Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Muốn hóa rồng hay thành bò sát?

Tô Văn Trường

Để thoát nghèo đã khó, để trở thành một quốc gia phát triển còn khó hơn nhiều lần. Điều kiện cần cho mục tiêu này là phải có môt thể chế thật năng động và tiên tiến, có khả năng phát huy tối đa nội lực của đất nước, kết hợp ngoại lực của khu vực và của toàn thế giới. Nói khác đi, là chúng ta phải có định hướng chiến lược đúng, sách lược phù hợp và chiến thuật khôn khéo, uyển chuyển và năng động. Việt Nam chưa tạo dựng được cho mình các điều kiện cần ấy, chưa nói đến điều kiện đủ, nên giấc mơ “hoá Rồng” với ta còn quá xa vời.

Nhìn vào thực trạng của đất nước, có lần tôi đã đề cập đến ba điều kiện để hóa thành Rồng, rút ra từ bài học thành công của các con Rồng Châu Á.

(1) Có người đứng đầu là bậc hiền tài và thể chế thuận lợi để người đứng đầu cũng như mỗi người dân phát huy hết tài năng phát triển đất nước.

(2) Có đội ngũ cán bộ biết quản lý nhà nước pháp quyền hiện đại có hiệu lực và hiệu quả cao; có những doanh nhân biết kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho đất nước; có các nhà khoa học biết lựa chọn, tiếp thu, vận dụng tốt các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp đó biết sáng tạo thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của chính nước nhà.

(3) Có một dân tộc văn minh và tài trí được đào tạo, bồi dưỡng bởi một nền giáo dục quốc dân hiện đại có chất lượng cao.

Có ba luồng ý kiến về ba vấn đề nêu trên.

Luồng ý kiến thứ nhất: Tán thành quan điểm nêu trên dù rằng những người thích xét nét có thể nói nhiều hơn hoặc ít hơn ba điều kiện hóa Rồng đó. Tiếc rằng, hiện nay, chúng ta không có cả ba điều kiện nói trên. Vấn đề đặt ra là không phải dân tộc ta bị Trời hành, không “ban” cho các điều kiện đó. Mà là ở chỗ thể chế của chúng ta không tạo ra những mảnh đất để phát triển chúng, mà ngược lại, triệt tiêu chúng. Nếu cứ tiếp tục như thế này, thì chẳng những đất nước không bao giờ có những điều kiện đó, mà trái lại, chút ít gì còn lại cũng bị thủ tiêu. Và đương nhiên không thể thành Rồng mà chỉ có thể là bò sát. Vì vậy, vấn đề số 1 là cải cách thể chế. Có thể chế đúng – mà nội dụng cốt lõi là dân chủ – thì mới có thể sản sinh ra các điều kiện hóa Rồng.

Thời Cách mạng Tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp, chúng ta khó hơn nhiều về mọi mặt, vậy mà do cách làm dân chủ, khơi dậy được tinh thần yêu nước, giải phóng được sức sáng tạo của nhân dân... nên đã làm nảy sinh nội năng to lớn không ngờ trong một dân tộc mù chữ vừa qua nạn đói, để giành chiến thắng. Các “chủ trương” hiện nay cũng đề cập chuyện đổi mới thể chế, cải cách, dân chủ,... nhưng thực tế chỉ là nói cho vui. Hành động thì ngược lại. Đó là vấn đề nan giải.  

Luồng ý kiến thứ hai: Cho rằng không một quốc gia nào trên thế giới này có sẵn cả ba điều kiện hóa Rồng nêu ở trên, mà đấy là ba điều kiện phải phấn đấu tạo ra trong quá trình tranh đấu của một quốc gia, vì thế quốc gia mới cần có môt lực lượng chính tri tinh túy (đội ngũ elite của đất nước – có thể là một hay một số đảng phái, hay tổ chức chính trị...) lãnh đạo; minh quân chỉ có thể ra đời và trưởng thành từ quá trình phấn đấu / chiến đấu của lực lượng tinh túy này mà thôi. Ngồi chờ Chúa trời ban tặng điều kiện hóa Rồng thì không bao giờ có.

Thật ra Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để tạo ra ba điều kiện này, nếu Đảng Cộng sản lấy mục đích phục vụ Tổ quốc là mục đích duy nhất và trên hết. Đảng hôm nay nắm trọn vận mệnh đất nước và mọi quyền hành trong tay mà không tạo ra được ba điều kiện này thì còn ai làm được? Nhưng cho đến nay Đảng vẫn không làm được việc này là vì Đảng không chọn làm nhiệm vụ tạo ra ba điều kiện như tác giả Tô Văn Trường mong mỏi làm lẽ sống và làm nhiệm vụ duy nhất của mình, mà Đảng chỉ chăm lo cho địa vị của chính mình thôi, lầm lẫn và đồng nhất mình với Tổ Quốc, thậm chí Điều 4 đặt Đảng trên cả Tổ quốc!

Cứ nhìn con đường Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân Hành động đã đi để làm nên Singapore hôm nay từ một bãi làng chài thì rõ! Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay vẫn hoàn toàn có thể làm được như Lý Quang Diệu và Đảng Nhân dân Hành động của Singapore đã từng làm, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam muốn, và chỉ cần Đảng Cộng sản Việt Nam có ý chí này là đủ, còn thiếu trí tuệ thì dựa vào trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là giới trí thức.

Luồng ý kiến thứ hai này cũng cho rằng trong điều kiện cụ thể hiện nay của nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam nắm trọn vẹn mọi quyền hành hợp lý nhất là Đảng phải chủ động phấn đấu tạo ra ba điều kiện nói trên cho đất nước, vì lợi ích quốc gia hôm nay đòi hỏi như vậy, và mục tiêu Tổ quốc trên hết cũng đòi hỏi Đảng phải làm như vậy. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không lựa chọn như vậy và cũng không cho phép ai làm như vậy là đi ngược với lợi ích quốc gia, và sẽ không coi Tổ quốc là trên hết!

Luồng ý kiến thứ ba

Luồng ý kiến thứ ba cho rằng khi một đất nước rơi vào khủng hoảng phát triển có thể có ba khả năng xảy ra (1) Lực lượng lãnh đạo nhìn ra vấn đề và tiến hành cải cách. (2) Những lực lượng đối lập sẽ lớn lên, đủ thông minh và trách nhiệm thực hiện việc thay đổi thể chế. (Đây là kết quả của sự phát triển, thường tạo ra bất ngờ với nhiều người quan sát “thông thái”) và (3) Cả hai lực lượng cầm quyền và đối lập đều không đủ năng lực và phẩm chất khai thông sứ mệnh cải cách, để dân tộc rơi vào vòng trầm luân kéo dài. Hai khả năng đầu tiên đều có thể xảy ra, bất chấp ý chí chủ quan của chúng ta. Xấu nhất là khả năng thứ ba, lại chính là điều mong muốn của láng giềng phương Bắc.

Ngẫm suy:

Trước hết, mong dư luận quan tâm đến vận mệnh đất nước trao đổi về ba luồng ý kiến nói trên và góp ý vào vấn đề đang bàn này.

Nghiên cứu kinh nghiệm các con Rồng châu Á, người viết bài này (Tô Văn Trường) cho rằng ba điều kiện nêu trên thật ra chỉ xuất phát từ một đầu mối: (1) sẽ cho ra (2) và (3). Tiếc thay, ở xứ ta không có đủ hai yếu tố trong điều kiện (1): người đứng đầu hiền tài và thể chế dân chủ. Vậy hiền tài sinh ra thể chế hay thể chế sinh ra hiền tài?

Các nước Âu Mỹ phải trải qua nhiều cuộc biến đổi lịch sử mới có được thể chế dân chủ, rồi thể chế này sản sinh, chọn lọc ra nhiều hiền tài trên các lĩnh vực, họ cũng cải tiến các định chế khi nền dân chủ gặp khó khăn, khủng hoảng.

Khi chỉ có một trong hai yếu tố của điều kiện (1) thì cái này sẽ triệt tiêu cái kia (thể chế phi dân chủ sẽ vô hiệu hóa nhà lãnh đạo hiền tài, hoặc nhà lãnh đạo mưu mô sẽ vô hiệu hóa thể chế dân chủ).

Dân chủ trực tiếp hay đại nghị sinh ra do điều kiện lịch sử của mỗi nước nhưng phải là dân chủ thật sự, nhà nước pháp quyền thực sự (không ai đứng trên hiến pháp, luật pháp) thì đất nước mới phát triển. Nếu bầu trực tiếp mà không có cơ chế bảo đảm dân chủ thật sự thì đất nước cũng không vượt lên được (ví dụ điển hình là nhiều trường hợp tổng thống chế ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin).

Như vậy, ba điều kiện để Việt Nam hóa Rồng nêu trên chỉ có được khi có một nền dân chủ đích thực bảo đảm quyền tự do của mọi người. Đó là một quá trình nên phải có bước đi. Đã có một số ý kiến đề cập bước đi này nhưng phải tiếp tục làm rõ thêm gắn với khai dân trí, chấn dân khí.

Lời kết

Giới cầm quyền hiện nay khác với những người lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới 1986; thêm vào đó là sự chi phối ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày nay cũng có một thuận lợi rất quan trọng so với cuối thế kỷ trước, đó là Internet và mạng xã hội giúp cho khai dân trí, chấn dân khí mà không ai có thể ngăn chặn được.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải nghĩ lại, để dựa vào trí tuệ nhân dân thay đổi tất cả theo nguyên tắc cả nước cùng thắng trước khi quá muộn.

Từ lâu rồi, ở nước Nhật đã có một khẩu hiệu bất di bất dịch “Tất cả cho nước Nhật, nước Nhật trước đã”. Tư tưởng này, tương tự khẩu hiệu rất cũ nhưng vô cùng thiêng liêng của Việt Nam “Tổ quốc trên hết!”. Có lẽ ngày nay ở nước ta, tư tưởng này đã bị người ta ngấm ngầm đổi lại thành “Tất cả cho tôi, vì tôi, tôi trước đã” và cái tư tưởng suy đốn này đang lan rất nhanh sang lớp trẻ. Cầu trời, mong sao đó chỉ là một sự lây nhiễm – vì phàm giả lây nhiễm thì còn có phương phòng ngừa, chữa trị, còn nếu như đó là một sự di căn thì… vô phương cứu chữa, lúc đó Việt Nam ta không thể hiện thực hóa giấc mơ thành Rồng mà chỉ có thể thành bò sát! Đó là hệ quả nhãn tiền, nếu như chúng ta không thay đổi!

Xin có mấy vần để kết thúc bài viết này:

Chân trời xa, giấc mơ gần

Làm sao thoát cảnh phong trần hỡi ai

Bốn nghìn năm khát vọng hoài

Triền miên chinh chiến, thiên tai, đói nghèo

Nay ta muốn cất cánh diều

Thì xin cắt sợi dây neo “vì mình”.