Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (160): Phạm Chi Lan – Những giấc mơ trong bệnh viện

clip_image002

Bằng lối văn sáng, đẹp, "Những giấc mơ trong bệnh viện" là cuộc đời lướt trôi trong im lặng, giữa hai bến bờ của đời sống và cái chết, giữa tình yêu và mơ ước, giữa phán xét và tự tại, giữa lưỡi hái bằng kim khí và giàn hoa vàng rực rỡ.

Sinh 1962, Phạm Chi Lan thuộc thế hệ bất chợt bị đẩy bật ra khỏi quê hương, thế hệ của Lê Quỳnh Mai, Vũ Quỳnh Nh., Lê Thị Thấm Vân, Hoàng Mai Đạt, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn-Võ Thu Hương, Nguyễn Thanh Hùng, Đinh Linh, Đinh Từ Bích Thúy… Thế hệ được 12, 13 tuổi ngày 30 tháng 4-1975 đặt chân đến Hoa Kỳ, Hòa Lan, Gia Nã Đại với tất cả sự lạc lõng cùng vốn liếng yếu ớt của tiếng Mẹ. Chính vì vậy mà những dòng chữ họ viết ra bên này biển, trong ngôn ngữ Mẹ, đầy quý giá. Càng thêm quý giá khi Linda Lê, cũng sinh 1962, rời Đà Lạt năm 14 tuổi nhưng đã quyết định quên ngôn ngữ của cha. (Trần Vũ)

Tôi không nhớ mình mê man được bao lâu, chỉ nghe văng vẳng bên tai "Ms. Pham, you’re awake… Operation is done!" Rất nhiều người chung quanh đang bận rộn tíu tít với tôi và với đám máy móc dụng cụ và các procedures trong phòng hồi sinh… Tôi chỉ cảm thấy một vùng lạnh mênh mông, đau buốt ở lưng, tôi đang ở đâu đây… Rồi tôi nhìn thấy khuôn mặt chồng tôi cúi xuống, anh vuốt má tôi, cười mà như mếu. Tôi mỉm cười thấy lòng thật bình yên vì có người thân yêu bên cạnh.

Rồi người ta đem tôi ra phòng ICU, Nhi chỉ ở cạnh tôi được một lúc rồi y tá đuổi về bảo hết giờ thăm bệnh. Thấy mắt anh rơm rớm, không đành quay lưng đi, tôi giơ tay vẫy vẫy, thì thào "về nghỉ đi anh…" Lúc bấy giờ hình như là khoảng 10g tối thứ Hai. Tôi còn sống, ôi lạy Chúa, tôi vẫn còn hiện diện trên đời đây ư? Tôi thở bằng ống dưỡng khí, và quanh người tôi không biết bao nhiêu ống, dây điện… chi chít cột chặt tôi vào giường. Tôi đưa tay lần đếm: ngực và bụng tôi quấn băng kín mít, có 3 ống test tubes từ trong ngực và bụng chảy ra 3 cái fluid collectors ở cạnh giường, foley catheter, tay mặt thì có máy đo áp suất cứ 30 phút lại tự động bóp chặt, máy bóp hai chân cột vào cuối giường để khỏi đọng máu cũng vậy, chốc chốc lại co thắt rồi xì hơi… Còn cái gì đầy trên ngực thế này? Một lô dây nhợ dính vào một cái máy nhỏ đặt trên ngực, nối vào monitor đo nhịp tim, oxygen…, thỉnh thoảng nó kêu tít tít, y tá lại chạy vào bấm bấm cái nút gì đó rồi nhìn phớt qua tôi. Tôi nằm cứng đơ như một cái xác còn thở, còn nhận biết chung quanh. À thì ra người ta vừa cứu sống tôi qua một giải phẫu.

Tôi vừa trải qua một cuộc giải phẫu cấp tốc để tôi còn thở và còn sống thế này. Tôi nhớ bác sĩ có giải thích sẽ làm gì làm gì và yêu cầu tôi ký tên vào cái consent form. Tôi cố gắng run rẩy ký tên mình trên cái lằn ngang ở tờ giấy, rồi gật đầu phó thác mạng mình trong tay bác sĩ. Làm gì tôi cũng được, làm sao cho tôi thở được thì làm, đâm đục chích chỗ nào cũng được, tôi không sợ đau đâu, tôi chỉ sợ mình ngất đi và tôi sẽ đi luôn vì không thể thở được, tôi sẽ phải giã từ đời sống tuyệt đẹp này. Phổi và tim tôi ngập đầy nước, người ta bảo thế. Sáng nay, nếu tôi không vào emergency kịp thời, chắc bây giờ tôi chỉ còn là cái xác lạnh ngắt!

Ôi trời, không thể diễn tả hạnh phúc sung sướng khi nhìn thấy cánh cửa sổ căn phòng bệnh viện ngập đầy ánh nắng bình minh sáng hôm ấy. Hình như đó là một ngày thật ấm và có nắng đẹp, sau vài ngày có mưa đá rất lạnh của đầu mùa đông Dallas. Dù tôi vẫn còn nằm cứng đơ trên giường bệnh với bao nhiêu giây nhợ chằng chịt, nhưng nhìn thấy khoảng nắng trong lành ngoài kia, tôi bỗng thấy yêu đời sống vô cùng. Ngoài kia, một ngày mới đang lên, những nhánh cây khô mùa đông oằn mình chịu đựng cơn lạnh của đêm qua, khô xám và hứng đầy ánh nắng long lanh, con đường buổi sớm có tiếng xe cộ qua lại, có tiếng còi xe, tiếng phanh xe, tiếng một xe cứu thương hay cảnh sát công lộ đang rộ hồi còi inh ỏi từ xa vọng lại… Những tiếng động đáng yêu ngoài kia là của một đời sống bình thường, đối ngược với khung cảnh chìm đọng, gò bó trong căn phòng bệnh viện này. Đối với tôi, những tiếng động sinh hoạt đời sống bên ngoài giờ mới thấy gần gũi thân thương làm sao. Tôi muốn ứa nước mắt. Tôi thèm vô cùng được sống trong thế giới ngoài đó, tôi ao ước được lái xe đi chợ, đi nhà thờ, đi tới nhà bạn bè… tôi muốn đánh đổi tất cả để có được một phút đi lang thang dạo bộ dưới con đường tản bộ ngoài kia, với những đám lá vàng tả tơi cuối mùa thu chín. Còn nhớ hôm nào đi lang thang ngoài phố với chồng và dự định cho những chuyến viễn du. Một nơi nào đó, có nắng ấm, có đời sống hiền hòa, có những quán cà-phê lộ thiên ngồi nhìn thiên hạ thong dong qua lại chẳng hạn. Đời sống ơi, sao mi vừa gần gũi vừa xa cách thế này…

*

Dù đã ra khỏi ICU và được về phòng riêng, tôi vẫn trải qua từng cơn tỉnh rồi mê, thiếp đi rồi tỉnh lại khi có ai lay nhẹ, có thể vì side effect của morphine trị đau đớn làm tôi không ý thức được chung quanh. Hôm nay là ngày thứ ba trong bệnh viện, chồng tôi gần như lúc nào cũng bên cạnh, tội nghiệp anh, hai mắt anh đỏ kè, sâu hoắm vì mệt mỏi và thiếu ngủ, thiếu ăn… anh trông như người mang bệnh, chứ không phải là tôi. Nhi nói tối nay sẽ mang mền gối vào ngủ ở bệnh viện cạnh tôi. "Anh có chỗ nằm rồi, đây này, cái ghế này ngả ra sẽ thành một cái giường thoải mái. Được nằm ngủ cùng phòng cạnh em cả đêm còn gì bằng. Anh không thể chợp mắt một giây khi về nhà một mình, căn nhà trống trơn, lạnh lẽo không có em… Nhìn chỗ nào anh cũng thấy bóng dáng em… Anh sẽ mang sách và thơ vào đọc cho em nghe, tối nay anh sẽ đọc thơ tình cho em ngủ…" Tôi thấy mình hạnh phúc vô cùng. Nhi ơi, anh là người yêu dấu nhất đời, có ai đọc thơ cho em nghe hay hơn anh đọc đâu…

Và đúng như dự tính, 10 giờ tối thứ Tư, Nhi ngồi cạnh tôi, với cuốn thơ "Quái Phong" của anh trong tay, anh lần giở đọc những bài thơ tình cho hải đăng, những bài thơ lúc nào cũng làm tim tôi như nghẹn lại vì cảm động, thơ đầy ắp kỷ niệm, chúng tràn về làm tim tôi nghèn nghẹn. Chúng tôi như đang đi lại trên những con đường hạnh phúc ngày nào… Giọng anh ấm và êm, anh đọc sang sảng như nhập vào lời thơ. Nước mắt tôi ứa ra, "đọc nữa đi anh, cái bài thơ nào có nhắc đến kỳ mình ghé đỉnh hải đăng ở Point Reye miền bắc California, rồi kỳ mình đáp xe lửa từ Cerebes đi Barcelona đó…" Chồng tôi chọn đọc bài "Ta cũng có một Giáng Sinh như ai…". Tôi chợt nhớ chỉ còn vài hôm nữa là Noel, liệu tôi có một Giáng Sinh năm nay… như ai không? Lại cảm thấy bồi hồi. Nếu Chúa cho tôi một điều ước bây giờ, tôi sẽ xin được về nhà ăn Giáng Sinh với gia đình, rồi tôi có từ giã cõi đời cũng vui lòng. Một mơ ước nhỏ nhoi, chắc Chúa không nỡ từ chối? Tiếng chồng tôi đọc tiếp những bài thơ anh chọn, những bài thơ mà anh đã dành riêng cho cuộc tình của chúng tôi, bắt đầu cách nay 11 năm. Tôi có thể chết một cách hạnh phúc trong tiếng đọc thơ của anh thế này… Anh lại đọc tiếp, đọc mê mải một bài thơ đắc ý khác mà anh đã vắt tim ra, từng lời từng chữ cô đọng, và hẳn nhiên vô cùng ý nghĩa với liên hệ vợ chồng tôi. Một lúc, anh quay nhìn tôi, mắt đỏ và ướt, nói rất nhiều thay lời. Tôi mỉm cười, nói khẽ: "Cám ơn anh. Những bài thơ làm em tỉnh rồi nè…" Nhi cầm tay tôi rồi anh bật khóc, "em phải tranh đấu cho em và cho anh nữa, nghe em…" Tôi nhắm mắt, gật đầu. Em đang tranh đấu cho sự sống vô cùng quí giá và rất đẹp, của chúng mình. "Em sẽ cố gắng vượt qua kỳ này, em xin Chúa cho em sống bên anh thêm một thời gian hạnh phúc nữa, bao lâu cũng được… anh chịu không?" "Lâu hơn nữa, em cứ tin như vậy đi…" Đời sống ơi, hạnh phúc ơi, tất qua như đang đi qua trước mặt tôi, tôi cố đưa tay bắt lấy, níu lấy… Có lúc, lòng tôi êm dịu, bình an và thanh thản lạ thường. Tôi nhớ lại từng hồi ức, đời tôi nhiều hạnh phúc quá đấy chứ. Tôi có ra đi về với Chúa bây giờ cũng đủ mãn nguyện. Và tôi đã sẵn sàng, Chúa ơi đem con về nơi ấy đi, nơi ấy chắc hẳn vô cùng bình yên và hạnh phúc. Rồi lòng tôi nghẹn lại, còn Nhi, chồng con, anh ấy sẽ sống thế nào khi con không còn bên cạnh? Chỉ nghĩ đến anh, lòng tôi quặn thắt. Số mệnh không cho em ở bên anh lâu hơn cho đến đầu bạc răng long, biết làm sao được…

Tôi nhớ đến thư một người bạn, có khi Chúa đóng cánh cửa chính khi ta đi tìm hạnh phúc và tìm đến người, nhưng đồng thời Chúa lại mở ra những cánh cửa sổ nho nhỏ…, tạo cho ta nhiều cơ hội thử thách hơn để đến với người. Trong tay tôi đang có rất nhiều cơ hội để tìm đến bên người, lẽ nào tôi không tận dùng. Tôi vẫn muốn chinh phục thử thách. Tôi lại ứa nước mắt, cuộc đời 47 năm đã đủ, tôi đã may mắn gặp người chồng yêu thương tôi chân thành, đó là ân tứ Chúa đã ban cho tôi. Nếu không có chồng tôi trong thời gian đau bệnh vừa rồi, ai chia sẻ đau đớn, khó khăn với tôi? Tạ ơn Chúa, đó chính là cánh cửa nhỏ Chúa mở ra cho tôi đó. Và còn nhiều xoa dịu khác mà Chúa đầy lòng thương xót đã trao cho tôi: Công việc làm dễ dàng, đồng nghiệp tốt bụng, bạn bè thương mến, gia đình an ủi, và nhiều điều thuận tiện khác đã đến với tôi trong 2 năm tôi mang căn bệnh này. Chúa đóng cánh cửa chính, vâng, cuộc đời tôi gặp nhiều biến cố, và biến cố căn bệnh quan trọng này là thử thách sau cùng, đời sống thật mong manh, tôi biết rõ đời sống tôi sẽ thu ngắn lại và không có tương lai dài, tôi sẽ không có cơ hội đi hết con đường cuộc đời cho đến ngày thành một bà cụ già tóc bạc, sẽ không đến ngày hưu trí, về hưu thong dong đi du lịch đó đây, thăm viếng những nơi xa lạ như tôi hằng mơ ước, sẽ không có dịp về VN thăm những trung tâm xã hội giúp đỡ người tàn tật, kém may mắn như tôi dự định và hứa với lòng, và còn nhiều dự định lâu dài mà tôi đã có lúc phác thảo… Tất cả những ý định tương lai đó giờ không còn quan trọng đối với tôi nữa. Quan trọng là chính giờ phút này, khi tôi đang nằm đây trong căn phòng bệnh viện và biết là tôi vừa thoát một cái chết, vừa trải qua một cơn thử thách. Tôi chấp nhận thực tại, chấp nhận những ngày giờ còn lại vô cùng quí đẹp mà tôi đang có. Tôi thấy lòng bình an…

Giấc mơ thứ nhất

Đêm thứ tư ở nhà thương, Nhi mang gối, mền, và một cuốn sách to tướng, tuyển tập Võ Phiến, để đọc cho tôi nghe. Lúc ấy khoảng 10g hơn, cô ý tá người da đen gốc Phi châu tò mò hỏi thì chồng tôi trả lời, để đọc cho vợ tôi nghe, vợ tôi rất thích đọc sách. "Đọc sách cho bà ấy nghe, ôi chao, tuyệt quá. Ông bà cứ tự nhiên thoải mái nhé, cần gì cứ gọi tôi."

Nhi giở tập sách dầy cộm, "để xem anh sẽ đọc bài gì cho em nghe đây. Tùy bút của Võ Phiến duyên dáng, thú vị. A, bài này hay nè, "gắn, gùa, và gụ". Bài nào cũng được, tùy anh chọn. Giọng Nhi ấm và êm, tôi lim dim lắng nghe, cái đau như không còn cảm giác… Bài viết mở đầu với cảm xúc của một người khách tình cờ đi lang thang đến một vùng chợ quê miền Trung (?). Khung cảnh chợ quê đơn sơ, vài cái quán lá liêu xiêu, bà cụ yếm thắm, cô hàng bán quán vô tư, vài đứa trẻ chạy chơi tồng ngồng, hàng của họ là những bó rau, hạt nếp, quán bún, gánh chè. Hình ảnh nên thơ và bình an quá. Khác với khung cảnh chợ búa ngày nay ở VN, xô bồ, chụp giật, chen lấn, la ó… Người khách trong bài viết gặp một cậu bé đến chào hàng, "mua gắn, gùa gì không chú." Giọng người miền Nam, a đây là giọng miền Nam mà tôi cũng đã từng được nghe. Tiếng rắn phát âm thành "gắn", rùa thành "gùa"… Cậu bé lại gạ gẫm thêm, "Mua ‘gắn’, ‘gùa’ về nhậu, thì phải kiếm thêm ‘gụ’ nữa." "Muốn gắn có gắn, gùa có gùa, gụ có gụ…" Dường như bài viết như thế, trong mơ màng, tôi chỉ có thể thu thập được bấy nhiêu ý chính. Tùy bút vui thật, dễ thương, trong sáng, nhí nhảnh, hồn nhiên làm lòng tôi ấm lại. Và cái hình ảnh quán chợ miền quê ấy bỗng theo tôi vào giấc mơ hiếm hoi trong đêm nằm bệnh viện. Đã mấy tuần qua, tôi có ngủ được đâu, nói gì đến một giấc mơ đẹp.

Giấc mơ diễn ra như thế này. Nhi và tôi rủ nhau đi gởi tiền về Việt Nam cho gia đình anh. Chúng tôi đến một khu chợ Mễ cạnh biên giới (lạ chưa?), khung cảnh êm đềm, bình yên, trong cái nắng chiều vàng ấm áp. Những quán xá thưa thớt, vài kiosk bán hàng lưu niệm đủ màu sắc, vài xe bán hàng rong, bà cụ già nhăn nheo ngồi buồn đuổi ruồi vo ve trên những chiếc bánh chiên xốp. Nhi ghé vào một gian hàng, anh đòi gởi 95 pesos về VN cho thân nhân. Tôi ngạc nhiên hỏi "sao anh gởi số lẻ vậy? Rồi bên đó làm sao hoán đổi ra tiền VN để đưa lại cho người nhà?" Anh nói "Tại ở đây họ làm việc như vậy, bên VN sẽ nhận được tiền chẵn." Tôi không nói gì thêm, và cũng không buồn thắc mắc trị giá 95 pesos Mễ trong giấc mơ là bao nhiêu nếu hoán đổi ra tiền VN. Cảm giác lúc ấy thật êm đềm, lòng thanh thản lạ lùng. Bỗng thấy bên tường một giàn hoa vàng, hoa gì tôi không biết tên, chỉ biết là đẹp lắm, đẹp não nùng, đẹp lạ lùng… Tôi rủ chồng chụp một bức ảnh bên giàn hoa rồi gởi về cho gia đình bên ấy xem. Một người Mễ cầm máy ảnh chụp hình dạo đến bên, tôi cười thật tươi đứng bên cạnh chồng, trước giàn hoa màu vàng tuyệt đẹp.

Họ ở đâu xuất hiện ở đám đông giữa phố chợ. Hai người đàn bà trung niên, da rạm nắng đen xám, nhiều nếp nhăn, tóc hoa râm và cắt tém thật ngắn trông ngộ nghĩnh. Cái kiểu tóc của những người gypsies nghệ sỹ, tuy bình dị nhưng vẫn tỏa ra một vẻ biệt lập giữa người thường. Họ mặc quần áo giống nhau, quần ống loa rộng màu xanh nhạt, áo sơ mi trắng tay phồng, đơn giản nhưng không phải là trang phục thường ngày của người lao động, có vẻ như họ đóng bộ để sẵn sàng trình diễn dạo kiếm sống. Người ta vây quanh họ, người già, trẻ em, những người tò mò đứng ngồi quanh họ chờ xem họ sẽ làm trò gì. Họ sẽ trình diễn gì? Vợ chồng tôi cũng tụ lại gần xem. Người đàn bà nhỏ con hơn lôi ra một chiếc guitar cũ kỹ, lau nhẹ phím, nắn giây, dạo một vài nốt nhạc, chúng tôi chờ đợi… Và kìa, giọng hát song ca bỗng trổi lên từ đâu, rất mạnh và to, tỏa khắp khu chợ chiều. Giọng hát và lời nhạc ấy hay vô cùng, tôi không biết diễn tả thế nào khi nghe hai người nghệ sĩ già ấy trình diễn. Đó là nét trình diễn của người nhà nghề, nhập hồn và điêu luyện, đầy nghệ thuật. Có lúc họ hát tiếng Pháp, rồi chuyển sang Tây Ban Nha, tôi không hiểu lời nhạc lắm, nhưng tôi như bị thôi miên nhập vào tiếng hát và lời ca của họ. Lối trình diễn tuyệt vời, ru hồn và quyến rũ lạ thường, giống như những nghệ sĩ trứ danh trên một sân khấu hí viện lớn đang thu hút đám đông.

Thế rồi khung cảnh trong giấc mơ chợt đổi sang một phòng khách nhỏ, giống như trong ciné người ta đổi scenebất chợt. Trước lò sưởi có lửa hồng tí tách, hai người đàn bà vẫn đang hát một cách say sưa, đám khán giả vẫn là những kẻ ở phố chợ nhếch nhác và quê mùa, đứng ngồi ngổn ngang lắng nghe một cách chăm chú, và chúng tôi đang ở giữa họ, thưởng thức những bài hát rất hay, giọng truyền cảm của hai người đàn bà như đưa người nghe vào một thế giới xa lạ, đằm thắm, êm ái lạ thường. Tôi có cảm giác mình đang ở một vùng bình yên vô cùng, có thể nào gọi đó là thiên đàng?

Cảm giác thiên đàng ngây ngất ấy bỗng bị cắt đứt vì tiếng gọi của bà y tá trực, "Ms. Pham, I need to take your vital signs." Tôi giật mình ra khỏi cảm giác êm ái, vô cùng tiếc nuối. Nhìn đồng hồ trên tường, lúc đó là 3g sáng.

Những giấc ngủ rất khó đến với tôi trong những ngày khốn khó vừa qua, nói gì đến một giấc mơ cho tôi cảm giác thú vị và hạnh phúc ấy. Tạ ơn giấc ngủ, tạ ơn giấc mơ. Chỉ tiếc, giá y tá đừng lay tôi dậy, thì cảm giác ấy còn kéo dài hơn. Nhưng quan trọng là, tôi tỉnh dậy với cảm giác sung sướng và nhớ rất rõ từng chi tiết của giấc mơ. Hình ảnh và câu chuyện giấc mơ ấy, nếu có thể tái tạo trong một đoạn phim documentary ngắn, loại short arts movie, thì thật hay biết mấy! Tôi bỗng ước mơ nếu có thể tái hiện những giấc mơ đẹp thành… phim ảnh hay truyện ngắn được, thì tuyệt quá.

Giấc mơ thứ hai

Những giấc ngủ dù ngắn ngủi trong bệnh viện đối với tôi cũng rất quí, dù thuốc đau làm ngầy ngật nhưng nhắm mắt ngủ một giấc dài thật vô cùng quí hiếm. Thế mà đêm sau, tôi lại ngủ một giấc khá dài, dễ thường đến 3 tiếng. Cũng nhờ giọng đọc êm ái của chồng tôi ru vào giấc ngủ. Anh đọc tiếp một đoạn tùy bút của Võ Phiến, lời văn nhẹ nhàng, thông minh, dí dỏm, và hẳn nhiên là… rất dễ ru ngủ. Tôi thiếp đi, và gặp một giấc mơ khác cũng cho tôi cảm giác sung sướng, êm đềm, khỉ tỉnh dậy còn nhớ khá rõ chi tiết.

Đó là một buổi họp mặt gia đình có đông những người thân, khung cảnh ấy hoàn toàn xa lạ tôi chưa từng biết tới. Chung quang tôi là các anh chị, các cháu rất đông tôi không nhớ rõ mặt từng người, chúng đang xúm xít bàn tán, trò chuyện, cười nói với nhau. Tôi ngồi yên ở góc quan sát những người thân trong khung cảnh ấm cúng đó. Rồi nghe có tiếng đứa cháu nói: "Bây giờ tới phần trình diễn thành quả phúc lợi của từng người trong gia đình. Ai làm những điều lành, phước thiện trong cuộc đời mình thì những nghĩa cử ấy sẽ diễn ra như đang chiếu phim. Mọi người sẽ thay phiên nhau tới lượt mình nhé…" Lạ ghê, một kiểu "kiểm thảo" hành vi cuộc đời, bày diễn ra theo kiểu chiếu phim 3 chiều (3-D) ngay trước mặt, có hình ảnh mình đi qua trước mặt mình, từ ấu thơ cho đến trưởng thành. Tôi thấy thú vị vô cùng. Ô kià, ai kia sao trông giống tôi, đang đi qua trước mặt mình, vừa thân quen vừa lạ lẫm. Và cái mái tóc đó, lởm chởm cắt tém, vừa thô vừa thưa thớt, đó là tôi đó sao? Tiếng một đứa cháu cười khanh khách bình phẩm: "Úi chà, mái tóc dì Lan mode quá xá…" Tôi thấy một người đàn bà trung niên, khá giống tôi, tóc tém tẹm, xơ xác giống bàn chải chổi cùn, giống kỳ tôi vừa cạo sạch sau đợt chemo thứ nhất, vậy mà mode cái nỗi gì? Bà ta cười tươi rói, giơ tay vẫy vẫy chào. Tôi trố mắt nhìn lại. A tôi hiểu rồi, đây là hình ảnh diễn biến của "toà phán xét" sau khi người ta qua đời, người ta có thể nhìn lại ký ức mình xem mình đã làm những điều lành dữ nào trong đời. Nhưng sao lòng tôi êm ái hạnh phúc thế này? Cái người đàn bà giống tôi đó cười tươi, và đám em cháu đang vỗ tay tán thưởng "thành quả" của bà ta, lại còn khen như để khích lệ tinh thần. Và tôi còn nhớ một chi tiết, tôi mặc cái áo dài thêu hoa, đi đứng đàng hoàng, không chống nạng khó khăn như ngoài thực tế, lạ chưa!

Đang say sưa với cảm giác êm đềm lạ lùng ấy, bỗng có tiếng cô y tá đánh thức: "Ms. Pham, há miệng ra cho tôi lấy nhiệt kế nào…" Tôi choàng tỉnh với cảm giác hụt hẫng vì tiếc nuối.

Và những giấc mơ khác…

Giữa cảm giác mơ màng, mê mê tỉnh tỉnh, tôi cũng chợp mắt được một chốc và có được những giấc mơ nho nhỏ. Chúng là những hình ảnh không rõ nét, không liên tục, có thể khi tỉnh dậy không mang cho tôi cảm xúc gì rõ rệt nhớ từng chi tiết, nhưng tôi chỉ có thể cảm nhận đó là những "sweet dreams" tạo cho tôi cảm giác êm đềm, thoải mái, không phải là những ác mộng. Những giấc mơ đẹp trong bệnh viện là những món quà đẹp tôi có được, bù lại cho cảm giác bứt rứt, tù túng, đau đớn, khó chịu, mệt mỏi và những cơn đau hành hạ.

Tôi lầm thầm tạ ơn Chúa cho tôi những giấc mơ ngọt ngào êm dịu trong giấc mơ, để tôi có thêm nghị lực tranh đấu cho một giấc mơ thực tế, nho nhỏ thôi, nhưng quan trọng đối với tôi vô cùng: Tôi vẫn muốn sống, thêm một thời gian nữa, muốn còn hiện diện trên cuộc đời, và tôi không thể phụ lòng chồng tôi đã luôn nhắc nhở "cố lên em ơi", và cả gia đình, người thân, bạn bè, những người quan tâm đến tôi đã từng cho tôi niềm tin đấu tranh cho sự sống. Tôi đang mơ một giấc mơ thực tại, tôi có thể về nhà trước Giáng Sinh để được hưởng một đêm Giáng Sinh ấm cúng, an lành trong căn nhà của mình, để có thể tự hào rằng "Ta cũng có một Giáng Sinh… như ai!"

Giấc mơ sau cùng

Giấc mơ sau cùng không phải trong giấc ngủ, mà là ước mơ thực tế. Tôi chỉ muốn được về nhà nằm ở cái sofa trong phòng khách, bình an và ấm áp, bên cạnh Nhi. Những mơ ước xa xôi khác tôi không còn nghĩ tới. Ước mơ gần nhất đó được Chúa và Mẹ Đồng Trinh nhận lời. Sau sáu ngày trong bệnh viện, tôi được về nhà. Ôi chao, căn nhà nho nhỏ trong góc rừng của tôi mới thân thương làm sao. Tôi có thể nằm xuống ngủ một giấc ngàn thu trong khung cảnh này. Ở đây có rất nhiều kỷ niệm, những ngày vui và êm đềm cuộc đời tôi đã trải qua trong căn nhà này.

Tôi không mong ước gì thêm nữa. Bình yên trong không gian của riêng mình, thêm một thời gian nữa thôi, bên cạnh những bạn bè người thân yêu nhất của mình.

Những ngày êm ả lễ Noel và Năm mới trôi qua, tôi vẫn còn đây. Và trước mỗi giấc ngủ, lạ lùng tôi vẫn nhớ đến giọng hát của hai người đàn bà da nâu quê mùa ở phố chợ biên giới Mexico, giọng hát của họ như tiếng hát của thiên thần ru tôi vào một vùng thật bình an.

Tháng giêng, ngày 3, 2009

PCL

Nguồn: https://damau.org/3059/nhung-giac-mo-trong-benh-vien