Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Cuốn tiểu thuyết gây đau

(Đọc tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập)
Văn Giá

Trong hình ảnh có thể có: văn bản
1. Trong quá trình đọc tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi”, tôi liên tưởng đến hai tác phẩm trước đó của nhà văn Nguyễn Quang Lập: tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” (1989) và “Ký ức vụn” (2009), chứ lại không liên tưởng nhiều đến những tác phẩm khác, kể cả tiểu thuyết “Tình cát” gần đây (mặc dù, xét về thao tác nghiên cứu, dứt khoát phải để ý và tìm ra mối liên hệ chiều sâu nào đấy giữa tất cả các sáng tạo của mỗi nhà văn).


Thì ra, có hai điểm trội nhất đã có từ hai tác phẩm kể trên, lần này được tác giả dụng công một cách tập trung, nhất quán, sắc nét, toàn diện ở tác phẩm:
i,Chất giễu nhại mạnh mẽ, sung mãn, tưng bừng; và ii, lối viết trực ngôn, trực diện (về thực tại), chống lại lối văn kiểu cách, vu vơ, giả tạo, cái mà chính tác giả gọi là “khẩu văn” trong “Ký ức vụn”.
Ai đã từng đọc tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Quang Lập chắc hẳn còn nhớ một giọng kể mang tính trào tiếu, có phần giễu nhại về các nhân vật cùng với những tín điều giáo huấn khô cứng, giả tạo như một căn bệnh kéo dài từ thời chiến sang thời bình.
Lần này, chọn tinh thần giễu nhại làm chủ đạo, được dụng công với mức độ dày đặc, có thể nói, tiểu thuyết là một giễu nhại toàn tập. Nó chính là giọng chủ của một bản nhạc nhiều bè. Ở nhiều trường đoạn, các bài hát vang lên trong không gian công cộng, trong vui đùa của trẻ con, trong các đám cổ động, mít tinh, kể cả trong những khi các nhân vật làm tình (1). Các bài hát tuyên truyền đầy tính bạo lực của một thời, nay được phục hiện trong tính thần giễu nhại không thương tiếc. Ngòi bút tiểu thuyết đã giải thiêng văn nghệ tuyên truyền, một thứ văn nghệ thực dụng, dung tục và chất chứa bạo lực.
Về điểm thứ hai, Nguyễn Quang Lập đã sử dụng lối viết “khẩu văn” một cách đắc địa. Trên nền tư duy tiểu thuyết, nhất quán trong một ý đồ xuyên suốt chỉ đạo, nhà văn chia ra làm 25 trường đoạn, mỗi trường đoạn đảm đương một “chuyện”. Cái giọng khẩu văn đã được đặt vào miệng của “tôi”, nhân vật chính, một hài nhi từ khi chuẩn bị chào đời cho tới lúc 4 tuổi. Nhân vật tôi kể chuyện về mình, kể chuyện về các nhân vật khác, đôi khi trao quyền cho một người kể chuyện giấu mặt kể về các nhân vật khác, rồi sau đó lấy lại quyền kể chuyện cho mình theo cách đắp đổi linh hoạt. Cứ thế, nhân vật người kể chuyện này được xây dựng như một hiện thân của tự do, tự do trong cất tiếng, trong điều hành, sắp đặt và kết nối truyện. Cho nên, “tôi” tha hồ được quyền xác nhận, hoài nghi, biểu tỏ muôn ngàn tâm trạng, kể cả phán quyết, kết án. Chọn vị trí là một đứa trẻ vừa ngây thơ, vừa hiền minh, với điểm nhìn từ người trong cuộc, người tham dự để kể chuyện là cách lựa chọn tài ba của nhà tiểu thuyết.
Một cái nhìn giễu nhại nhất quán, mãnh liệt, hiệp sức với một lối văn tự nhiên, suồng sã hết mức, cuộc sống với tầng tầng cảnh ngộ, cung bậc hiển hiện, hàm chứa nhiều năng lượng chở nghĩa, phát nghĩa.
2. Tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” không nhằm hướng tới sự phê phán, tố cáo, mặc dù không phải không có ít nhiều. Xét trên mục đích phê phán thực tại, thì tiểu thuyết này không hơn, thậm chí thua “Những mảnh đời đen trắng” và “Tình cát” (2017). Tiểu thuyết này mang một tham vọng khác: Cắt nghĩa tình trạng phi nhân tính của xã hội hiện đại.
Khủng khiếp. Một thực tại mà bọn cầm quyền luôn hiện lên như những bóng ma quyền lực lúc trắng trợn, khi giấu mặt tác oai tác quái xứ sở này. Một thực tại mà giữa lý thuyết xã hội và thực hành xã hội hầu như trái ngược. Một thực tại mà đám đông trở thành một bầy đàn mù lòa lý tính, bị dẫn dắt, hung hãn và bạo lực. Một thực tại mà cái ác và kẻ thủ ác luôn được nhân danh những điều cao quý… Nhà tiểu thuyết đã phơi bày tình trạng rỗng nghĩa của các giáo điều, các khái niệm, các kiểu diễn ngôn hợp thời, quen mồm và giả trá. Lớp ngôn từ chính trị đầy rẫy trong tác phẩm bị đẩy vào những tình huống lố bịch, nực cười, bị đem ra giễu cợt, hạ bệ. Lòng trung thực, tình bạn, tình yêu, sự tử tế rất ít gặp, nếu có, luôn cô độc và bị trấn áp. Chỉ còn cái ác nhân danh những tín điều đẹp đẽ hoành hành. Trong đời sống, cần phân biệt ba khái niệm: Cái thật, Cái giả, và Cái ngụy. Cái giả, giả trá/dối thực ra không đáng sợ lắm, bởi vì rất dễ lộ diện, dễ nhận ra. Nhưng cái ngụy thật mới đáng sợ, rất khó nhận, dễ nhầm lẫn, bởi nó luôn nhân danh những điều cao quý.
Tại sao nhân tính con người lại bị bào mòn, bị hủy hoại, bị đàn áp để trở nên hoang vắng như vậy? Tại sao con người lại đổ đốn đến vậy, với nhiều mức độ, không trừ một ai? Những sai lầm lịch sử mang kích cỡ thể chế là nguyên nhân đích đáng nhất, khốc liệt nhất để làm nên một công cuộc tàn hủy nhân tính con người đồng loạt, lâu dài, trên một phổ rộng. Đây có thể là một nỗi đau sau cùng và bi thương nhất mà những cơn điên lịch sử để lại.
Tiểu thuyết “Kiến, chuột và ruồi” nhức nhối nỗi đau về tình trạng nhân tính con người bị hủy hoại thậm tệ và không lối thoát.
3. Trong tiểu thuyết, có một tình tiết mang tính bi thảm: Khi nhân vật “Ba tôi” bị “Đội trưởng” bắt nhốt vào “xà lim cải cách”, trong bóng tối hoàn toàn, trên nền xi măng lạnh, ông lần tay theo đường rãnh kiến bò, đột nhiên nhận ra dòng chữ “Tôi bị oan” ai đó đã rạch sẵn; và khi có ánh sáng, ông nhìn thấy rất nhiều dòng chữ như vậy được viết trên tường của 26 người trước đó đã bị quy tội, bị nhốt tại đây và đã bị xử bắn. Chi tiết dòng chữ được nhận ra trong bóng tối ấy quả thực là một chi tiết gây đau, có tính biểu tượng, gợi nghĩa, có khả năng giáng mạnh vào tâm lý người đọc. Kết quả của một cuộc cách mạng long trời lở đất là như vậy đấy… Trong tiểu thuyết này có không ít những chi tiết/tình tiết gây đau đớn như vậy.
Cũng có vô số những chi tiết/tình tiết mang tinh thần giễu nhại, thậm chí gây cười, tràn lan tác phẩm. Về cuối tác phẩm, tác giả hé lộ một chuyện động trời: nhân vật Đội trưởng đã đi “nối chim” thành công ở nước “Đại Ca” và đã trở về làm Thủ trưởng, thay thế cho nhân vật “Thủ trưởng” đã bị con vợ mật diệt, và “con cu thiên tài tiếp tục thiên tài” như trước. Chi tiết này có khả năng gây sát thương những thói quen thích kết thúc ngọt ngào, có hậu của tâm lý bạn đọc kiểu truyền thống. Nhưng xét về công năng nghệ thuật, nó có ý nghĩa biểu tượng: thì ra Cái Ác vẫn tái sinh, vẫn sinh sôi, bất diệt; khi mà một nền tảng thiết chế xã hội như đang vận hành còn dai dẳng, thì Cái Ác vẫn cứ sinh nở, lộng hành, thách thức tất cả. Nhà tiểu thuyết đã rất dụng công ở chi tiết này. Nhờ nó, tác phẩm gợi lên những vỉa nghĩa đầy trọng lượng.
Cùng lúc, những yếu tốt bi thảm và những yếu tố giễu nhại công hưởng, mang đến những cái cười đau đớn, chua chát, lắm khi tuyệt vọng.
Mỗi một nhân vật được nhà văn dụng công miêu tả với những đường nét dứt khoát, thô nhám, chân thực; xóa bỏ những kiểu cách, diệu vợi, hoặc xen độn không cần thiết. Từng nhân vật hiện lên vừa có đời sống, gương mặt của chính nó, vừa tham dự theo đủ mọi cách vào đời sống. Đây là xã hội của những bộ mặt người, sống chết người, nhân tính người, với những không gian nhà chuồng bò, nhà giam, chái bếp, sân kho, đình làng bị đánh tráo chức năng, biến thành không gian của sự hủy diệt nhân tính. Do tính hướng đích triệt để như vậy, không gian tồn tại cho các nhân vật ở đây chỉ còn là một quái trạng xã hội ngạt thở, thiếu dưỡng khí và dưỡng chất; vì thế, tác phẩm không thể có chỗ cho thiên nhiên có mặt.
Một xã hội đông đặc thế giới của loài kiến, chuột và ruồi, mỗi loài tham dự vào đời sống của các cá thể và cộng đồng theo những cách rất khác nhau, đầy tính ẩn dụ, đa nghĩa, sinh nghĩa, khả thể. Trong thế giới côn trùng và loài vật mà nhà văn tạo dựng ở tiểu thuyết này, chỉ có con chó tên Lu (của nhân vật bác Đông trai) là có một phần đời quan hệ tường minh với con người. Tuy nhiên, ở phần kết truyện, con Lu lại được tái sinh và rời bỏ, biến mất như một ẩn dụ: phải chăng đến cả con chó cũng thất vọng về giống người?
Tôi không đoan quyết được điều gì chắc chắn ngoài việc cho rằng nhà văn đã làm công việc của một người “thám hiểm cuộc sống” (chữ của Milan Kundera) để cố công cắt nghĩa tại sao trong cơn chấn động lịch sử ấy nhân tính con người lại bị hủy hoại tàn bạo đến vậy, và hệ lụy của nó còn kéo dài cho đến tận hôm nay, lâu hơn nữa.
“Kiến, chuột và ruồi”(2) là một tiểu thuyết lôi cuốn người đọc, giữ chân người đọc từ đầu đến cuối, đánh vào não trạng người đọc, gây đau đớn và ám ảnh. Đã lâu rồi văn học Việt Nam mới có một tiểu thuyết tầm cỡ đến vậy .
Can đảm và Tài năng, đó là Nguyễn Quang Lập.
Hà Nội, ngày 29/5/2019
VG
_________________
(1) Riêng về việc sử dụng các bài hát như là yếu tố kích hoạt trong những cuộc làm tình của nhân vật khiến người đọc liên tưởng đến cách làm của nhà văn Diêm Liên Khoa trong “Kiên ngạnh như thủy” (Bản dịch tiếng Việt của Minh Thương, 2014)
(2) Tôi chỉ tiếc tiểu thuyết này không in và phát hành ở Việt Nam mà lại phải lưu trú ở tận bên Mỹ. Một nền xuất bản đầy rào cản và định kiến như hiện nay thì làm sao đủ kích cỡ để dung chứa nổi cuốn tiểu thuyết này được!