Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Cuộc biểu tình Hồng-Kông – các giá trị đẹp lung linh

Lê Học Lãnh Vân

A. CUỘC BIỂU TÌNH HỒNG-KÔNG VÀ CÁC GIÁ TRỊ ĐẸP CỦA NÓ

Cuộc biểu tình của người Hồng-Kông khiến cả thế giới cảm phục và thương yêu. Quá nhiều bức ảnh cho thấy một cuộc biểu hiện ý dân vĩ đại, ôn hòa, minh bạch, vì mục tiêu bảo vệ nền dân chủ cho Hồng-Kông, bảo vệ cho thế hệ bây giờ và thế hệ tương lai... Quả thật một cuộc biểu tình đẹp, đẹp từ mục đích, ý tưởng cho tới cách tổ chức, cách thực hiện.


Tôi thật sự nghiêng mình trước tấm ảnh và clip cho thấy đoàn biểu tình từ từ dạt ra cho xe cứu thương đi qua. Lúc đó, đại lộ đang chi chít những con người đứng sát vai nhau. Xin nhớ cuộc biểu tình có hai triệu người tham gia, một con số rất khổng lồ.

Clip được quay từ góc cao, cảnh tượng quá ngoạn mục. Xin các anh chị tìm xem trên mạng để có cảm xúc trực tiếp mà bài này không thể diễn tả hết. Chỉ biết tỏ lòng ngưỡng mộ trước quá nhiều giá trị sống cao đẹp trong cảnh tượng đó. Lòng Nhân Ái và Tôn Trọng Con Người, Tính Cộng Đồng, Tính Kỷ Luật là những giá trị dễ thấy nhất toát lên từ clip. Đáng khâm phục hơn là những giá trị đạo đức cao thượng đó được cùng nhau chia sẻ và thể hiện một cách tự nhiên bởi hàng triệu người tụ tập trên một không gian nhỏ. Và thêm sự thán phục nữa là trình độ tổ chức!

B. HIỆN TRẠNG VIỆT NAM

Chắc nhiều người Việt động lòng khi nhìn lại cảnh thường xảy ra trên đường phố nước mình: chiếc xe cứu thương hụ còi, len lỏi qua những hàng xe mà đa số trong đó không chịu nhường đường hay thậm chí tranh đường với xe cứu thương! Còn đâu Sài Gòn trước năm 1975, người đi đường khi nghe xe cứu thương hụ từ xa là tự động nép vô lề? Còn đâu Sài Gòn xe cộ dừng ngay hàng thẳng lối trước đèn đỏ, không một bóng xe ngược chiều trên đường một chiều? Người đi đường luôn vừa đúng qui tắc và luật giao thông vừa lịch sự nhường nhau? Tôi chỉ nói về xã hội Miền Nam vì đã sống trong lòng nó trên 60 năm, nhưng cũng từng nghe người lớn tuổi trong gia đình đi học hay làm việc ở Miền Bắc trước khi đất nước phân đôi năm 1954, nhắc về một Hà Nội lúc đó nền nã, thanh lịch, quí trọng con người... Một xứ sở mà các giá trị sống như nói trên không là giá trị cốt lõi, không được tôn trọng, xứ sở đó làm sao có thể vươn lên?

Việt Nam, trên cả hai Miền Nam Bắc, vào thời chưa xa, từng xây đựng đất nước với đạo đức và tri thức không hề thua kém lân bang. Tính chính danh của xã hội rất cao, lãnh đạo ra lãnh đạo, trí thức ra trí thức, chuyên viên ra chuyên viên, bằng cấp ra bằng cấp, chức danh ra chức danh... Dân chúng hiền hòa, siêng năng, trung thực, sẵn lòng tương trợ. Công chức có tinh thần phụng sự, liêm chính. Trình độ sống trong xã hội, trong các đô thị lớn có thể nói tiệm cận các nước văn minh, chỉ chờ thời cơ thế giới biến động là có thể vươn lên hàng ngũ các quốc gia tiến bộ. Như Nam Hàn, thậm chí, như Nhật Bản! Vì đâu mà bây giờ nên nổi?

C. SUY NGHĨ VỀ NGUYÊN NHÂN

Một xã hội đạt được trình độ sống như những gì thế giới đang thấy ở Hồng-Kông phải trải qua hàng trăm năm xây dựng không đứt gãy, năm sau tiếp nối năm trước, thập niên này đứng trên lưng thập niên kia... Sự xây dựng phải trên dựa trên tri thức, trên đạo đức làm nền tảng cho mọi mặt hoạt động: chính trị, văn hóa, giáo dục, kinh tế, quân sự... Thiếu tri thức không thể xây dựng được. Thiếu đạo đức, không thể xây dựng được. Tri thức và đạo đức cần phải có nơi người dân và nơi bộ máy công quyền.

Trình độ tri thức và đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay có lẽ không còn là vấn đề phải bàn. Chỉ cần nhìn cách ứng xử thường ngày của dân chúng trong các mặt hoạt động ngoài xã hội, cũng như số người Việt hàng hàng lớp lớp bỏ Việt Nam mang tri thức và của cải đi định cư vĩnh viễn xứ khác là đủ thấy. Xin được nói lên dưới đây câu hỏi tôi thường tự đặt và cách lý giải của mình.

Phải chăng sau thế chiến hai, sau khi đất nước phân đôi năm 1954, vì nôn nóng giành độc lập, vì chưa xác định mục tiêu lớn nhất của dân tộc, vì không thấy thời cuộc thế giới đã thay đổi, vì không phân tích kỹ thế mạnh yếu, lẽ được mất... mà Việt Nam đã dốc tất cả năng lượng của mình vào chiến tranh giành độc lập và cuộc chiến Bắc-Nam?

Việt Nam đã giành được lập như mình mong muốn. Nhưng nếu mục tiêu chung nhất của dân tộc là Tổ Quốc giàu mạnh, Dân Tộc no ấm, văn minh thì có phải Việt Nam ngày nay đã cách xa mục tiêu đó hơn xưa quá nhiều không?

Trong công cuộc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, từ chống Pháp tới chống Mỹ, có phải Việt Nam đã hy sinh giới trí thức vì giới thợ thuyền, hy sinh địa chủ và giới có chữ ở nông thôn vì bần cố nông, hy sinh các nhà tư bản và tư sản vì giới thợ thuyền tay búa, tay kềm?

Có người nói chiến tranh thì cứ chiến tranh, nhưng nếu sau khi nước nhà thống nhất mà không mắc các sai lầm trong quản lý thì Việt Nam có thể cũng khác ngày hôm nay! Người viết không nghĩ vậy, khi giới tinh hoa, trí thức bị tổn hại năng nề thì các sai lầm cực đoan khó tránh! Thực ra chiến tranh là cực đoan, các sai lầm cực đoan sau hòa bình chỉ là sự tiếp nối. Phải chăng chính sự cực đoan của chiến tranh khiến các mặt đối lập, các thành phần khác nhau trong xã hội thay vì hợp tác, dung hợp nhau lại bị đẩy vào thế đối đầu một mất một còn của cuộc “đấu tranh này là trận cuối cùng”?

Đạo đức, giềng mối xã hội nào còn giữ được sau một cuộc chiến 30 năm, trong đó “20 năm nội chiến từng ngày”? Thực tế Việt Nam là một thí dụ minh chứng, và đó là điều khiến ta phải rất sợ chiến tranh, nhất là nội chiến. Những năm đi làm cho nước ngoài thập niên 1990, 2000, tôi thường nghe các bạn ngoại quốc nói thế giới có hai thí dụ cho thấy tham nhũng và nội chiến tàn phá khủng khiếp nền kinh tế một quốc gia như thế nào. Thí dụ thứ nhất là Phi Luật Tân, thí dụ thứ hai là Việt Nam. Có nên xem nhận xét đó là bài học cần khắc cốt ghi tâm? [Ghi chú: Việt Nam không chấp nhận tính nội chiến của cuộc chiến 20 năm, đó là cách người nước ngoài nhận xét].

Do đó, tôi không bao giờ dám xem thành phần nào trong lòng dân tộc Việt là “thế lực thù địch” vì cho rằng đây là mầm mống tư tưởng gây chia rẽ xã hội chúng ta, một xã hội đang chứa quá nhiều chia rẽ di chứng của cuộc chiến vừa qua cùng với cách quản lý một thời. Tôi cũng không trách cứ riêng ai đã chọn con đường dẫn tới hiện nay. Chỉ xem quá khứ như một cố gắng đau đớn chung của dân tộc nhằm thoát vòng thuộc địa, vòng chậm tiến. Mục tiêu đó, tính từ năm 1945, sau gần 80 năm chẳng những chưa đạt mà hình như ngày càng xa tay với. Vậy thì, nên chăng dân tộc cần nghiêm túc và khách quan ngồi lại xem lại con đường đã đi gần thế kỷ qua có phù hợp không? Có phải là con đường ngắn không? Có đúng chiều không? Và, rất quan trọng, có tương thích và thúc đẩy phát triển kinh tế nói riêng, phát triển dân tộc nói chung trong thời cuộc thương chiến Mỹ - Hoa, khi mà các cường quốc văn minh trên thế giới đã cảnh giác với mưu đồ của Tàu Tập?

Tôi tin rằng một khi chọn được con đường đúng đắn, tiềm năng dân tộc sẽ đẩy đất nước phát triển nhanh. Cộng với kinh nghiệm xây dựng xã hội của năm mươi, bảy mươi năm trước, quốc gia Việt Nam sẽ nhanh xây dựng xã hội với các giá trị đẹp lung linh, khôi phục vị trí từng có trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới, kề vai sát cánh với Hồng-Kông, Nam Hàn, Nhật Bản...

Ngày 22 tháng 6 năm 2019