Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 161): Vũ Quỳnh Nh. – Con công Mardi Gras

imageVũ Quỳnh Nh. tên thật là Vũ Quỳnh Như sinh 1962 tại Sài Gòn, theo học chương trình Pháp và cùng gia đình di tản sang Hoa Kỳ tháng 4-1975. Làm tiếp viên hàng không cho Northwest Airlines tuyến đường San José-Tokyo, Vũ Quỳnh Nh. khởi viết 1992 và gây chú ý với các truyện ngắn Sắc Màu, Modan Geishas, Đảo RùaCon Công Mardi Gras mang không khí kích động của một lễ hội hóa trang tại New Orléans với những thúc dục và trông chờ của đêm… (Trần Vũ)

Có tiếng rên rỉ của người nghệ sĩ vang vọng đằng trước quán:

Yesterday, I saw you leave,

I laughed and sang,

I wouldn’t grieve,

But after my laughter came tears,

I told my friends,

I didn’t care,

I laughed about my whole affair.

But after my laughter came tears,

My pride kept me from showing you,

That I was blue.

Oh, but by myself,

Don’t nobody know what I’ve gone through.

My lips don’t feel,

My heart in pain.

I made believe, but never again,

‘cause after my laughter came tears.

(Ngày hôm qua, nhìn người lìa xa,

Tiếng cười và lời ca,

Nhất định không buồn than thở,

Nhưng khi nụ cười tắt nước mắt bỗng tuôn tràn,

Tôi nói với người thân

Tôi bất cần

Tôi phì cười cho những chuyện chung quanh

Nhưng khi nụ cười tắt nước mắt bỗng tuôn tràn.

Blues cho cuộc tình

Ôi, nỗi cô đơn một mình

Chẳng ai hiểu thấu những nỗi buồn qua đi

Đôi môi tôi tê dại

Quả tim giờ tái tê

Bao nỗi ước mong, tiếc nuối chi

Vì khi nụ cười tắt nước mắt bỗng tuôn tràn)

Tôi không cảm nhận được nỗi buồn trong lời nhạc, dù đã có một thời tôi mê nhạc Blues. Hình như ai cũng phải yêu nó, như kẻ hoạn nạn bỗng chốc trở về với tôn giáo.

Đây cũng không phải là Highway 61, cũng chẳng có được một chiếc xe Cadillac hồng đuôi cá, để chạy vào lòng Mississippi. Người ta nói rằng You got to have the Blues to feel the Blues, giờ thật sự nỗi buồn đó đã xa bay nên lời nhạc chẳng còn cái thấm thía của thuở nào.

Ồn ào từ bên trong, ồn ào vang vọng mãi ra đến bên ngoài, người ca sĩ với giọng ca lải nhải chẳng ai buồn để ý như bị khung cảnh nơi đây làm mờ dần vào màn đêm. New Orleans về đêm nhộn nhịp, nhất là hôm nay. Gió ngoài lạnh thổi, cái lạnh âm ẩm làm tôi rùng mình khiến hai đầu vú săn lại. Cũng may trước ngực áo được phủ một lớp lông, nếu không có lẽ tôi phải khoanh tay nguyên tối. Thời buổi bây giờ đã khác, chẳng vào đầu thập niên 70 với cô đào Farrah Fawcett nổi tiếng trên hình poster với hai đầu nấm vú chĩa ra sau bộ áo tắm mỏng dính, khiến các bà, các cô thay vì đi thẩm mỹ viện bơm ngực, thì họ lại bơm núm vú, đến như báo chí cũng quảng cáo những đầu vú làm bằng cao su giả dùng để gắn lên.

Tôi đẩy cửa bước vào, khói thuốc ngột ngạt làm mắt hơi cay.

- Đông như thế này làm sao mà tìm thấy. Tôi lo ngại, đâm ra tiếc tại sao không để hắn tới khách sạn đón, như vậy có phải tiện hơn không.

Một tay tôi ôm bó lông bị dính chặt sau mông, tay kia giữ mấy sợi kim tuyến đeo lủng lẳng trên đầu. Chen lấn trong đám đông tìm kiếm, mãi đến khi nghe tiếng ai gọi đến tên mình tôi mới thở phào nhẹ nhỏm.

- Mimi! Hắn vẫy tay gọi lớn, tiếng gọi to dần sau những câu xin lỗi chen lấn.

Tôi chạy lại, đứng yên trước mặt hắn ngắm nhìn. Vẫn đẹp trai như thuở nào. Nét đẹp có phần già dặn nhưng vẫn làm mềm lòng phái nữ dễ dàng. Dù đã mười năm.

Hắn ôm chầm lấy tôi, hôn lên môi. Nhóm dân đạo đức vẫn bảo New Orleans là “Sin City” thành phố “Tội Lỗi”. Thời huy hoàng ăn chơi, trụy lạc của những trò chơi làm tình tập thể mà tiền nhân Hy Lạp để lại.

Tôi tháo bỏ mặt nạ bằng giấy xuống để nhìn cho rõ. Mardi Gras về đêm nhộn nhịp đủ loại màu áo hóa trang. Khu vực Vieux Carré như trẻ lại dù chung quanh dấu tích lịch sử vẫn còn vương vấn những làn sương mù dày dặc từ ngoài sông cuộn vào.

Những cổng sắt, ngỏ hẽm ngoằn ngoèo về những huyền thoại Madame Lalaurie’s tra tấn nô lệ, bùa ngải voodoo của Marie Laveau, Quadroon Balls – nơi phụ nữ bị mang ra đấu giá cho đàn ông lựa chọn làm vợ bé, chỉ là những chuyện trong ngàn câu chuyện làm du khách hồi hộp lắng nghe.

Jacob nhìn tôi trìu mến:

- Mimi! Mày hóa trang thành con công đẹp quá. Hắn xoay tôi một vòng ngắm nghía. Con công Mardi Gras, mười năm Mimi chẳng đổi tí nào.

Tôi cười, nụ cười sung sướng của một người con gái được người khác khen đẹp, dù tuổi tôi lúc này cũng chẳng còn nhỏ gì.

- Mày cũng vậy. Tôi ấp úng lí nhí trong mồm như đang nói với chính mình. Mắt lướt nhanh vào bộ mông chạy đua thế vận hội của dân da đen được ôm chặt theo cặp giò chắc nịch của hắn. Tôi vẫn thích những người đàn ông có dáng gầy gầy như hắn. Loại gầy chắc thịt chứ không phải thứ gầy ốm đói.

Trời lạnh, về đêm gió lùa của đầu tháng ba giờ chẳng thấm thía gì như lúc ban đầu bước chân vào quán. Giờ này bà con bắt đầu tràn ra đường ném hoa giấy và thảy bột vào mặt nhau, hô hào “laissez le bon temps rouler”. Những đứa con nít xô đẩy nhau xếp hàng từng dãy một chờ những giàn xe giấy đi qua để có dịp reo hò “Throw me something, mister” (Làm ơn ném cho một cái gì). Và những mề đai bằng vàng giả được ném xuống thì tiếng nhạc Jazz lại trổi lên từ khắp nơi. Xa xa hình như tiếng rên rỉ của người ca sĩ vẫn còn vang vọng đâu đó.

- Well I drink to keep from worrying

And I laugh to keep from crying.

I keep a smile on my face so the public won’t know my mind

Some people think I’m happy but they sure don’t know my mind,

They see the smile on my face, but my heart is bleeding all the time.

(- Ừ, thì hãy say cho quên đi âu lo

Và hãy cười cho giọt lệ đừng rơi

Tôi giữ khuôn mặt vui tươi cho thiên hạ không đoán được cõi lòng

Dù có kẻ cho rằng tôi hạnh phúc nhưng nào ai hiểu được cõi lòng

Họ nhìn thấy nụ cười này, nhưng ngàn đời tim vẫn mãi đớn đau).

Jacob đưa tay gỡ nhẹ những bông giấy dính trên mặt tôi khẻ nói:

- Hồi xưa Mimi thích bản này.

- Mày cũng vậy.

- Ờ, hồi xưa mình đều thích bản này. Jacob choàng tay lên vai tôi kéo nhẹ vào lòng, như dạo nào dưới hầm William’s Pub mù mịt khói thuốc, với gã Mỹ đen thổi saxophone trùm mền kín đầu cho tiếng nhạc ấm cả căn phòng.

Thì hồi xưa. Mười năm, như bản nhạc quen thuộc nghe mãi rồi cũng chán. Thời đó Jacob không khác gì giờ nhiều. Vẫn giữ được bản tính dễ chịu, dù gốc hắn Thụy Điển, giòng giống Viking vai đô ngực nở. Dân Viking mang tiếng hung bạo và nơi tôi sống dân Thụy Điển chiếm số khá nhiều, đến đội banh nhà cũng mang tên Viking. Hàng năm vào khoảng cuối tháng chín tháng mười gì đó, họ tổ chức thi múa kiếm, dương oai để kỷ niệm thuở huy hoàng xa xưa. Cũng nhờ vậy nên tôi được dịp quen Jacob. Tôi không mắt xanh, cũng không tóc vàng và chẳng nói được một câu tiếng họ. Nhưng may dân Thụy Điển qua đây nhập gia tùy tục sớm, nên đời con cháu sau này quên hẳn đi tiếng cha sinh mẹ đẻ. Bất quá tôi cũng như một người Mỹ lần đầu bước vào khu Phước Lộc Thọ, có chút ngỡ ngàng khó chịu như gã cowboy cởi ngựa vào một thành phố nhỏ không tên. Một chút ngượng ngập của những con mắt soi mói, dần dà rồi cũng quen. Jacob mắt xanh tóc vàng cần gì biết gốc gác. Trông vào lại càng mát mắt như mấy anh người mẫu quảng cáo taylor suit trong tạp chí GQ. Đứng gần bên hắn tôi cảm thấy hãnh diện như những bà lấy được chồng làm bác sĩ. Dù sự đi lại giữa tôi và Jacob lúc đó chỉ là tình bạn trên căn bản hoạt động và sự tò mò của hai văn hóa khác nhau. Như những cô gái đến tuổi cặp kê, được người bạn trai cỡ Jacob kể ra ai chả thích, dù chị Tàu Trung Cộng bạn tôi, thứ Made In China hẳn hòi, loại chương trình Ph.D., không tán thành. Nước nó nghèo và đông đến cả tỷ dân, được nhà nước gởi qua du học thì cũng phải đến nơi đến chốn, xách mảnh bằng BS hay MS về nước ai nhìn. Đâu phải loại được cha mẹ bỏ tiền cho ra ngoại quốc học, bằng gì cũng được rồi về nước dương oai, cả họ hàng nở mày nở mặt. Nghĩ thế nên tôi cứ tà tà lãnh Financial Aid mà học, bất quá đến tuổi lấy chồng là xong không thì chờ Việt Nam với Mỹ bang giao, lúc đó về nước khối người phục. Chị Tàu Trung Cộng bạn tôi lắc đầu quầy quậy:

- Không thể nào được. Hai văn hóa khác nhau khó mà hạnh phúc.

- Làm sao lại không được. Tôi gân cổ lên cãi. Mày nên nhớ tình yêu không phân biệt màu da.

- Đúng! Chị Tàu tỏ ra đồng ý, gật gù như để lấy thêm hơi rồi nói tiếp - Màu da nhìn mãi cũng quen, ngôn ngữ học rồi cũng biết nhưng văn hóa ngược lại như blood transfusion, một khi vào người rồi thì chẳng gội bỏ được.

- Mày chỉ là con nhỏ kỳ thị. Thôi tao không muốn bàn thêm chi cho mệt!

Con Chang, văn hóa nước nó với nước tôi đâu khác nhau mấy nói gì đến màu da. Có thể là tư tưởng sống của mỗi người đều khác nhau. Có người đã sống ở nước ngoài mà cứ ôm khư khư cái phong tục nước mình rồi than thân trách phận, trách luôn cả con cái. “Mày mà lấy ngoại quốc tao từ mày”. Xà bông rửa chén, cà phê sữa đá, quần xà lỏn với áo sơ-mi, đố ai lúc đó bảo “Mấy đứa bây lại sủa tiếng Tây nữa rồi”. Cho con vào trường Tây, gởi nó đi du học cả họ hàng đều biết chẳng sao, còn có phần hãnh diện, chứ bây giờ qua Mỹ thì cứ phải mang thân tỵ nạn. Đến tên tuổi cũng phải đổi thay. Nguyễn thành Win hay Nugent, Hồng thành Rose, Tuấn thành Tony, Trần thành Tranberg, mà nhỡ tên mình là Phúc hay Dũng hoặc Đôn thì đổi mấy hồi. Ờ, thì Frank, David hay Don nghe cũng oai thế nhưng cũng phải đòi cho được lá cờ Việt Nam. Thành phố tỵ nạn Little Saigon với bảng xanh cắm ngoài xa lộ, thiên hạ cuối tuần đi phòng trà nghe ca sĩ Việt Nam hát nhạc New Wave, hay mặc váy đầm ngồi xỉa răng trong tiệm phở 99. Thế mới là Việt Nam. Jacob có phần Việt Nam hơn và tính tình còn dễ dãi gấp mấy lần tôi. Đúng là trái ngược với giống dân Viking. Hủ tíu, bún bò, món gì nó cũng ăn một cách ngon lành. Có điều tính tình hơi có vẻ con gái, ít khi nào có quyết định dứt khoát về bất cứ vấn đề gì. Tôi hay chọc:

- Tính mày như con gái.

- Có lẽ vậy vì tao hợp với đàn bà.

Chuyện Jacob tính tình như đàn bà hay thích đàn bà hơi đâu suy nghĩ bận tâm. Tôi đã có cảm tình với người nào rồi thì cũng như mấy cô gái khi mới biết yêu lần đầu, loại “yêu anh mù quáng”. Và đầu óc tôi giàu tưởng tượng nên hay nghĩ theo chiều hướng riêng. Đôi khi thấy trắng thành đen, ừ thì tính tôi đàn bà. Và đã là đàn bà thì hơi đâu tìm hiểu chi cho mệt.

Cây cầu bắc ngang dòng sông Mississippi, chia đôi West Bank và East Bank của khuôn viên đại học, mỗi khi có nhóm biểu tình hô hào là có tôi và hắn. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và thích bạo động. Được dịp lôi nhau bỏ lớp. Có những con chạy ra khoe mọi người “Tao vừa mới phá thai xong”, nhóm phụ nữ Women Lib vỗ tay tán thưởng. Có bọn nửa đêm chui vào phòng thí nghiệm thả chuột khỏi chuồng để rồi hôm sau hô hào “Hội Bảo Vệ Súc Vật đã cứu thoát hàng trăm con chuột để khỏi bị dùng làm vật nghiên cứu”. Anh Đen đòi bình quyền xóa bỏ kỳ thị, anh Đỏ than nước này hồi đó thuộc về tao… Tôi cũng hăng máu đứng gần Jacob hô hào “Cứu người vượt biên”.

Thì bây giờ tôi cũng có dịp lại được đứng gần Jacob ở một khung cảnh khác. Khung cảnh mà con người hình như đã mất đi sự hồn nhiên của tuổi trẻ, thay vào những tính toán con số. Hắn quay qua nhìn tôi hỏi:

- Hình như trông mày cao hơn dạo nọ thì phải?

- Không phải đâu, tại đứng gần mày thành như vậy. Tôi cười chỉ vào đôi giày cao gót dưới chân.

Thật ra cũng nhờ Jacob mà lưng tôi đỡ khòm. Dạo nọ ngồi dí đầu vào sách riết lưng cong, mấy con bạn Mỹ chọc, tại người Á Đông không chịu uống sữa tươi như tụi nó nên người thiếu chất calcium lớn không nổi, vừa thấp mà lưng lại khòm. Nhớ lại khi còn nhỏ, mẹ tôi hay thuyết rằng con người muốn bổ phần gì trong cơ thể thì nên ăn phần đó. Ăn tim heo cho bổ tim, thông minh nên ăn óc, gan đi với gan, thận đi với thận… Còn sữa chắc vì đắt đỏ hay sợ cho con bú hư vú hoặc sợ sau này con gái lớn lên vú bự không tốt nên tôi vẫn còn bò trong nôi là đã bắt ăn cơm. Bây giờ thì muộn mất rồi, một ngày uống năm bảy ly sữa cũng vậy, không gỡ gạc được thêm phân nào.

- Dạo này mày vẫn làm cho hãng IBM. Tôi quay qua hỏi Jacob.

- Ừ, chả gì thay đổi. Còn mày vẫn bay đều.

- Nếu không mình làm sao có dịp gặp gỡ ngày hôm nay. Tôi cười.

- Nghĩ cũng lạ. Jacob nói - Hai đứa mình không người nào làm đúng nghề đã học.

- Đâu ai biết mày học âm nhạc để bây giờ làm nghề gõ computer.

- Cũng đâu ngờ mày học hóa học để bây giờ bay đó bay đây.

- Tại tao là boat people. Tôi trả lời. Vượt biên qua đây sợ quá nên phải tìm công việc gì trên trời cho đỡ sợ.

- Mimi lúc nào cũng giữ được bản tính vui nhộn. Gần mày bao giờ tao cũng thấy trẻ lại cả chục tuổi.

Pha trò cũng như một lối che đậy khó hiểu vậy thôi, nhưng Jacob lại hiểu tôi nhiều nhất. Lối suy nghĩ về đời sống cũng giống tôi, bảo sao tôi không thích hắn.

- Lâu rồi mới có dịp gặp lại nhau, tao có chuyện muốn nói với mày. Hắn khom người xuống nói nhỏ.

Tôi gật đầu nhìn hắn.

- Mình đi tìm quán café nào đó được không? Đang lên cơn thèm một ly café “Brulot”.

Đoàn xe giấy đã đi khỏi, thiên hạ kéo nhau nối đuôi theo sau. Chúng tôi đứng đó như hai bia đá cắm trên ngôi mộ của Louis Amstrong và của Sidney Bechet, mà lời nhạc hình như vẫn mãi mãi trải đều theo thời gian.

- Mình đến quán Café du Monde đi. Jacob rủ. Hình như chỉ có chỗ này là mở trễ.

Tôi tán thành. Nhớ lại khi xưa, mỗi khi học thi trễ, chỉ có khu vực West Bank với tiệm Café Ridleys chớp ánh đèn màu néon của thập niên 60 đề chữ Expresso ngay cửa kính. Tôi với hắn không hẹn chỉ cần nhìn nhau là xách giò chạy một mạch vào đó. Cũng nhờ dưới hầm chơi “Stand up comedy” nên tiệm này là tiệm cuối cùng của khu vực đại học đóng cửa sau cùng. Bên Mỹ đâu phải Việt Nam hay Paris, đâu có người rảnh rỗi la cà uống café buổi tối. Bọn Mỹ cái gì cũng kiêng với cữ, caffeine vào tối ngủ không được, sáng làm sao dậy sớm đi làm? Caffeine để tỉnh người, caffeine không phải để thức trắng đêm trò chuyện rồi ngày mai kéo lê thân xác thiếu ngủ vào sở. Nhưng đây là New Orleans, một thời thuộc về Tây. Nước Pháp thiếu tiền nên Napoléon bán lại cho dân Mỹ với giá mười lăm triệu cộng thêm vào đó văn hóa Tây, để sau này mới có những giờ phút thức trắng đêm ăn chơi. Tôi thầm cám ơn cái văn hóa còn sót lại để bây giờ tôi và hắn có dịp ngồi thưởng thức ly café nóng về đêm.

Jacob cầm tay tôi hỏi.

- Nghe đâu mày li dị.

- Mừng cho tao đi. Tôi ngước mặt nhìn.

Một nụ cười thông cảm trên môi hắn. Khi xưa mỗi khi có chuyện buồn tôi vẫn hay đến tìm hắn. Giờ hình như tôi cũng có nỗi niềm riêng.

- Vì sao? Vẫn giọng nói nhẹ nhàng làm người nghe dễ tâm sự.

- Thằng chồng cũ tao vẫn còn quyến luyến tình mẫu tử. Tao cứ tưởng lấy chồng cùng một văn hóa dễ hiểu nhau. Ai cũng bảo vậy. Tôi kể lể. Ở đời có nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tao lấy chồng đâm ra lấy luôn cả mẹ hắn.

- Thì mẹ chồng nàng dâu. Văn hóa của mày qua đây vẫn còn giữ được là hay. Tụi tao đến tuổi trưởng thành ông bà già tống cổ ra khỏi nhà, nên khi già họ vào viện dưỡng lão nằm, không đòi hỏi con cái phải trông nom. Jacob nháy mắt làm tôi vui.

- Nhưng ở đời có mẹ chồng nào tán thành việc con trai mình ngủ với con khác sau lưng vợ bao giờ đâu.

- Thì bây giờ có mẹ chồng mày đó!

- Mày đừng quên tao đã li dị. Tôi nức nẻ cười đến chảy cả nước mắt.

- Cũng tại mày bỏ đi. Tôi buộc miệng trách hắn.

Dạo nọ Jacob bỗng dưng rời bỏ tiểu bang. Một ngày mưa gió chả đẹp đẽ gì tự nhiên biệt tăm không nói được đến một câu giã từ. Hình như lúc đó tôi có khóc, và hình như lúc đó tôi có giận.

- Lúc đó tao giận mày kinh khủng.

- Tao biết.

- Tại sao mày bỏ đi không nói một tiếng với tao. Dẫu sao tao với mày cũng…

- Có những chuyện không nói ra được nên tao phải đi. Nghĩ lại thấy có lỗi với mày. Jacob cắt ngang câu nói của tôi để phân trần.

- Đáng ra tao phải tâm sự với mày vì mày là đứa hiểu tao nhất. Nhưng lúc đó vì áp lực của gia đình mà tao cũng không biết mày có thông cảm để mà hiểu nỗi khó khăn tao phải đương đầu với. Chỉ có thời gian may ra con người cởi mở và dễ chấp nhận hơn.

- Tao vẫn không hiểu. Tôi uống ngụm café nhìn hắn chờ đợi. Cái chờ đợi của những dấu hỏi vần trong đầu một cách chậm chạp.

- Tao yêu một người nhưng gia đình không chấp nhận.

Tim tôi đập mạnh. Yêu thì có gì lại không chấp nhận? Màu da, tuổi tác hay văn hóa? Xã hội Mỹ này, dễ dàng mở rộng tay chào đón mọi giống dân từ xa tới nhưng đôi khi lại quá khắt khe một cách vô ý thức. Nước Mỹ không cấm cản sự kỳ thị nhưng lại lên án những phụ nữ mặc quần áo tắm hở hang.

- Có gì mà gia đình mày không chịu hiểu và mày cũng không thể nào nói cho tao biết. Tôi hỏi giục hắn.

- Vì người tao yêu cùng một giống với tao.

- Hả? Tôi hình như nghe không rõ hay muốn những gì mình mới nghe là một sự lầm lẫn.

- Tao muốn nói tao đồng tính luyến ái. Jacob nói nhỏ tôi đủ nghe.

- Không thể nào được! Trong một phút xúc động mạnh tôi hét lớn.

- Đó là sự thật. Hồi đó tao yêu hắn nhưng gia đình tao, mày hiểu gia đình tao chứ gì?

Đúng vậy, dân Viking khi đứa con ra đời, người cha đi tới trước mặt đứa trẻ sơ sinh, cầm thanh kiếm ném xuống đất tuyên bố: “Ta sẽ không bao giờ cho ngươi hưởng bất cứ một thứ gì. Ngươi chỉ được hưởng những gì chiếm được từ món vũ khí này”. Một dân tộc tự hào như vậy, một dân tộc có truyền thống chia gia tài ra làm ba phần. Một phần cho gia đình, một phần giữ riêng, và một phần còn lại thuộc về Nabidh (một thứ rượu đặc biệt dùng để uống trước khi lìa xa cõi đời, ngày mà nàng hầu bị giết và hỏa táng theo chủ) làm sao chấp nhận có một đứa con không thích gần gũi đàn bà.

Tôi thấy nghẹn ở cuống họng. Tại sao? Những câu hỏi tại sao như vây quanh không một câu trả lời.

- Có lẽ mày là người không có lối nhìn phán xét, chỉ tiếc dạo đó…

- Tao không muốn nghe! Tôi lắc đầu.

Lúc này hình như hắn xa hẳn, cái nhìn cũng đã là xa lạ. Một tội lỗi. Đúng rồi một cái tội không thể chấp nhận được. Hắn là tên tội phạm không cần phải xét xử. Cho hắn vô tù, nhốt hắn lại. Không được nói. Hai mươi lăm cents không cho gọi luật sư.

- Mày phải nghe tao Mimi ạ! Jacob cầm vai tôi lắc mạnh.

- Tình yêu, tình yêu, mày hiểu không? Chính mày chẳng bảo rằng tình yêu không kỳ thị màu da, văn hóa và phong tục. Những thứ đó chỉ là những danh từ dùng để biện minh cho sự lầm lẫn của con người.

Tôi lặng nghe hắn nói. Một nỗi lạc lõng cô đơn của kẻ đang nghe? Hay lời tâm sự của những người đang bị xã hội ruồng bỏ? Một dân tộc đang chờ cánh cửa thông cảm hé mở của nhân loại. Hình như cái gì cũng cần thời gian. Tôi thọc tay vào túi lấy tiền. Tay đụng phải bao condom. “Don’t leave home without it”. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội dùng vào đêm nay.

- Thôi mình đi.

./.

VQNh., San José, 1992

Trần Vũ đánh máy tháng 5-2019, từ bản in Hợp Lưu số 4 phát hành tháng 4-1992, trang 106 đến 114.