Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Những khoảng tối có ma (kỳ 7)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

…….

Gần 30 bức tranh của các danh họa thời Mỹ thuật Đông Dương thuộc bộ sưu tập của Mr. Thời Vụ trong cuộc triển lãm “Về nguồn” tại gallery của Lý Hoàng Hoa bị một vài nhà báo đặt nghi vấn tranh giả. Thời Vụ nổi điên, hắn đòi trừng trị mấy thằng nhà báo xấc láo, nhưng Lý Hoàng Hoa khôn ngoan hơn, cô lên tiếng chính thức mời Cục Mỹ thuật, cơ quan chức năng của nhà nước vào cuộc. Một hội đồng thẩm định bao gồm các họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật được thành lập, họ kết luận theo gợi ý của cô: “Chúng tôi không có đủ điều kiện để xác minh, theo phương pháp khoa học, những tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Về nguồn” là giả hay thật. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng tôi nhận định những tác phẩm này có giá trị nghệ thuật cao”. Quả thật, Lý Hoàng Hoa giỏi. Tuy nhiên, tôi lại cảm thấy mất cô, một lần nữa.

Qua scandal có vẻ như tình cờ này, Gallery Lý Hoàng Hoa đã được biết đến như một địa chỉ đáng tin cậy không những về mặt tuyển chọn tác phẩm triển lãm, đứng đắn trong giao dịch thương mại, mà còn kết nối được với những nhà đấu giá hàng đầu thế giới như Christie’s và Sotheby’s.

Bản thân Lý Hoàng Hoa cũng càng ngày càng kiều diễm và lịch thiệp. Cô là một bà chủ.

Tôi hỏi Thời Vụ, “Sao ông không xây biệt phủ?”

Thời Vụ cười sảng khoái, tự hào “Đấy là khác biệt đáng kể nhất giữa tôi và những đại gia còn lại”.

Thật vậy, Thời Vụ có thể xây biệt phủ cho Lý Hoàng Hoa và tất cả những cô gái hắn thích, nhưng với riêng hắn, hắn chọn cho mình cách thế của kẻ vô sở trụ.

“Có thể đó là một ngạo mạn vô đối. Nhưng ông có tin rằng tôi cũng có thể chứng ngộ về sự vô thường không?” Hắn hỏi tôi một cách nghiêm túc.

Tôi thành thật, “Với ông thì điều gì cũng có thể”.

Hắn gật gù nói cám ơn, “Ít ra, tôi cũng đã chọn bạn không sai”.

Mr. Thời Vụ muốn chứng tỏ mình không phải trọc phú. Hắn rủ tôi và một số người bạn nữa vào rừng “thực nghiệm tâm linh”. Hắn nói, “Khi con người có thể thu nạp được năng lượng vũ trụ, thì con người cũng sẽ có năng lực của vũ trụ”.

Tôi chỉ muốn làm người phàm, nên bảo “Ok. Cho tôi dẫn gái theo”.

Đó là một trang trại khác của Lý Hoàng Hoa, rộng trên 50 mẫu nằm dưới chân núi Ngọc Linh cũng do Thời Vụ mua cho cô. Rừng nguyên sinh được cô bảo tồn. Một trại nuôi ngựa giống được cô chăm chút. Lý Hoàng Hoa nói, “Trong các loài thú thì em thích ngựa nhất. Nó không chỉ đẹp trên đường chạy, mà hoành tráng ngay cả khi làm tình”.

Nhất trí. Tôi và cô bạn nhỏ ngồi trên một thân cây đổ, nhìn những con ngựa Standardbred đẹp đẽ được mua từ Mỹ, lừng lững sải bước. Tôi nói, “Có lẽ, người Trung Hoa có lý khi dùng hình ảnh ngựa để chúc nhau Mã đáo thành công”.

Không nói gì, cô xoa nhẹ trên đùi tôi. Tận hưởng sự trong lành của hoang dã.

Lý Hoàng Hoa đi tới, trên tay cô cầm một roi ngựa, hỏi “Anh muốn phi thử một vòng không?”

Tôi nói, “Anh không muốn ngã vỡ đầu”.

Dưới gốc cây khộp, Thời Vụ ngồi thiền. Quanh đó, dăm ông nhà thơ, nhà báo cũng đang quy hướng về Thời Vụ trầm mặc.

Tôi nhìn ngọn núi cao nhất dãy Trường Sơn nói với cô, “Núi tự nó chẳng có ý nghĩa gì ngoài mặt địa chất hay phong cảnh, nhưng người ta hoàn toàn có thể biến nó thành một công án thiền”.

Cô bảo, “Em không thích núi”.

Tôi nói, “Anh thích núi, không phải vì “văn vô sơn thủy vô kỳ khí” như mấy ông Trung Hoa xưa dạy, mà cái hình thế của nó làm cho anh ám ảnh”.

Cô hỏi, “Về điều gì?”

“Anh cũng không biết nữa”. Im lặng một lúc rồi tôi nói tiếp, “Có thể vì sự bí ẩn của nó”.

Cô nói, “Em muốn được đi Côn Đảo với anh. Em thích biển”.

Tôi bảo “Để anh thu xếp”.

Tôi và cô ở Kontum một tuần rồi về Sài Gòn. Thời Vụ và các hành giả một mùa vọng động vẫn ở lại chân núi Ngọc Linh thiền định.

Sau 40 ngày nhịn ăn, các hành giả tuyên bố cuộc truy tìm chân lý của họ đã viên thành. Riêng Thời Vụ được cho là đã đạt đến cảnh giới vũ trụ, thông suốt ba nghìn thế giới của chư Phật, trên đầu tỏa hào quang nhật nguyệt. Các nhà thơ, nhà báo đi theo hắn viết bài ca tụng Mr. Thời Vũ trên mạng xã hội như một đấng tiên tri, đại giác với ngũ huệ tâm: Khát vọng huệ tâm, Sáng tạo huệ tâm, Hành động huệ tâm, Thông thiên đạt địa huệ tâm và Từ bi huệ tâm.

Trong một thông cáo báo chí, Thời Vụ cho biết hắn được trao truyền sứ mạng khai sáng dân tộc Việt.

Dẫu thế nào, một sự thật không thể chối cãi, Thời Vụ càng ngày càng hiển lộ uy nghi của một giáo chủ. Tôi đã nhìn thấy cảnh tượng hàng trăm người đứng cúi gập thân mình cung kính khi Thời Vụ bước vào quán cà phê trong một buổi thuyết giáo.

Ít nhiều, tôi cũng bị hoang mang, nhưng Thời Vụ không có gì thay đổi với riêng tôi. Trước và sau khi chứng ngộ chân lý, Thời Vũ vẫn là Thời Vụ. Kẻ đóng thế vai của thời đại nói, “Nếu ông luôn cảm thấy bình an trong tâm, thì đó là đạt đạo”.

Tôi cười, “Đi chơi với ông bao giờ tôi cũng an tâm, thậm chí tự tại”.

Thời Vụ cũng cười, “Cứ biết thế”.

Cùng với tình trạng cướp bóc trắng trợn bằng sưu cao thuế nặng, giải tỏa đất đai nhà cửa và sự giàu có bất thường của tầng lớp quan lại, một bộ phận không nhỏ các nhà làm văn hóa lại ba hoa cao đạo với thiền học và phong thủy địa lý. Tôi hỏi Thời Vụ, “Có khi nào ông bận tâm đến hậu vận không?”

Thời Vụ cười độ lượng như thiền sư, “Chúa Giê su bảo: Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.

Tuy nói thế, tôi tin Thời Vụ cũng như tất cả bọn quan chức, đại gia gian ác đều chuẩn bị cách thoát thân ở đâu đó bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thời Vụ hỏi lại tôi, “Ông hậu hiện sinh hay hậu hiện đại?”

Tôi biết Thời Vụ chơi chữ để chọc tôi theo nghĩa đen của từ. Tôi nói, “Hậu cộng sản”.

Một cách nghiêm túc hơn, Thời Vụ bảo “Nếu tôi còn có gia đình vợ con, có thể tôi sẽ tính khác”.

Có lẽ đó là câu trả lời thành thật nhất của Thời Vụ. Trước đây, hắn cũng có một gia đình tử tế, một vợ hai con theo đúng định mức của nhà nước. Nhưng thằng con trai chết vì chơi ma túy quá liều, đứa con gái du học Mỹ và vô tăm tích, vợ hắn theo một anh Tây ba-lô trẻ phiêu bạt không bến bờ. Hắn quyết định chấm dứt dòng dõi mình cho dù rất nhiều cô tha thiết xin hắn đứa con. Tôi cũng cho rằng đây là quyết định đúng đắn nhất của hắn. Thời Vụ vô sở trú trong cõi luân hồi.

Tình hình chính trị trong nước bộc lộ những hiểm họa khó lường. Các phe phái thanh trừng nhau. Nguy cơ đổ vỡ chế độ không đến từ sự chống đối của dân chúng mà đến từ chính những mâu thuẫn, bất hợp lý nội tại của nó. Nhưng chính quyền thực sự lo sợ khi đã có những cuộc biểu tình trực diện lên án chế độ bán nước.

Thành phố bất an. Những tấm chắn kẽm gai được dựng lên ở các ngã tư. Cảnh sát cơ động, an ninh chìm nổi, dân quân tự vệ đóng chốt khắp nơi. Dùi cui và những đôi mắt nghi ngờ dán vào người đi đường. Hàng trăm người bị bắt, đánh đập tra khảo như tội phạm chỉ bởi yêu nước theo cách riêng của họ.

Trong số những người biểu tình, có chị Dậu và những người hàng xóm cũ của chị. Trong số những dân quân đi trấn áp, khiêng bắt người biểu tình có thằng Bờm Đỏ. Tất cả họ đều say máu.

Mr. Thời Vụ đăng đàn nhục mạ những người biểu tình là bị xúi giục vì tiền, lòng yêu nước bị lợi dụng và chỉ là những thành phần bất hảo.

Nếu trước đây công chúng chỉ cười cợt sự vĩ cuồng của Thời Vụ, giờ đây người ta chửi rủa Thời Vụ như một loại nịnh thần rẻ tiền, ngập đầy trên mạng xã hội.

Có những thứ tôi hiểu được, nhưng cũng có những điều tôi không thể lý giải về con người Thời Vụ.

Cảm giác bị theo dõi làm tôi khó chịu. Cô ôm tôi và mân mê tôi, nhưng tôi không cương được. Cô hỏi, “Sao vậy?”

Tôi không nói gì, hôn vùi cô. Cô bảo, “Trong những lúc như thế này, chỉ có tình yêu mới làm chúng ta thở được”. Sau một lúc, cô nói tiếp “Em sẽ không bao giờ bỏ anh”.

Thời Vụ cho xây một ngôi chùa lớn trong trang trại của Lý Hoàng Hoa dưới chân núi Ngọc Linh. Ngoài Phật tổ, Thời Vụ còn dựng tượng vua Hùng, chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ tổ nhà mình đặt trong chánh điện. Hắn cho người qua tận Nepal thỉnh xá lợi Phật về thờ kính chung với tro cốt ông nội hắn trong một bình đá quí. Hắn cũng cho đúc một cái chuông to nhất Đông Nam Á, khắc hoa văn dòng chữ “Thiên Thu Vọng”. Một Thời Vũ gởi vào thiên cổ. Trong vườn chùa, những tảng đá lớn nhỏ được bố trí theo phong thủy voi phục, hổ chầu. Trên mỗi tảng đá đều khắc lời vàng ngọc của Thời Vũ.

Đạo Phật ở Việt Nam, sau thời kỳ của các giáo chủ như Huỳnh Phú Sổ và vô số ông Đạo khác trong vùng Thất Sơn đã biến dạng theo một chiều hướng thực dụng hơn, đa thần và nhiều màu sắc hơn. Không chỉ có một Thích Ca Mâu Ni của con đường giải thoát, mà còn một Thích Ca Mâu Ni góp phần với Hồ Chí Minh xây dựng chủ nghĩa xã hội, đoàn kết với vua Hùng và tổ tiên của chúng sinh chia sẻ danh vọng trần gian.

Thời Vụ nói, “Cho dù tôi không quên mình đã tuyệt tự dòng máu, hư ảo cuộc nhân sinh, nhưng tôi vẫn không từ chối được cám dỗ tồn tại. Tôi không muốn mất hết”.

Tôi nghĩ, không ai có thể rũ bỏ sân si tồn tại như một thiết yếu mang tính bản thể, kể cả những những người tu thiền. Vì thế khát khao lưu truyền sử xanh theo kiểu truyền thống văn hóa Trung Hoa cũng tự nhiên như ước mơ giải thoát theo tinh thần Ấn Độ.

Tôi nói với Thời Vụ, “Ông muốn mất hết cũng không được. Điều gì cũng tạo ra nghiệp”.

Thời Vụ cười bảo, “Tôi cũng biết thế, nhưng sống thỏa cũng là điều có thể vô chấp”.

Dường như người ta vẫn lẫn lộn khái niệm đạo đức với tích đức. Thời Vụ nói tiếp, “Khi người ta trồng một cái cây, có lẽ cũng không ngoài ý đó”.

Tôi hỏi, “Trong chùa của ông hiện nay đã có bao nhiêu cây của các vua quan?”

Thời Vụ xa vắng, “Không thiếu một ai, kể cả tứ trụ triều đình. Nhưng đó chỉ là một thủ tục mang tính bùa phép, đối phó và làm cảnh. Thâm tâm, tôi chỉ muốn có một khu vườn riêng, trồng toàn cây của những người mình yêu quí, như một lưu dấu cho sự quây quần và đó sẽ là nơi tôi an nghỉ. Lần tới lên chơi, ông trồng cho tôi một cây nhé”.

Hắn sợ lẻ loi ở thế giới bên kia. Tôi bảo “Ừ, tôi sẽ trồng cho ông một cây vối”.

Cả tôi và hắn đều thích uống lá vối tươi.

Giữ đúng lời hứa, một tháng sau, tôi mang cây vối mua từ Sài Gòn lên Kontum. Thật kỳ lạ, khi trồng nó xuống đất, tôi có cảm giác như tôi đang chôn sống mình. Một miền đất xa lạ. Tôi cũng sẽ lưu vong kể cả sau khi chết sao?

Tôi nói với cô, “Liệu chúng ta có thể cất giấu linh hồn của mình ở đâu đó và sống với một thân xác vô chủ?”

Cô bảo, “Thật ra, người ta vẫn đánh mất linh hồn mình cho một điều gì đó và sống với một thân xác tưởng là của mình”.

Tôi cười, “Nhưng liệu chúng ta có thể tách bạch thân xác và linh hồn với một con người không?”

Cô nói, “Nếu không tách bạch thì không có đời sau, luân hồi hay thiên đàng hỏa ngục”.

Tôi cười, “Khi yêu đương làm tình, thì có gì dùng nấy, tất cả trí khôn, linh hồn và thể xác với toàn thể bộ phận trong, ngoài của nó, nếu tách bạch thì có trọn vẹn không? Và làm sao tách bạch?”

Cô cũng cười, “Em quả quyết rằng, khi làm tình, nó là một hình thái hậu hiện sinh rất mực thần thánh. Vừa hoài niệm, vừa đương đại, vừa hướng vọng siêu nhiên”.

Tôi tiếp, “Sướng đến bản lai diện mục”.

Cô nói, “Sướng đến giải thoát”.

Có lẽ con người cần có cách tiếp cận khác với tình-yêu-tình-dục như một hành thiền để chứng ngộ chân lý và hợp nhất với đại ngã, thay một cái nhìn đạo đức giả hình hoặc bản năng thú vật.

Tôi mút lưỡi và liếm lợi cô thay cho mọi điều muốn nói thêm. Trời đất, quỷ thần dường như vừa ở trong, vừa ở ngoài chúng ta.

Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi, tôi còn tìm kiếm điều gì? Hay tôi vẫn thản nhiên sống, không bận tâm về bất cứ điều gì? Cho dù thế nào, tôi luôn cảm thấy mình bị đầu độc bởi một số quan điểm quan niệm mang tính giáo điều nào đó. Tôi có thật sự cần phải có ý nghĩa không? Nếu hiện sinh là một câu hỏi về tồn tại, thì liệu hậu hiện sinh có phải là lời đáp cho sự phủ nhận nhân tính không? Nói một cách khác, hậu hiện sinh có phải là một trạng thái giải phóng di căn văn hóa? Một hiện tại phi hiện tại, không có trước sau.

Mà tôi thắc mắc những điều ấy làm gì?

Buổi trưa, nắng chói chang trên đường phố. Tôi sẽ bị chết ngộp vì nắng. Nhưng nắng như nỗi niềm tôi xuất tinh. Nắng tràn trề trong máu.

Tôi nói với cô, “Em uống nắng đi”.

Và cô uống. Cả người cô bừng sáng và trong vắt.

Tôi mở cho cô nghe bài thánh ca “Bà Là Ai” do Angelo Band trình diễn.

(https://www.youtube.com/watch?v=6hDftiAzHFk)

Và chúng tôi lịm đi trong nắng.

Khi tỉnh dậy sau một ngày ngủ li bì, tôi thấy người nhẹ tênh. Dường như tôi vừa được thanh tẩy. Cùng lúc, tiếng phát thanh từ cái loa treo trên cột điện ngoài đường đập vào tai tôi một loại tạp âm làm chấn thương cả bầu khí quyển. Tôi ngồi dậy và đi làm vệ sinh.

Trong toilet, nơi tôi thường có những ý nghĩ bất chợt, thú vị - tôi nhớ đến những câu chuyện cổ tích Thằng Cuội. Có Thằng Cuội nhờ biết ăn gian nói dối mà cướp được chính quyền làm vua. Có Thằng Cuội đốn củi thật thà biết yêu thương đồng loại. Có Thằng Cuội ngồi gốc cây đa mơ màng để trâu ăn cỏ ngoài đồng. Cả ba Thằng Cuội ấy đều là người Kinh. Cả ba Thằng Cuội ấy cùng với Thằng Bờm góp phần làm nên truyền thống và dân tộc tính Việt Nam, đồng thời xác lập các giai tầng xã hội: bọn xảo trá cướp bóc, đám nông dân chất phác và bọn dở người làm thơ. Đời đời nhớ ơn chúng mày. Tôi rửa đít ra khỏi toilet.

Thằng Cuội nói với Thằng Bờm, “Việt Nam, đất nước toàn anh hùng”.

Thằng Bờm phán, “Tôi lại chỉ thấy giống bọn khùng”.

Thằng Cuội cười gật đầu, “Đôi khi, anh hùng cũng chỉ là một thằng khùng. Nhưng điều ấy là cần thiết”.

Thằng Bờm bảo, “Toàn bọn rách việc, cứ như tôi thì có phải thế giới hòa bình không”.

Thằng Cuội nói, “Ừ, cứ như ông thì Phú Ông vẫn cứ bóc lột, mà ông thì cũng chỉ có cái quạt mo lặn lưng”.

Thằng Bờm, “Ông nghĩ bây giờ không còn bọn bóc lột?”

Thằng Cuội nhìn cánh đồng không biết nói gì nữa.

Mr. Thời Vụ đặt chai rượu thuốc ngâm với rắn xuống bàn nói, “Chúng mày đã làm gì cho tổ quốc mà bày đặt phê phán?”

Thằng Bờm cười đểu, “Tôi đéo làm gì, nhưng chưa bao giờ thằng dân như tôi lại bị sưu cao thuế nặng như bây giờ. Thưa phú ông, thế đã đủ chưa ạ?”

Thằng Cuội đá thêm, “Mấy ông thì cũng làm được cái đéo gì, ngoài chuyện mang đất đai tổ tiên đi bán rẻ, cầm cố?”

Phú ông Thời Vụ cười nhạt, “Chúng mày chỉ nên uống rượu giải sầu, nếu thích thì về đánh vợ chửi con, đừng đụng tới thánh thần”.

Thằng Cuội tinh tướng, “Thánh thần gì mấy ông. Toàn ăn cướp”.

Thời Vụ cười to, “Ăn cướp cũng không đến phiên chúng mày”. Hắn tiếp, “Nhiệm vụ của chúng mày là nhậu để phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Chúng mày được cung cấp tất cả mọi khẩu hiệu hoành tráng để chém gió. Nhậu đi”.

Thời Vụ bỏ đi để lại chai rượu. Tôi hơi ngạc nhiên. Trước đây, tôi cứ tưởng Thời Vụ chỉ ưu ái mình tôi, nhưng không, Thời Vụ là của nhân dân, vì nhân dân. Hắn muốn tất cả đều say. Tuy nhiên, có điều tôi không biết, chai rượu thuốc ngâm rắn mà hắn để trên bàn chỉ là thứ nước sái.

Tôi đến bên Thằng Cuội và Thằng Bờm, lễ phép “Các tiền bối có thấy chữ của tôi ở đâu không?”

Thằng Cuội nhìn tôi như thằng cha râu xồm vĩ đại đã nhìn tôi, hắn nói “Có, mày ngồi xuống đây”.

Tôi thầm reo lên, ít ra cũng có một người trung thực. Thằng Cuội kéo ghế cho tôi, hắn chỉ tay vào cái quạt mo của Thằng Bờm, “Có phải chữ của mày đây không?”

Tôi lắc đầu. Thằng Cuội chỉ tay vào cô tiếp viên, “Hay cái này?”

Tôi nhìn cô gái trẻ, ngờ ngợ. Tôi hỏi cô gái, “Em có phải là chữ của anh không?”

Cô gái không hiểu tôi muốn nói gì, hoảng hốt. Tôi nhắc lại, “Em có phải là chữ của anh không?”

Cô gái toét miệng cười, “Thế anh nghĩ em là chữ gì?”

Lúc ấy, Thằng Bờm mới mở miệng, “Cái lồn”.

Cô gái nhăn mặt. Tôi nói với cô gái, “Anh xin lỗi”.

Cô gái bỏ đi. Tôi nhìn theo và thấy cô vừa cầm ly bia của một ông khách mời, uống cạn.

HẾT

N.V.

7.2018