Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2019

Văn nghệ sĩ Trung Hoa phản kháng

Trọng Thành (RFI)

Kiến và Giấc mộng Trung Hoa

Trong mùa sách văn học đầu năm 2019 tại Pháp, có một cuốn rất được chú ý: Tiểu thuyết “China Dream / Giấc mộng Trung Hoa”, phiên bản tiếng Pháp, của nhà văn Mã Kiến (Ma Jian), ra mắt hồi tuần trước. Nhà văn Trung Quốc đề tặng cuốn sách này cho George Orwell, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị, mang tựa đề “1984”. Theo Mã Kiến, George Orwell đã “dự báo hết” về xã hội Trung Quốc đương đại.

clip_image002

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết trào phúng của Mã Kiến là Mã Đạo Đức (Ma Daode) một viên chức của đảng thuộc bộ phận được gọi là “Ủy Ban Quản Lý Giấc Mộng Trung Hoa”. Nhiệm vụ của cơ quan đặc biệt này là tìm cách xóa khỏi đầu óc mọi công dân Trung Quốc “những giấc mơ và những kỷ niệm xấu về quá khứ”. Điều trớ trêu ở chỗ là chính cán bộ đảng này cũng thường xuyên bị ám ảnh bởi các ác mộng thời Cách mạng Văn Hóa. Bởi, trước khi làm được nhiệm vụ tẩy não những người khác, ông ta phải tự tẩy chính não mình.

Nhà văn Mã Kiến, nhân vật trong câu chuyện Giấc mộng Trung Hoa của ông và Tập Cận Bình có một điểm chung, họ đều lớn lên trong Cách mạng Văn hóa. 50 năm sau, Mã Đạo Đức đảm nhận sứ mạng tuyên truyền cho một Giấc mộng Trung Hoa vĩ đại. Cùng lúc đó, ông ta phải đối mặt với những bóng ma của quá khứ, với cha mẹ quá cố mà ông ta đã phản bội, với việc tôn sùng Mao, kẻ gây ra bao tội ác. Mã Đạo Đức đứng trước ngã ba đường: chôn vùi quá khứ hay tái tục các sai lầm của quá khứ đều dẫn đến thảm họa.

clip_image004

Theo nhà văn Mã Kiến, sống lưu vong tại Anh từ cuối những năm 1990, lịch sử của Trung Quốc sau năm 1949 đã bị đảng Cộng Sản viết lại hoàn toàn. Đó chính là công cụ giúp cho chế độ “tẩy não” toàn dân, và thế vào phần não trống là một lịch sử được viết theo lập trường của đảng, là những tuyên truyền về một “Giấc mộng Trung Hoa” mới.

Giống như các tiểu thuyết trước đây (Hồng Trần, Bắc Kinh Coma hay Dark Road), cuốn “Giấc mộng Trung Hoa” của Mã Kiến bị cấm tại Trung Quốc. Tác phẩm của nhà văn lưu vong cho thấy đằng sau khẩu hiệu Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình là bao nhiêu cuộc thảm sát, đàn áp khốc liệt, từ Cách mạng Văn Hóa cho đến Thiên An Môn...

Chuyến đi giới thiệu tiểu thuyết mới của ông tại Hồng Kông hồi tháng 11/2018 suýt lỡ dở, do trung tâm nghệ thuật Tai Kwun, nơi tổ chức Liên hoan sách quốc tế, từ chối tiếp. Nhiều người đoán chắc có bàn tay của Bắc Kinh.

Mã Kiến bắt đầu đến với công chúng ở phương Tây vào năm 1993, với tập truyện ngắn “Người ăn xin ở Shigatze”, dựa trên những trải nghiệm của ông ở Tây Tạng. Chính tập truyện khiến ông bị bắt vào năm 1983, và buộc phải tha hương. Tại Việt Nam, tác phẩm của Mã Kiến gần như không được biết đến. Một số truyện ngắn của Mã Kiến như “Kẻ ruồng bỏ” hay “Lễ quán đỉnh” được dịch và đăng trên trang mạng văn học hải ngoại Tiền Vệ.

Tượng Vương Khắc Bình: Tình yêu gỗ và vết thương nửa thế kỷ

Nói đến nghệ thuật phản kháng đương đại tại Trung Quốc, bên cạnh Ngải Vị Vị, không thể không nhắc đến Vương Khắc Bình (Wang Keping), một trong những người tiên phong trong nghệ thuật khai phóng tại Trung Quốc cuối những năm 1970. Chế độ cộng sản Trung Quốc không dung thứ ông. Nhà tạc tượng họ Vương phải sống lưu vong tại Pháp từ năm 1984, quê hương của Rodin, của Brancusi, nơi ông tiếp tục phát triển phong cách sáng tác độc đáo của mình.

Nhà làm tượng Vương Khắc Bình và ảnh chụp bức "Im lặng". Ảnh: Wikipedia

Coi gỗ như một “vật thể sống”, Vương sáng tác cùng với gỗ, chứ không phải tạo ra các tác phẩm bằng gỗ, như quan niệm chủ đạo ở phương Tây. Một loạt các tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ Trung Quốc được trưng bày tại Galerie Nathalie Obadia, Paris, từ ngày 9/9 đến 29/12/2018. Sau đây là phóng sự của nhà báo RFI José Marinho về triển lãm “Sculptures sculptées”:

Gỗ là vật liệu mà ông ấy ưa thích nhất. Vương Khắc Bình tự nhủ ông là một nghệ sĩ dùng đôi bàn tay của mình mài dũa gỗ để tạo nên các tác phẩm điêu khắc trừu tượng. Thô mộc và nguyên sơ, gỗ chuyển tải minh triết và thấm đượm tinh thần gợi dục tinh tế.

Vương Khắc Bình nói: ‘‘Khi tôi chạm tay vào gỗ, ngay lập tức tôi cảm thấy linh hồn và sức sống bên trong. Gần giống như là cảm giác khi tiếp xúc với cơ thể của phụ nữ. Bởi gỗ là một vật liệu đầy nhục dục. Khi tôi làm các bức tượng, tôi thực sự có cảm giác là tượng trở nên sống động và gỗ biến thành xương thịt. Nghệ thuật phải mang một yếu tố tâm linh và chuyển tải rất nhiều nhân tính. Con người tôi không thay đổi, trong tôi luôn có nhiều phẫn nộ’’.

Vương Khắc Bình không chỉ là một nhà tạc tượng. Ông hóa thân mình vào các tác phẩm, ví dụ như ‘‘Im lặng’’ (sáng tác năm 1979). Một bức tượng hình đầu người, miệng mở to, nhưng bị một chiếc ống hình trụ nút chặt. Bức tượng nổi tiếng của ông chống lại hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc cuối những năm 1970.

Vào thời điểm đó, tại Bắc Kinh có cuộc triển lãm của nhóm ‘‘Tinh Tinh’’ (tức ‘‘Những vì sao’’). Đây là cuộc trưng bày đầu tiên, sớm nhất trong lịch sử ‘‘nghệ thuật tự do’’ đương đại tại Trung Quốc.

Nhà đối kháng Vương Khắc Bình, thân với nghệ sĩ Ngải Vị Vị, là người chống chủ nghĩa xu thời trong nghệ thuật đương đại. Ông nhận xét: ‘‘Có nhiều triển lãm nghệ thuật đương đại Trung Quốc, mà tôi không tham dự… Đối với tôi, nghệ thuật đương đại tại Trung Quốc thường sử dụng các kỹ thuật của phương Tây và thêm vào đó là những nhãn hiệu Trung Quốc. Bằng các tác phẩm của mình, tôi phản đối cách làm nghệ thuật đã trở thành mốt này’’.

Vết thương của lửa đã mang lại cho gỗ trong các tác phẩm điêu khắc của Vương Khắc Bình một sắc đen ố màu thời gian. Sắc đen ấy là sự biểu lộ ra ngoài vết thương lòng cháy bỏng của nhà nghệ sĩ, sau 34 năm sống tha hương, vẫn không nguôi đau đớn”.

Về phong cách của Vương Khắc Bình, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Bertrand Lorquin nhận xét: “Giữ lại những hình thức tồn tại đã có (của chất liệu gỗ để sáng tác) là một thách thức với một nhà điêu khắc, muốn từ đó một lần nữa sáng tạo nên những hình hài và biểu tượng mới. Đó là một phương pháp đầy chất thơ, nhưng đúng hơn là một mối quan hệ với vũ trụ khác hắn”.

Khi tiếp xúc với những tác phẩm của Vương như Cặp đôi, Đêm, Giản dị hay Âm và Dương…, ta như nhận được cái hơi thở ấm áp của sự sống. Ấm áp đơn sơ khiến có một cái gì đó trong ta hồi sinh.

Màu đen chết chóc: Nỗi đau của dân – nỗi sợ của Bắc Kinh

Nhiếp ảnh gia Trung Quốc nổi tiếng Lô Nghiễm (Lu Guang) mất tích hồi đầu tháng trước, khi có mặt tại Tân Cương, khu vực tự trị miền viễn tây, nơi chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành chính sách đàn áp khốc liệt nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, theo đạo Hồi, chủ nhân lâu đời của xứ sở. Ngày 14/12, công an Trung Quốc chính thức thừa nhận đã bắt ông Lô Nghiễm, một tuần sau khi vợ nhà nhiếp ảnh khẳng định ông bị bắt giam.

Theo vợ của Lô Nghiễm, chồng bà đến Tân Cương là để thăm quan vùng đất này, gặp gỡ những người yêu nghề nhiếp ảnh. Về khả năng ông Lô tiếp cận Tân Cương để chụp ảnh về các trại giam người Duy Ngô Nhĩ bị quốc tế lên án, người vợ phủ nhận, và cho biết ông không hề nói với bà về kế hoạch này, và chủ đề ông quan tâm hơn hết là môi trường và ô nhiễm.

Ông Lô Nghiễm ba lần được trao giải thưởng nhiếp ảnh cao quý “World Press Photo”. Màu đen chết chóc bao phủ hầu hết các bức ảnh của Lô Nghiễm. Cá chết nổi trên những dòng sông ô nhiễm đen đặc, mây mù khói độc đen xám bao phủ đường xá, hay công nhân mỏ than, trẻ nhỏ mặt mũi đen ngòm…

clip_image007

Ảnh Lô Nghiễm. Ảnh chụp màn hình.

Lô đã dọc ngang Trung Quốc từ những năm 1990 để đưa vào ống kính những thảm họa sinh thái kinh hoàng, ít ai hình dung được. Người công nhân coi chụp ảnh như một đam mê năm nào chắc khó lòng tưởng tượng được ít năm sau đó, ông đã trở thành người phơi bày không khoan nhượng những mặt trái của chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, của chế độ chính trị coi tính mạng người dân rẻ như bèo.

Lô Nghiễm đến Tân Cương để làm gì? Dù ông không dự kiến chụp cảnh người Duy Ngô Nhĩ trong trại tập trung, chỉ riêng sự hiện diện của ông đã khiến chính quyền lo sợ. Lãnh đạo khu tự trị Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) hiện nay cũng chính là bí thư đảng tỉnh Hà Nam (Henan) đầu những năm 2000. Vào thời điểm đó, những bức ảnh của Lô Nghiễm về các nạn nhân thảm kịch “máu nhiễm virus Sida” ở tỉnh Hà Nam, khiến hàng nghìn người chết, gây chấn động. Chính quyền vào thời điểm đó đã tìm mọi cách bóp nghẹt vụ này.

Màu đen hy vọng

Những bức tượng đen ố màu thời gian với vết thương lòng hơn nửa thế kỷ. Màu đen của những bức hình soi rọi những cảnh khốn cùng, những mặt khuất của Trung Quốc tăng trưởng thần kỳ - đầu tầu kinh tế thế giới. Màu đen của những bất hạnh tột cùng, khó bút nào tả xiết ấy cũng là màu đen mang hy vọng. Bởi trong đó có lửa.

Image result for "Trẻ em một gia đình tại khu Nội Mông, di cư từ Ninh Hạ"

Trẻ em một gia đình tại khu Nội Mông, di cư từ Ninh Hạ. Ảnh Lôi Nghiễm chụp năm 2012. Ảnh chụp màn hình.

Ngọn lửa đau đớn – ngọn lửa phẫn nộ – ngọn lửa chiếu rọi màn đêm của kiểm duyệt, của phương pháp ngu dân để trị, của chế độ độc tài - toàn trị. Những kẻ lãnh đạo toàn trị thường xuyên lo sợ và luôn tìm cách dập tắt. Một nền độc tài - toàn trị chỉ có thể tồn tại khi người dân nín lặng, khi tăm tối ngự trị lòng người.