Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

Max Weber Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh

Phạm Nguyên Trường

Vài dòng tiểu sử

Tư tưởng gia người Đức, Max Weber, có vai trò nổi bật trong quá trình phát triển môn xã hội học hồi cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Image result for Max Weber

Max Weber (1864-1920)

Max Weber sinh ngày 21 tháng 4 năm 1864 trong một gia đình quan chức cao cấp của hệ thống chính quyền nước Đức thời bấy giờ, một địa vị có thể giúp người ta hưởng thụ mọi thú vui ở trên đời. Nhưng, ngược lại, mẹ ông là một người phụ nữ tuân thủ những quy tắc của một đời sống khổ hạnh khắt khe, suốt ngày chìm đắm trong những giáo điều tôn giáo của Calvin, luôn luôn lo lắng về khả năng được Chúa chọn và cứu rỗi linh hồn sau khi chết. Những khác biệt sâu sắc giữa cha và mẹ thường xuyên làm cho gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng, đồng thời có tác động đáng kể đến thế giới quan, cách sống, tính chất công việc của Weber, trong đó có sự kết hợp khá kì quặc giữa mối quan tâm tới bộ máy quan liêu và đời sống khổ hạnh của tôn giáo.

Max Weber được đào tạo tại những trường đại học tốt nhất nước Đức và cuối cùng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật học. Weber từng tham gia quân đội, ban đầu là lính nghĩa vụ, sau đó trở thành sĩ quan trong quân đội của đế chế Đức. Nhưng những mối quan tâm về kinh tế học, lịch sử và xã hội học đã đã đưa ông ra khỏi con đường hoạn lộ. Weber quyết định sống theo lối khổ hạnh, tương tự như mẹ mình, mặc dù ông không phải là người theo đạo và dành trọn đời mình cho khoa học. Weber dạy xã hội học ở Đức và Mỹ, ông từng tham gia một số đại hội quốc tế về khoa học xã hội, là Tổng biên tập tạp chí Văn khố Khoa học Xã hội và Phúc lợi Xã hội (Archives for Social Science and Social Welfare). Năm 1910, ông thành lập Hiệp hội Xã hội học Đức (Deutsche Gesellschaft für Soziologie). Ông kết hợp các hoạt động giảng dạy và hoạt động chính trị – thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong Thế chiến I, là chuyên viên của phái đoàn Đức ở Hội nghị Versailles và tham gia soạn thảo bản Hiến pháp Weimar. Tuy nhiên, chính trị không phải là mục đích tự thân, mà là kiến thức thực tế. Quan trọng nhất đối với ông là kiến thức về đời sống của con người.

Image result for Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh, Domino Books

Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh, Domino Books

Các tác phẩm chính của Weber: Nền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Kinh tế và xã hội, Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh, Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh, và nhiều tác phẩm khác.

Max Weber từ trần ngày 14 tháng 6 năm 1920.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh, Domino Books

Chính trị Nghề nghiệp và sứ mệnh

Trong những năm cuối thập kỉ đầu tiên của thế kỷ XX, Max Weber, một nhà xã hội học và học giả được mọi người kính trọng, đã được Đại học Munich mời nói chuyện hai lần. Bài đầu tiên là Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 11 năm 1917) và sau đó là Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh (tháng 1 năm 1919). Trước sự kiện là nước Đức vừa bị đại bại trong Thế chiến I và đang có những rắc rối về chính trị trong giai đoạn thành lập nước Cộng hòa Weimar, nhiều người, trong đó có Weber như ông thừa nhận trong phần mở đầu bài nói, là ông “sẽ trình bày quan điểm của mình về những vấn đề thời sự hiện nay”. Nhiều người kỳ vọng như thế vì lúc đó Max Weber đang là học giả được kính trọng nhất ở Đức. Nhưng Weber đã nói tới những câu hỏi triết học rộng lớn hơn: Chính trị là gì và đặc điểm chung của những người coi chính trị là nghề nghiệp và sứ mệnh.

Chính trị và quyền lực

Weber nhấn mạnh chính trị có nghĩa là “lãnh đạo hoặc gây ảnh hưởng lên phương thức lãnh đạo nhà nước”. Định nghĩa rộng như thế lại đưa ông đến một câu hỏi trung tâm khác: Nhà nước là gì? Weber định nghĩa nhà nước là “cộng đồng người khẳng định (một cách thành công) độc quyền sử dụng bạo lực thể chất một cách hợp pháp trong một khu vực lãnh thổ nhất định”.

Như vậy, có thể định nghĩa chính trị “đấu tranh để chia sẻ quyền lực hoặc để gây ảnh hưởng lên quá trình phân bố quyền lực giữa các nước hoặc giữa các nhóm người trong một nước”. Do đó, “người làm chính trị tìm cách giành quyền lực để làm phương tiện nhằm phục vụ các mục đích khác, có thể là mục đích lý tưởng hay ích kỷ, hoặc giành “quyền lực chỉ vì quyền lực”. Weber sau đó chuyển sang những hình thức hợp pháp hóa quyền lực. Theo Weber, có ba cách hợp pháp hóa quyền lực. Một nhà lãnh đạo có thể hợp pháp quyền lực của mình nhờ truyền thống, ân sủng, hay luật pháp. Theo Weber, nhà lãnh đạo được hợp pháp hóa nhờ khả năng lôi cuốn quần chúng là hình mẫu của một người coi chính trị là nghề nghiệp và sứ mệnh, vì “đây là nguồn gốc của tư tưởng về thiên chức, theo nghĩa cao cả nhất của từ này”.

Vấn đề tập trung quyền lực trong nhà nước hiện đại

Một chủ đề nữa được Weber xem xét là quá trình chuyển hóa xã hội từ hệ thống, trong đó các nhân viên quản lí “sở hữu các phương tiện hành chính” thành xã hội mà người quản lí bị “tách” ra khỏi những phương tiện quản lí hành chính. Các phương tiện của chính phủ tập trung trong tay một người hoặc một cơ quan. Weber lấy ví dụ, hệ thống chư hầu với thái lấp kiểu cũ và nhà nước quan liêu hiện đại, trong đó những người quản lí nằm dưới quyền nhà lãnh đạo bị tách ra khỏi phương tiện quản lí (không sở hữu phương tiện quản lí). Cùng với quá trình chuyển sang chính phủ tập quyền hơn, người đứng đầu hệ thống ban hành nhiều quyết định hơn, còn hầu hết các những người quản lí cấp thấp chỉ thực hiện các quyết định đã được ban hành, vì họ không có sở hữu. Sau đó, Weber đưa ra những ví dụ: Cách thức hoạt động của những xã hội khác nhau, mà cụ thể là Anh, Mỹ và Đức.

Đặc điểm của chính trị gia

Chủ đề cuối cùng là đạo đức mà chính trị gia, đặc biệt là người lãnh đạo, phải có để có thể cai trị hiệu quả. Ba phẩm chất mà chính trị gia phải có là “Đam mê, ý thức trách nhiệm và ý thức về khoảng cách”. Weber giải thích đam mê là “lòng hăng say, tận tình với sự nghiệp”. Nhưng ông cũng nói rõ rằng chỉ có đam mê thôi thì chưa đủ. Để trở thành chính trị gia, người ta cần có ý thức về trách nhiệm thì mới trở thành lực lượng hướng dẫn hành động; chính trị gia phải có ý thức trách nhiệm về việc thực hiện những mục tiêu mà họ đam mê. Tuy nhiên, đặc điểm quan trọng nhất là ý thức về khoảng cách kết hợp với đam mê. Ý thức về khoảng cách là “Bình tĩnh và định tâm trước tác động của ngoại cảnh, nói cách khác, giữ được khoảng cách với con người và sự kiện”.

Nói cách khác, chính trị gia cần giữ khoảng cách với dân chúng và bộ máy của mình. Chính trị gia không thể vì quá đam mê trước mục tiêu mà đánh mất ý thức về phạm vi công việc hay những vấn đề thực sự quan trọng. Weber nói rằng phải cân bằng giữa đam mê và khoảng cách. Không có đam mê, chính trị chỉ đơn thuần là “trò chơi trí tuệ phù phiếm”, nhưng, không giữ được khoảng cách, chính trị gia sẽ “bất lực về chính trị”. Một đặc điểm khác mà chính trị gia phải có liên quan đến hai khái niệm khác nhau về đạo đức: đạo đức của đức tin và đạo của trách nhiệm. Đạo đức của đức tin đánh gía theo ý định và hành động thiện hay ác, mà không cần biết tới hậu quả. Đạo đức của trách nhiệm quan tâm tới hậu quả của bất kỳ hành động nào. Đối với Weber, lý tưởng là cân bằng được giữa hai quan điểm này.

Nghề nghiệp và sứ mệnh trong thời hiện đại

Một tư tưởng quan trọng nữa trong Chính trị – Nghề nghiệp và sứ mệnh (và cả trong Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh) là tư tưởng về sứ mệnh, về ơn phước. Weber sử dụng từ “beruf” trong tiếng Đức, thường được dịch là “nghề nghiệp và sứ mệnh”. Hiện nay người ta cũng thường nhắc tới Weber vì quan điểm này của ông. Chúng ta đang sống trong giai đoạn khi mà dân chúng thờ ơ với chính trị và vỡ mộng trước các chính sách; khi người dân trên toàn thế giới đang tỏ ra thất vọng trước các ban lãnh đạo và nạn tham nhũng. Chính bối cảnh hiện nay đã giúp cho tư tưởng của Max Weber tiếp tục có giá trị đối với toàn thế giới. Coi công việc (chính trị, khoa học hay bất cứ công việc gì khác) không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh, một ơn phước chính là sống cuộc đời có ý nghĩa trong giai đoạn khi mà nhiều lý tưởng xã hội đã và đang sụp đổ, mất phương hướng về văn hóa và tuyệt vọng hiện nay. Chính trị – nghề nghiệp và sứ mệnh, cùng với Khoa học – Nghề nghiệp và sứ mệnh là những ví dụ điển hình về biện pháp giải quyết những vấn đề của đời sống hiện đại thông qua khái niệm sứ mệnh và ơn phước.

PNT.