Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Trời xanh, nắng trong và cỏ êm

Trương Quang
Văn Việt vừa nhận được tập truyện ngắn Bên kia hồ là gì? của anh Trương Quang.
Xin trích từ Tự sự của một người làm vườn già:
“Từ lúc biết suy nghĩ, tôi đã nhận thức là bản thân mình không hoàn hảo về nhiều phương diện, cả thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, tôi luôn luôn cố gắng không suy tưởng và hành động quá sức của mình. Sự nhận biết về bản thân đó đã trở thành một cái bóng đen định mệnh, luôn luôn theo sát tôi, bao phủ tôi suốt cả cuộc đời… Tôi không mạnh mẽ lắm về tinh thần, thậm chí nhu nhược và ươn hèn. Sự yếu kém này thường được “tô màu” như một điểm mạnh, dưới cái nhìn “nhân bản”. Tôi có thể được xem như một kẻ “thương người”, nhưng không đủ can đảm để có thể đương đầu với những trường hợp nhỏ nhặt, hầu giúp thay đổi những phận đời ngang trái, trong mối quan hệ đời thường giữa Người với Người…

…Tập truyện ngắn này được thu góp lại khi người viết đã đi qua hết một quãng đường rất dài so với bình thường. Nhưng rà soát lại kỹ càng cũng không thấy có gì đáng kể trong lòng hai bàn tay, để có thể tự hào hay nuối tiếc với chính mình hay với người đời. Nhưng đó là một chuyện rất cá nhân của một người làm vườn già, hằng ngày cố trầm mình xuống, sống hòa mình giữa cây cỏ, rau trái hiền lành và trời đất bao la, rộng lượng.
Mỗi người sinh ra trên trái đất đều có một số kiếp và cuộc sống riêng như đã được xếp đặt cho mình. Nhưng có quá nhiều mảnh đời còn bị che lấp, không được soi rọi, chan hòa dưới ánh sáng mặt trời chung. Tôi viết về họ như đã thấy, nghe và cảm nhận với một lòng kính trọng và chân tình, để cùng chia sẻ một số phận với họ (2000-2019)”.
Anh Trương Quang không nhận mình là nhà văn (có lẽ vì anh “viết văn tay trái”), nhưng việc có là “nhà văn” hay không, tùy thuộc vào tác phẩm của anh. Chúng tôi sẽ tuần tự giới thiệu tập truyện này với các bạn.
VĂN VIỆT
imageTrương Quang sinh ra ở Huế, học ở Trung học Phan Châu Trinh - Đà Nẵng và Pétrus Ký - Sài Gòn.
Tốt nghiệp Ban Đốc sự và Cao học - Học viện Quốc gia Hành chánh - Sài Gòn.
Làm việc ở Định Tường, Quảng Trị và Sài Gòn.
Du học Hòa Lan ở Institute of Social Studies (ISS), The Hague và Vrije Universiteit (VU) - Amsterdam.
Làm việc ở IBM Netherlands (Amsterdam - Hòa-Lan) và IBM Europe (Paris - Pháp)
Dạy học ở Asian Institute of Technology (AIT), Bangkok - Thái Lan và Maastricht School of Management (MsM) - Hòa-Lan.
Hiện anh đã về hưu, làm vườn.
Anh chọn địa điểm này vì từ chỗ anh ngồi mở ra một không gian xanh và yên tĩnh như được bứng ra từ một vùng quê thanh vắng ở ngoại thành, đem về đặt giữa những con đường ngắn nhưng lúc nào cũng ngợp bóng râm từ những hàng cây dày, cao và xanh ngắt. Những cây sao khẳng khiu vượt khổ thông thường, cùng với những chòm lá xanh ở đỉnh chóp như đẩy bầu trời thêm cao hơn.
Vào thời điểm anh ngồi xuống chiếc ghế mây trên thềm quán được nâng cao hơn mặt đường, nắng cũng bắt đầu tăng độ, rộn ràng trong nền màu vàng nâu sáng, toát ra từ ngôi thánh đường nằm ở phía bên kia công viên. Khoảng gần vào trưa, bãi cỏ xanh mượt mà, trải dài dọc theo ba con đường ngắn vòng quanh trước mặt quán như tỏa hơi mát, giúp anh tạm quên bầu không khí đặc quánh vì nắng nóng và khói bụi.
Chính ở nơi đó, anh đã tìm lại được một khoảng trời xanh, một mảng nắng trong và một vùng cỏ êm của những ngày tháng bình yên cũ.  
*** 
Trước ngày mẹ mất, anh chỉ có một con đường để theo hằng ngày. Con đường độc đạo như tia nắng sớm xuyên qua mái nhà mỗi sáng vào lúc bảy giờ, chiếu một đường sáng dọc theo con hẻm và chấm dứt ở đầu ngõ. Hằng ngày, anh đẩy chiếc xe nhôm hai bánh như thầy Mẫn Tử trong Quốc văn giáo khoa thư (“Thầy Mẫn tử rất đường hiếu nghĩa…”), đưa mẹ ra ngồi ở cái quán bán-đủ-mọi-thứ-hằm-bà-lằng, gọi một ly cà-phê-sữa-mười-ngàn-đồng, nhưng hầu như không bao giờ uống. Ly cà-phê nồng mùi đậu-nành-rang-cháy-khét-có-mùi-bít-tất và sữa-đặc-Ông-Thọ, ở cuối chiếc ly màu xanh không còn trong suốt, đã ngả màu vàng, nhưng anh không màng.
Anh ngồi ở đó mỗi sáng không sót một ngày nào, chỉ để có những giây phút được gần gũi mẹ. Mẹ anh không uống gì từ quán. Bà thường ngồi lặng lẽ, tay vầy vò một mảnh vải đã nhàu nát, thỉnh thoảng nhắp chút nước-nóng-pha-mật-ong (có khi là loại sâm trồng ở Wisconsin anh mang về) từ chiếc bình sữa nuôi hài nhi, được anh đưa vào tận miệng cho bà. Có lúc mẹ anh ngẩng mặt lên một chút, hướng đôi mắt-như-nhìn-vào-khoảng-không về phía anh, khi anh dùng khăn lau những giọt nước miếng ứa ra từ đôi môi khô khốc như quả trám phơi lâu ngày dưới nắng. Những lần như thế, lòng anh rộn ràng một cảm giác khó tả, không hẳn thương cảm, mà một chút tri ân. Tri ân vì anh đã có được những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi với mẹ, rất riêng tư, giữa một nơi chan hòa ánh sáng mặt trời, ồn ã tiếng động và ngập ngụa bụi bặm trong một khu dân cư lao động, nơi gia đình anh đã sinh sống qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời. Anh và mẹ là những người duy nhất còn lại trong gia đình.
Vào những ngày cuối cùng, mẹ anh đã khá mệt, không thể tự giữ thẳng người trên xe đẩy, anh đã định cõng mẹ ra quán như mọi ngày, nhưng không còn kịp nữa. Mối gần gũi hàng ngày bị cắt đứt đột ngột và vĩnh viễn như một cuống rốn bào nhi từ bụng một sản phụ, sau một thời gian dài nuôi dưỡng. Mặc dù mẹ anh không ra đi bất ngờ, anh đã sống những ngày bồng bềnh trong không gian vô trọng lực. Có khi anh phải dùng đến những viên Risperdal và Sertraline để khống chế những cơn xung động đột ngột, trầm cảm và thao thức mỗi đêm.
Những ngày sau đó anh như một kẻ mộng du, bắt đầu rời nhà từ sáng sớm, đi dọc theo con hẻm đến đầu ngõ, chào hỏi đầy đủ mọi người, nhưng không dừng lại ớ cái quán đã ngồi với mẹ khi bà còn sống. Anh tíếp tục băng qua đường, hòa vào đám đông tập thể dục vào buổi sáng ở công viên như một con kiến thợ nhập vào dòng chính đang di chuyển theo một qui trình nhất định, rồi băng qua con đường đối diện cửa hông phía đông ngôi chợ trung tâm. Từ đó, anh thanh thản đi qua những con đường ngắn, vắng xe cộ và ít tiếng động hơn, với cái đầu rỗng không, cho đến khi tình cờ dừng lại ở một vùng không gian màu xanh như thể thình lình rơi xuống từ trời cao. Giữa một con đường ngắn, cái quán nhỏ xinh xắn như một ngôi nhà mẫu được đặt trên nền cao trông ra khoảng xanh ấy. Đó là điểm cuối của con đường thứ hai anh vẫn men theo hằng ngày, trong vô thức, sau ngày mẹ mất.
Anh không uống cà-phê buổi sáng ở cái quán đó, mà chỉ gọi một ly trà Lipton nóng, và bao giờ cũng ngồi ở chiếc ghế ở góc trái cạnh mép đường, đưa mắt bâng quơ dõi theo những hoạt cảnh diễn ra trên cái khoảng xanh rộng bên kia đường. Anh ngồi như thế hàng giờ nhưng không chú tâm nhìn cái gì cả. Cũng có lúc anh tò mò ngắm người nghệ sĩ già, chiếc mũ da màu nâu rộng vành che hết mặt, mơ hồ nghe những nốt vĩ cầm lạc lõng như tiếng khóc của một hài nhi èo uột, đang cố gào lên giữa rừng xe-cộ-âm-thanh hỗn tạp. Anh thích và quí trọng ý nghĩ tốt đẹp của người nghệ sĩ già, nhưng thường quay mặt, đảo mắt về hướng khác, như một người đang mỏi mòn tìm về một cõi bình yên, nhưng hoài hũy vẫn chưa thấy.
***
Sáng nay khi anh bước lên thềm quán thì đã có một cô gái ở chiếc ghế anh thường ngồi. Người hầu bàn cho biết cô là khách quen, nhưng tuần qua không thấy ghé quán như thường lệ. Từ một khoảng cách xa, anh không nghe được người bồi bàn trẻ nói gì, chỉ thấy anh ta chỉ tay về hướng anh và cô gái gật đầu như đồng ý. Anh tiến đến, bối rối vừa xin lỗi vừa cám ơn, trước khi kéo ghế ngồi xuống, tế nhị giữ một khoảng cách giữa hai chiếc ghế.  Cô gái ngẩng đầu lên nhìn anh như chào trả, rồi lại quay mặt nhìn qua phía bên kia con đuờng.
Cô gái cũng có thói quen giống anh. Trước mặt cô là một ly trà Camille-tẩm-mật-ong vẫn còn nguyên vẹn. Cô ngồi lặng lẽ với cái nhìn-mà-như-không-thấy-gì và nghe-mà-như-không-nghe-gì những hoạt cảnh diễn ra trên những thảm cỏ xanh ở công viên bên kia. Sáng nay, ngoài người nghệ sĩ vĩ cầm, còn có thêm một thanh niên với cây đàn Tây ban cầm và vài cô gái trẻ bao quanh. Anh bắt chuyện, dè dặt:
“Cô vẫn thường ra ngồi ở đây à?”.
Không thấy cô gái trả lời, anh ngượng ngập lặp lại câu hỏi và ngạc nhiên thấy cô đưa tay chỉ vào miệng và tai, rồi xoay hai bàn tay nhiều lần theo chiều đồng hồ và ngược lại. Thấy anh ngơ ngác, cô gái viết vội vàng trên mặt sau của mẩu giấy hóa đơn, đẩy về phía anh.
“Tôi là Hồng”. Cô gái dùng tay chỉ vào má đang ửng hồng trong nắng sớm của mình. Nét chữ thon, hơi nhạt nhưng mềm mại như dáng vẻ bề ngoài của cô.
Mặt anh đỏ bừng, xấu hổ vì sự xuẩn ngốc và vụng về của mình. Một vài phút trôi qua, anh vẫn không biết phải phản ứng thế nào cho thích hợp. Chính anh lại là người tự dưng trở thành khuyết tật, không phải cô gái trước mặt.
Anh ấp úng: “Vâng”, và ngay lập tức lại tự thấy mình vô duyên vì biết chắc chắn cô gái sẽ không nghe được. Cuối cùng, chính cô gái lại cứu anh ra khỏi tình trạng bối rối. Cô viết:
“Anh có đtdđ không?”.
Anh ghi thật gọn 10 con số trên phần còn lại trên tờ hoá đơn nhỏ không còn chỗ trống. Cô gái tiếp tục chăm chú nhìn hoạt cảnh giao lưu nhạc trên công viên, khuôn mặt hơi nâng cao lên, như một đoá hoa hướng dương hướng về mặt trời. 
“Họ đang chơi bản gì vậy?”. Cô gái gõ vào máy.
Trở về mái nhà xưa (Torna a SorrentoCome back to Sorrento)”. Anh viết trả lời.
Tự dưng, sâu thẳm trong anh một niềm đau xót từ một vết thương chưa kịp kéo da non lại bị xé toang ra khiến mắt anh nhạt nhòa, không kịp ngăn chặn.
Cô gái yên lặng nhìn anh, rồi hai ngón tay thoăn thoát trên bàn phím nhỏ.
“Anh vừa mất một cái gì thân yêu lắm hả?”.
Ngạc nhiên về trực cảm nhạy bén của người con gái chỉ vừa mới quen biết, anh thành thật:
“Mẹ tôi. Tuần rồi”.
“Anh đến đây để tìm quên à?”.
Anh đọc và bấm máy trả lời.
“Không. Tôi đang đi tìm một không gian yên tĩnh cho mình”.
Anh kín đáo nhìn khuôn mặt thanh tú, không phấn son của cô gái. Màu da mặt nhạt nhòa với phần má hồng nổi bật, ửng lên khi trả lời câu hỏi ngược lại của anh.
“Tôi yêu khoảng trời xanh, nắng trong và cỏ êm ở đây”. Và như để tăng lòng hiếu kỳ cùa anh, cô gái thêm:
“Tôi vẽ. Cần ánh sáng và màu sắc thật”.
Họ ngồi như thế, trong một khoảng cách vừa phải, cùng nhìn sang bên kia đường như lắng tai nghe bản hòa tấu não nề phát ra từ phía công viên. Những nốt nhạc vĩ cầm nâng cao, réo rắt đi thẳng vào tim người, khiến buổi sáng hôm ấy thấm đẫm những niềm vui mơ hồ, nhỏ, rất người.
Trước mắt anh, cô gái chống cằm, đầu nghiêng nghiêng dõi mắt sang bên kia đường, như chăm chú lắng nghe. Anh có cảm giác như tấm thân mong manh trước mặt rung lên trong một cảm xúc tận cùng; một sự thông giao kỳ diệu giữa người và nhạc, không qua giác quan thông thường.
Chiếc smartphone trên bàn bỗng rung lên và xoay nhiều vòng. Cô gái nhặt lên, đọc và viết cho anh. “Tôi phải về. Chào anh”, rồi với tay lấy mẩu hóa đơn trên bàn, nhưng anh ngăn lại. Một chút cảm giác lạ lẫm từ va chạm rất nhẹ và ngắn ngủi trên những đầu ngón tay. Cô gái mỉm cười như cám ơn anh, bước ra khỏi quán, vừa đúng lúc một chiếc xe gắn máy dừng lại sát lề đường. Cô gái ý tứ vén thân áo, ngồi xuống yên sau. Những đốm nắng từ vòm lá sao trên cao như kết thành tinh thể rơi xuống đột ngột trước mặt anh, khi cô gái vòng tay ôm và ngả đầu áp sát vào lưng người thanh niên.
Trong một thoáng, vạt áo trắng của người con gái như hòa lẫn vào màu áo xanh của người thanh nhiên. Đến cuối đường, chiếc xe chợt dừng lại. Anh thấy cô gái hấp tấp mở chiếc túi xách tay của minh. Chiếc smartphone nổi nhạc rộn rã trong túi anh. Anh đọc vội những dòng SMS ngắn ngủi của cô gái.
“Xloi quen gthieu em trai”. 
Anh chậm rãi đọc lại mẩu nhắn tin một lần nữa, rồi ngửa nguời nhắm mắt, ấn mình sâu vào lưng ghế hài lòng, tự mỉm cười một mình.
***
Ngày hôm sau và những ngày kế tiếp, cả hai không ngồi riêng rẽ nữa, mà cùng chia cái bàn tiền định. Cô gái bao giờ cũng trang phục màu trắng, thanh thoát nhưng kín đáo. Khi nắng tăng độ trải những mảng sáng rộng xuống thềm quán, cái màu trắng phủ quanh thân thể mỏng manh của cô gái, như tan loãng vào trong màu nắng vàng ngọt rượu bồ đào, mơ hồ như trong truyện thần thoại. Anh không biết nhờ phép nhiệm mầu nào mà chỉ qua ngôn ngữ ký hiệu(NNKH) đơn sơ và những dòng bút đàm’ngắn, anh đã hiểu được khá rành rẽ về cuộc đời của cô gái.
Hồng được sinh ra như một hài nhi bình thường, nhưng vào năm khi cô bắt đầu bập bẹ những tiếng nói đầu tiên trong đời, mẹ cô đã phải chọn giải pháp chữa trị cuối cùng để cứu sống con khỏi căn bệnh dịch tả đang lan tràn, đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ con trong vùng. Hồng qua được cơn nguy kịch, nhưng sau đó cô trở nên vô cảm với mọi việc xung quanh. Mẹ cô kể lại “Tôi làm vỡ một tấm cửa kính, làm rơi một cái ly ngay ở gần mà thấy con không phản ứng gì. Lúc đó tôi  mới hiểu ra lời cảnh báo của bác sĩ là đúng. Kháng sinh liều cao đã cướp đi khả năng phát âm của con và dần dần nó bị điếc luôn”.
Năm tám tuổi, Hồng được mẹ đưa vào Trường Hy Vọng ở thành phố để theo chương trình tiểu học đặc biệt dành riêng cho trẻ em khiếm thính/khiếm âm và sau đó tốt nghiệp trung học ở một trường chuyên biệt ở Đồng Nai do một trường đại học Mỹ thành lập và tài trợ. Từ hai năm nay, cô theo đuổi ngành hội họa ở trường Đại học Mỹ Thuật dưới Gia Định. Ngoài ra, Hồng còn tham gia biên soạn cuốn Tự điển Ngôn ngữ Ký hiệu (NNKH) và dạy ở các lớp ngôn ngữ này tại các câu lạc bộ cho người khiếm thính/khiếm âm. Thỉnh thoảng, Hồng còn đóng vai chính trong những vở kịch câm, diễn trong những dịp lễ lớn ở Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương của người khuyết tật đồng cảnh.
Hôm nay Hồng mang theo một tập bìa cứng và một cuốn tập nhỏ. Cô cho biết đã ở nhà suốt tuần trước để chuyển qua phấn mầu những bức phác họa các hoạt cảnh ở công viên bằng bút than trước đó. Hồng lẳng lặng chờ anh lật qua hết tập giấy đến trang cuối. Những mảng trời xanh, những cây sao cao vút và những bãi cỏ êm, như được phổ hồn, trở nên linh động trên những tấm croquis dưới mắt anh. Một vạt nắng lẻ loi vượt qua tháp giáo đường cao, đổ xuống mặt bàn hai người đang ngồi những chùm hoa vàng lóng lánh, nhảy nhót như một vũ nữ đang xoay tròn chiếc váy sặc sỡ theo nhịp flamenco quay cuồng.
Anh khoe Hồng đã học được vài từ NNKH. Hôm qua sau khi rời quán, anh đã đi thẳng ra một tiệm Internet Café ở trung tâm thành phố, tìm hiểu thêm về ngôn ngữ đầy “sáng tạo” và “hoa mỹ” (theo một blogger) này. Đó là một hệ thống ngôn ngữ chuyên biệt, bao gồm những từ đã được mã hóa bằng tay và biểu cảm của cơ thể. Anh ghi nhận những điều tế nhị cần để ý trong khi đối thoại với người khiếm thính/khiếm âm và ngạc nhiên khi đọc biết có nhiều phiên bản NNKH khác nhau, ở mỗi thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn). Cách diễn đạt cũng khác biệt, chẳng hạn cùng chỉ một tĩnh từ “mầu hồng”, nhưng ở vùng miền Bắc thì xoa vào má (“má hồng”), còn ở phía Nam thì chỉ vào môi (“môi hồng”). Anh nhận ra rằng căn bản của NNKH là sự thành thật, giản dị và trực tiếp. Nhưng với sự hiểu biết còn rất hạn chế của anh, những ký hiệu đó vẫn còn quá mới mẻ, khiến anh e ngại có thể gây hiểu lầm khi dùng nó như một phương tiện trung gian để đối thoại với Hồng; một người con gái chỉ vừa mới quen gần một tuần nay.
Họ thường ngồi với nhau như thế gần suốt buổi sáng. Anh thì nói, còn Hồng thì ra dấu tay và thỉnh thoảng hí hoáy vài dòng trên tập giấy đã mang theo, hoặc bấm những mẩu tin nhắn ngắn vào chiếc smrtphone. 
Trên cái thềm quán không bao giờ vắng khách và tiếng nhạc rập rình thường xuyên, họ như ngồi giữa một vùng đất riêng biệt của mình. Cũng trong thời gian đó, anh nhận ra là mình đã tình cờ có thêm một niềm vui mới, dù nhỏ nhoi nhưng không mong manh. Từ một tuần sau khi gặp Hồng, mỗi đêm chiếc smartphone vốn nằm ngủ im lìm suốt ngày trong túi áo của anh, lại rùng mình nhận một tin nhắn ngắn của Hồng “Chúc anh ngủ ngon”. Mà thật, anh thấy mình ngủ ngon hơn, không còn cần những viên thuốc an thần như thường lệ.
***
Vào ngày cuối cùng, anh quyết định báo cho Hồng biết về chuyến đi xa vào ngày mai. Anh đã giao lại nhà của mẹ anh để lại cho người cháu gái, tạm chuyển về trú ở một khách sạn bên hông khu chợ trung tâm, đem bình tro của mẹ lên gửi ở một ngồi chùa bên Gia Định và phóng một tấm ảnh lớn của mẹ khi còn thanh xuân (mái tóc óng ả, vầng trán tinh anh, nhưng đôi mắt thật u buồn) cho vào va-li, sẵn sàng cho chuyến đi.
Hồng ngồi lặng im sau khi đọc, nhưng không hỏi tại sao. Sau vài phút im lặng, cô viết:
“Sau này, nếu muốn gặp nhau, nơi nào là điểm gặp gỡ thuận tiện nhất cho anh?”.
Câu hỏi của Hồng khiến anh liên tưởng đến một cuốn phim lãng mạn đã xem. Anh đùa:
Webcam sẽ thu ngắn khoảng cách, nhưng tôi phải học thêm vài ngàn chữ NNKH mới đủ để nói chuyện với cô được!”.
Hồng hào hứng khích lệ:
“Anh thử đi!”.
Thấy anh còn ngại ngùng, Hồng cười như đọc được ý nghĩ trong đầu anh.
“Anh sợ lầm “chết” với “yêu” phải không?”. Và cô nghiêng đầu, làm duyên, viết:
Yêu hay chết cũng đều là trạng thái “hồn lìa khỏi xác” thôi mà!” (gạch bên dưới và kèm ☺! ở cuối câu).
(Chú thích từ một blogger: động từ “yêu” và “chết” cùng sử dụng hai ngón trỏ để biểu đạt, nhưng chỉ cần sai vị trí là có thể gây hiểu lầm “chết người”!).
Anh kín đáo nhìn vào mắt cô gái vài giây, nhưng không đọc thấy gì sau đôi mắt màu nâu trong suốt. Anh rời ghế, hít một hơi thật sâu rồi bước ra giữa sân nắng, chậm rãi nâng hai cánh tay duỗi song song thẳng trước mặt, lần lượt tỏa về phía công viên, hướng lên phía trời cao, hạ xuống ngang tầm cây, mặt cỏ; rồi chụm những ngón tay lại như đầu những nụ sen, đặt lên phía trái, nơi trái tim anh đang ngủ bình yên. Anh giữ động tác cuối cùng một lúc lâu, mặt đỏ bừng vì sự vụng về và những biểu tả lạc điệu của mình.
Hồng cười rũ rượi. Chưa bao giờ anh thấy nụ cười của Hồng rạng rỡ đến thế. Nụ cười vô thanh như phát ra từ đôi mắt long lanh vì nắng và khuôn má ửng hồng. Cô nhẹ nhàng cầm lấy tay anh, mở ra và đặt vào đó một dòng chữ ngắn.
”Hồng cũng yêu không gian này. VÔ CÙNG!!!” (viết hoa).
Hôm nay không thấy người em trai đến đón chị như thường lệ. Anh ngỏ ý đưa Hồng về nhà, nhưng cô nhẹ nhàng từ chối. Cô cũng không tỏ vẻ bịn rịn khi anh đứng lên từ giã. Trong một cử động rất nhanh, cô rướn người, đưa tay khẽ chạm vào phía sau lưng anh, rồi ngồi xuống lẳng lặng nhìn anh bước đi. Khi ra khỏi quán rồi, anh mới nhớ ra đã quên cho Hồng biết tên và địa chỉ của mình.
Với cái đầu rỗng không, anh đi thẳng một mạch về hướng khách sạn, nghe loáng thoáng có tiếng chân nhẹ nhàng theo sau lưng, nhưng không quay đầu lại nhìn. Anh không màng đóng cửa khi vào phòng và cứ thế thả mình úp mặt xuống tấm trải giường trắng toát như một đám mây đầu mùa thu.
Chợt như có tiếng giày dè dặt lên cầu thang và dừng lại trước phòng, rồi đến sát bên giường anh. Anh quay người, nhìn lên. Hồng đứng yên lặng như một bức tượng trước mặt anh. Anh sáng nền sau lưng và màu áo trắng trinh nguyên dồn lại quanh khung cửa, như tạo một lực vô hình đẩy thân thể mảnh mai của Hồng về phía trước. Hai cánh tay và hai lòng bàn tay cô chụm lại quay về hướng trái tim của mình, rồi xòe ra, đưa về hướng anh. Khuôn mặt Hồng rạng rỡ. Căn phòng yên vắng lạ thường, không một động vọng nhỏ, nhưng anh vẫn cảm nhận rất rõ ràng từng tia nhói buốt phát ra từ tim mình.
Anh hiểu thông điệp giản dị phát ra bằng NNKH của Hồng và hạ mình gục xuống ôm chân cô như một con chiên phủ phục trước bệ thờ thiêng liêng trong thánh đường, mơ hồ nghe tiếng vải mỏng như tơ trời cùng với một mùi hương thanh khiết nhẹ nhàng phủ xuống từ thân thể cô gái.
Trong một khoảnh khắc hưng phấn mãnh liệt, anh có cảm giác đã tìm lại được cùng một lúc khoảng trời xanh, nắng trong và cỏ êm anh đã mê mải tìm kiếm.
2013