Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 157): Nhược Thủy – Phiến diện

clip_image002Nhược Thủy tên thật Hồ Thị Phương Anh, sinh năm 1967 tại Sài Gòn, lớn lên tại Paris trước khi sang định cư ở Sydney, Úc châu. Bút hiệu khác Y Chi, Miên Viễn. Từng là người viết trẻ của Làng Văn, Độc Lập, Măng Non và có truyện đăng trên Văn Học, Hợp Lưu. Tác phẩm đã xuất bản: Tập truyện ngắn Chân Trần, Nxb Văn Nghệ 1998.

Trên tạp chí Văn Học số 45 tháng 11-1989, chuyên đề Những Cây Bút Trẻ ở Pháp, chủ bút Hoàng Khởi Phong giới thiệu: “Truyện ngắn Dòng Sông Sa Mạc viết một khía cạnh tâm tư phô diễn qua tiếng dương cầm. Nhược Thủy có bút pháp lãng mạn phảng phất nét tuổi ngọc của thời mới lớn, nhưng đã bắt đầu trưởng thành bước vào thế giới phức tạp của người lớn, nhưng vẫn giữ được nét riêng biệt của mình.” Đến Phiến Diện, tác giả chứng minh cô là một styliste, văn trong vắt và thủy tinh. (Trần Vũ)

----------

Miền núi, làng phố tuyệt vời. Tôi với đôi giày tuyết cồng kềnh, bước đi từng bước chậm trên con đường dẫn lên phố chính. Nền đất trơn tuột dưới chân, tôi leo lên thận trọng trên lề đường tuyết phủ dày kín. Trời nắng chói chang, gió thổi qua rất nhẹ nhưng lạnh cắt. Khăn choàng phủ kín gần nửa khuôn mặt, tôi lắng nghe da thịt mình buốt xót trong khi lạnh. Ở trước mặt không có người, và sau lưng cũng là con đường vắng. Làng phố nơi đây thưa thớt khách du lịch, và người dân trầm mặc với một cuộc sống bình dị vô cùng. Tôi đã bắt đầu quen với nơi chốn này, đã bắt đầu thuộc hết những con đường lớn, đường nhỏ. Những triền tuyết trắng và những căn nhà mái lợp đặc biệt. Bầu không khí như mở rộng ra, núi cao mây dày, rất gần mà cũng rất xa vì màu tuyết trắng xóa và màn sương phủ mịt mờ. Tôi đút sâu hai tay vào túi. Đã bước đến khu phố quen, mấy cửa hiệu nho nhỏ, mấy dãy nhà dựng san sát. Tôi rẽ qua con đường phía tay phải, và đẩy cửa bước vào quán nước duy nhất nơi đây.

Hơi nước phủ mịt mấy tấm cửa bằng kính trong. Tôi bước vào và chọn một chỗ ngồi ở phía trái, luôn luôn ở phía trái, tôi không hiểu tại sao. Bà chủ tiệm đứng sau quầy lau mấy ly nước, mỉm cười gật đầu chào, nhưng không bước ra tiếp khách ngay. Nhịp sống ở đây thong thả, chậm rãi. Tôi không vội, đốt vu vơ một điếu thuốc.

Một người con gái - cũng có thể là một đứa con nít còn rất trẻ, nhưng tôi nghĩ có lẽ gọi là một cô gái thì đúng hơn - ngồi ở tận gốc phòng, đưa mắt nhìn tôi chăm chú. Khi tôi ngẩng lên và bắt gặp đôi mắt của cô gái đó, đột nhiên lạnh người. Cho một nỗi gì không hiểu rõ. Tôi đổi tầm nhìn về hướng khác. Nhìn ra bên ngoài cánh cửa. Con đường buổi sáng thưa thớt, phố xá đìu hiu không còn nếp nhộn nhịp, xô bồ của những thành phố lớn. Tôi nghĩ mình có thể mãi mãi từ bỏ những thành phố lớn để về sống với nơi chốn này; cuộc sống đô thị luôn tạo những nếp nhăn và những lo âu muộn phiền hoàn toàn vô lý. Quay theo những vòng quay để rồi không còn biết được mình là ai, ở đâu, thật vô cùng ngu xuẩn. Vậy mà rồi tôi vẫn phải tiếp tục ngu xuẩn, vẫn tiếp tục nhọc nhằn với cuộc sống tự tôi không chọn lựa. Tôi gạt tàn thuốc xuống dĩa thủy tinh nhỏ đặt trên mặt bàn. Một năm, tôi có được vài ngày hít thở cuộc sống, nhẩn nha nhâm nhi thời gian, trở về sống với chính mình. Là hạnh phúc hay là chuyện bình thường, tự tôi không bao giờ đặt thành câu hỏi.

Người đàn bà chủ quán bước đến bàn tôi. Với nụ cười hơi ngây ngô nhưng cởi mở chân thật, bà ta mở lời chào khách. Tôi khơi mẩu đối thoại bằng câu chuyện thời tiết, người đàn bà trước mặt hăng hái tiếp theo bằng hàng loạt chuyện kể lể không đâu. Khi người đàn bà quay lưng bước trở về quầy, thì tôi vừa bắt gặp trở lại đôi mắt của người con gái cuối phòng. Tôi ngạc nhiên, lần này để ý kỹ hơn. Không vui, không buồn, không già, không trẻ. Một tay này cất dưới mặt bàn, có thể là đang đặt trên chân, một tay lơ đễnh cầm ly nước ngọt. Tôi ngạc nhiên nhìn ly nước. Những bọt ga li ti còn nổi lên, bám quanh mấy viên nước đá. Tôi chợt rùng mình ớn lạnh. Xoa hai tay vào nhau, tôi ngoẹo cổ nhìn người con gái, mỉm một nụ cười. Người con gái cũng ngoẹo cổ nhìn tôi. Ngộ nghĩnh.

Bà chủ quán bưng ra tách cà phê đen. Hơi nóng bốc lên nghi ngút xua đi thoáng ớn lạnh bởi ly nước đá bạc hà. Tôi đưa muỗng khuấy nhẹ cho hơi nóng thoát lên nhiều hơn. Say sưa với làn khói mỏng, trong giây phút, tôi quên bẳng đi sự hiện diện của người con gái ở góc phòng. Khi hạ muỗng xuống và nâng tách cà phê ngước lên, tôi giật nảy mình. Cà phê sóng sánh đổ ra tay. Người con gái không còn ngồi ở góc phòng mà đang ngoẹo cổ nhìn tôi ngay trên chiếc ghế trước mặt. Tôi vừa rút một chiếc khăn giấy lau vết cà phê đổ, vừa nhìn người con gái, ngạc nhiên:

- Chào cô.

Người con gái rụt rè cười. Ly diabolo bạc hà vẫn cầm theo tay.

- Mùa đông uống cái này cô không thấy lạnh sao?

Người con gái rụt rè lắc đầu. Vẻ rụt rè của người con gái tạo thành chút gì quá mâu thuẫn khiến tôi hơi bối rối. Tôi nâng tách cà phê lên môi. Rồi đặt xuống im lặng.

Người con gái cũng nâng ly bạc hà lên môi. Màu môi của người con gái không đỏ, không tái. Làn da nửa như xanh, nửa như hồng. Tôi chăm chú nhìn và tưởng chừng trong giây phút, bị cuốn hút trong đôi mắt nhìn của người con gái. Tôi kéo ánh mắt mình lại và quay về phía bà chủ quán, như cố bám víu hay chờ đợi một điều gì đó, nhưng bà ta vẫn thản nhiên đứng lau ly tách. Bắt gặp đôi mắt tôi, bà cười ngây ngô. Tôi thất vọng cúi đầu châm điếu thuốc:

- Cô không phải người ở đây.

Người con gái lắc đầu.

- Cô là khách du lịch, nghỉ lễ mùa đông ở đây, phải không?

Người con gái lại lắc đầu. Tôi nhún vai, quyết định sẽ không hỏi gì thêm mà chỉ hút cho trọn điếu thuốc vừa châm.

- Diabolo.

Người con gái đột ngột lên tiếng. Tôi nhíu mày:

- Cô nói chi?

Người con gái đưa tay trỏ ly nước của mình và nói bằng giọng nói gần như là reo vui:

- Diabolo.

Tôi chợt thấy buồn cười:

- Ừ, diabolo. Sirop bạc hà pha với limonade. Ngon lắm nhưng mùa này uống vào tôi sợ hơi lạnh, cô không nghĩ vậy sao?

Người con gái cầm ly nước, lắc đầu. Cô ta xoay nhẹ ly nước trong tay như chơi giỡn với những chấm bọt li ti. Khuôn mặt trong sáng dị thường.

- Diabolo. Diable.

- Cô nói chi?

- Chữ Diabolo là từ chữ Diable mà ra.

- Không phải đâu. Diabolo dường như là một tên lấy từ màu sắc hóa học, tôi không rõ lắm, nhưng chắc không phải từ chữ Diable ra đâu, cô lầm rồi đó.

Người con gái nguầy nguậy lắc đầu:

- Diable, quỷ. Diabolo, con quỷ nhỏ. Nước này là nước uống quỷ con.

Tôi bắt đầu thấy người con gái có duyên. Cách nói chuyện hơi lẩn thẩn, nhưng vô cùng dễ thương. Tôi ngả người tựa ra sau thành ghế, vui vẻ nhả khói thuốc:

- Cô ở gần đây không?

Người con gái ngước lên nhìn tôi, rồi lại cúi xuống, mỉm cười:

- Lúc trước thì gần. Nhưng bây giờ thì hết rồi.

Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Nhưng người con gái lại vẫn nói thêm:

- Bây giờ thì không ở đâu nữa hết.

Tôi nhíu mắt nghiêng đầu nhìn người con gái, tỏ vẻ không tin. Và cô bé cũng nhíu mắt ngoẹo đầu nhìn tôi. Biến mất nụ cười.

Tôi nghĩ tôi có thể gọi cô ta là cô bé. Dưới chiếc mũ bằng len là mái tóc nâu đen cắt tỉa. Tua tủa trông ngổ ngáo, nhưng cũng thật là hiền lành. Tôi có trăm ngàn cơ hội để nhìn ngắm cô bé kỹ hơn, nhưng khi vừa đưa mắt nhìn về hướng khác, tức thì khuôn mặt ghi trong ký ức tan loãng ra và biến đi như một cụm khói. Vì thế tôi có thể nhìn ngắm trở lại nhiều lần, rất nhiều lần, mà không thấy dư thừa. Tôi dẫn cô bé về khách sạn nơi tôi ở. Lý ra tôi phải vô cùng xấu hổ với sự việc xảy ra đó, nhưng tôi chẳng xấu hổ, mà thậm chí cũng không hề thấy thoáng hiện chút băn khoăn thắc mắc nào. Từ quán nước trở ra, tôi đi về khách sạn. Người con gái lẽo đẽo bước theo và tôi thấy đó như một chuyện đương nhiên. Cô bé không nói nhiều. Tôi cũng không thấy lời nói là cần thiết. Mở cánh cửa phòng, tôi chỉ cho cô bé tầm nhìn qua cửa sổ. Nhưng cô bé đứng yên, cười và lắc đầu. Từ mấy tiếng đồng hồ nay, tôi không bao giờ hiểu hết rõ ràng mấy cái gật đầu lắc đầu lung tung của cô bé, cùng những cử chỉ đôi khi khó hiểu. Hoặc là hoàn toàn không mang một ý nghĩa nào cả, làm sao mà biết được. Cô bé bước vào phòng và ngồi bên mé chiếc giường đơn. Ngay lúc đó tôi mới ngạc nhiên và thấy ra là cô bé theo tôi với hai bàn tay không. Hai bàn tay không, và chiếc áo lạnh trên người vô cùng mỏng manh, như một chiếc áo khoác mùa thu ở thành phố. Tôi thầm phục cho sức khỏe của những người con gái miền núi. Chợt nhớ ra điều gì, tôi lật đật mở tủ, khuấy một ly nước lạnh, trao cho người con gái. Đúng như tôi chờ đợi, nàng đón lấy ly nước cầm lắc nhẹ trong tay. Trên môi nở đẹp một nụ cười.

Vừa lúc đó, tôi nghĩ đến chuyện xuống nhà dưới để hỏi đổi lấy một căn phòng lớn hơn, nhưng ý nghĩ chỉ thoáng qua chứ không ở lại, tôi quên đi nhanh chóng và dễ dàng. Đôi mắt cô bé lại nhìn tôi. Tôi không biết có chút ngây thơ nào trong ánh mắt đó không. Tôi cởi cho nàng chiếc áo khoác, và nàng ngoan ngoãn ngồi đợi tôi trên mép giường. Cảm giác nàng có thể bốc thành khói khiến tôi chợt ngại ngùng. Nàng ngửa cổ uống cạn ly nước đá lạnh, và tôi thấy má nàng hơi ửng hồng như vừa uống cạn một ly rượu. Tôi bật cười với những phản ứng hoàn toàn ngược đời của người con gái. Tiếng cười của tôi làm cô bé giật mình. Nàng ngơ ngác trong giây lát, rồi rụt rè cười theo. Quỳ xuống bên cạnh giường, tôi thận trọng cởi mấy khuy nút của chiếc áo vải lụa mỏng trên người nàng. Tấm thân người con gái mở ra mong manh làm tôi chợt hoảng hốt. Ý nghĩ da thịt không phải là thịt da mà trong suốt như thủy tinh, mịn màng như màu ngọc trai, sáng mờ, trắng bạc, ở lại trong tâm tưởng tôi. Cảm tưởng tôi có thể làm cô bé đau, hay làm nàng vỡ tan thành nhiều mảnh chợt hiện ra, tôi ngơ ngác ngại ngùng. Tôi đón chiếc ly trên tay người con gái, rồi im lặng đứng lên, đi về hướng phòng tắm thận trọng tráng rửa. Tâm thần ngưng đọng trên những vùng tư tưởng kỳ lạ. Người con gái dõi mắt theo từng cử chỉ của tôi. Đôi mắt mở lớn với một nỗi dị kỳ làm tôi càng thêm mông lung. Tôi mở tủ tìm một tấm khăn màu đỏ, rồi quyết định tự cắt lìa mình với mọi ý tưởng. Tôi trở lại cúi đầu, nhắm mắt. Hòa tan biến mất vào một vùng thịt xương mát lạnh.

Người con gái mân mê tấm khăn trong tay. Hơi nhàu nhưng vẫn sạch nguyên. Tôi nhìn chăm chú màu đỏ rượu chát của tấm khăn, chợt ớn lạnh với nỗi buồn lùa về bất ngờ. Hai bàn tay người con gái trắng muốt nổi bật, mấy ngón tay thật thon như tranh vẽ đang tinh nghịch đùa giỡn với những ren chỉ ở viền khăn. Tôi chồm người lượm hộp diêm quẹt rơi dưới mặt đất, mở ra bẻ một chiếc, quẹt vu vơ lên thành giường. Đầu diêm lóe sáng. Mùi diêm sinh thơm nồng, khuấy động những mạch trầm của hương vị cuộc yêu thương vừa đang lắng xuống. Tôi thở một hơi dài, thật sâu:

- Cô nhỏ ơi, cô nhỏ tên gì vậy?

Tôi ngẩng đầu ngạc nhiên với chính mình. Tại sao điều quan trọng như vậy mà đến bây giờ tôi mới thắc mắc? Người con gái đưa ngón tay búng nhè nhẹ mép khăn, cắn môi cười:

- Người ta gọi em là Mindy.

- Nhà em ở đâu?

- Ở đây mà, phải không?

Tôi chúi đầu xuống mặt nệm, cười vu vơ. Tôi đã từng sống ở nhiều nơi chốn, bao nhiêu năm trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ tôi trải qua những giờ phút như tôi vừa trải qua với cô bé. Tôi quay đầu lại nhìn thêm một lần nữa khuôn mặt trong sáng của người con gái, rồi nằm trở lại xuống mặt giường. Thịt da non nớt mát rượi. Tôi nghĩ nàng có thể còn là trẻ con và nàng có thể giận tôi. Nhưng nàng không phải trẻ con, và nàng không giận tôi. Tôi nhắm mắt, nghe còn chảy tràn trên thân thể cảm giác mát lạnh của da thịt. Tuy ngọt ngào và êm dịu, nhưng cũng là một vùng buốt lạnh, không chút khí ấm. Tôi ngả nghiêng người, thả tay gác ra khỏi mặt giường. Và tôi nhìn nàng. Khoảng cách thu ngắn lại. Đôi mắt thủy tinh xanh ngước tròn nhìn tôi. Không còn là người con gái xa lạ ngồi ở cuối phòng trong quán nước với ly bạc hà xanh, mà là ly bạc hà cho tôi, trong tôi. Tiếng nước đá lạnh còn khua chạm vào nhau, reo vui những nhịp trong. Tôi nghe rợn người với ý tưởng đó. Tung mình ngồi bật dậy, tôi thúc cô bé mặc lại áo quần và rối rít gọi nàng bước ra khỏi phòng. Đột nhiên tôi muốn dẫn nàng ra phố, đi đến bất kỳ nơi chốn nào. Bất kỳ. Người con gái vụng về luống cuống bước theo tôi. Tuyết lại lất phất rơi phía bên ngoài. Tôi bước ra khỏi căn nhà và nhìn mấy cụm tuyết trắng đậu nhẹ nhàng trên tóc nàng, bất chợt, thấy con phố nhỏ nơi đây như chợt rộng ra bất tận, và một tuần ở lại với nơi chốn này có thể sẽ là thiên thu, là vạn kiếp.

Nhưng vào buổi sáng thứ hai khi thức dậy, mọi ý tưởng lãng mạn của trọn vẹn ngày hôm trước chợt biến mất. Tôi nghĩ là tôi chỉ đang giản dị sống một cuộc ngoại tình. Hoặc một giấc mơ nào đó kỳ lạ, chỉ đánh lừa mình được trong khoảnh khắc bất ngờ chứ không làm sao có thể kéo dài. Tôi mở mắt dậy và sống với ý nghĩ đó trong vài phút đồng hồ. Dự tính về những gì sẽ nói với cô bé hiện ra rõ ràng mạch lạc.

Nhưng tôi bỗng bối rối và mất hết tự tin khi quay đầu sang bên cạnh, bắt gặp đôi mắt người con gái đang mở lớn nhìn mình.

- Mindy ngủ ngon không? Tôi ngập ngừng hỏi.

- Mindy không ngủ. Cô nhỏ trả lời.

- Ở đây lạ chỗ, em khó ngủ à?

Cô bé lắc đầu. Em không bao giờ ngủ, cô bé trả lời như vậy, nhưng tôi không tin. Tôi nằm nghiêng chống đầu lên một tay, trầm ngâm nhìn cô bé. Thật ra, tôi chẳng thấy gì. Tôi chỉ cố gắng rượt đuổi những ý tưởng đang thoát ra khỏi đầu. Nhưng không kịp. Đầu óc càng lúc như càng rộng ra, hoàn toàn trống rỗng.

- Em tên gì?

- Mindy.

Tôi lắc đầu:

- Không. Tôi muốn hỏi em tên Mindy gì? Nguyên tên và họ của em đó, tôi muốn biết.

- Mindy thôi. Người ta gọi em là Mindy, không Mindy gì cả. Mindy. Mindy.

Tôi kiên nhẫn:

- Thế cha mẹ của Mindy, người ta gọi là gì?

- Em không có mẹ. Còn cha, em nghe người ta gọi là Pinelli.

Tôi suy nghĩ giây lát, rồi vui vẻ kết luận:

- Vậy thì em là Mindy Pinelli.

Cô bé lắc đầu:

- Em không biết.

- Thế nhà em ở đâu?

Tôi lại hỏi. Nhưng lần này, Mindy không trả lời mà chỉ cười. Tôi đưa ngón tay vuốt theo đường cong của gò má người con gái. Làn da mịn óng cứ khiến tôi liên tưởng đến màu ngọc trai. Những viên ngọc của biển sâu quý giá, không phải thứ ngọc trồng cấy hàng ngàn triệu trong hồ. Tôi nói lên ý tưởng đó cho cô bé nghe. Cô bé chớp mắt:

- Em có quen một chú sò trai. Câu chuyện của ngọc trai, buồn lắm, anh muốn Mindy kể không?

Tôi thú vị gật đầu.

- Hạt cát. Phải vậy không? Bắt đầu là một hạt cát của lòng biển. Anh biết những hạt cát không? Không hiền, không dữ. Nhưng những chú sò trai thì sợ hãi vô cùng những hạt cát. Cát thì có đầy, có nhiều lắm, va chạm mỗi ngày đó thôi. Nhưng, nó bảo, điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để cát lọt vào phía bên trong. Cát lọt vào trong, em đã được nghe kể, cát không bao giờ trở ra, không bao giờ biến mất, cát cứ ở đó hoài. Mà cát thì vẫn là cát và sò thì vẫn là sò. Anh có biết những con sò không? Em có quen một chú sò sống rất lâu năm. Nhả tinh hoa bọc hạt cát để khỏi phải đau. Viên ngọc bự bằng này rồi. Cha ngắm hoài, nhưng không muốn lấy ra. Em không dám trái ý cha. Viên ngọc làm đau đớn, nó khóc hoài. Trông thương lắm. Quý cho ai, đẹp cho ai, phần nó, chỉ đau đớn thôi chứ đâu hưởng được gì. Cứ phải chịu đựng hoài hoài, hoài hoài…

Hai bàn tay cô bé mỗi lúc mỗi thêm nhiều cử chỉ, đôi mắt càng lúc càng lạc đi. Tôi ngạc nhiên cho tài kể chuyện của cô bé. Trong giây phút, tôi có thể tin câu chuyện nàng kể là chuyện thật, rằng nàng quả đã từng ngồi trò chuyện với những con sò. Tôi đưa tay vuốt tóc cô bé, và mỉm cười:

- Bây giờ chú sò bạn em đâu rồi?

Đôi mắt lạc đi chợt mất hút giữa trùng không:

- Chết rồi.

Tôi nghe điện chạy dài trong sống lưng. Không phải cho điều vừa nghe, mà vì thái độ của cô bé:

- Sao?

- Chết rồi.

Cô bé thở hắt ra từng ngụm không khí:

- Anh biết tại sao nó chết không?

Tôi lắc đầu. Cô bé chớp mắt:

- Tại hạt cát.

Tôi im lặng. Cô bé nói như kể lể:

- Tại hạt cát. Lớn nhanh quá, nó lớn theo không kịp. Lớn theo không kịp, vỡ tim mà chết.

Tôi bật cười. Muốn lấy tiếng cười để ngăn dứt nét trầm trọng bất thường của câu chuyện kể. Nhưng cô bé nhìn tôi, nhăn nhó:

- Anh đừng cười. Anh có biết chú sò chết rồi, viên ngọc thành cái gì, anh biết không?

Giọng nói như gay gắt chất vấn. Tôi mất hết kiên nhẫn, bực bội lắc đầu.

- Chết theo. Dĩ nhiên là viên ngọc chết theo. Viên ngọc đâu có là gì, chỉ hạt cát vậy thôi. Dĩ nhiên là chết theo. Đục ngầu như bất cứ một hòn đá tầm thường nào khác. Chú sò có nói với em, nếu người ta lấy ngọc, nó cũng chết. Không lấy, nó cũng chết. Hạt cát chỉ là tai họa. Nó dặn em, nhớ coi chừng những hạt cát. Anh biết không. Coi chừng những hạt cát.

Người con gái xúc động đến cực độ. Tôi bối rối, vụng về bất chợt. Tôi không biết làm gì hơn là kéo cô bé lại và ôm sát vào lòng, đưa đẩy, vỗ về. Tôi không nói gì vì tôi không biết nói gì. Người con gái còn run rẩy trong cơn xúc động thêm rất lâu. Rồi dần dà êm lắng trở lại. Tôi tưởng nàng đã quên câu chuyện con sò. Nhưng nàng lại nhỏ nhẹ cất tiếng:

- Coi chừng những hạt cát. Coi chừng những hạt cát. Anh không quen những con sò, không hiểu được đâu.

Tôi vỗ lưng cô bé nhè nhẹ, đều đặn. Nàng rúc đầu vào lồng ngực của tôi. Giọng nói càng lúc càng nhỏ hơn, nhưng tôi vẫn nghe rất rõ:

- Tại anh, em nuốt vào từng bụm cát. Từng bụm cát. Anh không hiểu được đâu. Pinelli không hài lòng. Nhưng em cũng mặc kệ. Từng bụm cát, anh biết không, từng bụm cát, em nuốt hết…

Tôi không muốn cô bé nói nhiều hơn những lời mê sảng. Tôi cúi xuống và hôn lên môi cô bé, muốn dẫn cô bé quên đi những điều không ổn đã xảy ra mà tôi không thể hiểu, tôi không thể thấy. Tôi cúi xuống và đánh thức hai bờ vai màu ngọc trai, tôi cúi xuống và đánh thức từng vùng da thịt mát lạnh. Tôi êm ái đẩy cô bé về lăn trên những triền thân thể tôi, tôi muốn quét sạch hết những hạt cát, cho cô bé lại trong suốt như viên nước đá trong ly bạc hà. Người con gái không nói nữa. Đôi mắt mở nhìn tôi và ánh dịu dàng trở về. Mười ngón tay tôi đan vào những bàn tay, bàn chân của nàng. Nụ cười cô bé nở ra ngọt lành. Tôi nhắm mắt và bắt đầu cho phép mình tự do trôi theo triền nước ấm khi biết chắc là nàng sẽ không bỏ rơi tôi lại giữa con đường. Tôi biết tôi đã không còn là tôi, và tôi biết cô bé còn là cô bé. Những hạt cát, nếu có, sẽ không làm trầy trụa vùng xương thịt này. Tôi nhắm mắt và chấp nhận buông rơi tất cả, chỉ nắm lại đôi bàn tay của nàng. Vào giây phút đó, tôi mới bắt đầu thật sự tin là mình không đang mơ ngủ hay lãng mạn một cách quá đáng. Thịt da của tôi, thịt da của nàng, tâm hồn của nàng, tâm hồn của tôi. Gặp nhau ở đây hay ở một nơi chốn nào đó không hay biết… Hãy đừng nói đến yêu thương, vì tôi hiểu yêu thương chỉ là những điều hạn hẹp trong vùng cảm giác mênh mông không bờ bến này.

Thật sự tôi chưa bao giờ ngờ rằng thể xác lại có thể sống dậy tự mình nó như hiện thời nó đang sống đây. Đối với tôi, thể xác luôn là một cái gì mang theo, sống với, thuộc về. Tôi chấp nhận thể xác tôi, và nó theo tôi, quy thuận, không biết đòi hỏi. Nhưng bây giờ, có gì đang dần dà thay đổi. Tôi thức dậy vào buổi sáng thứ ba, và - tựa như kẻ loạn trí - tôi mỉm cười cất lời chào cánh tay của mình. Cô bé vẫn mở tròn đôi mắt nhìn tôi. Và tôi lại mỉm cười, cất lời chào trọn vẹn tấm thân của cô nhỏ. Hôm nay ngày thứ ba, Mindy vẫn lẽo đẽo theo tôi như con mèo con đi lạc, tôi muốn chắp tay hạnh phúc chào nàng. Đôi lúc tôi có cảm tưởng như đồng thời với thân xác tôi, da thịt nàng cũng dần dà thức dậy. Sinh khí và sinh lực. Hơi ấm thoát ra từ tôi, và chảy về nàng. Ngày đầu tiên trải tấm khăn màu rượu chát, tôi đã có cảm tưởng là tấm thân nàng không có máu huyết. Lạnh như loài côn trùng máu lạnh. Đôi mắt mở không hề biết nhắm, có những giây phút nhìn tôi như xuyên qua không khí, ánh mắt mất hút giữa khoảng không. Tôi từ lúc đó như một đứa trẻ cầm hạt mầm vùi xuống đất ẩm, miệt mài và sung sướng chờ đợi. Hạt sẽ nảy mầm, sẽ trổ chồi non, sẽ lên lá xanh và rồi sẽ thành hoa, kết trái. Tôi kiêu hãnh ngắm nhìn mầm cây thần kỳ của tôi đang sống lên từng giờ, từng phút. Mindy thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi li chi không thấy rõ, không chắc chắn, nhưng tôi biết nàng đang sống dậy cùng tôi. Và buổi trưa của ngày thứ tư tôi đã chết lịm người khi nàng chợt gọi, thay vì ly nước quỷ con quen thuộc, một ly cà phê đen. Khói nóng bốc lên làm đôi má nàng tái xanh giây lát. Nàng bẽn lẽn mỉm cười. Những phản ứng ngược ngạo như cơ thể đãng trí lầm lẫn có lẽ cũng là một trong những nét duyên dáng của người con gái. Tôi im lặng nhìn ngắm. Cô bé nâng tách cà phê, nhắp trên môi, rồi chớp mắt suy nghĩ. Lần này má nàng không lầm lẫn nữa, ửng hồng thật sự. Cơn sốt của thể xác, cơn sốt của tâm hồn. Tôi chợt biết là mình sẽ không bao giờ còn tìm được lối về từ vùng ngày tháng hôm nay.

Tôi lúng túng trên tay chiếc đầu nặn bằng thạch cao quanh bóng đèn. Đã tạm khô. Và cọ. Và sơn. Miếng vải lụa mềm may làm áo tôi đã chuẩn bị xong xuôi, có kết thêm hai cái nút màu vàng phía trước để làm duyên. Tất cả coi như đã tạm hoàn tất. Chỉ còn chờ tôi sơn lại cái đầu. Tôi đã học được cách chế tạo loại con rối này từ một người bạn vào thuở còn học trường trung học. Tôi đã thử lượm hết tất cả các bóng đèn cháy ở nhà, và mỗi bóng đèn trở thành một con rối. Con cái, con đực, con già, con trẻ, treo lủng lẳng đầy phòng. Tôi say mê thích thú. Lâu lắm rồi tôi mới cầm lại cái bóng đèn để trét thạch cao, nắn lại con mắt, cái mũi, cái miệng. Bàn tay lâu năm mất hết tài khéo léo, trở nên thô cứng vụng về. Nhưng tôi vẫn nghĩ là tôi còn có thể làm được một cái đầu thật xinh. Đẹp hơn tất cả những con rối tôi đã từng làm trong thời xa xưa, biết đâu được. Tôi đưa cái đầu ra xa ngắm nghía, rồi kéo lại gần, tỉ mỉ sơn vẽ.

Bất chợt cô bé đẩy cửa bước vào. Tôi lúng túng cầm cả cái đầu còn dở dang giấu về phía sau lưng. Tôi tưởng là tôi có trọn vẹn một buổi chiều để hoàn tất món quà tặng cho cô bé ngạc nhiên chơi, không ngờ nàng lại về quá sớm. Cô bé đứng giữa phòng trợn mắt nhìn tôi:

- Anh làm gì đó?

Tôi ngập ngừng:

- Không biết.

Cô bé vẫn đứng yên. Như là chờ đợi. Tôi lúng túng với chính mình. Rốt cuộc, tôi đành phải đưa ra cái đầu chưa kịp vẽ xong. Khuôn mặt cô gái chợt tối sầm. Tôi tưởng vì chiếc đầu tách lìa có cái đuôi xoắn của bóng đèn phía dưới làm cô bé sợ. Tôi vội quay người, vẽ thật nhanh cho kịp hoàn tất trọn vẹn một khuôn mặt, rồi vội vã chùi tay, loay hoay ráp chiếc đầu vào phần dưới của thân hình đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi chưa bao giờ thực hiện một con rối nhanh như lúc này, và có lẽ cũng chưa bao giờ là được đẹp và đạt như vậy. Tôi mau mắn xoay người và khoe với cô bé công trình của mình. Nhưng tôi chợt khựng lại. Cô bé vẫn đứng nguyên ở vị trí cũ, khuôn mặt vẫn tái xanh, đôi mắt thất lạc, sợ hãi. Tôi đưa con rối lên cao, điều khiển hai thanh gỗ hình chữ thập, và con rối khua chân múa tay rất là vui vẻ. Nhưng cô bé vẫn không nhúc nhích. Tôi bắt đầu lấy làm lạ, đặt con rối xuống mặt bàn, lo lắng gọi:

- Mindy.

Người con gái giật mình. Nàng ngơ ngác lặp lại lời tôi như một tiếng vang:

- Mindy…

Tôi sợ hãi:

- Em bị gì vậy? Em làm sao vậy?

Người con gái không trả lời, mà cúi đầu thật sâu. Thật lâu. Rồi nàng ngẩng lên, khuôn mặt từ từ bình thường trở lại:

- Anh làm gì đó?

Tôi vẫn chưa thôi lo lắng:

- Một con rối. Tôi làm một con rối để tặng em làm kỷ niệm.

Môi cô bé mong manh một nụ cười. Khuôn mặt dịu dàng thắp ánh sáng:

- Kỷ niệm?

- Ừ, kỷ niệm. Kỷ niệm tôi gặp em nơi đây.

Cô bé tiến tới vài bước, rồi đứng từ phía xa, nàng chắp hai tay sau lưng, nhón người nhìn con rối đặt trên mặt bàn, cùng với những sơn cọ và vụn vải chưa kịp thu dọn. Đôi mắt mở lớn:

- Anh làm hả?

- Ừ, tôi làm. Em thích không?

Người con gái vẫn chắp tay sau lưng, nguầy nguậy lắc đầu:

- Anh làm hả?

Tôi bật cười:

- Ừ, tôi làm. Tại sao em hỏi vậy?

Người con gái vẫn lắc đầu, lắc nghiêng từ vai phải sang vai trái, lắc lư, lắc lư:

- Anh làm hả?

Lần này thì tôi ngỡ là cô bé đang trêu chọc tôi. Tôi nhấc bổng nàng lên và vất lên giường:

- Ừ, tôi làm. Tôi làm. Tôi làm. Em tưởng tôi vụng về lắm sao? Em có biết là khi còn đi học tôi luôn đứng đầu trong môn thủ công? Em có biết là hồi đó bao nhiêu cô bé đã chạy theo năn nỉ tôi làm cho một con rối nho nhỏ thôi, mà tôi làm cao lắm, tôi không bao giờ chấp thuận. Sao em không tin là tôi làm? Tôi làm để tặng em đó mà, em không tin sao?

Cô bé bật cười khanh khách, chồm người lên ôm sát đầu tôi vào giữa hai cánh tay. Tôi choáng váng trong giây lát. Có một cái gì đang vụt khỏi tầm nhận thức của tôi nhưng tôi không để ý. Tôi vùi đầu vào giữa hai cánh tay của cô nhỏ, hít đầy phổi mùi hương ngọt ngào. Và tôi muốn cô nhỏ cũng bay lên cùng lúc với tôi. Vì tôi biết là tôi đang bay. Tôi đang bay lên. Bay giữa những tầng không khí bềnh bồng. Tôi kéo cô bé lăn tròn, lăn tròn. Căn phòng chơi vơi quay ngược, quay xuôi, trời đất lẫn lộn. Hai bàn tay cô bé chới với bám riết vào tôi, như buông ra là rơi xuống, buông ra là biến mất, là không còn. Tôi siết chặt thêm vòng tay. Tôi mở hết năm, sáu, bảy, tám hay hàng chục giác quan của con người, mở hết, mở hết, mở ra và đón cô bé về. Giờ phút này tôi muốn tôi là như vậy đó và tôi đã thật sự là như vậy. Tôi chịu hết trọn vẹn tấm thân của người con gái trong tay mình, và bay lên, bay lên…

Chợt bàn chân tuột êm trên lớp chăn nệm, tôi đạp nhằm khoảng không, rơi xuống, hụt hẫng. Tiếng cười của cô bé vỡ dòn tan. Tôi ngơ ngác mở mắt nhìn lại xung quanh, thấy cả hai đang té ngồi dưới đất cạnh giường. Cô bé ôm bụng cười nghiêng ngửa. Tôi đỏ mặt xấu hổ trong giây lát, rồi cũng phì cười. Nhẹ ngả người tựa lên thành giường, hai tay thả lỏng trên đầu gối, tôi nhắm mắt và nhắp tiếp hương vị của cơn chóng mặt còn ở lại. Mindy vừa thôi cười. Nàng mon men đến cạnh bên và co tròn tấm thân mềm mại chui vào ngồi giữa lòng tôi. Tôi nhìn xuống, thấy qua mái tóc nâu là bờ vai với lớp áo vải lụa mỏng. Mong manh. Mong manh. Tôi đưa tay vuốt nhẹ lớp vai mong manh đó. Mindy im lặng. Có chút gì quá hiền lành và ngoan ngoãn trong cung cách của người con gái khiến tôi không ngừng chảy tan ra vì cảm động.

Mindy cựa mình. Nàng tuột xuống thấp hơn, và chắp tay kề má nằm tựa lên chân tôi. Cô bé chớp mắt:

- Con rối.

- Gì em?

Mindy ngửa cổ ngước mặt thật cao để nhìn tôi:

- Con rối. Anh có làm một con rối.

Tôi mỉm cười. Mindy lại nằm xuống, kề má lên đôi bàn tay chắp:

- Anh cũng làm rối. Làm những con rối. Giống như là Pinelli.

Tôi tò mò:

- Thật vậy sao? Cha em biết làm rối à?

- Cha biết làm. Cha làm khéo tay ghê lắm. Khéo hơn là người ở đây có thể ngờ.

Tôi hơi thất vọng:

- Vậy mà tôi lại bày đặt làm con rối để tặng em!

Cô bé lại ngước mắt, nhìn tôi như không kịp hiểu. Tôi kiên nhẫn giải thích:

- Em vừa nói ba em làm đồ chơi khéo tay lắm…

Cô bé vẫn ngơ ngác. Rồi bật miệng hỏi bất ngờ:

- Rối của anh có biết gì về những hạt cát không?

Bây giờ đến phiên tôi không hiểu kịp, nhưng tôi chỉ lặng lẽ lắc đầu. Tôi không muốn cô nhỏ nhắc nhiều về những hạt cát. Cô bé có vẻ như còn suy nghĩ rất lung, nhưng nàng không nói gì thêm nữa mà chỉ hạ đầu xuống, nằm yên ngoan ngoãn. Tôi nhẹ nhàng đỡ đầu cô bé dậy, rút chân ra và chồm người về hướng bàn. Đưa tay lượm lấy con rối, tôi trở lại quỳ trên đầu gối ngay trước mặt nàng. Điều khiển bằng hai thanh gỗ hình chữ thập, tôi cho con rối chắp tay, cúi đầu chào người con gái:

- Chào chị - Tôi nhái giọng lạ để giả lời con rối - em không xinh đẹp bằng chị và cũng không xinh đẹp bằng những con rối mà cha chị có thể làm cho chị, nhưng em biết chị sẽ không ghét bỏ em, em biết chị sẽ thương yêu em, tại vì - con rối bắt đầu tiến đến gần bên cô bé - em được tạo ra cho riêng chị, cho riêng một mình chị thôi…

Tôi cho con rối đi tới nhẹ nhàng. Tôi chờ đợi cô bé mở rộng vòng tay ra, ôm con rối vào. Nhưng cô bé chỉ ngồi yên, mở mắt nhìn chăm, bất động. Con rối đưa một tay lên, chạm nhẹ lên người nàng. Mindy bất chợt hét lên một tiếng kinh khiếp, nàng chụp lấy con rối ném mạnh về phía trước. Tôi ngơ ngác nhìn con rối bay lên, đâm đầu vỡ toang trên mặt tường. Hai thanh gỗ chéo rớt xuống, nhúm vải dị hình rớt theo, nằm thảm thương giữa đám vụn thạch cao và thủy tinh vỡ. Tôi quay lại. Mindy vẫn ngồi bên cạnh giường, run rẩy với đôi mắt mở lớn kinh hoàng. Tôi không dám tiếc cho con rối xinh đẹp. Tôi không có thì giờ moi móc đầu óc để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ vừa kịp bước đến và ôm cô bé vào giữa vòng tay. Nhẹ nhàng vỗ về xoa dịu, mặc dù tôi không biết mình xoa dịu những gì. Tôi nhắm mắt nghe chua xót vô cùng. Chút gì vuột khỏi tầm nhận thức của tôi đang trở về, trong hình dạng mù mờ đe dọa. Cô bé bớt run rẩy và ngước lên nói với tôi:

- Không được. Anh biết không? Nó ở đây không được. Nó không biết gì về những hạt cát hết, nhưng nó vẫn không thể ở đây được. Ba sẽ không hài lòng, em cũng không muốn anh nghĩ xấu về em…

Tôi lắc đầu, kéo đầu cô bé ép sát vào lòng mình và không cho cô bé nói nữa. Tôi ấp trong tay tấm thân nhỏ màu ngọc trai, nhưng đang ấp giữa lòng mình cả trời đất, cả vũ trụ. Tôi biết là tôi đang ngồi cheo leo giữa một vùng trời không lối thoát. Và tôi biết tôi cũng đang bám vào cô bé, như giờ phút này đây, cô bé đang bám víu vào tôi.

Tuyết của buổi sáng ngày thứ sáu phủ dày hơn mọi hôm. Đêm qua dường như có trận gió lớn thổi qua. Mấy triền dốc trắng xóa mịn màng không có dấu chân người mà chỉ là những gợn tuyết chồng lên nhau. Người con gái gọi tôi bước lên triền dốc soãi. Tiếng cười của cô bé nhỏ và trong, reo gợn lăn tăn như những nốt nhạc vui. Rừng thông xanh cao vút tuyết phủ từng cụm trắng. Tôi chỉ lên trời cao, và gọi cô bé:

- Em có thích trời ở đây không?

- Em chưa ra tới đây bao giờ, nhưng chắc là em thích. Chắc vậy, thích lắm.

Tôi mỉm cười. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa thật sự quen với lối nói chuyện lẩn thẩn của cô bé. Tôi chỉ hơi nghi ngờ là thật ra, nó chẳng lẩn thẩn tí nào cả. Nhưng tôi chẳng muốn suy nghĩ sâu xa. Tôi không muốn khiến mình băn khoăn, cũng không muốn làm cô nhỏ bối rối.

Tôi bước hụt một bước và té xuống nền tuyết mịn. Thở dốc ra mệt nhọc, tôi nhăn nhó cười:

- Có phải là em sinh ra ở triền núi này? Em leo tuyết giỏi quá.

Cô bé mon men bước lại gần tôi:

- Em sinh ra ở đây, nhưng em không quen đi tuyết đâu. Đi như vậy là giỏi lắm sao?

Tôi vuốt tóc cô bé:

- Giỏi lắm.

Cô bé dụi đầu và ngực tôi. Như con mèo đã quen hơi, hết sợ người lạ. Tôi ôm cô bé vào lòng. Và bất kể giờ giấc, bất kể nơi chốn, sinh lực tôi cứ cuồn cuộn thoát đi với ý tưởng điên cuồng muốn nhập vào thân cô nhỏ. Tôi bứt rứt:

- Tại sao em theo tôi? Tại sao tôi không muốn rời em? Tại sao lạ vậy, hả Mindy?

- Em không biết.

Tôi thở dài:

- Em có biết là tôi đã có gia đình và tôi không muốn vợ tôi buồn vì tôi?

- Tại sao vợ anh buồn vì anh?

- Vì tôi không chung thủy.

Cô bé cười rụt rè. Nét rụt rè của những ngày đầu, trở lại đôi khi, làm lòng tôi nhói đau vô nghĩa.

- Ngày thứ sáu.

- Gì anh?

Tôi vỗ nhẹ lên đỉnh đầu cô nhỏ:

- Hôm nay là ngày thứ sáu. Em biết chỉ còn một hôm nữa thôi, rồi là tôi về?

Cô bé không trả lời. Nàng bất ngờ luồn khỏi tay tôi và đứng lên chạy về phía trước mặt. Quay người lại, nàng đưa bàn tay rối rít ngoắc vẫy. Tôi không còn biết tôi đang đi đến đâu trong những băn khoăn suy tưởng. Chậm rãi đứng lên, tôi khó khăn bước đuổi theo nàng trên con đường tuyết ngập.

Thật ra tôi không bứt rứt băn khoăn nhiều như tôi tưởng. Tôi cứ lần mò bước sâu hơn vào vùng đất lạ, rồi biếng lười vùi mình trong đó, không hề có ý định muốn bước trở ra. Băn khoăn bứt rứt, nếu có, không phải vì tôi cảm thấy mình sai trái đối với vợ, cũng không phải vì một nguyên tắc, một lý do nào cả. Băn khoăn bứt rứt đến từ một điều hoàn toàn khác, một điều vượt ra ngoài tầm tri thức của tôi. Sáng thứ bảy thức dậy, tôi nghe tiếng cười khúc khích bên tai. Mở bừng mắt, và tôi lại thấy đôi mắt cô bé lấp lánh nhìn tôi. Tôi chợt hiểu, đỏ mặt và thu giấu vội vàng hai bàn tay. Hai bàn tay mồ côi, tìm kiếm trong giấc ngủ. Hai bàn tay tội nghiệp sợ hãi, sợ vụt thoát đi một điều không thuộc về quyền chọn lựa hay níu kéo của mình. Tôi mếu máo:

- Em đi đâu, hồi nãy em đi đâu vậy?

Người con gái bật cười. Nàng ngồi xếp chân trên mặt giường và khua múa hai bàn tay, cùng phân nửa phần trên của thân hình. Tôi trở lại làm trẻ nhỏ, nhìn không chớp mắt màn múa rối huyền hoặc đang diễn ra trước mắt. Nước mắt chợt trào ra, tôi bật khóc bất ngờ. Người con gái bối rối hạ bàn tay xuống, nghiêng đầu nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi khóc vùi như trẻ nhỏ. Tôi úp mặt và xua ra khỏi tầm mắt khuôn mặt cô bé, thân hình của cô bé, đôi mắt của cô bé. Tôi khóc như vắt cạn nguồn hy vọng cuối cùng. Rồi với xác thân hoàn toàn trống rỗng, tôi lăn xuống giường, cúi gầm đầu thu lượm mấy món đồ dùng lặt vặt. Thời gian đếm bằng giờ. Hạn kỳ nghỉ trên triền núi thu ngắn dần và trước sau gì tôi cũng phải quay về. Tôi thu dọn gần như là sạch sẽ căn phòng của khách sạn, rồi tôi đứng yên. Rồi tôi quay lại. Người con gái vẫn ngồi nguyên trên mặt nệm, dòng nước mắt chảy dài theo sóng mũi. Tôi ngạc nhiên. Tự dưng tôi biết là tôi sẽ không nhâm nha nhâm nhi hưởng trọn vẹn ngày hôm nay với cô bé. Tự dưng tôi biết giờ phút cuối không phải là chiều nay, bốn giờ, trên ga xe, mà là nơi này, ngay chính giờ phút này đây.

Tôi kéo cô bé lại và vuốt nhẹ mái tóc. Từng sợi tóc như chỉ cứng ngã nằm xuống ngoan ngoãn, rồi lại đứng lên. Tôi nhắm mắt đặt nhẹ một nụ hôn lên bờ môi rất ngọt:

- Nhà em ở đâu? Tôi sắp về rồi.

- Nhà em ở đây. Tại sao anh về?

- Nhà em không phải ở đây. Đây chỉ là căn phòng tôi mướn, ở tạm thôi.

- Căn phòng anh mướn?

Tôi gật đầu:

- Căn phòng tôi mướn. Hôm nay tôi về. Em muốn tôi đưa em về nhà em không? Nhà em ở đâu?

Giọt nước mắt của cô bé vẫn đều đặn chảy dài như đôi mắt có thể quên đi và vẫn tiếp tục ứa lệ. Trọn khuôn mặt thắp sáng hồn nhiên, không có dấu vết của nỗi buồn. Tôi cầm khuôn mặt đó trong tay, cố gắng hỏi thêm một lần nữa:

- Nhà em ở đâu? Tôi muốn đưa em về. Năm sau tôi sẽ trở lại, và nếu em muốn, tôi sẽ tìm em.

- Nhà em không ở đâu cả. Anh mang em theo.

Tôi lắc đầu. Cô bé gật đầu. Đôi mắt lấp lánh như có một nụ cười.

- Ở thành phố nơi tôi ở, tôi đâu thể mang em theo như tôi đã sống với em ở đây!

Người con gái không trả lời mà chỉ cười và lại gật đầu. Tôi không hiểu gì về ý nghĩa của cái gật đầu đó. Nhưng tôi im lặng. Tôi cố gắng xua đi những nguồn suy tưởng, cúi xuống hôn cô bé. Hơi thở người con gái mát thơm có thể đưa tôi đi thật xa. Nhưng những ý tưởng chộn rộn vẫn tiếp tục lùa về. Tôi bứt rứt mở bừng con mắt.

- Tôi về. Tôi về thật mà Mindy. Tôi muốn đưa em về nhà em, nhưng dường như em không muốn điều đó. Tôi sẽ để em lại nơi đây, em đừng giận tôi. Tôi không biết tôi có cần phải cám ơn em, phải xin lỗi em, có cần phải nói gì hay phải làm gì. Tôi không biết tôi có quyền để em lại đây hay không, nhưng tôi sẽ để em ở lại đây, vì tôi phải về, và ở nơi chốn mà tôi về, tôi không thể mang em theo được. Em hiểu chứ?

Người con gái nhoẻn miệng cười. Tôi tuyệt vọng chìm rơi vào một khoảng không. Tôi buông tôi rớt xuống và thả mình đi tìm làn da của cô bé. Tôi nhắm mắt lại hoàn toàn. Khuôn mặt người con gái dịu dàng tan loãng và bay lên trong óc tôi như một giấc mộng đẹp.

Khi tôi giật mình tỉnh ra thì tôi thấy tôi lại ngồi trong quán nước. Người đàn bà mang ly cà phê đặt trước mặt tôi. Tôi ngơ ngẩn nhìn xung quanh. Quán cà phê không đông mấy, thưa thớt một vài khuôn mặt lạ. Tôi bần thần giây lát, rồi quyết định cầm ly cà phê, bước về quầy. Người đàn bà toét miệng cười chào tôi. Bà ta loay hoay lau mấy ly tách, như một trò giải trí để lấp thì giờ trống ở nơi đây.

- Chào ông.

Tôi cười. Chống hai khuỷu tay lên quầy, tôi khuấy tách cà phê. Cử chỉ mỏi rời như người trở về từ cơn bệnh nặng. Tôi ngần ngừ thật lâu. Rốt cuộc tôi quyết định lên tiếng hỏi:

- Bà có biết ông Pinelli ở vùng này?

Người đàn bà nhìn tôi ngạc nhiên:

- Pinelli? Có phải ông muốn hỏi A. Pinelli? Ông có quen à?

Tôi trầm ngâm lắc đầu. Người đàn bà vui vẻ:

- Dĩ nhiên. Làm sao ông quen được. Ông già ít giao thiệp lắm. Ông lại không phải là người ở nơi đây…

Tôi làu bàu:

-Tôi có biết người con gái. Cô Mindy.

Người đàn bà mở miệng tính nói gì, nhưng rồi chỉ lắc đầu và toét miệng cười. Tôi ngạc nhiên đưa mắt hỏi. Bà ta đặt một chiếc ly xuống và nhấc ly khác lên tiếp tục lau chùi:

- Làm gì có con gái. Ông già không có gia đình. Không vợ. Không con.

Tôi phản đối:

- Có một người con gái. Mindy. Cô nhỏ nhỏ hay đi cùng tôi đến đây uống nước, bà không nhớ sao?

Người đàn bà nhìn tôi bằng cặp mắt kỳ lạ. Bà ta không cười nữa, nhưng cũng không thèm trả lời thẳng câu hỏi của tôi, mà che miệng nói nhỏ giọng như đang tiết lộ một bí mật:

- Ông già Pinelli ở một mình. Ông ta suốt ngày vùi đầu với mấy con búp bê. Tài tình vô cùng. Khắp nơi ai sành sõi cũng đều biết tiếng. Nhưng ông già khó tính lắm, không phải ai ông ta cũng nhận bán cho đâu.

Tôi ngơ ngác:

- Còn Mindy?

Người đàn bà lắc đầu.

Tôi như đi lạc vào một khoảng sương mù. Ngửa cổ nốc cạn ly cà phê, tôi tính rời quán. Nhưng chợt nhớ ra một điều, tôi lại chồm người lên quầy:

- Thế bà có biết gì về những hạt cát không?

- Ông moi móc ở đâu ra nhiều điều lạ thế? Những hạt cát? Thật ra ở vùng này có một truyền thuyết xưa lắm về những hạt cát, hình như vậy. Nhưng tôi không biết đâu. Tôi không nhớ được đâu. Chuyện xưa lắm rồi. Những hạt cát của thuở nơi chốn này còn là đại dương. Bây giờ thì đó, ông thấy đó, quanh đây là núi cao và tuyết trắng. Nhưng hình như những hạt cát xưa vẫn còn, lẫn lộn với đất cát của thời nay. Tôi không bao giờ hiểu gì về câu chuyện của hạt cát. Ông già Pinelli có lần nói đó không hẳn chỉ là một truyền thuyết. Hôm trước ông ta còn bảo tại một nhúm cát mà ông phải mất đi con búp bê bằng sứ đẹp nhất của ông ta. Ông già thật dễ thương, nhưng nhiều khi cũng thật là lẩn thẩn, ông thấy không?

Tôi không thấy gì cả, và tôi cũng không còn kịp suy nghĩ nhiều hơn. Vội vả vất tiền trả lên quầy, tôi rời quán nước và vắt giò chạy về khách sạn. Tuyết trợt dưới chân, tôi nhào té nhiều lần, nhưng tôi không biết đau. Tôi rùng mình nghĩ rằng tôi sẽ tìm được một điều rất lạ ở căn phòng khách sạn. Tôi nóng nảy chạy nhanh hơn. Đầu óc miên man xoay chuyển quanh những con búp bê và những hạt cát. Tôi nghĩ là tôi đã hiểu. Hiểu rất rõ ràng. Tim nhói đau, tôi sợ tôi sẽ nổi điên lên khi bắt gặp trong căn phòng một con búp bê bằng sứ với mái tóc nâu và chiếc mũ len sặc sỡ nhiều màu.

Nhưng tôi hụt hẫng khi đẩy cửa bước vào và thấy căn phòng hoàn toàn trống trơn. Trên nền nhà trong góc phòng chỉ còn lại một vài vụn thạch cao trắng quét không sạch, của con rối tôi làm tặng Mindy. Đã vỡ nát, đã không còn.

Tôi rời khách sạn và vừa kịp chạy ra ga đón chuyến xe lửa bốn giờ chiều hôm đó.

Nhược Thủy, Paris, 1990

(*) Trần Vũ đánh máy lại từ tạp chí Văn Học số 57 tháng 11-1990 từ trang 12 đến 33.