Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Đội Nhung

Truyện Thái Sinh

Người dân làng Tào gọi Lại Văn Nhung là đội Khùng, bởi trước đây ông làm trong đội cải cách ruộng đất. Đội Nhung là con bà Nhuận, nhà nghèo rớt mùng tơi nên phải đi làm đầy tớ chuyên chăn trâu cắt cỏ cho nhà địa chủ Dương Huy Quảng ở xóm Dom – nay là thôn Thành Vương – để kiếm miếng ăn. Nhung có tính tắt mắt, nhiều lần ăn cắp củ khoai, đấu gạo, chai tương… mang về nhà. Một lần địa chủ Quảng bắt được đã đuổi Nhung không cho làm đầy tớ nữa. Nhung mang lòng thù hận địa chủ Quảng, năm mười sáu tuổi hắn theo đám buôn trâu làng Phùng Thương lên mạn ngược, từ đó nhiễm luôn cái bệnh dối trá, xảo quyệt của những kẻ buôn bán giang hồ. Khi về làng mang theo cô vợ là người dân tộc Thái khá xinh tên là Én, do nghiện thuốc phiện nên mặt cô ta trắng bệch như người lâu ngày không ra nắng.

Sau mười mấy năm đi làm ăn xa, tưởng hắn về làng mang của cải cho bà, ai dè lại dặt dẹo như ma đói ma khát khiến bà Nhuận càng buồn hơn. Hai vợ chồng suốt ngày nằm trong nhà hút thuốc phiện, hết tiền chúng lại mang thứ nọ thứ kia trong nhà đem bán. Vợ chồng bà Nhuận khổ tâm lắm, nhưng chả lẽ lại chém chết chúng hay báo cho hương mục đến bắt bỏ tù. Làm thế không đành, nên tới nhà địa chủ Quảng quỳ lạy rằng:

- Đội ơn trời Phật, nay tôi đến nhà ông xin cho thằng Nhung con tôi được cấy rẻ hai đám ruộng ở khu đồng Khoang để nó có củ khoai, hạt gạo đổ vào miệng. Nếu ông bà cần người trông coi bãi chuối khóm mía ngoài bãi sông thì tôi bảo nó ra đấy ở. Xin ông bà rủ lòng thương cho kẻ nghèo hèn, khốn khó này được làm con chó, con mèo giữ của cải trong nhà ông bà…

Địa chủ Quảng sau mười mấy năm không còn nhớ mặt thằng bé chăn trâu ngày nào nên bảo bà Nhuận dẫn nó đến xem mặt. Trông dáng Nhung gầy còm, ốm yếu, quần áo rách tả tơi nên ông ta động lòng thương gật đầu đồng ý cho hắn cấy rẻ hai đám ruộng và giao khu bãi cho nó trông coi, hoa lợi thu được nó hưởng một phần ba.

- Đấy là tôi nể bà, cũng là chỗ họ xa với bên ngoại nhà tôi nên mới đồng ý cho nó làm. Nghe nói nó đã lấy vợ, giờ chưa có nhà thì ra túp lều ngoài bãi mà ở để tiện trông nom hoa màu. Cũng sắp tới mùa thu hoạch rồi, chẳng mấy ngày nữa đâu. Chịu khó làm ăn để có chút vốn liếng sau này…

Hai mẹ con lạy địa chủ Quảng như vái lạy trời đất rồi khúm núm ra về, bụng mừng thầm từ nay có việc làm sẽ có miếng ăn.

Kể từ đó vợ chồng hắn chăm chỉ việc đồng áng, dần bỏ được nàng a phiền, thịt da tươi tắn trở lại. Địa chủ Quảng mừng lắm, thỉnh thoảng lại mời hắn tới uống rượu, có lần uống say ông bảo:

- Giúp người thì khó, hại người thì dễ. Giúp bao nhiêu cũng không đủ, hại một tí cũng thành oán thù. Thế là tao cứu được một người không chết đói…

Hắn quỳ rập đầu xuống lạy địa chủ Quảng hứa rằng sẽ đội ơn ông suốt đời, mong ông thương cái kiếp chó mèo của nó. Hành động của nó khiến địa chủ Quảng rất cảm động:

- Thôi, mày hãy đứng lên, tao chỉ mong vợ chồng mày ăn nên làm ra chứ tao chẳng mong gì hơn…

Im lặng một lát ông mới bảo:

- Thằng Lân học ngoài Hà Nội ít ngày nữa thì về nghỉ hè. Buổi tối mày về đây tao bảo nó dạy cho ít chữ. Phải biết tính toán, mù chữ khổ lắm mày ạ!

Nhờ Lân dạy, hắn cũng biết đọc biết viết, cộng trừ nhân chia làm những phép tính đơn giản chứ không phải lấy sỏi để chia như trước đây nữa.

Địa chủ Quảng có hai người con trai và hai người con gái, con trai cả là Dương Phan Long, Dương Huy Lân là con út, tất cả bốn người con của địa chủ Quảng đều được gửi ra Hà Nội ăn học. Nhà địa chủ Quảng có chín mẫu ruộng, năm mẫu soi bãi và dăm sáu sào ao. Làng Tào nghèo rớt mùng tơi, ai cũng lo cái ăn đến chóng mặt, nên cái chức lý trưởng không ai ra nhận. Người ta thừa biết cái chức lý trưởng là hữu danh vô thực, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, dân làng Tào chạy ăn quanh năm lấy gì mà kiếm chác. Người ta vận động mãi địa chủ Quảng mới đồng ý cho Dương Phan Long ra làm lý trưởng, Ông lẩm bẩm:

- Thôi cũng là việc của làng, chứ báu bở thì chả đến lượt mình. Thằng Long có ít chữ nghĩa ra giúp dân làng tích đức cho đời sau…

Ngày ra mắt lý trưởng, ông cho mổ ba con bò khao cả làng ăn trong ba bữa rượu say túy lúy. Long giao tất cả công việc cho phó lý giải quyết, chỉ những việc quan trọng ông mới nhúng tay, thời gian còn lại ông cùng người em trai dịch sách, bàn chuyện văn thơ và đi đây đó, sau bốn năm thì xin nghỉ chức lý trưởng. 

Cách mạng tháng 8/1945 bùng nổ, làng Tào ngày ấy toàn dân mù chữ, Dương Phan Long là người có học được mời ra làm chủ tịch xã rồi tiếp đến làm chủ tịch huyện lãnh đạo nhân dân đánh Tây, diệt Tề.

Cuộc cách mạng cải cách ruộng đất long trời lở đất đã kéo ông chủ tịch ủy ban hành chính huyện thành tên địa chủ gian ác. Dương Phan Long bị lột hết chức vụ, khai trừ ra khỏi đảng triệu hồi về làng chịu đấu tố với rất nhiều tội danh.

Ngày ấy làng Tào có tới hơn chín mươi chín phần trăm mù chữ, người ta tìm mãi mới được hai cán bộ cốt cán là Lại Văn Nhung biết đôi ba chữ và Đỗ Thị Khiêm người ở cho nhà địa chủ Quảng ra làm cán bộ để phát động cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương người cày có ruộng. 

Nhung trở thành cán bộ cốt cán, do không có mảnh đất cắm dùi đã từng đi ở cho địa chủ, rồi nhận ruộng cấy rẻ, địa chủ lại bắt trông coi vườn tược, đúng là thân trâu ngựa, mối thù giai cấp không đội trời chung. Nhung từ một người chuyên đi làm thuê cuốc mướn trở thành cán bộ dẫn dắt giai cấp. Người ta bảo Nhung: Anh phải khơi dậy được mối thù từ ngày anh còn đi ở đến khi bị bắt ra ngoài bãi trông mía, ngô, rồi ăn đói mặc rách như thế nào… Phải tố cáo sự tàn ác, nham hiểm của địa chủ đã hút máu dân làng Tào đến kiệt quệ như đỉa hút máu trâu…

Đội Nhung cùng với đội Khiêm hàng ngày đi đến các hộ gia đình phát động cải cách ruộng đất, không cuộc đấu tố nào họ vắng mặt, nhiều khi nửa đêm gà gáy họ mới trở về. Hắn đi tới đâu mọi người đều phải dẹp ra nhường đường cho hắn, con cái địa chủ gặp hắn đều phải khoanh tay kính cẩn lễ phép “Con chào ông đội”.

Một lần địa chủ Quảng trên dường trở về do trời nhá nhem tối không nhìn rõ hắn, bị hắn gọi giật giọng:

- Địa chủ Quảng, mắt mày mù không nhìn thấy ông đội hay sao mà không thèm chào?

Địa chủ Quảng đứng sững lại:

- Dạ, thưa ông đội tha cho kẻ già cả này, mắt mũi mù lòa không nhìn rõ ông là ai…

- Ái chà chà! Già cả mù lòa sao vụ nào cũng ra tận ruộng đếm từng bông lúa, thu không sót một bông hả?

Địa chủ Quảng lắp bắp:

- Dạ! Tôi già yếu mấy năm nay có ra ruộng được đâu, nên chả biết lúa tốt xấu thế nào. Ông đội nhận mỗi sào cấy rẻ trả cho tôi năm thúng mười đấu mỗi sào, chứ tôi ép buộc gì đâu…

- Thôi im mồm đi, đừng giở giọng giả nhân giả nghĩa ở đây. Từ rày gọi tao là ông đội Nhung. Thời của chúng mày đã hết rồi nghe chửa?

Địa chủ Quảng khép nép nhường đường cho hắn đi. Qua cổng nhà ai chó nhà ấy mà xô ra cắn đều bị hắn gọi chủ nhà ra nạt nộ, bắt ra đình làm kiểm thảo do để chó cắn người. Mọi gia đình nuôi chó đều phải xích thật kỹ, có nhà phải giấu chúng trong buồng không dám cho ra ngoài sân, nhỡ ông đội đi qua sủa lên vài tiếng thì khốn. Làng Tào bị đội Nhung tác yêu tác quái, hắn đá thúng gạo của vợ Dương Phan Long tung tóe ra đất vì ngồi bán không đúng vị trí, đạp phú nông Hà Mạnh Nhị lăn lông lốc xuống chân đê vì đội ô không chào hắn… Hắn và đội Khiêm như hình với bóng, lúc ở đình hay trong các cuộc họp, hắn nói:

- Hỡi bà con, đây là thời của chúng ta vùng lên đạp đổ bọn địa chủ cường hào ác bá bao nhiêu năm đè đầu cưỡi cổ dân lành, chúng mua rẻ ruộng đất rồi phát canh thu tô, bắt chúng ta làm thân trâu ngựa, sau vụ gặt chúng ta chỉ được nhận mấy thúng thóc kẹ, vài cọng rơm. Đả đảo bọn địa chủ cường hào ác bá…

Địa chủ Dương Huy Quảng và con trai Dương Phan Long hàng đêm bị đem ra đấu tố nhiều nhất. Hai cha con địa chủ Quảng bị trói giật cánh khuỷu dẫn ra trước bãi đất trước cửa sân đình. Chòm râu bạc phơ của địa chủ Quảng lấm bùn do bị người ta xô ngã khi dẫn ra trước dân làng, còn lý trưởng Long thì lê lết do bị đói lả, quần áo rách tả tơi thối khắm vì nhiều ngày bị trói nhốt, ỉa đái trong quần.

Đội Nhung mở đầu cuộc đấu tố sắt máu, hắn giật chòm râu bạc của địa chủ Quảng, hét lớn để kích động đám đông:

- Địa chủ Quảng, mày có nhìn rõ mặt tao không?

- Dạ thưa ông, con nhìn rõ ạ. Ông tên là Nhung trước kia đi ở chăn trâu cho nhà con, vì ông nhiều lần ăn cắp vặt nên con đuổi ông ra khỏi nhà. Ông theo người ta đi buôn trâu, khi trở về làng Tào do không có đất làm ăn nên mẹ ông xin con cho ông cấy rẻ hai sào ruộng đồng Khoang để có cơm ăn…

- Chuyện đó thì ai cũng biết – đội Nhung ngắt lời – Hôm giỗ bố mày, mày vui quá ép tao uống rượu say đến nỗi đái cả ra quần, mày còn nhớ không?

Nhiều tiếng cười ồ lên, tiếp theo là tiếng đả đảo vang lên. Đội Khiêm rẽ mấy người từ phía sau đi lên chỉ tay vào mặt địa chủ Quảng:

- Thằng dê già kia, mày dụ tao vào cạnh bồ thóc rồi bóp vú tao. Chưa thỏa mày tốc váy tao lên rồi đè tao ngay dưới chân bồ thóc, mày còn nhớ không?

Mặt địa chủ Quảng ngẩn ra, một lúc sau ông mới lắp bắp:

- Tôi đã hơn tám mươi tuổi rồi làm sao vật được bà đội mới mười chín tuổi. Oan tôi quá, oan tôi quá!

Đội Khiêm giang cánh tay tát bốp bốp vào mặt địa chủ Quảng, miệng thét lên:

- Mày còn cãi hả? Cãi này! Cãi này…

Địa chủ Quảng bị tát liên tiếp mấy cái, khiến ông ngã dúi dụi không đứng lên nổi. Hai dân quân chạy tới xốc nách ông già hơn tám mươi tuổi đứng dậy, nhưng ông cứ khuỵu xuống không đứng dậy được. Một người đầu húi cua ngồi ở hàng ghế đầu dưới chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông ra hiệu rồi nói gì với người bên cạnh. Người ấy đứng lên:

- Nó không đứng được thì cho nó quỳ. Dẫn địa chủ Long ra, thằng này từng là lý trưởng rồi chui vào hàng ngũ của đảng làm chủ tịch huyện ta…

Đội Khiêm xắn váy lên xỉa ngón tay vào mặt địa chủ Lương:

- Này con chó đực, mày hãy nhìn thẳng vào mắt tao để nghe tao nói. Mày còn nhớ hôm mày cưỡi ngựa trên huyện về, gặp tao ở cửa chuồng ngựa mày đã vật tao xuống rồi đè lên như con chó đực rồi rên lên ư ử, có đúng thế không?

Địa chủ Lương ngúc ngắc cái đầu ngước nhìn đội Khiêm, một lúc sau mới thều thào:

- Dạ, không đúng, khi đó bà rách rưới hôi như cú. Tôi không thể… tôi không thể…

- Úi giời! Úi giời! Con chó đực kia, mày nhảy đực còn giỏi hơn cả đội… đội… Chợt thị ngừng lại, thị định nói đội Nhung, nhưng kịp chữa – Mày nhảy đực còn giỏi hơn cả bố mày…

- Đả đảo địa chủ Lương! Đả đảo!

Sóng người rùng rùng chuyển động. Một người đàn ông rách rưới bước thấp bước cao đi lên:

- Lý trưởng Long, mày hay làm thơ, sao hôm nay mày không đọc thơ cho chúng tao nghe? Hôm tao ra đình xin cái triện, mày bảo tao: Đơn từ như thế này mà đòi triện à. Triện vào cái lồn mẹ mày ấy nhé. Tao giắt năm đồng đưa cho mày, mày vứt trả tao còn quát: Ông cút mẹ về đi, lý trưởng Long không thiếu năm đồng nhé. Về nhà nhờ ông giáo Viễn viết hộ cho, còn viết như thế này thì chó nó ỉa vào chả thèm đọc chứ đừng nói tới quan. Mày nói thế đúng không? Mày chê năm đồng của ông đúng không?

Nói rồi người đàn ông ấy nắm lấy mái tóc bê bết cứt đái giật mạnh, rồi đưa tay lên mũi ngửi, hét lớn:

- Đồ địa chủ thối tha, tao thù mày…

- Đả đảo địa chủ tàn ác, đả đảo địa chủ thối tha...

Sau buổi đấu tố đó, họ lôi hai cha con địa chủ Quảng ra cánh đồng chôn sống dưới ruộng chỉ để hở đầu lên rồi dùng bừa bừa đi bừa lại cho đến chết.

***

Đội Nhung được làng Tào phong cho cái tên đội Khùng. Người dân từ đứa trẻ lên ba đến những người già sắp xuống lỗ hễ nghe đến tên đội Nhung đều sợ xanh mắt, trẻ con không dám khóc, người già không dám ho. Đó là thời nhất đội nhì trời ở làng Tào.

Lại nói về Dương Huy Lân con trai Dương Huy Quảng, khi cuộc cách mạng giảm tô cải cách bắt đầu, Dương Huy Lân đang là chánh văn phòng ủy ban hành chính tỉnh, khi cha và anh bị quy địa chủ thì Dương Huy Lân bị khai trừ ra khỏi đảng, đuổi về địa phương.

Nói thêm về địa chủ Quảng, trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ ngày 10/2/1930, ông từng giao du với một số đảng viên Quốc dân đảng. Bởi thế, khi gửi Lân ra Hà Nội học ông giới thiệu con trai mình với một lãnh tụ của Quốc dân đảng. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái bất thành, những đảng viên Quốc dân đảng bị bắt bớ tù đày, Dương Huy Lân không theo Quốc dân đảng nhưng đã kết duyên với người con gái của một đảng viên Quốc dân đảng, đó là điều bất lợi khi người ta mở sổ xét lý lịch để đuổi ông về địa phương.

Ngày ông về thì đêm ấy xảy ra cuộc án mạng làm chấn động làng Tào. Đấy là cái chết của Đỗ Thị Khiêm, đội viên đội cải cách ruộng đất. Cô chết trong tư thế treo cổ trên cây mít vườn nhà địa chủ Quảng ngoài bãi bồi ven sông. Người làng Tào đồn rằng cô Khiêm chửa buộm với đội Nhung, hai người thường kéo nhau vào đình hội ý, đình làng trở thành nơi họ hành lạc. Bởi thế, trong cuộc đấu tố địa chủ Quảng, cô đã suýt nhỡ mồm nói ra “Mày nhảy đực còn giỏi hơn cả đội…”.

Ai là thủ phạm giết đội Khiêm? Nếu đúng đội Khiêm tự tử, sao lại tự tử trong vườn nhà địa chủ Quảng mà không chọn vườn nhà người khác? Ai là chủ mưu vụ sát hại này, liệu có bàn tay của Dương Huy Lân do bất mãn chế độ khi bị đuổi về địa phương nên ra tay sát hại người đã tố cáo cha mình hiếp dâm? Vụ giết hại đội Khiêm không thể một người làm được, mà phải có nhiều người. Dân làng Tào không ai làm việc này, chỉ có những người trong gia đình địa chủ Quảng muốn trả thù cho cha anh nên mới ra tay sát hại.

Người ta bắt Dương Huy Lân cùng hai người chị gái và một người anh rể tên là Nguyễn Chí Thúc. Sau những trận đòn roi khốc liệt, họ đã nhận giết đội Khiêm rồi treo cổ lên cành cây mít, người chủ mưu là Nguyễn Chí Thức nhận án tử hình, còn Dương Huy Lân là đồng phạm thì bị kết án mười lăm năm tù giam, hai chị gái đều lĩnh án hai mươi năm tù giam. Cả hai người chị gái do là phụ nữ không chịu nổi sự cực khổ trong tù, người ốm bệnh chết, người do phẫn uất mà treo cổ tự tử trong tù. Dương Phan Lân thi hành án tại nhà nhà tù Sơn La được 6 năm đến tháng ba năm 1960 thì được trả về địa phương khi nhiều người dân làng Tào có đơn minh oan cho những người bị án oan.

Một lần tôi trở về làng Tào thì gặp Dương Huy Lân. Ông đang chăn bò bên cạnh bãi sông, tôi kéo ông ngồi xuống bãi cỏ ven đường chỉ cây mít hỏi lại chuyện cũ. Ông rùng mình nhìn tôi một thoáng ngơ ngác, giọng nghẹn đắng:

- Chuyện cô đội Khiêm chửa buộm rồi treo cổ tự tử trên cây mít nhà tôi, chắc chỉ cây mít mới trả lời được. Nhưng cây không biết nói, thành thử người phải gánh tội thay…

Ngày ấy chuyện chửa buộm được coi là tội tày đình, sẽ bị dân làng cắt tóc bôi vôi rồi dẫn giải quanh làng cho mọi người rõ mặt. Một cán bộ cốt cán nằm trong đội cải cách đạo đức cách mạng sáng ngời, nói một tiếng cả làng Tào ai cũng phải dỏng tai lắng nghe không thể phạm cái tội đó được. Nếu đội Khiêm chửa buộm thì phải chết để bảo toàn thanh danh cho đội cải cách. Có lẽ vì quá xấu hổ nên đội Khiêm trong lúc quẫn trí đã chạy ra ngoài bờ sông treo cổ tự tử. Cái chết của đội Khiêm kéo theo nhiều cái chết thương tâm khác.

Ông Lân gục đầu giữa hai đầu gối như đang hồi tưởng lại những năm tháng đắng cay nhất của cuộc đời. Tôi hỏi về đội Nhung, ông lắc đầu:

- Kẻ gây ra những tội ác cho làng Tào không chỉ mình đội Nhung... Ông ta bỏ làng đi còn hai sào ruộng trên cánh đồng Khoang của bố tôi được người ta chia cho ông ấy. Tôi cũng muốn gặp ông ta để dạy thêm cho ông ấy một chữ, nhưng kể từ đó đến nay tôi không gặp...

Tôi hỏi ông định dạy cho đội Nhung chữ gì. Im lặng một lúc, rồi ông cầm chiếc roi chăn bò vẽ xuống đất một chữ NHÂN hoa, rồi bất ngờ cười vang:

- Hôm nào anh tới nhà, tôi cho xem mấy cuốn sách tôi dịch từ tiếng Pháp…

Câu chuyện này tôi viết ra đây từ những chuyện do ông Dương Huy Lân kể cho nghe sau nhiều lần đến nhà ông đọc những cuốn sách do ông dịch. Cách nay hơn chục năm, trong một lần đợi tàu, tình cờ tôi gặp một người đàn ông bán nước rong trên sân ga có giọng nói rất giống người làng tôi. Hỏi ra mới hay ông ta đúng là người làng Tào thật. Tôi kể một số tên người làng, ông ta nhận ra hết, kể cả những người đã khuất như địa chủ Quảng.

Bất chợt tôi kêu lên một tiếng: Có phải ông chính là đội Nhung không? Nghe thế, ông ta sợ hãi vội xua tay lảng đi nơi khác:

- Ồ, không, không… Tôi không phải là đội Nhung…

Mấy năm sau tôi có việc phải qua nhà ga ấy, tìm mãi không thấy ông ta nên hỏi những người bán nước ở đây. Họ tặc lưỡi:

- Lão già ấy dở điên dở dại từ đâu dạt tới đây lâu lắm rồi. Mùa đông năm ngoái chết gục dưới gốc cây bàng kia kìa. Chẳng ai biết lão ở đâu nên người ta đem chôn ở bãi tha ma bên ngoài bờ sông…

Tôi trở về làng Tào, đến nhà ông Dương Huy Lân muốn báo tin cho ông về cái chết của đội Nhung. Nhà đóng cửa, người hàng xóm cho hay ông mất cách nay nửa năm, còn bà ấy theo con lên thành phố ở.

Câu chuyện tôi viết ra đây đúng với những gì ông đã kể cho tôi nghe, nhưng mãi mãi ông không được đọc.

Kính ông!

Ngày 18/5/2019