Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Đẻ sách (kỳ 5)

Tiểu thuyết của Đỗ Quyên 

Chương 2

Theo chân những người tỵ nạn

2.10

The Kangaroo không hề nảy ý cạnh tranh với Der Spiegel ở chuyên mục phỏng vấn. Có điều David O'Donovan thích làm mục này bởi nó không được ai thích. Không ai nếu không được cảm tình với thượng cấp lại thích nhận cái thứ việc lúc nào cũng dễ bị hỏi công việc chạy đến đâu rồi. Chủ bút The Kangaroo gọi điện thoại từ nhà nghỉ Queensland. Ở đó vừa qua trận bão phá sạch hai phần ba nguồn chuối của Úc. Ông O'Donovan đang ở nhà riêng. Cuối tuần có phone của thượng cấp, lại gọi từ nơi xa hỏi về công chuyện. Chắc không chỉ The Kangaroo theo lệ này. Nhất là với các tờ báo chuyên đề. Nhưng điều đó đâu có nghĩa người phụ trách chuyên đề phải hoặc là độc thân hoặc có người sống chung như vợ chồng không có tính nghe lén điện thoại.

- Bà ta sắc như con cáo, láu lỉnh như con mèo, hai con vật ít thủy chung nhất. Một mẫu người công dân quốc tế, sẵn lòng ăn cả cái hang từng nương nhờ trú ẩn, đại tiểu tiện lên đống chăn gối từng rúc vào.

Ông O'Donovan xòe bàn tay ra không trung. Nhưng không dám nhún vai với sếp, dù qua điện thoại. Ông lo nội dung bài phỏng vấn bị biến dạng khi đến mắt độc giả.

- Nếu qua Úc sinh sống liệu bà ta còn giữ cách nhìn đó về di dân, ngụ cư?

Bà O'Donovan chuyển cái dây nghe nhỏ xíu vào mái tóc bạc trước tuổi. Bà xuống vườn sau với con mèo già, già cũng trước tuổi.

- Hai ta thử cùng hình dung độc giả sẽ phản ứng ra sao với những câu của nữ lưu luật pháp ấy: “Cảnh sát Đức lăn vân tay người tỵ nạn. Tôi nghĩ, một biện pháp thuần hình sự. Có ích đấy, nhưng dư. Với người di dạt đó đây đến Đức quốc, vân tay họ hiển hiện trên các đồng DM rồi. Tôi thì muốn lăn vân chân, nơi mang nhiều thông tin di chuyển của họ. Phải, vân chân người bốn phương trời mười hai phương đất đã ký những dấu vạch không phai mờ trên bề mặt nước Đức.”

David O'Donovan bỗng thấy mình có nguy cơ mất cảm giác ngon miệng trong bữa ăn tới. Ông vừa được người nhà ở trang trại cũ biếu chai rượu nho cực quý. Hai hôm trước Lưu Trầm Tư hiện về... Ông nếm thử trái tim nhà thơ. Cuốn truyện đến đoạn kết, ra ngoài văn hứng của ông. Trong khi tám chương giữa chưa được chữ nào. Thành thử David cứ tiếc ư ử. Ư ử như con chó ngoan đang gặm dở khúc xương bị chủ bắt ngưng vì lý do chỉ có chủ mới hiểu. Khúc xương không hiểu. Con chó càng không hiểu.

- Úc quốc ta từng bị tai tiếng do cái đảng không oai quyền gì ngoài tên One Colour. The Kangaroo nay lại sắp thế ư, điều này: “David, tôi khác ông ở việc chọn lọc chủng tộc của đôi chân. Ừ, có thể các con tim không có quốc gia dù có nước mẹ Tổ quốc. Nhưng cặp giò, bàn chân thì có đấy. Tôi phân biệt sắc tộc, nhưng không kỳ thị. Phân biệt họ để gộp họ lại, tìm cái chung từ cái riêng. Theo các cặp chân ở mỗi sắc dân, tôi tìm ra họ gặp nhau chỗ nào trong thân phận di trú nơi đất Đức. Không lẽ điểm hội tụ là đồng DM?”

David O'Donovan thèm nhâm nhi Lưu Trầm Tư lúc này quá. Như đứa con nít nhà địa chủ bỗng thèm kẹo kéo. Chỉ nhai chậm trái tim ấy ông O'Donovan mới phê. Dù ông không thể viết văn cùng lúc làm phỏng vấn. Phải ngậm mút đến cả con tim cưng hiếm mới hòng quên đi những người đàn bà đứng sau lưng ông. Thật phí! Đang rất tỉnh ông không tin trong đời viết văn của mình sẽ có được trái tim thứ hai như ở họ Lưu.

- Còn cái này, gần 200 độc giả dài hạn gốc Việt của chúng ta sẽ cười hay khóc đây… “‘Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm’, ta hay nghe nói về đàn ông, sĩ phu Việt. Tôi đã kiểm chứng câu đó qua hai hình ảnh: Tấm ảnh công thần Phan Thanh Giản ngồi trên ghế tựa xòe bàn tay nải chuối trên đầu gối củ lạc; và anh Hải Dớ ngồi ở phòng khách nhà tôi. Tôi giật mình: ‘Trời ơi! Dáng ngồi thần thái của người Việt qua trăm năm vẫn vậy?’. Nước Đức không vậy. Nhưng thôi, kiến thức về người Đức của tôi thật tệ hại.”

O'Donovan đưa cả hai ngón tay vào miệng. Chầm chậm mút. Mút, mút. Đầu óc nhẹ đi theo mút. Các câu nói đều đều của bà Chủ bút xa dần theo từng cử chỉ thụt ra thụt vào của hai ngón tay. Thì ông vẫn ăn nho mà. Những trái nho trước mắt mang hình quả tim thi sĩ Trầm Tư. Nho đỏ hon hỏn. Ông đang để trên ngọn cảm xúc các máu thịt Tư chồng dành cho Tư vợ. Cái tình yêu cao lên trên một thân thể lùn. Những câu thơ… Những nụ hôn… Những cái sờ… Hai lần ông di tinh khi nhập vào một trận tình của vợ chồng Thu. Tốc độ viết của ông khi đó vẫn là kiểu viên chức thôi. Một tiếng được 500 chữ trọn vẹn, tu chỉnh ngay tại từng con chữ, một ngày không đi làm là 4.000 chữ, ngày thường 2.000. Nhưng là các chữ ứa tinh hồn máu thịt nhân vật và tác giả. Ông dự tính cuốn sách phải tới bốn năm mới xong nổi. Nói về chuyện đếm chữ, O'Donovan và đồng nghiệp thường thắc mắc vì sao người Trung Hoa lại có thói đếm số chữ trong bài viết. Cứ như ai cũng là người làm báo đong đếm chữ cho vừa trang báo? Hay vì cái biển người của họ lan vào biển chữ? Hoặc ngược lại. Bà Chủ bút minh họa: “Thì họ có loại Từ Hải đại từ điển Hán ngữ đấy.” Bà O'Donovan nghe ông kể lại, chảnh không kém: “Làm đến ghế chủ báo mà cũng không nhớ ra rằng bàn tính là một trong tứ đại phát minh của người Tàu! Coi như họ là ba sanh má đẻ ra máy điện toán vậy. Tính đếm là bản chất người Hoa, bà ấy cũng chẳng hiểu! Tôi nhòm kỹ, chả ai giỏi tính tiền bằng người Hoa. Ngay cả dân Do Thái tôi!”. Bà O'Donovan làm ở ngân hàng, minh họa vậy có cơ sở vật chất của nó. Chữ ông O'Donovan địch không lại. Chứ ông dư hiểu con chữ cái nghĩa Trung Hoa là biết nói biết nhìn nhất thiên hạ. Chữ của họ, theo thứ tự, là quyền lực, tiền của và tình cảm. Người Tàu đâu có khờ mà lãng mạn vô tư như người Âu châu. Nhưng sau lưng ông luôn có hai người đàn bà, thành ra ông thua cả hai.

- Đoạn này tôi chịu, về sự tinh ý rất nữ tính và về khả năng phát ngôn qua những con số từ bà ta: “Trong cuộc thi hoa hậu người Việt hải ngoại tổ chức tại Đức quốc năm kia, tôi đã quan sát, rồi đo lén bộ bàn trang điểm được ban tổ chức tặng người may mắn nhất. Chiếc ghế cô hoa hậu người Việt hải ngoại sẽ ngồi trong tương lai chắc là không khác chiếc ghế Phan công thần từng ngồi. Chiều cao tổng cộng của ghế 107 cm, từ mặt ghế đến chân ghế chỉ 47 cm. Phần dành cho cái lưng: 60 cm! Chúa ơi! Trong khi cái bàn vẫn ở chiều cao bình thường 75 cm. Cô nường Hoa hậu Việt đó cao 169 cm.”

“Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

Phải chăng cần xem xét từ góc độ nhân học để tìm những hạn chế sáng tạo trong vũ trụ nhân văn của người Việt Nam? Thúy Kiều là con lai của văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, Xuân tóc đỏ là con lai của văn hóa Việt và văn hóa Pháp, chỉ Chí Phèo là đứa con thuần Việt. Nhưng ba nhân vật ấy đều được sáng tạo bằng một niềm tin văn hóa lớn, một trí tưởng tượng quyết liệt, và một cái nhìn triết học hướng đến chiều sâu nghịch lý. Thúy Kiều, Chí Phèo và Xuân Tóc đỏ làm nên cái Tam giác quỷ chứa ẩn bí mật những tác phẩm văn học lớn. Nhìn lại những tác phẩm sáng tác trong nửa thế kỷ qua, có thể thấy những tác phẩm mang giá trị lịch sử lớn, nhưng hầu như chưa có tác phẩm nào có giá trị văn học lớn ngang tầm Tam-giác-quỷ-văn-chương trên. (…) Những phẩm chất vừa thấy ở Tam giác quỷ không hẳn là những thế mạnh sẵn có trong văn hóa Việt, mà có thể chỉ là những quà tặng đột xuất Đấng sáng tạo cho một số tài năng.

Nhìn gia tài văn hóa Việt, có thể thấy những sở đoản văn học:

1- Thiếu một niềm tin tôn giáo lớn: Dù có nhiều sinh hoạt tín ngưỡng mang màu sắc vật linh, người Việt không có đời sống tâm linh mạnh mẽ và phong phú như nhiều dân tộc khác. Tỉnh táo và thiết thực, người Việt luôn đứng vững trong cõi thế;

2- Thiếu một trí tưởng tượng tự do: Chính thái độ tôn giáo thực dụng của người Việt đã hạn chế trí tưởng tượng văn học vào khuôn khổ trí tưởng tượng thực dụng. Những tích như Từ Thức, Tấm Cám dường như không được phát huy trong văn học thành văn, nhất là văn học hiện đại. Hơn nữa, người Việt có truyền thống thiết thực, thực dụng văn hóa, nên văn học luôn là công cụ tải đạo, công cụ chiến đấu cho những giá trị nhân sinh, cho quyền lợi cộng đồng. Trí tưởng tượng của nhà văn nhiều khi giống như con chim có đôi cánh ướt, không thể bay lên;

3- Thiếu một thái độ cực đoan văn hóa: Văn hóa Việt không khuyến khích thái độ cực đoan, mà hướng đến giao thoa và cộng sinh giữa các thế lực và các giá trị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.

Muốn có tác phẩm lớn, nhà văn Việt Nam cần ý thức những ràng buộc văn hóa đó, tìm cách bứt phá bay lên như những Nguyễn Du, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng.” [1]

2.11

Nhà phỏng vấn ra hàng hiên. Ngoài vườn, hai sinh vật già trước tuổi - con mèo và bà vợ - đang êm ả bên nhau trên chiếc võng. Võng là gì, định nghĩa? Thôi đi! Thi sĩ của câu thơ “Tôi van cát bụi bên đường” nếu phục sinh thế nào cũng năn nỉ, chớ vớ va vớ vẩn cái kiểu trí thức nhà quê bày đặt nại cớ định nghĩa vật thể, sự việc để trốn tránh những quan tâm thiết thực về chúng. Kìa, cái võng đấy! Quan sát, sờ mó, ăn nằm cùng, thậm chí tháo tung nó ra trước khi muốn định nghĩa nó, nếu như cái đầu anh rỗng và cánh tay anh chắc nịch. Mà cũng không xong, thì dẹp. Nhiều điều đong đưa, bất ổn hơn võng rất nhiều đang sắp xảy ra đây. Ở đó võng với chả lọng!

Từ nhà hàng xóm cây cổ thụ mà ông O'Donovan quên tên chắc đã đến tuổi trăm đang rải từng cụm nắng xuống vườn nhà. Phía bên đó chỉ cây cổ thụ còn sống; chủ nhà độc thân đã chết. Chàng David tiếp tục hân khoái gửi điện thư các đoạn phỏng vấn khác cho sếp, tất nhiên chúng chẳng có các chi tiết chết người - các chi tiết ngoài phỏng vấn. Ô hô, các chi tiết đóng đai trong những dấu ngoặc vuông […] chim chuột Da-Ta. Đời thật vui và hào phóng, đã cho ra ngoặc rồi còn ngoặc ra các kiểu kép, đơn, vuông, móc… Hân hưởng đi, cho đã cái sự ngoặc ngoéo của mình. Chỉ chớ quên, trong cả một biển văn học muôn trùng, dù văn học được làm bằng nghĩa như không-Trần Dần hay văn học được sinh bởi chữ như Trần Dần, không con chữ cái nghĩa nào chạy được ra ngoài chân trời cảm xúc.

“Ông chồng ly thân tôi hay nói về cái lưng Hải Dớ thẳng như bức tường khi anh ta ngồi thắp hương thâu đêm trước văn phòng Dịch vụ Vệ sinh thành phố Fuerth để đòi tiền bị quỵt. (Chủ thầu là người Đức gốc Phổ, không phải gốc Thổ như dân tình thường nghĩ.) Cũng dáng lưng đó từng thẳng tưng trong bóng khuya trước Đại sứ quán Việt Nam ở Sofia trong ‘Một đêm không ngủ hát 49 bản nhạc Trịnh’. David và bạn đọc The Kangaroo sẽ nghĩ cái lưng dài ấy ‘tốn vải’? Nhầm. Không căn cơ như người Đức, người Việt phung phí lắm. Họ làm cỗ tiệc bao giờ cũng với một phần ba số lượng để đổ đi - đổ đi từ trong đầu họ khi sửa soạn chứ không phải do ế thừa như người khác tưởng. Phần đổ đi cho chó xơi là quân số thiện chiến không kém phần đổ vào bụng thực khách, nên chúng cũng có công trạng trong các trận chiến tiệc tùng lễ tết nơi người Việt. Vậy, làm sao họ lại có thể tiếc chút vải cho chút lưng người như Hải Dớ? Tôi không hiểu.

Tên thật của anh ta là Hải, về cái nickname Dớ tôi chưa được nghe giải thích cụ tỷ. A, người bạn trai hớp hồn ông chồng ly thân tôi có lần tại văn phòng của tôi, trong thứ tiếng Đức ‘quốc tế’, đã kể cho tôi biết một chi tiết quý. Tôi không viết truyện ngắn thật uổng, phải không David? Nhưng không thèm, tôi cần những sự kiện điền dã cho các bình luận pháp luật khoa bảng. Một nền văn minh lấy điều luật làm xương cốt, như Đức quốc, không nên tham vọng nhiều. Liệng đi truyện ngắn, tiểu thuyết, Đức vẫn là Đức! Hải Dớ kể, các bà già Việt xưa khi kén vợ cho con cháu thường có mẹo xem cô con gái nhà kia còn trinh tiết hay không… Họ nép sau bình phong (nhà giàu sang), tấm liếp (nhà nghèo khó) ghé mắt ra quan sát cô con dâu cháu dâu tương lai đang cúi xuống nhặt một đồ vật như thế nào. Cách khép đùi, mở chân của cô nàng. Vâng, đó chính là cái dáng, cái thế! Thế dáng đi đứng cúi nghiêng sau khi đã ăn nằm chắc chắn sẽ đổi khác đi so với thời cô ấy luôn phải khép (cửa) mình. Tha lỗi nha, phải viết he hé vậy mới toát được hình ảnh thần thái. Tôi thán phục người Việt cổ vô ngần! Nhìn cung cách anh Hải Dớ di chuyển tôi phác họa phong vận người Việt. Bất luận họ còn trinh hay hết trinh, tôi càng mến thương người Việt ở cái đáng mến thương rồi càng giận họ ở những cái đáng giận. Nói gọn, tôi trọng họ. Đồng DM Đức không phá thủng được độ trinh tiết nơi người Việt di dân.”

“Bạn đọc thắc mắc: Người Việt, người Á Đông, có dáng đi khác lạ do cặp chân ngắn; vậy nghĩ sao về dáng đi ở các dân Phi châu và Âu châu khi mà tỷ lệ chân và thân mình của họ gần như bằng một? Câu hỏi hay. Lời đáp cũng dễ. Thân chủ Phi châu của tôi khá nhiều, tôi không ham cặp chân họ. Bội thực mất, ngài MC ạ. Ông ăn tim thế nào tôi chưa rõ, còn tôi, tôi biết khả năng thẩm thấu của mình. Tôi chưa từng có bạn trai da đen. Nhiều bạn gái da trắng của tôi thường thích thử vốn liếng tình dục ở họ với cái cội nguồn hoang bạo đó, một ít đôi lứa đã thành hôn đàng hoàng. Nên cảm hứng viết lách chưa đẩy tôi đến họ. Nhiều thành tố tạo nên dáng, như đã nói. Với câu hỏi hay và không khó đó, theo tôi, chính xương chậu của hai giống Âu và Phi quyết định dáng đi khác nhau nơi họ. Nhìn người Phi đi, tôi tiếc vòng eo của họ quá! Nó không kéo toàn thân bay khỏi mặt đất như người Âu. Họ cứ nện thân hình mình xuống mặt đất với nguồn năng lượng chết oan. Người Á Đông mà có eo nữa thì - như ông chồng ly thân tôi hay nói - ‘Hết xảy!’. Hải Dớ nhanh nhảu giải thích: Hai chữ này thường dùng ở Việt Nam thời 1980. Người bảo ‘Đó là nhất! Hết ‘xảy’ ra chuyện gì sau đó’. Lại có người nói ‘Hết xảy!’ là ‘Hết… say!”, khỏi nói năng thêm! Nhất rồi còn gì.’ Tiếng Việt của ông chồng ly thân nhà tôi cũng ngộ há?

David, ông có thể giữ lại ý này, mơi bạn đọc The Kangaroo. Nếu chỉ nói về tỷ lệ chân và lưng thì người Việt, người Đông Nam Á khá giống một số sắc dân nói các ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Nhưng ở những người này, do có gốc Âu, xơi dư thịt bơ mỡ sữa, nên thân hình mập, chân tay từ ngón đến cẳng cái nào cái ấy ú ù u, xương mặt cũng bự y chang người Anh, Pháp, Đức, Nga, Đông Âu... Như thể họ là người Âu châu bị giời đè. Đi chậm, thư thái; dáng vẻ an nhàn, nhưng nom không sang cả.

Có vài điều lạ, vượt ra ngoài quan tâm của tôi: Dù ở tầm thấp so với mặt đất nhưng dương vật đàn ông (chẳng đàn ông thì đàn nào đây hở Chúa!), vâng thì dương vật ở các sắc dân này vẫn không khác so với báu vật cùng chức năng ở những người vừa to lại cao Anh, Pháp, Đức, Nga và Đông Âu. Có thể nhờ bề rộng thân thể mà chân giữa được hưởng lợi? Tức là bài toán tỷ lệ chiều cao cơ thể và độ dài dương vật ở đây không được nghiệm đúng. Tôi đâu ở không để trao đổi kỹ vụ này, ngay cả nếu David là cây bút chuyên nhai ‘cái của nợ’ ấy mà đẻ sách! Nên chỉ bàn rốn ý nữa, liên quan đến tính nói nhiều. Nam giới các sắc dân đó thật lắm chuyện làm sao! Một, trong các quán café - tất nhiên sau khi chơi cờ suông, đánh bạc vặt xong - họ ưa ngồi tụ quanh bàn một cách rất thảnh thơi và… nói. (Nhìn xa y chang các cuộc họp chi bộ của một đảng cộng sản đang sắp dân chủ hóa toàn diện và vững chắc.) Ít thấy đồng hương của những Picasso và Lorca và Paz tựa ghế đọc sách một mình bên ly café tiệm như các đồng tộc của Sartre và Prévert và Proust. Hai, ngoài các quán café hay bên các hè phố rộng rãi, họ cứ đứng quanh nhau tám chuyện gì đó hoài hoài, và thường phải ba, bốn người trở lên, như thể đàn bà của các đấng nam nhi đó không cho nói mỗi khi họ phải trở về tổ ấm. (Được cái lưỡi người này nói còn có lỗ tai kẻ khác đón nghe, đàn ông của Picasso và Lorca và Paz khá hơn đàn ông của Lỗ Tấn và Đỗ Phủ và Tô Đông Pha ở điểm này.) Vâng, hơi biện chứng và khá nhanh nhảu nếu có độc giả (thường là nữ) của The Kangaroo cho rằng tôi muốn chứng minh thuyết nói dai lưỡi dài thì d’. cũng dễ dài.

Một đồng nghiệp thân của tôi sở hữu nhiều thân chủ thuộc các sắc dân nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Và ông ta ít bận rộn hơn tôi: đây cũng là điều khó hiểu.”

2.12

Từ trên võng, bà O'Donovan đang vuốt ve bỗng quay sang la rầy con mèo, con mèo bỏ chạy tới ông O'Donovan cầu cứu, khiến ông phải cầu cứu thêm bàn tay Này. Bàn tay Kia ông còn đang mải mút. Đôi bàn tay cứ đun đẩy nhau, dẫn đến việc không làm được cái mà ông O'Donovan tội nghiệp đang cầu cứu.

Thật sự thì mâu thuẫn giữa hai bàn tay thuộc về bộ môn cơ thể học và thần kinh học. Ở bất kỳ con người và loài vượn cấp cao nào. Đâu chỉ ở ông O'Donovan. Sự đối xứng lưỡng cực thoạt đầu trong mỹ thuật, điêu khắc rồi sang văn học, tưởng như là giải pháp cuối cùng mà kỷ nguyên Phục hưng muốn giải quyết vấn nạn cạnh tranh trong mỹ học nói riêng và ở xã hội loài người nói chung. Thế nhưng, nó luôn bị quan hệ bất bình đẳng phải-trái khống chế. Thiệt tình mà nói, triết lý Đông phương đã làm xong vụ này từ lâu.

Với nhà văn-nhà báo David O'Donovan mâu thuẫn tất yếu giữa hai bàn tay được thể hiện qua chủ nghĩa Mút.

“Gọi thế là nống đại lên, chủ nghĩa cái con tiều gì!”, mồ ma bà vú em trong đại gia tộc O'Donovan có lời vẳng về, “Chẳng qua là thói tật từ nhỏ của cậu nhà.” - “Thế các chủ nghĩa từ trên trời rớt xuống ư? Nào, nói theo ‘thuyết chẳng qua’: Một chủ nghĩa nào đó chẳng qua chỉ là xuất phát từ thói tật nhất định nào đó của một cộng đồng nhất định, thậm chí một cá nhân nhất định, được hình thành và phát triển biện chứng và lịch sử theo hình xoắn trôn…” - “Chôn cái mả má mầy! Nhiều chuyện! Già đây là thủy tổ của điều mà quý vị kêu là chủ nghĩa Mút ở cậu David. Im lặng dưới mồ lâu rồi, già phải có tiếng nói lần này, cho xong… Mấy chú mấy thiếm ở Úc quốc cuối 2006 đầu 2007 nầy cứ kêu trời về nạn hạn hán, thiếu nước. Cái đó đúng mà chưa đủ, chưa biết nhìn về quá khứ khi muốn hiểu hiện tại. Vụ nước nôi, xưa chúng tui chịu đựng mấy đời rồi. Ngay khi từ Anh quốc lặn lội qua đây sinh nhai lận. Cậu David của già là hàn thử biểu cho mực nước sông biển xứ này. Sông biển? Nói nhịu vậy thôi, lục địa sa mạc Úc châu bị bao quanh biển, lại là thứ biển cùng biển đáy, nên làm gì có sông cho ra sông. Già cam đoan đất Úc sẽ còn thiếu nước tới khi nào các sông từ bên Việt Nam, rồi Trung Hoa, Ấn Độ di sông qua. Thuốc phiện, ma túy từ các xứ đó di qua đây thế là đủ. Người Việt có bao nhiêu Nguyễn Tường Vân cho vừa Úc quốc? Sinh thời, đêm đêm nóng quá xá đòi uống nước, cậu David la inh oang cả trang trại ‘Uống! Uống! Uống…’ Ông chủ bèn đặt nickname cho cậu nhà là Chúa Uống. Mỗi khi Chúa Uống la, bà chủ lại rầy rủa già. Già hãi đến tắt tịt cả kinh nguyệt đấy mấy thiếm. Tội cho già không, năm đó mới ba mươi tư, cái gì cái nấy đang ngồn ngột cả. Cứ là phải cho Chúa uống liền tức thì ngay sau tiếng ‘Uống’ đầu tiên! Này, là đàn ông mấy chú có biết vì sao cậu nhà uống bao nhiêu cũng chẳng vừa bụng không? Chim của cậu nhỏ xíu chui tọt vào bọng thế nào ấy, không thấy cậu đi tè chi hết! Sợ cậu dính bịnh, khi bụng cậu đầy nhóc nước vẫn còn la, già phải dí đại ngón tay của mình vào khỏa lấp miệng cậu chủ. Mút ngón tay ngồn ngột tươi tắn của già, cậu ấm quên đi vấn nạn nước non. Kỳ cục há? Nhưng riết thành tật. Tội cho cậu chủ! Thánh thần trừng phạt lấy đi kinh nguyệt của con một lần nữa con cũng cam chịu. Lớn lên cậu ưa mút ngón tay của mình hoài hoài, không thì ngậm nho thay mút. Nè cậu còn bị cả chứng buồn nôn kinh niên nữa.”

Bàn tay Này nói với bàn tay Kia mầy theo chủ nghĩa Mút tức là bị lệ thuộc các cường quốc miệng, môi, lưỡi, hệ thần kinh trung ương; mầy bán rẻ dân tộc tay để phục vụ các tham vọng kích dục của ngoại bang miệng, môi, lưỡi, hệ thần kinh trung ương, để quên đi bổn phận thiêng liêng của tay mà tổ tiên truyền lại như phương tiện tiến hóa hai chi trước cho mọi hoạt động và sáng tác.

Bàn tay Kia cãi chính mi đồ lười nhác, mỗi khi cơ thể chủ nhân lâm trạng thái khó ở, mỗi bàn tay chúng ta phải góp phần nhỏ bé của mình cùng toàn bộ các thành phần khác trên, trong, ngoài và cả dưới thân thể tiêu diệt sự khó ở đó. Mi không nhớ gia đình chủ nhân từng phải bán cả trang trại nho để chữa trị cho người mà không thành à? Nay chỉ cần vài cái mút có tính chiến thuật trong dăm ba phút nhất thời bằng các ngón tay của đôi bàn tay chúng ta, chủ nhân hoạt bát trở lại, sinh hoạt bình thường và theo thời gian nay đã trở thành một công dân có ích cho xã hội Úc qua các pho tiểu thuyết ăn tim hấp dẫn và các thiên phóng sự kiệt xuất trên The Kangaroo đó sao? Mi chả hiểu đếch gì về nghệ thuật lôi kéo, quyến rũ thì hãy nghe lời ta. Chúng mình phải đại ngôn khi gọi đó là chủ nghĩa Mút thì dễ cưỡng bức và huy động từng ngón tay, từng lớp da đường gân mẩu cơ cái lóng tham gia công cuộc mút!

Bàn tay Này không rành lý luận, chịu không cãi nổi. Của đáng tội, về hành động nó cũng chẳng biết làm gì mỗi khi cậu David rồi ông O'Donovan dở chứng ưa mút ngậm gì đó, hoặc bỗng nhiên nôn thốc nôn tháo. Bàn tay Này trở nên thừa thãi những lúc đó...

Dụ mãi không được, bàn tay Kia nhéo rồi cấu, đấm rồi chém bàn tay Này. Mầy ngon hà, cùng là tay cả sao mầy uýnh tao. Tao đâu ngán. Thế là tay đánh tay! Từng ngày từng giờ, năm này năm khác. Cả khi cơn mút của ông chủ nổi lên, cả khi ông chủ đã ngủ hai tay cũng thức khuya dậy sớm mà xử nhau.

Hãy nghe bàn tay Kia hài tội bàn tay Này: Mỗi khi cơ thể nguy nan, mi đã không chịu làm bàn tay mút - Đó là một tội. Mi còn đi sờ mó nghịch ngợm càng làm chủ nhân khó chịu: mi gãi hậu môn, mi vò cu, mi rờ ti (Lại là ti đàn ông mới nhục chứ!). Như thế, chính mi là kẻ phản bội sứ mạng lao động và sáng tạo của bàn tay; chính mi chứ không bộ phận nào khác của cơ thể đã đồi trụy, đã kích dục gấp ngàn lần cái mà mi vu cáo về sự tạo dục của mút! - Đó là hai tội. Còn nữa, đồ vô dụng: Mi liên kết với các bộ phận nội, ngoại tạng khác của cơ thể chống lại chủ nghĩa Mút - Đó là ba tội. Chưa hết, tên phản trắc: Trong khi cơ thể chủ nhân đang dần trở nên thiếu thốn các bộ phận; vì một số bộ phận có thể từ lý do lịch sử-địa lý, có thể bởi nguyên nhân tâm-sinh lý đã hoặc không hoạt động, hoặc lão hóa, hoặc nhi đồng hóa hoặc đàn bà hóa - mi còn nhớ hay mi đã quên! - mi vô công rồi nghề vượt thoát ra ngoài thân thể quý giá và thiêng liêng của chủ nhân để trở thành bàn tay dư bẩn trên thân thể nhiều con người khác, dẫu trong đó có những kẻ thù dơ bẩn của chính chủ nhân - Đó là bốn tội. Cứ thế cứ thế… Cũng nhờ liên lạc chặt chẽ và thường xuyên với hệ thống dây thần kinh và não bộ - từ khi thích mút đến khi lìa đời khoảng 50 năm mỗi ngày trung bình cậu David rồi ông O'Donovan có 20 phút mút - nên bàn tay Kia đã học hỏi được nhiều luận lý và biểu tượng quanh cái sự mút.

Phê bình câm và mù

Vậy thì tại sao cứ một thời gian là phê bình lại tuyên bố mình bất lực và mình ngu dốt? Chắc chắn không phải vì khiêm tốn. (…) Hiểu biết, đó chính là cái Ác, cả hai đều mọc trên cùng một cái cây: văn hóa được cho phép tồn tại với điều kiện đến kỳ lại phải tuyên bố về sự phù phiếm trong các cứu cánh và những giới hạn trong sức mạnh của mình (…)

Văn hóa lý tưởng chỉ có thể là một sự trình hiện mềm mại mang tính tu từ, nghệ thuật ngôn từ nhằm nhận chứng cho một sự oặt ẹo thoáng qua của tâm hồn. (…) Quả thực, toàn bộ sự nghi kỵ dành cho văn hóa đều là một vị thế khủng bố.” [2]

Bạn đọc, sắp đến unhappy ending của chuỗi phỏng vấn nối liền Nam-Bắc bán cầu mà cặp đôi Da và Ta đang gầy dựng! Nên, trước khi ca câu ai oán “ta để tang cho một cuộc tình”, hãy cùng nhau tận dụng cơ hội vui tiếp, nhẩn nha theo dõi một số tài liệu tham khảo về câu chuyện dài bàn tay Mút bàn tay Không Mút…

+ Nhập môn các quan điểm chính thống của bàn tay Kia về chủ nghĩa Mút:

1) Thân phụ của người yêu cũ của một bạn học thời mẫu giáo của ông O'Donovan là nhà tâm lý học tính dục danh giá, được Nữ hoàng Anh phong tước quý tộc Sir Sigmund Fmút. Có bằng cử nhân về sinh lý mùa động đực của loài đại thử kangaroo, ngài Sigmund Fmút đã dành toàn bộ sự nghiệp để phát triển, quảng bá và áp dụng chủ nghĩa Mút. Nói gọn, Úc hóa chủ nghĩa Mút phù hợp khí hậu, thiên nhiên và con người cụ thể của bán cầu miệt dưới.

2) Trong thói quen mút ngón tay ở người Úc, ông O'Donovan chỉ là trường hợp không lấy gì làm đặc biệt, ngoài việc 50 năm tay-chiến-từng-ngày giữa đôi bàn tay. Mút ngón tay đã là đề tài của 1955 luận án tiến sĩ, 28 công trình được giải thưởng toàn quốc và là tên của 8 ngành trong các viện đại học khắp hai xứ Úc quốc và Tân Tây Lan.

3) Các hình tượng, khẩu hiệu về mút được made by Sir Sigmund Fmút: Toàn thế giới ngón tay mút liên hiệp lại!”; “Mút! Mút nữa! Mút mãi!”; “Trí thức Úc mà không mút thì vô dụng như cục phân con chuột túi!”

+ Vài thông tin từ Hiệp hội Thầy thuốc Đông-Tây Y Không biên giới:

Qua nghiệm thu dữ liệu từ Hỏa thiêu siêu quán thuộc nhà thương Monash University, chúng tôi được biết thêm:

1) Có nhiều lúc, ngón tay út ở bàn tay Này của David O'Donovan đã muốn vuốt ve chủ nhân, xoa dịu nỗi đau có nguồn gốc xa xôi từ nước - tạo hóa của thiên địa và muôn loài. Nhưng, một ngón tay hồng nhỏ nhoi nhất làm sao tạo nên mùa xuân? Làm sao điều khiển được cả bàn tay? Làm sao khuấy động được những ngón tay Kia?

2) Nếu chịu khó đọc nhật ký của O'Donovan thời ông chưa thành nhà văn và bị lâm bệnh do nhầm lộn giới tính, người ta có thể thấy nhiều đoạn bệnh nhân mô tả những ngón tay của mình nhảy lộn sang nhau. Ví như, khi ông dùng bàn tay Kia để đưa “cậu nhỏ” ra ngoài quần làm quá trình dị hoá cho thân thể, thì một - thậm chí hai - ngón tay của bàn tay Này như muốn bay ra, tách rời bàn tay để dính nhập vào nơi có ngón tay đồng nhiệm của bàn tay Kia. Hiệp hội Thầy thuốc Đông-Tây Y Không biên giới từng khẳng định: “Đó là sự vượt tuyến, chống đối của những ngón tay bất đồng chính kiến trong việc cầm dương vật khi đi tiểu. Chúng tôi cẩn trọng phát ngôn: Một, (dù) không đoan kết đó là di sản từ chủ nghĩa Mút. Hai, (nhưng) sự mút ngón tay ở đương sự là một bằng chứng khoa học cho việc tìm hiểu về sau các vấn đề liên hệ. Ba, những kết quả tìm hiểu trước đây của Hiệp hội đi ngược phát ngôn này đều vô hiệu lực.

+ Tuyên cáo của Liên minh Cực đoan Chống Mút Bắc bán cầu:

“Xét vì nguồn gốc tình trạng địa cầu - nhất là Bắc bán cầu - đang ngày một ấm dần, mà cuộc gặp mặt tại Ba Lê hồi đầu tháng Hai với hàng trăm khoa học gia, viên chức của 113 quốc gia qua kết quả là bản báo cáo của Ủy ban Liên chánh phủ về Đổi thay khí hậu (IPCC) khẳng định ‘tình trạng này có thể bởi con người’ mà lễ trao giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 79 đêm 25 tháng Hai đã dành giải Xuất sắc phim tài liệu cho phim bảo vệ bầu khí quyển với tài tử là Cựu phó tổng thống Huê Kỳ All Gore;

Xét vì hành vi mút ngón tay - từ một động tác ấu trĩ, rơi rớt của việc bú tí má, đã trở nên phổ cập ở nhiều vị thành niên và không ít các vị trung niên cùng một số bậc lão niên chỉ vì ảnh hưởng chủ nghĩa Mút - như một sản phẩm phi thẩm mỹ đã đành, phản khoa học là một lẽ, lại thập thò dục tính. Song, vì tuân thủ nguyên tắc dân chủ toàn cầu hóa và sự tự do tư tưởng cùng tự do vận động thân thể (tức là xét ở cả mỗi bộ phận cấu thành thân thể), nên chúng tôi đã chống đối chưa đến cùng cái chủ nghĩa kỳ cục này. Đến nay, vì sự sống còn của chính mình, khi nhiệt độ địa cầu đang nóng ran nơi đỉnh đầu mỗi chúng ta, chúng tôi ngờ rằng việc tăng nhiệt còn do các hành vi mút gây ra! Thời trung học, ai từng đậu các môn cơ thể người và lịch sử tư tưởng cũng rành rằng chủ nghĩa Mút thoạt tiên chỉ là tự mút các ngón tay của bản thân, sau lan sang tự mút cánh tay, bắp tay, tràn tới nách, rồi xuống bụng, háng, chân, và tất cả chỗ nào tự mút được. Có những nghệ sĩ xiệc đệ tử của chủ nghĩa Mút còn mút cả mông, hậu môn của mình. Từ một hành vi ngây thơ và lãng mạn, mút nhanh chóng trở thành thảm họa không chỉ cho chính cá nhân; nó lan rộng thành cách ứng xử tình ái giữa hai cá nhân, rồi nhóm phái, cộng đồng, xã hội. Mà lửa tình bốc lên chúng ta biết rồi đó! Dù tình tự xử hay tình đa hệ. Nó thiêu trụi trái đất có ngày!

Xét vì một nạn nhân chết thảm đầy tai tiếng mấy năm trước bởi chủ nghĩa Mút - đó là văn hào ăn tim kiêm ký giả lỗi lạc đang được Liên minh Cực đoan Chống Mút Bắc bán cầu đề cử truy tặng Giải thưởng Nobel về Hòa bình với tác phẩm phỏng vấn Đến Rừng Từ Cây: ngài David O'Donovan. Tin đồn, trong lần cuối cùng trên bàn viết, vì không thể đánh máy do hai bàn tay của ông cứ tranh nhau để được mút, tức khí nhà văn-ký giả đã mút cùng lúc mười ngón tay và hậu quả là tử vong do bội mút!

Nay long trọng tuyên cáo: Đã đến hồi xóa sổ chủ nghĩa Mút - từ mút ngón tay cho chí mút bất cứ cái gì - khỏi địa bàn Bắc bán cầu. (Việc chủ nghĩa Mút phát triển ở mạn dưới địa cầu, chúng tôi kính nhi viễn chi như chuyện nội bộ Down Under - vốn từng là cái nôi của chủ nghĩa này rồi. Tất nhiên chúng tôi không hề có ý kiểu ‘Cho mầy chết luôn!’, giản đơn đó là nguyên tắc ngoại giao căn bản của văn minh trái đất: không xía vô chuyện xứ khác, ngay cả đó là chuyện mút.)”

+ Đề nghị của Hội Ký giả Làng thế giới Toàn cầu hóa:

“Và thế là nhân loại một lần nữa đi lau nước miếng cho người Tàu! Xung đột giữa hai bàn tay của văn sĩ ăn tim-ký giả phỏng vấn gia David O'Donovan là hiện tượng có đầy đủ bằng cứ và biện luận. Kém cỏi thay cho chúng ta, nan đề rút cục còn là đặt tên cho nó mà thôi! (Người Trung Hoa đã nói suốt 5.000 năm rồi, về việc chính danh.) Các tham luận viên của nhiều tranh luận, hội thảo, diễn đàn trực tiếp hay gián tiếp qua báo giấy và báo không giấy quanh đề tài này đến nay hoặc đa phần chán nản, hoặc nhiều người lâm bệnh hoặc chết (vì tranh cãi liên miên cũng nên, ai mà biết!), đều cho rằng nay chỉ cần buổi cuối cùng tổng kết, đoàn kết và nhất trí xem cuộc xung đột nửa thế kỷ qua giữa hai bàn tay Mút và Không mút nên gọi tên là gì: Nội chiến huynh đệ bàn tay? Chiến tranh ủy nhiệm cho sự mút? Chiến tranh Buốt tay (kết quả từ Chiến tranh lạnh)? Giải phóng tay? Xâm lăng tay? Cuộc chiến tay David? Hay gọn lỏn: Tay chiến? Hội chúng tôi đoan kết: Gọi tên gì thì gọi tên, một lần nữa thế giới lại phải chùi nước bọt của người Tàu đang bắn lên mặt mình!”

+ Nhận định của Trung tâm Văn bút Quốc tế, Phân bộ Úc châu và Thái Bình Dương:

“Nói cho đúng lương tâm những độc giả và tác giả chân chính, qua những thông tin được bạch hóa, thật khó biết sự thật cuộc đấu tranh giữa hai bàn tay từng giờ từng ngày diễn ra dọc theo một đời người văn hữu ăn tim đẻ sách David O'Donovan. Mà chính khổ chủ có lẽ cũng không hiểu? Như nhà thơ ăn tay đẻ sách người Nga gốc Hoa-Việt là Kachiusa Diệu Hồng từng viết: “Mỗi bàn tay có cái lý của nó mà lý của thân thể không sao thấu nổi.”

2.13

Thưa vâng, thế là sau cả một đời bàn tay góp phần đắc lực phục vụ nghề báo nghiệp văn của ông chủ, lúc tạo công khi gây tội, một trong hai bàn tay - đến tận bây giờ, khi mà thân xác David O'Donovan sau hỏa thiêu hội nhập tuyệt vời cùng trời xanh, người ta vẫn không rõ bàn tay nào - đã phản Chúa Uống bằng cú nháy chuột mang bản mặt Judas: thảy đi toàn bộ và nguyên văn cái email mang nội dung sau đây:

“[Da, anh còn để tâm đến em? Vì đôi chân em. Vì những đôi chân thân chủ em. Em đang biết hạnh phúc là gì, nếu đây là một hạnh phúc. Chứ độc giả đã ngấy cuộc phỏng vấn nửa đại bàng nửa quạ của hai ta rồi. Mà cả mụ chủ The Kangaroo chắc cũng ngán. Em biết anh đang bị bà ta hành hạ. Ráng lên cưng, Nhảy dù cố gắng! (Các thân chủ Việt cựu quân nhân miền Nam hay chào vậy khi gặp nhau ở Văn phòng em.) Em tức bà ta. Buồn cười thay thói ghen ngược! Chậc, ghen ngược mới là thực ghen. Em sẽ khóc và bắt anh bay lên đây nếu bà O'Donovan nổi đóa. Chứ cái con mẹ Kangaroo? Đừng hòng. Ôi, em đang sao thế này? Em hiểu vì sao đêm nay nhớ anh đến vậy. Đêm qua anh làm em ‘ra’ bốn lần. Chưa bao giờ. Chưa với ai. Da của Ta giỏi thành thần! Thực ra mà cũng ảo ra, cái Ảo và cái Thực đều làm nên hạnh phúc. Nhưng không có hạnh phúc ảo. Không có hạnh phúc thực. Hạnh phúc, chỉ có một. Giản dị, hạnh phúc là hạnh phúc. Em chẳng thể ngờ anh, ‘giừ’ rồi, hi hi, mà dai gân trường sức thế. Chưa bao giờ. Cũng không ngờ mình đổ đốn nhanh thế cơ! Nhờ anh hay tại anh, Da? – Ta của anh.

PS: Cưng, em nghĩ còn chừng hai, ba email nữa là xong hẳn hằn hăn. Mà không xong mình cũng nên tự dừng. Phần liên hệ luật pháp Đức đương đại xuyên qua các cặp chân người Việt tỵ nạn, chính anh sẽ thấy bất ngờ cho cái lanh và lì của dân Đức em. Nhưng em tham, muốn cả cuốn sách của mình hiện ra dưới tay anh trước khi thành sách của thế gian. Ứ buồn để ý anh nộp bài vở ra răng cho con mẻ Chuột Túi khó chịu già dơ của anh đâu! Em chã. Tùy anh và mẻ (có điều Da ‘nộp’ gì Ta cũng biết đó à nha).]”

“Bắp chuối nơi ống chân người Việt, một khối thịt để họ giữ đất. Đây cũng là thành tố làm nên dáng đi Việt. Cả dáng đứng nữa. Tôi đồ rằng chân dũng sĩ Lê Em Xuân tất phải u bắp chuối như hàng chục triệu nam đồng bào của mình thì ảnh mới giữ vững được dáng đứng Việt Nam trên đường băng Tân Sơn Nhì ngày đó từng tạc vào thế kỷ.

Chân vòng kiềng, người Việt đá cầu rất cừ và đẹp. Những cú móc, đảo chân của họ khiến đường cầu đi như ma bay. Tiếc, trong cả trăm môn thể thao ở các thế vận hội chưa có môn này. Việt Nam chưa có dịp vô địch thể thao thế giới là vậy. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người khởi xướng cao trào phục hồi thể thao đá cầu Việt Nam thì đã mất. Hình như trung phong Ba Đẻn vẫn còn sống, chắc phải quá thất thập. Cặp chân vòng kiềng của nền bóng đá (dân làm báo Việt hải ngoại nằng nặc đòi phải viết là túc cầu, cùng với việc da diết đòi dân chủ thực sự cho đất nước), vâng, của nền túc cầu miền Bắc Việt Nam thời bao cấp mà dốc bóng thì ba, bốn tuyển thủ Đông Đức to mà gấu vẫn bị lừa thủng háng.

Càng ngày chân vòng kiềng Việt càng thể hiện ưu việt ngang tầm quốc tế. Nhãn tiền, trong giải Á châu độ tuổi U23 tháng trước trên sân Bắc Kinh tuyết trắng mờ nhân ảnh, đội túc cầu Việt Nam xém soán ngôi vô địch, với cú cứa lòng hiểm hóc bằng chân trái xiên xiên tiền đạo phải Quang Hai lái bóng ghim chặt vào góc cao khung thành thủ môn Uzbekistan mà sau đó được bình chọn là bàn thắng đẹp nhất giải đấu. Theo báo Cánh Diều số mới nhất, trong lễ trọng thể cấp nhà nước tại sân vận động quốc gia Mỹ Chùa phía nam thủ đô Hà Nội hơn 160 ngàn người quên giá lạnh mưa dầm lên đồng chào đón đoàn quân trẻ tơ lần đầu tiên trong lịch sử đã tôn cao vót nền thể thao nước nhà từng bị mặc định lùn sau truyện ngắn ác liệt Tinh Thần Thể Dục của văn sĩ trào phúng Nguyễn Công Hoan hồi đầu thế kỷ trước, vâng trong lễ trọng thể này lão thi sĩ công huân Tô Hưu dẫu giọng yếu vẫn đích thân đọc trích đoạn trường ca nóng bỏng của mình mang tên Bài Ca Đông 98 với những câu đốn tim khán đài:

‘Anh chị em ơi!

Hãy giương mắt lên cao, chào Đông 98

Đông Việt Nam

Đông của lòng dũng cảm

Ai đến kia, đá bóng cùng Đông?

Hoan hô Em U23

Kính chào Em

con người đẹp nhất!

Lịch sử hôn Em, chàng trai chân vòng kiềng kiệt xuất

Đá hiên ngang: bất khuất trên sân

Như Pelé của cuối thế kỷ hai mươi

Giày đinh cao gót, tay cào tuyết, cùng tiến công bạn U Dơ Bếch

Không tự ngắm mình. Em chẳng hay đâu

(so với trình quốc tế bầu Hang-seo vẫn nhắc).

Hỡi chàng tuyển thủ! Cả Á châu, chân lý đang nhìn theo

Bóng Em sút... và chân vòng kiềng trượt tuyết

Của Em đó!

Ôi cái chân dễ thương như một bàn tay nhỏ.

Chẳng làm đau một trái bóng trên sân

Lướt trên tuyết như một mảnh cây cong mà xông xáo,

mà tung hoành, ngang dọc.

Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả

Trung Nam Hải!

Ta muốn hỏi Trường Sơn

Có cây nào cong hơn

Chiếc chân kia của chủ nghĩa túc cầu cách mạng?’ [3]

Sau đó tại nhiều tỉnh thành còn các màn chào đón đội U23 của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam và ngoại quốc mà câu nói đóng đinh vào ‘chân vòng kiềng kiệt xuất’ đã đến từ Ngài Tổng thư ký FIFA Sir Aaron W. Mollard:

“Việt Nam được biết đến là quốc gia có lịch sử vĩ đại thì giờ đây chúng ta được biết đến còn là quốc gia có bóng đá vĩ đại. Hôm nay tôi tự hào được ở đây để chứng kiến sự phát triển của bóng đá Việt Nam.” [4]

Thừa thắng xốc tới ta xét tiếp… Đầu gối củ lạc. Ôi, thiệt tình tôi không biết khả năng làm tình của họ nói chung chứ cứ như người đàn ông Việt duy nhất tôi có quan hệ tình dục: bết lắm! Tôi hiểu không sâu môn cơ thể học trong liên hệ giữa đầu gối và khả năng chăn gối. Nhưng ông chồng ly thân tôi đã cho xem ba bản dịch Anh, Pháp và Đức của bài thơ có câu ‘Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo’. Trèo hết đèo này đến đèo khác. Bê bết trên giường, thế mà hình tượng làm tình ở người Việt đạt đỉnh thi vị hóa. Già thì già, cứa đầu gối còn rỉ máu là còn dê!’. Sách vở Đức chúng tôi về lý thuyết, thực hành và giáo dục tình dục nhiều vô kể. (Nữ sĩ trường ca họ Phạm nếu như từng là sinh viên du học ở Nga hay Cu Ba, thay vì ở Tây Đức, tôi cá rằng thơ của bà - cái thơ một thời dự phần làm động đậy văn đàn Việt - sẽ động tình độc giả theo kiểu phong kiến nam trên nữ dưới một cách Leo Tolstoy hoặc đứng tựa tường trò thực dân của García Márquez.) Tuy thế, sự gợi dâm Đức quốc không thơ hóa được vấn đề. Khô. Qua giới đàn ông Đức, Hòa Lan, Bỉ và Mexico mà bản thân ít nhiều hiểu biết về ‘chuyện ấy’ tôi vẫn chưa tìm được ý nghĩa của cái đầu gối củ lạc, như trong văn hóa tình dục Việt. Rõ ràng, đầu gối - đại bản doanh quay tròn điều hành sự đi lại đứng ngồi ở người Việt - có tính tình dục. Tôi gặp khó khi làm thống kê điều này, bởi người Việt, dù di dân sang xứ Đức rồi, vẫn coi chuyện làm tình là nhậy cảm. ‘Lói ra ló cứ nàm thao ấy!’. Các cô các mợ bảo tôi vậy... Tôi tin kết quả cũng không khá hơn, ngay cả Trung tâm Phỏng vấn Tỵ nạn Zirndorf có để đầu gối củ lạc vào danh mục phỏng vấn với người đến từ Việt Nam.

Thưa độc giả The Kangaroo! Xong đoạn này, tôi nghĩ là cuộc trò chuyện Nam-Bắc bán cầu của chúng ta có thể dần đến hồi kết.

Nào, bàn một chút về sự ngồi kiểu Việt. Nó cũng là em chị anh gì đó trong vấn đề dáng đi ở người Việt di dân mà cuốn sách của tôi coi là cơ sở.

Ông chồng ly thân tôi thì không ngồi xổm được. Dù ổng có 50 phần trăm máu thịt Việt; cũng không hề có bụng trong khi nhiều đàn ông Pháp bụng phệ. (Ờ đàn ông Đức khá hơn dân cùng giới mình ở các nước Âu châu, Mỹ và Úc về vụ này.) Không, ngồi xổm không phải là vấn đề của bụng như nhiều người nhầm tưởng. Trăm lần không! Chính nền văn minh lúa nước đã tạo ra thế ngồi chồm hổm đầy Việt tính! Bạn đã về các vùng chiêm trũng Bắc Bộ chưa? (Tôi thì chưa, chỉ nghe anh Hải Dớ mô tả và cho coi các trang mạng hình ảnh.) Nước lụt chưa rút hết, người ta chỉ có thể ngồi xổm mà sinh sống. Một tờ báo Việt ngữ bên Hoa Kỳ giải thích: thế ngồi xổm là do đất nước Việt thường bị ngoại bang xâm lấn, thành thử… đứng ngồi không yên. Thì đành chọn tư thế trung dung! Nghe tức cười há, quý độc giả? Tác giả đó còn suy ra, bởi thế người Việt ham làm, nhanh nhẹn và nhanh trí, nhưng không việc gì đến nơi đến chốn. Chung quy tại cái tư thế nửa đứng nửa ngồi, nhấp nha nhấp nhỏm. Hải Dớ kể anh ta có thể ngồi xổm hàng tiếng đồng hồ. Ông chồng ly thân tôi, vì đã là bạn thiết rồi, bật cười hô hố! Tôi chỉ có thể cười nhẹ, nhưng lâu. Cười từ khi anh Hải kể đến tận lúc này. Cười nhẹ thôi, như cánh bướm. Có thế tôi mới thu thập được dòng tư liệu quý từ các thân chủ mà cả núi DM khó mua được. Nghe chồng tôi nói lại, Hải Dớ lần đó đã chửi rất tục cái vị tác giả nọ ở Hoa Kỳ, rồi anh vội vàng đỏ mặt như thể tôi hiểu được anh cho người kia ‘ăn’ những cái của nợ gì. Hình ảnh ấy trở nên rất dễ thương trong tôi. Lời tiếng tục, tâm hồn thanh: Đó là bức tranh nhân bản nông dân Việt. Trong các nhà văn đương đại Việt tôi thấy Nguyễn Quang Nập đạt tới thanh trong tục và tục trong thanh. Ở đây, tôn trọng độc giả xin bỏ hẳn các câu có chữ quá tục, còn nếu chỉ lược đi chính các chữ tục thì không làm nên văn phong Hải Dớ. Anh nói đại khái, ‘Lúc đ’. nào cũng giơ cái củ giặc ngoại xâm ra đe thiên hạ! Có gì lạ: Chân ngắn, nếu bỏ thõng xuống ghế thì mỏi. Nên bố mày vắt cẳng lên, ngồi bó gối. Khà khà! Đầu gối quá tai, đánh rắm vặt, bắn thuốc lào. Sướng phải biết!’. Rồi anh chỉ vào tờ Cánh Diều đang đậu trên bàn: ‘Minh Rô-lăng dịch cho Tabitha coi đoạn này của tôi chưa: ‘Ngồi xổm là một nét thuộc về Việt học, cùng với phở, áo dài, thơ lục bát, trống đồng Đông Sơn, đàn bầu, Chùa Một Cột và chống ngoại xâm.’ Hôm sau, ông chồng ly thân tôi tìm được tư liệu từ một học giả nói về bộ xương người Việt cổ theo luận án Đỗ Xuân Hợp (Hà Nội, 1941) cùng dữ liệu của Chippaut và Olovier (Sài Gòn):

“Trên xương cựa (astragal), xương ống chân và xương đùi có những biến thái hay chỗ mòn hay lằn xếp liên quan đến tư thế ngồi xổm (Huard và Montagné) của người bình dân Việt cổ truyền. Hồi tôi mới học y khoa năm đầu, còn nhớ trên khớp xương cựa chân (astragal) có một lằn nứt gọi là ‘lằn nứt Đỗ Xuân Hợp’.” [5]

Cái này nữa, tôi muốn nhờ ông MC O'Donovan của chúng ta cho lên câu hỏi đầu. Ý tưởng gốc trong cuốn sách ăn chân được tác giả nuôi nấng từ hồi còn nhỏ. Lần ấy, tôi vô tình nghe lóm câu chuyện qua những bạn tù Holocaust của cha tôi, rằng cảnh sát Gestapo thường thuê các chỉ điểm ngồi thụt xuống hố sâu để nhìn nhận người tình nghi; và họ dạy chỉ điểm viên quan sát theo ba yếu tố hầu như ít thay đổi ở một con người, dù qua tháng năm dài hay ẩn trong các thuật hóa trang, theo thứ tự: Dáng đi, giọng nói và nét mặt.”

2.14

Tất nhiên, chuỗi bài phỏng vấn đã không được ra mắt trên The Kangaroo. Nó chỉ xuất hiện trong cuốn sách của David O'Donovan mà chắc độc giả còn nhớ tên: Đến Rừng Từ Cây. Vâng, được dịch ra mười hai thứ tiếng, đoạt bốn, năm giải thưởng. Giải Alan Johnson trị giá 31.000 bảng Anh cho ấn phẩm tiếng Anh thể loại báo chí. Giải Vũ Trọng Phượng trị giá 50 triệu đồng Việt Nam về sách phỏng vấn. Vinh quang nội địa thì là Victoria Premier, giải thưởng văn học Úc châu cho các tác phẩm phản hư cấu, được tổ chức mỗi ba năm… Ông O'Donovan không kịp xài các số tiền thưởng. Chúng chạy vào chuyện kiện tụng liên miên về bản quyền với tờ The Kangaroo. Lần lữa hoài lần lữa hủy, ấn bản tiếng Đức không ra nổi vì bài phỏng vấn luật sư McAmmond bị các nhà xuất bản đòi biên tập những chỗ nhậy cảm. David O'Donovan trở thành phật tử Thiện Văn Donovan sau khi Đến Rừng Từ Cây góp mặt ở bản dịch tiếng Việt. Nhưng cuốn sách phỏng vấn không phải là nguyên nhân thay đổi đời sống tâm linh trong ông. Miệng ông hay thốt ra các từ “Mô Phật” ngay cả với người da trắng, nhất là ở những cuộc gặp gỡ quốc tế giữa các bạn viết. Ông cũng hay khoái trá kể cho đồng nghiệp về sự nói nhịu với lời cầu Chúa từng là cửa miệng. Ngay sau khi tác giả Đến Rừng Từ Cây qua đời, tạp chí Der Spiegel vinh tôn ông như người không chỉ khai sinh nghệ thuật phỏng vấn đương đại mà còn nâng nó lên ở tầm lý thuyết với hàng loạt các minh họa siêu đẳng. Họ đang chuẩn bị lập giải thưởng David cho thể loại phỏng vấn. Thế nhưng, bản dịch tiếng Đức cứ còn là bản thảo nằm ở nhà xuất bản Nach Und. Hừm, dân chủ tự do là thế; kẻ chống cứ chống, người khen cứ khen. Miễn anh đừng chống lại quyền khen của chị, vì chị có chê quyền chống của anh đâu!

Sau sự cố con mèo bị xua đuổi đẻ ra cái imeo tai nghiệt, bà Chủ bút cho ông O'Donovan quyền lựa chọn, hoặc tiền hoặc báo. Bà không tin ông cần đến tình. Ông O'Donovan không chọn người đàn bà nào đứng sau cả. Ông chọn người đàn bà trước mặt, trên màn hình. Đó mới là tình đời thực của ông, dù phải kinh qua phương tiện phi thực.

David O'Donovan sống với cuộc tình thực-ảo được đôi năm sau đó… Ông được chết, như người Việt nói, sinh ư nghệ tử ư nghệ. Có thể thêm, tử ư tình. Ra đi ngay sau phút giây hoàn thành cuốn sách ăn tim cuối cùng của đời văn, trong một tiệm café-internet, nơi ông được thu xếp cho ngồi để viết lách. Chị chủ tiệm là người Việt. Khi ông ngã xỉu xuống, ngón tay trỏ của bàn tay Này còn đậu ngang trên môi như cử chỉ ngôn ngữ về sự im lặng sống động. Trên màn hình laptop - gia tài di động của ông - trang bìa bản thảo cuốn sách nằm thu nhỏ cạnh tấm hình khỏa thân trên cả tuyệt đối của “em Ta”... Cũng đã gần 12 giờ khuya. Thường là lúc ông xếp laptop để trở về một khu chung cư tồi tàn. Bác sĩ cấp cứu bệnh viện Monash ghi trong hồ sơ cảnh sát là ông bị đột quỵ. Bà mẹ chủ tiệm, người hay ngồi canh chừng cửa tiệm, bảo với con: “Nhìn cái người ông Đa Vít Xì ấy bỗng nhũn ra, mặt bệch đi y như bị chứng thượng mã phong ấy. Tao đã nghi nghi từ lâu, mà không nỡ nghĩ vậy. Đúng là dơ như Tây! ’Ở chùa’ hàng quán nhà người ta mà còn thế.” - “Mom, ngày mới qua Úc, học ESL con gái của mom thích nhất thành ngữ ‘Hard work pays off’. Thôi thế là xong, anh ấy đã toại nguyện với một đời khốc liệt. Ba Mùa của mẹ con mình cũng thế, hard work pays off.” - “Tiên sư cha nhà cô. Có mà ốp cái miệng lại không, tai vách mạch rừng con gái ạ!”... Hai năm cuối đời, ông O'Donovan được tiệm Ba Mùa ở Sunshine cưu mang. Dễ hiểu. Phật trăm tay ngàn mắt, dành ra một mắt một tay rảnh rang cho ông đâu có khó? Anh chồng của chị chủ cũng là người Việt, một thanh niên vùng biển Quảng Ninh, to khỏe, hai chân đen trũi thẳng thớm như cột đình (chứ không vòng kiềng). Một trong hai cái chân đó bị gãy sau cú nhảy qua tường Berlin khi bị cảnh sát Đông Berlin đuổi bắt. Bà luật sư McAmmond khuyên anh rút đơn tỵ nạn chính trị, chỉ cần dùng bằng chứng cái cẳng què xin an cư tại Đức vì lý do nhân đạo. Ở vụ này, luật pháp Đức có đủ hai con mắt. Dù cuốn sách ăn chân người di dân, tỵ nạn của luật sư McAmmond chưa xuất hiện dưới ánh sáng ban ngày. Anh què một cẳng Berlin yêu chị Ba Mùa Sunshine qua mạng. Họ cưới nhau. Trăm phần trăm là thực, nhưng hồ sơ bảo lãnh vị hôn thê của vợ anh bị bác. Kiện tới kiện lui. Mẹ vợ anh thường bảo con gái mình: “Xứ có con Chuột Túi cà nhắc cà nhắc chả cần phải thêm một thằng Việt thọt làm gì!”

Phải rồi, sách bàn luận pháp luật Đức đương đại của luật sư gái McAmmond đã không ra đời được. Minh Rô-lăng tìm cách cản trở bằng các thủ thuật phá bĩnh quen thuộc của một người Pháp lai Việt. Hải Dớ đứng ngoài cuộc. Anh ủng hộ cuốn sách, chứ không ủng hộ McAmmond sau vụ O'Donovan. Thật ra, chính nền văn hóa Đức đã không muốn một đứa con lai như thế có mặt. Luật sư hiểu. Bà cho đốt bản thảo cuốn sách cùng lúc ở dưới Nam bán cầu người ta hỏa thiêu David O'Donovan. Chẳng ai biết sau đó bà có chuyến đi nào xuống Miệt Dưới hay không, chứ trước đó thì chưa. Hay “em nó” muốn cuộc tình đẹp của mình được ảo từ A tới Z?

Trước và trong khi có đời sống siêu thực, nhà văn ăn tim kiêm nhà phỏng vấn cây rừng đã góp mặt trong nhiều sự kiện, tình tiết của cuốn Đẻ Sách mà độc giả đang theo dõi. Chúng ta hãy chân thành cảm ơn ông, và nguyện cầu hương linh người quá cố tiêu diêu nơi cõi Phật.

Hạnh phúc và bất hạnh, cái may và cái rủi, sự thành và sự bại ở đời thực và đời ảo, nơi chữ nghĩa và cuộc sống có khác gì giữa hai nút CopyDelete đang đặt cạnh nhau trên màn hình kia?

“Vậy đã có hay có thể có hay không một nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại?

Trong giới nghiên cứu, phê bình khá phổ biến ý kiến rằng nhìn chung tiểu thuyết ta vẫn đuối so với truyện ngắn. 20 năm đổi mới vừa qua, tiểu thuyết nước ta dù đã đạt được một số thành tựu mới, được độc giả hoan nghênh (mà trình độ văn hóa kéo theo độ đòi hỏi của độc giả trong những thập kỷ qua đã được nâng cao rất đáng kể), nhưng vẫn chưa cất mình lên một đẳng cấp mới cho phép khẳng định sự tồn tại một nền tiểu thuyết.

Theo dòng tiểu thuyết nước nhà khá trù phú về lượng đó, không thể không nhắc đến với niềm trân trọng Thời Xa Vắng - Lê Lựu, Thiên Sứ - Phạm Thị Hoài, Nỗi Buồn Chiến Tranh - Bảo Ninh, Đi Tìm Nhân Vật - Tạ Duy Anh, Cõi Người Rung Chuông Tận Thế - Hồ Anh Thái, Cơ Hội Của Chúa - Nguyễn Việt Hà, Giàn Thiêu - Võ Thị Hảo, và Mẫu Thượng Ngàn - Nguyễn Xuân Khánh. Song những thành công ấy chưa đạt độ hoàn hảo có được trong Sống Mòn - Nam Cao và Số Đỏ - Vũ Trọng Phụng.

Một vài bản thảo chưa được xuất bản chúng tôi may mắn được tìm hiểu báo hiệu sự khơi sâu tư duy tiểu thuyết. Song bên cạnh đó, một loạt hiện tượng tiêu cực khá rõ trong sản phẩm tiểu thuyết đại trà, không có trong những tiểu thuyết trình độ trung bình trước đây (sa sút tài nghệ, chạy theo số lượng hy sinh chất lượng, tràn ngập văn xuôi tiểu thuyết bởi ngôn ngữ và các thủ pháp báo chí…) chưa cho phép nói một cái gì xác định về tương lai tiểu thuyết Việt Nam.” [6]


[1] Co rút theo Đỗ Minh Tuấn; “Làm thế nào Việt Nam có Nobel văn chương?”, vietnamnet.vn 9/10/2008

[2] Roland Barthes; Cao Việt Dũng dịch, “Critique muette et aveugle” - 1957, Blog Nhị Linh, talawas.org 29/9/2008

[3] Phỏng thơ Tố Hữu, “Bài ca xuân 68”

[4] Tin Tuoitre.vn 8/2/2018

[5] Lê Văn Lân; Tạp chí Thế Kỷ 21 số 205, 5/2006

[6] Lược từ Phạm Vĩnh Cư; “Văn chương và hội họa Việt Nam”, baodatviet.vn 20/4/2013