Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Thơ Trần Mộng Tú

VIÊN SỎI (Bài số 1)

Này anh trái mặt trời vừa chín
  rụng mùa hạ trên lưng bầy ong
  những bụi cúc trong vườn trắng xóa
  đang tỏa hương trên từng cánh thật cong

đến đây anh
  xem bầy thỏ dại
  những con mắt tròn như mắt bé thơ
  ngậm cọng cỏ trong vườn vừa thức giấc
  khua những con giun ra khỏi cơn mơ
  mùa hạ người ta yêu hơn một chút
  bởi mặt trời về làm ấm xương da
  và những giọt sương mang hồn biển cả
  trên những cánh chim cõng gió phương xa
  trên những cánh buồm căng tròn mơ ước
  đỉnh núi trên cao thả xuống đóa hoa

đến đây anh
  xem em rất lạ
  em thả tuổi mình vào bụi phấn hoa
  chúng sẽ bay xa bay hoài trong gió
  rơi vào vườn ai tìm mãi không ra
  em sẽ ở trong một khu vườn mới
  hoang mang bối rối nhìn xuống đổi thay
  em ước gì mình hóa thành viên sỏi
  lăn mãi trong đời tròn một vòng quay

đến đây anh
  mở bàn tay ra em tặng viên sỏi nhỏ
  để anh đi nốt chặng đường
  ấm áp riêng mang.
 
  tmt
  Mùa hạ 2009


VIÊN SỎI (Bài số 2)

Viên sỏi nhỏ sáng nay nhặt được
Trên con đường đi bộ
Viên sỏi tròn như bình minh

Cái trứng trong tay đang nứt vỏ
Hay vũ trụ cựa mình
Không biết nữa
Hay chỉ là hòn đá

Viên sỏi cất tiếng hát trong lòng bàn tay
Tiếng hát như cất lên ở chóp núi
Rồi lăn xuống những ngón tay
Những ngón tay đang nhảy múa
Có tiếng oa oa của em bé sơ sinh

Viên sỏi
Viên sỏi
Viên sỏi

Bình minh khẽ cựa mình.

tmt - 2019
7/7/2019


Hai Viên Sỏi

Phạm Xuân Đài

Buổi sáng chủ nhật 7 tháng 7, 2019 tòa soạn DĐTK [Diễn đàn Thế kỷ – Văn Việt] nhận được bài thơ Viên Sỏi vừa sáng tác xong của nhà thơ Trần Mộng Tú. Đúng 24 tiếng đồng hồ sau, vào sáng ngày 8 tháng 7, lại được điện thư của tác giả, báo tin vừa tình cờ tìm ra và gửi đến DĐTK một bài thơ khác làm năm 2009 cách đây đúng 10 năm, cũng có tên là Viên Sỏi.

Tác giả ngạc nhiên trước sự trùng hợp này. Mười năm trước đã làm một bài thơ Viên Sỏi, đúng mười năm sau lại sáng tác một bài với tựa đề y hệt mà không hề ý thức sự trùng lặp ấy. Nghĩa là khi làm bài Viên Sỏi thứ hai tác giả hoàn toàn không nhớ gì về bài thơ cũ cùng tên. Nói cách khác người mẹ này đã quên đứt đứa con mình đã sinh ra trong quá khứ, nay đã lên mười. Ngày nay lại sinh thêm một đứa em, và đặt tên đúng tên anh hay chị nó sinh ra từ mười năm trước.

Sự trùng lặp quả là hy hữu, khiến tác giả quyết định gửi luôn bài thứ hai đến DĐTK, để xem với cái nhìn khách quan, tòa soạn sẽ có ý kiến gì tạm gọi là giải thích sự kiện này không.

Điều làm cho kẻ viết bài này để ý trước tiên là hai chữ Viên Sỏi. Nó hẳn có nhân duyên nào đó trong tâm hồn thi nhân nên trong vòng mười năm, nó đã hai lần được đặt tên cho bài thơ. Sỏi là hòn đá nhỏ cỡ trái nhãn trái vải, nhẵn nhụi, có nơi như vùng miền Trung gọi là sạn, có người ở nơi khác còn gọi là đá cuội. Vì viên sỏi nhỏ nhắn và luôn luôn láng bóng nên nhiều người thích nó: bọn nhóc con tụi tôi ngày xưa đi tìm những viên sỏi cỡ trái nho để làm đạn bắn ná cao su; người lớn thì dùng để rải trên những lối đi trong vườn, gọi là lối đi rải sỏi; với những người xây cất công trình, nhà cửa thì sỏi được trộn với xi măng để làm bê tông… Kể ra thì quanh chúng ta ở đâu cũng có sỏi, và nó được dùng nhiều việc một cách phổ biến, không có giá trị gì đặc biệt.

Thế nhưng đối với những tâm hồn giàu cảm xúc và chiêm nghiệm thì viên sỏi có thể thành một đề tài. Trước tiên ai cũng thấy là ngoài thiên nhiên mọi vật đều thô nhám, những rừng cây rậm rạp, những hòn núi đá sừng sững cheo leo, những ghềnh thác, những bão bùng… nói chung là hoang dại. Trừ những viên sỏi. Đó như là những quà tặng mang dáng dấp đã được gọt dũa kỹ lưỡng của thiên nhiên, chúng nhỏ nhắn, chúng nhẵn nhụi, lắm khi có màu sắc đẹp, có hình thể tròn trịa hoặc ngộ nghĩnh. Nhưng chắc ai cũng biết sỏi không phải do trời sinh đã là như thế, những đặc tính của sỏi mà chúng ta nhìn thấy ngày nay là kết quả của sự đập vỡ và bào mòn qua vô lượng thời gian. Chúng ta có thể tưởng tượng từ hàng triệu năm trước những giao động mãnh liệt của quả đất tạo ra những va chạm kinh thiên động địa làm vỡ tan tành từng trái núi đá to. Những mảnh đá vỡ tung tóe khắp nơi, rồi những cơn hồng thủy đưa chúng về những con sông con suối, và hiện tượng nước chảy đá mòn từ từ hoàn tất từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác, có khi cả triệu năm mới cho chúng ta những viên sỏi như ngày nay.

Có thể tâm hồn thi nhân nắm bắt được cái quá trình nước chảy đá mòn trong vô lượng thời gian để thành từng viên sỏi như thế. Cầm viên sỏi họ như chạm tay vào thiên thu, vĩnh cữu. Họ cảm nhận được rằng để có hình thù nhỏ nhắn và trơn láng đó, một tảng đá phải trải qua bao nhiêu là biến thiên trong tạo vật, họ cảm nhận được sự kiên nhẫn vô cùng tận của dòng nước chảy hoài chảy hoài qua không biết bao nhiêu là thời gian để có một viên sỏi thế này.

Đó là “cái duyên” của thi nhân và viên sỏi. Nó là mai mối để thi nhân khi cầm hòn sỏi trên tay cảm nhận được cái xa lắc vời vợi của thời gian, và tức thì giải quyết những nỗi băn khoăn, nghi ngờ lớn vẫn tiềm ẩn trong họ. Năm 2009, ở giữa thập niên 60 của đời mình, Trần Mộng Tú một hôm nhìn thiên nhiên, thoạt tiên mô tả những hình ảnh quen thuộc:

Này anh trái mặt trời vừa chín

rụng mùa hạ trên lưng bầy ong

những bụi cúc trong vườn trắng xóa

đang tỏa hương trên từng cánh thật cong

và tiếp tục đắm hồn vào một mùa hè tươi sáng đang tới với những quan sát có vẻ tinh vi hơn về giọt sương, về cánh chim, về cánh buồm, về đỉnh núi… nhưng dường như đang mơ hồ muốn nói một điều gì cao hơn, xa hơn, ẩn mật hơn

và những giọt sương mang hồn biển cả

trên những cánh chim cõng gió phương xa

trên những cánh buồm căng tròn mơ ước

đỉnh núi trên cao thả xuống đóa hoa

Những câu thơ không phải thuần tả cảnh thiên nhiên trước mắt, mà để lộ ra cái tâm thức bắt đầu nhìn ra phía bên kia của hiện tượng: trong giọt sương có hồn biển cả, cánh chim không phải đập trong không khí ở đây mà cõng gió phương xa, cánh buồm không được mô tả căng tròn vì gió mà tròn vì mơ ước, và cuối cùng, từ đỉnh núi cao kia tác giả đang nhận một thông điệp mới đỉnh núi trên cao thả xuống đóa hoa.

Thông điệp gì, chúng ta chưa rõ, nhưng những câu thơ tiếp theo sẽ giải mã dần dần một trạng thái tâm hồn đang biến chuyển, với những lời lẽ như là thì thầm trong các cảm nhận mới:

đến đây anh

xem em rất lạ

em thả tuổi mình vào bụi phấn hoa

chúng sẽ bay xa bay hoài trong gió

rơi vào vườn ai tìm mãi không ra

em sẽ ở trong một khu vườn mới

hoang mang bối rối nhìn xuống đổi thay

em ước gì mình hóa thành viên sỏi

lăn mãi trong đời tròn một vòng quay

Đến đây thì đã khá rõ, tác giả đang tự thấy mình trong một trạng thái đổi thay, trở nên lung linh hơn, tự do hơn, tìm thấy một không gian mới cho mình, và lạ thay, ước gì mình trở thành viên sỏi. Có phải tác giả đã thấy trong lòng viên sỏi kia có mang tính chất vĩnh cữu, muốn nhập vào nó, biến thành nó, để giải quyết những thắc mắc siêu hình do thời gian của cuộc sống đang tác động vào mình ? Hình như thi nhân đang cảm nhận viên sỏi đang có trong tay chính là biểu tượng và sản phẩm của không gian và thời gian vô tận, nếu ta nương náu vào nó thì nó sẽ mang ta đi, nhập vào cái vô cùng ?

Tôi nhìn thấy bài thơ Viên Sỏi 1, làm năm 2009, có chủ đề là Nhập Vào. Từ chỗ mông lung của kiếp người, của tuổi tác, của cảm giác vật vờ vô định… tất cả hóa thân vào viên sỏi, một hình ảnh cụ thể tương đối ổn định mặc dù nó vẫn lăn theo con đường của nó.

đến đây anh

mở bàn tay ra em tặng viên sỏi nhỏ

để anh đi nốt chặng đường

ấm áp riêng mang.

Em tặng anh viên sỏi nhỏ là tặng chính em cho anh đó, nhưng là em đã thể nhập vào viên sỏi tồn tại từ hàng triệu năm, em tìm thấy tĩnh lặng trong đó, và với tĩnh lặng, anh cùng với em đi nốt cho hết cuộc đời trần thế này.

Khi đọc đến bài Viên Sỏi 2, sáng tác vào buổi sáng ngày 7 tháng 7, 2019 thì cảm nhận của tôi khác hẳn với bài lần trước. Một cách vô thức, mười năm sau Trần Mộng Tú gần như sáng tác một bài thơ cùng một cái nền với bài thơ trước, nhưng chiều hướng thì ngược lại. Lần trước nhận ra mình đang ở vào tuổi 66, tác giả quan sát lại cuộc đời quanh mình và cảm nhận sự vô định của kiếp sống, thấy có nhu cầu tìm đến một trạng thái tĩnh lặng, bình an. Bài Viên sỏi 1 có chủ hướng rõ rệt: Tụ Lại. Mình hóa thành viên sỏi, gom tất cả vào một để ngao du trong một lộ trình vững chắc.

Nhưng với Viên Sỏi 2:

Viên sỏi nhỏ sáng nay nhặt được

Trên con đường đi bộ

Viên sỏi tròn như bình minh

Tác giả có vẻ không nhớ gì đến viên sỏi mà mình đã hóa thân vào mười năm trước, làm như tình cờ nhặt được viên sỏi nào đó trên đường đi bộ, nhưng trong tâm thức có vẻ nhận ra một điều gì đó liên quan đến mình. Thấy viên sỏi tròn như bình minh, một nhận thức khá lạ, nhưng chắc là diễn tả một cái gì đấy đang thành hình trong lòng mình. Cầm hòn sỏi trong tay mà nhận thấy:

Cái trứng trong tay đang nứt vỏ

Hay vũ trụ cựa mình

Rõ ràng là một sáng tạo sắp ra đời. Rõ ràng là giây phút thiêng liêng đang bước tới

Viên sỏi cất tiếng hát trong lòng bàn tay

Tiếng hát như cất lên ở chóp núi

Rồi lăn xuống những ngón tay

Những ngón tay đang nhảy múa

Có tiếng oa oa của em bé sơ sinh

Chính viên sỏi trong lòng bàn tay không còn im lìm, nó đang cựa mình báo hiệu, đến nỗi những ngón tay đang nắm lấy nó cũng cảm nhận được dường như nó đang nhảy múa. Nhưng là viên sỏi hay là tâm thức nhà thơ đang bung ra, tràn trề khao khát đến với vũ trụ bao la, hòa nhập với cái vô cùng ? Một nỗi cần thiết mới mẻ đang nhen nhóm như một nhu cầu tự thân, hòn sỏi không vỡ, nhưng tâm đang vỡ. Phải vỡ ra để ngộ được một cái gì đấy đang đến, như thiền giả đang chứng ngộ tâm mình đang ngời lên một ánh sáng mới.

Mười năm trước “em” đã hóa thân vào sỏi.

Mười năm sau sỏi biến thành trứng và trứng nở ra.

Như thể mười năm là thời kỳ thai nghén cho một sinh nở mới nơi tâm của mình.

Tác giả nhắc lại ba lần như một câu thần chú:

Viên sỏi

Viên sỏi

Viên sỏi

Và nhìn ra:

Bình minh khẽ cựa mình.

Mười năm trước tâm tụ vào viên sỏi. Mười năm sau tâm tán ra như đòi hỏi hòa nhập với cõi vô cùng.

Tụ và Tán. Điều lạ lùng là tụ vào viên sỏi, và tán cũng từ viên sỏi. Đá cuội chỉ là một vật ngoại giới, chỉ thỉnh thoảng đi dạo chơi nhà thơ nhặt được trên đường, nhưng tại sao về mặt tâm tình lại gắn bó với nó đến thế ? Vì nó xinh xắn, nhẵn láng như một trang sức của thiên nhiên ? Hay vì nó đã mang trong chính nó hàng triệu năm thành hình và tồn tại, cầm nó trên tay là nắm cả thiên thu ? Có vẻ nó là nơi mình có thể gửi gắm tất cả cái tâm thức ngổn ngang như một nơi nương tựa đáng tin cậy nhất, hiểu biết nhất và khoan dung nhất. Cả thế giới đã nằm trong nó, cái viên sỏi ấy. Cả thời gian vô tận chính nó đã trải qua để có được hình thù ngày nay. Phải chăng vì trực giác mách bảo mà nhà thơ trước sau nhìn viên sỏi như một vật thể gần gũi thân yêu đến độ gần như một ám ảnh, vì trong nó là cả một càn khôn vũ trụ mà nhà thơ có thể âu yếm nắm trong tay. Để cảm nhận sự yên tĩnh như mặt nước hồ mùa thu, hoặc nỗi xôn xao của một mùa sinh sôi nảy nở.

Viên sỏi đã là chỗ trú ẩn đầy tin cậy khi nhà thơ muốn hóa thân vào nó.

Viên sỏi cũng là chỗ xuất phát để đi xa muôn trùng trong vũ trụ mênh mông.

Vì nó chứa đựng cả vũ trụ, và vũ trụ mênh mông cũng chính là nó.

Hình ảnh Trần Mộng Tú cầm viên sỏi trên tay và theo thời gian đã băn khoăn với những chuyện Tụ và Tán, tôi chợt mỉm cười liên tưởng đến câu hát của Phạm Duy

Thiên thu trong lòng này

Tương lai trong bàn tay *

Nhà thơ đã thấy một bình minh mới vừa ló dạng. Hay nói cách khác, một tâm thức mới vừa ra đời, khi viên sỏi đang nằm trong lòng bàn tay.

Little Saigon ngày 10 tháng 7, 2019

Phạm Xuân Đài

*Lữ Hành – Phạm Duy (1953)

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2019/07/pham-xuan-ai-hai-vien-soi.html