm bái hạt mè đen bóng
Có lần y chiêm bái một hạt mưa sa
Trong hạt mưa có khuôn mặt trẻ con
Cùng đôi mắt chiêm bái người nữ
Y bỗng rùng mình biến thành vũ trụ.
Căn bệnh thời chiến
Một ngày chủ nhật phơi giầy trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như là khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường
Mày gởi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Ðời tàn trong lứa tuổi thanh xuân
Chiều chiều ngồi nhà hút ống vố
Cao giọng ngâm chơi khúc cố văn
Chiến tranh xa tít như là mộng
Thôi kể ra mày cũng yên phần
Ta may mắn tay chân lành lặn
Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ
Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu
Tối nằm đánh vật với cơn mơ
Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
Mai kia trong những ngày ngưng chiến
Ta chắc rằng không thể yêu ai
Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
Xin chiếc giường cho xác tàn phai
Mai kia khi thành đồ phế thải
Ta lên cao nguyên nằm dưỡng thương
Cười lên đi tiếng khóc bi hùng
Ðời bắt một kẻ làm thơ như ta đi làm lính
Bắt lê la mang một chiếc mu
Nên tâm hồn ta là một cánh đồng úng thủy
Và nỗi buồn như nước những đêm mưa
Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn
Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu
Dù đôi khi ta lên núi Tà Dôn uống rượu
Trời đất bao la ta chỉ có một mình
Nhưng làm sao quên cuộc đời dưới đó
Quên những thằng người bôi bẩn kiếp nhân sinh
Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái
Ðể được làm người theo ý riêng ta
Ngày hôm nay ta muốn chọc mù con mắt phải
Ngày hôm nay ta muốn bỏ đi xa
Khi nâng chén lên cao ta muốn cười lớn tiếng
Cười lên đi những tiếng bi hùng
Ðời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính
Chiếc mai rùa đã nặng ở trên lưng

Nguồn: In lần đầu tại nhà xuất bản Đồng Dao, Sài Gòn, 1972. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của tác giả

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=6057&rb=