Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 56): Hoàng Thi Thơ: Nếu Một Ngày Kia

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2019)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Nếu Một Ngày Kia – Sáng tác: Hoàng Thi Thơ

Trình bày: Hùng Cường

Nghe thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (28)- Hoàng Thi Thơ

Hoàng Thi Thơ: Ai Buồn Hơn Ai

Đọc thêm:

HOÀNG THI THƠ

(Nguồn: TVTS online)

Thấm thoát 6 năm* đã qua kể từ khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người từng có những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam, vĩnh viễn ra đi vì bệnh tim. Ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc hơn 8 giờ sáng ngày Chúa Nhật 23 tháng 9 năm 2001 tại nhà riêng ở thành phố Glendale, nam California.

Cũng tại ngôi nhà xinh xắn này vào năm 1998, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã dành cho người viết một cuộc phỏng vấn đặc biệt kéo dài trên 3 tiếng mặc dù bệnh tình của ông lúc đó đang ở trong thời kỳ nguy ngập. Tuy nhiên ông vẫn vui vẻ và hăng say khi trả lời những câu hỏi liên quan đến quãng đời hoạt động âm nhạc rất phong phú của ông mà một phần đã được gửi đến bạn đọc trong một bài viết dài 2 kỳ trên TiVi Tuần San sau khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày nhạc sĩ Hoàng thi Thơ qua đời, TiVi Tuần San sẽ gửi đến quí vị thêm một bài viết dài để tưởng nhớ đến một người mà cả cuộc đời đã sống gắn bó với âm nhạc bằng tất cả niềm đam mê vô bờ bến, bằng tất cả tấm lòng và trái tim nhiều rung động.

Ngoài những chi tiết do chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cung cấp là một số tài liệu được phổ biến trong tuyển tập nhạc kỷ niệm 50 hoạt động văn nghệ của ông, phát hành vào năm 1995. Trong số có bài viết rất giá trị của tiến sĩ Phan Ngọc Tiến, một thân hữu của nhạc sĩ họ Hoàng. Nhưng đặc biệt hơn cả là người viết đã có được một cuộc tiếp xúc rất lâu với người cháu ruột, cũng là người được coi như nghĩa tử của Hoàng Thi Thơ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thao tại nơi anh cư ngụ là Orange County vào cuối tháng 8 năm 2007 vừa qua.

Qua cuộc tiếp xúc với nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, người một thời được mệnh danh là “thần đồng vĩ cầm”, anh đã bổ xung cho chúng tôi nhiều chi tiết đặc biệt chưa hề được công bố về người bố nuôi của anh là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Là người sống kề cận với Hoàng Thi Thơ từ khi còn nhỏ cho đến khi ông từ giã cõi đời, không ai khác biết rõ Hoàng Thi Thơ hơn là Hoàng Thi Thao trên một số góc cạnh nào đó chưa được đề cập tới.

Nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày ông xa rời cuộc đời mà ông rất yêu mến với một tinh thần luôn luôn lạc quan cho đến những giây phút cuối cùng. Hy vọng những chi tiết trong bài viết gồm 2 phần này sẽ là những tài liệu quí cho những nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc…

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1929 tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hoàng Thi Thơ thuộc dòng họ Hoàng Hữu, một dòng họ khoa bảng lừng lẫy, đã được soạn giả Dã Lan Nguyễn Đức Dụ đề cập đến trong quyển Gia Phả do nhà xuất bản Văn Hóa tại Hà Nội xuất bản năm 1992 là “Họ Hoàng Hữu là một trong những họ tiếng tăm ở đất Quảng Trị, Trung Bộ. Từ đời thứ 13, con cháu nhà này bắt đầu đỗ đạt cao. Người khai khoa đầu tiên cho làng Bích Khê là Hoàng Hữu Xứng và Hoàng Hữu Bỉnh đều đậu cử nhân.

Riêng cụ Hoàng Hữu Bỉnh làm đến chức Lang Trung Bộ Công, chức Thái Thượng Tự Khanh dưới triều vua Đồng Khánh. Cụ Hoàng Hữu Bỉnh chính là thân phụ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và là ông nội của nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, theo lời anh kể: “Ông nội tôi có 24 người con. Tôi có tới 3 bà nội. Và 3 bà là chị em ruột. Còn những cái… lẻ tẻ tôi không biết. Nhưng đại khái 3 bà là chị em ruột nên rất thương nhau. Thật ra đó là sự cố ý bên phía bà nội tôi là không muốn cho ông nội tôi đi lấy phía ngoài. Như vậy chỉ có 1 dòng thôi, thành ra gần gũi nhau. Nhất là không muốn để lọt tài sản ra ngoài.

Vì vậy tất cả anh chị em đều gần gũi và gắn bó với nhau, không phân biệt là con của bà nào. Ai sinh trước được làm anh, làm chị. Thân phụ Hoàng Thi Thao là người con trai cả và là người con thứ 7 của bà vợ cả trong số 24 người con này. Trước ông là 6 người chị gái. Trong khi đó nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, con của bà vợ út, là người con thứ 22 của cụ Hoàng Hữu Bỉnh. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn một người em gái hiện sống ở Virginia và một người em trai năm nay đã 73 tuổi, sống ở Việt Nam.

Sự gần gũi giữa hai chú cháu Hoàng Thi Thơ và Hoàng Thi Thao bắt đầu từ năm 1952, sau khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rời vùng kháng chiến để về với gia đình Hoàng Thi Thao ở Huế.

Lý do chính yếu khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ về Huế là xin gia đình người anh một số tiền để trở lại vùng kháng chiến tức Liên Khu Tư ở Thanh Hóa để sau đó đưa người yêu ra Hà Nội với mục đích theo học Văn Khoa ở đây.

Nhưng khi trở về thì cả gia đình giữ ông lại và khuyên ông đừng nên trở ra Liên Khu Tư mặc dù ông rất nôn nóng muốn trở ra với người yêu. Nhưng cuối cùng ông xiêu lòng trước những lời khuyên nhủ của những người thân nên quyết định vào Sài Gòn để được an toàn. Trong khi người yêu của ông vẫn ở lại ngoài vùng kháng chiến. Và kể từ đó coi như hai ngươi chia tay nhau và không còn một sự liên hệ nào.

Được biết người yêu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong thời kỳ kháng chiến là một ca sĩ tên Trương Tân Nhân, cùng hoạt động với ông trong Đoàn Tuyên Truyền Kháng Chiến Trung Bộ. Sau khi Hoàng Thi Thơ trở về Huế, người yêu ông mới phát giác là đã mang thai. Hiện người con của hai người tên Lê Khánh Hoài đang hoạt động trong lãnh vực điện ảnh và kịch nghệ cùng một lúc là phóng viên tại Sài Gòn với nghệ danh là Châu La, năm nay cũng vào khoảng 55 tuổi.

Trên vai vế, Lê Khánh Hoài là em chú bác với Hoàng Thi Thao. Và trong một trường hợp có thể gọi là thần giao cách cảm, Hoàng Thi Thao đã gặp người em của mình lần đầu tiên trong một dịp rất hi hữu vào cuối năm 75 trong thời gian anh còn kẹt lại Sài Gòn: “…khi đó, tôi đi trên mộr cái cyclo còn anh ta đạp cái xe đạp đi bên cạnh. Không biết tại sao, tôi tự dưng buột miệng hỏi có phải là Hoài không? Và bất ngờ, anh ta cũng hỏi tôi phải anh Thao không? Thật là một trường hợp hi hữu, xẩy ra ngay trên giữa đường phố Sài Gòn. Thế là hai anh em chúng tôi ngừng xe ôm chầm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi. Sau đó, tôi góp lại được một số quần áo cũ của ông Thơ mang cho Hoài coi như một kỷ niệm ấm áp giữa bố con.

Thời gian này nhạc sĩ Hoàng Thi Thao cũng sống một cách rất chật vật bằng cách chơi vĩ cầm tại một số địa điểm ở Sài Gòn. Và sau lần gặp gỡ trên, hai anh em Hoàng Thi Thao va Lê Khánh Hoài trở nên rất gần gũi với nhau cho đến khi Hoàng Thi Thao vượt biên rời Việt Nam vào năm 1979 cùng với một số nghệ sĩ.

Gần đây nhất, Hoàng Thi Thao có dịp gặp lại nguời em của mình tức người con đầu tiên của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong một dịp về thăm quê hương. Về phần bà Trương Tân Nhân, năm nay cũng đã ngoài 70, hiện cư ngụ tại Sài Gòn. Sau khi mất liên lạc với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bà đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng nên đã có lần nhẩy xuống sông tự tử theo lời kể của Hoàng Thi Thao.

Nhưng bà Trương Tân Nhân được cứu sống và được một vị lãnh đạo cao cấp của Đoàn Văn Tuyên đề nghị kết hôn với một người được chỉ định mang họ Lê tức người bố trên giấy tờ của Lê Khánh Hoài.

Trở lại với chú cháu nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Hoàng Thi Thao sau khi họ vào đến Sài Gòn năm 1952. Được biết, cuộc sống của hai người trong thời gian đầu tiên rất là chật vật, thiếu thốn. Hai người chỉ biết trông cậy vào số tiền của thân phụ Hoàng Thi Thao từ Huế gửi vào hàng tháng.

Thoạt đầu hai chú cháu ở trọ tại căn nhà số 47 trên đường Catinat (tức đường Tự Do sau đó và là đường Đồng Khởi hiện nay) của một người quản gia cho một gia đình người Pháp. Lúc đó Hoàng Thi Thao lên 7 tuổi và bắt đầu theo học đàn violin, gần như do sự ép buộc của ông chú họ Hoàng rất mê vĩ cầm vì có quen biết với một tay đàn violon lừng danh vào thời đó là Tạ Bôn. Cho nên “ông ấy muốn ép tôi học nhạc khí này. Ông ấy tưởng tôi thông minh lắm, tưởng là tôi có khiếu về nhạc lắm nên nhất định ép học violon cho bằng đựợc.

Hoàng Thi Thao tâm sự thêm là tuy lúc nhỏ có được chút lanh lợi nhưng chưa chắc đã là có khiếu học nhạc. Nhất là anh không cảm thấy thú vị gì khi được đề nghị theo học vĩ cầm. Trái lại còn cảm thấy rất cực, rất mệt khi phải theo học món nhạc khí này. Và “thế nhưng rồi bị đòn, bị bắt buộc rồi cũng phải đàn thuộc thôi!

Tuy nhiên Hoàng Thi Thao cho biết sau đó anh trở nên một người rất đam mê âm nhạc, cũng như người chú và là bố nuôi của mình. Mặc dù trước đó không hề ưa thích môn vĩ cầm vì anh cho là ngoài khả năng của mình, nhất là từng được nghe nhiều cao thủ vĩ cầm trình tấu thì mình thấy không thể nào mình theo nổi. Lại còn cảm thấy nhục nhã nữa nên không thấy có hứng thú chút nào.

Hoàng Thi Thao còn cho biết nếu không phải theo học violon lúc đó, chắc chắn anh sẽ theo học piano hay guitar. Nhưng định mệnh đã an bài để Hoàng Thi Thao vài năm sau trở thành một “thần đồng vĩ cầm”. Và từ đó trở đi, anh là người luôn có mặt với cây vĩ cầm trong những đoàn văn nghệ do người chú nổi danh của anh làm trưởng đoàn để có dịp đi trình diễn khắp nơi. Đặc biệt anh trở thành một tên tuổi rất quen thuộc với khán giả trong tiết mục “Cò Tây, Cò Ta” với nhạc sĩ Lữ Liên. Anh sử dụng violon, trong khi nhạc sĩ Lữ Liên sử dụng đàn cò gây rất nhiều thú vị cho khán thính giả suốt hàng chục năm qua.

Sau hơn một năm ở trọ căn nhà trên đường Catinat, hai chú cháu lại tiếp tục cùng nhau ở trọ tại một số nơi khác… Do đó tình chú cháu càng này càng trở nên gần gũi hơn trong những hoàn cảnh thiếu thốn và nghèo túng như lời kể của nhạc sĩ Hoàng Thi Thao: “Thời đó, lúc nào cũng ăn rồi đi ở trọ thôi. Hai chú cháu chỉ có trần xì một cái ghế bố tại vì nghèo lắm. Ở trọ hết nhà này qua nhà khác. Sau đó thì đến đường Galíenie tức Trầh Hưng Đạo bây giờ. Ở dưới là hãng máy may Sinco. Rồi sau đó xuống Chợ Quán, đường Ký Con, rồi Trần Bình Trọng, rồi lên Tân Định, tức là đi khắp nơi. Nhà nào chứa chấp thì họ cho ở trọ, nếu không thì họ đuổi đi.

Thời kỳ ở trọ trên đường Ký Con vào năm 1953, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã cho ra đời một tác phẩm giá trị là “Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông”, rất nổi tiếng với những phần hướng dẫn về hoà âm, luật sáng tác…

Quyển sách dày 500 trang này xuất bản vào năm 1955 và sau đó được tái bản nhiều lần đã trở thành kim chỉ nam cho những người viết nhạc trẻ.

Đối với Hoàng Thi Thao, anh nhận thấy thời kỳ hai chú cháu đi ở trọ là thời kỳ anh ghi nhớ nhiều kỷ niệm nhất về ông chú rất khó tính với anh khi còn nhỏ: “Hồi xưa lúc tôi còn bé, ông ấy khó tính với tôi lắm. Sau này chắc ông ấy thấy khó khăn như vậy rất vô ích với lại có vẻ trật đường thành ra ông ấy trở nên dễ dãi. Tuy nhiên ông ấy cũng có những cái rất khó đối với cách đối xử. Ông ấy muốn là lúc nào người khác cũng phải long trọng với ông ấy chứ đừng giỡn mặt. Một thằng cháu là một đại gia rất khá giả, mà chỉ vì một chuyện không đáng gì ông ấy không nhìn mặt là không nhìn mặt.

Cũng vì vậy anh không sao quên được những trận đòn kinh hoàng mà ông chú Hoàng Thi Thơ đã dành cho anh. Tuy nhiên anh không lấy thế làm buồn giận vì biết người ông chú chỉ muốn anh nên người…

Hoàng Thi Thao cho biết ông chú Hoàng Thi Thơ của mình rất hiếu học nên có được một kiến thức khá về Pháp cũng như Anh văn. Ông đã bắt đầu đi dạy học ngay sau khi vào Sài Gòn một thời gian ngắn và làm nghề này liên tục cho đến năm 1965, song song với những hoạt động văn nghệ. Một chi tiết ít người biết, ông từng là người dạy kèm cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 1952 cùng với dược sĩ Cao Văn Nghi…

Lúc này gia đình Trịnh Công Sơn ngụ trên đường Đặng Trần Côn, và Hoàng Thi Thao thì theo học cùng trường Aurore, tức Rạng Đông với hai em trai của Trịnh Công Sơn là Hà và Tịnh.

Mặc dù không có liên hệ họ hàng, nhưng hai bên rất thân nhau, thể hiện qua cách xưng hô. Trịnh Công Sơn gọi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là cậu. Còn Hoàng Thi Thơ gọi thân mẫu Trịnh Công Sơn là chị.

Hoàng Thi Thao cho biết anh cũng không thể quên những buổi tối nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, trước khi lập gia đình vào năm 1957, chở anh trên chiếc xe Vespa cũ mèm đến những rạp chiếu bóng ở Sài Gòn và Chợ Lớn như Việt Long, Moderne, Thanh Bình, Cathay, v.v. để trình diễn vĩ cầm trong các chương trình phụ diễn tân nhạc vào thời đó.

Ngoài ra vào mỗi sáng Chúa Nhật, kể từ khoảng giữa thập niên 50, “thần đồng vĩ cầm Hoàng Thi Thao” cũng tham gia vào những tiết mục phụ diễn cho chương trình Tuyển Lựa Ca Sĩ do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức tại rạp Norodom, tức rạp Thống Nhất sau đó.

Cũng trong một cuộc tuyển lựa ca sĩ trong năm 1954, có một nữ thí sinh tên Thúy Nga, quê quán ở Sơn Tây, mới từ Bắc di cư vào Nam, đã lên sân khấu dự thi với nhạc phẩm Đường Lên Sơn Cước và tự đệm phong cầm một mình, không cần ban nhạc phụ hoạ. Hình ảnh người thiếu nữ sinh năm 1936 xinh xắn với mái tóc thề, lại có duyên và hát hay, đàn giỏi đã khiến con tim nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rung động mạnh.

Người nhạc sĩ có tâm hồn nhiều đam mê và tính tình bay bướm này không bỏ lỡ cơ hội để tìm cách làm quen. Trong khi đó Thúy Nga thoạt đầu chỉ coi ông như một người anh, và nhất là người thầy để có thể học hỏi thêm về âm nhạc. Nhưng rồi cuối cùng cũng đã xiêu lòng trước những tình cảm Hoàng Thi Thơ dành cho mình để nhận lời cầu hôn của ông.

Tiệc thành hôn của cặp nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ và Thúy Nga đã diễn ra tại nhà hàng Văn Cảnh vào ngày 10 tháng 10 năm 1957. Con trai đầu lòng của họ mở mắt chào đời vào năm sau tên Hoàng Thi Thi, hiện là một tay keyboard cừ khôi tại hải ngoại. Người con trai thứ hai của hai người ra đời sau đó là Hoàng Thi Thương, nhưng không may bị mất sớm. Người con thứ ba là con gái duy nhất tên Hoàng Mỵ Thi Thoa. Hai người sau là Hoàng Thi Thư và Hoàng Thi Thanh.

Được hỏi về cuộc sống gia đình của ông chú nghệ sĩ của mình, Hoàng Thi Thao đưa ra nhận xét là hai người có một cuộc sống rất hạnh phúc. Nhất là “khó có ai chiều chồng như bà Thúy Nga. Biết chồng như vậy cho nên chiều ghê lắm! Rất là quý! Lại còn nhịn nhục ghê lắm. Biết ông Thơ có cái tánh nghệ sĩ, cho nên bà Thúy Nga, cũng là ca sĩ, cho nên hiể u và thông cảm được.

Riêng về cá nhân nhạc sĩ Hoàng thi Thơ, Hoàng Thi Thao đưa ra nhận xét ngắn gọn về ông chú của mình là một người có tính bay bướm kinh hoàng!. Anh từng chứng kiến nhiều trận ghen tuông giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên một phần do tính của bà Thúy Nga rất hiền và một phần vì con cái nên kết cuộc mọi việc cũng được giải quyết êm xuôi.

Sau khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lập gia đình, Hoàng Thi Thao vẫn ở chung với gia đình ông chú. Nhưng đến năm 1962 thì gia đình Hoàng Thi Thao gọi anh về lại Huế sống với gia đình vì sợ anh sa chân vào con đường ăn chơi của Sài Gòn khi anh mới được 16, 17 tuổi, như anh kể: Lúc đó Thao bắt đầu mê vũ nữ rồi. Là cũng tại bạn của Kỳ là Tùng giang dẫn Thao vô Melodie nhảy đầm. Lúc đó Thao nhỏ nhỏ, tròn tròn, trắng trắng nên mấy cô vũ nữ thích lắm. Đã đi nhẩy đm thì lại dính dáng đến vũ nữ. Cho nên gia đình biết chuyện đó mới hết hồn, sợ quá nên mới xách cổ về. Được coi như là từ Sài Gòn ra Huế du học!”.

Nhưng đến năm 65, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lại xin phép gia đình Hoàng Thi Thao để anh trở vào sống ở Sài Gòn vì ông cần người thân tín giao phó cho những công việc quan trọng. Và từ đó anh lại luôn có mặt bên cạnh người chú mà anh rất kính trọng và quý mến.

Sau khi lập gia đình, Hoàng Thi Thơ bước vào một thời kỳ hoạt động rất mạnh và hăng hái. Nhất là trong lãnh vực sáng tác với nhiều nhạc phẩm được gửi đến người nghe, đặc biệt qua giọng ca của Thúy Nga và cặp Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết. Sau đó những sáng tác của ông còn được phổ biến mạnh mẽ bằng tiếng hát của Duy Khánh, Thùy Hương, Tuyết Mai, v.v.

Như ai cũng biết, Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ sáng tác rất đa dạng, nổi bật nhất là thể loại nhạc Quê Hương, những thiên trường ca và những nhạc cảnh. Sự thành công như vậy theo người cháu và cũng là nghĩa tử của ông là Hoàng thi Thao đã đến từ sự siêng năng, chăm chỉ và lòng đam mê nghệ thuật vô bờ bến. Những năm tháng dài sống bên cạnh người chú tài hoa đủ để xác nhận cho sự đánh giá của Hoàng Thi Thao.

Và ngoài việc sáng tác, nhạc sĩ Hoàng thi Thơ rất giỏi trong việc tổ chức cũng như dàn dựng sân khấu. Còn Hoàng Thi Thao rất tích cực trong vai trò một cộng tác viên đắc lực, vì Lúc đó không có ai, nên tôi là một thằng đệ tử, một tên tiểu đồng để ông ấy sai vặt hoặc là đứng trong hậu trường kêu gọi, nhắc nhở tiết mục trình diễn cho các ca nhạc sĩ. Hoặc đi mời các nghệ sĩ đến trình diễn hay tập dựơt. Tóm lại, ông ấy bảo gì thì làm cái đó!.

Tuy mang bản chất của một nghệ sĩ thuần túy, nhưng Hoàng Thi Thơ rất khó khăn trong công việc, ngay cả với Hoàng Thi Thao lúc còn nhỏ. Vì nếu “lôi thôi là ăn bạt tai. Làm gì thì phải làm răm rắp. Quá khó khăn !Ông ấy nh tôi te tua hết!”. Nhờ vậy sau này Thao trở thành một người rất được ông tin cậy để giao phó cho nhiều công việc của một người quản lý, nhất là đối với những chương trình đại nhạc hội do ông thực hiện từ cuối thập niên 50 tại những rạp như Thống Nhất, Thái Bình, v.v. ở Sài Gòn cũng như tại các thành phố lớn như Nha Trang, Cần Thơ, Huế, v.v.

Đến khi Đoàn Văn Nghệ Việt Nam được thành lập vào đầu năm 1960, Hoàng Thi Thao vẫn theo sát ông chú của mình, vừa để trình diễn vĩ cầm, vừa để làm phụ tá cho ông mà đối với Hoàng Thi Thao là “làm mọi chuyện. Vừa thư ký, vừa tà lọoc, vừa người để sai vặt, vừa nhân viên, vừa nhạc sĩ, vừa đủ mọi thứ!.

Chuyến lưu diễn đầu tiên của đoàn văn nghệ Việt Nam với Hoàng Thi Thơ là trưởng đoàn và Lê Thương là phó đoàn đã diễn ra ở Nhật, Đài Loan và Hồng Kông vào năm 1960 với một thành phần nghệ sĩ lên đến cả trăm người thuộc đủ mọi bộ môn như ca, vũ, nhạc, kịch với sự chú trọng đặc biệt vào những tiết mục vũ và hợp xướng.

Những chuyến đi sau đó của đoàn Văn Nghệ Việt Nam đã được diễn ra tại Singapore, Mã Lai, Thái Lan và nhiều quốc gia khác. Hoạt động của đoàn văn nghệ này đã phải chấm dứt vào cuối năm 1963, sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 đưa đến cái chết của hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm và việc lên nắm chính quyền của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.

Sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 63, có thời gian nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng truy tố về tội chuyển tiền ra ngoại quốc cho tổng thống Ngô Đình Diệm và ông bà Ngô Đình Nhu qua những chuyến lưu diễn của Đoàn Văn Nghệ Việt Nam. Ông phải vào tù Chí Hoà hơn một năm.

Nguyên nhân là Tổng Nha Ngân Khố tìm ra được những giấy tờ, theo đó ông Diệm và ông Nhu đã cấp phép cho Hoàng Thi Thơ đổi tiền Việt ra Mỹ Kim để dùng vào việc chi tiêu cho đoàn văn nghệ. Sự thật chỉ có vậy, sau đó xét thấy vô tội nên ông được trả tự do. Sau khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ra tù vào năm 65, hai chú cháu và một số nhạc sĩ khác kết hợp thành một ban nhạc đi làm cho một vũ trường do gia đình khai thác tên Bồng Lai ở tận Qui Nhơn.

Đến cuối năm 1965, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lại được chính phủ mời làm trưởng đoàn để hướng dẫn một đoàn văn nghệ đi trình diễn tại nhiều quốc gia ở Âu Châu. Và sau đó đoàn này đã sang tận Trung Phi trình diễn nhân dịp đăng quang của hoàng đế Bokassa.

Vào khoảng những năm 67, 68, sau khi vũ trường Maxim’s được bán cho giám đốc công ty kem đánh răng Hynos là Huỳnh Đạo Nghĩa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được giao cho nhiệm vụ đảm trách vấn đề nghệ thuật sân khấu trong khi địa điểm này được tổ chức theo lối các nhà hàng ca vũ nhạc nổi tiếng ở Paris như Moulin Rouge hoặc Lido.

Dưới tài tổ chức và khả năng nghệ thuật của Hoàng Thi Thơ, đoàn văn nghệ Maxim’s đã trở thành một nơi qui tụ rất nhiều nhân tài thuộc nhiều bộ môn nghệ thuật, nhất là vũ và nhạc kịch. Chính nhờ sân khấu Maxim’s mà Hoàng Thi Thơ đã có dịp phát triển rất mạnh tài năng của ông, đặc biệt qua những nhạc kịch rất giá trị đã đưa tên tuổi ông lên cao như Từ Thức Lạc Lối Bích Đào, Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện, Cô Gái Điên, Ả Đào Say, v.v. là những tiết mục chính trong chương trình của Maxim’s, được thay đổi mỗi 4 hoặc 6 tháng.

Theo một giao kèo ký kết với chính phủ Nhật một năm trước, đoàn văn nghệ Maxim’s với thành phần nghệ sĩ trên 20 đã người lên đường sang quốc gia này trình diễn vào ngày 10 tháng 3 năm 75 trong khi tình hình chiến sự đang đến hồi căng thẳng nhất. Hoàng Thi Thao ở trong số những người đưa tiễn phái đoàn ra phi trường Tân Sơn Nhất mà không ai ngờ đó là lần xa rời quê hương của những nghệ sĩ trong đoàn.

Về phần Hoàng Thi Thao, anh ở lại Việt Nam đến năm 79 để sau đó vượt biên. Sau khi tới Mỹ, anh lại cùng với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sát cánh trong việc tổ chức các đại nhạc hội tại nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như trong việc thu băng hay video, v.v. Và cũng từ đó Hoàng Thi Thao luôn dính sát với cây vĩ cầm thân yêu của mình trong các buổi trình diễn, khởi đầu với những đêm hợp cùng Trung Nghĩa và cậu em Hoàng Thi Thi cộng tác với các vũ trường ở miền nam California. Ngoài ra công việc chính của anh là cộng tác với một văn phòng luật sư ở Orange County từ năm 1982 cho đến nay.

Sáu năm đã qua đi từ khi ông chú thân yêu của mình vĩnh viễn ra đi, nhưng Hoàng Thi Thao vẫn nhớ rõ mồn một những thói quen đặc biệt của ông. Chẳng hạn như về mặt trang phục, dưới mắt anh, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một người rất thích chưng diện, nhiều khi hơi quá có những lúc không cần diện thì ông ấy cũng diện… Bước ra ngoài đường là phải diện như vậy.

Ông lại còn rất khó tính về ăn uống. Có nghĩa là ăn món gì phải ra món đó. Đặc biệt ông rất thích ăn những món ăn đặc thù của quê hương trong khi quan niệm của ông, ăn uống là một nghệ thuật. Cũng nhờ vậy, ông là một người nấu ăn rất ngon. Đặc biệt là món bún bò Huế.

Tuy là một nghệ sĩ nhưng Hoàng Thi Thơ không bao giờ đụng tới một giọt rượu hay một điếu thuốc lá. Ông chỉ có chút đam mê cờ bạc, như thích đánh cá ngựa chẳng hạn. Những điểm nổi bật nhất nơi ông có thể nói là một con người hào hoa, đa tình và bay bướm.

Theo Hoàng Thi Thao, chú anh không biết mình bị bệnh tim cho đến khi bị nhồi máu cơ tim hai lần. Sau lần thứ hai, ông được đưa vào bệnh viện chữa trị. Tại đây cho biết tim ông đã bị tổn thương nặng với một vết thâm rất lớn. Do đó rất yếu nên không bơm được nước từ trong phổi ra. Tình trạng này khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ luôn bị sặc nước nên phải ngủ ngồi suốt mấy năm trời. Từ đó ông ra vào bệnh viện nhiều lần trước khi vĩnh viễn ra đi một cách thanh thản vào ngày 23 tháng 9 năm 2001.

Đêm hôm trước ông còn nói chuyện rất vui vẻ với vợ cùng các con từ các nơi về thăm ông. Ông cho bà Thúy Nga biết là thèm ăn cơm với cá kho, với món này, món nọ. Sáng sớm hôm sau, vợ ông chuẩn bị đi chợ để làm theo ý ông. Trước khi đi, bà còn vào thăm ông. Nhưng gõ cửa thì không thấy trả lời. Đến khi đẩy cửa vào thì biết ông đã êm ái từ giã cõi đời.

Hoàng Thi Thao cho biết nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có để lại một vài điều trăng trối mà anh đã có dịp đọc được. Trong đó có ghi lại một trong những ước muốn của ông là những nhạc kịch và nhạc cảnh lớn của ông sẽ có dịp được thực hiện tại Việt Nam. Vì ở hải ngoại việc thực hiện rất khó khăn, nhất là về vấn đề nhân lực và phương tiện.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã về thăm quê hương tất cả hai lần kể từ năm 1993. Ông có gặp lại người con của ông với bà Trương Tân Nhân là Lê Khánh Hoài. Nhưng giữa hai cha con đã xẩy ra nhiều bất đồng ý kiến nên sau đó hai bố con không có được tình trạng gần gũi.

Theo nhận xét của Hoàng Thi Thao thì người con cả của ông đã có những đòi hỏi anh cho là quá đáng. Chẳng hạn như muốn bố mình xé bỏ passport để ở lại luôn Việt Nam. Đề nghị này đã khiến nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rất khó xử. Nhưng cuối cùng ông đã quay trở lại Hoa Kỳ.

Đúng như nguyện vọng của ông, thi hài nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã được an táng tại Vườn Vĩnh Cửu trong khuôn viên nghĩa trang Peek Family ở Orange County. Nghĩa trang này nằm quay mặt ra đường Bolsa, vùng Little Saigon là nơi tập trung đông đảo người Việt Nam tỵ nạn, đại diện cho những người đồng hương và là những khán thính giả thân thiết với dòng nhạc Hoàng Thi Thơ ở khắp bốn phương trời.

Sáu năm đã qua đi, nhưng những người yêu mến dòng nhạc của ông vẫn thấy hình ảnh người nhạc sĩ đa tài này hiện diện trong những sáng tác đã trở thành bất tử của ông…

(TVTS 1123 & 1124)

*Bài viết được đề ngày 27-10-2008 (TV&BH).