Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)

Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về cách dùng màu, mùi, mồi, vị và bùi/buồi vào thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Một cách giải thích là từ tư duy tổng hợp trong tiếng Việt cho nên mới cho ra tương quan trên. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false. Các chữ viết tắt khác là CGK (cảm giác kèm), HV (Hán Việt), CNNAGN (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển, hội Khai Trí Tiến Đức), CQN (Chữ Quốc Ngữ), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), TK (thế kỉ), các bản chữ Nôm của LM Maiorica như CTTr (Các Thánh Truyện - tháng 12), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú.


1. Hiện tượng cảm giác kèm synesthesia

Khoảng 4 % dân số trên hành tinh con người có khả năng đặc biệt là nhìn thấy âm thanh (seeing sounds/A), nhìn số hay chữ lại thấy màu sắc, nghe thấy màu sắc (hearing colours/A) hay nếm thấy âm thanh (td. của âm nhạc, tasting notes/A)..., v.v. Có nhiều cách dịch hiện tượng bí ẩn trên, tiếng Anh gọi là synesthesia (hay synæsthesia), tiếng Việt gọi là cảm giác kèm, cảm giác đi kèm, khớp thần kinh, cảm giác kết hợp, cảm giác đồng thời, giác quan thứ phát, chứng liên kết giác quan[2]… Người viết sẽ dùng cách dịch đơn giản nhất là cảm giác kèm (CGK) trong bài này. Nên xem lại cấu trúc tiếng Anh synesthesia để hiểu rõ hơn CGK: synesthesia có gốc Hi-Lạp với tiền tố σύν syn- nghĩa là cùng/với (with/A) hợp với αἴσθησις esthesia nghĩa là cảm giác (sensation/A). Nói cách khác, CGK xảy ra khi một cảm giác nào dẫn đến một cảm giác khác đi cùng. Nguyên nhân sinh học hay tâm lí tạo ra CGK chưa được xác định chính xác cho đến nay dù có nhiều giả thiết khoa học đã được đề xướng. Thí dụ như theo kết quả của nhóm nghiên cứu GS Simon Fisher (2018), thuộc Viện Ngôn ngữ tâm lí học Max Planck (Hà-Lan), thì CGK có thể do chức năng của gene. Điều này phù hợp với tính chất di truyền (và bẩm sinh) của CGK đã được nhiều nhà khoa học ghi nhận. Nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp giải trình tự gene (DNA sequencing) để khảo sát yếu tố di truyền của những người tham gia. Họ so sánh gene giữa các thành viên trong gia đình bị CGK với gene của các thành viên trong gia đình bình thường không bị CGK. Kết quả cho thấy, không có một gene duy nhất chịu trách nhiệm tạo ra CGK ở cả ba gia đình. Thay vào đó, 37 biến thể gene có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Để hiểu rõ hơn phần nào về CGK, ta có thể xem tương quan giữa âm thanh (thính giác) và hình ảnh (thị giác) qua hiệu ứng kiki và bouba – xem hình chụp bên dưới của hiệu ứng kiki và bouba – trích từ trang https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/hien-tuong-cam-giac-kem-va-kha-nang-nem-tu-ngu.html. Hai tấm hình, một có cạnh nhọn (hình bên trái ở dưới) và một có cạnh bầu tròn (hình bên phải ở dưới), được trưng ra và người ta phải ghép âm kiki và booba với hai tấm hình này. Nhà tâm lí học Wolfgang Köhler[3] (năm 1929) đã phát hiện rằng hơn 95% số người tự nhận bản thân không có CGK đều trả lời theo cùng một cách – tức là hình dạng nhọn ở bên trái nên là kiki và hình dạng bầu tròn bên phải nên là booba. Thí nghiệm này cũng được lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, cho các lứa tuổi khác nhau và kết quả rất giống[4] với kết quả của GS Wolgang Köhler, miễn là các âm có thể đọc được trong tiếng bản địa (hiện diện trong hệ thống âm thanh bản địa).

Image result for wolfgang köhler kiki bouba
Bức ảnh này được sử dụng như một thí nghiệm để chứng minh con người không hề liên kết các âm thanh với hình dạng một cách tùy tiện, mà chúng ta đều có khuynh hướng đưa ra các mối liên hệ giống nhau. CGK do đó khó có thể coi là một dạng của sự rối loạn thần kinh[5].

Một số nhân vật nổi tiếng bẩm sinh đã có CGK (họ thường có óc sáng tạo cao) như nhà văn Vladimir Nabokov, nhà soạn nhạc Olivier Messiaen, nam ca nhạc sĩ Billy Joel, nam ca nhạc sĩ Stevie Wonder (Mỹ), nhà khoa học Richard Feynman, nhà bác học/họa sĩ Vincent Van Gogh (Hà-Lan), họa sĩ Wassily Kandinsky (Nga), nữ diễn viên điện ảnh Marilyn Monroe…

Trong các ngôn ngữ hiện đại, tiếng Việt có những cách dùng đặc biệt phản ánh sự chung đụng của các giác quan, tương tự như hiện tượng CGK đã gợi ý.

2. Các cách dùng mùi/vị vào thời VBL (1651)

2.1 Mùi có thể là mùi (ngửi) hay vị (nếm)

VBL đã ghi nghĩa của mùi là sapor/L (nghĩa là vị, phải nếm mới biết được) như mùi chua, mùi cay - khác với mùi bốc ra (hơi, phải ngửi mới biết được) như mùi thơm, mùi thối (VBL trang 489). Mùi[6] là âm cổ của vị HV 未 味 - chữ mùi/vị 味 (thanh mẫu minh 明 vận mẫu vi 微 khứ thanh, hợp khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

無沸切, 音未 vô phí thiết, âm vị (TVGT, ĐV, QV, TV, VH, CV, LT, TVi)

莫拜切, 音韎 mạc bái thiết, âm muội (TV, LT)

武沸切 vũ phí thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 未 味 (vị)

莫珮切,音妹 mạc bội thiết, âm muội (KH)

亡曷反,音沫 vong hạt phản, âm mạt (ThVn 釋文)

莫葛切 mạc cát thiết (LT)

無貴切, 音未 vô quý thiết, âm vị (CTT)..., v.v.

Giọng BK bây giờ là wèi so với giọng Quảng Đông mei6 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] mi5 [宝安腔] mui3 [客英字典] mui3 mi5 [东莞腔] mui5 [客语拼音字汇] mi4 mui4 [海陆丰腔] mui6 [沙头角腔] mui5 [台湾四县腔] mui5 [陆丰腔] mui6 潮州话:bhi7 – giọng Mân Nam/Đài Loan là bi7, tiếng Nhật là mi bi và tiếng Hàn là mi. Dựa vào cách đọc phiên thiết, âm HV và phương ngữ - một dạng âm cổ phục nguyên của vị là *muj mà tiếng Việt (và các giọng Mân Nam) vẫn còn bảo lưu qua dạng mùi. Vị đã từng có nghĩa là mùi vị (nếm) từ thời Lễ Kí, TVGT... và mùi (ngửi). Tiếng Trung (Hoa) bây giờ thường dùng từ ghép như 味道, 味覺 vị đạo, vị giác (chỉ mùi/nếm) so với 氣味 khí vị (mùi/ngửi). Liên hệ 'hữu cơ' giữa mùi và vị có thể thấy được khi ngửi: hoặc bằng mũi (orthonasal olfaction) hay còn có thể qua cuống họng (retronasal olfaction). Khó mà nghĩ ra cách bịt (đóng) miệng từ mũi hoàn toàn, do đó khi nói đến vị, ta rất khó mà bỏ qua mùi được! Thêm vào đó là liên hệ ngôn ngữ của mùi (ngửi) và mùi/vị (nếm) có thể giải thích bằng sinh vật học và hóa học: vị giác ở lưỡi (nếm) và khứu giác ở mũi (ngửi) đều dùng một tế bào nhận (receptors). Khi khứu giác không hoạt động (không ngửi thấy mùi được) thì ta cũng không nếm được vì các tế bào nhận không làm việc. Hình lưỡi bên dưới cho thấy các vùng "nếm" của thức ăn – trích từ trang https://courses.lumenlearning.com/boundless-ap/chapter/taste-and-olfaction/

clip_image004_thumb_thumb

Bitter/đắng, sour/chua, salty/mặn, sweet/ngọt

2.2 Mùi là màu (sắc) vào thời VBL

clip_image006_thumb_thumb

VBL trang 781

Mùi cũng có nghĩa là màu (sắc) vào thời LM de Rhodes. Hai dạng mùimàu đều hiện diện trong VBL, LM de Rhodes chia mùi thành hai mục khác nhau: mùi (ngửi, nếm) khác với mùi (màu) như mùi nhuộm (duộm), mùi thôi (VBL trang 489) – so với mục thức và mục sắc có nhiều cách dùng nhất (thâm, tía, tím, chàm, xanh, sắc đỏ...). Chữ Nôm mùi có một dạng là vị HV 味 so với màu có một dạng là mưu/mâu HV 牟: "mặc những áo đỏ cùng lấy những ngọc có mùi đỏ kết thêu vào triều thiên đội" trang 92, Đức Chúa Giê Su[7] quyển chi cửu chi thập (LM Maiorica); "Song le, kẻ chẳng có mùi tốt trong linh hồn, thì cấm chẳng cho lấy mùi tốt mà vẽ mặt các Thánh" trang 138 Các Thánh Truyện tháng Hai…, v.v. Học giả Trương Vĩnh Ký (1884, sđd) ghi "couleur sf. là sắc, màu (mùi T.)" cho thấy ở Đàng Ngoài (td. Tonkin) vẫn còn dùng dạng mùi từ thời VBL – xem các hình chụp ở bên dưới (tài liệu từ Đàng Ngoài so với Đàng Trong). Mùi là màu vào thời VBL/1651, như các cách dùng[8] mùi đỏ, mùi xanh, mùi vàng (thức vàng), mùi tím, mùi chàm, mùi thôi ra – hình chụp bên dưới từ trang 96 "Dictionnaire élémentaire annamite-français" của Théophile Legrand de la Liraÿe/1868.

clip_image008_thumb2_thumb

Nam Hoa Tự điển/trang 311 (1940) của học giả Nguyễn Trần Mô

clip_image010_thumb1_thumb

Théophile Legrand de la Liraÿe (1868)

clip_image012_thumb1_thumb

Trích từ "Petit lexique annamite-français" Al. Pilon/1908

Một điểm nên nhắc ở đây là tiếng Mường Bi vẫn còn dùng mùi để chỉ màu như "wảl mùi dầm" nghĩa là chiếc váy màu đen[9] (màu đậm/đen – NCT).

2.3 Mồi là đồ ăn (esca/L – VBL)

Mồi là đồ ăn, để nhử vật khác. Thời VBL, mồimùi đều có thể dùng thay cho nhau (tương quan u-ô như tui-tôi, hùm-hồm... mồi nhồi ~ mùi nhùi ~ bùi dùi VBL trang 478). Vị cũng có một nét nghĩa là thức ăn/món ăn như 海味 hải vị là đồ (ăn) từ sinh vật sống dưới biển/seafood/A, hải sản), 美味 mĩ vị là đồ ăn ngon (delicious food/A) cũng như 鮮味 tiên vị... Nét nghĩa "thức ăn" đã hiện diện từ thời cổ đại, như từng được Hàn Phi Tử 韓非子 (279 TCN- 233 TCN) dùng trong câu 食不二味,坐不重席 (thực bất nhị vị, tọa bất trùng tịch – không ăn hai món, không ngồi cùng chiếu – hàm ý tiết kiệm, không phung phí/NCT). Các nét nghĩa đồ ăn, màu sắc, mùi (ngửi) và vị (nếm) đều có tương quan trong truyền thống ẩm thực[10].

2.4 Mùi có những nghĩa mở rộng

2.4.1 Mùi và bùi: VBL đã ghi mùi nhùi có thể dùng như bùi dùi, gợi ý cho khả năng hoán chuyển của hai phụ âm môi m và b. Tương quan giũa phụ âm đầu m- và b- vẫn còn hiện diện vào thời từ điển Việt Bồ La (1651) như mồ nhìn - bồ dìn, bồ hôi - mồ hôi, mạ vàng - bạ vàng... mồ côi - bồ côi, mủn - bủn, mùi nhùi - bùi nhùi... Liên hệ m-b rất rõ nét khi so sánh tiếng Việt và Mường (Bi) như băl ảo - may áo, băng tle - măng tre, bẳng - mắng, bẳm - mắm, bâm hồng - mâm rồng, bất lằng - mất lòng, bẻo - méo, bóc - móc, bỏi - muối, bớ - mở, bú - mủ, búnh - mủn … Do đó, ta có cơ sở để liên hệ mùi và bùi[11], "bùi miệng" nghĩa là ngon miệng (VNTĐ), "bùi tai" nghĩa là êm tại dễ nghe (VNTĐ). VBL chỉ ghi cách dùng "bùi ngon" cũng như bùi (sapidus/L ~ có mùi ngon, bùi). Như vậy, mùi-bùi còn liên kết với thính giác (bùi tai) – thật là một kết quả thú vị và rất phù hợp với hiện tượng CGK – mùi/bùi/vị (cùng một gốc *muj) đã kết nối thị giác (mùi ~ màu), khứu giác (mùi – ngửi thấy), vị giác (vị – nếm thấy) và thính giác (bùi – nghe thấy). Đây cũng là kết quả của khoảng không gian khi thu hẹp lại qua tư duy tổng hợp: ta thử quan sát một đối tượng nào đó - trong khi đứng từ xa ta có thể nhìn thấy mùi (màu) sắc, đến gần hơn nữa thì ta có thể ngửi thấy mùi, và gần hơn nữa (sát người) thì ta có thể nếm thấy vị (âm mới hơn, âm Hán Việt) của cùng một sự vật. Không những thế, tiếng động phát ra từ đối tượng còn có thể nghe ‘bùi’ tai – qua thính giác.

2.4.2 Mùi và muồi: cây trái khi chín sẽ tạo ra một số chất hóa học[12] (td. khí etilen C2H4) hòa lẫn trong không khí chung quanh, do đó dễ nhận biết được qua khứu giác. Thành ra không khó giải thích tại sao tiếng Việt lại chỉ các loại trái cây chín quá là "chín muồi".

2.4.3 Mùi và các nghĩa mở rộng: chỉ sự hứng thú, thức ăn ưa chuộng, trải nghiệm (mùi nhớ, truyện Kiều câu 256) như mùi đời, mùi đạo, v.v. Trích từ truyện Kiều – mùi dùng 5 lần so với màu dùng 22 lần, sắc dùng 5 lần, thức dùng 2 lần, mồi dùng 2 lần:

image_thumb_thumb

Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa (c 808)

image_thumb[1]_thumb

Ngọn lan càng tỏ thức hồng (c 497)

image_thumb[2]_thumb

Pha nghề thi hoạ, đủ mùi ca ngâm (c 30)

image_thumb[3]_thumb

Mùi thiền đã bén muối dưa

image_thumb[4]_thumb

Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng. (c 3043 - 3044)

Từ các phân tách trên, có thể thấy mùi/vị/bùi đã liên kết các giác quan trên mặt như thị giác (mắt nhìn thấy màu sắc), khứu giác (mũi ngửi thấy), vị giác và xúc giác (miệng và ưỡi nếm thấy) và khứu giác (tai nghe thấy). Hiện tượng liên kết cảm giác trên không phải là độc nhất trong tiếng Việt, mà còn hiện diện trong cách gọi các bộ phận trên mặt con người như như mặt mắt mũi môi mép má mí mi mày mụn... Người viết (NCT) gọi sự trùng hợp của tên gọi này là hiện tượng m. Đây là các hình ảnh dễ nhận ra nhất và gần nhau nhất, xác định sự khác biệt giữa mỗi cá nhân, tương tự như DNA của từng người. Tiếng Mường (Bi) cũng có hiện tượng m, dẫn đến khả năng dùng hiện tượng m làm một tiêu chí để sắp xếp Việt và Mường vào cùng một nhóm, hay nhánh Việt Mường thuộc họ Nam Á. Tiếng Anh (Đức, Pháp) dùng từ eye (con mắt) để cấu tạo các từ mới liên hệ đến mắt như eyelid (mí mắt), eyelash (mi, lông mi), eyebrow (mày, lông mày), eyeball (con mắt, nhãn cầu)... Hầu như chỉ tập trung vào con mắt chứ không lan ra cho các bộ phận trên mặt như tiếng Việt, cho thấy cách nhìn rộng hơn (Gestalt) từ vị trí người nói trong tiếng Việt. Nói cách khác, các hiện tượng trên có thể là kết quả của một tư duy tổng hợp truyền thống của người Việt. Phần sau lượt qua một số đặc tính của tư duy tổng hợp này, qua ghi nhận từ các giác quan nhất là CGK, qua một số vết tích trong tiếng Việt.

3. Tư duy tổng hợp và tiếng Việt

3.1 Các giác quan và ‘cửa thị giác’

Trở lại với ngôn ngữ và rút từ kho tàng ca dao tục ngữ tiếng Việt, ta thấy cảm nhận từ thị giác đóng vai trò quan trọng để cho ta khái niệm và tư tưởng về đối tượng như

Cái răng cái tóc là gốc con người

(nếu có nói là góc con người thì cũng không phủ nhận được cảm nhận đầu từ thị giác)

Trông mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo thì lòng mới ngon..., v.v.

Các cảm giác khác từ khứu giác (ngửi), thị giác (thấy, xem, trông, nhìn, ngó, dòm/nhòm), xúc giác (sờ/rờ, đụng), vị giác (nếm), thính giác (nghe) đều phải qua ‘cửa thị giác[13]’ để tạo ra nhận thức trong tiếng Việt:

Ngửi thấy

Xem/nhìn/trông/dòm/ngó thấy

Nếm thấy

Nghe thấy

Sờ/rờ thấy

Và ngay cả sự cảm nhận trong lòng (không qua một giác quan rõ ràng nào) cũng phải qua ‘cửa thị giác’ để tạo ra nhận thức

Cảm thấy (hay “thấy”)

Nhận thấy (hay “thấy”)

Anh thấy chưa? (anh có hiểu chưa?) – so sánh với cách dùng động từ see (thấy, cũng là hiểu) trong tiếng Anh như “can you see?” hay voir (thấy > hiểu, trải nghiệm – tiếng Pháp) … So với chữ Hán kiến 見 (thấy) cũng hàm ý hiểu trong tiếng TQ – kiến thức: thấy và biết, kiến văn: nghe và biết. Điều này cho thấy tính chất phổ quát (universal) của cách dùng thấy (nhìn thấy – cụ thể) để chỉ sự hiểu và cảm nhận (tinh thần). Các dữ kiện ngôn ngữ trên cho ta thấy chức năng của thị giác, trong quá trình xử lí các thông tin nhận được từ các cảm giác vật chất, không chỉ giới hạn trong tiếng Việt. Vai trò then chốt của thị giác (thấy, nhìn, trông, xem, ngó, nom, dòm) dẫn ta đến lí thuyết Gestalt về nhận thức thị giác/hình ảnh (visual perception) hay lí thuyết cấu trúc hình thức – khởi đầu từ Tâm Lí Học, sau đó được áp dùng vào các ngành Ngôn Ngữ Học Tri Nhận (Cognitive Linguistics), Tâm lí Trị Liệu td. phương pháp trị liệu Gestalt (Gestalt therapy), vẽ kiểu/chế tạo, Giáo dục, Âm nhạc, Hội họa, thuật chụp ảnh[14]… Thấy có thể liên hệ đến thí HV. Chữ thí 譬 (thanh mẫu bàng 滂 vận mẫu 支 khứ thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

匹至切 thất chí thiết (ĐV, TVGT) TVGT/QV/TV/LT/NT/TTTH/LKTG/CV/TVi ghi 譬,喻也 thí, dụ dã (để ý cách dùng thí dụ HV).

匹臂切 thất tí thiết (NT, TTTH)

反義反 phản nghĩa phản (LKTG)

匹賜切 thất tứ thiết (QV)

匹智切 thất trí thiết (TV, VH, LT, CV)

TNAV ghi vận bộ 齊微 tề vi (khứ thanh)

CV ghi cùng vần/khứ thanh 譬 辟 睤 僻 濞 淠 (thí thí/tích *tị)

匹智切, 披去聲 thất trí thiết, phi khứ thanh (TVi)

CTT ghi 音避 âm tị (tị đọc là bì theo pinyin bây giờ)..., v.v.

Giọng BK bây giờ là pì so với giọng Quảng Đông pei3 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] pit7 [宝安腔] bi3 pit7 [梅县腔] pit7 [台湾四县腔] pit7 [客英字典] pit7 [东莞腔] bi3 [客语拼音字汇] pid5, [潮州话]: pi3, giọng Mân Nam/Đài Loan phi3, tiếng Nhật hi và tiếng Hàn pi. Một dạng âm cổ phục hồi của thí là *pʰie̯ với biến âm là thấy còn bảo lưu trong tiếng Việt – so sánh tương quan thi/thây, phi/bay, vi/vây, chi/chai, chỉ/giấy, thí/thấy... Vấn đề trở nên thú vị hơn khi thấy cũng có thể là một dạng biến âm của thị 視 nghĩa là xem/coi và làm cho rõ (so với nét nghĩa nói cho rõ của thí 譬). Phân tích chi tiết thêm về thí và thị so với thấy không nằm trong phạm vi của bài viết này.

3.2 Vài nhận xét về tư duy tổng hợp trong tiếng Việt

Ngoài khuynh hướng tổng hợp các giác quan như đã ghi nhận, tư duy tổng hợp cho thấy người nói/phát ngôn có khuynh hướng dự phần vào câu nói cũng như người nghe, hay là tổng hợp của các điều kiện/ thành phần trong môi trường lúc nói. Điều này giải thích được phần nào về cách xưng hô trong gia đình và ngoài xã hội của người Việt (honorifics, mà có người cho là rất phiền phức), thí dụ như Nguyễn Văn Danh là bác sĩ (nghề nghiệp) thì trong gia đình có thể gọi là Danh (tên riêng), anh, em, chú, bác, cha/ba (tía ở Nam Bộ), cậu, ông … tùy vào liên hệ của người nói với đối tượng. Ra ngoài xã hội, Nguyễn Văn Danh có thể được gọi là bác sĩ Nguyễn Văn danh, bác sĩ Danh, ông Danh, ngài..., v.v. Từ một tư duy tổng hợp, vai trò của người nói/phát ngôn trong câu nói ra thể hiện rất rõ nét khi xem kỹ các cách dùng trên trời (so với *trong trời), xuống thuyền/lên thuyền[15], ra đời/vào đời, ra Bắc vào Nam, ra đây /vào đây, ra trận/vào trận, ra chợ/đi chợ/vào chợ, đi khám bác sĩ, chợt/bất chợt, thình lình/bất thình lình, áo lạnh/áo ấm, Lê Lợi đánh thắng quân Minh ~ Lê Lợi đánh bại quân Minh..., v.v. Tư duy tổng hợp cho ta thấy sự khác biệt giữa cách dùng tôi/ta, chúng tôi/chúng ta khi người nghe hay đối tượng có dự phần trong câu nói hay không. Đây là một tính chất đặc biệt của tư duy phân tích, phản ánh qua các ngôn ngữ Ấn Âu chú trọng nhiều về cá nhân (cái tôi) khi so sánh với các ngôn ngữ khác trên thế giới (exclusive/inclusive distinction). Ngôn ngữ Âu Châu như Anh/Pháp không phân biệt 'liên hệ cộng đồng' như tiếng Việt, do đó we/nous cùng có có nghĩa là chúng tôi và chúng ta – xem hình vẽ bên dưới. Chúng tương ứng với chúng HV 眾 chỉ số đông/nhiều như chúng sinh, chúng dân, chúng nhân (mọi người). Tuy VBL không viết mục chúng riêng biệt, nhưng ghi nhận sự khác biệt giữa cách dùng chúng tôi hay mớ tôi (nos/L) và chúng ta (nos[16]/L, trong mục ta) hay mớ ta: chỉ chung những người trong cuộc chịu chung một hoàn cảnh nào đó. Đây là cách dùng đại từ nhân xưng bao gồm cả người nghe (inclusive). Tính chất ngôn ngữ này – lần đầu tiên – được giáo sĩ dòng Đa Minh Domingo de Santo Tomás giải thích khi viết về tiếng Quechua ở Peru (1560). Hình dưới trích từ trang https://en.wikipedia.org/wiki/Clusivity

clip_image0144[3]

Chúng ta (tập hợp trong gạch đứt nét - - -) và chúng tôi (tập hợp trong gạch liên tục). Cộng đồng có nghĩa đặc biệt (lớn hay nhỏ hơn – có anh/chị/người nghe hay không?)

Trong một phòng họp, khi nghe nói bằng tiếng Anh "We are not happy with the local government" (chúng tôi không hài lòng với chính quyền địa phương – NCT) thì cần phải xem lại người nói hàm ý những ai, nhóm nào (~ chúng tôi); nếu người nói ám chỉ tất cả các người hiện diện trong phòng họp (~ chúng ta) – phản ánh qua câu nói tương đương trong tiếng Việt "Chúng ta không hài lòng với chính quyền địa phương". Với tư duy tổng hợp hay nhìn từ xa, tiếng Việt cho ta khả năng phân biệt được từng nhóm hay tất cả các người trong phòng họp – môi trường chung quanh người nói trở thành quan trọng so với cá nhân từng người trong môi trường ấy.

3.3 Khi đường thẳng trở thành tròn

Tư duy tổng hợp còn dẫn đến khuynh hướng trọng tình so với lí "Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình" (dù nhỏ đến đâu, "một tí" chính xác là bao nhiêu?): vì thường ở một chỗ cố định để chăm sóc ruộng vườn (khác với đời sống du mục) nên quan hệ tình cảm gia đình bè bạn trở nên gắn bó hơn. Ảnh hưởng của tình trở nên quan trọng so với lí, nhất là trong một vùng không gian giới hạn cùng lệ thuộc vào thiên nhiên - môi trường chung quanh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết: "Bầu ơi thươmg lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", “Thương (yêu) nhau chín bỏ làm mười” – mức chính xác (chín/mười - định lương - đặc tính cốt lõi của khoa học tự nhiên của Tây phương) không còn quan trọng nữa

Thương nhau củ ấu cũng tròn,

Ghét nhau đến quả bồ hòn cũng vuông

v.v.

Tư duy phân tích thường xem thời gian di chuyển theo một chiều (đường thẳng), tương phản với đi rồi lại về như một bánh xe (vòng tròn). Không phải chỉ có TQ, VN coi thời gian như một bánh xe (luân hồi) tuần hoàn như thí dụ trên, các nền văn hóa cổ đại như Hi Lạp, Inca, Maya... đều có khái niệm này. Vấn đề trở nên thú vị hơn khi một người mất đi (chết) thì ta còn nói là về với ông bà, về quê, quy thiên (về trời)... So với cách dùng tiếng Anh là quá ngày (expire), đi qua (pass away), rời xa (depart)... Đây là một chủ đề đáng đi sâu thêm nhưng không nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này. Tuy nhiên, để ý là khi nhìn một vòng tròn khi đến gần (td. dùng kính lúp, kính hiển vi), ta sẽ thấy từng đoạn thẳng không liên tục như hình tròn ban đầu – xem hình vẽ bên dưới. Nói cách khác, khi nhìn từ xa (tổng hợp) thì tính chất thẳng và tròn trở nên tương đối mà thôi – xem các hình vẽ bên dưới:

image_thumb1_thumb
Không tình cảm gì rõ nét hơn quan hệ giữa con cái và các đấng sinh thành, không cách nào “định lượng” một cách chính xác công sức nuôi nấng và dạy bảo con cái

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Tình cảm và truyền thống đạo đức[17] thường tìm ẩn bên trong (phẩm), phù hợp với tư duy tổng hợp – so với những tính chất bên ngoài có thể quan sát và đo lường được như vẻ đẹp (màu da, khuông mặt, mũi dọc dừa, mắt to, chiều cao...) phù hợp với tư duy phân tích hơn

Cái nết đánh chết cái đẹp, …

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, v.v.

Tư duy tổng hợp dẫn đến hình ảnh cá nhân (cái tôi) bị mờ nhạt đi so với liên hệ gia đình và xã hội (cách gọi tên/danh xưng trong tiếng Việt). Ngoài ra, người VN trọng quá khứ (cụ thể là thờ cúng tổ tiên): vì dựa nhiều vào thiên nhiên (nông nghiệp) nên cần phải học hỏi từ các chuyện xảy ra trong quá khứ (kí ức tập thể truyền lại) – "áo mặc không qua khỏi đầu", "tiên học lễ hậu học văn"... Trọng quá khứ còn trực tiếp dẫn đến phong tục thờ cúng tổ tiên, tổ của một ngành nghề... Đây là bản sắc văn hóa đặc thù của người VN. Đó là những truyền thống hay kết quả của tư duy tổng hợp, phản ánh qua ngôn ngữ và phong tục, chỉ sơ lược trong bài này để bổ túc cho hiện tượng cảm giác tổng hợp (kèm/CGK).

Tóm lại, trường hợp dùng mùi chỉ màu sắc và mùi/vị/bùi, có thể là thể hiện của sự chung đụng giữa các cảm giác trong tiếng Việt. Cách đây gần 4 thế kỉ, LM de Rhodes đã từng nhận ra khả năng liên kết của mọi giác quan qua con đường thị giác (thấy) hay dựa vào trải nghiệm từ trước. Đây cũng là một dạng của CGK rất thú vị và cần được khảo cứu thêm[18] về nguồn gốc sinh học hay môi trường lịch sử. Tương tự như thuận tay trái (hay chân trái), có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiện tượng này mà khoa học đang khảo sát để tìm ra nguyên nhân khách quan và chính xác hơn. Điều quan trọng là từ một quan niệm cho rằng những trường hợp trên là triệu chứng (td. một dạng của bệnh tinh thần/tâm lí), người ta đã bắt đầu đánh giá lại và xem như là hiện tượng bình thường trong xã hội. Tương tự như các cụm từ xuống thuyền, lên đất, ra Kẻ Chợ: ta có thể cảm thông phần nào với các cách dùng "lạ lùng" này (đối với người nước ngoài như LM de Rhodes mới học tiếng Việt) từ một tư duy tổng hợp và truyền thống văn hóa rất lâu đời.

4. Tài liệu tham khảo chính và phê bình thêm

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

clip_image026_thumb_thumb (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lí Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Richard Cytowic (2018) "Synesthesia" MIT Press, Essential Knowledge Series (Cambridge). GS Cytowic viết nhiều bài nghiên cứu và tài liệu về CGK như

clip_image027_thumb_thumb (2003) "The Man Who Tasted Shapes" MIT Press (Cambridge)

hay bài giải thích về CGK trên youtube https://www.youtube.com/watch?v=VjF9vd8G_CY

3) Simon E. Fisher (2019) "Max Planck Institute for Psycholinguistics" xem các thông tin liên hệ trên trang https://www.mpi.nl/

4) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON).

5) Théophile Legrand de la Liraÿe (1868) "Dictionnaire élémentaire annamite-français" Impremerie Impériale (SaiGon)

6) Lila San Roque, Kobin H. Kendrick, Elisabeth Norcliffe, Asifa Majid et al. (2014) "Vision Verbs Dominate in Conversation across Cultures, but the Ranking of Non-Visual Verbs Varies" từ viện nghiên cứu Max Planck Institute for Psycholinguistics, Nijmegen, Niederlande (Hà-Lan) – xem thêm chi tiết trang https://www.mpg.de/8849014/hierarchy-senses

7) Nguyễn Trần Mô (1940) "Nam Hoa Tự Điển" NXB Hà Nội

8) Ngô Minh Nguyệt (2013) "Đặc điểm cấu tạo, ngữ nghĩa và hàm ý văn hóa của từ chỉ mùi vị trong tiếng Hán hiện đại" Tạp chí Khoa Học ĐHQGHN, Nghiên cứu Nước ngoài, tập 29, số 3 (2013) 44-53.

9) Nôm Foundation (2019) "Truyện Kiều" xem các bản Kiều khác nhau trên mạng http://www.nomfoundation.org/nom-project/tale-of-kieu/Line-by-line-comparison-between-versions-of-Kieu?uiLang=vn

10) Alexandre Pilon (1908) "Petit lexique annamite-français" Imp. de la Société des Missions Etrangères (HongKong) – còn gọi là cố Long (Phát Diệm).

11) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

clip_image028_thumb_thumb (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

clip_image029_thumb_thumb “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

clip_image030_thumb_thumb "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

12) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

13) Nguyễn Cung Thông (2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

clip_image031_thumb_thumb (2015) "Tản mạn về từ Hán Việt thời – thì (phần 6.2)" - có thể xem toàn bài trang này https://cvdvn.net/2015/12/04/tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

clip_image032_thumb_thumb (2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

clip_image033_thumb_thumb (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html hay trang http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm...


[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Tiếng Trung (Hoa) synaesthesia là 聯覺 liên giác, 共感覺 cộng cảm giác, 聯感 liên cảm hay 通感 thông cảm (khác với cảm thông 感通 là tình cảm/cảm động giữa hai hay nhiều người), tiếng Hàn 공감각 cộng cảm giác - tiếng Nhật 共感覚(きょうかんかく、シナスタジア ~ cộng cảm giác).

[3] GS Kohler (1947) cũng thấy khuynh hướng dành ưu tiên dùng từ takete để chỉ hình có cạnh nhọn, và maluma để chỉ hình có cạnh bầu tròn. Phụ âm đầu k/g tiếng Việt cũng có khuynh hướng chỉ vật thể cứng cáp, gai góc, kim, tương phản với phụ âm b/m có khuynh hướng chỉ vật thể bầu tròn, béo, mũm mĩm, mập mạp, v.v.

[4] Xem thêm chi tiết qua lời dẫn của nhà nghiên cứu Kelly McCormick trên mạng qua youtube https://www.youtube.com/watch?v=rQX1ax96l7Y hay bài viết "Sound to Meaning Mappings in the Bouba-Kiki Effect" (2015) của các tác giả McCormick, Kelly; Kim, Jee Young; List, Sara; Nygaard, Lynne C …

[5] Trong bài diễn thuyết https://www.youtube.com/watch?v=VjF9vd8G_CY GS Richard Cytowic đã gợi ý "cross-talk in the brain is the rule, not the exception" (liên kết qua lại trong não bộ là tất yếu, không phải là ngoại lệ (phỏng dịch/NCT - khuynh hướng khảo cứu trước đây xem CGK như ngoại lệ, bệnh trạng...).

[6] Trong các nét nghĩa cổ của vị 未, có một nghĩa được Thích Văn 釋名 ghi là 未,昧也 vị, muội dã – đây là nét nghĩa liên quan đến thị giác, cũng như mùi ~ màu tiếng Việt. Đây cũng là vết tích cho thấy âm cổ của vị là *muj (còn bảo lưu trong tiếng Việt qua dạng mùi).

[7] LM Giêrônimô/Jeronimo Maiorica (thế kỉ XVII) là tác giả các truyện viết bằng chữ Nôm về lịch sử CG, và các nhân vật có công trong việc truyền bá và gìn giữ CG... Các câu trong bài này được trích từ sách dịch ra chữ quốc ngữ lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).

[8] Tới thời các LM Béhaine/Taberd (1772/1773-1838), cách dùng thức và sắc vẫn còn như ngũ sắc là thức (sắc) trắng hay thức bạc, thức đen, thức đỏ, thức xanh, thức vàng rất khác với tiếng Việt hiện đại.

[9] Trích từ trang 318 "Từ điển Mường-Việt" Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ - Hoàng Văn Hoành, NXB Văn Hóa Dân Tộc 2002 (Hà Nội).

[10] Ba thành phần quan trọng trong quá trình chế biến và nấu thức ăn cho hoàn hảo là sắc 色 (màu, hình dạng), hương 香 (mùi thơm) và vị 味 (cảm giác khi nếm/khi ăn): một chữ mùi/mồi/vị đều bao gồm các tính chất này.

[11] Bùi có một dạng chữ Nôm dựa vào chữ bùi/bồi HV 裴. Cách dùng "nghe mùi lắm (nghe nhạc thuận lỗ tai, nghe thấy hay...)" vẫn hiện diện trong khẩu ngữ.

[12] Rau ngò, hay rau thơm (coriander/A, coriandre/P) còn gọi là Hồ tuy 胡荽, Hương tuy 香荽, Nguyên tuy 芫荽, Hương thái 香菜, Diên tuy 延荽, Ngò, Ngổ, Ngổ thơm, Coriandre, Korianđer (Đức), Hoàn tuy thái... Còn gọi là rau mùi (do mùi thơm đặc biệt từ loài rau này/NCT – phương ngữ Bắc bộ/Đàng Ngoài).

[13] Nhà bác học Hi-Lạp Aristotle (384 TCN - 322 TCN) đã nhận ra sự quan trọng của nhận thức thị giác và đã cho giác quan này đứng đầu trong ngũ giác: thị > thính > khứu > vị > xúc giác. Các báo cáo khoa học gần đây của viện nghiên cứu Max Planck Institute for Psycholinguistics cũng cho kết quả tương tự - xem liệt kê ở mục 4. VBL trang 736 ghi thấy (trông thấy/thị giác) dùng cho mọi cảm giác (omnibus sensibus/L) như "nghe thấy, thấy tiếng, ngưởi thấy, đã thấy...". Khoảng 70 % tế bào nhận (thụ thể cảm giác/sensory receptors) tập trung ở mắt, nói lên mức quan trọng của thị giác. Tục ngữ tiếng Anh còn có câu "Seeing is believing" (thấy mới tin được/NCT), hay dữ kiện nhìn thấy được khó mà chối bỏ!

[14] Có nhiều tài liệu về lí thuyết và ứng dụng Gestalt, td. xem trang này nói về Gestalt trong nhiếp ảnh https://www.adorama.com/alc/0013706/article/6-Principles-of-Gestalt-Psychology-That-Can-Improve-Your-Photography..., v.v.

[15] thoạt nhìn thì xuống thuyền/lên thuyền, áo lạnh/áo ấm, thình lình/bất thình lình, chợt/bất chợt, đánh thắng/đánh bại có vẻ mâu thuẫn – nhưng khi nhìn rộng ra để thấy các liên hệ rộng lớn hơn và phức tạp hơn (môi trường chung quanh) thì dễ cảm thông với khả năng mâu thuẫn từ logic nhị phân (hai giá trị trắng và đen rõ ràng, không có giá trị ở giữa). LM de Rhodes từng ghi nhận cách dùng lạ lùng "xuống thuyền, lên đất" trong tiếng Việt và phải giải thích thêm về các cách dùng này trong VBL!

[16] tiếng La Tinh nos nghĩa là chúng ta/chúng tôi (we, us/A), gốc của tiếng Pháp nous. Khi dịch ra tiếng Việt "Nous sommes Annamites", học giả Trương Vĩnh Ký (sđd) ghi là "Chúng tôi là người Annam" (không phải là chúng ta hay chúng mình - NCT).

[17] Truyền thống đạo đức Đông phương cũng có khả năng ‘thay đổi’ mức độ chính xác (khách quan, truyền thống Tây phương): td. thời gian, hình dạng chỉ còn là tương đối "thương nhau củ ấu cũng tròn", trọng nghĩa khinh tài "chín bỏ làm mười", “1 điều nhịn là 9 điều lành”, v.v.

[18] Khảo cứu gần đây của đại học Sussex (3/2017) cho thấy có quan hệ giữa chứng tự kỉ (autism) và CGK - xem chi tiết trang này https://www.sciencedaily.com/releases/2017/03/170307100346.htm hay https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3834557/, liên hệ giữa CGK và thuận tay trái vẫn còn đang được nghiên cứu - xem thêm chi tiết trên trang https://www.syntoolkit.org/welcome, v.v.