Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Phát biểu chia tay nhà giáo dục Phạm Toàn – nhà văn Châu Diên (sáng 28/6/2019)


image_thumb[1]
LỜI PHÁT BIỂU CỦA NHÀ THƠ DƯƠNG TƯỜNG DO PHẠM ANH TUẤN ĐỌC BÊN LINH CỮU NHÀ VĂN CHÂU DIÊN
Trong những ngày cuối Nhà giáo Phạm Toàn nằm trên giường bệnh, người bạn thân thiết của ông, nhà thơ Dương Tường vẫn đang gấp rút hoàn thiện bản dịch mà ông gọi là “bản dịch khó nhất của đời ông”, trong tình trạng thị lực gần như suy giảm hoàn toàn. Cách đây một tuần lễ, nhà thơ Dương Tường có nói thầm vào tai Nhà giáo Phạm Toàn: “Tao muốn mày phải là người đọc đầu tiên”.

Vậy là không có “người đọc đầu tiên”! Vĩnh viễn hay là chưa từng có? Rồi đây liệu có ai nhớ đã từng có “người đọc đầu tiên” hay là, chưa từng có người đọc đầu tiên.
Với sự cho phép của nhà thơ Dương Tường, tôi xin chép lại lời của Dương Tường về tiểu thuyết Người Sông Mê của nhà văn Châu Diên, tức Nhà giáo Phạm Toàn: Có phải Sông Mê – như một ẩn dụ – là một chặng tất yếu mà nỗi Ta đều phải qua để tới Bên-Kia? Có phải ai cũng muốn nhớ hết những gì đã trải qua trong cuộc đời ngắn ngủi của mình? Ai có thể nhớ hết những gì mình đã sống qua? Mỗi người sống bao nhiêu kiếp trong một vòng đời? Và ai có thể không nhớ nữa những gì mình muốn quên đi?
XIN CẢM ƠN TẤT CẢ!
PHÁT BIỂU CỦA TS TÂM LÝ MẠC VĂN TRANG
PHẠM TOÀN - NGƯỜI HẠNH PHÚC
Trên bình diện xã hội, Phạm Toàn luôn trăn trở biết bao điều, nhiều lần Anh không sao cầm được nước mắt... Nhưng nếu xét về phương diện cá nhân, Phạm Toàn thật là NGƯỜI HẠNH PHÚC.
1. Nếu hạnh phúc (HP) là đạt được những ước mong sau bao nỗ lực kiếm tìm, thì đây. Sau mấy chục năm tìm tòi thể nghiệm từ viết Văn, làm Thơ, dạy học, viết sách, dịch sách, nghiên cứu, huấn luyện giáo viên, ở lĩnh vực nào Phạm Toàn (PT) cũng đạt được những thành tựu, nhưng tất cả vẫn chưa phải điều PT mong ước nhất... Mãi đến năm 2009, khi bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, một cơ duyên kỳ ngộ, khiến PT quyết định theo “Hướng đi và Cách làm” giáo duc (chữ của Hồ Ngọc Đại) đúng với tâm nguyện của mình. Đó là “khởi nghiệp”, lập ra nhóm CÁNH BUỒM (CB) để biện soạn sách Văn, Tiếng Việt dạy cho trẻ em. Thế rồi PT cứ cuốn theo sự trưởng thành của học sinh từ lớp 1, lên lớp 2 và dần dần đến lớp 9... Toàn bộ tài năng, sức lực, tâm huyết PT đã gửi tất cả vào sự nghiệp này. Đó là thành tựu quý giá PT và các cộng sự đã tạo ra, dẫu còn thiếu, còn cần hoàn thiện hơn... Nhưng những gì CB đem lại cho học sinh là cái tin cậy, để những điều học sinh lĩnh hội được sẽ là vốn quý suốt đời, không phải vứt đi, học lại...
Chừng ấy thôi, đã là HP lớn lao của những ai tha thiết muốn làm được điều gì đó, muốn để lại cái gì đó có ích cho đời.
2. Nếu HP là trong đời có những người bạn tri âm, tri kỷ, thì PT thật HP. Anh có những người bạn từ thuở hàn vi, nay ngoài 80 tuổi, cứ gặp nhau là “mày – tao” tíu tít. Anh có nhóm CB, những người từ hai bàn tay trắng gắn bó với nhau, đầu tắt mặt tối, chia ngọt sẻ bùi, thân thiết, trung thành, theo đuổi một công việc đến cùng; PT có mấy chục cộng tác viên, từ anh sinh viên trẻ đến nhà Kiều học ngoài 90 tuổi; từ người ở trong nước khắp Bắc, Trung, Nam đến người ở nước ngoài: Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Úc... – những người được PT chọn mặt gửi vàng, đã vô tư hiến tặng cho Anh những đóng góp cụ thể vào bộ sách CB, với tất cả tâm huyết, trí tuệ, mà không ai nghĩ đến thù lao! Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là người Chị, người bạn thân thiết của CB. Thỉnh thoảng bà lại gọi CB đến chơi, “nói cho chị, xem CB làm được đến đâu rồi”? Bà bảo, PT và các em “tay không bắt giặc”, thiệt là giỏi! Bà viết sách được 20 triệu đồng cũng đưa tất cả cho nhóm CB... PT và nhóm CB làm được như vậy cũng nhờ bao tấm lòng thơm thảo, tin cậy, mến yêu giúp đỡ tạo điều kiện. Nhà XB Tri Thức do Chu Hảo làm Giám đốc đã in tất cả sách CB; Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace 24 Tràng Tiền, sẵn sàng cho mượn địa điểm tổ chức các cuộc hội thảo...
Trong một xã hội nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, đầy dối trá, PT như một thỏi nam châm hút về mình những tấm lòng tử tế, những tinh hoa góp sức làm nên bộ sách CB. Hạnh phúc nào bằng, khi PT có được những bạn bè tin cậy đến như thế!
3. Nếu HP của người Thầy là truyền đạt được những gì mình mong ước cho học trò một cách tin cậy, thì PT là người thầy HP. Sách CB “Ba trong Một”: vừa là sách hướng dẫn giáo viện; vừa là sách cho học sinh tự học; cũng là sách hướng dẫn làm bài tập. PT làm được như vậy, vì anh tích hợp trong mình ba năng lực cơ bản: PT là nhà văn + nhà giáo + nhà nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học. Đặc biệt PT đã đúc kết “Nghề dạy Văn” trước đó và hiện đại hóa nó, khi cùng làm việc với Hồ Ngọc Đại tại Trung tâm CNGD từ 1980 đến 2000, rồi vận dụng sáng tạo vào Giáo dục CB thành công. PT chọn được CÁI (nội dung) phù hợp logic phát triển của HS và có CÁCH (phương pháp) phù hợp với mỗi CÁI; Cho nên PT tách ra, dạy Văn theo “CÁCH” NGHỆ THUẬT và dạy Tiếng Việt theo “CÁCH” KHOA HỌC.
Triết lý của PT: Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thế hệ trẻ. Các giáo viên và cha mẹ học sinh là những người theo sát từng bước trưởng thành của con trẻ, đã gửi trọn niềm tin ở Thầy Toàn. Còn trẻ em, qua mỗi bài học lại tích lũy được những điều mới lạ, bổ ích, lý thú, để phát triển thêm từng bước. Phát triển là hạnh phúc của trẻ em mỗi ngày đến trường. Nhìn tấm hình lũ trẻ sau giờ học xúm vào ôm vai, bá cổ Thầy Toàn, biết anh hạnh phúc nhường nào!
4. Nếu HP gắn liền với Tự do thì PT đã có HP. PT đã vượt qua được nhiều định kiến, ràng buộc để tự do suy nghĩ, tự do yêu thích, tự do chọn lựa, tự do hành động, dám sống chân thật đúng với bản tính của mình. Trong một thể chế kiểm duyệt mọi thứ, nhưng PT vẫn thực hiện được “quyền ta ta cứ làm” (chữ của Nguyễn Quang A), và PT đã làm được phần lớn những gì anh tha thiết, trong tầm tay của mình. Thời buổi này, mấy ai đã có được hạnh phúc này, như PT!
5. PT là người đa tài. Lắm tài thường nhiều tật. “Lang bang, phóng túng là bản chất của sáng tạo” (câu của François Mitterrand, cố Tổng thống Pháp), PT đã sống như vậy. Nhưng Gia đình, những người thân yêu dường như đều vượt qua mọi thị phi, thấu hiểu anh, chấp nhận cá tính của PT trong niềm yêu thương sâu thẳm, lớn lao... PT đang được bao bọc bởi tình yêu vô hạn của anh em, con cháu trong một gia đình lớn và đông đảo bạn bè quý mến. Vậy HP nào bằng!
PT ơi, khi tôi đọc cho Anh nghe, “duyệt” bài viết này, Anh đã gật đầu, nắm chặt tay tôi, mỉm cười, mãn nguyện.
Hôm nay, những người thân yêu của gia đình và bạn bè có mặt đông đủ ở đây tiễn Anh ra đi. Hãy mang niềm HP trần gian, mà Anh đã chắt chịu cả một đời, với bao nỗ lực phi thường mới có được, tiếp tục cuộc phiêu du trong thế giới vô hình.
Mọi người vẫn luôn nhớ đến Anh!
Vĩnh biệt Anh!
28/6/2019
PHÁT BIỂU CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH PHẠM XUÂN NGUYÊN
SINH MỘT PHẠM TOÀN
(Bài thơ này tôi viết dịp sinh nhật 78 tuổi của anh - 1.7.2010 và đã đọc anh nghe mấy lần. Lần cuối cùng tôi đọc anh nghe là hôm 14.6.2019. Ngay hôm anh mất, 26.6.2019, tôi đã viết thêm một khổ cuối. Hôm nay trong một tang lễ ấm áp gần gũi tình cảm gia đình, bạn hữu, tôi đã đọc toàn bài để tiễn đưa anh, sau khi đã đọc cho mọi người nghe một bài thơ anh viết từ 1986 về trần gian.)
cha mẹ sinh ra một phạm toàn
lọt lòng đã có tính đi hoang
mà ngoài bảy mươi về bên mẹ
mỗi chiều chủ nhật đứa con ngoan
trời đất sinh ra một phạm toàn
cầm tinh con khỉ chốn rừng hoang
hiếu động nghịch tinh tôn hành giả
quậy tung giáo dục với văn đàn
vợ con sinh ra một phạm toàn
duyên nợ vợ chồng khéo đa mang
tình mới nghĩa xưa vui vẻ gánh
gái trai thành đạt nhẹ thân nhàn
phụ nữ sinh ra một phạm toàn
ngông nghênh đầu trọc hóa dịu dàng
ríu rít vây quanh em và cháu
đi đâu cũng có bóng một nàng
bè bạn sinh ra một phạm toàn
phờ tờ vĩ đại rất rinh rang
mắng mỏ thằng này khen thằng nọ
đầu xanh tóc bạc cùng cười vang
châu diên sinh ra một phạm toàn [1]
văn chương cười dọc lại khóc ngang
ru chàng hamlet thiu thiu ngủ
chợt nghe đầu núi sấm nổ ran [2]
giáo dục sinh ra một phạm toàn
lo lắng tương lai chẳng ngại gàn
cải cách thực nghiệm rồi làm sách
cánh buồm đón gió giữa tràng giang [3]
bôxít sinh ra một phạm toàn
kêu lên bùn đỏ ngập non ngàn
chung tay kiến nghị và trang mạng
cùng sĩ phu cất tiếng gọi đàn
phạm toàn sinh ra một phạm toàn
tưởng đâu vô sự chẳng lo toan
nhưng càng cao tuổi càng thêm sống
càng thấy trong lòng nỗi bất an
tóm lại sinh ra một phạm toàn
khóc cười lăn lóc chốn trần gian
chớp mắt cuộc đời như mây nổi
vẫn vang giọng nói tiếng cười oang
Hà Nội 1.7.2010
cái chết sinh ra một phạm toàn
tám mươi tám tuổi cõi nhân gian
ra đi còn tiếc chưa xong việc
chắc sẽ mang theo xuống suối vàng.
Hà Nội 26.6.2019
pxn
Chú thích:
[1] Châu Diên là bút danh của Phạm Toàn.
[2] Chàng Hamlet thiu thiu ngủ và Sấm trên núi là tên hai truyện ngắn của Châu Diên.
[3] Cánh buồm là tên trang mạng về giáo dục do Phạm Toàn và các cộng sự mở.
clip_image002


PHÁT BIỂU CỦA TRƯỞNG NAM, DỊCH GIẢ PHẠM ANH TUẤN
Kính thưa Tất cả Quí vị,
Trong mấy ngày qua, gia đình chúng tôi đã nhận được rất nhiều, rất nhiều lời chia buồn, từ rất nhiều người, ở nhiều nơi, họ thuộc đủ các tầng lớp. Chúng tôi thấy ấm lòng, thấy rất tự hào về Nhà giáo Phạm Toàn, người Cha, người Ông, người Bác, người Chú trong đại Gia đình chúng tôi.
Chúng tôi quả thực sẽ thấy có lỗi nếu để quá nhiều cảm xúc bi lụy chi phối, trước Tình cảm quí báu của Tất cả quí vị, có mặt tại đây hay không có điều kiện có mặt tại buổi chia tay lần cuối Nhà văn Châu Diên, Nhà giáo Phạm Toàn.
Thay mặt Gia đình, từ đáy lòng tôi xin cảm tạ những tình cảm quí báu của Tất cả quí vị. Quả thực, không lời cảm tạ nào đủ sâu, đủ rộng để nói cho hết được sự cảm động và biết ơn của Gia đình chúng tôi.
Vì thế, cho phép tôi nói về Hi vọng. Hi vọng hay Hoài bão có Ý nghĩa phải trở thành Hiện thực thì mới là Hoài bão đích thực. Vâng, suốt đời mình Nhà giáo Phạm Toàn luôn sống có hoài bão. Và hôm nay, khi ông ra đi, ông đã để lại những thành quả hiện thực. Ông đã thành công, như tôi thấy, bởi vì Ông đã biết huy động, tập hợp, gieo Hi vọng nơi những con người, thuộc đủ các lứa tuổi, với những tài năng đa dạng, khác nhau, đến từ những Chân trời khác nhau. Đó là một bí quyết thành công của Ồng.
Ông không bao giờ thụ động chờ đợi có đủ 100% điều kiện thì mới HÀNH ĐỘNG. Ông vẫn dạy tôi, đừng bao giờ chờ có đủ 100% cơ hội thì mới hành động. Đó là bí quyết thành công thứ hai của Ông.
Một con người đa tài, đa sự chỉ cần có thế. Toàn bộ con người ông minh chứng cho hai điều như vậy. Dù ở đâu, dù làm việc gì, ông cũng đều hành động với hai phương châm như vậy.
Hãy Hành động, hành động với Hoài bão và Niềm Hi vọng. Một triết gia Pháp có viết: khi việc hi vọng dường như phản bội tôi ở một trong những niềm hi vọng của tôi, tôi không thể trung thành với niềm hi vọng đã chết này, nhưng tôi vẫn trung thành với việc HI VỌNG.
Đó là bài học đầu tiên và sau cùng Ông đã dạy tôi.
XIN CẢM ƠN TẤT CẢ!




PAT