Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Trường ca bóng tối

Trương Đình Phượng


1.
chỉ còn tiếng thở dài của vách đá linh hồn
với tôi ở đây
những tháng ngày không mầm sáng
bầy chim tình yêu đã bỏ tổ bay đi
chỉ còn bóng tối và những cánh rừng suy tưởng lặng câm
cùng những kẻ hành khất đức tin và những cánh tay tật nguyền
bấu víu vào vầng dương tàn lở loét
chỉ còn những ngôi đền thiêng mục nát
nằm cô đơn dưới tàn lá ung thư
những người đàn bà mót nước từ khoang  giếng cạn
trong tiếng rên rỉ của đám rong rêu
lẫn vào bài ai điếu của gió




ở đây
năm tháng xây chuồng trại ý nghĩ
những gã đàn ông say sưa trò thủ dâm chiến tích
đám trẻ thò lò nước mũi
nằm gối đầu lên chiếc chổi cùn
hồn nhiên tưởng tượng chiếc chổi thần cổ tích


ở đây
chẳng còn ai dám gọi tên nhau
trong những ngày niềm tin khánh kiệt
chăng còn ai đủ can đảm  thắp ngọn đèn khát vọng
trên bệ thờ nòi giống khi mùa xuân tự do bị chém treo ngành!
tháng tám tôi về trong cơn ngủ muộn của phố phường
người ăn mày ca mãi bài ca luân lạc
sương khuya như  nước mắt
âm thầm rơi trên những ngả đường
lạnh vắng.


ở đây
những gã thi nhân say sưa tắm trong bể máu ngôn ngữ
khâm liệm cảm xúc chân thành
lấy nỗi đau đống loại  kết những câu thơ nô dịch


nơi căn phần  của lời hứa hẹn
những cuốn sách chăng đầy máng nhện
và loài bụi lãng quên



dưới những tàn cây rậm
ẩn nấp những con chim ma
ra rả cổ súy cho tội ác trá hình
trong đêm đen
tôi đi như chạy qua những cánh đồng


nhan nhản những xác người vô tội


tôi đi như chạy qua những dòng sông
chất đầy xác những con thuyền đi tìm chân lý
dưới bầu trời đỏ khé những vì sao
tôi nghe dội vào tận cùng tâm não
những tiếng khóc kêu đòi sự thật.




2.



Chúng ta những con cừu sống lắt lay
giữa giấc mơ tao loạn
nghẹn mắt phố phường
như  những kẻ đi trong hoang mê
dưới những buổi chiều
ánh mặt trời đìu hiu chết  trên  thành quách tâm tư tan vỡ



luồng gió xám kéo về từ vùng đất quỷ ma
hãm hiếp những mái nhà


chúng ta
nín thở nghe tiếng chó sủa sau hàng rào gai thép
lẫn trong tiếng trở mình sợ hãi bởi cơn ác mộng của bầy  con trẻ
vọng trong đêm, tiếng mẹ ta than khóc : non sông
giữa bầu trời ngập tràn đói khổ.


những con chuột
chui ra từ cống rãnh tanh hôi
mang theo chết chóc
tuần hành quanh quảng trường
những bức tượng thánh nhân
bị chặt cụt đầu
loài chim bất trắc đậu xuống bờ vai
hót vang những khúc ru địa ngục
những lưỡi câu vô hình được chăng ngang lối vào thành phố
thậm thụt những chiếc xe chở bất công
chạy nhanh qua những con ngõ tăm tối
dãy dài những chiếc ghế
những chiếc đầu ngủ quên
phủ chùm tương lai bằng những manh vải cũ.
đừng gọi tên ban mai , nơi này
hãy để đớn đau và hèn hạ
dâng lên như cơn lũ giữa màn đêm thăm thẳm kiếp người.


3.
tôi đi, với đôi chân của kẻ tha phương trên chính quê nhà
bắt gặp những đàn ong mất tổ
dáo dác bay về phía chân trời vô vọng
tôi hỏi hàng cây bên đường, lối về miền ánh sáng
nơi những mầm non mọc lên từ linh cữu lá úa
chỉ nhận về sự im lặng vô biên.
tôi leo lên ngọn đồi trọc tóc
đợi chờ những con trùn đất âm thầm thắp lửa
ngọn hải đăng chiếu soi lối về cho đoàn ấu trùng
đánh mất linh hồn
chỉ thấy tro cốt tự do
tản mác dưới đòn roi lũ gió bạo tàn.


tôi ghé vào ngôi làng của những khát khao
chỉ thấy những thằng bé đầu trần chân đất
ngơ ngẩn ngồi bên mái hiên  lạnh lẽo
đôi bàn tay sần sùi ôm niềm vui ảo ảnh
những ông chủ thuần hậu
bị những tên đầy tớ trung thành phản bội
bởi lời phỉnh gạt của những gã lái buôn.


kể tôi nghe những câu chuyện về bầy người
bị đuổi khỏi miền đất của tổ tiên
từng thế hệ nối tiếp nhau sống cuộc đời những kẻ lưu vong
những người đàn bà bất chấp ngày mưa tháng nắng
còm cõi bên dòng sông quá khứ
giặt mòn tay tấm áo liệm
cho một dân tộc anh hùng.


những đêm đầy mùi xác chết tình yêu
tôi ngồi trong ánh trăng thổ tả
chờ đợi tiếng còi tàu từ phương xa
về qua con đường linh giác
chở theo những chiếc quan tài
  truyền thuyết “ mùa xuân bình đẳng”
chỉ nghe dội lại sau họp sọ cánh rừng bội ước
tiếng kêu thảm thiết , những con thú vộ tội
và chuỗi cười man dại, những tay thợ săn, đổi lốt thiên thần


dưới ao tù, những con cá, quẫy sặc đám bùn ngàn năm
cuống họng bị thắt chặt bởi những vòng rêu, cưỡng bức
trong chiếc lồng chật chội của thứ thể chế hoang đường
tôi bất lực nhìn đồng loại của tôi, bị xâu như xâu thịt nướng
nhưng không hề có, dù chỉ một tiếng nói, phản kháng
như chỉ còn một sợi dây duy nhất, để tranh giành , lối về
như chỉ còn  một con đường duy nhất, muôn hướng là ngõ cụt
như chỉ còn đặc ân cuối cùng, của chúa, ban cho bầy chiên : cái chết : thiên đàng…
dưới họng súng lật lỏng, tôi nhìn thấy
những tay quỷ dữ, đeo trên tay những ám hiệu
lần lượt đàn áp  những linh hồn yêu chuộng tự do, lên chuyến xe diệt chủng giống nòi
hả hê  lao qua bờ vực thẳm
nơi đang diễn ra trận đấu tố tương lai.


4.


chúng ta những kẻ tù nhân vô tội
bị xích chung thành một hàng dài, miệng ngậm nỗi nhục hờn
lầm lũi bước, con đường ngập ngụa bụi
sân khấu non sông diễn hoài vở kịch phù phiếm
chiều chiều sương đắng cay phủ dày trên mặt sông thời đại
chúng ta buồn bã hát bài ca “ khát vọng làm người”
bên kia bờ biển của thế giới văn minh
đêm đêm những ngọn đèn như ngàn vì sao cháy mãi
bên bờ này của ngày tháng mù lòa
chúng ta như bầy linh cẩu
há miệng tru dài dưới tán rừng thẫm tối
đợi chờ cái chết vô nghĩa ghé thăm.


chúng ta đàn gà dốt nát
hồn nhiên kết bạn với lũ cáo già
quanh quẩn mãi nơi cánh cổng thiên đàng bánh vẽ
có chăng những đôi cánh mọc lên từ tượng gỗ
có chăng những móng vuốt yêu tinh dịu dàng hơn cánh tay người mẹ
hay chỉ những đớn đau hơn ngàn lần vết chém
của những tay đao phủ trá hình
chặt ngang lưng chúng ta giữa một đêm điên cuồng bão tố
khát khao là những ả đàn bà băng huyết
nơi nhà thương đêm mưa tầm tã, bốn phía gió đùa
tiếng khóc hài nhi bị nhấn chìm trong tiếng sấm tang thương
có chăng ngày nụ hôn rạng ngời trên bờ môi tổ quốc
có chăng ngày những đứa con rời khỏi giấc u mê
cùng nhau nhen nhóm lại khoang bếp chất đầy tàn tro an phận
hay chỉ những đường ray mải miết xuyên qua những khu rừng hắc ám
nhầm lẫn tiếng rống của thú dữ, thành tiếng gọi của những người cha?
có chăng loài hoa bác ái mọc lên từ mảnh vườn cằn cỗi tương lai
[nơi vùng đất sự thật mỗi ngày mỗi khan hiếm
như hạt giống tự do lẫn giữa biển cát điệp trùng]
cát không biết nói tiếng nói của tình thương
cát chỉ biết lừa dối và vùi chôn công lý
cát không biết nói lời của loài gió hi vọng


cát chỉ biết đào sâu thêm những nấm mồ
cho bầy cá, những ngày biển ngập tràn độc tố.


5.
ngày chúng ta ra đời mẹ nâng niu chúng ta như viên kim cương trời cao ban tặng
lớn lên chúng ta tự ném mình vào trò chơi rủi may của số phận
mặc cuộc đời xem chúng ta như con xúc xắc
rồi chúng ta hạnh diện hằn thù những người anh em
hả hê nả súng vào những người máu thịt
chúng ta hồn nhiên mặc những kẻ lừa trời bán chúa
bịt mặt và dẫn chúng ta đi hoài trong chiếc lồng tráng lớp sơn khốn nạn
chúng ta từ chối con đường trở về mái nhà yên ấm ngày xưa
chúng ta từ chối cơn mưa
tẩy uế những tháng năm sống hèn sống bẩn
chúng ta từ chối đồng bào
sẵn sàng quỳ gối, liếm gót giày những tên đồ tể trứ danh
sung sướng tụng ca những con đười ươi nói tiếng loài người
như tụng ca đấng nhiệm màu trên chín tầng thiên đàng
chúng ta bỏ mặc những bà mẹ , khóc cạn nước mắt
nơi tận cùng hang sâu niềm tin ruỗng mục
thế kỷ của chúng ta, thế kỷ không có những nhà thơ chết vì sự thật
thế kỷ không có những người đàn bà đẻ ra những mầm xanh
chỉ có những dãy nghĩa trang bất tận
và những người đàn bà chửa hoang
đẻ rơi những gã lưu manh


chúng ta những con dơi đêm
bay ra từ tháp chuông bị bỏ quên
vụng trộm ăn những mẩu thịt thừa trong cuộc chiến phi nghĩa
nơi cánh đồng của sự vô luân.
ôi sao dài thế
bài ca bóng tối
không một kẻ dẫn đường
chỉ những vòng khăn trắng
phải chăng đời chúng ta chỉ là đám tang lớn
diễn ra mỗi ngày
dưới gót giày bầy thú xâm lăng


quê hương ơi
truyền thống bốn ngàn năm xảy thai
không một lời ai điếu.


6.
Tổ quốc ơi
giấc ngủ sao dài hơn mấy mươi triệu đời người
những đứa con sinh ra có miệng không được nói
có mắt không được nhìn
tháng ngày dật dờ đi theo tiếng hô của loài quạ đói


[ai trả lời giùm tôi, câu hỏi
ai trả lời. những đứa em rồi sẽ về đâu
những đứa con vừa mới chào đời
đã cầm trên tay tờ sổ nợ non sông
sẽ về đâu , khi chân lý trôi ngược dòng như rác rưởi]


  ***


những buổi chiều nắng bầm
tôi lang thang một mình trên những ngả đường quê hương chưa kịp liền vết sẹo
bởi vết cấu cào của những đứa con bắt tay bầy ngoại thú
ngày chủ nhật đau thương
còn in hình những chiếc lưỡi bị cắt
trên khung cửa nhà thờ



người đàn ông có bàn tay cụt ngón
dẫn tôi đi qua cánh cổng ngôi nhà mang hình dáng tử cung
những con chó lông xám
đôi mắt chất đầy buồn bã cô đơn
nhìn bóng nằng dần loang trên những tàn lá chết
tựa vạn chiếc đầu bị chém
lủng lẳng treo dưới làn gió vô tình
 
chúng tôi chầm chậm bước dọc hành lang tối
tôi cảm nhận xung quanh
dường như đang khe khẽ vang lên những tiếng thở dài
tê tái
những ngọn đèn như ngàn con ngươi bị móc khỏi tròng mắt
nhỉ ánh sáng xuống mảnh vườn thinh lặng đến vô biên
  chúng tôi dừng lại
trước những ngôi mộ
người đàn ông cầm đèn soi lên từng mặt tấm bia
tôi nhìn rõ những hàng chữ đã bị nắng mưa làm nhòe
Tự do
Hạnh Phúc
& sự thật
những chân hương đã phủ đầy rêu
dường như đã lâu chốn này chẳng có người thăm viếng
người đàn ông lặng lẽ châm nhang
trao cho tôi và nói:
“hãy nói lời sau cuối với quê hương”
chúng tôi khấn thầm trong bóng tối
những giọt lệ đắng cay như muối xát
người đàn ông lại dẫn tôi đi
đến cuối con đường
tôi nhìn thấy một bức tường loang lổ
vẽ bức tranh những kẻ bị hành hình
“anh bạn biết chăng
đó là những người trẻ tuổi
họ đã chết vì Tương Lai trong một buổi xuống đường…
tôi lần tay theo từng nét bích họa
tim đau nhói như có ngàn mũi kim châm
bóng tối dày đặc thêm trộn lẫn sương mù
khắp khu vườn lần lượt vang lên tiếng  khóc ai bi.



***


tôi đã bỏ chạy những giấc mơ ma quái
cố tìm cho mình một giấc ngủ bình yên
trên chiếc giường ghi hai chữ “ tầm thường”
nhưng ngày tháng lạnh lùng trôi
tôi chẳng thể biến thành lũ tượng đá
đứng ngạo nghễ
nơi những miền đất đầy rẫy dối lừa
và bất công mọc lên như loài nấm độc.


7.


có bao giờ bạn hỏi
vì đâu chúng ta phải cúi đầu
vì đâu chúng ta phải cười tươi
khi bưng từng bát máu nhân dân
uống ngon lành như uống mật ong?
có bao giờ bạn hỏi
vì sao chúng ta phải đi quỳ
khi mẹ dạy chúng ta hãy đứng vững bằng đôi chân mạnh mẽ
những giấc mơ thì bay về nẻo vắng
những nỗi đau lại giăng mắc khắp bầu trời
tại sao chúng ở trong những ngôi nhà ông cha để lại
mà như những con chó
bị nhốt chung trong một chiếc lồng
có rất nhiều dây thòng lọng
chỉ cần chúng ta ho he
sẽ bị lũ đầy tớ thắt ngang cuống họng
cho máu trào ra thất khiếu
rồi chúng sung sướng cười
như vừa làm xong một việc tốt cho chúa.


nếu ngày mai tôi chết
chắc là chẳng ai khóc
cũng như bạn ra đi
chẳng kẻ nào thèm nhớ
nhưng hôm nay đây
chỉ cần tôi còn thở
nghĩa là tôi còn sống
nước mắt tôi vẫn còn phải chảy
quê hương mệt mỏi quá rồi bạn ơi
bầu vú mẹ non sông
đã bị những đứa con khốn nạn
vắt đến giọt sữa cuối cùng


mưa có về không
thiêu trụi mấy mươi mùa hạn hán
quê hương ơi
bao nhiêu triệu kiếp người mãi đắm chìm trong giấc ngủ. !!!!