Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2019

Lạc dòng

Truyện Trương Đình Phượng

Cuối đời nhà Lê đất nước ngày một suy, chính sách hà khắc, lòng người khắp chốn ly tán. Từ trên xuống dưới quan viên lo vun vén lèn cho chặt túi tham. Tiếng ta thán tưởng thấu tận trời. Thế nhưng dân khổ mặc dân, triều đình vẫn bình chân như vại.

Bấy giờ ở huyện Yên Định thuộc Thanh Hóa có một tay học trò tên là Duy Hiếu, chết cả cha lẫn mẹ, sống chung với chị gái và anh trai. Năm Duy Hiếu bảy tuổi anh trai Hiếu chết trận. Năm Duy Hiếu mười tuổi chị gái Hiếu bị quan huyện cho lính bắt về cưỡng hiếp rồi ném xác xuống dòng sông Yên. Từ đó Duy Hiếu sống vật vờ nay chốn này mai chốn khác nhờ vào sự bố thí của người dưng. Mãi đến năm mười bốn tuổi, nhân một lần lang thang qua làng nọ gặp buổi dạy của thầy đồ, Duy Hiếu lén lần đến nấp ngoài rào nghe giảng. Thầy đồ nhìn thấy chạnh lòng thương gọi vào, từ đó Duy Hiếu được thầy đồ nhận nuôi và dạy chữ. Duy Hiếu có một trí thông minh khác thường. Trong vòng ba năm Duy Hiếu đã học làu tứ thư ngũ kinh. Nhờ biết chữ và thông tỏ sách vở, Duy Hiếu càng hiểu rõ hơn hoàn cảnh của mình và tình cảnh những người dân hèn mọn. Trong khi thiên hạ đua nhau thi thố tìm con đường quan lộ thì Duy Hiếu nhất quyết gác ngoài tai mọi ham mê phú quý, nguyện nối nghiệp thầy.

Duy Hiếu khẳng khái:
-Con chỉ muốn sống một đời thanh bần như thầy, đem sức mình dạy cho người ta đạo nghĩa làm người.

Thầy đồ mỉm cười mà rằng:
-Ta tùy con mặc định cuộc đời con. Miễn sao con cảm thấy không thẹn với tâm con là được.
Mấy năm sau thầy đồ qua đời sau một cơn bạo bệnh. Duy Hiếu tiếp tục duy trì việc dạy học. Thời gian trôi, học trò ngày một thưa thớt. Đời sống chật vật khiến người dân quanh vùng chẳng ai còn tha thiết việc cho con đến trường, cha mẹ bắt con trẻ ở nhà nai lưng kiếm miếng bỏ mồm. Duy Hiếu chán nản đóng cửa trường, trở lại làm kẻ lang thang.
Một hôm Duy Hiếu ghé vào ngôi miếu bên đường nghỉ trưa. Mùa hè nắng như rang, thi thoảng mới có tí gió, mà lại là cái thứ gió nóng mắc dịch. Mồ hôi tuôn nhễ nhại làm Duy Hiếu không thể chợp mắt. Nhìn ra con đường trước mặt vắng tanh vắng ngắt, vài cánh chuồn say nắng chập choạng bay, đàn ruồi rạc rượi quần quanh đống phân bò khô queo. Cám cảnh gã ngâm:
Chí lớn hề không đựng đầy hai túi nhẵn
Tương lai hề mù mịt như khơi
Ngẫm mình như cánh ruồi
Bòn mót đống phân khô.
Ngâm dứt gã cười ha hả, theo tiếng cười nước mắt trào ra, ướt đẫm má. Gã nhìn lên trần miếu, thấy cái máng nhện xung quanh đầy xác muỗi. Một con nhện cái to tướng nằm ở giữa say sưa hưởng lạc với những nhện đực. Mỗi lần qua một cơn, nhện cái xử luôn bạn tình, biến chúng thành món ăn. Những con nhện đực trong khi chờ đến lượt chẫm rãi thưởng thức những xác muỗi. Nhìn cảnh ấy, Duy Hiếu lliên tưởng đến số phận những người dân thấp cổ bé họng dưới bàn tay của lũ cường hào ác bá. Họ có khác gì những con muỗi bé nhỏ kia, tháng ngày sống lây lất làm mồi cho lũ nhện. Gã vùng dậy, lấy đất làm trống tay làm dùi, vừa khóc vừa ca:
Thằng nhỏ hề làm đầy tớ thằng lớn
Thằng lớn vừa hề làm mồi thằng lớn bự
Cá lớn hề nuốt cá bé
Cá lớn hề làm mồi cho thủy quái.


Trời chuyển về chiều, nắng dịu hơn, lũ mục đồng dắt trâu về. Con đường đất lất phất bụi, tụi nhóc thấy trong miếu có gã đàn ông vừa cười vừa khóc, tò mò đánh trâu lại xem. Một thằng nhóc mặt mũi sáng sủa lên tiếng:
-Ê ông kia, bộ ông có chuyện gì buồn hả?
Duy Hiếu đáp:
-Vận nước nổi trôi như bèo trên sông lớn, kẻ sĩ làm lơ, kẻ nghèo thì ngậm miệng, chỉ có bọn vua quan sung sướng với trò bán máu buôn xương.
Một thằng nhóc khác cười, nói :
-Tay này bị điên chúng mày ạ.
Cả bọn cười lêu lêu rồi đánh trâu đi tiếp. Duy Hiếu lẩm bẩm:
-Phải rồi, ta là thằng điên. Muôn dân nhắm mắt mà sống, cớ gì ta cứ mở trừng con ngươi mà than mướn khóc vay vớ vẩn thế này.
Mải mê nhìn theo đám trẻ cho đến khi bóng chúng và bóng lũ trâu khuất hẳn sau những bụi tre già, Duy Hiếu mới như bừng tỉnh.
-Tội nghiệp bọn mục đồng chúng có biết gì đâu, với chúng việc ngày hai bữa đánh trâu đi đánh trâu về, làm bạn với đồng cỏ mô đất đã là niềm vui lớn, chứ chúng nào có trí khôn mà quan tâm đến vận nước suy thịnh thế nào.
Duy Hiếu tự nói tự nghe. Hoàng hôn nắng tà chiếu qua mái ngói thủng từng đốm như máu. Từ sau lớp rường cột tiếng mọt gặm nỗi buồn vang lên đứt nối.
Duy Hiếu lại ngâm:

Nước kìa nước non kìa non
Đường xa ngựa nản chân bon đường chiều

Mái đời ngày tháng tiêu điều
Gõ tàn chuông mộng, giấc kiều còn đau.
Ngoảnh đầu trước ngoảnh đầu sau
Ngàn chân lẻ dấu biết đâu nẻo về?

Ngâm dứt, thở dài, gã đứng dậy xách bao nải chệnh choạng bước đi. Trời vào đêm, gió hây hẩy, những thân tre cọ vào nhau tạo nên điệu nhạc buồn miên man như lời than. Lẫn trong gió, mùi phân trâu mới ngai ngái. Đâu đó trong thôn vẳng lên điệu ca não nề.
Nước trôi hề trôi
Hoa tan tác
Trăng tan tác
Mênh mênh mang mang hề
Thuyền lạc dòng bến vắng
Nhà đâu tá, thôn đâu tá
Ta về đâu hề
Ai về đâu hề
Biết bao giờ tao ngộ.

Hẳn là người thiếu phụ trông chồng, hay là nàng con gái đang xuân mòn mỏi ngóng tình quân… Duy Hiếu lẩm bẩm. Gã lắc đầu lại tự nhủ “Mà biết đâu bài ca đó là của một gã thất chí cùng thời than cảnh non nước như ta chăng?”. Nói rồi ngẩng đầu nhìn vầng trăng đang lẻ loi trôi giữa nền trời xa thẳm, bất giác lệ lại tuôn đầy má.
Bước chân vô định đưa Duy Hiếu xa dần thôn xóm. Đường đồng về đêm thoang thoảng hương lúa chín, đóm đóm bay rập rờn hòa lẫn sắc ma trơi, khung cảnh càng trở nên thê lệ.
-Đẹp đấy mà cũng bi thảm lắm đấy.
Duy Hiếu dừng chân ngồi thụp xuống bờ ruộng. Gió đồng lồng lộn, sóng lúa rập rờn từng trận.
Bỗng từ bên kia khoảnh ruộng vẳng lại tiếng ca:
Đêm kìa đêm
Bóng tối triền miên hề
Nhà ai đèn rạng
Thôn trang buồn
Ai thức hề
Nát lòng vì vận nước suy vong

-Ai đó? Duy Hiếu hét lớn. Hãy cho kẻ cùng đường là ta giáp mặt hàn huyên chia sẻ nỗi  đau thời cuộc với.
Tiếng Duy Hiếu vang xa rồi dội lại…
-…thời…cuộc…v…ớ…i…
Gã vùng dậy men theo đường đồng mà chạy, ngã xuống lại đứng lên. Trong đêm trường u tịch chỉ có tiếng thở hổn hển của gã hòa tiếng gió thê lương. Gã chạy đến đâu, lũ đom đóm dạt ra đến đó. Ma trơi ngửi thấy hơi người, đuổi theo gã. Trong màn tối, ánh sáng ma trơi chấp chới cùng bóng người xiêu vẹo.
Tiếng ca vẫn vang dài trong gió:
Ai thức hề
Đau vận nước suy vong
Ai ngủ hề quên nỗi hờn thân phận
Ta là ai
Ai là ta
Kẻ lạc loài giữa xứ sở lưu vong
Hề vận nước suy
Đời còn chi đâu tá
Đành ôm nỗi buồn khóc với đêm hoang

Lần theo tiếng ca, cuối cùng Duy Hiếu đến trước một ngôi lều cỏ. Bên trong ánh đèn hắt qua song cửa sổ rọi ra mảnh sân đầy cỏ dại. Tiếng dế buồn bã dưới vầng trăng.
Bước lại gần gõ cửa, Duy Hiếu gọi:
-Có ai trong nhà không, xin cho kẻ lỡ đường tá túc một đêm.
Có tiếng người phía trong đáp lại:
-Ai đó, xin chờ một chút.
Sau một khoảng im lặng, phía trong nhè nhẹ tiếng bước chân, rồi tiếng kéo chốt cửa.
Cửa mở, dưới ánh đèn cầy, hiện ra trước mắt Duy Hiếu một người đàn ông tầm sáu bảy chục tuổi, tóc bạc trắng.
-Chào cụ, cảm phiền cho cháu ngủ nhờ một đêm.
-Xin mời.
Duy Hiếu bước theo ông lão vào nhà. Trong nhà đồ đạc đơn sơ. Bộ ghế tre đã cũ. Vách đất dán giấy dó cũng đã ố màu.

Căn nhà đơn sơ chỉ có một phòng khách và một phòng ngủ. Duy Hiếu đành nằm chung giường ông lão. Qua câu chuyện phiếm trước lúc chìm vào giấc ngủ, Duy Hiếu kể rõ thân thế mình cho ông lão nghe. Ban đầu ông lão còn giữ kẽ, sau dần nghe rõ sự tình hoàn cảnh của Duy Hiếu, ông lão đâm ra cảm mến, có phần xót xa. Thế rồi ông lão cũng đem sự thể về thân phận mình mà bày tỏ cùng Duy Hiếu.
Ông lão vốn là hậu duệ của Hồ Quý Ly. Sau khi nhà Minh thâu tóm Đại Ngu chúng đã vơ vét hết của cải đem về phương Bắc, đồng thời thi hành chính sách ngu dân. Chúng ra lệnh cho khắp chốn muôn nơi lùng sục đốt sạch sách vở của người Việt, nhằm chôn vùi nền tảng văn hóa trong âm mưu đồng hóa người Việt. Những người mang họ Hồ bị chúng lùng tìm và giết sạch. Để thoát nạn tận diệt, con cháu họ Hồ đành đổi sang họ Nguyễn, chia nhau phân tán tứ phương. Ông lão vốn là Hồ Hán Long con cháu của Hồ Hán Thương nay đổi thành Nguyễn Sĩ Cư. Nghĩa là tay ẩn sĩ họ Nguyễn.

Hai người say sưa trao đổi qua lại, chả mấy chốc mặt trời đã ló rạng phía đông. Ánh nắng chan hòa xuyên qua khung cửa chiếu vào nhà, khiến cho những đồ vật vốn đã cũ kỹ càng nổi bật vẻ tiêu điều hoang phế.
Ông lão họ Nguyễn trở dậy đun nước pha trà mời Duy Hiếu:
-Xin mời anh dùng tạm chén trà cho ấm bụng rồi hẵng lên đường. Đêm qua làm anh mất ngủ khiến lão đây áy náy quá.
Duy Hiếu nhấp ngụm trà:
-Xin lão trượng đừng nói vậy, câu chuyện của lão trượng khiến vãn bối đây cảm kích vô cùng. Những gì lão trượng kể đã phần nào đánh thức tâm trí mê muội bấy nay của vãn bối. Hẳn từ nay vãn bối phải suy nghĩ lại con đường mình đang đi.
-Giữa thời tao loạn lánh đời cũng là điều dễ hiểu của những tay kiệt liệt, tuy nhiên nếu có thể đem thân giúp ích gì cho đời còn thì tốt hơn vạn lần. Ông lão nhìn sương sớm bảng lảng bay ngoài sân, khẽ nói.
-Vâng, vãn bối sẽ suy nghĩ về những điều lão trượng chỉ dạy.
Cúi chào ông lão, Duy Hiếu lên đường. Buổi sớm không khí trong lành, tâm trí Duy Hiếu bỗng thấy bình yên hơn giữa khung trời cao rộng.

***

Duy Hiếu ôm chai rượu vừa đi vừa lè nhè:
-Nhân sinh là thớt trời là dao!
Qua cánh đồng gặp lão nông đang nằm, Duy Hiếu cười:
-Đây, minh chứng hùng hồn.
Lão nông lấy chiếc nón ra khỏi mặt vừa phe phẩy quạt vừa ngâm:
-Đất là chiếu trời là màn
Tháng ngày tận hưởng thú tiêu dao
Thương thay bao kẻ ôm hoài bão
Một đời quanh quẩn giữa lao đao!
Duy Hiếu lặng lặng bước đi. Lão nông lại lấy nón che mặt, vẫn nằm nghe gió trưa trườn qua đồng lúa, ngâm tiếp:
- Bất chí cùng thời
Làm thân trâu ngựa
Vận nước suy đồi
Về đâu về đâu…

Duy Hiếu ngoảnh đâu nhìn về phía sau. Con đường bụi bay mờ mịt. Tiếng chim từ xa vọng lại thảng thốt, bất giác gã rơi lệ…
Lão nông lại ngâm:
– Thiên hạ nằm say ngủ
Ta biết thức cùng ai
Ôi tháng rộng năm dài
Ôm hận lòng tê tái
Thương non sông một dải
Trong tay lũ hung tàn
Ôi ngàn năm huyết sử
Ngoảnh đầu nhìn nát gan…

Duy Hiếu nhấn bước nhanh hơn. Xa xăm cuối trời có sấm. Bao giờ thì trời đổ mưa?

***

Duy Hiếu cứ lang thang mãi từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu hắn cũng nhìn thấy cảnh dân chúng bị hà hiếp, lũ quan chức thì mũ cao áo rộng xênh xang. Những miền quê nghèo người già cũng phải nai lưng làm việc, trẻ em thì không được đến trường.
Một chiều nọ, Duy Hiếu đến bên một bờ sông. Sông không cầu, hắn ngồi xuống bãi cỏ đợi đò. Một lát từ phía sau bụi lau lách vang lên tiếng ca ngư phủ rồi một chiếc đò từ từ lướt tới, chèo đò là một ông lão râu dài.

-Sông mênh mang nước mênh mang

Xuân ngời sắc biếc, thu vàng, trăng thanh
Mây lưng trời trái đầu cành
Chim ca đỉnh núi cuối gành gió ru
Cõi trần vụng dại đường tu
Đò hèn một mái ngao du sông hồ
Trắng đen hai chữ cơ đồ
Bịt tai nhắm mắt mặc trò đảo điên.
Dứt lời ca, đò cũng vừa cập bờ. Ông lão nhìn Duy Hiếu mỉm cười:
-Khách định qua sông chăng?
-Vâng. Xin phiền cụ. Duy Hiếu đáp.
Ông lão ép sát đò vào bờ cho Duy Hiếu bước xuống. Đò rời bờ nhẹ nhàng lướt đi. Ông lão cởi nón để lộ khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ với hàng lông mày bạc trắng, đôi mắt đượm nét u hoài.
Hai người cứ im lặng như thế, mặc tâm trí trôi theo con đò bập bềnh. Thời gian chừng độ tuần trà, ông lão rút vò rượu bên hông tu một ngụm, khà một tiếng, chép miệng ngâm:
-Trời rộng đất rộng
mà mình đành giam cầm chí lớn
Cỏ còn biết đau
Đá còn biết khóc
Mà người đời cam phận vô tri
Ta là ai
Người là ai
Rồi cũng thành nấm mồ xanh cỏ dại

-Thơ hay quá, đau quá. Duy Hiếu thốt lên, giọng bùi ngùi.

Ông lão trao vò rượu cho Duy Hiếu:
-Uống đi anh bạn, chúng ta chỉ là khách vãng lai nơi trần thế, đời u ám, người đời thì khư khư giữ lấy tấm thân phàm tục của mình. Chúng ta đau làm chi uất phẫn làm chi, âu là cứ như cánh chim kia ngày cưỡi gió rong chơi, tối ôm trăng sao nằm ngủ.
Duy Hiếu nhận lấy vò rượu tu một hớp, nước mắt trào ra theo rượu chảy vào miệng, rượu nồng nước mắt mặn, quặn thắt tâm can.

Nắng chiều lênh loáng mặt sông, xa xa từng đàn chim giang cánh bay về tổ. Con đò đã ra đến giữa sông, gió dìu dặt đùa giỡn hàng lau lách. Ông lão nhìn chim bay, lòng dường như dâng lên một cảm xúc thầm kín nào đó, bất giác thở dài, miệng lẩm nhẩm “Góc thành nam lều một gian/ No nước uống thiếu cơm ăn”. Ngừng lát, lại lẩm bẩm “Ải Nam Quan hận ngút ngàn, trả xong nợ nước thù nhà ngỡ sống trong cảnh thanh bình, ngờ đâu phải chịu cảnh tru di tam tộc, có nỗi oan nào to lớn hơn chăng”. Ông lão mở vò đổ rượu xuống sông, bàn tay rung rung có vẻ đang vô cùng xúc động.
Duy Hiếu thoáng nghe những lời của ông lão, giật mình hỏi :
-Lẽ nào cụ là Ức Trai tiên sinh? Lẽ nào Ức Trai còn sống trên đời? Vậy vụ thảm sát năm xưa đã có người chết thay Ức Trai?
Ông lão quay lại nhìn Duy Hiếu, cười hiền từ:
-Tôi không phải Ức Trai anh bạn à, mà cho dù tôi là Ức Trai thì chuyện xảy ra hơn hai trăm năm rồi, liệu tôi có còn sống được đến giờ?
-Vậy cụ là hậu duệ Ức Trai? Duy Hiếu hỏi.
-Không, tôi chỉ là tay chèo đò kiếm ăn lần hồi trên bến sông này thôi. Chẳng qua ngày xưa tôi từng được nghe cha kể về nỗi oan khiên khiến trời sầu đất thảm của Ức Trai, từ đó tâm trí tôi luôn hằn sâu nỗi cảm thông cho số phận vì sao Khuê của non sông này. Hôm nay chính là ngày mà năm xưa gia tộc Ức Trai bị tru di. Năm nào tôi cũng lấy chén rượu nhạt tưởng nhớ anh linh của người xưa. Một đời vì dân vì nước như Ức Trai cuối cùng cũng bị bọn gian thầm hãm hại. Ngẫm lại chúng ta nếu may mắn đỗ đạt làm quan mà sống trong cảnh vua tối dân hèn muôn sự bị bè lũ gian thần thâu tóm thì thử hỏi với hai bàn tay, chúng ta liệu có thể xoay chuyển nổi cơ đồ?
Xưa Trương Lương giúp Lưu Bang dựng nên nhà Hán xong, rũ áo quan trường mà quy ẩn để giữ lấy mình. Thiên hạ có kẻ nói Lương hèn nhưng họ làm sao hiểu Lương lý do Lương làm thế. Bởi lẽ cái chí của Lương là muốn yên thiên hạ chứ nào xem phú quý ra gì. Vả lại, Lương đã sớm nhìn thấy tâm địa dơ hèn của Lưu Bang, chẳng chóng thì chầy Lưu cũng giở thói “được cá bẻ đăng”. Giá như Ức Trai cũng làm như Lương, rũ sạch mùi danh lợi triều ca, đừng tiến Thị Lộ vào cung thì sự việc có thể đã khác.
-Vâng, cảm ơn cụ vì những lời vàng ngọc. Duy Hiếu nói.

Đò đã cập bờ Nam, ông lão ép sát bờ cho Duy Hiếu bước lên, Duy Hiếu trả tiền rồi cúi mình chào lặng lẽ bước đi, trên trời sao thưa vẫn nhấp nháy giữa trăng sáng gió thanh. Tiếng chèo khua nước lẫn tiếng ca ngư phủ dần xa bờ, loãng tan trong màn đêm.

Duy Hiếu đi mãi, đi mãi, phía trước mênh mang đồng cỏ, chân trời xa xăm thăm thẳm… Ngày mai mưa hay nắng, đã sắp cuối thu rồi… Năm nay liệu mùa đông có lạnh… Cõi đời bao giờ mới chan hòa nắng ấm…

Duy Hiếu đi mãi đi mãi dưới vầng trăng dần tái nhợt. Xa xa tiếng ca của ông lão chèo đò vẫn văng vẳng trên bến sông
漫成其一

眼中浮世總浮雲,
蝸角驚看日晉秦。
天或喪斯知有命,
邦如有道亦羞貧。
陳平自信能為宰,
杜甫誰憐已誤身。
世事不知何日了,
扁舟歸釣五湖春。

Dịch nghĩa:

Nhìn vào cuộc thế đều là mây nổi cả
Sợ thấy cảnh Tấn Tần tương tranh hằng ngày như chuyện sừng ốc sên
Khi Trời đã bỏ mất nền tư văn tất có mệnh
Nước có đạo đức mà nghèo thì cũng xấu hổ
Trần Bình tự tin có thể làm tể tướng
Đỗ Phủ ai ngờ bị lầm lẫn mà thân phải khổ
Việc đời không biết ngày nào xong
Chèo một con thuyền nhỏ về câu cá mùa xuân ở Ngũ Hồ (là tốt).

Mạn thành (I) kỳ 1

Nhãn trung phù thế tổng phù vân,
Oa giác kinh khan nhật Tấn Tần.
Thiên hoặc táng tư tri hữu mệnh,
Bang như hữu đạo diệc tu bần.
Trần Bình tự tín năng vi tể,
Đỗ Phủ thùy liên dĩ ngộ thân.
Thế sự bất tri hà nhật liễu,
Biển chu quy điếu Ngũ Hồ xuân.

(Thơ của Ức Trai)

***

Sau những tháng ngày phiêu du khắp đất nước, Duy Hiếu trở về quê cũ kiên tâm dùi mài kinh sử quyết lên kinh ứng thí, mong đỗ đạt làm quan.

“Muốn giúp đời âu chỉ còn cách lao vào chốn quan trường”. Duy Hiếu học quên ngày quên tháng. Tháng 3 năm 1655, Duy Hiếu một mình một tay nải trèo rừng vượt núi lên kinh thành dự thi. Chuyến đó bài thi của Duy Hiếu được chấm đầu bảng. Hiếu được vua cho vào chầu kiến trước bệ rồng.

Đang hăng câu chuyện quân thần, Duy Hiếu đem hai mươi bốn điều minh trị đất nước đã ấp ủ bấy lâu sang sảng đọc lên trước mặt vua và triều thần. Vạch tội những kẻ quyền nghiêng thế lệch tàn hại non sông. Chỉ ra những sai lầm kém cỏi của triều đình. Vạch luôn những tội lỗi của triều đình với tiên tổ.

Buổi chầu đó, cả triều đình dậy sóng. Các quan kẻ đỏ mặt dựng râu, kẻ uất khí hộc máu, kẻ điên tiết gầm rú. Đức vua thì mắt long sòng sọc, bệ rồng nổi lửa, lệnh cho binh lính lôi Duy Hiếu ra trước Ngọ Môn chém đầu.

Duy Hiếu giằng co, thoát khỏi tay bọn lính, rồi cởi hết áo quần, lao xuống ao sen móc bùn đất bôi đầy mặt, khóc cười ngơ ngáo. Vua lệnh cho quân nhảy xuống, quyết lôi lên trị tội. Duy Hiếu vốn sinh trưởng ở miền sông nước nên thông thạo thủy tính, nghĩ ra kế lặn sâu xuống nước, tẩu thoát theo đường hào nước ra tới sông Hồng.

Từ đó Duy Hiếu cào nát mặt, thay tên đổi họ sống chui lủi trong dân gian. Năm 1680 bấy giờ triều đình đã đổi vua, lệnh tróc nã Duy Hiếu cũng đã chìm vào quên lãng. Duy Hiếu tìm về làng Cổ Định che tạm gian nhà lá làm trường dạy học. Chẳng mấy chốc tiếng lành đồn xa về ông thầy dị tật ở mặt rất có tài dạy chữ. Rất nhiều kẻ tìm đến xin vào trường. Bấy giờ Duy Hiếu cũng đã nguôi quên nỗi đắng cay thời trẻ, không còn đau vay khóc mướn cho đời, ngày hai bữa sau giờ dạy yên yên ổn ổn với thú điền viên.

Một hôm rảnh rỗi, Duy Hiếu cùng học trò đi câu cá giải buồn. Trong khi chờ cá cắn câu, một đứa học trò hỏi Duy Hiếu:
-Thưa thầy, con nghe thiên hạ nói ngày xưa thầy học rất giỏi, từng nuôi chí ra làm quan giúp đời, sau vì chán ngán cảnh non sông tàn tạ mà từ bỏ ước mơ quan trường trở về làm nghề gõ đầu trẻ, có phải không?
Duy Hiếu đáp:
-Chuyện xưa rồi, nhắc làm chi cho đau đớn… Rồi thở dài, tiếp: Mà kể ra ta không thi đỗ làm quan cũng là sự may mắn cho ta, cho dân chúng. Nếu thành công trên hoạn lộ, chắc gì ta giữ được lòng thanh sạch. Quan trường là chốn thị phi, ta lại là kẻ nhu nhược, biết đâu ta chẳng hùa theo mà hà hiếp dân lành.

Cần câu động đậy, Duy Hiếu mừng rỡ giật lên. Đầu lưỡi câu, một con cá chép vàng ươm.
Duy Hiếu gỡ cá cho vào giỏ, mỉm cười:
-Câu cá đúng là nhẹ nhõm an tĩnh hơn gấp vạn lần câu danh lợi.
Lũ học trò nghe Hiếu nói thế, có kẻ không hài lòng, hỏi lại:
-Phải chăng thầy đang nhắc khéo chúng con chớ nghĩ chuyện đỗ đạt làm quan?
Duy Hiếu cười:
-Trước ta gặp một ông lão lái đò, ông nhắc ta đừng đem chuyện cơ hàn ra bàn trước mặt kẻ sang, đừng đem chuyện chính trị bàn với phường khiếp sợ cường quyền, đừng đem chuyện tu đạo bàn với kẻ phóng túng phong lưu… Quả thật là thấu hiểu tâm địa con người lắm vậy. Ta nay mới chớm vài câu chuyện câu cá mà con đã khó chịu như thế, e rằng con thành tài làm quan cao lộc lớn chắc sẽ khó mà giữ được mình. Sống trên đời đừng hiếu thắng chấp mê, nghe người khác nói hãy ngẫm kỹ rồi hẵng đối thoại. Người xưa nói nhai cơm mười lần, lựa lời trăm bận.
Ta thật không có ý khuyện các con từ bỏ ước mơ quan trường, chỉ muốn các trò đừng quá cưỡng cầu điều đó. Nếu được thì quý, không được thì hãy rút lui. Làm người miễn sao tâm an lòng thanh thản, hai chữ danh lợi chẳng khác gì nơi sông lớn vực sâu, không cẩn thận thì thân bại danh liệt.

Lũ học trò nghe hầy nói, cúi đầu suy ngẫm. Cần câu lại rung, Duy Hiếu lại giơ thêm một con cá chép.
Duy Hiếu cười:
-Giá như câu sự yên bình cho thiên hạ cũng dễ dàng như ta câu cá thì hay biết mấy.
Nói rồi lại buông cần, gió chiều dìu dịu giỡn mặt sông.

Năm 1695, một hôm trời dông gió đổ cơn mưa lớn. Đang đêm, Duy Hiếu một mình nón lá áo tơi ra sông Yên. Đang men theo bờ sông bỗng gió lớn nổi lên, nước sông dâng cao. Duy Hiếu ngã xuống sông, bị nước cuốn trôi.

Sáng hôm sau học trò và dân làng hốt hoảng đi tìm, ba ngày sau mới thấy xác Duy Hiếu phía thượng nguồn dòng sông. Nước lũ đã cuốn Duy Hiếu ngược dòng. Khi vớt xác Duy Hiếu lên, trong tay Duy Hiếu vẫn nắm chặt mảnh giấy đã bị nước làm mờ:

Trót sinh con nhà khó
Cha mẹ sớm qua đời
Anh trai đà chết trận
Chị gái thác tay quan
Miệt mài thân gió bụi
Ôm mộng cứu giúp đời
Nào hay đời đen tối
Uổng ngày tháng châm đèn

Khi khâm liệm xong, xác Duy Hiếu chuẩn bị bỏ vào quan tài. Bỗng nhiên, người Duy Hiếu nảy lên mấy cái, mồm trào đầy máu. Bên ngoài trời nổi sấm rồi mưa như trút.

Trận mưa ấy kéo dài năm ngày mới tạnh.

Tháng 2 năm 2018- Rút từ bản thảo Đại Nam Thần Quái Truyện