Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Trẻ và Tự do từ trong con tim và cái đầu

André Menras – Hồ Cương Quyết

Tôi vừa trở về từ Cuba là nơi vào mạng Internet là cả một nỗi trần ai xã hội chủ nghĩa: hạn chế và hiếm hoi. Hạ cánh xuống sân bay Roissy, nhận ngay được tin buồn: anh Phạm Toàn đã từ giã chúng ta. Phạm Toàn và nụ cười tinh quái, tiếng cười vang dội, giọng nói sang sảng, những lối chơi chữ vô cùng vô tận, nỗi buồn nguỵ trang thành tươi cười, tài kể chuyện, niềm đam mê chia sẻ, những cơn phẫn nộ. Phạm Toàn và cái TÔI của anh. Cái TÔI mà anh cao hứng dương ra, vừa để tự giễu cợt, vừa để khẳng định. “Đó là cái tôi – anh nói bằng tiếng Pháp – của những nhà văn chân chính, nhà thơ chân chính, những người có lý tưởng riêng, trí tưởng tượng riêng, những ảo tưởng riêng, những con người không thể thoả hiệp với những yêu sách của bất luận chế độ chính trị nào. Một cái TÔI vĩ đại đến độ một lời chỉ trích võ đoán có thể làm bùng nổ cuộc Thế chiến thứ ba!” (Cả cười).

Lần nào tôi đến Hà Nội, chúng tôi cũng gặp nhau bên chai rượu vang đỏ, chẳng cần nhiều lời cũng hiểu nhau. Tôi yêu quý tính cách mạnh mẽ của anh, những lời nói vừa rất trào phúng thô ráp kiểu Rabelais mà lại rất vi tế, những tình cảm và ý tưởng bộc trực, tươi mát đến lạ kỳ của con người thuộc một thế hệ đã bị lịch sử áp đặt những thử thách kinh khủng.

Bữa ăn thân mật lần chót của chúng tôi là vào ngày 10 tháng ba, có mặt mấy bạn trẻ, tại nhà anh ở quận Long Biên, trong căn hộ tạm đủ tiện nghi mà người thân đã thuê cho anh. Anh đang khẩn trương hoàn thành cuốn sách chót trong bộ sách giáo khoa phi chính thức Cánh Buồm mà anh đã khởi xướng nhằm đổi mới giáo khoa và giáo dục. Sức khoẻ của anh trên đà suy sụp, Phạm Toàn giục tôi: “Mày viết sách mà muốn tao dịch thì phải viết nhanh nhanh lên…”. Nhưng anh cũng đã dành thời giờ trả lời cuộc phỏng vấn dài của tôi cho cuốn phim tư liệu tôi đang thực hiện. Anh quyết định trả lời thẳng bằng tiếng Pháp, “vì tình hữu nghị”, và hứa lần sau sẽ nói bằng tiếng Việt.

Trước khi đặt bút viết mấy dòng tưởng niệm này, tôi đã xem lại toàn bộ cuộc phỏng vấn. Thật là cảm động. Dưới đây, tôi xin trích dẫn nguyên văn một vài câu.

Tôi không chán ghét gì đảng cộng sản với tư cách một đảng phái chính trị, mà chán ghét những kẻ mở miệng thì ca ngợi chủ nghĩa cộng sản mà sống thì sống như những tên nô lệ”.

Tôi nghĩ thời ấy chúng tôi đã rất hào hiệp. Cả một thế hệ hào hiệp. Chúng tôi hào hiệp đón nhận cách mạng. Bởi vì cách mạng mang lại tự do cho chúng tôi. Và chúng tôi tin tưởng là đã giành được tự do nhờ cách mạng… Hoàn toàn không mảy may nghi ngờ là sẽ ngược lại! Vì vậy mà, trước sự hành xử của chính quyền hiện nay, chúng tôi cảm thấy… nhục. Nhục vì những hành động xấu xa khiến dân tộc, nhân dân chúng tôi phải trải qua một giai đoạn khó khăn”.

Tình hình bây giờ đối với chúng tôi là tuyệt vọng. Không khí cuộc sống chung này là tuyệt vọng, mất hết niềm tin… Chỉ còn một vài người, tôi nghĩ tôi ở trong số đó, còn có hi vọng là có thể làm gì đó để hoá giải sự tuyệt vọng. Tôi nghĩ như vậy khi tôi bắt tay vào công cuộc đổi mới giáo dục… Phải mang lại hi vọng cho mọi người thông qua nhà giáo và trẻ em, mang lại một cuộc sống mới cho dân tộc này, cho nhân dân này. Dân tộc này, nhân dân này không có quyền sống trong tuyệt vọng”.

Trước khi chia tay, đứng trên ban-công căn hộ tầng lầu 16, Phạm Toàn chỉ cho tôi cảnh quan anh đứng ngắm mỗi đêm: sông Đuống (con sông đào nối liền sông Hồng và sông Thái Bình), bên kia sông là làng (Đông Nội) quê anh. Ngón tay chỉ về phía cầu Phù Đổng bắc qua sông Đuống, anh giận dữ nói tới những đoàn xe vận tải đêm đêm nờm nợp từ Trung Quốc sang Việt Nam “như một đoàn quân”, sáng hôm sau, đi ngược lên phía bắc. “Không còn là một cuộc xâm lăng, mà là một cái ách thống trị”.

Phạm Toàn đã ra đi, vẫn như tôi được biết anh: trẻ và tự do, từ trong con tim, từ trong cái đầu. Tiếng nói của anh sẽ không bao giờ tắt.

André Menras – Hồ Cương Quyết

(bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao)

Nguyên tác tiếng Pháp: Jeune et Libre dans sa tête et dans son coeur

Nguồn: https://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/tre-va-tu-do-tu-trong-con-tim-va-cai-dau?fbclid=IwAR1wbDgIOCU18ERpGso3csL7aoD6ax6t6z8W3dXeOlphVb7KdEa7-HtPX-0