Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Từ phản biện dự án bauxite đến trang Bauxite Việt Nam

Nguyên Ngọc

Cho đến nay, phản biện đối với dự án Bauxite Tây Nguyên có thể coi là thành công đáng kể nhất trong lĩnh vực phản biện chính sách ở ta. Công trình đại quy mô, mà nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hùng hồn tuyên bố là “Chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước” khi trả lời phản ứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đang phải dừng lại ở 2 thí điểm và kế hoạch đầy tham vọng mở rộng ra toàn Tây Nguyên như dự tính ban đầu, chắc chắn để lại hậu quả khôn lường về nhiều mặt, hẳn sẽ rất khó được thực hiện. Một tai họa còn lớn hơn nhiều những gì đang thấy đã được ngăn chặn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Theo chỗ tôi được biết, công cuộc phản biện rộng rãi, kiên trì, hiệu quả này đã bắt đầu từ năm 2007 ngay khi dự án lớn đang ở giai đoạn chuẩn bị triển khai, và được khởi xướng bởi một tổ chức ít được biết đến trong dư luận xã hội và bởi những người cho đến nay vẫn rất ít được biết tên tuổi (hẳn phải thế, vì ồn ào ầm ỉ ngay thì chính nó, phong trào phản biện chính đáng đó, đã bị ngăn chặn từ đầu). Tổ chức đã chính thức khởi xướng và mở đầu phản biện là Viện Tư vấn Phát triển CODE, Viện trưởng là Giáo sư Lê Văn Khoa và người điều hành trực tiếp trên “thực địa” là Tiến sĩ Phạm Quang Tú – quả thật phải rất xông pha, thông minh, linh hoạt, cả dũng cảm nữa tất nhiên, trên thực địa, “thực địa” đất đai, xã hội và con người. CODE đã bắt đầu công việc của mình rất chắc chắn, bằng cách vận động và quy tụ được những chuyên gia khoa học hàng đầu và thực sự chuyên sâu, am hiểu tường tận từng lĩnh vực liên quan đến công nghệ bauxite và dự án bauxite Tây Nguyên – lớp chuyên gia này sau đó đã đi cùng CODE trong công cuộc phản biện bauxite kiên trì cho đến tận hôm nay. Mặt khác, uyển chuyển, thông minh, rất đúng cách, CODE đã thuyết phục và tư vấn cho Chính quyền tỉnh Đắc Nông đồng thời lôi kéo được nhà đầu tư đầy uy lực là Tập đoàn Than-Khoáng sản (TKV) tổ chức Hội thảo đầu tiên về Chương trình bauxite Tây Nguyên tại Gia Nghĩa – Đắc Nông ngày 14 tháng 12.2007. Ở hội thảo này, tất cả các vấn đề cơ bản nhất đồng thời cũng chi tiết nhất về Chương trình bauxite Tây Nguyên đã được nêu ra, phân tích, bàn thảo, tranh luận … Một năm sau, ngày 23 và 24.12.2008, một cuộc Hội thảo thứ hai tiếp tục được tổ chức, cũng tại Gia Nghĩa, lần này trong bối cảnh nhà máy bauxite Tân Rai đã khởi công, và nhà máy Nhân Cơ ở sát ngay địa điểm hội thảo đang rục rịch chuẩn bị. Lần này nhà đầu tư là TKV đã bắt đầu giật mình thấy kiểu hội thảo này thực chất là phản biện chính những việc họ đang làm, có thể nguy hiểm cho họ, nhưng khó từ chối tham gia vì trong thực tế đã có hai nhà máy họ đang và chuẩn bị khởi công, với những vấn đề có thực đã xuất hiện cần có câu trả lời cụ thể không thể tránh. Tranh luận ở hội thảo đã bắt đầu căng thẳng hơn vì có thực tế “tại trận” để đối chứng. Không khí của một cuộc đấu tranh thực sự và phức tạp đã bắt đầu. Tôi được các anh Viện CODE gọi vào cuộc khi thực tế cho thấy các vấn đề xã hội văn hóa dân tộc cũng rất cần được nghiên cứu kỹ và là một bộ phận quan trọng trong phản biện chương trình lớn trên vùng đất rất nhạy cảm này. Được đến và tham gia công việc cùng các anh, sau các anh một năm, tôi học hỏi được ở các anh rất nhiều. Đấy là những nhà khoa học chân chính, giàu nhiệt huyết mà thật điềm tĩnh, có phương pháp và tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, xông xáo nhưng cẩn trọng tỉ mỉ, luôn giữ quan điểm và thái độ khách quan, khiêm tốn nhưng kiên quyết, kiên định đến cùng trong đấu tranh cho sự thật khoa học. Lại là những người từng lăn lộn qua nhiều dự án nhiều công trình quan trọng và phức tạp, rất biết linh hoạt, mềm dẻo trong từng tình huống cụ thể, bởi luôn phải đối mặt với những nhóm lợi ích rất mạnh và cực kỳ tinh khôn. Nhiều khó khăn lớn đã được vượt qua nhờ tất cả những đức tính và trải nghiệm đó của các anh. Chẳng hạn, để chỉ để nói một chuyện quan trọng mà rất tế nhị: truy tìm cho kỳ được các thông tin, số liệu xác thực của dự án chung và các dự án, các bộ phận cụ thể của từng dự án mà nhà đầu tư luôn cất giấu rất kỹ hoặc cố tình cung cấp thông tin và số liệu đã bị chế biến. Cần hết sức kiên trì, rất giàu kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm chinh phục “người ở phía bên kia”. Đồng thời luôn bám thật sát thực địa, theo dõi chặt chẽ và hiểu sát từng bước tiến độ, từng diễn biến nhỏ của công trình. Hàng chục chuyến đi khảo sát tận nơi đã được tổ chức song song với các tọa đàm, trao đổi, hội thảo lớn nhỏ, nhiều khi là tọa đàm, tranh luận ngay tại chỗ, trên chính thực tế đang bày ra trước mắt. Tôi nhớ chuyến đi công phu xuống Kê Gà để hiểu thật rõ tình hình bến bãi và cả về xã hội, khi vùng biển nước sâu này được dự định chọn làm cảng vận chuyển cho dự án bauxite; sau đó lại từ Kê Gà len lỏi ngược đường 28 trên sườn dốc đứng của Trường Sơn ở đoạn này hết sức hiểm trở, lên tới tận Tân Rai và cả Nhân Cơ để đi đến chứng minh dứt khoát ý định chở sản phẩm bauxite theo đường này – cả với đường 50 bên cạnh nữa – là hoàn toàn không khả thi. Nghĩa là đặt cảng bauxite ở Kê Gà cũng chẳng khả thi…

Không thể kể hết những hoạt động liên tục, tích cực, thiết thực của các nhà khoa học được quy tụ quanh Viện CODE, không chỉ trong 2 năm đầu mà trải dài và bám sát dự án to lớn và phức tạp này đến tận hôm nay. Tất cả những hoạt động đó, cũng cho đến tận hôm nay, hầu như đã hoàn toàn diễn ra trong lặng lẽ. Chỉ thỉnh thoảng có thể nhận ra bóng dáng của chúng đôi chút trên báo Tiền phong và báo Đầu tư là hai báo có cử người đi theo. Tuy nhiên, như có thể thấy, chính những hoạt động đó đã tạo nền tảng vững chắc, không thể đánh bại, của công cuộc phản biệt bauxite. Không thể đánh bại, bởi đấy là một nền tảng khoa học chuẩn xác, khách quan, toàn diện, chặt chẽ, được xây dựng kỳ công, đặc biệt gắn chắc với thực tế, bởi những chuyên gia chuyên sâu hàng đầu.

Bước tiếp theo là cần mở rộng, tạo thành một phong trào phản biện xã hội ngày càng có quy mô lớn. Đối thủ của phản biện là một thế lực không hề dễ bị khuất phục, họ có tiền, có lực, có thế, đều hùng mạnh và hùng hổ, cả trong nước lẫn ngoài nước. Chỉ có một phong trào xã hội lớn và mạnh, rất kiên quyết và rất kiên trì, mới hy vọng ngăn lại được. Thật tuyệt vời là Trang Bauxite Việt Nam (BVN) do các anh Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng khởi xướng đã ra đời rất vừa đúng lúc, đầu năm 2009. Theo chỗ tôi biết và nhớ, không hề có sự bàn bạc và phối hợp nào giữa các nhà khoa học của CODE và các anh ở trang Bauxite Việt Nam, thậm chí có thể họ chưa hề biết đến nhau, quen nhau, gặp nhau, không hề có liên lạc họp hành bàn bạc… Vậy mà khi trang Bauxite Việt Nam xuất hiện thì cứ như sự phối hợp để tiếp nối, mở rộng này là tất yếu và không thể khác. Có một cái “duyên”, như người ta vẫn nói. Đúng là có một cái duyên thật, bởi sự việc đã phát triển hoàn toàn lô-gích, và chúng ta đều tha thiết đến với cuộc đấu tranh mà chúng ta tin chắc là rất cần thiết và chính đáng, vì an toàn và phát triển của đất nước, hạnh phúc của người dân. Và cho tôi nói điều này nữa: còn hẳn vì chúng ta, trong chiều sâu của mỗi người, vẫn âm thầm nuôi một tình yêu đậm đà với Tây Nguyên, vùng đất và người quá đẹp nên cũng lại rất dễ mong manh, như mọi thứ quá đẹp trên đời. Tây Nguyên, tự nhiên, đất đai, văn hóa, con người, tối kỵ với mọi tác động thô lỗ, thô bạo, vô cảm, chủ quan và liều lĩnh. Đúng ra, gìn giữ và phát triển như thế nào trên vùng đất đai và văn hóa rất đặc trưng, nhạy cảm về rất nhiều mặt, xã hội, dân tộc, văn hóa, kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng… này vẫn còn là chuyện phải suy nghĩ rất nhiều. Làm tốt, ta có một hòn ngọc; làm dở, ta gây tai họa lâu dài, có thể đời đời, và không chỉ cho chính nó.

Có lẽ cũng chính vì thế mà trang Bauxite Việt Nam vừa ra đời đã ngay tức thì thu hút sự quan tâm lớn của toàn xã hội, thực sự tập họp một lực lượng xã hội rộng khắp đã lâu lắm mới có lại, trở thành diễn đàn mỗi lúc một đông đúc và sôi nổi của ngày càng nhiều tầng lớp xã hội, từ nhà trí thức cao siêu đến người buôn thúng bán bưng ở chợ ở đường, học sinh sinh viên cho đến công nhân, nông dân, từ ông Đại tướng lừng danh thế giới cho đến bà nguyên Phó Chủ tịch nước vốn được nhân dân nhiều châu lục quý trọng và yêu mến, ở trong Nam ở ngoài Bắc, và cả bạn bè thế giới… Và Kiến nghị phản đối Chương trình Bauxite Tây Nguyên xuất hiện. Một kiến nghị mạnh mẽ và hiệu quả nhất từ trước đến nay. Kiến nghị quan trọng này là kết quả tất yếu của phản biện kỳ công từ đầu và tác động mạnh mẽ của trang Bauxite Việt Nam. Nó không chỉ mở đầu cho nhiều kiến nghị cần thiết, nhiều khi cấp bách trên nhiều vấn đề xã hội quan trọng, mà còn khẳng định và đánh thức ý thức công dân trong một xã hội đã có phần mệt mỏi và bị nhiều thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi đánh lạc hướng, xao lãng trước những vấn đề lớn, có khi là sinh tử của quốc gia.

Có thể tìm thấy bài học gì ở cuộc vận động xã hội đặc sắc và độc đáo này?

Tôi thử xin nói đôi ý kiến:

Một phản biện xã hội, nhất là đối với những dự án lớn và phức tạp như thế này, trước hết cần được chuẩn bị bằng những căn cứ khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, toàn diện. Đây là một công việc công phu và đòi hỏi rất chuyên nghiệp. Thắng lợi đầu tiên – và xuyên suốt – của một phản biện là thắng lợi về lý lẽ khoa học và bằng chứng thực tế cụ thể không thể bác bỏ, chối cãi.

Từ đó, lại cần tạo được một phong trào xã hội rộng rãi, kiên trì. Thực sự thực hiện một cuộc đánh thức xã hội mà ta cần có từ sau 1975.

Luôn giữ chắc sự ôn hòa, xây dựng. Chúng ta ôn hòa và xây dựng vì chúng ta là chính nghĩa.

Công cuộc phản biện Bauxite những năm qua còn có thể cho chúng ta những kinh nghiệm phong phú, sâu sắc hơn nữa.

Nó cho chúng ta sự chứng minh và niềm tin rằng phản biện xã hội là cần thiết cho đất nước. Nó là một cơ chế hiệu lực của sự giám sát xã hội bởi nhân dân, một cơ chế bảo vệ xã hội hiệu quả nhất, mà xã hội ta đang rất thiếu. Và nếu được tổ chức chu đáo như vừa nói trên thì cơ hội thành công của nó là có thật, dầu tất nhiên phải trải qua rất nhiều khó khăn, cả hiểm nguy.

Sau nữa, và đây là điểm đặc sắc của trang Bauxite Việt Nam: từ một trang tập trung vào việc hình thành một lực lượng rộng rãi và đa dạng nhằm phản biện một dự án có nhiều sai trái và nguy hiểm, một cách vừa có ý thức vừa hầu như tất yếu, nó đã trở thành một diễn đàn toàn diện và có uy tín của trí thức phản biện. Chính qua phong trào này mà người trí thức được thức tỉnh lại về chức năng thật sự của mình, vì nhiều lý do, đã có lúc bị che lấp, bỏ quên. Như ta đều biết, chức năng chủ yếu của trí thức, thời nào cũng vậy, tất nhiên thời này không thế khác, là phản biện xã hội. Chức năng ấy nằm trong chính định nghĩa người trí thức. Chức năng của anh ta là luôn không ngừng quấy rầy mọi người, mỗi người, quấy rầy xã hội bằng cách đề nghị những cách nhìn, cách hiểu khác về sự vật, về chân lý được coi là có sẵn của mọi sự trên đời, khiến cho xã hội không bao giờ được đứng yên, mọi sự thật, mọi chân lý đều luôn phải được xem lại, xét lại, để hoặc tái khẳng định vững chắc hơn, hoặc phải thay đổi để tiến lên bình độ khác, đúng hơn, mới hơn, cao hơn.

Thành quả phản biện bauxite những năm qua là lớn, ý nghĩa và tác động xã hội còn rộng và lớn hơn, sâu hơn.

Đừng để phai nhạt.

Vậy mà tròn 10 năm trang Bauxite Việt Nam, 12 năm nếu tính từ khởi xướng phản biện bauxite đầu tiên của CODE.

Hẳn chúng ta có quyền vui mừng vì những gì đã làm được vừa qua cho đất nước, vì một “thói quen”, một “phong tục” lành mạnh phản biện trong thời nay đã được khơi dậy và không thể dập tắt, vì những kinh nghiệm quý cho cuộc đi tới tiếp hẳn còn nhiều thử thách và rất dài.

N.N.

Tháng 4.2019

Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/62559